Chương 4: Cố nhân viếng!


Thuận Thiên năm thứ sáu (1433)


Ngày 22 tháng 8 sao chổi mọc ở phương Tây, trời xanh đổ lệ, Thái tổ Cao hoàng đế băng ở chính tẩm, trời Nam phủ màu tang thương tiễn minh quân về thế giới “Người Hiền”.


Mùa thu, tháng 9 ngày mồng 8 thái tử Nguyên Long lên ngôi Hoàng đế, đại xá, đổi niên hiệu lấy năm sau làm năm Thiệu Bình thứ nhất cũng từ đây tiếp tục gìn giữ cơ nghiệp tiên đế để lại.

*******

Lễ đăng cơ của hoàng đế


Mùa thu, ngày mồng 8 tháng 9,


Từ tờ mờ sáng, điện Phụng Thiên đã được trang hoàng tươm tất, kính lễ. Các quan đại thần đã vào chầu từ rất sớm. Ai nấy cũng cân đai áo mão chỉnh tề, tay cầm tờ biểu chúc mừng đứng dạt sang hai bên tả hữu. Trên bệ cao điện Phụng Thiên là ngôi báu uy nghi, lộng lẫy. Tiết trời vào thu tháng chín dịu nhẹ, thanh mát.

Thái tử Nguyên Long tuổi tuy còn nhỏ nhưng vai trái gánh non sông, vai phải gánh trăm họ, mình khoác áo bào ngồi trên nghi trượng tiến vào cổng Phụng Thiên. Người đánh roi tiếp rước hoàng đế cũng cầm roi đánh mạnh xuống trước của Phụng Thiên thét dẹp đường. Nơi nào bước chân vua đi qua cũng trở nên nghiêm trang khác lạ. Vì Thái tổ vừa băng nên không khí lễ đăng cơ cũng trầm lắng, các vật trang trí điện cũng tuân theo màu sắc vừa phải nhã nhặn mà vẫn tôn nghiêm để không làm mất cái “hiếu” của vua nhưng cũng không phai màu cái “uy” của hoàng đế. Vua tuổi vừa mười một, dáng người trẻ con thấp bé nhưng khoác Cổn phục lên người lại đường hoàng, uy nghi. Vua chậm rãi từ cửa Phụng Thiên tiến vào điện, tả hữu hai bên nhác thấy bóng vua cũng cúi người hành lễ bái, cổ không ngước lên mắt không nhìn ngang, tay cầm biểu chúc hướng về phía trước. Vua mặc Cổn long, sắc áo đen tuyền với năm chương trên áo thêu kết tinh xảo. Mỗi bước vua lướt qua hai cánh tả hữu, chỉ cần thần tử chớp mắt cũng dễ dàng đập vào mắt hình ảnh: rồng, núi, chim trĩ, lửa, tôn di trên áo. Đặc biệt hình ảnh tôn di với các đường nét tinh xảo càng hiện rõ chữ “hiếu” của vua. Xiêm cam rực rỡ ẩn dưới sắc áo Cổn long đen tuyền cũng được thêu kết tinh xảo với bốn chương: rau tảo, gạo trắng, phủ, phất. Vua một bước rồi một bước tiến dần đến ngôi báu, theo sau là Cố mệnh đại thần Lê Sát vâng cố mệnh vịn ngai vàng. Lê Sát mình mặc áo tía chân mang hài tích ung dung tiến vào. Vua đi đến chín bệ, yên vị trên ngai vàng thì Lê Sát cũng đứng nép sang bên cánh tả, vị trí đầu lắng nghe Nguyễn Trãi tuyên đọc sách chỉ…

****

Thiệu Bình năm thứ nhất (1434)


Côn Sơn cảnh trí thanh bình, tùng cúc tươi xanh, suối reo trong vắt thật khiến cho người làm trai đứng giữa trời đất cũng phải thẹn hai chữ công danh mà gạt bỏ, đem thân mình trở về với núi song, ngắm Côn Sơn dệt mình trên hai chữ “giang sơn”. Nguyễn Trãi ngồi nhàn trên bàn đá, nhúng tấm thân Nho sĩ vào giữa cảnh sắc Côn Sơn nhâm nhi chén trà nhạt, lắng tai nghe tiếng suối Côn Sơn luồn mình lách qua từng kẽ đá, mắt nhắm hờ tựa như ngủ lại như nghĩ ngợi xa vời.


- Côn Sơn cảnh đẹp, quan lớn có vẻ vui thú chứ hả?


Đang chăm chú thưởng trà, Nguyễn Trãi bất giác bị một giọng nói cao, vang vừa quen vừa lạ chen vào trong tai như một nốt thăng giữa bản nhạc trầm của Côn Sơn làm lay động. Người đến thiện ý nên dù có lay động Nguyễn Trãi cũng không mấy lo lắng chỉ thong dong nhìn theo hướng phát ra âm thanh, khoan thai đứng dậy chắp tay tiếp rước. Người đến tuổi cũng đã lão, dáng vẻ ung dung lại có mấy phần hào sảng, cốt cách nông gia nhưng vẻ bụi bặm chất phác lại tạo cảm giác thiện lương hơn mấy bậc.


- Hiếm thấy. Hôm nay thân nho sĩ được tiếp rước quý nhân. Nhà nho hàn vi, chỉ có một hồ rượu trắng tiêu niềm trần tục chẳng hay có làm bợn tấm lòng Ngô Thái bảo?


Khách nghe Nguyễn Trãi buông mấy lời đạo mạo thì vội vã xua tay lắc đầu:

- Ôi thôi ôi thôi! Tôi với ông là chỗ quen biết cũ, khách sáo làm chi mấy chuyện tiếp rước cho rình rang. Huống hồ chi lão nông dân như tôi biết gì mấy chuyện lễ giáo chữ nghĩa, ông Trãi đâu cần nhọc lòng. Cứ một chén trà nhạt… - vị khách vừa nói vừa đưa mắt nhìn lên cái bàn đá đã bày biện sẵn một bộ trà thì ngưng lại chốc lát rồi tiếp lời – Đây, nhà đã sẵn trà, cứ vậy mời nhau một chén. Ông việc chi phải khách sáo.


Vị khách nọ vừa xong câu nói đã xắn ống tay áo, đặt túi tay nải lên bàn rồi thong dong ngồi xuống ghế, nhanh tay cầm lấy chén trà trống không kéo về phía mình. Nguyễn Trãi đứng cạnh bên thấy khách quý tự nhiên như phỗng cũng không câu nệ thêm lễ nghĩa, ung dung ngồi xuống nhanh tay đỡ lấy ấm trà. Sờ lên thân ấm thấy trà có phần nguội lạnh Nguyễn Trãi vội giữ ấm trà về mình, lời lẽ kính cẩn:

- Khách quý phương xa đến thăm, tôi phận chủ nhà cũng không dám coi nhẹ việc lễ nghĩa. Dù biết khách tấm lòng rộng lượng nhưng tôi thân là kẻ sĩ, lấy lễ làm đầu lẽ nào vì cớ khách rộng rãi mà tự xem nhẹ cái lễ mình đã học hay sao?! Trà thơm đãi khách quý, chén trà nóng lạnh thấy ra tấm chơn tình biệt đãi. Hôm nay khách quý ghé thăm mà trà trên tay vơi đi mấy phần nóng là do tôi khinh suất chăng? Thái bảo đường xa mệt nhọc, chi bằng ngồi đây nhìn Côn Sơn mà vui thú cho tôi được thêm chút thời gian hãm ấm trà nóng thể hiện tấm lòng với bạn cũ.

- Thôi thôi! Ông lại quá lời. Đã nói là chỗ quen biết cũ, trà nóng hay nguội có thể vơi được tấm lòng quý trọng của tôi với ông hay sao? Hơn nữa, Ngô Từ tôi là kẻ dân dã, không uống bao nhiêu thùng mực ăn bao nhiêu trang sách như các bậc Nho sĩ như ông nên nào để bụng mấy chuyện lễ nghĩa phép tắc. Bạn cũ ghé thăm cốt ở tấm lòng… Ông Trãi ngồi xuống đây nói chuyện cho tôi vơi cái lòng nông gia đi, cứ chần chừ trà nước chi cho thêm mất thời giờ - vị khách gìà vừa nói vừa đẩy chén trà không tiến về trước, mắt đăm đăm nhìn lên ấm trà còn đang nằm gọn trong tay Nguyễn Trãi, trỏ tay mình vào bình trà giọng khẳng khái -  Này, rót trà cho tôi đi chớ!


Nguyễn Trãi mắt thấy khách tỏ ý muốn dùng trà, tai nghe tiếng khách thúc giục cũng không dám nề hà lễ nghĩa. Đạo ở đời, lễ nghĩa là điều tạo nên cái danh thơm của nhà nho nhưng bạn cũ quý nhau cốt ở tấm lòng. Lòng của bạn cũ đã không nề hà mấy chuyện nghi lễ, thân nho sĩ cũng không dám làm trái ý của người để tỏ lòng quý trọng. Rót một chén trà đã nhạt dần hơi nóng cho Ngô Từ xong, Nguyễn Trãi cũng từ tốn chỉnh lại trang phục, ung dung uống nốt chèn trà còn dang dở, chăm chú nhìn Ngô Từ đang đắc ý hớp một hơi cạn sạch chén trà kia. Chờ cho trà đi qua cổ họng, Trãi mới bắt đầu hỏi chuyện:


- Thái bảo có ngại cho Trãi hỏi một lời? Chẳng hay hôm nay ghé qua là vì lòng quý trọng bạn cũ, nhớ thuở hàn vi ngày trước muốn cùng Trãi phiếm chuyện trà dư tửu hậu hay còn cớ sự gì mà Trãi tôi buộc lòng phải biết mới khiến cho Thái bảo dù tuổi lão cũng phải bôn ba? Tôi thân nho sĩ nhưng cũng có cái trí của người làm quan nên dù ở nơi núi cao nước biếc cũng thấm qua mọi sự ở đời mới dám bạo gan hỏi thẳng, phần vì cũng xem Thái bảo là chỗ quen biết nên lời ngay cứ tùy ý mà nói. Nếu quả thật có sự cấp thiết phải gặp nhau nói rõ thì nhân cớ gặp này xin Thái bảo một lời nói cạn cho Trãi tôi còn kịp thu xếp tấm lòng cạn tỏ với non sông.

- Ông Trãi nói lời dạy của Nho sĩ, tôi thân nông gia nghe tuy không hiểu hết nhưng cũng biết đoán ý của ông. Tôi dân dã thôn quê, lời ngay ý thẳng nên có việc thế nào cứ nói thế ấy, chỉ cốt ở tấm lòng chứ không biết “học ăn học nói học gói học mở” như người ta. Nói thật với ông, hôm nay tôi ghé qua là có hai việc: trước là thăm bạn cũ, sau là nói chuyện cái chí Nho sĩ lại muốn thú Côn Sơn của ông đấy.

- Chí Nho sĩ gì cũng chẳng qua là mấy lời người đời dùng để nói mỉa mấy kẻ học vóc vài chữ lại ham thói công danh cứ thích mang thân nhúng vô cái chỗ vướng bụi thanh vân chứ Trãi tôi cũng chỉ có một kiếp đời tầm thường giữa thời loạn ly vừa may mới dứt can qua này thôi. Hôm nay, Tiên đế cũng đi xa rồi. Tân đế lên ngôi lại tiếp tục nối nghiệp Tổ tông, mở ra một màu sắc mới. Côn Sơn của tôi hôm nay lại được dệt mình yên ả trên giang sơn gấm vóc thì phúc lắm thay. Tôi về với quê hương thưởng chén trà nhạt mà cũng thấy vui cái thú thanh nhàn.

Ngô Từ nghe mấy lời nhẹ tựa gió thoảng của Nguyễn Trãi rót vào trong tai, đôi mắt già cũng thêm phần nghĩ ngợi; hai hàng chân mày nhíu chặt lại thành một đường kẻ nhỏ gom ấn đường vào trong, chật hẹp. Lòng của Nho sĩ, kẻ nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời như Ngô Từ có lẽ không hiểu nhưng ở cái tuổi đã lão mắt mờ tay run thì trái tim lại tự nhiên sáng hơn hẳn. Từ nhìn Trãi hồi lâu, nhấp thêm ngụm trà, thả hơi thở vào không trung, buông giọng nặng nề:

- Hôm Tân đế lên ngôi dáng người thấp bé trẻ con, tuổi vừa mười một mà mình khoác long cổn, thân ngự ngai vàng chín bệ ngôi cao… Tôi nhớ nhiều lắm ông Trãi. Tôi nhớ hồi Tiên đế cũng tuổi bệ hạ bây giờ, tôi may mắn được theo hầu chăm sóc nên cũng vừa khéo thấy được cái chí nhơn của Tiên đế. Bây giờ đến bệ hạ. Cũng tuổi đó cũng tài cao, vai gánh núi sông… nghĩ cũng mừng cho Đại Việt mừng cho họ Lê có người tài canh giữ quan san. Tôi á hả… tuổi cao rồi, ngày tháng còn sống cũng như đèn treo trước gió mà cái thân nông gia thì cũng chẳng biết được bao nhiêu chuyện non với nước. Nhưng con mắt của lão Từ cũng chưa hẳn là không thấy đường… hôm vua lên ngôi Cổn phục màu lông chuột uy nghi tột bậc nhưng cái màu hài tích đỏ của Đại tư đồ Lê Sát coi vậy mà cũng chói mắt quá. Sợ làm… lu mờ luôn màu áo rồng.


Từ nói đến đây, giọng có mấy phần đứt quãng. Trãi nghe, trong lòng dường như cũng vài phần phức tạp, đôi tay già cỗi đang đặt trên bàn cũng vô thức chuyển động mấy đầu ngón tay gõ lên bàn tuy vô thanh nhưng dường như cũng gõ ra được một nỗi lo mà bấy lâu Trãi canh cánh trong lòng. Hai người tuổi lão đối mắt trên bàn trà, im bặt. Rừng trúc Côn Sơn cũng theo tiếng gió đồng loạt phát ra những tiếng âm thanh hỗn độn, rối lòng.


- Ông cứ bảo bản thân đã già. Nhưng con mắt cũng còn sáng quá. Xem chừng hôm nay ông không cho Trãi tôi hưởng thú thanh nhàn rồi phải không?

- Ông Trãi không như Ngô Từ này. Một kẻ nông dân chân lấm tay bùn hơn nửa đời người lại may mắn gặp được minh quân, vịn theo vạt áo rồng mà được chút danh chứ thực tài thì chẳng có. Dù cho có lòng với núi sông cũng hổ thẹn thân mình bất lực ông Trãi à!

Nguyễn Trãi rũ đôi mắt nhìn dáng vẻ thong dong của Ngô Từ ẩn sau bộ quần áo dân dã, đôi mày chợt nhíu lại tựa hồ như lo lắng; nhưng rồi cũng nhanh chóng giãn ra, dời đôi mắt lên chén trà đã vơi của Ngô Từ, nâng tay áo rót thêm trà cho khách, từ tốn giãi bày:

- Đạo làm “quân” lấy dân làm gốc. Tuy nói thân bề tôi lấy vua làm bậc tôn kính, theo vua phụng sự nhưng chung quy cũng đều vì cái đích “lấy dân làm gốc” mà ra. Dân ấm no tức là vua anh minh. Vua anh minh cũng có nghĩa là thần tận trung. Mà dân quan trọng là no cơm ấm áo, có thực mới vực được đạo. Dân có cái ăn, non sông mới bền vững lâu dài. Tiên đế thông tuệ từ lâu đã biết cái đói tạo nên dân phản, cái no mới có dân an nên Lũng Nhai quyết chí lập thề, dấy binh khởi nghĩa để đổi cho dân một cuộc sống ấm no. Lòng của tiên đế sâu như đại dương, sáng như mặt trời nên biết rõ những bậc nông gia như ông là tiếng nói của dân, là lời của “cái gốc” nước nhà. Chẳng phải năm đó khởi nghĩa quân binh có lương thực cũng từ một tay các bậc nông gia như các ông mà ra hay sao. Vậy sao nói là ông chỉ có danh không có thực tài được. Cái tài của các ông chẳng phải nắm hết cái bụng của thiên hạ rồi sao? Ha… ha…

- Lâu rồi không nghe ông Trãi đùa, suýt chút nữa tôi đã quên cái tính thẳng thắn của ông thích nói đùa như thật rồi đấy. Ông Trãi về với Côn Sơn coi bộ cũng như cá gặp nước, định vui thú quên sự đời sao ông?

Nghe Ngô Từ nhắc đến mấy chữ “vui thú quên sự đời” đôi đồng tử của Nho sĩ bất giác đảo lên cảnh vật trước mắt, từ những nhánh cây tùng đến những hàng cúc đang thay nhau ngả mình trong cảnh sắc Côn Sơn rồi đến từng phiến đá tĩnh lặng như lòng Nho sĩ và cả những dòng suối trong vắt như hồ rượu trắng tiêu miền trần tục – lòng Nho sĩ lại dợn lên từng đợt sóng ngầm. Tự xưa, Nho sĩ một đời dùng chí trai bảo gia hộ quốc đã xác định đóng chặt lên vai hai chữ sơn hà nhưng hôm nay lại lấy câu "vui thú quên sự đời" tự mình thỏa chí khác nào anh hùng mạt vận để người cười khinh.


Trãi rũ ống tay áo, chắp tay ra sau từ tốn đứng dậy hướng mặt vào khoảng không dịu vợi, lưng vẫn thẳng tắp hướng về chỗ Ngô Từ giọng từ tốn:

- Tôi vốn con cháu nhà Băng Hồ tiên sinh[i]. Cha lại là hiền tài nên từ khi tôi hiểu chuyện, trí óc đã định sẵn dùng để làm tôi tớ cho dân. Hôm nay danh thơm tuy có nhưng chưa đủ. Tài tuy có dốc sức nhưng tấm lòng vẫn chưa được soi tỏ mà đã tự mình về Côn Sơn vui thú thì dù không thẹn với lòng cũng tự thấy xấu mặt với dòng dõi danh gia, là kẻ dối trá với từ thân.

Ngô Từ không đáp, lẳng lặng rót cho Nguyễn Trãi một chén trà, rót thêm cho mình một chén nữa rồi thong thả cầm hai chén trà lên, tiến đến bên cạnh Nguyễn Trãi mời trà. Nguyễn Trãi cúi người đón chén trà, chờ nghe. Ngô Từ không vội, thản nhiên nhấp thêm một ngụm trà, vẫn giữ dáng vẻ thoải mái vừa cười vừa nói:

- Đấy. Tôi nói có sai đâu nào. Ông Trãi vẫn là ông Trãi. Non sông chưa yên ổn thì cái vai già của ông làm gì chịu yên.

- Ngày nào Ngô Từ còn đến Côn Sơn thì ngày đó cái vai của tôi vẫn còn nặng lắm. Ông nào để tôi thảnh thơi chứ.

- Khà khà, rốt cuộc bị ông nhìn thấu rồi. Biết tôi đến đây là tìm người về cho bệ hạ!

Nguyễn Trãi ngưng tai nghe Ngô Từ cười, nghi thái an định. Đợi Ngô Từ cười xong thì nhăn vầng trán, tay nắm chặt chén trà, giọng điềm nhiên:

- Đông Kinh… có chuyện gì?

Ngô Từ nghe hỏi cũng không còn cười nữa, gương mặt cũng thay đổi biểu cảm, thở một hơi mạnh vào tầng không, đáp trong không khí:

- Tham quyền cố vị, vua tôi khiếp sợ.



[i] Băng Hồ tiên sinh là ông ngoại của Nguyễn Trãi, tên thật là Trần Nguyên Đán. Ông là tôn thất nhà Trần, dòng dõi Chiêu Minhh vương Trần Quang Khải. Làm quan Tư đồ các thời vua Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Phế Đế, tước Chương Túc quốc Thượng hầu. Ông có người con gái tên là Trần Thị Thái đưược gả cho Nguyễn Ứng Long (tức Nguyễn Phi Khanh – cha ruột của Nguyễn Trãi).


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}