Chương 2: Kim Ngư Đại


Ngoại thành Đông Kinh


Giờ Dần[1]


Rừng đêm tịch mịch, trăng mờ sao thưa. Bầu trời đêm mị hoặc, yên tĩnh như chân dung mỹ nhân trong các bức tranh thủy mặc[2]. Mỹ nhân dịu dàng thích mặc áo lĩnh [3]đen tuyền với đôi tay áo rộng phủ trùm vạn vật, che luôn cả những bóng người chạy trong đêm tối. Bôn tẩu trong đêm, sương rơi lạnh dày, tiếng thú hoang thay nhau gầm rú cũng không đủ lấp mờ tiếng mống ngựa đang nện đều trên nền đất. Cỗ xe hoàng ốc tả đạo lướt dặm rừng khuya, xé ống tay áo mỹ nhân một mạch lao ra khỏi rừng, đi thêm một đoạn thì dừng lại. Phu xe nhanh chóng nhảy xuống xe, dáo dác đưa mắt nhìn xung quanh cho yên tâm rồi mới cầm cái lồng đèn được treo ở đầu xe lên, thắp sáng; nép người sang một bên, cúi đầu hành lễ mời người bên trong bước xuống.



Một thiếu phụ tuổi ngoại tứ tuần, gương mặt xinh đẹp từ trên xe bước xuống; kỳ lão theo sau thiếu phụ, dáng dấp ung dung. Đôi vợ chồng lệch tuổi này vừa bước xuống xe thì cẩn thận chỉnh trang váy áo. Thiếu phụ vuốt gọn mái tóc dài đang xõa ngang thắt lưng, nhẹ nhàng chỉnh lại cổ áo, vuốt thẳng dải lụa mỏng trên eo - tươm tất. Kỳ lão phủi sạch hai ống tay áo, chỉnh lại ô sa rồi quay người về phía cửa xe, cung kính cúi người đứng đợi. Thiếu phụ đứng sau lưng chồng cũng cung kính cúi thấp đầu im lặng đứng chờ. Một bàn tay ngọc từ trong xe ngựa đưa ra vén bức mành. Tấm mành vừa vén khéo đã để lộ ra một bóng thiếu phụ trẻ tuổi hơn hai mươi, nét ngài thanh tú, đôi mắt như sóng nước mùa thu – thong thả bước xuống. Nàng đang mang thai nên động tác có chút lúng túng. Thiếu phụ đứng sau lưng chồng thấy cảnh lúng túng của nàng cũng vội vã bước lên phía trước đỡ nàng bước xuống.


- Ở đây là đâu? - thiếu phụ tuổi đôi mươi đưa đôi mắt lặng như sóng nước mùa thu nhìn xung quanh rồi nhỏ giọng hỏi kỳ lão.

- Bẩm lệnh bà… Đây chỉ là một khu rừng cách Cấm thành trăm dặm. Xin lệnh bà yên tâm - thiếu phụ tuổi ngoại bốn mươi chấp tay hành lễ, đáp lời.

- Đi khỏi cấm thành rồi sao? - nàng hỏi vào không khí, đôi mắt vẫn còn dán vào cảnh vật xung quanh rồi giơ đôi tay ngọc kéo chiếc khăn lụa đang trùm trên đầu xuống, trầm mặc.


Kỳ lão nhìn nàng, đôi mắt già chứa nhiều nỗi ưu sầu


- Bẩm lệnh bà! Nơi này cách Cấm thành trăm dặm… vợ chồng thần chỉ có thể tiễn chân nơi đây. Xin lệnh bà đợi thêm chốc lát, Đồng tổng quản đại nhân sẽ đến đưa lệnh bà đến Dục Khánh tự tạm thời nương náu tránh khỏi tai ương.

- Cảm ơn tấm lòng của Hành khiển và Lễ nghi Học sĩ. Hai người là người ơn của Dao. Đời này Dao ghi lòng tạc dạ.


Nàng chính là Ngô Thị Ngọc Dao - Tiệp dư của bệ hạ. Tuổi nàng vừa hơn hai mươi, tuổi xuân còn đẹp nhưng tiếc thay hôm nay chuốc phải họa vào thân, bị người vu hại, thân ngọc ngà lại phải lụy mình vào chốn thiền môn nương nhờ, trốn qua một kiếp bể dâu.


Nguyễn Trãi tuy tuổi tác cao hơn Dao mấy bậc nhưng xét lễ nghi, ông là thần. Dao là Tiệp dư của vua nên khi nghe Dao tỏ lòng cảm kích xem ông như người ơn, ông nào dám nhận:


- Xin lệnh bà đừng nói thế. Nguyễn Trãi là bề tôi của vua nên chỉ có thể dốc lòng vì bệ hạ vì núi sông Đại Việt bảo an giống rồng nên nào dám nhận hai chữ “người ơn” - Nguyễn Trãi cúi thấp đầu lời lẽ cẩn thận, lễ tiết gởi lại hai chữ “người ơn” cho Dao. Thiếu phụ đứng sau lưng Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ - vợ thứ năm của ông cũng cung kính hành lễ cùng chồng.


Dao nhìn thấy tình cảnh lễ tiết đi đầu của vợ chồng Nguyễn Trãi cũng có chút cảm phục nên không nói thêm gì, nàng đưa đôi tay ngọc vẫy nhẹ ra hiệu. Hiểu được ý nàng, vợ chồng Nguyễn Trãi cũng thôi hành lễ. Nàng thả đôi mắt buồn vào cảnh đen tịch mịch, cúi đầu, từ khóe mắt sa xuống một dòng châu, nghẹn ngào:


- Nếu Hành khiển không cho mình là người ơn của Dao thì cũng nên để Dao gọi ông một tiếng lão tiên sinh tỏ chút lòng cảm tạ.

- Lệnh bà… - Nguyễn Trãi lời chưa nói tỏ, Dao đã đưa tay xua đi, đôi mày nhíu lại, gương mặt hoa đào tỏ chút phiền lòng. Nàng gắt nhẹ:

- Trước đây Dao ở nơi lầu son gác tía. Phụng hoàng trên cao nên hai tiếng “lệnh bà” là lễ tiết Dao phải nhận. Hôm nay, phụng hoàng bay khỏi cung son thì cớ gì còn nhận cái danh “lệnh bà” cao quý. Nếu đã không còn “lệnh bà” lão tiên sinh hà cớ gì câu nệ mấy tiếng xưng hô cho bợn tấm lòng? Nói chi nữa Dao với Lễ nghi Học sĩ trước là bạn tâm giao, lão tiên sinh với cha Dao càng là chốn quen biết cũ, mấy chữ “lão tiên sinh” này… ông cũng nên nhận cho Dao nhẹ lòng.


Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ nghe xong những lời này chỉ cúi đầu nín lặng. Sương đêm càng dày, gió đêm càng thốc mạnh, vạt áo mỏng mảnh cũng bị gió đêm đưa qua không gian mờ tối, lòng Dao vốn đã lạnh nay càng thêm lạnh hơn mấy phần. Nàng đưa đôi mắt còn lệ, thả lên ánh trăng còn vương đỉnh non như trách như chờ ai rồi xoa nhẹ lên bụng, nàng thấp giọng hơn:


- Lão tiên sinh… có ngại cho Dao… gởi một lời cậy nhờ?

- Xin lệnh bà chỉ rõ. Trãi tôi không dám nề hà, chỉ xin dốc tấm lòng.

- Dao xuất thân con cháu nông gia xem ruộng đồng là gốc sinh nhai nên dù hôm nay có rời xa phú quý, khoác áo hàn vi cũng không có chút ưu lo sinh kế. Chỉ hiềm một nỗi cha mẹ trên đời tấm lòng trời bể, ở nơi Cấm thành dịu vợi… lòng Dao còn bợn nỗi lo. Nỗi lo… lá ngọc cành vàng phải thiệt thân quý giá…

- Bẩm lệnh bà! Tấm lòng cha mẹ cao hơn Thái Sơn, sâu hơn nước nguồn. Hôm nay lệnh bà lo lắng cũng vì mẹ con ly cách… Nhưng xin lệnh bà yên tâm, công chúa thân ngọc mình ngà, với bệ hạ lại càng là minh châu trên tay nên ở cung son vẫn có thể say giấc bình yên.

- Có mấy câu này của lão tiên sinh Dao cũng thấy yên dạ. Chỉ cậy nhờ lão tiên sinh để mắt ngó chừng, để lòng nhắc nhở thêm cho bệ hạ… hoàng nữ của bệ hạ mới không phải thiệt thân.


Dao nói đến đây gương mặt hoa đào như trút được mấy tầng ưu tư, nét ngài cũng nở, ấn đường cũng giãn. Đôi má giai nhân ánh lên sắc hồng như khảm vào đêm đen vô cùng kiêu sa, diễm lệ. Quả đúng là “nhân diện đào hoa tương ánh hồng[4]”. Lời của cổ nhân, ắt tự có đạo lý. Nguyễn Trãi nhìn nét ngài của Dao đã rộng mở mấy phần, trong lòng như nhẹ bớt nỗi lo. Trầm tư một thoáng, ông chỉnh lại tay áo, cung kính cúi người hành lễ, buông ra mấy lời thống thiết như trút cạn tim gan:

 - Bẩm lệnh bà! Nguyễn Trãi có việc cầu xin. Cúi xin lệnh bà mở lòng thỏa nguyện.


Lời vừa dứt, từ trong ống tay áo Nguyễn Trãi rơi ra một vật nhỏ. Vật này màu sắc tươi sáng, óng ánh vàng rực nên dù trong đêm đen cũng có thể nhìn rõ. Dao liếc mắt nhìn vật đang nằm im trên đất, thong thả ngồi xuống nhặt vật lên đưa về phía Nguyễn Trãi, môi điểm nụ cười:


- “Kim ngư đại” là vật quý giá lão tiên sinh được hưởng hoàng ân thì nên giữ gìn cẩn thận – nàng đưa vật quý giá cho Nguyễn Trãi xong, quan sát nét mặt của người trước mắt một lát rồi dời đôi mắt lên trời đêm tịch mịch, từ tốn đứng dậy, xoay lưng về phía vợ chồng Nguyễn Trãi nhả từng câu chữ - lão tiên sinh quả xứng với tấm lòng sao Khôi lấp lánh. Đêm nay trăng mờ sao thưa cũng không lấp nổi tấm lòng tôi trung lương đống.

- Lệnh… lệnh bà… lời này ý tứ sâu xa, vợ chồng thần… - Nguyễn Thị Lộ từ nãy đến giờ chưa lên tiếng. Bây giờ nghe những lời này của Dao, bà bỗng chốc có phần run sợ. Nàng Tiệp dư này của bệ hạ lời nói ra như tên bắn, người nghe cũng không khỏi giật mình.

- Lễ nghi Học sĩ có gì phải khiêm tốn? Chuyện vợ chồng bà cầu xin chẳng phải liên quan giống rồng trong bụng Dao hay sao? Vậy không phải tấm lòng tôi trung lương đống à?

- Lệnh bà… thông tuệ. Lộ xin cam lòng khâm phục.


Dao nghe mấy lời của Nguyễn Thị Lộ, đôi môi đỏ như san hô hỏa thụ [5]của nàng điểm thêm nụ cười. Nàng lắc đầu, xoay người, đối mắt nhìn vợ chồng Nguyễn Trãi, thở mạnh vào tầng không:

- Thiên thai loan phụng hòa minh[6]. Nhưng hôm nay chim phụng vẫn còn chỉ mỗi chim loan đoạn cánh. Số vô duyên nên Dao nào dám trách chi, nhưng vô cớ họa vận vào thân, vợ chồng chung chăn gối lại phải như chim cùng rừng, hoạn nạn mạnh ai nấy bay… Dao cũng không khỏi chạnh lòng. Lời cầu xin của lão tiên sinh tuy chưa ra khỏi miệng nhưng chung quy cũng là muốn Dao giữ chút nghĩa tình vợ chồng mà bảo an huyết mạch hoàng gia?

- Bẩm lệnh bà! Hôm nay gặp nạn âu cũng do số. Vua ở trên cao cũng có điều khó. Nguyễn Trãi thân phận bề tôi chỉ có thể dốc lòng giúp đỡ để hạc lánh đường mây qua cơn hoạn nạn. Chỉ dám cầu xin lệnh bà: trước vì tình nghĩa vợ chồng sau vì tình mẹ con mà giữ mình bình an, chờ ngày vén mây thấy vầng dương cho con nhỏ lá rụng về cội. Hơn nữa… hơn nữa… Thao Quốc trưởng công chúa ở nơi lầu son gác tía cũng cần có mẹ nâng giấc bình yên.


Dao nghe Nguyễn Trãi nhắc đến con gái còn đang trong cung, lòng nàng cũng cuộn lên mấy tầng chua xót. Nàng vô thức nắm chặt tay ghì cứng thân áo, sa sầm mặt:


- Núi sông Đại Việt hùng vĩ bao la cũng vì có minh quân thần trung cùng nhau giữ gìn. Năm đó Tiên đế dấy binh diệt thù, Dao tuy chỉ là người đời sau nhưng cũng từng nghe cha kể qua… lão tiên sinh năm đó hiến kế diệt giặc, vì “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần[7]” mà trót mang vào mình tiếng tự cao tự đại nhưng Dao lại không nghĩ như thế. Lão tiên sinh mang lòng hoài bão muốn làm quan Nghiêu Thuấn báo ơn vua Nghiêu Thuấn bảo an cho con dân Nghiêu Thuấn… tấm lòng sâu rộng nên lời nói ra khẳng khái, đanh thép. Hôm nay lão tiên sinh mình mặc áo tía, đầu đội ô sa, chân mang hài tích mang theo Kim Ngư Đại [8]ân tứ bên mình… người không thấu đáo sẽ cho là lão tiên sinh ngạo mạn mang hoàng ân bên mình cười trêu người hoạn nạn. Nhưng Dao sao lại không hiểu ý tứ của lão tiên sinh. Ông chẳng qua muốn mượn nghĩa ân hoàng gia để nhắc Dao ghi nhớ hoàng ân bao la… Nhưng mà lão tiên sinh, ông làm vậy chẳng phải ép Dao vào thế khó sao?

- Lệnh bà…

- Bà Học sĩ đừng vội vã lên tiếng. Bà để Dao nói cho cạn tỏ tấm lòng với lão tiên sinh… Lão tiên sinh! – Dao cắt lời Lộ rồi đưa mắt nhìn sang Nguyễn Trãi, giọng nói càng hạ xuống mảnh hơn – cha Dao tuy không phải là người có công cao phò vua nhưng nhờ ân nghĩa Tiên đế rộng mở nên cha cũng được hưởng lây tiếng thơm cùng lão tiên sinh và các vị công thần cộng hưởng vinh hoa. Nhưng công trạng khác nhau ắt có phân biệt, cha Dao tuy cũng được tiếng “công thần” nhưng cũng không được hoàng ân hậu đãi tứ Kim Ngư Đại như lão tiên sinh. Bình sinh, vật không được luôn khiến người ta mong mỏi. Cha cả đời chưa từng thấy qua Kim Ngư Đại nhưng trong lòng luôn nhớ về nó. Dao là con gái của cha nên lòng cũng tự thay cha khắc ghi. Hình dáng Kim Ngư Đại chỉ cần nhìn qua, Dao tức khắc nhận ra… Tấm lòng quý trọng hiền tài của Tiên đế và lòng tin của bệ hạ với trung thần đều gói vào Kim Ngư Đại ân tứ… lão tiên sinh mượn vật ân tứ lại lời khéo đưa đẩy mang công chúa nhắc nhở chẳng qua muốn Dao trước nhớ mình là con, sau nhớ mình và vợ là mẹ để giữ gìn huyết mạch hoàng gia dù con đường tiếp theo có nhiêu khê thế nào cũng phải cố mình vượt qua để con nhỏ ngày sau vinh hiển lá rụng về cội - Dao ngưng lại lời nói, nén chặt nỗi u uất vào lòng rồi thở mạnh một hơi, giọng nói cũng tăng thêm mấy phần cảm thán - Lão tiên sinh! Tấm lòng tôi trung lương đống này Dao cảm kích ghi nhận nhưng Dao chỉ là phụ nữ lại là người hoạn nạn… chỉ sợ hạc dù lánh đường mây nhưng chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi[9]? Ông hà cớ gì làm khó Dao?

- Lệnh bà nếu đã rõ lòng Trãi thì có lẽ lệnh bà cũng hiểu lòng vua. Hôm nay chim loan đoạn cánh chim phụng sao có thể thong dong? Trãi tôi tài đức gì có thể một mình mang người rời khỏi Cấm thành hiểm nguy trăm bề? Xin lệnh bà nghĩ lại… Hơn nữa cứu một mạng người phúc đẳng hà sa[10]… trẻ nhỏ còn là núm ruột…


Dao nhắm chặt đôi mắt phượng nuốt chua cay vào lòng. Cha nàng là công thần được hưởng hoàng ân hậu đãi. Nàng là con. Chồng nàng là vua gánh trên vai vận mệnh núi sông. Nàng là vợ. Con nàng là máu mủ hoàng gia. Nàng là mẹ. Nỗi oan nàng khắc cùng vận mệnh núi sông thì sao có thể áo vải sống đời đạm bạc?



[1] tầm khoảng từ 03h đến 05h sáng.

[2] một nét nghệ thuật xưa. Tranh thủy mặc là tranh được vẽ bằng mực Tàu trên giấy (thường là giấy xuyến chỉ) hoặc lụa.

[3] Áo được may bằng vải lĩnh – đây là loại vải y phục xưa của người Việt.

[4] Nguyên văn chữ Hán của câu này là: “人面桃花相依映紅“. Đây là một câu trong bài thơ “Đề đô thành Nam trang - Đề tích sở kiến xứ của nhà thơ Thôi Hộ thời Đường. Ý của câu này có nghĩa ám chỉ gương mặt giai nhân ánh lên sắc hồng như hoa đào. Một cách miêu tả người đẹp.

[5] Căn cứ theo ghi chép của An Nam chí lược thì san hô hỏa thụ là một loại sản vật quý hiếm của Việt Nam xưa dùng để tiến công Trung Quóc. Hỏa thụ có nghĩa là “cây đỏ”. San hô hỏa thụ là loại san hô mà toàn thân đều đỏ như máu, rất hiếm có. Chi tiết về san hô hỏa thụ sẽ được đề cập cụ thể hơn ở các chương truyện sau.

[6] Thiên Thai là tên một ngọn núi. Có câu chuyện đời Hán kể lại rằng, Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào Thiên Thai hái thuốc. Tại đây, hai người có duyên gặp gỡ hai nàng tiên dung mạo xinh đẹp kết làm phu thê. Hai chàng ở cùng hai vợ tiên được 7 năm thì nhớ nhà xin được về. Về đến nhà thì không còn ai nhận ra họ nữa vì họ đã có con cháu tới 7 đời rồi. Từ đó, Thiên Thai được ví là chốn thần tiên ở, là một hình tượng trong văn học cổ. Còn “loan phụng hòa minh” là một câu chúc trong văn hóa cổ. Trong đó, loan và phụng là chim loan và chim phụng để chỉ một cặp vợ chồng. Thật ra, loan - phụng đều là chim phượng hoàng; con trống gọi là phụng con mái gọi là loan. Hòa minh là cùng cất chung tiếng hót. Ý của “loan phụng hào minh” là vợ chồng cùng thương yêu, đoàn kết với nhau, đùm bọc nhau bất kể khó khăn hoạn nạn.

[7] Đây là một câu chuyện trong thời kỳ đầu Nguyễn Trãi theo Lê Lợi. Khi ấy, vì muốn lòng dân cùng Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa, Nguyễn Trãi đã nghĩ ra một cách dùng mỡ viết chữ lên lá khô cho kiến đục thủng lá tạo thành những dòng chữ như tự nhiên rồi thả lá khô dọc trên sông cho dân chúng nhìn thấy, giả dụ đó là ý trời. Dòng chữ khắc trên lá khô lúc đầu là “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” với hàm ý “Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm thần” nhưng lúc bấy giờ, theo Lê Lợi còn các vị võ tướng tài khác nên khi đọc dòng chữ này, họ đã nổi giận cho rằng Nguyễn Trãi tự đề cao bản thân, xem nhẹ họ. Chính vì lẽ đó, dòng chữ được đổi thành “Lê Lợi vi quân, bề tôi vi thần”.

[8] Kim ngư đại là phục sức đeo trên đai của các quan văn. Là một miếng vàng đúc hình con cá. Ở Việt Nam, các vua dùng nó ban thưởng cho công thần mà mình yêu quý. Công thần được ban thường có cấp hàm tam phẩm trở lên, ban Kim ngư đại gồm cả áo bào và Kim ngư đại. Đặc ban này được chia thành hai loại: “Tứ Tử Kim Ngư Đại (ban cho mặc áo bào tía và Kim ngư đại), hoặc “Tứ Phỉ Ngư Đại” (ban cho mặc áo bào đỏ và Ngư đại). Tên tước phẩm đầy đủ của Nguyễn Trãi là Tuyên phụng đại phu Nhập nội Hành khiển Môn hạ Hữu gián nghị đại phu đồng Trung thư lệnh sự, lại là công thần khai quốc nên được tứ Tử Kim Ngư Đại Thượng hộ quốc Quan phục hầu (theo ghi chép của Ngàn năm áo mũ).

[9] Câu này lấy ý từ câu ca dao Việt Nam: “thương thay hạc lánh đường mây, chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi”.

[10] Tục ngữ Việt Nam. Ý của câu này là cứu một mạng người sẽ tích được phúc báo to lớn, dày như cát sông (hà sa: cát sông).


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}