Đại Bảo năm thứ ba (1442)
Tháng năm, Dục Khánh tự
Dục Khánh tự sáng nay phải đón quý nhân. Chú tiểu Thuần vừa cầm cây chổi cao quét lá đa vừa ngóng mắt ra cửa chờ xem có quý nhân xuất hiện như lời trụ trì căn dặn không. “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối”. Tháng năm đêm ngắn ngày dài, tiết trời thay đổi nên sương cũng mau tản. Mới đầu giờ Mão [1]sương đã rút dần, mấy lá đa bàng bạc rơi dưới sân cũng đã khô, không còn dấu vết của sương đêm phủ trùm. Cổng lớn Dục Khánh tự tọa lạc hướng Đông, trực tiếp đón nắng sáng nên không khí buổi sáng Dục Khánh tự cũng ấm áp hơn hẳn.
“Lộc cộc” “lộc cộc” tiếng móng ngựa nện đều trên nền đất mỗi lúc một rõ. Từ trong ánh nắng nhẹ của mặt trời hừng đông ẩn hiện một sắc màu vàng óng ánh đang xé mặt trời lao tới. Thuần bị ánh dương cùng ánh vàng của vật đang di chuyển chiếu vào làm cho mỏi mắt nên phải cố trấn tĩnh mình, chớp liên hồi để nhìn cho tỏ. Đó là một cỗ xe ngựa với mui xe lợp màu vàng, trước đầu xe ngựa phía bên trái còn đặt một chùm lông lớn che tầm nhìn để ngựa không ngó sang hai bên vệ đường. Đông Kinh dưới chân thiên tử, ở nơi đô hội tất nhiên thường xuyên được tận mục sở thị loại xe cao quý này nên Thuần không lấy gì làm lạ. Hoàng ốc tả đạo là cỗ xe chỉ có quý nhân mới có thể ngồi. Quả đúng như lời dự đoán. Quý nhân thật sự đến!
Cỗ xe ngựa dừng trước cửa tự, im lặng đứng chờ. Chú tiểu Thuần đứng trong sân tự nhìn qua cánh cổng mở rộng đồ chừng người trong cỗ xe địa vị hiển hách nên còn bợn lòng chưa bước xuống, lại nhớ lời sư phụ hôm qua dặn: “người ngày mai Dục Khánh tự tiếp rước là người sang trong nước, nếu người nề hà thân phận cũng không cần mời gọi, cứ thản nhiên vào trong gọi thầy. Đừng quấy đến người. Người đến hữu sự, tự sẽ bước xuống. Người đến vô sự, ắt tự rời đi. Không cần cưỡng cầu” nên chú cũng tự giác đi thẳng vào trong gọi sư phụ.
Chú tiểu đi rồi, người đánh xe cũng bất giác xoay người hướng vào trong xe, hạ thấp giọng nói thì thào với người bên trong như thể không muốn người khác nghe thấy rồi thong dong đánh xe vòng ra cửa sau tự.
Đại sư trụ trì Dục Khánh tự họ Lê, là người ở hương Chủ Sơn, huyện Lôi Dương[2]. Trước kia, ông từng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, là một vị lính đi theo Ngô Từ chuyên lo việc bếp núc, lương thực cho quân sĩ. Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Thái tổ lên ngôi vua cũng là lúc ông tự thấy nhân tình thế thái quá nhiều phiền muộn nên quyết chí không cầu danh lợi, khoác áo từ bi và chuyên tâm tu hành ở Dục Khánh tự. Dục Khánh tự hội tụ nhiều linh khí nhờ Đức Càn Khôn, được khí thiêng hun đúc nên luôn được triều đình xem trọng; thường xuyên có rất nhiều công hầu khanh tướng, quan lớn, quý nhân đến đây hương khói.
Dục Khánh tự được xây theo cấu trúc “tiền Thần hậu Phật” điện phía trước, chùa phía sau nên quang cảnh vừa nghiêm trang kính lễ vừa thanh tịnh ôn hòa. Phía sau Dục Khánh tự có một khu vườn rộng, là nơi đón ánh nắng mặt trời rực rỡ nhất nên khung cảnh vườn vào những hôm nắng lên cao lại đổi sắc thành một lớp màu hoàng kim sáng chói. Trời nắng vào những ngày hạ thì lại có phần gắt hơn nên sư trụ trì đã trồng thêm một cây đa to, thân cao tán rộng có thể hãm bớt ánh sáng. Ánh dương quang chiếu xuống được những lá đa to hứng lấy rồi rọi xuống mặt đất tạo thành một lớp màu huỳnh đan [3]dịu nhẹ hơn. Dục Khánh tự hội tụ linh khí Đức Càn Khôn mà khu vườn này lại là nơi dương quang sáng tỏ nên vẫn thường phải tiếp rước nhiều quan lớn, quý nhân ghé đến “hưởng khí thiêng”. Sư trụ trì vì vậy cũng đặt một bộ bàn ghế bằng gỗ lim chạm khắc hoành phi dưới gốc đa để khách thập phương có nơi ngồi “hưởng khí thiêng”, hàn huyên thế sự.
Sư trụ trì sau khi nghe chú tiểu Thuần báo qua cũng thong thả đi ra vườn. Chú tiểu Thuần tay cầm một cái khay bằng gỗ mun, trên khay để một ấm trà còn bốc mùi trà sen nghi ngút và một bộ chén “nhất tống tứ quân[4]”, đi nối gót phía sau sư phụ. Sau khi đặt cái khay ngay ngắn lên bàn, Thuần cũng tránh mặt vào trong. Chờ cho Thuần đi rồi sư trụ trì mới khoan thai tiến đến mở cửa mời khách vào.
Từ trên xe ngựa bước ra một vị kỳ lão[5] tuổi hơn lục tuần, râu tóc bạc phơ nhưng nét mặt bình thản. Người già nét mặt thường khô cằn, không còn sắc hồng tươi tắn như những người trẻ. Tuy vậy, đối với vị quý nhân này thì sắc hồng trên gương mặt không vì tuổi tác mà nhạt đi. Ngược lại, càng vì tuổi cao, sắc hồng càng thêm hiện rõ điểm thêm mấy phần đĩnh đạc, uy nghi lại có chút hiền từ. Vị khách quý này của trụ trì mình khoác một bộ y phục bằng gấm trắng thêu hoa cúc đơn giản, dáng đi khoan thai càng như tăng thêm mấy phần ung dung. Có câu nói quân tử có dáng dấp quân tử, hiền nhân có khí độ hiền nhân, kẻ trộm cướp có mùi tanh hôi, giống bất lương lại có mùi thối rữa của xác chết… bất cứ người nào, dù có khoác trên mình vải thô hay gấm vóc cũng chỉ là một lớp ngụy trang hèn mọn, đằng sau vải gấm hài hoa, vải thô hài cỏ là rồng là rắn chỉ cần nhìn vào phong thái của họ là có thể đoán ra. Người này bước đi khoan thai, dáng điệu nho nhã, gương mặt đĩnh đạc… tất cả đều toát lên phong thái nho gia, tài học hơn người. Sư trụ trì nhìn người trước mắt có mấy phần choáng ngộp nhưng cũng nhanh chóng trấn tĩnh, từ tốn chắp tay đảnh lễ. Người trước mắt khiêm tốn cúi mình đáp lại rồi mời nhau ngồi xuống, cùng “thưởng” một chén trà nhạt.
- Mô Phật! Lão tiên sinh… có lẽ họ Nguyễn?
- Đích thị.
Đại sư nhấp một ngụm trà, để hương sen thanh dịu nằm lại trong miệng rồi mới từ từ nuốt xuống, hai tay thong thả lần tràng hạt, đôi mắt ngưng lại trên gương mặt quý nhân. Trà vừa qua khỏi yết hầu, đại sư cũng ngưng lần tràng hạt, giọng nói ôn tồn đều đặn:
- Hành khiển đại nhân hôm nay ghé tự ắt có hữu sự?
Quý nhân ngồi đối mắt đại sư, gương mặt không chút biểu lộ, “tam long giá ngọc[6]” thong dong đưa chén trà lên miệng, nhấp một ngụm nhỏ rồi nhẹ nhàng đặt lại vào khay gỗ:
- Đại sư trí huệ xá lợi, lần đầu gặp mặt tưởng như đã biết Trãi từ lâu.
- Mô Phật! Bần tăng là kẻ tu hành, khoác áo nâu náu thân cửa Phật không có gì là trí huệ. Nhưng đại nhân là người sang trong nước, bần tăng nếu không biết quý nhân trước mắt há chẳng phải là kẻ “có mắt mà không thấy Thái Sơn[7]”.
- Đại sư lời nói đưa đẩy. Trãi tôi nào phải Thái
Sơn, chẳng qua may mắn học thêm được vài chữ, gặp thời núi sông loạn ly, lại có
cơ duyên nương nhờ minh quân mới khiến thân nam nhi có chỗ hữu dụng - Nguyễn Trãi
vừa nhắc đến hai chữ “minh quân” thì lập tức tay phải nắm lại hình búa đưa vào
lòng bàn tay trái, hai tay ôm thành nắm đấm đưa cao qua mày, đầu hơi cúi thấp
thể hiện sự tôn kính với người được nhắc đến rồi mới ung dung hạ tay xuống bàn
gỗ – Ngày nay “minh quân” cưỡi hạc về trời, tôi còn may mắn vịn ngai vàng phụng
sự tân vương âu cũng nhờ hoàng ân bao la. Tôi tài đức gì mà dám nhận cái danh
người sang trong nước. Không xứng! Tuyệt nhiên không xứng! Tôi chẳng qua cũng
chỉ là bề tôi của vua. Thân là bề tôi, phải biết quân thần chi đạo, “quân minh
thần trung” mà vì vậy dốc lòng phụng sự.
Lời của tiền nhân, đạo của Khổng Mạnh, Trãi tôi
là người học chữ tuyệt không dám quên. Hôm nay ghé qua cũng vì dốc chút lòng
trung - Ngưng lại giây lát, Nguyễn Trãi có phần chần chừ cúi đầu nhìn vào chén
trà đã uống hơn một nửa trên bàn, giọng điệu cũng tự nhiên đưa xuống thật thấp
- Xin đại sư lắng nghe vài lời.
- Kính mong đại nhân cho bần tăng tỏ tường.
- Trời Nam u tối, lòng người điêu bạc. Chuyện nhân tình thế thái như mây phủ sương giăng, Trãi tôi tài hèn sức mọn dù có lòng trung cũng phải có lúc bó mình chịu phép. Nhưng thiết nghĩ đã hưởng hoàng ân thì phải ghi nhớ phụng sự. Nay ở nơi hoàng ân hậu đãi có quý nhân cần điểm tựa, Trãi tôi đành bấm bụng mình đến Dục Khánh tự cậy nhờ cưu mang. Có điều việc này trăm cay ngàn đắng, làm mà không khéo sợ rằng… sợ rằng… người động lòng cưu mang phải rước họa về mình…
Đại sư nghe đến đây đôi mắt đã từng thấy qua quá nhiều việc nhân tình thế thái của ông vẫn để yên trên gương mặt người đối diện, không mảy may run sợ. Tay vẫn lần tràng hạt. Lần đến hạt cuối cùng, đại sư ngưng lại động tác đeo chuỗi hạt lại vào tay, vén ống tay áo rót thêm một chén trà rồi thả vào tầng không một giọng trong như chuông ngân, nhẹ tựa gió thoảng:
- Mô Phật! Bần tăng là kẻ tu hành, đối với thế sự đã không còn lưu luyến. Dục Khánh tự vì chúng sanh mà dựng nên, cửa Phật rộng mở cứu độ hà cớ gì phải nề hà người đến nương nhờ? - đại sư nói xong câu này hai tay chắp lại đảnh lễ miệng nhẩm “mô Phật” rồi lại đưa mắt nhìn người đối diện khẽ nhăn nét mặt, giọng nói cũng nhạt dần – Hành khiển muốn tỏ lòng trung… chỉ sợ sự nếu không thành…
- Trãi tôi chải gió gội mưa nhìn núi sông gấm vóc đổi thay từng ngày, phụng sự qua hai đời vua thì còn có gì phải nề hà?
Đại sư nhìn vị kỳ lão trước mắt tuổi hơn lục tuần, râu tóc bạc phơ nhưng đôi mắt vẫn còn kiên định trong lòng cũng không khỏi cảm thán. Vải thô hài hoa không che được vẻ đạo mạo hơn người của một nhà quân sự lỗi lạc, một mưu trí đủ vịn ngai vàng gánh núi sông. Chợt nhớ đến chuyện lạ đêm qua của Dục Khánh tự, đại sư đứng dậy, chỉ tay về phía cửa sau tự - nơi đặt hai tượng lân đá rồi ôn tồn nói với Nguyễn Trãi:
- Tứ linh có lân bản tính hiền lành, gieo điềm lành báo hạnh phúc nhưng đêm qua bần tăng thiền định lại thấy lân chuyển mình gào thét như đứt từng đoạn ruột… Hành khiển học rộng tài cao không biết có hiểu nguyên do?
Nguyễn Trãi nhìn theo hướng tay đại sư, tiện tay rót thêm một chén trà, thong dong:
- Trời giáng chuyện lạ ắt có an bài. Trãi tôi tài hèn sức mọn tai nghe chứ mắt nhìn không thấu!
- Mô Phật! Năm đó Hành khiển theo hầu vua tiếng tăm vang dội, dân gian ca ngợi trời Nam sao Khôi [8]lấp lánh. Bắc Đẩu có sao Khôi càng tăng thêm ánh sáng, người đi muôn nẻo non sông mới thấy đường tiến bước. Nhưng hôm nay Bắc Đẩu mờ dần phải chăng vì sao Khôi đã đến ngày lu mờ, rơi khỏi bầu trời?
Mặt trời giáng chút ánh sáng xuyên qua một vài giọt sương sớm mai còn lưu luyến đọng lại trên lá xanh tạo thành một lớp màu huỳnh đan phủ trùm vẻ mặt bình thản, tán lên mái đầu bạc trắng của nho sĩ. Người cả đời gánh núi sông nay lại phải nhìn thấy trước cái kết oan khiên… của chính mình thật khiến người ta nghe qua cũng ruột thắt gan bào.
- Đời người có ai không chết. Trãi tôi nào phải tiên thánh sao phải lụy mình vì quy luật tất yếu của tạo hóa?
- Mô Phật! Tấm lòng của Hành khiển sáng như sao Khôi! Chẳng qua lòng của bần tăng “thương thay con cuốc giữa trời! Dầu kêu ra máu có người nào nghe” nên tự cảm thán mà thôi.
- Trãi tôi xin cảm tấm lòng xót thương của đại sư. Nhưng Trãi tôi vốn hưởng hoàng ân thì phải lo thay nỗi lo hoàng gia dù có thân vong cũng không dám nề hà. Cha con tôi vốn thọ ân nhà Hồ nhưng ngặt vì thế sự nhiễu nhương phải chịu cảnh lưu đày nơi đất giặc… Ngày tiễn cha ra ải Nam Quan, tôi quyết theo đồng hành tỏ chữ hiếu nhưng cha gạt lệ mà rằng: “con là người có học, có tài nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha”. Tôi vâng mệnh, bôn ba khắp núi sông quyết chí trả nợ nước thù nhà… Bây giờ may mắn thay được phụng sự qua hai đời vua thì làm sao dám phụ rẫy hoàng ân. Chỉ hiềm một nỗi “nợ quân thân chưa báo được, hài hoa còn bợn dặm thanh vân[9]”, chưa thỏa hết chí mà phải vùi chôn âu cũng là mệnh trời. Tôi nào dám cãi.
- Mô Phật! Lời của Hành khiển khẳng khái cương trực… đã xứng với ba đời nhà Băng Hồ tiên sinh!
Đại sư dứt lời, nâng tay cầm lấy chén tống, thao tác “Hàn Tín điểm quân[10]” rót thêm hai chén trà cho mình và Nguyễn Trãi. Tuần trà hết, chuyện cũng vãn. Lòng của ai cũng đã rõ. Họ cũng không còn chuyện để nói nhưng dưới cảnh sắc bình yên này có lẽ họ cần một khoảng không yên tịnh để thưởng thức nốt chén trà sen trước khi… sao Khôi rơi xuống.
Nguyễn Trãi sau khi uống cạn chén trà cuối cùng cũng đứng dậy từ biệt đại sư, rời đi. Chờ người đi rồi đại sư lại gọi chú tiểu Thuần ra mang cái khay trà vào trong, rửa sạch rồi mang đi cất. Từ nay không dùng đến những món đồ đó nữa. Chú tiểu Thuần nghe lời căn dặn liền ngạc nhiên hỏi lại:
- Mô Phật! Sư phụ, bộ trà này còn mới, không phải sư phụ rất quý sao? Sao bây giờ lại không muốn dùng nữa?
- Mô Phật! Con mang vào trong cất đi. Đừng hỏi – Đại sư lời chưa nói cạn thì không biết từ đâu truyền đến mấy tiếng cuốc kêu văng vẳng. Đại sư lắng lại đôi tai, nghe tiếng kêu nẫu ruột cũng bất chợt dời mắt lên đôi lân đá, giọng thêm thấp hơn - Sau này mỗi khi trời tối, con thắp thêm vài bấc đèn trong chùa cho sáng sủa.
- Sư phụ, đèn… đèn… nhiều lắm rồi mà?!?!
- Sao Khôi sắp rơi, trời sẽ tối hơn.
Đại sư dứt lời liền tháo chuỗi hạt trên tay ra bắt đầu lần tràng hạt, miệng lẩm nhẩm đọc kinh Phật. Từ trong chính điện, một vài chú tiểu theo lệ chùa bắt đầu gõ khánh đá. Tiếng khánh đá vọng ra tạo thành thứ âm thanh sắc, vang mà trong sạch, thanh tịnh hòa cùng tiếng cuốc kêu ngoài trời, tiếng thở dài của đại sư tạo ra một thứ âm thanh lạ. Âm thanh của đất trời tiễn một vì sao rơi…
[1] tầm từ 05h đến 05h40p sáng
[2] nay thuộc xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa.
[3] Từ gốc tiếng Hán là:黄丹, là một từ cổ dùng để chỉ màu vàng pha đỏ của ánh sáng buổi sớm.
[4] Theo quy cách uống trà tiếp khách quý xưa thì ngoài ấm trà còn cần một bộ chén gồm một chén lớn và bốn chén nhỏ. Chén lớn được gọi là chén Tống (nhất Tống), còn bốn chén nhỏ gọi là chén quân (tứ Quân). Cách rót trà là rót trà từ ấm ra chén Tống rồi từ chén Tống rót sang chén Quân mời khách.
[5] Cách gọi những vị quan lớn có tuổi thời xưa.
[6] Cầm chén trà bằng ba ngón tay. Ngón giữa nâng đáy chén, ngón trỏ và ngón cái đỡ miệng chén được gọi là “tam long giá ngọc” ý chỉ ba ngón tay cầm chén trà như ba con rồng ôm lấy ngọc. Đây cũng là một lễ tiết trong “thưởng trà”.
[7] Điển tích điển cổ. Câu này dùng để ám chỉ việc một người có trí tuệ nông cạn, không nhìn thấy người có tài ở trươc mắt. “Thái Sơn” ở đây là tên người. Câu nói được lấy từ một câu chuyện cũ, thời Xuân Thu kể về Lỗ Ban – ông tổ nghề thợ mộc có một đồ đệ tên là Thái Sơn theo học. Thái Sơn thường bỏ học trốn vào rừng khiến Lỗ Ban tức giận đuổi đi cho rằng Thái Sơn không có tâm học nghệ. Về sau, Thái Sơn nổi danh với nghề mộc, Lỗ Ban đến tìm và biết được năm đó Thái Sơn phát hiện trúc dẻo hơn gỗ nên lén vào rừng chẻ trúc, bện nan học nghệ tinh thông làm ra đồ gia dụng tiện lợi, đẹp mắt. Lỗ Ban biết chuyện, tự trách bản thân không có mắt, không nhìn thấy Thái Sơn trước mắt. Câu nói của Lỗ Ban từ đó về sau trở thành một câu nói kinh điển mang theo điển tích điển cố này.
[8] Sao Khôi là bốn ngôi sao tạo thành cái gáo của chòm sao Bắc Đẩu. Từ xưa, người ta cho rằng sao Khôi là ngôi sao tượng trưng cho văn học, thi ca nên thường xây các Khôi tinh các, Khôi tinh lầu để bình văn, thưởng thơ.
[9] Hai câu thơ trong bài thơ số VI thuộc “Quốc Âm thi tập (Nguyễn Trãi di tập) - phần vô đề: Thủ vĩ ngâm. Ở đây, “quân thân” có nghĩa: quân là vua, thân là cha. “Bợn” là bận, “dặm thanh vân” ý chỉ nợ công danh.
[10] Một trong những lễ tiết khi rót trà mời khách. Cách rót trà là: sau khi trà đã pha trong ấm xong, rót ra chén Tống rồi từ chén Tống rót tuần tự vào từng chén Quân, rót xong một chén Quân thì nhấc tay lên rót sang chén khác. Cách rót trà “Hàn Tín điểm quân” này thể hiện sự tinh tế, lễ nghi tuần tự. Trà rót vào chén chỉ rót bảy phần, không được quá đầy cũng không được quá ít để thể hiện sự kính trọng khách quý với hàm ý: “bảy phần trà ba phần tình”.
Bình luận
Chưa có bình luận