Chương 04: Không Muốn Gọi Bạn, Gọi Đằng Ấy Nhé


Chương 04: Không Muốn Gọi Bạn, Gọi Đằng Ấy Nhé

“Xin lỗi, tôi không cố ý…” Khôi nói vọng theo, tay trái vẫn đang lơ lửng trong không khí.


Nếu biết chuyện sẽ ra nông nỗi này, Khôi sẽ để kệ bạn hến ăn nguyên xô nước vào người. Chúng nó đang dàn hàng ngang ở phòng giáo vụ, thầy phụ trách mặt đang nhăn nhó chẳng khác gì cái đít khỉ. Khôi ngó cái điều hoà đang hoạt động ở mức 28 độ, nếu so với thời tiết mùa thu se se thì cũng không tính là quá thấp, nhưng chẳng hiểu sao nó vẫn cảm thấy lành lạnh, ớn lạnh từ tận sâu bên trong cơ thể.


Cơn lạnh không tên càng khiến Khôi thêm một lần nữa khẳng định - nó và cái trường này không hợp. Không, nói đúng hơn là nó và Tuấn không hợp - hai lần nó gặp chuyện đều có sự xuất hiện (hoặc can thiệp) của bạn hến trước mặt. Lần đầu tiên, Tuấn để mặc nó bơ vơ trước cổng, lần thứ hai, thầy phụ trách xuất hiện đúng lúc nó vừa lỡ tay đẩy thằng cha này xuống sàn (Khôi cam đoan, đây hoàn toàn là hậu quả của một phút sơ sẩy, thằng cha khó ưa này không chịu dừng lại nghe nó nói chuyện).


Thầy phụ trách tóm được Khôi đúng lúc sự việc xảy ra là hệ quả của một sự “quên”. Chuyện là, sau khi xử lý xong vấn đề cá nhân, thầy mới nhận ra đã quên đưa nó thẻ học sinh nên đã tức tốc đến phòng giáo vụ tìm người. Đến nơi thì Khôi đã cuốn xéo, thầy kiểm tra máy quay trong trường thì thấy được nó đi vào tòa nhà này nên đã đích thân đến đưa đồ. Muôn cái ngẫu nhiên dẫn đến một thảm kịch, lòng tốt còn chưa được đền đáp thì Khôi đã tự treo mình vào rắc rối, mới ngày đầu đi học đã có nguy cơ ăn một vé “bắt nạt bạn học”.


Oan còn hơn Thị Kính. 


Nếu không phải nó thấy có lỗi, muốn giữ Tuấn lại thì còn lâu mới xảy ra mớ bòng bong này. Thầy phụ trách không phát hiện ra dấu vết Khôi có mặt ở phòng học, sáng nay, toàn bộ máy quay ở khu vực đó đã bị lỗi hệ thống, không truy cập được, trường đang cho người sửa chữa.


Khôi đã đánh cược đúng.


Muốn ra oai phủ đầu ấy à, còn lâu nhé.


Đến đây lại có vấn đề nảy sinh, Khôi lạc đến tận dãy phòng học này, có thể phịa lý do là mới đến nên bị lạc đường, còn việc một mực giữ thằng cha bên cạnh lại, tạm thời Khôi chưa nghĩ ra lý do. Đấy là còn chưa kể đến việc, máy quay ở cổng trường cũng đã ghi lại cảnh bạn hến bỏ qua Khôi ở cửa vào, vin vào cớ này, thầy phụ trách hoàn toàn có đủ căn cứ quy cho Khôi tội “kiếm cớ trả thù.”


Cái nồi này Khôi sẽ không nhận, ý định cho thằng cha trước mặt một trận đã bị dập tắt từ khi biết cậu ta là người khuyết tật, Khôi không thể lấy thang đo của mình áp lên một người không quen thân. Khổ nỗi là người ta nào có tin nó, cái nhìn thiếu thiện cảm đã gieo vào người rồi, trong mắt người có thiên kiến, đứng yên cũng là một loại tội ác.


“Chuyện là…” Khôi ngập ngừng, tạm thời vẫn chưa tìm được lý do phù hợp.


“Đăng Khôi, em nói thử xem.” 


“Bạn học này quấy rối em.” Thằng cha bên cạnh còn không ngại thêm dầu vào lửa, ra dấu. 


Thôi thì trong cái rủi có cái may, số Khôi vẫn còn đỏ chán, may phước là thầy phụ trách không hiểu ngôn ngữ ký hiệu, nó vẫn còn thời gian để lật ngược thế cờ. 


“Cậu vừa nói gì thế?” Khôi trả lời, thằng cha này không nên tên là hến, tên là rắn mới đúng. Ngủ đông cả buổi, chỉ chờ một cơ hội là ngoi lên, một đợp xử gọn quân thù. Bình thường, Khôi sẽ rất tán thưởng những người có khả năng nhẫn nhịn thượng thừa kiểu này, nhưng đến khi chuyện vận vào người thì thôi, chẳng còn chút vui sướng nào cả.


“Hai em đang nói gì vậy?” Đầu óc Khôi đang xoay như cái chong chóng, cố tìm cho ra một cách giải quyết hợp lý thì nghe thấy tiếng thầy phụ trách, ánh mắt thầy ghim chặt về phía nó, yêu cầu một câu trả lời xác đáng.


Đúng là không gì đáng sợ hơn là uy lực của người giáo viên, thầy không hề nặng lời, da đầu Khôi căng ra, mồ hôi từ sau lưng cũng bắt đầu túa ra. Nóng lạnh đan xen kiểu này, không nhanh mà cân bằng nhiệt, về nhà là nó sẽ cầm chắc một vé bị cảm. Chỉ mong không quá nặng để mẹ không có cớ càm ràm. 


“Thầy đợi em tí ạ.” Khôi câu giờ, đưa tay ra hiệu liên tục, cố gắng đạt cho bằng được một thỏa thuận với bạn hến đang cau mày bên cạnh. Nó ra dấu: “Bạn học này, có vài đứa đang định đổ cả chậu nước vào đầu bạn, tôi đang cố bảo vệ bạn đấy.”


Chuyện ra nông nỗi này, chỉ còn nước ngả bài, hai bên tạm thời liên minh mới qua được con mắt hoả nhãn kim tim của thầy phụ trách. Tuấn không thèm quan tâm tới đống tín hiệu mà Khôi phát ra, xăm xăm tiến lên phía trước, rút trong người ra một quyển sổ tay nhỏ và một cái bút, hí hoáy viết gì đó.


Thằng cha này sao khó nói chuyện thế nhỉ? 


Khôi bị thái độ không chịu thỏa hiệp này làm cho sôi máu, cũng bất chấp luôn cậu ta viết gì, quyết định dứt khoát chém một nhát, “tiên hạ thủ vi cường”*: 


*ra tay trước để chiếm lợi thế


“Thưa thầy, em gặp Tuấn trên đường nên đã tiện giữ người lại hỏi bài ạ.”


Khôi nói xong thì hơi dịch người sang bên cạnh, mượn vị trí khuất của cái bàn khẽ đạp cho thằng cha xấu tính bên cạnh một cái, đặt niềm tin mong manh vào chút lương tri cuối cùng còn sót lại. Ai bảo người ta nắm đằng chuôi, nó đang là cá nằm trên thớt, không thể không cúi đầu.


“Hỏi bài gì?” Thầy phụ trách không hổ là dân chuyên nghiệp, vừa nghe xong là đã nhanh chóng khoanh vùng vấn đề. Thầy rõ ràng là không tin: “Hai đứa mới gặp lần đầu, có gì mà hỏi thăm?” Thầy chống tay xuống bàn, hơi đổ người về phía trước, dồn áp lực về phía chúng nó.


“Chuyện là…” 


Rồi xong, cái cớ hỏi bài là Khôi mới vừa “nhảy số” trong đầu, những cái khác vẫn chưa tính đến, một lời nói dối thì phải dùng vô số lời nói dối khác để che đậy, bây giờ thì hay rồi, còn chưa vào học, biết lấy cái gì ra để hỏi thăm. Lời này nghe kiểu gì cũng đầy sơ hở, càng nói sẽ càng sai, Khôi hận không thể tự cắn vào lưỡi mình, cho chừa cái tật nói mà không nghĩ.


Đang lúc đang căng đầu, chuẩn bị bịa tiếp thì Khôi cảm nhận được một lực chạm nhẹ nơi khuỷu tay, Tuấn ra dấu: 


“Nói lại với thầy là chúng ta thảo luận đề thi giành học bổng lúc trước.”


Khôi cảm động đến phát khóc, may mắn là bạn vẫn còn lương tri, không uổng công nó giúp bạn. Tuấn đúng là người giành hạng nhất học bổng, khả năng nhảy số đúng là siêu phàm. Khôi nhanh chóng phiên dịch lại những gì vừa nhận được với thầy giám thị, thầy bán tín bán nghi nhìn nó, hỏi thêm:


 “Là bài nào?”


“...”


Chuyện đã qua được gần tháng rồi, Khôi sớm đã cho cái đề ấy vào cõi hư vô, giờ bảo tìm lại thông tin thì đúng là còn khó hơn lên trời. Nếu không muốn ngày đầu đi học đã ăn ngay một vé kỷ luật vì tội bắt nạt bạn học, nó phải cố gắng thôi.


“Là bài toán số hai ạ.” Khôi nói, cố gắng nhớ lại nội dung của đề thi hôm đó. Nó mơ hồ: “Em làm bị sai phần b ạ.” 


Muốn người ta tin mình thì trước hết phải khiến chính mình tin cái đã, thông tin đưa ra càng chi tiết càng tốt, thật giả lẫn lộn, không đúng được mười phần thì cũng phải cố gắng đúng được bảy, tám phần. Khôi đã cố gắng hết sức rồi, còn lại đành trông cậy vào phần thể hiện của bạn hến thôi.


Khoảng cách năm điểm trên tổng số một trăm điểm nhìn thì có vẻ nhỏ, nhưng thực tế lại lớn vô cùng, Tuấn đã dùng thực lực cho nó thấy, bạn giành hạng một hoàn toàn không phải là nhờ may mắn. Khôi vừa dứt lời, Tuấn đã tiến lên, giơ cho thầy phụ trách xem phần tốc ký vừa nãy. 


Thầy phụ trách xem xong thì trầm ngâm, gọi nó lên cho nó xem cùng. Khôi vốn tưởng Tuấn viết bừa, nào ngờ, người ta là “hạt giống trạng nguyên” hàng thật giá thật, đã qua lâu thế rồi mà vẫn nhớ rõ đề bài, cách giải được viết gọn gàng bên dưới. Lúc nãy, Khôi cũng chỉ là tuỳ tiện nói một bài, cũng chẳng mong Tuấn nhớ được nội dung, nhưng xem ra, hạng nhất lọt vào tay cũng là có lý do, dạng học trước quên sau như nó đúng là phải xách dép mà theo sau thật.


Cách Tuấn giải bài cũng hay hơn nó, vận dụng một lúc hai bất đẳng thức và đổi dấu nhị thức là việc nó chưa từng nghĩ đến, Khôi giải bài này bằng cái chia nhỏ chia phần và đặt giải thiết tạm. Chỉ trong vài giây, Khôi nhanh chóng đưa ra quyết định, vừa hỏi mượn bút, giấy của thầy giám thị, vừa giữ luôn quyển sổ của bạn hến, tốc ký chép lại cách giải. Đâu thể một xoẹt xé sổ của người ta được.


Thầy phụ trách đợi Khôi chép xong, thì mới hỏi: “Sao lúc nãy em không nói rõ?”


“Dạ, là do em hơi ngại ạ. Lần đầu đến trường đã làm phiền bạn…” Khôi cúi đầu, ra chiều bẽn lẽn. Dù sao lúc nãy thầy đã chụp cho nó cái mác ngại giao tiếp, không tận dụng thì đúng là có lỗi quá.


“Thầy đã bảo rồi, trường học là nơi kết bạn và học hỏi lẫn nhau, em không thể cứ giấu mình đi như thế được.”


“Dạ, em biết rồi ạ.” Khôi lí nhí đáp, chỉ mong cuộc trò chuyện vô nghĩa này nhanh chóng kết thúc.


Thầy phụ trách hỏi thêm vài câu, thấy không có gì khả nghi mới thả chúng nó ra về. Nhận được lệnh ân xá là nó ba chân bốn cẳng chuồn luôn, vừa ra đến cửa thì đã nghe tiếng thầy gọi lại:


 “Đợi chút, thầy sẽ đi cùng hai em.”


“Dạ thôi ạ.” Khôi còn chưa kịp nói hết câu thì chân đã bị giẫm cho một cái, Tuấn đi vượt qua nó, gật gật đầu với thầy. Khôi nhíu mày, giẫm đau phết. Ai bảo hiện tại nó đang mắc nợ, người dưới mái hiên không thể không cúi đầu, thầy phụ trách vừa đi tới là nó đã lập tức sửa miệng. “Dạ vâng, được thế thì tốt quá ạ.”


Cả Ngố* phiên bản trường học à?


*nhân vật hài do NSND Xuân Bắc thủ vai, câu cửa miệng là “dạ, được thế thì còn gì bằng.”


Thôi thì nó đã hết trách nhiệm, còn lại là chuyện của Tuấn và thầy phụ trách, nó sẽ nhận đóng vai không khí, mặc cho Tuấn muốn làm gì thì làm. Khôi cố gắng câu kéo, nhích những bước nhỏ nhất có thể, thành công tụt xuống cuối hàng, đẩy thầy phụ trách đang thao thao bất tuyệt giới thiệu kiến trúc lên đầu đội hình. 


“Đăng Khôi, đi nhanh lên.” 


Có lẽ thầy nói chán rồi mới nhận ra nó không phản hồi, bèn quay lại đằng sau, thấy nó đang chậm chập phía sau thì giục nó tăng tốc độ, làm nó đang thơ thẩn ngắm cây ngắm cỏ vẫn không được yên, chỉ đành vâng dạ rồi phá đội hình, vượt qua Tuấn, leo lên vị trí thứ hai toàn đoàn.


Đường đến tòa nhà dạy học bắt buộc phải đi qua một khu công trường, người ta đang đào tung đất lên để lắp lại đường ống mới. Ba người băng qua những cái ống khổng lồ xếp ngổn ngang, những vết bùn từ cơn mưa hôm qua cứ thế bắn lên mũi giày, tạo lên những vệt ngang dọc không đều. Khôi ngó Tuấn đang đi phía sau, nhìn bạn linh hoạt tránh khỏi những ổ bùn cỡ đại, bàng hoàng phát hiện trên mũi giày Tuấn cũng có những vết như vậy, chỉ khác là đã hơi khô và đã được xử lý qua bằng giấy ướt, để lại những vệt nâu mờ mờ.


“Mẹ nó, thằng cha láu cá này.” Khôi lầm bầm.


Thảo nào Tuấn lại thay đổi thái độ đột ngột, người ta có khi còn biết có chuyện từ đời nào rồi, chỉ có nó ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, cứ tưởng bản thân là anh hùng, hoá ra lại chỉ là một đứa ngốc nhảy nhót.


Mất mặt.


“Đăng Khôi, nhanh lên.” Thấy nó lại tụt xuống vị trí thứ ba, thầy phụ trách quay lại, cao giọng nhắc Khôi đẩy nhanh bước chân.


“Đây ạ.” Khôi đáp, cố gắng bỏ chuyện vừa rồi ra khỏi đầu, sải bước qua đám bùn lầy trước mặt, hạn chế tối đa những mảng bám, mặc dù nó biết là trong lúc vô ý lúc nãy, đôi giày dưới chân đã đổi sang màu nâu đen rồi.


Theo thời khoá biểu, lớp A hôm nay sẽ có hai tiết tự học không có giáo viên, lúc chúng nó quay lại, cánh cửa lớp vẫn duy trì trạng thái như lúc khi nó rời đi, nghĩa là cái xô nước kia vẫn ở nguyên vị trí. Khôi liếc nhìn Tuấn, không hổ với cái biệt danh mới tậu được, Tuấn vẫn ngậm chặt miệng, gương mặt không biểu lộ bất kỳ sắc thái gì, lừ lừ như một cái bóng đi theo sau thầy phụ trách, chậm rãi leo lên cầu thang.


“Sao lại để cửa hé thế này, không tiết kiệm điện gì cả.” 


Trước khi Khôi kịp phản ứng, thầy đã phàn nàn và đẩy mạnh cửa vào trong. Theo phản xạ, nó nhắm mắt, chờ đợi một tiếng “ào” và cả tiếng hét từ thầy, nhưng tất cả những gì xảy ra lại hoàn toàn khác với suy đoán, vẫn là tiếng “ào”, vẫn là tiếng hét, nhưng không hề đến từ thầy phụ trách mà lại đến từ một bạn nữ.


Tuấn đi sau hơi đẩy nó về phía trước: “Vào thôi.”


Chuyện gì thế này?


….


“Là ai làm? Mau đứng ra đây?”


Thầy phụ trách đã có một nước đi sai khi dồn tất cả nghi phạm về cùng một phía, số lượng đủ nhiều để trò áp lực đám đông có đất phát huy tác dụng. Đối mặt với tuyệt chiêu “im lặng là vàng”, cơn thịnh nộ dù có bốc cao đến đâu cũng phải theo gió mà đi.


“Đừng để tôi phải kiểm tra máy quay, người bao che sẽ bị phạt gấp đôi.” 


Chiến thuật “ai làm đứng ra đây” rõ ràng là không hề phát huy tác dụng, thầy phụ trách lập tức chuyển sang phương án khác, dùng một câu ngắn gọn khứa sâu vào mâu thuẫn của đám người này. Không sợ chia ít, chỉ sợ chia không đều, một tập thể sẽ chỉ mạnh khi tất cả đồng lòng, thầy đang đánh cược. Thất bại ê chề lúc trước hẳn là đã khiến thầy rút ra kinh nghiệm, con át chủ bài được tung ra, cộng thêm với cả phương thức “chế hành - chia để trị” đặc trưng, những kẻ yếu bóng vía sẽ sa lưới ngay tắp lự.


Đánh giá khách quan, đây là một biện pháp hay, nhưng phải với tiền đề là máy quay đã thực sự thu được cái gì đó. Nhìn những gương mặt thờ ơ bên dưới, Khôi biết chắc trò uy hiếp này sẽ thất bại, bởi máy quay an ninh sẽ không thu được điều gì hữu ích.


Khôi cũng là một người ngẫu nhiên được hưởng lợi. Người có chung lợi ích thì dễ nói chuyện, nó và Tuấn vừa rồi là một minh chứng hùng hồn cho câu này.


“Tuỳ thầy thôi.” Suy đoán được kiểm chứng ngay sau đó, đáp lại sự cương quyết của thầy, chị gái ngồi bàn đầu tiên khẽ nhún vai, thái độ mang theo sự thiếu hợp tác rõ ràng. Chị ta nói, giọng vô cùng thiếu hợp tác: “Chỉ là một trò đùa nhỏ thôi mà, mọi người đồng ý không?” 


Một câu trực tiếp giảm đi độ nghiêm trọng của vấn đề.


Khôi liếc qua ngực áo chị gái - Nguyễn Khánh Chi.


“Đúng rồi, chỉ đùa thôi mà thầy.” Những người khác trong lớp ào ào hưởng ứng, thế trận đã ngả hẳn về một chiều, muốn thay đổi tình hình thì cũng đã muộn, thầy phụ trách đã hoàn toàn lâm vào cảnh một địch n, chênh lệch quá lớn, kết quả đã sớm được định đoạt.


“Chúng mày đủ chưa? Không thấy Thư đang ướt đẫm người à?” Sau tiếng ghế gỗ bị kéo lê trên mặt sàn là tiếng nói đầy tức giận của một anh giai. Khôi còn chưa kịp nhìn kỹ bảng tên thì anh giai đã vọt qua, bằng một sức lực kinh hoàng, xô nó sang một bên. Cái áo khoác mùa thu nhanh chóng trùm lên người một chị gái cả người toàn nước đang đứng ngay sát cửa, anh giai nắm hờ vai chị gái: “Đi thôi.”


Khôi dịch sang một bên, cố gắng giảm thiểu sự tồn tại xuống mức thấp nhất, người ta đi lại còn tự nhiên hơn đi chợ, cũng chẳng thèm xin phép thầy phụ trách lấy một câu, nó không dám mong cầu xa vời vào một lời xin lỗi.


Chị gái tên Thư kéo tay anh giai nóng nảy lại: “Hưng, từ từ đã.” Thư nắm chặt áo khoác, nói với thầy phụ trách còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra: “Thưa thầy, em xin phép ra ngoài ạ.”


Đôi khi bỏ lửng cũng là cả một nghệ thuật, khoảng trống sẽ luôn là chỗ cho người ta mặc sức để tưởng tượng bay xa, tất cả ánh nhìn đều đổ dồn vào nạn nhân “bất đắc dĩ” với bộ đồng phục ướt đẫm, đứng co ro ngay dưới cái điều hoà đang liên tục phả hơi lạnh. Cái lạnh khiến chị gái xinh đẹp run rẩy không ngừng, anh trai lúc nãy nói, giọng điệu không hề kiên nhẫn: “Chúng em đi được chưa, thưa thầy”


Câu hỏi tu từ.


Mọi người đều rõ câu trả lời.


Thầy phụ trách bây giờ mới nhận ra vấn đề, nỗi áy náy trào dâng làm thầy chẳng còn quan tâm đến ai là người chịu trách nhiệm cho hậu quả của “trò chơi” này nữa, vội vàng dẫn chị gái kia đi kiếm một bộ đồng phục mới. Nhưng thầy có vẻ là không cam lòng, trước khi rời đi còn không ngại uy hiếp đám người ở lại. 


“Tốt nhất là các cô cậu nghĩ kỹ cho nó.”


Tác dụng của mấy lời đe dọa suông kiểu này thường sẽ là con số không tròn trĩnh, chị gái và thầy giáo vừa đi thì cả đám đã trở lại với trạng thái bình thường, ồn ào còn hơn cái chợ, mỗi người góp một tiếng, rôm rả nói chuyện, chẳng hề quan tâm đến những điều vừa xảy ra, càng không có chuyện đi tìm “người chịu trách nhiệm.”


Khôi hoàn toàn có thể đoán được diễn biến tiếp theo của câu chuyện, không một ai đứng ra, và trong trường hợp xấu nhất, khi mọi áp lực dồn xuống, buộc phải chơi trò “bỏ tốt giữ xe”, người kém quan trọng nhất sẽ bị tập thể vô tình vứt bỏ. Quét một vòng quanh lớp, Khôi tạm thời không nhìn ra bất kỳ dấu hiệu nào của người sẽ bị bỏ lại, nó mạn phép suy đoán, người ta sẽ dùng trò may rủi để tìm ra người “kém may mắn.”


Không có khoa trương nhất, chỉ có khoa trương hơn, thầy vừa đi là chị gái đầu gấu trở lại nguyên hình, ngang nhiên nói bậy, đôi chân dài duỗi ra chắn ngang đường đi. 


“Thằng kia, đi mua cho tao chai nước.” Chị gái đầu gấu chỉ vào một bạn nam đang đứng gần chỗ nó, ném cho cậu ta vài đồng tiền lẻ, lời lẽ đương nhiên. Không ai nói gì cả, tất cả có vẻ là đã quá quen với cảnh này.


Khôi ngó qua, vài đồng tiền nhàu nhĩ lôi đại từ trong túi, mua chai nước lọc thì may ra còn đủ, theo yêu cầu uống T đỏ của chị gái đầu gấu thì chút tiền này còn không đủ chi phí cái vỏ chai, thảo nào bạn nam kia cứ đứng tần ngần một chỗ, mãi đến khi người bên cạnh ra hiệu mới sực tỉnh, vội vàng lao ra ngoài, quyết định chịu lỗ để hoàn thành nhiệm vụ.


Cậu trai si tình và chị gái đầu gấu, Khôi nhìn quanh lớp một lượt, xác định không ai nói gì trước hành vi “bá quyền” vừa rồi. Suy nghĩ vào sai lớp vừa lóe lên, Khôi đã thấy Tuấn đóng vai người rơm nãy giờ bắt đầu có hành động.


Tuấn, với gương mặt hằm hằm như bị ai đó lừa mất bữa sáng, đang như một con gấu lừ lừ đi đến chỗ chị gái to tiếng vừa rồi, chị gái thấy Tuấn thì cũng không hề có ý định nhường đường, chỉ đơn giản ngửa mặt lên đầy khiêu khích.


Cuộc chiến thị giác vô hình đã lôi kéo được sự chú ý của quần chúng, người ta luôn nhạy với xung đột, Khôi có thể thấy rõ những tiếng xì xào xung quanh giảm dần, cả cường độ và số lượng, sau cùng chỉ còn vài tiếng thì thào mà dù có cố căng tai ra, Khôi vẫn không thể bắt được bất kỳ âm tiết có nghĩa nào.


Không gian tĩnh lặng đến tuyệt đối thường sẽ là điểm bắt đầu của một trận chiến khốc liệt, Khôi theo phản xạ hơi lùi ra phía sau, ẩn mình vào sâu trong đám đông hiếu kỳ bâu quanh vị trí của hai tuyển thủ, ai nấy đều dỏng tai giương mắt chờ đón trận chiến sắp nổ ra.


Không ngoài dự đoán, chị gái đầu gấu vừa vào trận đã chọn thế tấn công, hễ mở miệng ra, câu nào câu nấy cũng đều có ý gây sự: “Mấy tháng hè không gặp, không chào bạn cũ à?”


Problem solved.*


*vấn đề đã được giải quyết


Cũ rích.


Câu chuyện cũng không có gì là phức tạp, cứ tạm gọi hai bên có liên quan trong chuyện này là A và B, trong đó A và B lần lượt là Tuấn và chị gái đầu gấu. Theo những gì nó quan sát được, hai bên A và B bằng mặt nhưng không bằng lòng, nhân dịp năm học mới, B đã chuẩn bị một “món quà” lớn để chào đón A, nào ngờ A chẳng những không nhận mà còn chơi trò “gậy ông đập lưng ông.” gọi luôn thầy phụ trách đến khiến mọi chuyện vốn chỉ diễn ra trong quy mô lớp học đã bị biến thành quy mô cấp thầy cô.


Điều này cũng giúp Khôi xác nhận luôn một vấn đề, nó hoàn toàn là bên bị liên đới bất đắc dĩ, mấy bạn học này có khi còn chẳng có bất kỳ ý niệm nào về sự tồn tại của nó cũng nên.


Nằm không cũng trúng đạn.


Căn cứ vào hoàn cảnh hiện tại, nó tự cho phép bản thân lạc quan, mượn luôn câu người ta nói về anh Chí* - chắc nó chừa mình ra.


*Chí Phèo


Ôm tâm lý ăn may hóng chuyện, Khôi chậm rãi điều chỉnh tâm trạng, tập trung theo dõi trận derby* lớp A giữa học sinh giỏi và đầu gấu lớp. Chị gái đầu gấu lớp đã liên tiếp tung đòn tấn công, áp sát chiếm lợi thế, bạn hến, ngược lại, vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào đáng kể. Khôi đợi mãi mà không thấy Tuấn nói gì, hơi nhổm lên thì thấy Tuấn hơi nghiêng đầu, tay không ngừng ra dấu.


*một trận đấu giữa những người ở cùng khu vực


Lỗi nó. 


Do quên mất tình trạng đặc biệt của Tuấn, lại thêm việc đến sau, nó không kịp nhìn đoạn đầu, nhưng theo những gì mà Khôi hóng được, câu Tuấn nói, đại ý là “muốn trở thành Nguyễn Mai Thư thứ hai à?”


Ôi bạn hến đỉnh chóp, không ngại solo một một với chị gái đầu gấu lớp. Cái Tuấn chiếm ưu thế là lòng dũng cảm, nhưng cái yếu là khả năng diễn đạt bằng lời, hữu tâm vô lực,* trong hầu hết vấn đề, rào cản ngôn ngữ luôn là một trong những nguyên nhân chính yếu khiến hai bên không thể thuận lợi giao tiếp.


*có tâm mà không có sức


Đúng lúc Khôi đang phân vân không biết có nên ngoi lên kiếm một chân phiên dịch thời vụ hay không thì chị gái đầu gấu lớp đã thẳng chân đá vào cái ghế bên cạnh, từ tiếng hít sâu của mấy người xung quanh và âm thanh nghe được, nó cam đoan đó là một cú đá sử dụng nhiều lực, nó dù đứng xa vẫn có thể nghe rõ tiếng “rầm” của đôi giày hiệu va chạm với chân ghế kim loại. 


Khánh Chi chỉ vào bạn cùng bàn, hất hàm: “Thằng đấy nói gì thế?”


Thời buổi khó khăn, muốn ứng tuyển một chân đàn em của đầu gấu lớp, ngoài kỹ năng uy hiếp và to xác là yêu cầu bắt buộc, bây giờ còn yêu cầu ứng viên phải trang bị thêm cả kỹ năng mềm, trong trường hợp của anh chàng trước mặt là có khả năng giao tiếp với người sử dụng ngôn ngữ ký hiệu.


Cậu đàn em lấm lét, hết nhìn Tuấn rồi lại quay sang Khánh Chi, giọng lí nhí thuật lại câu vừa rồi. Cậu ta không nói thì thôi, nói xong, dù có là phiên bản nói giảm nói tránh thì vẫn thành công khiến Khánh Chi cáu điên, đứng bật dậy xô cái bàn ra, lao thẳng về phía Tuấn, chuẩn bị cho một trận hỗn chiến.


Đám đông, trong đó có cả Khôi, âm thầm lùi thêm vài bước về phía sau, cố gắng tránh khỏi phạm vi của cuộc xung đột đang cận kề. Khôi nhắm mắt, thầm đếm từ một đến ba, rồi mở mắt. Không có gì xảy ra. Tuấn đúng là tài giỏi, chỉ cần một câu là đã có thể biến một cuộc khẩu chiến thành xung đột trực tiếp. Một khi nắm đấm đã được sử dụng, người ta sẽ chỉ quan tâm đến việc ai là người ra tay trước.


Tuấn dù bị uy hiếp trực diện nhưng vẫn không hề nao núng, chậm rãi gạt bàn tay đang túm lấy cổ áo đồng phục xuống, hai người hẳn là đã có một cuộc trao đổi ngắn gọn. Vị trí đứng bất lợi khiến nó không nắm thêm được bất kỳ thông tin gì. Vài giây sau, Khánh Chi đã bị chế phục, tức tối thả tay, ngồi phịch xuống bàn, miệng vẫn không quên doạ dẫm: “Coi như lần này mày gặp may.”


Cuộc xung đột tưởng chừng cam go đã kết thúc một cách chóng vánh. Hai nhân vật chính đã ai về nhà nấy, người quây xem cũng dần tản ra, mọi chuyện lại diễn tiến như thường. Tuấn không hề bị ảnh hưởng gì bởi cuộc xung đột, từ từ đi đến cái bàn trống đầu tiên cạnh cửa sổ, nhẹ nhàng đặt cặp xuống, cẩn thận vuốt phẳng cổ áo vừa bị túm đến nhàu nhĩ.


Khôi muốn nói là cứ vuốt tay kiểu này, đến mai cũng không phẳng áo được, có điều, nghĩ đến thái độ vừa rồi Tuấn dành cho nó, lời nói đến miệng bị mạnh mẽ rút lại. Nói làm gì để rước nhục vào thân, người ta cũng đâu có thèm phản ứng mình.


Khoảng trống trước bục giảng chỉ còn mình Khôi, chẳng ai dại mà lượn lờ trước mặt đầu gấu lớp đang ôm cơn tức trong người. Khôi tất nhiên cũng không phải ngại lệ, đám người vừa vãn đi là nó đã tìm cách đi đến chỗ ngồi mới, thầy phụ trách đi sớm quá, còn chưa kịp xếp cho nó một chỗ ngồi.


Là một học sinh nhập học muộn, Khôi không mong cầu một chỗ ngon, chỉ trung thành với nguyên tắc điền vào chỗ trống. Từ lúc bước qua của, Khôi đã khảo sát, cái lớp này, tính cả nó và Tuấn, trong trường hợp tất cả mọi người đều có mặt thì với kiểu kê bàn hai bốn hai này, nếu đủ may mắn, nó sẽ tậu được một bàn không người, một mình độc chiếm một cõi.


Khôi hướng tầm mắt xuống dưới, khẽ thở dài. Muốn đến chỗ nhắm trước, nó sẽ phải đi qua vị trí của Khánh Chi. Nhiệm vụ thoạt nghe thì có vẻ không quá khó khăn, nhưng là một người vừa được trực tiếp chiêm ngưỡng độ hiếu chiến của đối phương, Khôi có phần hơi quan ngại.


Có lẽ, nó sẽ khó thực hiện lời hứa với mẹ - Khánh Chi đang nhắm mục tiêu vào nó rồi. Nhìn chằm chằm kiểu kia, bảo không có gì thì nó sẽ viết ngược tên mình lại. Trước khi hành động, Khôi ngó sang bạn hến ở vị trí đối diện, Tuấn đã trở lại với thế giới ngoại ngữ thân quen, thân còn đây nhưng tâm hồn thì đã thả tận đẩu đâu, không hề có bất kỳ ý muốn can thiệp nào. Thôi thì tự mình cánh sinh: “Tao bạn bè gì với mày?”


Gặp nhau là có duyên, trong số hơn ba trăm học sinh khối tám, học cùng một lớp lại càng có duyên hơn, sao cứ phải nhẫn tâm làm khó nhau.


Đám đông nhanh chóng đánh hơi được mùi của một cuộc xung đột mới, công việc đang làm đều bị gác lại, mọi ánh mắt đổ dồn vào hai người chúng nó. Khôi có cảm giác mình giống như con khỉ trong rạp xiếc, làm mấy trò ngớ ngẩn mua vui cho khán giả phía trên.


Không thoải mái.


“Đằng ấy này, phiền đằng ấy tránh ra được không?” 


Không thích được gọi là bạn thì nó đổi từ khác, kho tàng ngôn ngữ vô biên, bảo gì khó chứ tìm một từ xưng hô cho hợp ngữ cảnh quá là đơn giản. Tất nhiên, ý của Khánh Chi không phải thế này, nhưng Khôi thích hiểu theo nghĩa đấy, làm gì được nhau?


Cú phản đòn hiển nhiên là đã thu được sự ủng hộ từ quần chúng, nó loáng thoáng nghe thấy tiếng cười khe khẽ từ phía sau, Khánh Chi hẳn cũng nghe được, mấy kẻ hay ra vẻ thường sẽ để ý người ta nghĩ thế nào về mình. Chị ta quét mắt một vòng: “Đứa nào dám cười?”


Cái lớp này trông thế mà không đoàn kết như vẻ bề ngoài. Tiếng cười im bặt. Quyền lực của trùm lớp đã phát huy tác dụng. Tuấn, như mọi lần, vẫn nằm ngoài phạm vi tranh cãi.


Khánh Chi thiết lập xong cái uy của bản thân, lúc này mới rảnh nếm xỉa tới Khôi đang đóng vai đầu sỏ: “Tao đùa với mày à?” 


Nếu không tính cái mồm hư chuyên nói lời tổn thương người khác, với gương mặt sáng và đôi mắt tinh anh, cộng thêm với chiều cao vượt trội, đứng tới tận cằm Khôi, Khánh Chi sở hữu một cái vỏ khá được.


“Đằng ấy muốn được gọi là gì?” Khôi vô cùng dân chủ hỏi lại, hạ giọng nhỏ nhẹ hết mức có thể. Gì chứ giả ngu là nghề của Khôi, chỉ cần Khánh Chi phối hợp, chịu phắn sang một bên và để Khôi yên, muốn gọi là gì Khôi cũng chiều.


“Mày cũng gan nhỉ, biết mẹ tao là ai không?” Khánh Chi bị nó chọc cho bật cười, đứng dậy, gằn giọng. 


Câu hỏi có không cho điểm, nó thành thật lắc đầu, mắt lại liếc về phía bảng tên “Nguyễn Khánh Chi”. Mọi nỗ lực lục lọi trong đống ký ức mơ hồ lẫn lộn sẽ đều là vô ích, họ Nguyễn quá phổ biến, dù có cho thời gian đến tận sáng mai, nó cũng không thể nào truy được nguồn gốc của đầu gấu lớp.


Xem chừng là đùa hơi quá, Khánh Chi đã quen với cảnh mọi người phục tùng, hôm nay hết bị Tuấn hai câu hạ knock-out, giờ lại bị một đứa như nó giả ngu, máu nóng dồn lên não, vung tay, định tẩn cho nó một trận.


Outlier.*


*biến số


Khôi chưa tính đến chuyện này.


Sự việc phát sinh bất ngờ, xem chừng là kế hoạch A sẽ phải đắp chiếu, nó vội vàng nhảy sang một bên, vừa tránh cú đấm đang vung tới, vừa nhanh chóng chộp lấy đống sách trên bàn giáo viên, lại lợi dụng ưu thế chiều cao lách qua chỗ trống giữa Khánh Chi và cái bàn, cố gắng phân bua: 


“Đằng ấy sao phải nóng thế? Đằng ấy không muốn tránh thì cứ nói thẳng, tôi ngồi đây cũng được.” Khôi nói xong thì đặt đống sách xuống thẳng cái bàn đầu tiên, cũng mặc kệ Tuấn đồng ý hay không, hơi đẩy người vào phía trong. Nó nói nhanh: “Cái này là bạn nợ tôi.”


Kế hoạch B, hoàn thành.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}