Chương 03: Tất Cả Là Nhờ Quan Hệ


Chương 03: Tất Cả Là Nhờ Quan Hệ


“Bạn ơi…”


“Bạn ơi…”


Người ta có câu “nói trước thì bước không qua”. Khôi lấy mười ba năm kinh nghiệm lăn lộn ra để đảm bảo, cái trường này và nó chắc chắn đã có thù. Đến người khó tính như ông ngoại cũng ngầm khen nó có tài ăn nói, theo lời bác Thu là “cái miệng đỡ cái thân”, đã là bản năng thì không bao giờ có chuyện mai một, huống hồ nó vẫn thường xuyên rèn luyện, mấy chú gác cổng ở chỗ ông ngoại công tác đã sớm thành “bạn chơi’ với nó cả hè. Vậy nên, nếu không phải vấn đề thù oán, Khôi không tìm được lý do khác cho việc cái trường dở hơi này dung túng học sinh bắt nạt, để nó đứt lưỡi gần mười phút mà vẫn không thể câu được con cá nào, hưởng ké một chuyến miễn phí vào trường.


Cá lớn cá bé tung tăng bơi lội, cá lớn thì khinh khỉnh bỏ đi, cá bé thì tốt hơn một chút, trước khi theo bước cá lớn vẫn còn tử tế quay lại nhìn nó một cái, and then there were none*.


*và rồi chẳng còn ai (tên tiểu thuyết của Agatha Christie)


Kế hoạch đi ké cứ thế mà bị ngâm nước lạnh, Khôi cũng chẳng có việc gì làm, chỉ đành loay hoay chuyển chế độ mặt đồng hồ, rồi lại ngồi vạch bừa vài đường vô hình lên nền đất xám, sau một hồi thì tính ra được kim giờ và kim phút đã hợp với nhau một góc tù. Khôi vốn định tính chính xác hơn, nhưng sau đó nhận ra, đồng hồ đã chỉ tám giờ - nó vinh dự đi học muộn ngay ngày đi học đầu tiên.


Chuyện đã đến nước này, Khôi vốn định liều ăn nhiều, thử thách một phen, cứ thế theo bước một chị gái xinh đẹp, nhưng còn chưa mon men tới cửa, nó đã bàng hoàng phát hiện, trường này quản lý học sinh bằng hệ thống điều khiển từ xa, không có một bác bảo vệ nào ở cửa, thay vào đó là các loại máy móc hiện đại từ trên chiếu xuống, không một góc chết, nó mà manh động thì chỉ còn nước ăn cám, nhẹ thì ăn một phiếu cảnh cáo, nặng thì ngày đầu đi học đã thành công bị thầy cô nhớ mặt điểm tên, nghĩ kiểu gì cũng thấy không ổn. 


Trường cũ sẽ chẳng bao giờ có chuyện này, chỉ cần đến cổng, chào bác bảo vệ một câu và có dáng vẻ giống học sinh là sẽ được cho vào. Giờ thì hay rồi, Khôi nhìn đồng hồ, tính toán đủ điều, chỉ chưa tính tới chuyện sẽ bị kẹt lại ở bước cuối cùng, đúng là tự buộc đá vào chân, bây giờ tiến không được mà lùi cũng chẳng xong. Không còn cách nào khác, Khôi chỉ đành đợi thầy cô giáo vụ đến giải cứu, hi vọng họ sẽ hiểu cho lý do quá mức ngớ ngẩn này, mà suy cho cùng, lỗi cũng không phải hoàn toàn từ nó mà ra.


Khôi sai ở chỗ chưa khảo sát kỹ địa hình đã vội vàng hành sự, (lần trước nó đi cùng ông ngoại vào bằng đường cho khách nên không biết đường này) trường học cũng có trường nọ trường kia, trường cũ dễ dàng không có nghĩa trường mới cũng thế. Nó mà sai một thì mấy ông thầy giám sát phải sai mười, đã nói từ trước là hôm nay nó sẽ đi học, tất nhiên, nói đến đây thì phải tính thêm một cái sai nữa - Khôi từ chối suất toàn diện (hiểu nôm na là bao trọn gói) bao đưa đi đón về, tự mình bắt xe đến trường.


Đúng là không cái dại nào như cái dại nào, giờ thì hay rồi, Khôi chỉ còn cách ôm cây đợi thỏ, chờ người đến cứu.


Khôi ngồi xổm trước cổng, tựa lưng vào tường, đăm đăm nhìn vào khoảng không trước mặt. Càng đợi, tâm trạng nó càng tệ, sau nhiều hồi tự đấu tranh, Khôi nhận ra, sẽ không có ai xuất hiện, thay vì trông mong vào một tương lai mờ mịt, tốt hơn là tự tìm đường cứu mình. Tám giờ mười vác mặt đến trường thì xác định sẽ ăn chắc một dấu vào hồ sơ. Trong hầu hết trường hợp, so với việc bị ghi tên đi muộn, kiếm cớ bị ốm nghỉ ở nhà là việc Khôi sẽ làm. Kiến thức mất đi thì có thể bổ sung lại được, còn điểm rèn luyện một đi sẽ không bao giờ trở lại.


Ai rồi cũng sẽ thành nô lệ của điểm rèn luyện.


Đang lúc cân nhắc chuyện quay lại quán K đỏ, mượn tạm chị gái thu ngân xinh đẹp em điện thoại để cầu cứu, Khôi nghe thấy tiếng bước chân đều đều nện trên nền đất. 


“Được cứu rồi.” 


Khôi vội vàng nhổm dậy, nhìn theo hướng âm thanh vọng đến. Trở ngại khoảng cách khiến nó chỉ có thể thấy lờ mờ một đôi giày trắng đang lướt trên mặt đất. Người kia càng lúc càng gần, nó cũng có cái nhìn rõ ràng hơn về đôi giày, đánh giá sơ bộ, đây là một đôi giày thể thao, màu trắng, loại phổ thông, có thể dễ dàng mua được ở chợ. Căn cứ vào độ bạc màu, Khôi nhanh chóng đưa ra suy đoán - đây hẳn là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Ở cái nơi vớ bừa cũng tóm được một người có khả năng mua sỉ một trăm đôi giày kiểu này, nó không nghĩ họ sẽ đủ kiên nhẫn để giặt đi giặt lại một đôi giày bình dân đến trắng bệch.


À, dĩ nhiên là nó bỏ qua xác suất xíu xíu của kỷ niệm. 


Người kia đã đến sát bên cạnh, Khôi ngẩng đầu, gương mặt người đến hiện rõ ràng. Cậu trai tầm tuổi nó, cơ thể lêu khêu gầy gò choàng dưới lớp áo đồng phục mỏng, gương mặt viết rõ chữ “đừng có lại gần” sáng chói, rõ ràng là thấy Khôi đang ngồi chồm hổm trên đất, cũng không thèm cho nó dù chỉ nửa ánh mắt, cứ thế lạnh lùng lướt qua. 


“Bạn ơi.” 


Khôi nào có dễ dàng lãng phí cơ hội, người vừa đến gần là mở lời bắt chuyện, có điều, hiệu quả không được tốt cho lắm, bạn học này cũng giống những bạn cá lúc trước, à không, Khôi sẽ đặt cậu ta tên mới - bạn hến. Những người lúc trước có thể không nghe thấy, dù sao lúc đấy nhiều người, âm thanh hỗn tạp, Khôi lại đứng ở xa, nhưng lần này, chúng nó đứng đối diện, xác suất bạn học này không nhận được thông tin mà Khôi muốn truyền đạt gần như là con số 0 tròn trĩnh. 


Quần áo không vừa người, đồ dùng cũ, khuôn mặt ít mang theo cảm xúc, Khôi đại khái có thể đoán ra thân phận của người bạn học này. Trường học năm nay chỉ nhận hai học sinh có gia cảnh bình thường - một là nó, người còn lại hẳn là bạn hến thân mến rồi. (cái này không phải là nó võ đoán, trên ngực áo bạn hến có thêu tên - Đặng Nhân Tuấn, Khôi không nghĩ là trong trường lại trùng hợp đến mức có hai người vừa trùng tên vừa có chung hoàn cảnh.)


Bạn hến chắc là chủ nhân đầu tiên của học bổng học sinh nghèo vượt khó, dùng khả năng vượt trội, đánh bại vô số đối thủ (trong đó có nó), thành công ẵm trọn suất ăn học miễn phí ở ngôi trường đi đâu cũng toàn mùi tiền này, hoàn toàn khác với Khôi, suất đi học của nó là thành quả ngoại giao của người lớn trong nhà - cụ thể là ông ngoại - gọi ngắn gọn là suất quan hệ. 


Tất nhiên vụ thi cử được học bổng là thật, Khôi vẫn có đủ tự tin với cái gọi là “khả năng học tập”, cái Khôi không tin là việc trường này mời nó nhập học. So với danh tiếng nhận được, việc nhận xử lý một đứa rắc rối như nó không phải là việc ai cũng dũng cảm thực hiện.


Khôi gọi với theo, nhưng bạn hến vẫn chẳng thèm quay lại, hoàn toàn nhập vai cá lớn vô tình độc ác, bỏ lại nó lẻ loi ngoài cổng. Đợi đến mòn cả người mà vẫn chẳng có ma nào xuất hiện, hết cách, Khôi chỉ đành sử dụng con át chủ bài - gọi điện cầu viện ông ngoại. Khôi sẽ không dở hơi đến mức gọi thẳng cho ông vì chuyện cỏn con này, những vấn đề râu ria, mười việc thì cả mười việc cứ tìm chú thư ký, thế nào cũng được giải quyết nhanh gọn chỉ trong một cuộc gọi.


Cái đồng hồ Khôi đang đeo là mẫu cũ, cũng chẳng biết ông ngoại moi ở đâu ra, không lên được mạng, cũng chẳng có sim để gọi điện theo kiểu truyền thống, điều duy nhất hữu ích mà em nó có thể làm đó là thanh toán không cần thẻ tín dụng (thẻ đã được ông ngoại tích hợp sẵn, tiền tiêu vặt hàng tuần cũng sẽ được chuyển vào đây). Thế đã tốt hơn rất nhiều so với kiếp đồng hồ đồ chơi tặng kèm khi mua sữa ngày trước rồi, dù sao cũng không phải là tiền do nó làm ra, Khôi không dám đòi hỏi gì hơn.


Khôi thở dài, đứng dậy, giơ tay phủi phủi đống bụi vô hình trên người rồi nhanh chóng ngược theo đường cũ, đi về phía cửa hàng K đỏ ở bên đường. 


“Xin chào, quý khách muốn gì ạ?” Chị thu ngân xinh đẹp thấy Khôi quay lại thì có vẻ khá là ngạc nhiên (Khôi đoán chị nghĩ nó là một đứa đi muộn nên bùng học), nhưng chị che giấu biểu cảm rất nhanh, lập tức trở lại trạng thái làm việc.


“Chào chị, em có thể mượn điện thoại chị được không ạ?” Sống lâu, mặt Khôi cũng dày lên không ít, thản nhiên lờ đi những nét kỳ lạ vừa rồi, chóng trình bày bày về “khốn cảnh” của bản thân.


Chị thu ngân nghe xong thì cũng mủi lòng, đưa điện thoại cho nó mượn. Khôi nói cảm ơn, nhanh chóng bấm số chú thư ký. Điện thoại phải mất hai lần mới kết nối được. Sau lần đầu tiên, chú ta không thèm bắt máy, để cho chuông tự hết, nó đã rút kinh nghiệm, soạn tin nhắn trước rồi mới gọi điện.


“Khẩn cấp, chú ơi, cháu là Khôi đây ạ.”


Khôi vẫn chưa khốn nạn đến mức dùng máy người lạ để nấu cháo điện thoại, lần thứ hai, chú ta vừa nhấc máy thì nó đã liên thanh “chú gọi lại cho cháu đi ạ” rồi dập máy. Chú thư ký gọi lại sau vài phút. Khôi nghe máy, một lần nữa trình bày lại câu chuyện.


“Cháu ra ngoài một mình à?” 


Không hổ là người đã đi theo ông ngoại trải qua bao sóng gió cuộc đời, trọng điểm của chú ta vẫn là chuẩn không phải chỉnh. Phen này là không giấu được gì nữa rồi. Khôi nhắm mắt, nghĩ tới cơn thịnh nộ của ông ngoại khi về nhà.


Chuyện tương lai thì tương lai tính, bây giờ quan trọng là nó phải vào trong trường, phải lấy được đồ mang về cho mẹ, những cái khác tạm gác lại, tính sau.


“Cháu không vào được trường, chú báo thầy cô giám sát giúp cháu với ạ.” 


Khôi lờ tịt lời chất vấn vừa nghe, thẳng thừng lái câu chuyện về hướng ban đầu. Phát huy truyền thống có gì nói nấy, sau khi đổi ngắn gọn một hồi, nó nhận được đảm bảo chắc nịch rằng sẽ có người ra đón, không cần phải lo lắng. 


“Dạ, cháu cảm ơn chú ạ.” 


Khôi đáp, cân nhắc nói một hai câu mang tính chất xoa dịu. Nó đâu có lo lắng, người lo lắng rõ ràng là chú ta, trước khi dập máy, chú thư ký cứ liên tục dặn dò, bảo nó phải ở yên một chỗ, không được đi lung tung, và những người cảnh vệ sẽ mau chóng đến, hộ tống nó đến nơi an toàn.


“Thành phố loại một sầm uất, chú lo gì chứ?” 


Mối quan tâm của chú ta, nó hiểu, nhưng nó chỉ xin nhận tấm lòng, còn hành động thì thôi, chú ta cứ giữ lại mà dùng. 


Thái độ được xem là “có phần chủ quan” ngay lập tức hứng chịu “mưa bom bão đạn” những lời nhắc nhở và dặn dò “thân thiết”. 


“Điện thoại hết pin rồi, có gì để nói sau ạ.” 


Kinh nghiệm đối phó với những lời này rất đơn giản, Khôi nói vô cùng dứt khoát, rồi cúp máy. Chú ta dù có tức cũng chẳng thể làm gì được. Khôi trả lại điện thoại cho chị thu ngân, nhẹ giọng nói câu cảm ơn. Chị ta nhìn nó, có phần dè dặt hỏi: “Cậu trốn nhà đi ấy à?”


“Hả?” Khôi đáp, nhìn lại bản thân một lượt, có phần ngạc nhiên: “Sao chị lại hỏi thế ạ?” Mạch tư duy của chị gái này lạ đời thế, trông nó nào đâu giống đứa chán đời đang vào giai đoạn phản nghịch, quyết chí bỏ nhà ra đi để chứng tỏ bản thân.


“Tại tôi nghe thấy cậu cãi nhau với người nhà.” Chị gái trả lời, giọng nhỏ dần: “Xin lỗi, tôi không có ý nghe trộm.” Chị ta bối rối cúi đầu.


“Không sao đâu chị ạ.” Khôi xua tay. Việc đã làm rồi, xin lỗi cũng đâu giải quyết được gì. Chưa kể, việc chị ta đứng gần lúc nó nghe điện thoại là một điều hoàn toàn có thể lý giải, chẳng ai lại ngờ nghệch đến nỗi để tài sản có giá trị như di động trong tay một thằng nhóc không quen biết. 


“Người ta không cho em vào trường nên em gọi điện nhờ người nhà ấy mà.” Khôi giải thích ngắn gọn. Trần Đăng Khôi nó không thể mang cái mác “trốn nhà” được, ông ngoại mà nghe được thì nó chỉ còn nước nằm cáng mà di chuyển thôi.


“Thì ra là thế.” Chị gái xem chừng là đã vỡ lẽ, ồ lên một tiếng. 


Khôi gật đầu. Rủi mà chị gái hiểu sai là về nhà nó sẽ no đòn. Chúng nó nói thêm với nhau được vài câu thì cánh cửa tự động mở ra.


“Em chào thầy ạ.” Khôi nghiêng đầu, năm ngón tay tạo thành kí hiệu “xin chào” với người đàn ông mới bước vào trong cửa hàng. Khôi nhận ra thầy - thầy giáo tổng phụ trách, lần trước khi đến trường, thầy là người đã dẫn nó tham quan. Hai người rồng rắn đi ra khỏi cửa, Khôi vẫn không quên quay lại, vẫy tay chào chị gái xinh đẹp lần cuối: “Chào chị nha.”


Ra đến bên ngoài, không ngoài dự đoán, một chiếc ô tô đã đậu sẵn. Khoảng cách không xa mà mấy người này là rùm beng quá, nó ngó đồng hồ lần thứ n trong ngày, quẩn đi quẩn lại, đã gần chín giờ sáng rồi. 


Khôi biết chắc sẽ chẳng có chuyện học hành nào đang chờ đón, tâm trạng thoải mái lạ thường. Nhưng thầy phụ trách lại không nghĩ thế, thầy quét mắt nhìn nó một lượt, đột ngột hỏi: 


“Đồng phục của em đâu?”


“Em chưa được phát ạ.” Câu hỏi cho điểm, Khôi không ngại trả lời ngay. Nó vẫn đang mặc đồng phục ở trường cũ, đã hơn một năm không mặc, bộ đồng phục vốn vừa người, nay đã ngắn hơn nhiều.


Thầy phụ trách nghe thế thì gật đầu, nói thêm: 


“Lần sau, mấy chuyện nhỏ này đừng phiền đến ông em, có gì hãy bảo các bạn trong trường giúp đỡ.” 


Khôi hơi cau mày, thầm nghĩ về nhà phải nhờ chú thư ký bảo lại với những người xung quanh. Cả hai ông cháu nó đều không thích để lộ quan hệ ra ngoài. 


“Chuyện của em, chỉ có nó và thầy hiệu trưởng biết, em không phải lo.” Thầy phụ trách không hổ là người có thâm niên công tác lâu năm trong ngành giáo dục, khả năng bắt bài suy nghĩ cứ phải gọi là “chuẩn không cần chỉnh”, chỉ từ một hành vi nhỏ mà toàn bộ suy nghĩ của nó đã như tờ giấy trắng phơi ra trước mắt thầy.


“Vâng.” Khôi đáp ngắn gọn, mở cửa xe leo tót lên hàng ghế trên, thầy phụ trách cũng ngồi vào ghế lái bên cạnh, xe lăn bánh, từ từ rời khỏi cửa hàng K đỏ.


Chuyện phải nghe một bài ca về “bình đẳng, bác ái’ trong trường học là không thể tránh khỏi. Theo như lời thầy phụ trách, nếu nó biết ngoại giao tốt hơn thì đã không để xảy ra cảnh này. 


“Lần sau, em cứ mạnh dạn nhờ các bạn báo thầy, đừng ngại.”


“Dạ.” Khôi ậm ừ đáp lại, cố gắng không bày tỏ thêm bất kỳ quan điểm nào, bởi chính xác thì nó cũng không biết nên phản ứng kiểu gì, chẳng lẽ lại bảo là học sinh trường thầy chảnh quá, thấy em mặc đồng phục khác nên không cho vào à? Nói thế thì mười phần chắc mười một là sẽ phải nghe một bài ca về giai cấp, tốt nhất là cái gì bỏ qua được thì cố mà bỏ qua, cái này nó đã quen rồi.


Nhưng cũng có những chuyện không phải nó cứ lờ đi thì người ta sẽ để yên cho nó: 


“Cặp sách của em đâu?”


Đấy, đến rồi đấy. Khôi lẩm bẩm, lôi câu trả lời đã soạn sẵn lúc nãy ra, thao thao một lượt: “Dạ, em vẫn chưa nhận được danh mục sách vở ạ.” Ý là không biết học sách gì, có mang cặp đi thì cũng là vô dụng.


Thầy phụ trách nghe thế thì cũng không vặn vẹo thêm, Khôi cũng không chủ động gợi chuyện, không khí trong xe yên lặng lạ thường. 


Thầy phụ trách nói: “Vậy thì sau khi nhận đồng phục, em hãy đến phòng giáo vụ lấy thêm một bộ sách.” 


“Dạ.” Nó trả lời, hỏi thêm: “Tiền sách này được tính vào học bổng ạ?”


“Đúng vậy.”


“Vâng ạ.” Khôi đáp, hơi ngạc nhiên. Cái này coi như là thu hoạch bất ngờ, nó vốn chỉ tính bịa đại cái cớ để giải thích cho vụ cặp người hai ngả, cũng chưa nghĩ đến việc sách vở cũng được tính vào học bổng, ai ngờ ngôi trường giàu có này lại sẵn sàng cho nó hẳn một bộ sách mới, xem chừng là đống sách cũ ở nhà sắp sửa được chuyển nhà xuống kho được rồi.


Mấy hôm trước mẹ đã mua vài quyển cho nó tham khảo, cơ mà, với sự xuất hiện của mấy người bạn mới, đống sách mẹ bỏ công chọn lựa sẽ sớm trở thành đồ thừa. Dù sao sách vẫn còn mới nguyên, nó vẫn chưa lật trang nào, nếu nặc danh giao bán chắc cũng kiếm được một khoản cắt lỗ, đủ để mẹ con nó có một (vài) bữa ngon. Nói thêm vài câu, thành công kéo gần khoảng cách khoảng cách với thầy phụ trách, nó lập tức tiến vào chế độ hỏi dò, quyết moi cho ra thông tin mình cần.


“Em đang hỏi Đặng Nhân Tuấn đúng không?” Thầy phụ trách không cần suy nghĩ mà đã trả lời luôn, bạn hến xem chừng cũng là một nhân vật nổi tiếng trong trường.


Nổi tiếng vì chảnh à? Khôi ác ý suy đoán, cố tình bỏ qua thành tích học tập “vô cùng đáng gờm” của Tuấn. Ai bảo bạn lờ nó đi, nếu không đã không có mấy chuyện phái sinh kiểu này. 


Suy đoán đó trông thế mà lại trật lất: “Bạn học sinh đó là một người khuyết tật…”


Thầy phụ trách chỉ kịp để lại một quả bom như thế, bởi đang dở câu chuyện thì điện thoại trong túi quần thầy reo lên inh ỏi. Thầy bắt máy, một giọng nói oang oang vọng ra từ hệ thống âm thanh trên xe, vẻ mặt thầy phụ trách cũng dần trở nên nghiêm nghị, nó biết điều, ngoan ngoãn ngậm miệng, công cuộc moi móc thông tin cũng bị gián đoạn.


Có người “bảo kê’, nó dễ dàng lọt được vào trong trường, xe vào theo cửa dành riêng cho giáo viên, không hề gặp bất kỳ trở ngại nào. Hai thầy trò xuống xe. Thầy phụ trách bảo: “Thầy có chút việc, em tự đi nhé.”


“Vâng ạ.”


Khôi cầu còn không kịp, vừa nhận được tín hiệu thì nhanh chóng chuồn mất. Kiểu này là thầy phụ trách đã quên béng vụ phải dẫn nó về ra mắt cấp trên, nó cũng không dại mà nhắc lại. Đùa chứ, khó lắm mới thoát được kiếp chào lãnh đạo, nó sẽ không ngu để bị tóm lần hai.


Phòng giáo vụ ở tầng hai, sau khi tốn chừng ba mươi phút ký tá một vài giấy tờ, Khôi đã nhận được đồng phục và sách vở. Chào cô giáo vụ, nó theo chỉ dẫn trong tờ phân lớp tìm về tổ ấm mới trong hai năm tới. Lớp A, cũng không biết ông ngoại nói gì mà người ta sẵn sàng xếp cho một đứa tay ngang như nó vào lớp tốt nhất trường. Ngày nào nó còn mang thân phận Trần Đăng Khôi và miễn là nó không làm điều gì ngu xuẩn, nó sẽ luôn nhận được đãi ngộ tốt nhất, ai bảo nó có một người ông ngoại tài giỏi và một người cha liệt sĩ làm gì.


Những lúc như thế này, nói đến khả năng gì đó đều là vớ vẩn hết, nó vẫn nhớ có người bạn cũ thi chuyển cấp được hơn năm mươi điểm vẫn suýt phải ngậm ngùi chuyển xuống lớp B vì không có đủ “money talk”. Khôi hiểu rõ hoàn cảnh của mình, và cũng hiểu rõ những ưu đãi này từ đâu mà đến. Nếu được, nó xin trả lại hết mớ vinh dự này, mỗi một ưu đãi nó nhận được là một lần người ta nhẫn tâm xé toạch vết thương đang rỉ máu của mẹ, sau chuyện kia, gia đình nó đã mất mát quá nhiều rồi.


Lớp mới ở trên tầng bốn, nằm ở chính giữa toà nhà. Khôi dừng lại, đứng cách cánh cửa lớp đang khép hờ một đoạn. Cửa kính trắng một chiều, bên trong có thể nhìn rõ cảnh tượng phía ngoài, nhưng bên ngoài lại không thể quan sát được gì. Theo thời khoá biểu, hiện tại đang là thời gian tự học, sẽ không có giáo viên nào trong lớp, khác với sự ồn ào của các lớp khác, lớp “hạt giống” im phăng phắc, mọi người hẳn là đang chăm chỉ múa bút trên giấy, khai giảng đã hơn một tháng, việc học tập đã sớm vào guồng. 


Nhưng phải trên tiền đề đó là sự thật mới khiến người ta thán phục.


Cái trò nước đổ đầu vịt này Khôi đã gặp nhiều, mấy người bạn học mới này không hề có chút sáng tạo nào. Cả một đám xúm vào, định chơi trò diễu võ giương oai với một học sinh mới tới như nó, quả thật là vinh hạnh cho nó quá. Không khí vẫn còn đọng cái vị oi ả của mùa hè, điều hoà kiểu gì cũng phải chạy cho hết tốc lực, muốn chơi trò dằn mặt thì cũng phải chọn cách nào khôn ngoan một tí, trò đầy sơ hở kiểu này mà cũng bày ra được, nó mà tiếp chiêu thì đúng là xúc phạm trí thông minh quá. 


Trước khi đi học, Khôi đã hứa với mẹ là sẽ cố gắng kết giao với nhiều bạn mới, nhưng chưa từng nói là sẽ chơi với lũ ngu, lũ ngu sẽ chỉ kéo người ta tụt lùi. Khôi lùi một bước, nghiêm túc cân nhắc việc một đạp vào cửa, dạy cho cái đứa đang đứng sát cửa một bài học, có điều suy đi tính lại, mấy cú đá nửa mùa chắc chắn sẽ không phải là đối thủ của cánh cửa chống lửa dày dặn, còn chưa kể là nó còn lời hứa không gây chuyện đang treo trên đầu.


Cứ thế mà tha cho đám này thì không thoải mái lắm, cảm giác bứt rứt khiến Khôi không yên, ăn miếng trả miếng mới là phong cách nó ưa thích. Kim phút đang chậm chạp nhích đến số mười, giờ tự học sắp kết thúc, nó nên nhanh chóng rời khỏi chỗ này, không liên quan tới là tốt nhất, đám ngu ngốc bên trong sẽ có người khác xử lý.


Nghĩ là làm, Khôi lập tức xoay người đi theo hướng ngược lại, trước khi đi không quên liếc lên phía trên, dù sao đây mới là lần thứ hai nó tới cái trường nhà giàu này, nói lạc đường, cho dù mấy người đó không tin thì cũng không có bằng chứng gì cả, mà có thì bọn họ cũng không dám để lộ ra.


Khôi thơ thẩn đi vòng vòng quanh trường, lúc đầu nó còn có hứng thú dạo chơi, nhưng sau một lúc ôm theo đống của nợ nặng trịnh, cánh tay đã bắt đầu có nhen nhóm ý định đình công, cảm giác đau nhức khiến Khôi phải thay đổi lộ trình. Nó vốn không phải là đứa thích cậy mạnh, thấy tay có dấu hiệu là lập tức nghỉ ngơi, không miễn cưỡng bản thân làm việc quá sức. Khôi lẩn vào một toà nhà ở trong góc, kiếm chỗ cầu thang ngắn ngồi nghỉ ngơi, sau này ai tìm được, nó cũng có thể đem cái cớ lạc đường nên kiếm chỗ nghỉ tạm ra để biện minh.



Hôm nay Khôi ra đường không xem lịch, không chỉ một lần mà đến tận hai lần đụng mặt bạn hến. Khôi ngồi bó gối tựa lưng vào cầu thang, đống sách thì đặt ngay ngắn bên cạnh, tay đang thơ thẩn lật giở mấy trang đầu tiên của quyển sách toán thì thấy tiếng cửa thoát hiểm mở, bạn hến như một bóng ma lừ lừ tiến vào, thấy nó ngồi đó thì vẫn cư xử như lần trước, hoàn toàn coi nó là một khối không khí, cứ thế tiến về phía trước.


“Này bạn gì ơi.” 


Khôi gọi với theo, bạn hến vẫn không hề trả lời, cả khuôn mặt đều được chôn dưới cái mũ lưỡi trai chẳng biết moi ở đâu ra. Khôi nào phải người liên tục chịu được cảnh bị bỏ qua, mồm miệng không hiệu quả thì chuyển sang hành động, vừa nói xong thì lập tức đứng bật dậy, toan nắm lấy vai bạn hến. 


Chẳng qua, Khôi không tính được sức trâu của mình sẽ làm bạn học yếu ớt sợ hãi, chúng nó giằng co một hồi, nó nghe một tiếng cạch, một cái máy cắm kèm tai nghe bị hất xuống đất.


“...” 


Hình như nó đã trách nhầm người ta rồi, bạn học Nhân Tuấn vốn là một người khiếm thính, người ta không nghe thấy lời nó nhờ vả cũng là điều đương nhiên.


Khôi vội vàng lao xuống, vừa cúi xuống định nhặt chiếc máy trợ thính lên thì đã Tuấn nhanh hơn một bước cầm đồ lên, cả gương mặt chìm dưới cái mũ lưỡi trai đen, nó không nhìn được biểu cảm trên gương mặt bạn, chỉ đành nỗ lực sử dụng toàn bộ vốn ngôn ngữ ký hiệu sứt mẻ để nói lời xin lỗi.


“Cho tôi xin lỗi, bạn có sao không?”


Tuấn thấy nó biết ngôn ngữ ký hiệu thì thái độ cũng không tốt hơn là bao, đưa tay lên, hai chữ “tránh ra” đã tỏ rõ sự tức giận với hành vi có phần quá đáng vừa rồi.


“Tránh ra.” Tuấn giơ tay, đẩy nó sang một bên rồi đi xuống cầu thang.


“Xin lỗi, tôi không cố ý.” Khôi toan chạy theo, vẫn nỗ lực giải thích, hiệu quả rõ ràng là không đáng kể.


“Tránh ra.”


Khôi đời nào để Tuấn đi dễ dàng như thế, xin lỗi không đến nơi đến chốn, chưa bàn đến chuyện ông ngoại sẽ lóc xương nó ra, cái tin Trần Đăng Khôi bắt nạt bạn học khuyết tật mà truyền ra ngoài thì nó không còn mặt mũi nào mà xưng bá giang hồ nữa. Khôi giữ tay Tuấn lại, dưới sự xô xát của nó, cái máy trợ thính lại một lần nữa trở thành nạn nhân bất đắc dĩ, rơi thẳng xuống đất, tai nghe bị ngắt kết nối, có tiếng truyền ra ngoài.


Là một bài khóa ngoại ngữ.


“...” 


Lần này nó lại sai nữa rồi thì phải. 


Mọi chi tiết bị coi nhẹ lũ lượt trồi lên mặt nước, trời đất, đó chỉ là một cái máy phát nhạc đơn giản, thầy phụ trách nói Tuấn là người khuyết tật, Khôi cũng chưa kịp hỏi kỹ, thấy Tuấn đeo tai nghe thì lại hiểu nhầm thành máy trợ thính. Ngay từ đầu, thầy phụ trách không hề đề cập gì đến chuyện Tuấn có vấn đề với thính lực, tất cả đều là do nó tưởng bở.


Biết được sự thật, nó cũng chẳng có mặt mũi nào mà giữ Tuấn lại nữa. Tuấn cúi người nhặt “máy trợ thính” lên, một lần nữa kết nối tai nghe, ra dấu:


“Cậu có thể tránh đường được không, tôi cần về lớp.” 


“À, được.” Khôi ù ù cạc cạc đứng sang một bên, đúng lúc lướt qua phù hiệu trên áo Tuấn, nhịn không được mà hỏi thăm: “Bạn cũng học lớp A à?”


Tuấn nhíu mày nhưng vẫn gật đầu. Khôi thầm nắm chặt bàn tay trái, thế thì Tuấn lại càng không thể đi được. Khôi tự tẩy não, nhìn Tuấn từ đầu đến chân, quyết định tạ lỗi với bạn, mặc dù nó khá chắc là Tuấn chẳng cần gì lời xin lỗi này. 


Vấn đề là Khôi không thể nói kế hoạch gậy ông đập lưng ông kia ra, chỉ đành ậm ừ cản đường, căng não, cố gắng kiếm một cái cớ thích hợp, cầm chân Tuấn lại, không cho bạn quay lại lớp.


Đặng Nhân Tuấn, sau vụ này thì chính thức hết nợ nhé.



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}