Chương 02: Người Đi, Cặp Ở Lại


Mười ba năm trước. 


Hôm nay là ngày đầu tiên nó quay lại trường học. Tất nhiên là theo đúng kịch bản, nó sẽ phải ngoan ngoãn mang theo cái cặp nặng trịch, gương mặt xị xuống, tỏ rõ vẻ đau buồn, vừa đi vừa phải chịu sự khủng bố của giới truyền thông, lắng nghe sự tọc mạch và có trách nhiệm, theo như lời của một vị nào đó hôm qua đã bị nó thẳng chân tống cổ, giải đáp sự hiếu kỳ về cái gọi là cảm xúc "hậu sang chấn".


Hỏi đứa đến cuối năm mới chạm ngưỡng mười bốn tuổi về sang chấn, đúng là vì một bài đăng nhiều tương tác trên mạng, cái gì mấy người này cũng dám làm. 


Khôi có thể nói với họ cái gì, rằng nó đang sang chấn khi bị cấm ăn kem mùa đông, hay sang chấn vì kỳ nghỉ hè kết thúc quá sớm? Câu trả lời, dù có là gì thì cũng sẽ không khiến họ thoả mãn. 


Và trò "nhắc tuồng" chính thức ra đời.


"Cháu bị tổn thương, cháu đau buồn, nhưng cháu nghĩ là bản thân sẽ vượt qua được."


Đây là câu trả lời tiêu chuẩn mà nó được yêu cầu phải biến tấu trong suốt những buổi phỏng vấn trước đó. Dĩ nhiên là Khôi đã dứt khoát "say no" với điều ngớ ngẩn đấy. 


Một người bị thương, việc họ cần làm là tìm một nơi kín đáo để chậm rãi phục hồi và tự chữa lành những thương tổn, chứ không phải là ngoi lên, biến thành con tốt của giới truyền thông, tung hê cho cả thế giới thấy là nó đang có chuyện. Chẳng ai có chuyện lại rảnh rỗi nói là nó đang gặp chuyện cả, lo xử lý còn không xong.


Giả dối hết.


Vài lần tiếp xúc là đủ để Khôi nhận ra bản chất thật của đám người này, những con ruồi bâu quanh cái bánh mì thơm phức, sẵn sàng cắn xé nhau nhằm chiếm được miếng ngon nhất. 


Trong ba mươi sáu kế, "tẩu vi thượng" - chuồn là cách làm hiệu quả nhất, sau vài lần lọt bẫy, Khôi cũng khôn ra, triệt để áp dụng cách làm việc của con rùa, hễ có ai động đến, bất kể tốt xấu, đều nhất quán áp dụng chính sách "rụt cổ" và "chuồn thẳng." Chỉ cần thoáng có ánh flash là nó sẽ tự động lỉnh mất, quyết không cho mấy người kia cơ hội mở lời.


Nhà có hai người, sau vài lần thất bại ê chề trong công cuộc truy đuổi Khôi, đám người kia lập tức chuyển mũi giáo, quay sang tấn công người dễ bị tổn thương hơn - mẹ nó, bất cứ khi nào phát hiện bóng dáng mẹ ngoài đường, dù là chống gậy đi bộ hay đến viện tái khám, không quá mười phút, nơi mẹ có mặt đều sẽ bị giới săn tin vây kín, máy quay và thiết bị ghi âm sẽ được điều chỉnh công suất lớn nhất, không chút kiêng rè, đồng loạt chĩa thẳng vào người phụ nữ gầy gò ngồi trên xe lăn. 


Những câu hỏi lúc đầu còn có phần thăm dò, qua vài hôm, thấy mẹ không nói được, đám người càng trở nên điên cuồng, ngòi bút phóng tác trên giấy hoàn toàn rời xa sự thật, câu chuyện của mẹ chỉ còn giá trị tham khảo, viết như thế nào sẽ do họ tự quyết định.


Sự việc trở nên nghiêm trọng đến nỗi sau khi ông ngoại hay tin, ông đã vận dụng mọi mối quan hệ, chặn đứng mọi luồng tin tức tiêu cực mới tạm trả cho hai mẹ con nó vài ngày yên ổn. 


Cánh săn tin nào chịu dễ dàng bỏ cuộc, nhân chứng duy nhất còn sống sót sau vụ việc bắt cóc rúng động dư luận, người phụ nữ hiếm hoi thoát khỏi hang ổ của những kẻ buôn bán phụ nữ xuyên biên giới, thông tin này không đem lên mặt báo thì đúng là lãng phí cơ hội trời trao. Kỳ lạ là đến tận bây giờ, ông nó vẫn chưa tìm được ra ai là người để lộ thông tin.


Thế nên mới có chuyện hôm nay nó đi học, hay nói đúng hơn là chuyển đến trường mới. 


Lần theo những bài báo xuất hiện dày đặc trên mạng, thông tin cá nhân của nó như một thư viện mở, lần lượt được công khai, ai cũng có thể dễ dàng tìm kiếm, giáo dục mầm non, tiểu học, các thành tích ngoại khoá và cả số giải thưởng đạt được, tất cả đều ngang nhiên xuất hiện các phương tiện truyền thông. 


Một số người gọi nó là thiên tài nhỏ, một số khác thì bắt đầu tỏ ra lo lắng cho an toàn của con em họ khi phải học chung với nó (có nguồn "tin" cho rằng mẹ con nó sẽ sớm bị trả thù, con cái họ có thể sẽ gặp nguy hiểm), và thế là như một điều đương nhiên, dưới áp lực ngầm của những vị phụ huynh giấu mặt giấu tên, nó bị "khai trừ."


Theo lời ông thầy phụ trách, đại khái là khả năng của nó đã vượt trội hơn so với phần đông bạn cùng trường, chuyển tới trường mới tốt hơn là một cách trân trọng tài năng, cho Khôi thêm tài nguyên để tự do phát triển. 


Thoạt nghe thì có vẻ có lý, nhưng nghĩ kỹ thì đều là những lời có cánh sáo rỗng, cái tính ngại phiền phức và dễ dàng thỏa hiệp đã ăn sâu vào máu của đám người này. 


Chuyển trường thì chuyển trường, sợ gì mà không chuyển. 


Chỉ sau ba ngày làm việc, ông ngoại đã xử lý toàn bộ hồ sơ thôi học, hai ông cháu nó bắt đầu công cuộc đi tìm trường mới, ít nhất là phải đáp ứng một số tiêu chí đã được định trước. 


Thứ nhất, trường học phải ở trong cùng một thành phố với ông ngoại, để ông tiện cử người chăm sóc mẹ, thứ hai, trường không yêu cầu học sinh nội trú, và thứ ba, (đây là tiêu chí Khôi nằng nặc đòi thêm vào) trường phải nằm trên trục giao thông công cộng để nó có thể di chuyển bằng xe buýt.  


Tìm tới tìm lui, cuối cùng ông cháu nó cũng thu gọn được danh sách gần hai mươi trường lúc đầu xuống còn một trường duy nhất, mẹ sau khi sử dụng quyền phủ quyết (phản đối chuyện ông ngoại cử người đưa đón Khôi đi học) đã bị loại khỏi hội nghị, chỉ còn hai ông cháu trực tiếp bàn bạc với nhau. 


Trăm nghe không bằng một thấy, vào dịp Quốc khánh, khi tất cả học sinh được nghỉ, Khôi đã dành cho trường một cuộc viếng thăm chớp nhoáng. 


Không thể không công nhận, cơ sở vật chất và chất lượng giáo viên nơi đây thực sự vượt xa ngôi trường cũ. Hiệu trưởng nghe tin Khôi có ý định nhập học cũng quyết định mở hẳn cửa sau, Khôi được chấp nhận nhập học mà không phải trải qua bất kỳ kỳ sát hạch nào, (tất nhiên, bài kiểm tra xếp lớp là không nằm trong danh mục này, nhưng như thế là đã vượt ngoài kỳ vọng ban đầu một khoảng khá xa rồi).


Mọi thứ đều khá tốt, song vẫn còn một vài vấn đề khiến nó hơi băn khoăn - trường yêu cầu học sinh lớp chín phải học nội trú. Đó là chuyện của sang năm, nhưng để tránh tình trạng cuối cấp lại lo chuyển trường, ông cháu nó đã có một cuộc nói chuyện dài với ông hiệu trưởng, bàn bạc tìm cách giải quyết. 


Tình hình hiện tại, dù là có sau một năm nữa, ông cháu nó cũng không yên tâm để mẹ ở một mình, những biến cố gần đây đã biến mẹ thành tâm điểm của sự chú ý, Khôi không chắc là mẹ có thể sống ổn nếu nó đi học theo kiểu khép kín, hết tuần mới mò mặt về nhà.


Vấn đề thứ hai, học phí. Các khoản lặt vặt cộng dồn còn đắt hơn số tiền bỏ ra để sở hữu một chiếc xe tầm trung, đấy là chưa kể đến khoản downpayment* ngang một gia tài phải đóng trước mỗi năm học. 


*downpayment: khoản trả trước


Gánh nặng tài chính làm nó chùn bước, còn may là người ta vẫn còn tình thương cho người nghèo, Khôi và một bạn học khác nữa may mắn trở thành Quán quân học bổng, nhận được khoản trợ cấp suốt toàn bộ thời gian học tại trường, vấn đề chi phí tạm thời sẽ không là mối lo ngại lớn. 


Khoản tiền đột nhiên rơi xuống đầu làm Khôi mất luôn niềm tin vào chính mình, lén hỏi ông ngoại về nguồn gốc của quỹ hỗ trợ, và rằng ông có "bơm" cho nó tẹo nước nào không, kết quả là ăn một trận đòn nhớ tới già.


Thoát được cái mác "dựa hơi ông ngoại", Khôi thấy nhẹ nhàng hơn hẳn, tự lực cánh sinh vẫn tốt hơn là suốt ngày bám víu. Nhưng dù có biết ơn các mạnh thường quân đến đâu thì nó cũng sẽ không ngờ nghệch mà tham gia mấy trò phỏng vấn vô bổ đã được sắp xếp trước. 


Áp lực đồng tiền khiến người ta lùi bước, Khôi sớm đã bị nghiêm cấm sử dụng tên tuổi ông ngoại để hưởng đặc quyền, giờ chỉ cần nhắm mắt, không cần nghĩa nhiều, nó cũng có thể tưởng tượng xong xuôi lịch trình vắt giò chạy ngày hôm nay, bắt đầu với nhiệm vụ cắt đuôi đám người đang chầu trực trước cửa.


Rời nhà chỉ là bước đầu tiên trong chuyến hành trình phiêu bạt trắc trở, những kiếp nạn sẽ không vì Khôi lảng tránh mà rộng lượng thả cửa. Ở trường, Khôi sẽ phải đi qua vô số phòng ban, chào hỏi các vị lãnh đạo một lượt rồi mới được vào lớp. 


Là khách quen của phòng tiếp khách, Khôi biết rõ hôm nay sẽ là một ngày "thất học". Vì thế, nó đã chuẩn bị sẵn tinh thần từ tối hôm trước, đi ngủ thật sớm để buổi sáng thức dậy tràn đầy năng lượng. 


Nhà ba người, Khôi và ông ngoại đều bình chân như vại, chỉ có mẹ là lo lên lo xuống, sợ nó không thích ứng được với môi trường mới, sau khi nghe bảy bảy bốn mươi chín lần đảm bảo, mẹ lại đâm ra sợ nó thừa sức mạnh không biết phát tiết vào đâu nên đã tặng nó một món quà bất ngờ - cặp sách với đầy đủ các loại sách vở, muốn dùng sức mạnh tri thức hãm nó lại. 


Mẹ mong Khôi sẽ đeo cái bao tải nặng trịch này đi học, nhưng từ giây phút đặt đống đá lên vai, Khôi đã xác định rõ ràng - người đi, cặp ở lại, không bàn luận gì cả. 


Thừa lúc mẹ không để ý, Khôi dứt khoát đáp cặp ở nhà, chỉ cắp theo cái túi đeo chéo nhỏ, nhẹ nhàng sảng khoái leo lên xe buýt lỉnh đi mất. 


Khi nó không ở nhà, mẹ sẽ không vào phòng nó, bí mật "nho nhỏ" này sẽ được an toàn, ít nhất là cho tới trước khi ông thầy chủ nhiệm gọi điện khủng bố ông ngoại. Nhưng lúc đó, chuyện đã xảy ra rồi, mẹ sẽ không bao giờ vì những chuyện nhỏ này mà la rầy nó.


Cơ thể "còi cọc" giúp Khôi dễ dàng lách qua dòng người đang chen chúc phía trên, nhanh chóng tót xuống dưới, thành công chiếm chỗ trên xe buýt. 


Ngoại hình chưa bao giờ là vấn đề khiến Khôi bận tâm, béo gầy cao thấp, thân hình nào cũng có cái lợi, riêng với nó, việc "còi cọc" (mẹ đã tổng kết cái này sau vài lần sờ nắm cẳng tay "toàn xương" của Khôi) là một cái lợi lớn lao, mỗi lần ở nơi đông đúc, cơ thể như màn hình OLED* sẽ giúp nó giành chiến thắng trong những cuộc tranh đoạt.


*OLED: màn hình phẳng (mỏng)


Chọn chỗ cũng phải có kỹ thuật, Khôi luôn thích những vị trí khuất trong góc, xa cửa, ít vướng người qua lại, quan trọng hơn, chỗ này ở cuối xe, người ngồi không quen sẽ dễ bị những cú thắng đột ngột và những cái lướt qua ổ gà ổ voi quật ngã, trường hợp tệ nhất là vội vàng lao xuống xe để trả lại đồ ăn trong bụng, nên sẽ thường bị bỏ qua, xác suất Khôi tranh chỗ thành công là rất cao.


Không phải hôm nào Khôi cũng chọn chỗ này, chỉ cá biệt những ngày phải di chuyển xa, băng qua nhiều chặng nó mới ngồi xe buýt. Nếu quãng đường không quá dài, Khôi thích tự thân vận động, không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe, tiền vé lên lên xuống xuống đủ để tậu một cái kem đậu đỏ ở cửa hàng tiện lợi. Vừa đi vừa ăn kem rõ ràng là vui hơn là ngồi chen chúc trong không gian xe buýt hẹp với đủ thứ mùi hoà quyện.


Từ nhà đến trường phải đi qua gần mười trạm xe buýt, trong nội đô, mỗi điểm dừng sẽ cách nhau khoảng 700m, mười trạm tức là gần bảy cây số, Khôi tiếc tiền là thật, nhưng nó không bị ngu, đi bộ gần chục cây số chỉ đổi lại một cái kem thì còn khuya nó mới làm.


Đã có kế hoạch từ sớm nên vừa ăn xong bữa sáng, theo đúng yêu cầu của "hoàng thái hậu" (biệt danh nó mới đặt cho mẹ), Khôi ngoan ngoãn võ trang đầy đủ, sau khi miễn cưỡng trét tầng tầng lớp lớp kem chống nắng lên toàn bộ phần cơ thể lộ ra ngoài thì ngoan ngoãn trùm thêm một lớp áo chống nắng dày cộp (mà nó chẳng biết có tác dụng gì), cuối cùng là nhân lúc nắng vẫn còn chưa quá gắt, nhanh chóng rời nhà, xăm xăm đi về phía điểm dừng xe buýt ở góc phố. 


Đi được nửa đường, xác nhận vài lần không có những vị khách vãng lai ngoài ý muốn, Khôi dứt khoát chuyển hướng, tạt vào một đường ngách.


Một mình một đường, chẳng còn ai giám sát, Khôi cởi phăng cái áo chống nắng, buộc vào ngang eo, ánh nắng sớm mai không gắt đến mức gây hại như tầm trưa, ngược lại còn giúp xương chắc khoẻ, chẳng tội gì không tận dụng. 


Bây giờ chưa tới bảy giờ, Khôi sẽ có chừng bốn mươi lăm phút để đi dạo xung quanh, với điều kiện giao thông hiện tại, đến trường mới chỉ tốn hai mươi phút là cùng.


Nó dư dả thời gian.


Tháng chín đã qua quá nửa, không khí oi nồng của những ngày hè cũng dần bị cái se se đặc trưng mùa thu xua đi. Mấy năm gần đây, cũng chẳng hiểu vì lý do gì mà ranh giới bốn mùa đã không còn rõ ràng như ngày trước, mùa hè thậm chí có thể kéo dài tới tận tháng mười. Khỏi phải nói, thời tiết mang đậm sắc thu kiểu này nghiễm nhiên trở thành "hàng hiếm." 


Số lượng càng ít thì giá trị càng cao. 


Trời xanh mây trắng, nắng vàng xuyên qua những tán phượng, chiếu xuống mặt đất, từng tia từng tia nghịch ngợm nhảy nhót, trông xa chẳng khác gì một đàn con đang chiêm chiếp theo đuôi mẹ. 


Những ngày này, tậu được một chỗ trên vỉa hè, vừa cắn miếng bánh mì ngập nhân thập cẩm, vừa nhâm nhi ly bạc xỉu đăng đắng, dõi mắt nhìn theo từng dòng xe vun vút lao trên đường thì cứ gọi là chuẩn bài.


Khôi tiếc nuối cụp mắt. Nó đã chuyển nhà khỏi mấy tháng nay, không còn cơ hội vạ vật lề đường ăn sáng nữa.


Mất cái lọ thì kiểu gì cũng nhặt được cái chai, hôm qua lúc đi mua thuốc, Khôi đã phát hiện ra một chốn vô cùng hợp ý, vẻ đẹp hoàn toàn có thể sánh ngang với vị bạc xỉu lề đường. 


Khôi dừng lại trước một con đường tràn ngập bóng râm, hai hàng cây xanh rì đã hoàn thành vô cùng xuất sắc nhiệm vụ được mẹ thiên nhiên giao phó, tán cây xòe ra, tạo tấm lưới hấp thụ gần hết ánh nắng mặt trời, trả lại cho mặt đất và không gian vị tươi mát khoan khoái. 


Khôi thích đi bộ, nếu không tính lý do tích tiền mua kem, thì chủ yếu là để cảm nhận sự chuyển mình của không gian và thời gian. Thấp thoáng đâu đó, ẩn sau những tán cây xum xuê, đan cài chằng chịt là những chùm hoa phượng đỏ sẫm, báo hiệu mùa hè đã đi đến những giây phút cuối cùng.


Khôi đi đi lại lại vài lần, đợi đến khi phổi đã no căng không khí mới lưu luyến rời đi. Nếu xuất phát từ bây giờ, đến trạm xe buýt gần nhất cũng chỉ tốn khoảng năm phút, làm tròn lên thành mười phút là nó đã có thể yên vị ở vị trí quen thuộc.


Trả tiền vé xong xuôi, Khôi về chỗ, bỏ lại những âm thanh huyên náo bên ngoài, rút trong túi đeo chéo ra cái bịt mắt, chỗ ngồi này sẽ đảm bảo nó sẽ không bị làm phiền trong suốt chuyến đi.


Gà còn chưa gáy, Khôi đã bị mẹ lôi dậy. Cũng may, Khôi đã chuẩn bị tư trang từ trước nên mới kỳ kèo được thêm mười lăm phút ngủ nướng, nhưng thế vẫn là chưa đủ, Khôi vẫn chưa đẫy giấc.


Cảnh vật ngoài cửa kính cứ thế lùi lại rồi từ từ khuất khỏi tầm mắt. Khôi che miệng, tránh để ngáp dài ảnh hưởng tới mọi người xung quanh, (dù bên cạnh chẳng có ai), ngáp xong thì quay lại chỉnh thời gian trên đồng hồ, hẹn báo thức lúc tám giờ kém. 


Trong tình hình hiện tại, Khôi thỏa mãn với hai mươi phút chợp mắt.


Trường mới không cho phép học sinh sử dụng điện thoại, nhưng lại mắt nhắm mắt mở, quy định mập mờ để học sinh có thể dễ dàng lách luật, mang theo đồng hồ thông minh vào khuôn viên trường. 


Quy định giả hay quy định thật không cũng không phải là việc nó quan tâm. 


Nó cần ngủ. 


Ngay bây giờ.


Đồng hồ được điều chỉnh về chế độ tĩnh âm, chỉ để lại âm rung, Khôi kéo bịt mắt xuống, ngả người về phía sau. Cái ghế hơi cứng, không quá thoải mái, nhưng nó không thể đòi hơn. 


Khôi đã dự trù trước, giờ là lúc cái gối ngủ chữ U dạng phao có đất dụng võ, hoàn cảnh thiếu thốn cũng không còn là vấn đề quá lớn. Khôi nhắm mắt, từ từ chìm vào giấc ngủ, tạp âm nhỏ dần đi rồi biến mất.


Khôi bị đánh thức bởi lực rung kinh hoàng ở cổ tay, cái đồng hồ giống như lên cơn co giật, liên tục lặp đi lặp lại một câu duy nhất "đến giờ uống thuốc rồi" trong sự hỗ trợ của bài nhạc báo thức được vặn to hết cỡ như thể muốn thông báo cho tất cả mọi người biết nó là một bệnh nhân lười biếng. 


Chẳng cần ngẩng đầu, Khôi cũng biết mọi ánh mắt trên xe đang đổ dồn về phía mình. Nó bình tĩnh ấn vào góc màn hình, tiếng gào im bặt. Đoán chừng là tối hôm qua, lúc nó vứt em nó ở phòng khách sạc pin, mẹ đã nhờ bác Thu âm thầm thêm cái báo thức này vào. 


Để có được bản nhạc báo thức nghe một lần mà nhớ một đời này, Khôi đã tốn kha khá công sức lục lọi, thêm thắt cải biên từ bản nhạc báo thức ở chỗ ông ngoại. 


Mấy tháng hè vừa rồi về ở với ông, sáng nào Khôi cũng bị bản nhạc kia khủng bố, ba tiếng "tưng tưng tưng" vừa vang lên là nó đã theo phản xạ bật dậy, cơn buồn ngủ dù có lớn đến đâu cũng cái bóng thù lù đầu giường doạ cho bay sạch. 


Trong lúc Khôi còn đang ngái ngủ, ông ngoại đã võ trang đầy đủ, quần áo gọn gàng, đợi nó làm xong vệ sinh cá nhân rồi hai ông cháu sẽ chạy bộ buổi sáng.


Gần khu ông ngoại sống có một ngọn đồi nhỏ, mỗi sáng đều như vắt chanh, mỗi buổi tập ông đều đặt nhiệm vụ phải chạy được khoảng ba vòng quanh đồi, mồ hôi vã như tắm mới được về nhà. 


Mấy hôm đầu, Khôi còn kiếm cớ mới đến, không hợp thổ nhưỡng, để nằm lì trốn tập. Có điều, hiệu quả không duy trì được lâu, ông ngoại đã sớm nhìn ra trò câu giờ này. 


Cách xử lý của ông vô cùng đơn giản, ông không trách mắng mà chỉ dựng Khôi dậy, yêu cầu đứng nghiêm nhìn ông tập luyện. 


Nhìn nhiều, Khôi đâm ra cũng ngứa chân ngứa tay, lại thấy ông ngoại đã có tuổi vẫn thoăn thoắt trên đường, sự hiếu chiến dần bị gợi lên, sau nhiều ngày trì hoãn, Khôi vặn mình khởi động, nỗ lực theo bước ông.


Khôi ngày ba bữa hết ăn lại nằm, sức lực chỉ là cái móng tay khi so sánh với ông ngoại cả đời dạn dày sương gió. Chẳng thế mà tư thế nó chạy vô cùng linh hoạt, theo thứ tự là chạy chậm bằng hai chân, vừa đi vừa thở, tiếp theo là tư thế bò bốn chân và cuối cùng là nằm vật luôn ra đường. 


Lần đầu trong đời, Khôi ngộ ra một điều, không phải cứ nỗ lực là sẽ được như ý.


Khu đồi này luôn có người bảo vệ, ông ngoại cũng yên tâm để Khôi ở lại. Không còn cái tạ là Khôi kéo chân, ông nhanh chóng tăng tốc, hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện buổi sáng. 


Lúc ông quay lại, trời đã sáng hẳn, Khôi thấy lác đác vài người xuất hiện, sau đó là những tư thế đứng nghiêm và những câu "chào thủ trưởng" không ngừng được phát ra.


Khôi khó khăn ngẩng đầu, cố gắng hóng hớt nhưng không thành công. Ông ngoại vẫy tay cho những người kia đi rồi đi đến trước mặt Khôi, bóng ông sừng sững như một toà núi lớn, hoàn toàn che khuất mặt trời phía sau.


"Dậy." Ông nói dứt khoát, rồi đi xuống đồi, không hề có ý muốn kéo Khôi dậy.


"Ông đợi cháu với." Khôi nào dám để ông đợi, tư thế chó nằm thở cũng không duy trì được nữa. Nó vội vàng ba chân bốn cẳng bò dậy, lồm cà lồm cồm chạy theo.


Suốt hơn một tháng sau đó, gà mới gáy được hai hồi, Khôi đã bị âm thanh từ tiếng báo thức kia kéo dậy, vệ sinh cá nhân xong xuôi thì nhanh chóng cùng ông ra ngoài tập luyện, tần suất nhiều đến nỗi nó đã vô thức hình thành cơ bắp ký ức, cứ hễ nghe thấy tiếng chuông thì cơ thể sẽ lập tức sinh ra phản ứng, bật dậy chuẩn bị tập chạy.


Khôi nhìn thời gian hiển thị trên mặt đồng hồ, sau nhiều lần lựa chọn, phông chữ cứng cáp này đã chính thức vượt qua rất nhiều ứng viên khác, trở thành mặc định. 


Thời gian hiển thị bảy giờ ba mươi lăm sáng, trùng với thời gian báo thức. Gấp đôi báo thức, gấp bốn âm thanh, thảo nào em nó kêu to thế. 


Khôi mở túi, lôi đống thuốc phải uống từ trong hộp ra, nhìn mấy con nhộng đủ màu nằm gọn trong lòng bàn tay, Khôi âm thầm nuốt nước bọt.


Nó muốn tống toàn bộ số thuốc này vào sọt rác.


Trên người chỉ có cái túi đeo chéo, chai nước chuẩn bị để uống thuốc đã vinh dự cùng cặp sách, bị bỏ lại ở nhà, Khôi chỉ còn cách nuốt khan cho xong chuyện.


"Nuốt khan một lần, không sao đâu." Khôi tự nhủ, toan đưa thuốc lên miệng. Viên thuốc màu đỏ chạm vào lưỡi đầu tiên, vị đắng thấu trời thấu đất làm lưỡi nó như con rắn gặp phải con gà, vội vàng rụt lại. 


Khôi cũng dứt khoát bỏ luôn ý định uống thuốc không cần nước, ở đây có năm viên, vị đắng cứ phải nhân lên theo cấp số nhân. Thôi, uống thuốc chậm một vài phút cũng chẳng phải vấn đề gì lớn. 


Dù sao mẹ cũng không biết.


Xe vẫn đang lướt nhanh trên đường, băng băng vượt qua đường lớn, chuẩn bị tiến ra vùng ngoại thành, trường mới ở đây. Điện thoại đã bị bỏ lại ở nhà, như đã nói ở trên, tất cả trang bị nó có thể sử dụng bao gồm một cái đồng hồ chỉ biết gào, một cái túi đeo chéo đầy thuốc và một cái đầu trống rỗng. 


Lần trước đi cùng ông ngoại, có chú Thuỷ lái xe, Khôi không cần nhớ đường. Hôm nay, theo đúng kế hoạch ban đâu, chỉ cần đi theo chỉ dẫn đã tra trên mạng, xuống trạm thứ mười, đi thẳng là sẽ đến trường. 


Nhưng bây giờ, Khôi buộc xuống giữa đường, lỡ mà đi lạc thì chỉ còn nước ngồi đấy mà khóc. Thực ra vẫn còn một cách xử lý khác, đó là đợi đến trường rồi mới uống, trường học sẽ không tiếc nó một chai nước, vấn đề là Khôi phải uống thuốc trước tám giờ, đây là lời bác sĩ đã dặn đi dặn lại. Không còn cách nào khác, Khôi buộc phải xuống xe đi bộ.


"Cho cháu đi nhờ với ạ." Quyết định xong, nó vội vàng đứng lên, lời yêu cầu cứ liên tục được thốt ra. 


Xe đã ra đến ngoại thành, trên xe cũng thưa người hơn, Khôi không tốn quá nhiều công để chen lên phía trước, kiếm một chỗ ngon ngay cạnh cửa ra, chỉ đợi gần đến bến là sẽ bấm chuông xin xuống. 


Ban đầu, Khôi tính leo lên xe, đi một mạch tới cuối bến cuối, trong lúc xe chạy thì tranh thủ ngủ bù. Nào ngờ, còn chưa đến nơi thì kế hoạch đã phá sản. 


Khôi không phải đợi lâu. Đèn xanh vụt sáng, xe đi chếch vào trong, chậm dần rồi dừng hẳn. 


"Ai xuống thì khẩn trương lên." Từ vị trí ghế lái, giọng người tài xế oang oang vọng xuống.


"Dạ." Khôi lẩm bẩm đáp một nhỏ xíu, dẫu biết chắc chẳng ai nghe thấy.


Vừa dứt lời, nó di chuyển nhanh về phía cửa xe, cửa vừa mở là nhảy xuống đất. Sau lưng, cánh cửa tự động đóng lại, xe khởi động rồi phóng vụt đi như một cơn gió. 


Khôi đứng gọn vào lề đường.


Nó leo lên vỉa hè, đi thêm một đoạn, vừa đi vừa ngó nghiêng hai bên. Ông trời không tuyệt đường người, có một cửa hàng tiện lợi ngay gần cuối đường. Là hãng K đỏ, giá bán thì cứ gọi là đắt đỏ thôi rồi. 


Khôi cũng chẳng còn cách nào khác, chỉ đành lấy một chai nước ủ lạnh từ trong tủ đông ra, đưa lại cho chị thu ngân xinh đẹp.


"Quý khách muốn thanh toán theo hình thức nào ạ?" Chị thu ngân cũng chẳng thèm ngẩng lên, cứ thế hỏi nó bằng một giọng đều đều.


"Cho mình quét mã." Khôi chìa đồng hồ ra.


Áp chai nước lên má, cảm giác lành lạnh truyền lên da thịt phần nào khiến cơn buồn ngủ còn đang sót lại không cánh mà bay. Mặc kệ ánh mắt mang theo sự tìm tòi của chị gái thu ngân, Khôi vươn vai, trở mình, chính thức nói lời tạm biệt với giấc ngủ bù quý giá. 


Năm viên thuốc đã bị tháo xích, thoát khỏi hộp, Khôi nhắm tịt mắt, đổ tất cả vào trong mồm, dòng nước mát cũng lập tức theo sau mà tràn xuống cổ họng, xua đi vị đắng đang manh nha tấn công các tế bào vị giác. Còn may là dưới sự vận động không ngừng nghỉ của vô số người tiêu dùng không chịu nổi vị đắng nơi đầu lưỡi, nhà sản xuất đã chuyển sang bào chế theo kiểu viên nén, thuốc uống theo kiểu hoà tan đã chính thức bị loại bỏ, vị đắng được giảm đi đáng kể, giúp bao người ngại uống thuốc như Khôi sống sót.


Khôi liếc đồng hồ, còn hai mươi phút, bây giờ đến trường là vừa. 


Khôi tính thì hay, nhưng lại quên mất điều quan trọng nhất, cái trường này nhận diện học sinh bằng thẻ và khuôn mặt, hiểu đơn giản là phải vừa có thẻ học sinh, vừa phải có mặt trong hệ thống thì cửa mới mở cho vào. Cái ngữ nó, mới xác nhận nhập học mấy hôm trước, cũng chỉ mới nhận được giấy báo nhập học hôm qua, Khôi biết đào đâu ra cái thẻ gì đó để cà đây. 


Đánh đố nhau hay gì.


Thua keo này ta bày keo khác, Khôi nấp vào một chỗ, sau một hồi quan sát thì phát hiện ra hệ thống nhận diện học sinh có điểm yếu chí mạng: chỉ cần là người có thẻ, quẹt một lần là cửa sẽ mở, muốn dẫn bao nhiêu người vào cũng được. 


Khôi vui vẻ rời khỏi vị trí. Thế thì lại dễ quá, thời cơ để khả năng ngoại giao của nó phát huy tác dụng đến rồi.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}