1. Nỗi sợ

“Giang ơi, đi học thôi”

Tiếng của An vang vọng vào nhà. Giang đang loay hoay xếp mấy quyển sách cuối cùng vào cặp, miệng còn nhai vội miếng bánh mì cắn dở, cố gắng nói lớn ra:

“Chờ tui thêm một phút nữa thôi.”

Nói một phút vậy chứ có bao giờ Giang đúng một phút đâu mà. An đã quá quen với việc này rồi nên cũng nhẫn nại chống chiếc xe đạp xuống mà chờ. Chả hiểu Giang làm gì mà hôm nào như hôm nấy, cứ lật đà lật đật như thế. An đã góp ý nhiều lần rồi, Giang cũng hứa sẽ cố gắng sửa đổi nhiều lần rồi, nhưng cuối cùng vẫn cứ thế, vẫn chứng nào tật nấy. Nhiều lúc An muốn giận lắm, nhưng cứ thấy nhỏ bày ra vẻ mặt “vô tội” rồi năn nỉ là An lại đầu hàng cho qua. Đôi khi An thoáng nghĩ chắc do bản thân nhượng bộ với Giang quá nên cô đâm ra ỷ y.

Mất năm, bảy phút sau, An mới thấy bóng Giang bước ra từ trong nhà.

“Bà làm cái gì mà lâu thế hả, chắc hôm sau tui cho bà đi bộ quá.”

An lại bắt đầu giọng điệu càm ràm quen thuộc mà nói với Giang. Giang ngồi lên phía sau xe, giọng lí nhí vang lên:

“Tui xin lỗi.”

“Không đúng, Giang vừa xin lỗi mình sao?” An hơi ngạc nhiên khi đón nhận thái độ lạ lùng hôm nay của nhỏ bạn thân. Bình thường chỉ cần An than thở hay nói nhiều về một vấn đề nào đấy, Giang sẽ đanh cái mặt lại, hai đầu chân mày sun vào nhau rồi đáp trả lại An bằng một cái đánh vào lưng nghe thật kêu.

Nhưng hôm nay Giang chẳng như thế. Mặt cứ cúi gầm xuống, chẳng cau có cũng chẳng xuất hiện một cái đánh nào. An vừa đạp xe vừa nghĩ, những vẫn chẳng có một câu trả lời nào thỏa đáng cho sự kỳ lạ của Giang. Đi được một đoạn, cảm thấy không thể tiếp tục im lặng nữa, An liền thắng vội chiếc xe đạp lại. Chống chân một cách vững chãi rồi quay đầu nhìn Giang:

“Hôm nay bà làm sao thế? Có chuyện gì à?”

“Ngoại tui bệnh nặng rồi. Tối hôm qua cậu ba phải chở Ngoại lên bệnh viện trên phố...”

Giang im lặng một chút rồi cũng trả lời. Giọng run run, nhỏ dần rồi lặng hẳn. An biết Giang lại đang mít ướt rồi. Cái nhỏ Giang này, bình thường nhìn có vẻ rắn rỏi thế thôi chứ tính thì mít ướt dữ lắm. An quay người lên, tiếp tục đạp xe đi. An biết Giang sẽ chẳng thể thoải mái khóc nếu nó cứ nhìn mãi.

“Ông Ngoại sẽ không sao đâu mà, sẽ nhanh được về nhà thôi, bà đừng lo lắng quá.”

Thật ra thì một đứa con trai có phần cục mịch như An chẳng giỏi trong việc an ủi hay xoa dịu tâm trạng của người khác cho lắm. Nó cũng biết thừa, có phải cứ bảo người ta hết buồn là họ vui ngay được, đâu phải chỉ cần nói họ đừng lo lắng là họ có thể thoải mái vô lo vô nghĩ lập tức đâu. Nhưng An vẫn muốn nói một điều gì đấy, ít nhất là để Giang cảm giác được cô còn có người bên cạnh san sẻ những suy tư trong lòng mình.

Giang ngồi phía sau xe, lặng lẽ rơi nước mắt. Ngoại bệnh cả tháng nay rồi. Hay nhức mỏi khắp nơi. Người cũng gầy hẳn, hai má hóp cả vào, nhìn như chỉ còn da bọc xương vậy. Cậu Út cứ bảo với Giang là “Ngoại không sao, từ từ rồi Ngoại khỏe” nên cô cũng chỉ nghĩ là do Ngoại già nên yếu sức. Lại thêm thời tiết dạo này thất thường nên mới bệnh lâu như thế.

Đêm qua bỗng dưng Ngoại ho nhiều hơn. Giang cố đút mãi mới được nửa chén cháo nhưng vừa ăn xong thì Ngoại lại nôn hết cả ra, lại còn bị khó thở. Giang hoảng quá chỉ biết gọi điện nói với cậu mợ Út. Cậu mợ nghe Giang báo thì hốt hoảng chạy qua nhà, xem xét sơ tình hình rồi vội vã lấy xe chở Ngoại thẳng lên bệnh viện lớn trên phố.

Cả đêm qua Giang thức trắng để chờ Ngoại. Nhưng chờ mãi, chờ mãi cũng chẳng thấy cậu mợ hay Ngoại đâu. Đến gần sáng, Giang mệt lả người nên ngủ thiếp đi lúc nào không hay. May mà có tiếng chuông báo thức kêu liên hồi, không chắc cô cũng không dậy nổi mà đi học mất.

Chẳng hiểu sao lòng dạ Giang cứ nóng như lửa đốt. Chưa bao giờ có cảm giác như lúc này, lo lắng, sợ hãi, bồn chồn và bất lực. Đúng, Giang thấy hoàn toàn bất lực, chẳng biết làm gì khác cả ngoài việc chờ đợi. Khuya qua Giang có gọi điện thì mợ bảo đừng lo quá, cậu với mợ sẽ sớm đưa Ngoại về thôi. Nhưng lúc nãy đi học, nhìn qua vẫn thấy nhà cậu khóa chặt cửa, chẳng hiểu sao lòng cô lại hoang mang vô cùng.

Một ý nghĩ không tốt đẹp cứ luẩn quẩn chạy dài trong đầu Giang. Giang sợ Ngoại sẽ không về với mình nữa, như ba mẹ ngày trước cũng thế. Họ tiễn cô lên xe, chúc cô có một kỳ nghỉ hè thật vui vẻ. Họ còn hứa rằng khi gặp lại sẽ mua cho cô thật nhiều đồ chơi mới, thật nhiều quần áo đẹp, thật nhiều đồ ăn ngon... Giang ngày ấy đã vui vẻ đón nhận tất cả những lời hứa ấy với niềm hạnh phúc ngập tràn. Nhưng rồi thì sao? Ngày mà cậu Út đưa Giang về gặp lại ba mẹ cũng là lúc cô biết rằng mình đã mất cả gia đình!

2. Gia đình

Giang cũng đã từng có một gia đình nhỏ của riêng mình. Có mẹ yêu thương, có ba chiều chuộng. Nhưng mọi thứ chỉ còn đọng lại trong hồi ức ít ỏi của một đứa trẻ sáu tuổi. Như lâu đài cát mà Giang hay nghịch lúc nhỏ, mất bao công sức để đắp lên thật cao, nhưng một cơn sóng sẽ vô tình tràn vào cuốn tất cả tan vỡ, thật nhanh.

Mẹ Giang là người miền Nam, ba thì gốc miền Trung. Họ tình cờ gặp nhau khi mẹ theo trường đi thiện nguyện ở quê ba. Hai người yêu nhau được ba năm thì đi đến hôn nhân. Sau khi cưới, mẹ theo ba về miền Trung.

Nhà Nội vốn có truyền thống nghề chài lưới nên ba mẹ thường lênh đênh trên con nước quanh năm suốt tháng. Đến khi mẹ mang bầu thì mới chuyển vào đất liền ở với ông bà Nội để tiện chăm sóc.

Rồi Giang chào đời trong sự mong ngóng và tình yêu dịu dàng của ba mẹ. Ông bà Nội cũng luôn tay chăm bẵm Giang mỗi khi mẹ theo ba đi biển. Ngày đó, dẫu có khó, có khổ, thiếu trước hụt sau thật đó, nhưng ba mẹ thương và chiều Giang dữ lắm. Họ luôn cố gắng để lo cho đứa con gái bé bỏng của mình mọi thứ tốt nhất mà họ có thể.

Nhưng rồi, ngày yên bình có được bao lâu. Như người ta thường hay nói, trước cơn bão lớn, bầu trời luôn rất đẹp!

Năm đó, cậu Út ra thăm gia đình Giang. Lại ngay dịp hè, mà cũng mấy năm ông Ngoại chưa được gặp lại cháu gái, thế là cậu xin ba mẹ cho phép đưa Giang vào miền Nam nghỉ hè với Ngoại. Ba mẹ vui vẻ nhận lời, còn Giang thì ngập tràn háo hức.

Ngoại có hai người con là mẹ Giang và cậu Út. Bà Ngoại mất sau khi sinh cậu Út, từ đó Ngoại cứ thế làm thân gà trống nuôi con. Vì ngày trẻ Ngoại chăm chỉ làm lụng nên cuộc sống cũng không đến nỗi quá thiếu thốn. Cả mẹ Giang và cậu Út đều được Ngoại cưng chiều hết mực.

Khi nghe mẹ Giang nói muốn lấy chồng xa, gia đình chồng thường bôn ba làm việc trên biển cả, Ngoại xót con gái nên cũng có ý phản đối cấm cản. Nhưng mà “ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên”. Thấy ba thương mẹ thật lòng, tính tình hiền lành lại cần cù chịu khó, dần rồi Ngoại cũng xuôi bụng mà cho hai người lấy nhau.

Từ lúc mẹ sinh Giang, đều đặn mỗi năm một lần, Ngoại sẽ về quê Nội thăm gia đình Giang. Nhưng mấy năm sau này sức khỏe Ngoại không tốt lắm nên không đi xe đường dài được. Giang liên lạc với Ngoại cũng chỉ đơn thuần qua những cuộc điện thoại ngắn ngủi mà thôi. Lần này được gặp lại Ngoại, lại còn được vào miền Nam chơi, khỏi phải nói cũng biết một đứa trẻ như Giang sung sướng đến nhường nào.

Trên con xe khách chật chội và ám đầy mùi dầu máy, Giang nép mình trong lòng cậu ngủ ngon lành, mơ về một giấc mơ thật đẹp đang chờ mình vào những ngày sắp tới.

Khoảng một tháng sau bên nhà Nội báo tin xấu. Ba mẹ Giang theo thuyền ra biển, gặp bão lớn quật nên đắm thuyền, cả hai vùi thân dưới mặt nước lạnh lẽo. Ngày Giang trở về, trái tim đầy háo hức để kể cho ba mẹ nghe những chuyện vui khi ở với Ngoại. Ấy vậy mà mọi chuyện bày ra trước mắt lại đau lòng đến khó tả.

Giang đã mất đi gia đình của mình rồi!

Ôm đứa cháu nhỏ trong tay, lòng đầy nỗi xót xa nặng trĩu, Ngoại bày tỏ muốn đón Giang về nuôi. Bên Nội cũng muốn Giang có một cuộc sống tốt hơn và có lẽ cũng để rời xa chốn đau lòng này nên nén lòng mình gửi gắm Giang cho Ngoại. Thế là Giang vào miền Nam, ở cùng Ngoại từ đó đến nay đã gần được mười năm.

Ngoại thương Giang dữ lắm. Chắc có lẽ vì Giang là đứa cháu gái duy nhất trong ba đứa cháu, hoặc bởi vì Giang chẳng còn ba mẹ ở bên nữa nên Ngoại muốn bù đắp thêm tình yêu thương chăng?

Giang nhớ ngày bé rất thích lẽo đẽo theo Ngoại. Ngoại đi một bước, cô cũng bước theo một bước. Giang quấn Ngoại nhiều đến nỗi cậu Út gọi cô là cái đuôi nhỏ của Ngoại. Cô như cái bóng cỏn con đi theo Ngoại khắp nơi. Đi đến khi hai chân mỏi nhừ thì lại nhõng nhẽo đòi Ngoại cõng về.

Lắm hôm trời oi bức, để Giang có thể ngủ ngon một chút, Ngoại sẽ ngồi cầm cái quạt mo, đều tay phe phẩy quạt cho Giang. Gió từ tay Ngoại lắm lúc còn mát hơn cả gió trời, cứ thể vỗ về lòng người vùi trong giấc ngủ say sưa.

Nhà Ngoại không quá thiếu thốn nhưng cũng không phải dư dả gì nhiều. Cơm canh vẫn đủ ba bữa nhưng cũng đạm bạc chứ chẳng phải cao lương mỹ vị gì. Lắm hôm chỉ có cơm trắng với muối mè thôi nhưng chẳng hiểu sao Giang lại thấy ngon lạ lùng. Chắc có lẽ bởi vì trong đó có thật nhiều tình yêu thương. Đối với Giang, chén cơm ăn cùng Ngoại những ngày ấy, dẫu đơn sơ nhưng ngon nhất trước giờ!

Càng lớn, Giang càng hiểu chuyện. Cô vẫn buồn vì chẳng nhớ nổi hơi ấm đôi tay mẹ, chưa kịp nhìn thật kỹ gương mặt ba. Nhưng ít nhất, Giang thấy mình may mắn vì luôn có Ngoại cạnh bên. Hai chữ gia đình vì thế mà cũng chẳng còn trống vắng trong lòng nhiều nữa.

3. Chơi cờ

Khác với mấy đứa con gái đồng trang lứa trong làng, Giang không có mẹ để dạy mấy chuyện thêu thùa may vá. Cũng không có ba để chỉ mấy bài toán, bài văn. Thỉnh thoảng mợ Út có thời gian, sẽ gọi Giang qua để chỉ bảo cái này cái kia, nhưng mà cái tính Giang hậu đậu mấy chuyện nữ công gia chánh lắm nên hay tìm cách để “trốn” khiến mợ Út cũng đành... bó tay.

Ngoại có lẽ là người thầy kiên nhẫn nhất của Giang. Từ chuyện học hành đến những công việc nhà. Từ cách nấu một bữa cơm đến việc làm sao để trồng được một cái cây cho tươi tốt... Trong tất cả mọi việc, Ngoại đều rất nhẫn nại để dạy cho Giang hết những gì Ngoại có mặc đôi tay vụng về của cô nhiều khi khiến mọi thứ rối tung rối mù cả lên.

Ngoại yêu Giang theo một cách rất khác. Không phải nuông chiều chẳng để Giang động tay vào việc gì, mà là việc gì cũng để Giang phải bắt tay vào làm, làm đến thuần thục.

“Sao con phải làm chuyện này ạ?”

“Làm cái này để làm gì vậy Ngoại?”

“Ngoại ơi, con thấy việc này đâu cần thiết học đâu ạ?”

...

Rất nhiều những thắc mắc như thế của Giang được lặp đi lặp lại không rõ bao nhiêu lần. Giang không biết mục đích của những việc Ngoại dạy cô, càng không biết nó có thật sự cần để học hay không. Nhưng đáp lại những câu hỏi đó, Ngoại luôn cười thật hiền từ và bảo:

“Ráng đi con. Thà là biết mà không làm, chứ đừng để đến khi làm rồi phải nói là không biết.”

Giang lúc đó chỉ là mê mẩn với những cái mới lạ nên hăng hái vâng lời. Càng làm càng thấy hay hay, vui vui nên luôn muốn được dạy thêm nhiều hơn. Sau này lớn hơn Giang mới hiểu, là Ngoại hy vọng một ngày nào đó nếu chẳng còn có Ngoại ở bên chăm sóc thì cô hoàn toàn có thể tự mình sống tốt.

...

Thuở ấy, Ngoại có một bộ cờ tướng, Ngoại quý dữ lắm. Ngoại bảo được một người bạn tặng lâu lắm rồi. Bộ cờ được làm thủ công từ gỗ, chạm khắc tỉ mỉ nhìn đẹp cực. Một ngày nọ, Ngoại lấy bộ cờ ra lau chùi cẩn thận. Giang ngồi bên chăm chú nhìn chẳng rời mắt. Bỗng Ngoại quay qua hỏi:

“Con có muốn học chơi cờ không?”

Giang hơi bối rối với câu hỏi của Ngoại. Trước giờ cô chỉ biết chơi cờ ca-rô hay cờ cá ngựa với An thôi. Cờ tướng là một khái niệm gì đó quá xa vời mà trong suy nghĩ của Giang là chỉ có người già mới chơi được chứ không dành cho một đứa trẻ mới mười tuổi đầu như cô.

Ngoại vẫn nhìn Giang đầy trìu mến như chờ đợi câu trả lời. Giang nhìn Ngoại rồi nhìn vào mấy quân cờ đang đặt trên bàn, bỗng chốc thấy chúng cũng có vẻ... thú vị. Giang muốn biết là nó có gì hay mà mỗi khi Ngoại và các cụ khác chơi thì có thể say mê ngồi cả buổi trời.

“Dạ, Ngoại dạy con chơi cờ đi ạ.”

Nhận được câu trả lời vừa ý, Ngoại bật cười giòn tan. Ngoại bắt đầu dạy cho Giang cách gọi tên từng quân cờ. Nhìn những nét ngoằn nghèo trên mặt cờ, Giang bày ra vẻ mặt đầy ngờ nghệch. Ngoại ân cần đưa từng quân cờ lên:

“Đây là mã này.”

“Quân này là xe nhé.”

“Còn pháo là quân này.”

“Con biết không, Ngoại thích nhất là quân pháo đỏ. Quân pháo thì linh động, màu đỏ như màu chiến thắng, nó giống như bùa may mắn của Ngoại trong bàn cờ vậy.”

Giang nhìn quân cờ trên tay Ngoại. Cảm thấy không có gì đặc biệt lắm, chỉ biết đó là quân cờ Ngoại thích nhất thôi. Sau khi học được tên, Ngoại chỉ cho Giang biết mỗi quân cờ đứng ở đâu, di chuyển ra sao. Ngày qua ngày, Giang dần thấy thích thú hơn.

Ván cờ đầu tiên, Giang hiếu thắng, cứ được đà tấn công. Và dĩ nhiên, các quân cờ dần bị ăn hết. Thua cuộc, Giang buồn, xị mặt ra. Ngoại xoa đầu, dỗ dành:

“Ngoan nào. Thật ra đánh cờ không thể vội vã được. Ngày trước, Ngoại cũng thua ông cố suốt thôi.”

“Con hãy xem việc đánh cờ là cách rèn luyện bản thân. Luôn nhẫn nại và thật cẩn trọng.”

“Mỗi quân cờ đều là một hộ vệ của con. Con cần sử dụng chúng để bảo vệ mình, đồng thời cũng phải bảo vệ chúng.”

Ngoại dạy Giang những thế cờ hay, những nước cờ lạ, cách tấn công và cả phương thức phòng thủ nữa. Dường như, Ngoại muốn thông qua việc chơi cờ dạy Giang nhiều thứ khác. Giang chăm chú lắng nghe từng câu từng chữ.

Mấy hôm sau Giang muốn đấu lại với Ngoại một ván cờ. Bày bàn cờ ra một cách tỉ mỉ, Giang háo hức:

“Lần này con nhất định sẽ thắng.”

Nhìn dáng vẻ đầy tự tin của cô, Ngoại cười, tay cầm một quân cờ đưa ra trước mặt Giang:

“Tốt, rất có ý chí. Vậy nên Ngoại thưởng cho con một quân pháo.”

Quân cờ đầu tiên Ngoại cho chính là quân pháo đỏ - thứ mà Ngoại luôn trân quý nhất trong mỗi ván cờ. Giang ngây ngô nghĩ rằng cho một quân pháo thì Ngoại vẫn còn một quân, cứ thế tươi cười rồi đưa hai tay đón lấy và cảm ơn Ngoại. Cảm giác vui sướng vì đã gần chiến thắng thêm một chút.

Đến sau này, nghĩ lại, mới hiểu được quân pháo ấy quý giá vô vàn. Không chỉ là Ngoại cho Giang một quân cờ trong vô số quân cờ Ngoại có, mà quân cờ ấy - quân pháo đỏ ấy - mang cả một trời yêu thương, che chở Ngoại dành cho Giang. Ngoại luôn sẵn lòng cho cô tất cả mọi thứ, kể cả thứ Ngoại trân trọng nhất, vì với Ngoại, Giang còn quý giá hơn tất thảy mọi điều.

Đấy, cả một tuổi thơ an yên bên Ngoại mà lớn lên như thế!

4. Mất mát

Từ lúc Giang chuyển vào đây ở, nếu không lẽo đẽo theo Ngoại thì cô hay chạy xuống nhà An chơi. Khỏi phải nói, chơi với An thì chỉ chơi mấy trò bắn bi, siêu nhân hay đá bóng thôi. Được cái là Giang cũng nghịch ngợm nên mấy trò này chẳng làm khó được cô. Riết rồi hai đứa chơi thân với nhau đến tận bây giờ.

Mẹ An thương Giang như con gái vậy. Thỉnh thoảng đi chợ thấy cái áo xinh hay cái kẹp tóc đẹp đều mua về tặng cho. Mỗi khi có gì ngon bà cũng bảo An đem qua cho ông cháu Giang một ít. Rồi luôn dặn dò An phải nhường nhịn, giúp đỡ Giang, như việc đèo Giang đi học hằng ngày chẳng hạn.

Biết chuyện nhà Giang, thấy để cô ở nhà một mình không ổn nên mẹ An gọi điện xin phép cậu Út cho Giang xuống nhà An ở tạm mấy hôm cho yên tâm. Giang ở phòng chị Linh - chị gái của An. Chị Linh đi học đại học nên căn phòng không có ai dùng. Mấy hôm học thi vất vả, lại cứ lo cho Ngoại nên tâm hồn Giang cứ treo ngược cành cây. Mẹ An thấy thế nên cố ý làm một ít bánh ngọt rồi bảo An đem qua phòng cho Giang.

*Cốc... cốc... cốc...*

“Giang ơi, ăn bánh nè”

Cánh cửa vừa mở ra, An đã thấy một nét mặt tươi tỉnh:

“Cậu Út bảo mai về chở tui lên thăm Ngoại đó, hihi”

Nhìn cái dáng vẻ vui đến cười híp hết cả mắt lại của Giang, An cũng thấy nhẹ lòng phần nào. Giang đón lấy chiếc bánh rồi chạy đi tìm mẹ An để cảm ơn.

...

Hôm sau, cậu Út về đón Giang và đem thêm ít đồ lên nữa. Bệnh viện ở xa nên hai cậu cháu đi mất hơn một giờ đồng hồ. Giang vừa bước vào thì thấy mợ Út đang cho Ngoại ăn. Vừa thấy Giang, Ngoại liền nở một nụ cười rồi vẫy Giang lại. Cô nhanh chân bước đến ngồi xuống cạnh giường bệnh. Giọng nũng nịu:

“Ngoại đi lâu quá, con nhớ Ngoại muốn chết luôn. Ngoại mau khỏe còn về với con nữa.”

Tôi tay gầy gò của Ngoại khẽ đưa lên xoa đầu Giang. Giang nhẹ nhàng đưa tay mình nắm lấy. Khỏi phải nói cô vui nhường nào khi còn có thể gặp Ngoại. Nhưng nhìn Ngoại gầy sọp hẳn đi, tay đầy vết chích rồi dây truyền dịch khiến lòng Giang xót xa vô cùng. Giang muốn òa khóc thật lớn nhưng phải cố kìm lại. Bày ra một dáng vẻ thật tươi vui, tíu tít nói hết chuyện này chuyện kia cho Ngoại nghe. Đôi tay cũng chu đáo bóp tay bóp chân cho Ngoại,

Xế chiều, cậu chở Giang về. Dặn dò Giang vài điều rồi cảm ơn gia đình An vì đã giúp đỡ lo cho Giang mấy hôm nay. Rất nhanh cậu lại tạm biệt Giang để lên lại chỗ Ngoại.

...

Ngày hôm sau, trời mưa rả rích.

Tối qua Giang thức học bài muộn nên nằm ngủ quên trên bàn. Tư thế nhìn có vẻ chẳng dễ chịu mấy nhưng vì quá mệt nên cô ngủ rất ngon lành.

“Giang ơi, mở cửa cho mợ”

Đang say sưa ngon giấc chợt nghe có tiếng gọi, Giang giật mình, đưa tay dụi mắt, vẻ mặt còn hiện hữu đầy sự mệt mỏi vì chưa nạp đủ năng lượng, lật đật chạy ra mở cửa.

Giang thấy mợ Út đứng khóc nức nở. Phút chốc ngạc nhiên vì chưa kịp hiểu chuyện gì, mợ đã ngước nhìn Giang với đôi mắt đỏ hoe. Rồi từ trong tiếng khóc văng vẳng một thanh âm nghẹn ngào:

“Ông Ngoại... mất rồi con ạ...”

Giang bần thần đứng chết lặng. Tai ù dần đi theo tiếng nấc của mợ. Giang thấy lòng bỗng chốc trống rỗng vô cùng, chẳng hiểu điều gì đang diễn ra quanh mình nữa.

Giang luôn có một cỗ sợ hãi to lớn thường trực trong lòng, chỉ là vừa mới hôm qua Ngoại còn vui vẻ nghe Giang kể chuyện, chỉ là vừa mới hôm qua Ngoại đã hứa bao giờ khỏe lại sẽ đưa Giang đi câu cá. Là Giang đã thấy Ngoại cười nhiều hơn, tươi tỉnh hơn nên tin rằng Ngoại sắp khỏe lại...

Vậy mà giờ, Ngoại mất rồi...

Giang vội vàng chạy về nhà, quên luôn cả việc phải đi dép. Đôi chân trần đạp lên sỏi đá nhưng Giang chẳng cảm nhận được chút đau đớn nào. Gần đến nhà đã nghe tiếng kèn trống thê lương réo rắt đập vào tai. Thật đông người đã đứng đầy sân, khắp nhà cũng phủ một màu trắng.

Đang đứng ngẩn ngơ thì có ai đó vỗ vai Giang. Là mợ, mợ đưa cho Giang một bộ quần áo đen và một chiếc khăn tang trắng xóa. Cô nhận lấy, run rẩy bước đi thay đồ.

Giang bước đến trước linh cữu của Ngoại, nụ cười trên di ảnh còn vương chút hơi ấm mà mới đây Giang còn cảm nhân được. Thắp nhang cho Ngoại xong, Giang được mợ chỉ vào ngồi một bên quan tài.

Cô nhìn chằm chằm vào khối hộp gỗ đã được đóng chặt trước mặt mình. Ngoại đang nằm bên trong đó, im lìm, bất động. Giang thấy đắng cay thay cái cảm xúc hỗn loạn này. Ngoại – người mà cô yêu thương nhất cuộc đời - đang ở đây, trước mắt cô. Gần rất gần ngay kế bên nhưng lại xa cách xa cả một dương thế!

Ngoại bị ung thư phổi, giai đoạn cuối. Sợ Giang buồn lo nên dặn dò cậu mợ Út không được nói cho Giang nghe. Hôm qua Ngoại yếu lắm rồi nhưng vẫn gắng vui vẻ để Giang yên lòng. Rạng sáng nay Ngoại mất, cậu với mợ đưa Ngoại về rồi làm thủ tục khâm liệm. Vì Giang không hợp tuổi, sợ để Giang nhìn mặt Ngoại lần cuối sẽ khiến Ngoại khó dứt lòng siêu thoát nên chỉ khi xong xuôi mọi thứ, mợ mới dám xuống nhà An báo cho Giang. Giang thấy tủi thân vô cùng... sao mà đến cuối đời Ngoại vẫn lo nghĩ cho Giang nhiều thế? Sao mà cả cơ hội nhìn mặt Ngoại lần cuối Giang cũng không thể?

Tiếng khóc của những người xung quanh dội thêm vào tim Giang những cơn nhức nhối khó tả. Cả cõi lòng như đang từng chút bị xé toạc ra tan nát. Miệng khô khốc nghẹn đắng, tay chân cứ run rẩy trong vô thức. Hoa cúc trắng đặt quanh đó nhẹ nhàng len vào không khí một thứ mùi hương kiến Giang cảm thấy việc hô hấp khó khăn vô cùng.

Chua xót, vụn vỡ, đau lòng là thế nhưng tuyệt nhiên Giang không rơi một giọt nước mắt nào. Đến tận sau này Giang cũng không biết tại sao một đứa mít ướt như cô khi đối diện với sự mất mát to lớn ấy lại không thể khóc được. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, khi con người ta không có cách nào để giãi bày nỗi đau, thì nỗi đau ấy sẽ còn dày vò và ám ảnh họ gấp ngàn, gấp vạn lần nữa.

Ngày đưa Ngoại đi chôn cất, Giang theo lên xe rồng. Ngay khi xe lừa lăn bánh, Giang đã òa khóc chẳng thể ngừng. Khoảnh khắc ấy, có lẽ lớp phòng ngự cuối cùng của Giang đã bị phá vỡ, cảm xúc đã không thể kìm nén được nữa rồi.

Suốt quãng đường Giang cứ khóc mãi, khóc đến mắt mờ đi, khóc đến không thở được. Hai tiếng “Ngoại ơi” muốn cất lên nhưng cứ ứ đọng mãi ở cổ họng chẳng thể thốt thành lời. Trái tim Giang đã chạm đến cùng cực của hai từ mất mát.

“Rồi con biết phải sống thế nào đây khi Ngoại cũng bỏ con mà đi mất...”

5. Hộ vệ

Sau hôm Ngoại mất, Giang ở một mình. Cậu mợ Út nhiều lần ngỏ ý bảo Giang qua sống cùng nhưng Giang đều từ chối. Giang muốn ở lại đây, trong ngôi nhà mà cô đã lớn lên cùng Ngoại, nơi chất chứa đầy ắp hình bóng của Ngoại.

Giang muốn tự tay mình hằng ngày lo việc cơm trà nhang khói. Muốn thay Ngoại chăm sóc mấy vườn hoa, đàn gà nhỏ... Muốn đọc cho Ngoại nghe những cuốn sách hay, trong coi săn sóc ngôi nhà Ngoại đã gắn bó cả một đời người.

An thường ghé đến thăm Giang. Giang chẳng hề bày ra nét buồn rầu nào cả. Nhìn nhỏ bạn đang gồng mình tỏ ra bản thân ổn mà An thấy não hết cả lòng. Phải chi mà cứ mít ướt như ngày xưa có khi lại tốt hơn nhiều. Có ai bắt đâu mà phải làm bộ mạnh mẽ, giả vờ không sao kia chứ?

Ở cái tuổi mười sáu hồn nhiên vô tư lự, Giang đã chẳng thể vui vẻ an nhàn mà sống như trước. Cô cứ cố bình thường hóa mọi chuyện để có thể chấp nhận được nỗi đau đang âm ĩ nhói buốt trong lòng mình. Nhưng mà cảm xúc vốn là thứ duy nhất thuộc về bản thân mà ta không thể tự mình làm chủ. Ban ngày Giang luôn làm ra dáng vẻ vui vẻ đầy gượng gạo để đêm về lại chỉ biết khóa chặt cửa phòng ôm gối mà khóc đến ướt mèm.

Có nhiều hôm, Giang nhớ Ngoại da diết, lặng lẽ lấy bộ cờ tướng Ngoại cho bày ra cẩn thận. Biết Ngoại sẽ không về đâu, nhưng vẫn đưa mắt ngóng trông. Cứ chờ mãi như thế để rồi sau đó lại mếu máo, vừa khóc vừa xếp lại cất đi. Có lẽ từ đó đến mãi sau này, Giang sẽ không thể chơi thêm một ván cờ tướng nào nữa. Cô không muốn chơi với bất kỳ ai cả, vì sâu thẳm trong cô luôn có một chấp niệm to lớn với việc được chơi cờ cùng Ngoại.

Bộ cờ đầu tiên Ngoại cho Giang, dùng dạy cô cách chơi cờ và cả cách làm người nữa. Đó không phải món quà đầu tiên, cũng không phải món quà cuối cùng cô nhận được từ Ngoại. Nhưng đó chính là kỷ vật quý giá nhất trong cuộc đời cô.

Một hôm nọ, Giang ngủ thiếp đi trên bàn cờ đã được cô sắp xếp ngay ngắn. Cô bỗng cảm nhận một làn hơi ấm nhẹ xoa lên mái tóc mình. Khẽ mở mắt ra, Giang thấy Ngoại đang nhìn cô cười trìu mến:

“Con nhớ Ngoại lắm phải không?”

Chẳng nói được gì, Giang òa lên nức nở. Ngoại đặt một quân pháo đỏ vào tay Giang.

“Ngoan, không khóc nữa. Ngoại cho con quân pháo của Ngoại này. Đánh với Ngoại một ván cờ nữa nhé?”

Giang gật gật đầu, hai tay vội lau nước mắt còn lấm tấm trên mặt, miệng vừa nấc vừa nói:

“Ngoại cho con một quân pháo rồi mà, giờ cho nữa là Ngoại chẳng còn quân pháo nào đâu.”

“Không sao hết. Ngoại từng nói với con, mỗi quân cờ đều là một người hộ vệ. Ngoại cho con hai người hộ vệ tốt nhất mà Ngoại có, mong chúng có thể thay Ngoại bảo vệ con đến suốt đời này. Con không được buồn nữa nhé. Con cứ thế Ngoại đau lòng lắm”

Miệng Ngoại vẫn nở một nụ cười hiền nhưng ánh mắt lại ánh lên vẻ xót xa. Giang nhìn sâu vào đôi mắt ấy như hiểu ra được nhiều điều, khẽ gật đầu thay cho một lời hứa.

Thế rồi hai ông cháu chơi cờ cùng nhau. Lần này Giang đã có thể thắng được rồi. Giang vui sướng vươn tay ra ôm cổ Ngoại nhưng phút chốc mọi thứ tan biến. Giang giật mình bừng tỉnh, khóe mắt vẫn còn hoen ướt, trong tay đang nắm chặt quân pháo đỏ.

Từng ký ức ngày xưa bỗng ồ ạt kéo về trong tiềm thức, trôi thật chậm, thật chậm như một thước phim không hồi kết. Dòng hồi tưởng ùa về để lại trong Giang thật nhiều hoài niệm và tiếc nuối. Cô nhớ lại tất cả những điều Ngoại dạy và nhận ra bản thân đang không sống tốt như Ngoại luôn kỳ vọng.

Có lẽ đã đến lúc Giang mở rộng lòng mình ra để tiếp tục bước đi trên con đường phía trước. Khi cô đang ở đây ủ rũ, đau lòng, gục ngã thì ở thế giới bên kia Ngoại cũng sẽ chẳng thể thanh thản rời đi được. Ngoại vẫn sẽ ở một nơi xa xôi nào đó, dõi theo những bước chân của Giang vậy nên cô phải bước đi thật vững chãi, thật hiên ngang để Ngoại cảm thấy tự hào.

Giang cầm quân pháo đỏ trong tay, nhìn nó mỉm cười một cách hài lòng và mãn nguyện. Nó vẫn ở đây, luôn ở đây, bên cạnh cô, như hình bóng của Ngoại vậy. Quân pháo đỏ ấy là minh chứng cho tình yêu của Ngoại, là nơi cô gửi gắm hết tất cả những kỷ niệm tươi đẹp bên Ngoại vào.

Và từ bây giờ, nó sẽ là người hộ vệ đồng hành, bảo vệ vững chắc cho tâm hồn và trái tim cô giữa thế gian này, như lời Ngoại đã nói!





Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}