Gần một tháng nay, mỗi khi quán ông Năm gần thưa người, nơi ngã ba bắt đầu vắng xe, thì đều có một bóng dáng của ai đó đứng gần cây cột đèn giao thông nhìn ông chăm chú, chẳng nhìn rõ mặt. Ban đầu ông Năm cũng rất bất an, những sau này khi ông nhận ra chỉ cần chú ý đến là người đó bắt đầu bỏ đi, không để lại gì ngoài những khoảng lặng. Có hôm ông Năm đã nhận ra người đó bắt đầu xuất hiện, nhìn mình, ông cũng giả vờ như không thấy mà dọn dẹp quán bình thường, đến khi ông dọn gần xong thì người đó cũng bỏ đi, lẩn khuất vào bóng tối. Riết rồi quen, thấy chẳng hại gì đến mình nên ông Năm chẳng kể ai nghe và cũng chẳng tìm hiểu thêm làm gì, ông nghĩ đôi lúc chúng ta không nên tò mò, nếu can dự đến chúng ta thì thế nào chúng ta cũng được tìm đến, nghĩ vậy nên ông cũng thôi.
Quán ông đêm nào cũng nghi ngút khói bay lên, mùi thơm lan ra cả một góc trời, mấy chục năm rồi, quán hủ tiếu của ông Năm vẫn bán dù khách đông hay thưa. Ông không hề có ý định nghỉ bán, bởi nếu ông nghĩ thì lấy gì mà sống, già rồi, sức đâu mà đi làm với người ta, ông hay trả lời vậy khi có người đùa “Khi nào ông nghỉ bán?”
Đêm nay cũng như mọi hôm, mới khuya nên lai rai vài lượt khách, chỉ khi tiếng chổi của con Tư quơ vào mặt đường thì đêm mới thật sự khuya. Tiếng chổi đều đều mỗi đêm quét sạch con đường, nhưng những khó khăn của cuộc đời mình con Tư không thể nào quét nổi, ngổn ngang, lăn lóc trong nhà. Ông Năm cũng vậy, bán cho người ta tô hủ tiếu no lòng trong đêm, mà cái khổ cái nghèo ông chẳng bán, chắc hổng ai mua nên mới vậy, nghĩ cũng buồn.
“Cho tô hủ tiếu đi chú.”
Ông Năm đang loay hoay chụm nồi nước súp cho sôi, củi hơi ướt nên ung khói bay mờ trời, sặc sụa, ông đáp:
“Ờ ngồi đợi tui chút.”
Lát sau ông bưng tô hủ tiếu nóng hổi ra, đặt lên bàn.
“Ủa bây, nay mới ghé lại ăn hả, hổm rày đi đâu mà mất biệt vậy?”
“Lo đi mần ông ơi, nay tăng ca, con về trễ nên ghé ông ăn tô hủ tiếu.”
“Hổm đòi chết, nay đi mần rồi hen bây.”
“Trời ơi, hổm cũng định chết quách đi cho rồi, mà nghe ông nói nên suy nghĩ lại, chết chóc gì.” Cô gái cười hề hề sau câu nói bâng quơ ấy. Đúng là sống chết chỉ cách nhau một cái suy nghĩ, hay một cái chớp mắt, mong manh thật, vượt qua thì dễ nhưng cái ý nghĩ ấy có trở lại không thì hên xui.
“Bây làm ở đâu mà đi bộ.”
“Trên thị trấn á chú, con nhỏ bạn làm chung chở con về, tới đây nó thả con xuống.”
Nói xong cô gái cúi đầu xì xụp với tô hủ tiếu nóng hổi, cô nói tiếp:
“Mà công nhận chú hay thiệt, hổm ăn tô hủ tiếu của chú cái về nhà chồng con nó bỏ đánh bài liền, bỏ ngang luôn chú, chẳng những vậy mà còn tu chí làm ăn nữa chớ, nghĩ cũng ngộ, chắc nó thiếu nợ người ta đánh nó riết cái nó tỉnh ra.” Cô gái cười, nụ cười sung sướng, vui mừng và hơn thế nữa là nụ cười mang những hy vọng mãnh liệt về cuộc sống mai sau.
“Ngộ dữ bây!” Ông Năm quay qua nhìn cô gái, khó hiểu và hình như ông không tin đó là sự thật.
“Bởi vậy nay lại đây để cảm ơn chú.”
“Tao có làm gì đâu mà cảm ơn, nếu đã vậy rồi thì hai đứa bây ráng làm mà trả nợ.”
“Dạ con biết rồi chú.”
Có những khoảnh khắc, con người ta nhận ra những sự thay đổi quanh mình rất bất chợt, nhưng thực ra nó đã dần thay đổi kể từ cái ngày chúng ta lãng quên nó, ông Năm nghĩ vậy, nên cũng ít bất ngờ.
“Mà hổng hiểu sao hổm rày mỗi đêm nó cứ đi đâu mất biệt, có bữa nó về sớm, có bữa nó về trễ, con tưởng nó đi đánh bài nữa, mà hổng có chú, nó bỏ rồi.”
Nghe câu nói đó, những suy nghĩ dồn dập bắt đầu xô nhau trong suy nghĩ của ông Năm, bất ngờ, ngạc nhiên, làm ông Năm bất chợt đứng dậy.
“Bây nói sao, mỗi đêm?”
“Dạ đúng rồi chú.”
Ông Năm từ từ ngồi lại xuống ghế, cầm cái quạt lên và hướng nhìn ra ngoài bóng tối đen đặt phía xa, những thanh âm của đêm bắt đầu im bặt, gió nhẹ nhàng lướt qua cuốn mấy lá dầu bay cọ xuống mặt đường nghe xào xạc. Vậy ra hơn một tháng nay, người đứng gần cây đèn giao thông ngó nhìn ông chắc là chồng của cô gái này, nhưng tại sao? Chẳng có câu trả lời nào hiện lên, mọi thứ trong đầu ông bắt đầu lộn xộn, ngổn ngang và rối bời.
Bình luận
Chưa có bình luận