Chương 4


Câu chuyện cuộc đời ông được kể lại, cô gái ngồi trầm tư nhìn xa vào khoảng tối vô tận, suy nghĩ nào đó về cuộc đời làm cô rơi nước mắt, cô nhận ra rằng trên cuộc đời này ai cũng khổ, mỗi người một cái khổ khác nhau, quan trọng là người ta vượt qua nó bằng cách nào. Đời ông Năm cũng khổ, nhưng ông đã không bị nó nhấn chìm mà ngoi ngóp sống chung với nó.

“Vậy rồi nó có về chưa, ông?” Cô gái lau nước mắt sang nhìn ông Năm hỏi.

“Dễ gì, chắc nó chết rồi.” - chiếc quạt trên tay vẫn phe phẩy, ông trả lời.

“Chết phải thấy xác chớ.”

“Sợ nó bỏ thây ở chỗ mà người ta còn không biết nó là ai. Nhưng tôi vẫn chờ nó, gần mười năm rồi, lúc nào cũng muốn có ai đó ghé đây kêu mình một tiếng cha, nhưng rồi có ai đâu, biệt tăm biệt dạng, kể từ cái ngày nó mang ba lô là tôi đã mất hình ảnh của nó.

Đôi mắt ông mờ đi, giăng một màng nước mờ khi nhắc đến thằng con trời đánh của ông.

“Chắc nó sợ ông giận nên nó hổng về chớ gì.”

“Giận rồi thì cũng hết, chứ cha mẹ nào mà giết con hả bây?”

Sau câu hỏi ấy là một khoảng lặng, tiếng đêm buồn héo hắt át luôn tiếng thở của hai người, câu hỏi không quá khó, nhưng chẳng biết câu trả lời nào cho phù hợp.

Câu chuyện buồn của ông Năm làm cho cô gái chùn cái suy nghĩ tự kết thúc đời mình ở cái cầu nào đó trên Sài Gòn, nhưng cô cũng chẳng biết phải sống sao khi về lại cái nhà với thằng chồng cờ bạc ấy, mông lung, mù mịt chẳng có hướng đi.

“Thôi con về, nhiêu tiền con trả.”

“20 ngàn bây. Về đi, dù gì thì cũng là nhà mà.”

Cô gái để tiền trên bàn rồi quay về ngã ba hướng xóm Cầu Quau, bóng dáng ấy dần lẩn khuất vào màn đêm tối om, ông Năm mắt hướng nhìn theo đến khi màn đêm đã nuốt trọn cô gái, ông thở dài, chiếc quạt vẫn phe phẩy trên tay.

Lát sau ông đứng dậy dọn bàn vừa nãy cô gái ngồi, lau bàn, sắp xếp lại mấy cái ghế, cầm cây chổi quét xung quanh quán. Bỗng ông ngước lên nhìn về phía đèn đỏ ngoài ngã ba, bóng đèn vàng hắt lên một hình dáng đứng cạnh cây cột đèn, hình như là đàn ông, tay xăm trổ, chắc vậy, do xa quá, mắt ông thì mờ nên không nhìn rõ. Trong lòng ông Năm bỗng dấy lên một nỗi bất an đến lạ, ông đã bán ở đây hơn mười năm rồi, mà chưa bao giờ ông thấy ai lại đứng ngay cột đèn lúc khuya, đã vậy còn hướng nhìn về ông. Bất chợt người đó nhận ra ông Năm cũng đang nhìn hắn, hắn vội quay gót đi về hướng Rạch Cát rồi khuất dần trong bóng tối, biến mất, để lại nơi đây những câu hỏi nằm ngổn ngang trong suy nghĩ của ông Năm. Ông lại ngồi vào chiếc ghế, nghỉ ngơi, chờ khách, quán đêm nay vắng thật, ông năm mở cái radio lên nghe bản tin khuya, chiếc radio rè rè phát ra tiếng đẩy xa cái thinh lặng của con đường đêm nay. Mọi thứ như chỉ còn một mình ông Năm là hoạt động, tất cả chìm vào giấc ngủ, êm ấm trong những giấc chiêm bao, còn ông cuộc đời còn chưa lành lặn huống gì nói đến chuyện chiêm bao.

Xa xa có tiếng chổi quét xuống mặt đường chan chát, ông Năm biết đó là tiếng chổi của con Tư ở cầu Xóm Miễu, công việc hằng ngày của nó để nuôi đứa con đang học lớp ba. Chồng đi theo vợ bé nên bỏ lại cho nó đứa con và cả gánh nặng gia đình, mỗi đêm đều quét từ đầu đến cuối đường, quét đến ngã ba thì ghé lại quán ông Năm ăn hủ tiếu, mỗi đêm đều như vậy, riết rồi quen. Hôm nào chưa thấy con Tư ghé là ông Năm nán lại chờ, chờ nó lại ăn rồi mới dọn quán. Có hôm nó ghé ngang, mà hổng ăn hủ tiếu, ông Năm hỏi:

“Ủa nay hổng ăn hủ tiếu sao mà uống nước không vậy bây?”

“Dạ thôi chú, để tiền sáng cho con nó đi học, hồi chiều bán vé số ế quá à.”

“Rồi nhịn đói hả bây?”

“Đâu có, uống nước vậy là được rồi.”

Nghe con Tư nói vậy, ông năm không trả lời câu nào, lẳng lặng vào nhà, làm một tô hủ tiếu bưng ra, khói tỏa lên nghi ngút làm mờ thêm đôi mắt đã đục màu thời gian và nước mắt của ông.

“Ăn đi bây!”

“Nhưng mà...”

“Ăn lẹ đi, nguội ngắt hết, cọng hủ tiếu nở thè lè ra khỏi ăn giờ.”

Con Tư rơi nước mắt, giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má hóp đi vì nắng gió mưu sinh, lấy cái tay áo đã cũ hơi rách chùi nước mắt, gương mặt mếu máo đi, nó lắp bắp, nhưng ông Năm đã chặn câu nói của nó.

“Ăn đi bây, khóc gì hổng biết, mai mốt cứ ghé đây ăn, tiền bạc gì, hôm nào có thì trả hông thì thôi, có tô hủ tiếu nhằm nhò gì, nghèo mấy chục năm rồi chứ có phải mới đây đâu mà sợ.”

Ông Năm hướng đôi mắt nhìn vào bóng tối, đôi mắt của ông cũng long lanh những giọt nước mắt chực trào ra.

“Lát về tao làm cho một tô nữa đem về cho con bây.”

Con Tư lắc đầu.

“Dạ thôi chú, nhiêu đây làm con cảm ơn chú lắm rồi, với lại khuya nó ngủ mất rồi chú, nó hổng ăn đâu.”

“Ờ, nếu vậy thì thôi, mà bây đi đây rồi nó ở nhà với ai?”

“Dạ có con bé con của chị Hai hàng xóm qua ngủ với nó mỗi đêm á chú, con đi đến sáng mới về nên có ngủ nghê gì.”

“Vậy cũng yên tâm, chứ để con bé ở nhà một mình tội nghiệp.”

Ông Năm đứng dậy lấy thêm cho con Tư một ly nước nữa, ông hiểu cái khổ của những kẻ không tiền, trong hoàn cảnh như nhau thì con người ta sẽ dễ đồng cảm với nhau hơn, ông không giàu, ông còn khổ nữa là đằng khác, nhưng chẳng vì thế mà ông bỏ mặt những người khổ hơn mình, điều đó an ủi ông trong phần đời con lại. Tiếng chổi của con Tư mỗi đêm vang vào bóng tối, chứng minh một nghị lực phi thường, nhờ tiếng chổi ấy mà giúp ông cảm giác được rằng có người còn khổ hơn cả mình mà họ vẫn sống khuây khuây có sao đâu.

Ông Năm lụi hụi đi dọn quán, trời đã khuya, sương đã rơi nên ông bắt đầu cảm thấy lạnh, chân ông cũng có cảm giác nhức, nên ông đi khập khiễng, chỉ một mình lụi hụi giữa khuya, cô đơn giữa cái không gian mà mình đã gắn bó nhiều năm, phải bà Năm còn sống thì hay biết mấy, đỡ buồn nhiều rồi. Đôi lúc ông ước được nghe mấy câu quen thuộc hồi những năm trước “Ông dọn bàn đi, tui chùi cái xoong à.”, “Ông coi trà còn hông sáng đi chợ tui mua luôn, để tối hổng có bán” hay là “ông bắt cái đài lên coi còn cải lương hông, nghe cho đỡ buồn, ông.” Đơn giản vậy thôi, mà có còn nghe được đâu, lụi hụi cũng mấy năm rồi, những suy nghĩ ấy làm ông buồn da diết, hằn lên khuôn mặt ông là những nếp nhăn xô nhau chạy dài trên đôi gò má. Đôi mắt đã mờ đục đi vì thời gian mà chắc phần nhiều là vì nước mắt.



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}