Chương 3


Đêm nay mưa tầm tã, trời trút xuống căn nhà tạm bợ những trận nước khinh hoàng, gió rít lên những từng hồi thảm thiết, lạnh tê dại thịt da, bà Năm nằm quay mặt vào trong, chiếc chăn đắp kín từ chân lên đến cằm, chỉ lộ ra phần đầu cùng những hơi thở đều đều nghe rất rõ. Chắc bà đã mệt sau một buổi tối bán và dọn quán, nay quán hơi đông, cũng may là dọn kịp trời mưa. Thấy vậy ông không gọi bà mà tự mình đi lấy cái xô hứng mấy giọt nước mưa đang dột phía gần cửa, ông ngồi trên chiếc giường nhìn ra ngoài, mưa vẫn như trút, chẳng có ai qua lại, chẳng tiếng nào khác ngoài tiếng của gió, của mưa và tiếng của bà Năm thở đều từng nhịp một. Cả không gian như đang ngừng lại và mơ hồ trong làn nước, mơ hồ như những suy nghĩ về cuộc đời của ông. Căn nhà tạm che bằng mấy tấm bạc này không biết còn chống chọi được bao lâu, không biết mai có bán được không, không biết đủ tiền mua thuốc cho bà không? Những suy nghĩ ấy làm ông thấy bồn chồn trong dạ, phải chi con mình cũng như con người ta, làm ăn đàng hoàng thì hay biết mấy, suy nghĩ ấy làm ông đau lòng hơn, dạ ông như thắt lại, đau nhói, nỗi đau chưa hề nguôi ngoai trong ông. Đôi khi ông cũng muốn khóc lắm chứ, nhưng để làm gì, để cho cuộc đời mình khổ hơn chứ ích lợi gì đâu, nên rồi ông lại thôi. Thở hắt ra một tiếng nuốt những suy nghĩ bộn bề vào trong, ông gọi:

“Bà ơi! Mai đi chợ sớm nghen bà, nay quán cũng đông nên hết đồ rồi.”

Không có tiếng nào đáp lại, bà vẫn nằm im.

“Nay ngủ sớm dữ chèn.”

Nói xong ông nằm xuống, kéo tấm mềm từ bên bà qua đắp lại, bỗng ông chợt nhận ra bà đang rất lạnh, ông giật mình kéo tấm mền ra thì trong ánh đèn đường lờ mờ ông thấy thịt da bà tái nhợt đi, hơi thở bắt đầu yếu ớt dần, ông vội vàng ngồi dậy, chạy tuốt ra ngoài màng mưa đang giăng đầy đường, chạy đi tìm người nào đó vẫn còn thức, hy vọng ấy làm ông trào nước mắt. Đêm đã khuya, mưa vẫn không có dấu hiệu bớt đi, ai mà còn ở ngoài đường, người ta dù không ngủ vẫn có trong chăn sưởi ấm, nhà cao cửa rộng tiếng gọi của ông không thế nào xuyên qua được. Ông vấp ngã nằm dài trên mặt đường đầy nước khi chạy qua bật cao của con lộ, chảy máu, đôi chân già yếu ớt của ông như không còn nghe lời ông nữa, ông không đứng dậy nổi, nhưng nghĩ đến bà ông gắng gượng bò về trong mưa gió đang rầm rú. Bà đã ra đi, sự cố gắng của ông đã vô vọng, đôi dòng nước mắt tuôn dài, khóc cho người bạn chăn gối mấy mươi năm, khóc cho cuộc đời khổ cực của bà đến chết vẫn không có cái nhà lành lặn và vẫn không gặp lại con.

Sáng hôm sau, nhờ những người xung quanh đưa bà đi hỏa thiêu, xác thân tiêu tan trong ánh lửa, chỉ còn lại mấy làn khói nghi ngút trên bàn thờ tạm bợ trong căn nhà cũng tạm bợ. Ông nằm đó, khóc, ông đã khóc, cuộc đời đau khổ này đã chiến thắng sự cứng rắn của ông, nước mắt chảy dài, thở từng hơi nặng nhọc, có vẻ sự đau đớn hòa vào từng hơi thở của ông. Rồi đây ông chỉ một mình lăn lộn với xe hủ tiếu này, căn nhà này sẽ trống hơn dù nó không lớn mấy, chiếc giường sẽ rộng mênh mông như chẳng có thứ gì lấp đầy được. Đơn côi và độc hành trên hành trình tiếp theo của khoảng đời còn lại, dù thời gian của ông chẳng còn lại bao nhiêu. Đôi mắt mờ đục của ông hoắm sâu nhìn vào vô tận, không đáy, không có điểm dừng, cùng với hơi thở dài dằng dặc làm người ta thấy ông như chẳng còn ở đây nữa, dù thể xác còm cõi vẫn ngồi đây, tê dại, nhợt nhạt và ủ rủ. Điểm tựa tinh thần duy nhất mất đi khiến ông Năm như ngã nhào về tứ phía, rồi chợt nhớ ra nếu bây giờ nằm đó thì chỉ chết dần mòn, rồi ông lại đứng dậy, dù hơi liêu xiêu.

Mấy tháng sau, quán đã bán lại bình thường, những thực khách cũng đã dần quen với sự vắng mặt của bà Năm, họ không còn hỏi nữa. Chớ nhớ cái hồi bà mới mất, những câu hỏi vô tình “Nay bà Năm đi đâu rồi mà hổng thấy, ông.”, “Bà bệnh hay gì mà hổng thấy ra?”. “Bả mới mất.” Gọn hơ, nhẹ nhàng nhưng người ta nghe có cái gì đó nghèn nghẹn trong ông, như có thứ gì đó khoét sâu vào nỗi đau của ông thêm lần nữa, khơi dậy, để nó không có dấu hiệu nguôi ngoai.

Riết rồi quen, cuộc đời nó sẽ giúp con người ta mạnh dạn hơn, cứng rắn hơn mỗi ngày, nó giúp chôn sâu những nỗi đau còn mất vào quá khứ để người ta sống trong thực tại ngon lành hơn, ông hay cười khà khà khi gặp ai đó rũ rượi kể về chuyện mất còn. Cứ như vậy mấy năm rồi, một mình ông bươn chải với xe hủ tiếu đêm này, vẫn canh cánh trong ông cái ngày mà một thằng xa lạ nào đó đến tìm ông và gọi ông một tiếng cha, đơn giản vậy thôi mà mù mịt và vô vọng quá chừng.



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}