Khuya nay quán hơi đông, hai ông bà cũng tất bật cùng với những tiếng nói cười của khách, ít khi nào quán vỉa hè mà đông vậy, tối bà con hay đi ngủ chứ mấy ai mà đi chơi. Cả một góc quán mấy đêm rồi lặng lẽ, con muỗi bay còn nghe tiếng vo ve mà hôm nay át luôn tiếng xe chạy, cũng mừng, được bữa quán đông nên ông bà Năm cũng vui hết biết, hớn hở, lẹ làng cho những tô hủ tiếu đêm nóng hổi. Khi khách đã ngồi ổn định và đã có những tô hủ tiếu nghi ngút khói, hai ông bà mới bắt đầu thở ra nhẹ nhàng, mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt già nua, hóp háp, chảy dọc xuống nụ cười tươi rói, làm bừng lên nơi cái xe hủ tiếu một ánh sáng lờ mờ của những ngày hạnh phúc.
“Ngồi nghỉ đi bà, để tui.”
“Thôi, lát nữa xong rồi nghỉ luôn, có gì đâu mà sợ.”
“Hồi chiều uống thuốc chưa?”
“Rồi, cũng nhờ cái lưng bữa nay nó hổng chứng, nên đi được, chứ hông nằm nữa rồi.”
Bà cười, nụ cười làm những nếp nhăn xô nhau trên khuôn mặt, đôi mắt mờ đục sáng lên một thứ niềm vui nào đó trong cái đêm tịch liêu nơi ngã tư này. Người ta đến đây thì có tận bốn con đường để đi, nhưng xe hủ tiếu của ông bà thì chẳng biết đi đâu, nhà là nơi để về của nhiều người nhưng với ông bà, nhà là thứ gì đó rất xa xỉ. Hồi đó cũng có nhà chớ, mà bán cho thằng con trời đánh của ông bà để nó trả nợ giang hồ, trong một lần nó mang ba lô lên và nói “Con đi mần à.” Chưa kịp hỏi bây mần ở đâu? Mần cái gì? Đi chừng nào về? Thì nó đã mất hút trong bóng tối đen đặc ngoài sân. Mấy tháng sau có tầm đâu chục người kéo đến đòi nợ, hùm hổ, dữ tợn như cái cách mấy hình xăm chằng chịt hiện lên người, như cái cách mấy cây dao sáng loáng chém vào cột nhà nghe nhức buốt. Ngôi nhà chẳng còn, mà thằng con ông bà cũng nổi trôi nơi đâu không ai biết, bà thì khăng khăng khi có ai đó hỏi nó kèm những giọt nước mắt nóng hổi bò lăn trên mặt.
“Dễ gì, nó chưa chết đâu, phải chết là người ta la rùm rồi.”
“Vậy rồi giờ nó ở đâu, Năm?” Thím Bảy gặng hỏi.
“Ai mà biết bây, nhưng tao chắc là chưa chết.”
Nghe câu khẳng định của bà Năm, thím Bảy cũng chẳng hỏi gì thêm, bởi có hỏi đến đâu thì bà cũng chỉ mấy câu đó rồi khóc, riết mệt thấy bà, ai mà hỏi nữa. Rồi hình ảnh thằng con của bà cũng dần mờ đi trong kí ức của những người xóm này kể từ cái ngày nó đi và cái nhà được bán hơn nửa năm rồi nó có về đâu, có người còn hổng rõ nó bao nhiêu tuổi. Mất dạng hình nên trong sâu thẳm trái tim người đối diện cũng mờ đi những kí ức đã từng rất rõ ràng. Bà Năm thì hay bù lu bù loa vậy, chớ mà chắc với ông Năm thì nó đã chết từ cái ngày mấy người kia hùng hổ vào đòi tiền, chắc vậy, và dường như ông không khóc khi nhắc đến nó. Hổng phải tiếc tiền, dứt ruột đẻ ra, nuôi đến bây lớn mà tiếc gì, chỉ là giận nó bỏ đất, bỏ quê rồi ăn theo cái thói cờ bạc trong những lộn xộn cám dỗ của cuộc đời để nhơ danh hai ông bà già gần đất.
Kể từ cái ngày bán nhà trả nợ, hai ông bà dành dụm chút tiền còn lại mua cái xe hủ tiếu, rồi từ đó hai ông bà bắt đầu những chuỗi ngày lang bạt về ngã tư chợ Cũ này và cấm rễ ở đó, sống cuộc đời sương gió và thức cùng đêm. Hai ông bà cũng sống được nhờ cái xe hủ tiếu này, đủ tiền cho bà mua thuốc vì căn bệnh đau lưng trầm kha, căn bệnh mà bác sĩ nói sống thì giữ, chết mang theo chứ chẳng cách nào trị dứt, nghe cũng buồn, nhưng cũng quen vì mấy chục năm rồi mà. Nhớ hồi trước, hằng đêm bà vẫn nằm khóc vì thằng con của bà không về, chiếc gối thấm ướt những giọt nước mắt của bà, thấm luôn những chờ đợi suốt mấy năm ròng để rồi thâm kim, bám trụ không thể nào hết được. Ông Năm thì không khóc, ông hay nói với bà:
“Ngủ đi, gì mà khóc suốt vậy, coi như nó chết rồi đi, khóc chi tốn nước mắt với cái thằng nghịch tử đó.”
“Ông sao mà vô tình hết biết à, dù gì nó cũng là con mình mà, ông.”
Tiếng “ông” đọng lại giữa màn đêm, đay nghiến, dằn xé ông Năm, ngắt quãng, đứt đoạn nhưng ông thấy nó dài như những chờ đợi của bà, dằng dặc, đáng thương.
“Con gì mà bỏ cha, bỏ mẹ hổng về, dù gì thì cũng phải về đây chứ, cha mẹ nó còn mà.”
“Chừng nó có nỗi khổ gì rồi sao ông. Chắc nó sợ ông la nên nó hổng dám về.”
“Tui với bà mới khổ nè, bộ tui giận rồi tui giết nó hay sao, ai mà làm vậy, cha mẹ mà. Cứ coi như nó chết đâu đó rồi đi.”
Bà Năm quay vào trong nhưng tiếng thút thít của bà vẫn đều đều vang lên trong đêm, ông Năm nằm quay ra ngoài, nghe gió lùa vào miếng bạc rào rào từng hồi, ông cũng khóc, nhưng không thành tiếng. Tỏ ra cứng rắn vậy thôi, chứ cũng con người mà, cũng cha mẹ mà, sao hổng nhớ con thương con cho được, nhưng ông mà khóc thì bà sẽ khóc nhiều hơn, rồi ai sẽ đứng dậy gồng gánh cái nhà tạm bợ này, còn có mấy miếng bạc che với cái xe hủ tiếu, ông mà buông xuôi thì nó sẽ sụp đổ ngay lập tức. Là con người, thì cơ hồ đều có những cảm xúc thường tình, nhưng khác ở chỗ là có người bộc lộ, có người không, ai mà hổng khổ, nếu trơn tru hết thì đâu gọi là cuộc sống, nếu suôn sẻ hết thì mới sinh ra con người ta đâu có khóc dữ vậy. Mang những suy nghĩ ấy trong đầu, nên mỗi lần có ý muốn buông bỏ thì ông Năm lại thôi, phải sống để lo cho bà Năm.
Bình luận
Chưa có bình luận