Chương 1


Ngã tư chợ Cũ hướng rẽ về xóm Cầu Quao, cây đèn đỏ vẫn đếm ngược những phút giây vô tận, đêm đã khuya, xe đã vắng nhưng bên góc đường vẫn còn chiếc quán nhỏ lấy gốc cây dầu cổ thụ làm điểm tựa, quán vẫn sáng đèn. Ngoài đường, ánh đèn hắt lên một màu vàng ấm nóng, như tô lên cái nền đen của khu phố một gam màu u buồn, ảm đạm. Quán hủ tiếu đêm đó là của ông Năm, bán gần mười năm rồi, bán cho những người khách lỡ đường, những cô lao công, hay những ai ghé qua vì trót mê cái hương vị bao năm vẫn vậy. Chẳng có bảng hiệu, chẳng có tiếng rao, mọi thứ như thinh lặng cùng màn đêm u tịch, ông Năm một mình dọn dẹp bàn ghế, để chuẩn bị đón những thực khách khuya. Những chiếc lá dầu vàng đêm nay gió về rụng rơi lã chã, nằm đầy trên vỉa hè, ông Năm cầm chiếc chổi quét, gom lại thành đống, tiếng chổi cọ xuống vỉa hè nghe nhức buốt, vang vào trong đêm tối nhưng hình như chẳng có tiếng động nào vọng lại. Ông Năm ngồi xuống chiếc ghế dựa đặt kế bên gốc dầu, cầm chiếc quạt phe phẩy rồi nhìn sâu thẳm vào màn đêm, ông hơi buồn với cái sự lặng im này, chỉ hơi thôi, gần chục năm ngày nào cũng vậy, riết rồi quen.

Lâu lâu có một chiếc xe nào đó vút ngang qua, chắc lỡ đường nên mới đi khuya đến vậy, vội vã chạy ngang qua bỏ lại phía sau làn khói, bỏ lại luôn những ô trược của cuộc đời, có khi xa trong đêm có một tiếng “rầm” vọng lại, có tiếng vài ba người lao nhao, có tiếng xe cấp cứu, rồi sau đó lại là lặng thinh của màn đêm u tịch. Vài ba bữa là có đứa đâm đầu, không vào cột điện, thì vào mấy gốc cây, chạy để thỏa mãn sự sung sướng, chạy để đoạn lìa phần đời mà cha mẹ tụi nó cố công xây đắp, nó đau một rồi lịm đi, cha mẹ nó đau mười nhưng chẳng thể nào đoạn lìa như nó, ai mà gan vậy. Thở một hơi dài, bỏ quên đi những dòng suy nghĩ mơ hồ, ông Năm thấy có một vị khách bước vào.

“Ăn gì đó cô?”

“Dạ cho con một tô mì đi ông”

“Rồi, đợi chút xíu, có liền.”

Bước vào nhà, bỏ lại cô gái trạc chừng ba mươi, ngồi ngoài chiếc bàn với ánh đèn đường vàng rực, lát sau ông Năm bưng tô mì nóng hổi ra, khói bay nghi ngút rồi tan biến vào đêm như thể nó chưa từng xuất hiện, sao mà dễ vậy không biết. Cô gái buộc lại tóc rồi thưởng thức tô mì khuya mang hương vị của ngót nghét chục năm mưu sinh cơ cực, cô gật gù:

“Chà, ngon dữ.”

Ông năm cười rồi ngồi vào chiếc ghế lúc nãy, cầm chiếc quạt lên đôi mắt vẫn đâm đâm nhìn vào bóng tối, ông cười khi nghe cô gái khen, chỉ cười thôi, cái câu này ông nghe nhiều rồi.

“Đi đâu mà khuya dữ vậy cô?” Hỏi xong câu ấy, chính ông Năm cũng giật mình, chẳng phải mình bán quán khuya này là nhờ những người đi khuya như cô gái sao, tuổi già luôn mang đầy những vớ vẩn, chẳng thể nào nhận ra, chỉ những người trẻ là thấy và cố thấy.

Cô gái ngước lên, ngó ông Năm:

“Dạ con đi Sài Gòn.”

“Quê bây ở đâu mà đi Sài Gòn?”

“Dạ xóm Rạch Cát.”

“Gần xóm Cầu Quau đây mà. Làm gì mà đến nổi bỏ đất bỏ quê?”

“Làm ăn hổng được, ở đây chết đói quá ông, nên phải đi, mình thương đất mà đất hổng thương mình ông ơi, bởi vậy nghèo miết.”

Nghe câu nói ấy, ông Năm thở một hơi dài, tiếng thở nhẹ nhàng cắt nửa màn đêm vàng nhạt, tiếng dế vẫn nỉ non trong đêm khuya, nghe ai oán, như khóc than.

“Mấy chục năm rồi đất vẫn vậy mà, chỉ con người là thay đổi, cứ thấy người ta thay đổi rồi thay đổi theo, chớ đất nào mà thay đổi, bây.”

Một khoảng lặng đọng lại giữa cái không gian này, quán vẫn vậy chẳng có thêm ai vào, hèn chi trống trải hết biết, câu nói như trách móc của ông Năm chẳng nhận lại hồi đáp nào từ cô gái, im bặt, tuyệt vọng, chắc cô gái thầm nghĩ “Cha nội này nhiều chuyện dữ, đi hay ở gì thì kệ tui chớ.” Tiếng chiếc muỗng vô tình cọ vào thành tô kêu vang xé tan sự im lặng. Ông Năm chẳng nói gì thêm, bởi có biết gì về cuộc đời người ta mà nói, cuộc đời mình còn lo chưa xong.

“Chồng con nó đi đánh bài, bữa nào cũng về gom đồ đi bán, riết rồi cái nhà chả còn thứ gì ngoài mấy miếng vách, nói hoài mà hổng bỏ thì thôi, đi chứ ở đây chi nữa ông.” Đôi mắt cô gái đấm vào bóng tối, đỏ lừ, long lanh như sắp có những giọt buồn, đau khổ chảy xuống.

“Cha mẹ bây đâu mà hổng khuyên nó, để nó ăn chơi dữ vậy?”

“Chết sạch rồi ông, mới trôi dạt về đây, giờ chắc trôi đi nữa, trôi lên Sài Gòn kiếm cái cầu nào nhảy phắt cho khỏe thân.

“Ở đây cầu nhóc hổng nhảy, lên Sài Gòn chi cho tốn tiền.”

“Ông ngộ, sao hổng khuyên người ta mà còn xúi, kì vậy?

“Cứu kẻ muốn sống còn khó huống chi cứu kẻ muốn chết, người ta đã muốn rồi thì tự người ta hết muốn chứ ai mà cản nổi. Bây khổ bằng tao không?”

“Ông mà khổ gì? Thấy sống khuây khuây mà, mọi lần con trốn nó về khuya ngang thấy quán đông quá xá, vậy còn than.”

Ông Năm cười nhẹ, quay sang nhìn cô gái, ông kể cho cô gái nghe cuộc đời của ông và cuộc đời của chiếc xe hủ tiếu đã gần chục năm tuổi.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}