Phòng bệnh số 7 lặng thinh dưới thứ nắng chiều vàng vọt cuối đông. Hà My rón rén đẩy cửa bước vào. Bóng cô nhỏ xíu, một tay xách chiếc túi vải lớn đựng quần áo sạch, khăn mặt, tất… tay kia lủng lẳng cái bình giữ nhiệt đựng cháo. Tất cả được gói gọn tươm tất, cẩn thận đến từng đường tơ kẽ tóc.
My đặt túi xuống, sau đó mở nắp bình cháo, múc ra một ít vào chén nhỏ và khuấy nhẹ cho bớt nóng. Chốc chốc cô lại liếc ông Phùng Kiến Thành đang nằm bất động trên giường.
"Hôm nay nấu cháo yến mạch với gà xé. Không đặc, dễ nuốt." Giọng My khe khẽ, chẳng biết là nói với ông Thành, hay để cho người bên cạnh giường cũng nghe thấy.
Phùng Khánh Hân vẫn ngồi bó gối, cô đờ đẫn nhìn xuống sàn mà chẳng đáp lại. Cuộc giằng co âm thầm giữa hai người họ đã tạm lắng xuống, nhưng để gọi là thân thiện thì hẳn là vẫn chưa. Họ biết mình đã đi quá xa với những lời nói nên giờ chỉ có thể tạm lùi về, đắp vá im lặng cho mọi chuyện đỡ đổ vỡ thêm.
My loay hoay rót cốc nước đặt lên bàn. Xong xuôi đâu đấy, cô khoác túi lên vai nói: "Mai tôi lại ghé."
Hân ngẩng lên, chỉ kịp gật nhẹ, nửa như đồng ý, nửa lại như áy náy. Cô biết mình nợ My một lời xin lỗi, nhưng cổ họng cứ nghẹn ứ chẳng thốt ra nổi.
My rời đi. Phòng chỉ còn lại tiếng quạt thông gió rì rì. Chẳng bao lâu sau thì cánh cửa lại bật mở lần nữa. Một người đàn ông lù lù bước vào. Ông ta đã ngoài bảy mươi, tóc lốm đốm muối tiêu, khuôn mặt thì đeo lên một nụ cười nhăn nheo.
Là lão Kỷ. Chủ quán cafe hẻm Bình Long.
Ánh mắt lão lướt một vòng, nhìn ông Thành nằm đó rồi lại liếc sang Hân, móc mỉa một câu: "Cô chăm ông ấy kỹ quá nhỉ!"
Hân vừa nhìn thấy lão thì liền đứng bật dậy, gay gắt nói: "Ông đến đây làm gì?"
Lão chầm chậm đi quanh phòng, giọng ngang phè phè: "Tôi nghe đâu hôm qua công an tới tìm cô." Lời lão nhỏ, nhưng cứ như đổ đá tảng xuống giữa phòng.
"Thì sao?"
"Họ đã nói gì với cô?"
"Không liên quan tới ông!"
Lão Kỷ cười khà khà, để lộ hàm răng vàng khè. Nhìn chén cháo trên bàn một hồi, lão lại nói: "Có những chuyện nên để yên. Người nằm đây từng biết nhiều thứ. Giờ thì chẳng biết được gì nữa. Cô có định thế chỗ ông ta không?"
Hân trừng mắt nhìn lão, cô mím môi run run, nhưng chưa kịp bật ra lời nào thì lão đã quay người, thong dong mở cửa bước ra.
Tay cô nắm chặt tới mức móng tay bấm sâu cả vào da. Thần kinh cũng vì vậy mà trở nên căng thẳng. Lão già khốn kiếp này, chính là kẻ đã đẩy gia đình cô rơi vào nghịch cảnh thảm thương như ngày hôm nay.
~ ~ ~ ❖ ~ ~ ~
Ngày 30 tháng 5 năm 2002.
Cơn mưa nặng hạt trút xuống khuôn viên trường Đại Học Kiến Trúc, hòa lẫn với bầu không khí tang tóc, gói gọn cả tòa nhà chính. Tin tức về vụ tai nạn thương tâm khiến bốn sinh viên thương vong, trong đó có hai người bị thương nặng và hai người không qua khỏi, đã lan truyền khắp nơi, làm dậy sóng dư luận và khiến mọi ánh mắt đổ dồn về ban lãnh đạo nhà trường.
Trong văn phòng hiệu trưởng, ông Vạn Đức Đông, người đã gắn bó hơn mười năm với ngôi trường này, ngồi trầm ngâm với từng chồng tài liệu đặt trước mặt. Giọng nói run rẩy của người phó hiệu trưởng cất lên: "Báo cáo kỹ thuật từ đội bảo trì đã có kết quả, thưa thầy. Đúng là... hệ thống thang máy đã không được kiểm tra định kỳ trong suốt hơn một năm qua. Lỗi phanh bảo hiểm là nguyên nhân trực tiếp khiến thang máy rơi từ tầng chín."
Hiệu trưởng Đông im lặng, mặt mũi tối sầm lại. Ông hiểu rõ hơn ai hết rằng trách nhiệm này thuộc về mình. Trước đây, ông từng nhận được nhiều báo cáo về việc hệ thống cơ sở vật chất của trường đã xuống cấp. Nhưng thay vì ưu tiên sửa chữa, ông lại bị thuyết phục bởi đề xuất của ban tài chính, đẩy ngân sách sang xây dựng khu quảng trường mới và phát triển khuôn viên cây xanh, để nâng tầm hình ảnh trường.
"Nhưng… thầy đã duyệt ngân sách cho việc bảo trì. Sao họ lại không thực hiện?" Hiệu trưởng Đông lặng lẽ hỏi, dù trong lòng ông đã biết rõ câu trả lời.
Phó hiệu trưởng cúi đầu, thấp thểu nói: "Vì quỹ bảo trì đã được điều chỉnh sang dự án khuôn viên cây xanh. Phòng quản lý thiết bị không dám phản đối."
"Còn... phía công ty Hoàng Phát thì sao? Giám đốc Lê Bá Tùng có phản hồi gì không? Họ vẫn chịu trách nhiệm kỹ thuật, phải không?"
Phó hiệu trưởng khựng lại một chút rồi đáp: "Vâng... bên đó chỉ gửi một công văn chia buồn, nói sẽ phối hợp điều tra. Nhưng đến giờ chưa ai từ công ty xuất hiện."
Cuộc họp khẩn giữa các thành viên Hội đồng trường diễn ra ngay trong buổi chiều. Áp lực từ phụ huynh và truyền thông quá lớn. Các bức ảnh tang thương từ hiện trường tai nạn cùng câu hỏi trách nhiệm liên tục xuất hiện trên mặt báo.
Dẫu vậy, thay vì tập trung vào việc quy trách nhiệm cụ thể thì bầu không khí trong phòng họp lại nhuốm màu toan tính. Một thành viên hội đồng trường lớn tuổi, nhìn quanh và nói bằng giọng bình thản: "Vấn đề ở đây không chỉ là trách nhiệm của hiệu trưởng Đông. Nếu dư luận biết chuyện quỹ bảo trì bị điều chỉnh sang dự án khác, họ sẽ không chỉ nhắm vào một mình ông ấy mà cả chúng ta. Chúng ta đã phê duyệt ngân sách này mà không qua kiểm tra cụ thể. Bây giờ tốt nhất là tìm cách xoa dịu dư luận trước khi mọi chuyện đi quá xa."
Một thành viên trẻ tuổi gật đầu đồng tình: "Đúng thế! Nếu để truyền thông đào sâu thêm, không chỉ nhà trường mà cả hội đồng chúng ta đều bị ảnh hưởng. Ta cần đưa ra thông báo rằng đây là một sự cố ngoài ý muốn, đồng thời cam kết sẽ khắc phục ngay lập tức."
Người phó hiệu trưởng yếu ớt lên tiếng: "Nhưng còn trách nhiệm pháp lý thì sao? Gia đình các nạn nhân sẽ không dễ dàng chấp nhận lời giải thích đơn giản như thế..."
Thành viên lớn tuổi nói: "Chúng ta sẽ hỗ trợ tài chính đầy đủ cho gia đình họ, đồng thời lập một đội điều tra nội bộ. Việc này sẽ kéo dài thời gian và làm dư luận dịu xuống. Còn về phần hiệu trưởng Đông…"
Mọi tia nhìn hướng về phía hiệu trưởng Vạn Đức Đông. Một thành viên khác nói: "Ta có thể để ông ấy tạm thời rời vị trí, coi như nhận trách nhiệm danh nghĩa. Nhưng rồi sẽ tìm cách đưa ông ấy trở lại sau khi mọi chuyện lắng xuống."
Hiệu trưởng Đông vẫn im như hến, gương mặt vô cùng căng thẳng. Ông biết mình là người chịu trách nhiệm chính, nhưng cũng hiểu rõ cơ chế quyền lực ở đây: tất cả đều liên quan chặt chẽ với nhau, không một ai là thực sự trong sạch.
Buổi họp kết thúc trong sự đồng lòng. Lo liệu bên công an, xử lý báo chí, soạn công văn nội bộ, nói rõ là sinh viên đã tự ý sử dụng thang máy sai quy định.
Còn hiệu trưởng Đông, ông sẽ "Tạm thời rút lui để phục vụ công tác điều tra nội bộ."
Bước ra khỏi phòng họp, ông Đông thoáng thấy một gia đình ba người - hai vợ chồng và một cô con gái, đang thắp nến tưởng niệm dưới hiên tòa nhà. Có lẽ trong số các nạn nhân, có người thân của họ.
"Trường Kiến Trúc… Một nơi dạy người ta xây dựng những công trình kiên cố, nhưng lại để sập ngay chính nền móng đạo đức của mình. Thang máy… thứ đáng lẽ phải đưa con người lên cao, lại kéo họ xuống tận đáy."
Chỉ một quyết định sai lầm, một sự thỏa hiệp nhỏ bé, và giờ đây ông đang đứng giữa một đống đổ nát, không phải gạch đá, mà là niềm tin, là mạng người.
Ngoài kia, ánh nến lập lòe trong mưa. Mắt ông Đông cay xè.
Bình luận
Chưa có bình luận