Sáng ngày 22 tháng 9, tiết trời se se lạnh, những cụm mây đen nặng trĩu kéo đến khiến bầu trời càng thêm âm u. Đặng Văn Ngôn dụi mắt nhìn đồng hồ đeo tay, đã tám giờ sáng. Anh dọn chăn mền gọn gàng rồi bước vào trong, dắt chiếc honda của mình ra cổng. Ông chú bảo vệ ca ngày đã đến, Ngôn chỉ tay về phía hai chiếc xe đỗ ở góc quán, gọi lớn: "Con về đây, chú Phong! Hai chiếc kia mới vào lúc bảy giờ hai mươi nha chú."
Ông bảo vệ Phong ngoắc tay gọi với: "Lại đây, ngồi lại chú nói chuyện này đã."
Ngôn chần chừ một chút song cũng quay trở vào trong sân, lấy chiếc ghế đẩu dành cho khách mang ra ngoài rồi ngồi xuống. Anh hỏi: "Có chuyện gì không chú Phong?"
Ông Phong nói: "Hông ấy con coi, lãnh lương tháng này được thì nghỉ kiếm chỗ khác đi nghe con."
"Ủa sao vậy chú?"
"Chú làm ở đây trước con hai tháng, bên công ty tháng đầu trả lương đúng hẹn, mà hổm rày chú nhắc lương tháng trước thì hông thấy nói năng gì, trễ của chú tháng trước đâu mất hai tuần rồi á con. Sợ gặp phải công ty ma đó."
"Ôi chú nói làm con sợ thế, mà con cũng có số của đội trưởng, gọi ông ấy hỏi cho chắc, chứ con cũng bị giam một tháng lương nên khó nghỉ ngay lắm chú ơi!"
"Ừ, có gì con gọi hỏi thử hen."
Ngôn đưa tay vuốt vuốt má, anh kiếm câu chuyện làm quà: "À chú, con bé ca đêm nghỉ việc nữa rồi! Con mới đi làm được ba tuần mà thấy nghỉ hết ráo hai đứa."
"Chậc! Từ sau vụ cô giáo tiểu học đó, giờ mấy đứa sinh viên nó cũng hông dám đi làm ca đêm nữa rồi con. Con cũng lo kiếm công việc gì ban ngày mà làm, ở đây chú thấy nguy hiểm lắm nghe con."
"Dạ chú… à mà mấy gã trông xe bên kia đường có vẻ cũng đàng hoàng. Bên đó hay dắt xe phụ con mấy lúc khách đông, lâu lâu còn dúi cho con mấy đồng tiền bo nữa chú."
Ông Phong nghe thấy vậy cười khan, nói: "Hai cái thằng cà trớn bên phía khu công trường đó hả? Thằng anh tên Lý, thằng em tên Tịnh, anh em nhà nó là Lý Tịnh, mốt đẻ con chắc đặt tên Na Tra."
Ngôn không nhịn được cười theo. Ông Phong lại nói thêm: "Đàng hoàng hay không chú không biết, mà chú thấy cái thằng anh, tính khí nó cứ thất thường sao á con, con không nên tiếp xúc nhiều với nó." Ông dừng lại uống một ngụm cà phê, rồi tiếp tục bảo: "Con nói chúng nó hay cho tiền bo con hả? Nó là đang bố thí mày đó, bên đó làm một ngày bằng mình làm cả tuần đó con."
Anh chưa hiểu ý của ông Phong thì cậu quản lý Chiến từ trong quán bước ra tiếp chuyện: "Bên đó làm ăn với quán mình lâu rồi. Đất bên đó vốn là bãi xe của quán lẩu đầu đường Bình Long kìa, xe của quán lẩu còn chưa đến mười chiếc nữa. Trước kia, tụi nó đề nghị giữ xe cho quán mình với lương bốn triệu một tháng, nhưng lão Kỷ chủ quán, chê đắt. Ai dè từ khi mở ca đêm, quán trở thành quán tiên phong mở 24 trên 24 trong thành phố, khách đông hẳn ra. Em hỏi anh bên kia liệu có chịu làm với lương bốn triệu nữa không? Lão Kỷ muốn thương lượng lại cũng chẳng được, giờ tụi nó giữ xe, ăn tiền tươi. Chỗ đất đấy của bà chủ quán lẩu, hai tên đó là tay chân của bả, quán chẳng làm gì được."
Ngôn bắt đầu có hứng thú với câu chuyện này. Anh ngẫm nghĩ thoáng chốc rồi hỏi lại: "Vậy bây giờ tụi nó kiếm tiền từ vé xe à?" Tôi cũng có để ý thấy cứ cuối buổi là hai đứa nó đếm lại vé rồi đem vô trong quầy xong mới ra về."
Chiến gật đầu, giải thích: "Năm ngàn một xe, chưa kể có những ngày đông khách, hai tên này còn khai khống lượng xe ra vào quán nữa. Vì có những khách vãng lai, họ vào trong cảm thấy không gian không phù hợp, hoặc do quán quá đông nên họ trở ra, bển cũng viết cho họ một cái vé xe. Một tuần ít nhất cũng phải có hai ngày như vậy. Bên đó phải ngoạm được cả trên bảy trăm, tám trăm ngàn là ít."
Ngôn nghe mà choáng ngợp. Trước khi làm bảo vệ ở đây, một ngày anh làm quần quật tám tiếng liên tục, lương vỏn vẹn hai trăm ngàn. Vậy mà bọn họ chỉ đứng đếm xe, viết vé, thậm chí là ngồi không mà đã kiếm nhiều hơn anh gấp mấy lần. Ý nghĩ ấy khiến đầu anh ong ong, anh bất giác nhìn qua bên phía khu công trường, rồi lại nhìn xuống hai bàn tay mình.
Một chiếc lá vú sữa già cỗi chao nghiêng giữa không trung, rồi lặng lẽ đáp xuống lòng bàn tay Ngôn. Lớp phiến lá tỏa sắc nâu đồng, khô ráp. Anh nhận ra cuộc đời mình cũng như chiếc lá này, một kiếp sống đã bạc màu theo năm tháng. Anh nâng ngón tay lật qua lật lại, cảm nhận từng đường gân lá gồ lên. Một cơn gió sau đó thổi bay chiếc lá khỏi tay anh, để lại khoảng trống nhàn nhạt giữa những kẽ ngón tay. Ngôn thở hắt ra một hơi, trống ngực đập lên một nỗi hoang hoải không tên.
Anh chợt nghĩ ra gì đó, bèn hỏi: "Vậy cậu nói với ông chủ mà ông ấy không có kế hoạch gì hay sao?"
Chiến trả lời: "Kế thì cũng có kế. Gọi bên phường xuống làm việc, ép hai tên đó không được để xe dưới lòng đường vào giờ cao điểm để tránh bắt khách vãng lai. Nhưng làm vậy hoài, quán cũng mất khách. Chưa kể tên anh cả còn nhiều lần xúi mấy thằng em bày trò phá quán nữa. Còn cách khác thì là cho một nhân viên hoặc quản lý ra ngoài đóng dấu vào từng vé xe. Nhưng em hỏi anh, quán mỗi ca chỉ có một quản lý trực, những ngày đông thì là hai, không lẽ cứ phải cắt đi một công để trông chừng hai tên đó mãi hay sao?"
Chiến thở dài thất vọng: "Anh tính thử một ngày bao nhiêu chiếc xe ra vào? bên đó làm cho quán này được hơn ba năm nay, mỗi ngày làm có sáu tiếng ở đây thôi, còn thừa thời gian làm công việc khác. Ba năm trông xe mà đứa nào cũng mua đất xây nhà, lấy vợ sinh con. Lương bà quản lý tổng ở đây còn thua tụi nó nữa là! Anh xem, vậy thì ai cũng muốn làm giữ xe!"
Cả ba người im lặng một lúc. Không lâu sau, ông Phong lên tiếng: "Nghe nói cha Kỷ quen biết rộng lắm, công an khu vực cũng là chỗ thân tình. Chưa kể mấy ông luật sư có tiếng trong thành phố, như ông Lĩnh, cũng từng qua lại với chả không ít."
Chiến đưa mắt về phía khu công trường bên kia đường, thấp giọng nói: "Lão cũng thân với luật sư Doãn. Nhà ngay bên đó kìa, ổng chuyên lo giấy tờ cho mấy tay đầu tư bất động sản. Mấy năm trước còn hay thấy ổng la cà bên đây."
Ông Phong hừ nhẹ: "Vậy mà mấy chuyện cỏn con với tụi lưu manh này, chả lại hông làm gì được. Đúng thiệt trớ trêu!"
~ ~ ~ ❖ ~ ~ ~
Trên đường về nhà, Ngôn tự hỏi liệu một người không bằng cấp như anh phải làm gì để có được một cuộc sống khá hơn? Anh có sai khi bỏ học để làm công nhân không? Sai từ khi chọn trường không hợp gia đình, hay từ lúc sinh ra vốn đã không phải là người có đầu óc, chỉ biết lao động tay chân?
Có lẽ anh đã bán đi ba mươi năm tuổi xuân của mình cho thời gian.
Trong khi còn mải nghĩ suy, Ngôn bất ngờ nhận ra mình đang ở giữa ngã tư. Phía tay mặt là một chiếc BMW i8 màu đen nhám, chủ nhân chiếc xe chạy không quá nhanh, nhưng vừa nhìn thấy anh phóng ra ngã tư thì cũng rất bất ngờ. Người đó vòng đầu xe thắng gấp, nhưng kết quả vẫn là tông vào phần đuôi xe của anh.
Ngôn ngã lăn ra đất. Anh chống tay ngồi dậy, cảm giác khuỷu tay của mình đã rỉ máu, đau ê ẩm.
Phía đối diện, một người đàn ông trung niên bước xuống từ chiếc BMW sang trọng. Trông ông ta có vẻ chưa đến 50 tuổi, mặc bộ vest chỉnh tề, phong thái điềm đạm. Người đàn ông đứng đó, lạnh lùng nhìn Ngôn một lúc lâu, không nói lời nào.
Ngôn nhìn sang chiếc BMW, thấy góc đầu xe có vết móp nhẹ. Hoảng hốt, anh cuống quýt đứng dậy, hai tay vội vã vung lên xin lỗi: "Xin ông… hãy bỏ quá cho tôi, tôi không biết lấy đâu ra tiền đền ông bây giờ. Nhà tôi còn mẹ già với đứa em gái…"
Người đàn ông vẫn đứng đó im re, chỉ quan sát anh. Một lúc lâu sau, ông mới lấy từ trong túi áo ra một tấm danh thiếp, đưa cho Ngôn rồi nói: "Hai giờ chiều, thứ bảy tuần này. Đến đúng địa chỉ trên danh thiếp."
Lời nói ấy là một mệnh lệnh, giống như ông ta không cho anh bất cứ sự lựa chọn nào. Nói xong ông quay người, lên xe và lái đi. Ngôn đứng chết chân tại chỗ, hoang mang nhìn tấm danh thiếp trong tay, trên danh thiếp viết: Văn phòng luật sư Vương Lĩnh. Tòa nhà X. Khu đô thị Trung Đông.
Lòng anh bỗng khuấy lên chút gợn sóng.
Bình luận
Chưa có bình luận