Chương 5: Học Viện Ma Thuật Liên Hoa



Hai bà cháu cùng bước chân qua không gian được tạo thành từ vòng xoáy nước. Tiếng đất đá lạo xạo rõ ràng và chân thật, giúp Hạ xác định những gì mình vừa trải qua không hề là một giấc chiêm bao.

Bà Quỳnh quay lại cúi chào lão lái đò lần nữa với sự tôn trọng. Lão ta vẫn không nói gì, chỉ gật đầu một cái rồi phất tay, khiến vòng xoáy dần thu hẹp lại cho đến khi mọi thứ hoàn toàn biến mất.

– Bà cháu mình đi tiếp thôi, còn cả một đoạn đường phía trước.

Hai bóng hình nhỏ bé tiếp tục cuộc hành trình hướng về tòa thành cổ. Những bụi cây ven đường chìm trong sắc đêm tĩnh lặng, giúp làm dịu lòng chàng thiếu niên vừa trải qua cơn khủng hoảng. Hạ hỏi:

– Nội ơi, Học Viện Liên Hoa là gì vậy nội?

– Đó là nơi đào tạo các pháp sư và phù thủy, giúp họ học hành, rèn luyện và phát triển sức mạnh. Học viện này được xây dựng từ thời xa xưa bởi các Đại Pháp Sư đầu tiên. Bên trong có nhiều phòng học rộng thênh thang, thư viện thì đầy ắp sách bùa chú. Tất cả chỗ này được tạo ra để dạy dỗ và nuôi dưỡng những thế hệ phù thủy tài năng của xứ Tích Linh.

Hôm nay đối với Hạ có lẽ là một ngày dài vô tận. Nó đã được chứng kiến và tiếp thu quá nhiều thông tin kỳ lạ, mà có lẽ cả đời này cũng không thể tưởng tượng nổi. Bà Quỳnh tiếp tục, giọng sâu lắng:

– Hạ à, Học Viện Liên Hoa không chỉ là chỗ để cho con bắt đầu hành trình của mình. Đó còn là nơi mà gia đình ta đã học tập và trưởng thành qua nhiều thế hệ. Trước khi mất, ông nội con từng là giáo sư ưu tú của học viện, còn cha mẹ con cũng là những học trò xuất sắc ở đây.

Ánh mắt Hạ sáng lên, nó có thể cảm nhận được dòng máu phép thuật đang chảy trong người, như một sợi dây vô hình kết nối với các thế hệ trước.

– Vậy nội cũng từng học ở đó hả nội?

Bà Quỳnh không hề tỏ vẻ giấu giếm, bà nở một nụ cười đầy tự hào:

– Đúng rồi, nội đã có một thanh xuân thật đẹp ở đó. Nội gặp ông con và cùng nhau đối mặt với những thử thách gian nan. Giờ thì tới lượt con nối tiếp truyền thống gia đình, trở thành phù thủy sinh của học viện này.

Làn gió nhẹ nhàng thổi qua, mang theo hương hoa ngọt lịm và hơi thở trong lành của đất trời. Hai bên đường, những thảm cỏ xanh mướt chuyển động dịu dàng dưới ánh trăng, tựa hồ chúng đang dõi theo và lặng lẽ gửi gắm niềm khích lệ cho bước chân của chàng trai trẻ.

Hạ và nội tiếp tục băng qua những cánh đồng, bước trên con đường đá uốn lượn dẫn lên đỉnh đồi. Càng tiến gần, Hạ càng trầm trồ trước sự nguy nga, đồ sộ của học viện. 

Từ xa, Liên Hoa hiện lên với dáng vẻ uy nghiêm, cổ kính. Toàn bộ công trình được xây dựng hoàn toàn bằng đá và gỗ tự nhiên. Những ngọn tháp cao thấp đan xen, kiêu hãnh vươn lên, kết hợp với mái ngói uốn cong màu ngọc bích, mềm mại như đôi cánh đang sải rộng. Các ô cửa sổ sáng đèn, điểm xuyết trên tường, lấp lánh như những vì tinh tú. Nhìn tổng thể, học viện không khác gì một ngôi đền khổng lồ mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam, nhưng lại hoành tráng và kỳ ảo hơn gấp trăm lần.

Hạ cảm thấy khâm phục trước sức bền của nội. Dù đã ngoài sáu mươi, bà vẫn băng băng bước trên con dốc thoai thoải đầy tự tin, như thể chỉ đang tản bộ. Trái lại, nó thì muốn kiệt sức tới nơi. Chiếc ba lô nặng trĩu đeo trên vai khiến lưng nó mỏi nhừ, cộng thêm đôi chân phản chủ có thể rời khỏi cơ thể bất cứ lúc nào. 

Sau một quãng đường mệt nhoài, cuối cùng, hai bà cháu cũng đã đến được đích. Cổng học viện hiện ra trước mắt vô cùng tráng lệ. Nó được đẽo từ một loại gỗ quý, chạm trổ tỉ mỉ họa tiết hoa sen uốn lượn phức tạp đầy tinh xảo. 

Bà Quỳnh chưa kịp đưa tay lên gõ, cánh cửa lớn bất ngờ kêu cọt kẹt rồi từ từ mở ra. Phía bên kia, một người đàn ông khác đang đứng chờ họ. Ông có thân hình đầy đặn và gương mặt phúc hậu. Mái tóc hơi xoăn đã điểm bạc, cùng đôi mắt sáng dưới cặp kính tròn cổ điển tạo nên vẻ thông tuệ và thân thiện. Ông khoác một bộ áo dài the tối màu với hoa văn thêu chỉ vàng chạy dọc tà áo và cổ tay. Bộ áo dài không chỉ tôn lên sự trang trọng mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống, hài hòa với phong thái đĩnh đạc của ông.

– Cuối cùng, hai bà cháu cũng tới rồi. Chào mừng đến với Học Viện Ma Thuật Liên Hoa! – Người đàn ông vui mừng niềm nở, cất tiếng.

– Làm phiền thầy đến đón bà cháu tôi quá, thầy Tuệ.

– Không sao, không sao! Thấy hai người an toàn là tốt lắm rồi! Đây là Hoàng Hạ phải không con? Cả chuyến đi chắc con kinh ngạc lắm hả? – Thầy Tuệ xua tay với nội, tỏ ý đừng khách sáo. Song, ông quay sang Hạ dò hỏi.

– Dạ… con cũng… hơi sốc. – Hạ ấp úng đáp lại, phần vì mệt mỏi, phần vì lúng túng trước sự thân mật bất ngờ của người đàn ông lạ mặt kia. Có lẽ ông ấy và nội đã có một mối quan hệ nào đó mà nó chưa từng biết.

– Đây là giáo sư Tuệ, giảng viên cao cấp của học viện Liên Hoa. Thầy từng là bạn học thân thiết với ông nội con và cũng sẽ là giáo viên chủ nhiệm sắp tới của con.

Lời giới thiệu của nội nhanh chóng xua tan những thắc mắc trong đầu Hạ. Hóa ra, thầy Tuệ, người đàn ông đang đứng trước mặt, từng có mối thân tình sâu sắc với ông bà nó.

– Dạ con chào thầy, con là Hoàng Hạ. Xin được thầy chỉ bảo ạ!

– Rồi rồi, thầy biết rồi! Bà nội con đã gửi con cho thầy. Cứ yên tâm, con sẽ nhanh chóng thích nghi với nơi này thôi.

– Thầy nói bà nội gửi con? – Hạ sững người khi nghe câu nói ấy.

Nó hoảng hốt quay sang, hỏi nội đầy lo lắng: 

– Nội không ở lại với con hả nội?

Một khoảng lặng dâng lên giữa ba người. Bà Quỳnh đặt tay lên vai cháu trai, không giấu được nỗi niềm:

– Hạ à, nội phải quay về xóm Bạch Thạch. Chuyện đêm qua ở rừng Thất Sơn là điềm không lành. Nội linh cảm sắp có điều không hay xảy ra, nội cần phải về để lo bảo vệ nhà cửa và bà con trong xóm.

Hạ lắc đầu, mắt rưng rưng như muốn khóc:

– Nhưng nội... con sợ lắm, nơi này lạ lẫm quá. Con không muốn xa nội.

Bà Quỳnh vuốt lên mái tóc rối bời của cháu trai, an ủi:

– Nội biết con đang nghĩ gì. Nhưng đây là điều cần thiết. Con phải ở lại đây để học tập và rèn luyện mình. Nội tin con sẽ làm được. Đừng lo quá, ở nhà, nội vẫn sẽ luôn dõi theo con mà…

Giọt nước mắt lăn dài trên má Hạ. Nó không dám nghĩ đến cuộc sống khi không có nội. Từ nay về sau, những lời khuyên bảo và cái ôm ấm áp của bà sẽ không còn nữa. Thế nhưng, từ sâu trong thâm tâm, nó biết bà đã đặt trọn niềm tin vào nó, tin rằng nó sẽ đủ mạnh mẽ để tự bước đi trên hành trình của bản thân.

Hạ chỉ đứng đó, lặng lẽ lau nước mắt, không thể nói thêm lời nào. Bà Quỳnh cúi xuống, ôm chặt lấy đứa cháu bé bỏng bằng một cái ôm đầy yêu thương:

– Thôi, nội phải về rồi. Con ở lại nhớ giữ sức khỏe. Phải nghe lời thầy Tuệ, có vấn đề gì thì nhờ thầy giúp đỡ, đừng làm điều dại dột mà không xin phép, nha con… 

Bà Quỳnh căn dặn cháu trai kỹ càng, rồi quay sang giáo sư Tuệ nhắn gửi vài lời:

 – Nhờ thầy chăm sóc cháu nó giùm tôi. Thằng bé coi vậy mà còn khờ dại lắm, xin thầy chỉ cho cháu những gì cần thiết để nó có thể tự bảo vệ mình. Tôi đội ơn thầy nhiều lắm!

Giáo sư Tuệ gật đầu, sóng mũi ông đỏ ửng vì xúc động:

– Chị cứ yên tâm, tôi sẽ liên tục cập nhật tình hình cho chị. Cháu Hạ ở đây sẽ an toàn tuyệt đối. Nếu chị cần nghỉ mệt một chút, cứ theo tôi vào trong, đừng ngại.

– Dạ thôi, cảm ơn thầy. Đưa được thằng nhỏ tới đây là tôi mừng lắm rồi. Tôi phải mau quay về để lo xếp chuyện nhà cửa. – Bà Quỳnh từ chối khéo lời mời. Dường như có một chút vương vấn đọng lại trên khóe mắt bà.

– Vậy… chị về cẩn thận. Đến nơi thì báo tin cho tôi biết.

Hạ cảm nhận hơi ấm quen thuộc từ cái ôm của bà lần cuối, trước khi hai người buông tay nhau. Nó đứng đó, dõi theo bóng lưng gầy guộc của nội từ từ rời đi, từng bước chân chậm rãi dần khuất xa trong màn đêm mờ mịt. 

– Trời đã khuya lắm rồi, vào trong thôi con. Để thầy dẫn con tới chỗ nghỉ ngơi trước, mọi chuyện để mai rồi tính tiếp. – Giáo sư Tuệ gấp gáp nói, mau chóng kết thúc cuộc chia ly đầy cảm động của hai bà cháu.

Cánh cổng học viện khép lại, mang theo bao cảm xúc luyến tiếc. Hạ thở dài, chấp nhận thực tại mới. Từ giờ, nó sẽ bắt đầu cuộc sống tự lập ở ngôi trường xa lạ này. 

Hạ bước theo thầy, cả hai đi qua một cây cầu gỗ đỏ bắc ngang hồ sen lớn. Hàng trăm bông sen nhẹ nhàng hé nở, tạo nên một khung cảnh đầy thơ mộng dưới màn đêm. 

– Dạ thưa thầy, nội con có phải trả lời câu hỏi của lão lái đò Cao Lâm không ạ? – Ngập ngừng một lúc lâu, nó mới dám lên tiếng.

– Không đâu con trai. Bà nội con là một công dân của Tích Linh, nên sẽ không gặp trở ngại nào khi qua đò. Chỉ những ai không thuộc về thế giới này hoặc lần đầu đặt chân đến mới phải vượt qua thử thách đó. 

Nghe vậy, lòng Hạ nhẹ nhõm hơn. Ít ra thì nó cũng biết được nội có thể trở về nhà an toàn. 

Hai thầy trò tiếp tục băng qua sân vườn với những bụi hoa và cây kiểng kỳ lạ được cắt tỉa cẩn thận. Sau cùng, họ chính thức đặt chân vào đại sảnh của học viện Liên Hoa. Hạ ngước mắt nhìn lên, không khỏi trầm trồ trước sự quy mô của khu vực này. Trần nhà được xây dựng cao vút, trang trí bằng những bức bích họa và phù điêu nghệ thuật đầy tỉ mỉ. Hạ đoán, chúng có thể là những tác phẩm miêu tả lại các câu chuyện lịch sử và truyền thuyết cổ xưa của học viện này. Những chiếc đèn lồng ma thuật treo trên cao, phả ánh sáng dịu nhẹ xuống mặt sàn lát đá cẩm thạch, tạo nên những vệt vàng mềm mại. Hai hàng cột gỗ lớn, chạm trổ công phu, nâng đỡ toàn bộ không gian đại sảnh. Các tượng rùa dưới chân cột được tạo tác sống động, uy nghiêm, gợi lên sự trường tồn và vững chãi, như đã bảo hộ cho nơi này qua hàng thế kỷ.

Đi được một lúc, hai thầy trò dừng chân trước một bức tường gồm năm cánh cửa hình bầu dục. Hạ hỏi:

– Đây là gì vậy thầy? 

– Con cứ chờ xem! 

Giáo sư Tuệ lấy ra từ túi áo một chiếc huy hiệu có hình hoa sen vàng, đưa ra trước mặt. Lập tức, một trong năm cánh cửa hé mở, để lộ một không gian hình hộp bên trong. Lúc này, Hạ đã nhận ra được sự quen thuộc. Chỗ này không khác gì một buồng thang máy mà nó hay thấy trên truyền hình. 

– Vô đi con trai! – Giáo sư Tuệ ngoắc tay.

Hạ chần chừ một lúc rồi cũng miễn cưỡng bước vào. Từ nhỏ, nó đã quen với cuộc sống ở làng Bạch Thạch, nơi không có phép thuật. Suốt mười sáu năm qua, nó cũng chưa lần nào được đặt chân đến thành phố lớn. Cuộc sống hàng ngày của nó chỉ xoay quanh có việc đi học, phụ giúp nội và chơi đùa cùng lũ bạn trong xóm. 

Thật tình mà nói, Hạ chẳng khác gì thằng hai lúa chính hiệu. Đây là lần đầu tiên nó được thử cảm giác đi thang máy. Chỉ có điều, cái thang máy này không hề giống với bất cứ thứ gì mà nó từng xem hoặc nghe kể.

Khi thấy Hạ đã có vẻ sẵn sàng, giáo sư Tuệ tằng hắng một tiếng, rồi ra lệnh:

– Đến khu ký túc xá nam sinh năm nhất!

Đột nhiên, Hạ thấy một cơn khó thở cuộn lên trong ngực, toàn thân chao đảo, mất thăng bằng như sắp ngã. Giáo sư Tuệ kịp thời giữ lấy cánh tay nó, ánh mắt thầy đầy thấu hiểu khi thấy vẻ mặt hoảng hốt của học trò mới.

– Không sao, cứ bình tĩnh. Rồi con sẽ quen thôi. Đây là Buồng Dịch Chuyển, phương tiện đi lại chính của học viện. Vì khuôn viên quá rộng, nên mọi người đều sử dụng nó để di chuyển nhanh chóng giữa các khu vực. Nếu con thấy buồn nôn, cũng không có gì đáng lo. Đó là cảm giác phổ biến cho những ai mới trải nghiệm lần đầu, giống hệt như đi thang máy ở xứ phi phép thuật vậy! 

Một tiếng “ting” lanh lảnh báo hiệu đã đến nơi yêu cầu. Cánh cửa Buồng Dịch Chuyển mở ra, để lộ một dãy hành lang dài. Dọc hai bên vách tường là những căn phòng được xếp đều tăm tắp, mỗi cánh cửa phòng sơn màu gỗ nâu trầm, đánh số thứ tự mạ vàng sáng bóng. Trước mỗi phòng đều có treo một chiếc đèn lồng nhỏ giúp soi sáng cả lối đi.

Hai thầy trò men theo dọc hành lang yên tĩnh, cố gắng không tạo ra tiếng động quá to vì mọi người đều đang ngủ. 

Cuối cùng, họ dừng lại trước một cánh cửa có đánh số 111 to tướng. Giáo sư Tuệ giơ tay gõ cửa ba lần, gọi nhỏ:

– Nam ơi, mở cửa cho thầy đi con!

Bên trong không có tiếng trả lời. Thầy Tuệ cau mày, gõ mạnh hơn: 

– Cái thằng này… đừng có nói là ngủ luôn rồi nha!

– Dạ, con nghe nè thầy... xin lỗi thầy, con ngủ quên. – Một giọng nói phát ra từ phía trong căn phòng. 

Vài giây sau, có tiếng lách cách mở khóa, rồi một chàng trai trẻ, tóc tai bù xù, mặc áo ba lỗ với gương mặt còn ngái ngủ xuất hiện.

Giáo sư Tuệ nhăn mặt khi nhìn thấy bộ dạng lếch thếch của học trò, ông giới thiệu:

– Như thầy đã nói hồi sáng, bạn cùng phòng con sẽ tới trễ. Đây là Hoàng Hạ.

Nghe vậy, cậu bạn tên Nam lập tức tỉnh người, cười tươi:

– Chào Hạ, tui là Hữu Nam. Rất vui được gặp ông!

Giáo sư Tuệ gật đầu hài lòng, dặn dò:

– Hạ, con làm quen với Nam nhé. Còn Nam, con vô trước bạn nên chỉ dẫn mọi thứ cho bạn hiểu thêm về ký túc xá và học viện nha con! Thầy phải về đây, hai đứa tranh thủ nghỉ ngơi để lấy lại sức. Ngày mai còn nhiều việc phải làm lắm! 

Giáo sư quay lưng vội vã rời đi, để lại hai chàng trai còn hơi bỡ ngỡ chưa biết nói gì thêm.

– Ờ… chắc là tui vô trong hả? – Hạ hỏi nhỏ, hơi khó xử vì lần gặp đầu tiên này. 

– Vào đi ông! Để tui phụ ông soạn đồ. 

Hạ bước vào phòng, đưa mắt quan sát xung quanh. Căn phòng mang đến sự ấm cúng với hai chiếc giường đặt đối diện nhau, mỗi giường đều có một bàn học bên cạnh. Một trong hai giường nằm sát cửa sổ lớn, giúp đón ánh nắng trong lành vào ban ngày. Một chiếc tủ quần áo đặt ở góc phòng, đủ rộng để chứa đồ đạc cá nhân cho hai người. Nhà vệ sinh nhỏ nằm ở phía bên trái, sạch sẽ và tiện nghi, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt. 

Hạ nhận thấy Nam đã chọn trước cho mình chiếc giường sát vách tường, vì vậy nó sẽ phải dùng chiếc giường còn lại, nằm cạnh cửa sổ. 

Thảy ba lô đánh phịch lên nệm, Hạ thử nhìn ra ngoài ô cửa. Khu ký túc xá này nằm trên một ngọn tháp cao chót vót, từ đây có thể phóng tầm mắt ra xa, chiêm ngưỡng toàn cảnh khuôn viên học viện với những mái nhà phủ rêu xanh và con đường lát đá quanh co bên dưới. Với Hạ, điều này là một tín hiệu tốt, vì nó rất thích được nhìn ngắm khung cảnh từ trên cao.

Cảm giác ấy khiến nó hồi tưởng lại kỷ niệm vài năm trước, khi nó và nội đi leo núi viếng chùa. Hạ từng đứng trên đỉnh núi, nhìn xuống thung lũng mờ sương và những ngôi nhà nhỏ bé ẩn hiện bên dưới, tận hưởng làn gió mát lạnh. Kỷ niệm dù đã trôi qua, nhưng nay lại hiện lên rõ ràng, làm nó lại thấy nhớ nội da diết.

Nam nhìn Hạ đang mải mê ngắm cảnh, thích thú hỏi:

– Mê rồi phải không? Tui cũng khoái ngắm mọi thứ từ trên này.

Hạ đáp, giọng hơi buồn:

– Ừ, đẹp thiệt. Hy vọng tui cũng sẽ sớm quen với nơi đây. 

– Ông khỏi lo, tụi mình sẽ từ từ tìm hiểu sau. Giờ tranh thủ xếp đồ rồi đi ngủ. – Nam vừa nói vừa nhặt ba lô của Hạ, giúp nó dỡ đồ ra.

Hai chàng trai cùng nhau sắp xếp đồ đạc cẩn thận, những bộ quần áo và đồ dùng cá nhân nhanh chóng được đặt vào tủ và ngăn kệ. 

Mọi căng thẳng dần lắng lại trong tâm trí Hạ. Suốt cả cuộc hành trình dài, từ lúc rời làng Bạch Thạch, vượt qua thử thách của lão lái đò, cho đến khi đặt chân vào học viện Liên Hoa, mọi thứ cứ như một giấc mơ không thể tin nổi. Nó thầm nghĩ về nội, hy vọng giờ này bà đã về đến nhà bình an vô sự. 

– Xong rồi! – Nam thở phào, kêu lên. – Tính ra thì đồ của ông cũng không nhiều lắm. Tui còn tưởng đêm nay khỏi ngủ luôn rồi chứ!

Hạ phì cười. Nó nhận ra Nam hài hước và dễ gần hơn so với vẻ ngoài có phần lơ đễnh ban đầu. Sự vui vẻ và cách nói chuyện tự nhiên của Nam khiến Hạ thấy dễ chịu, như thể nó đã tìm được một người bạn đồng hành đáng tin cậy trong môi trường mới mẻ này.

– Giờ thì tắt đèn đi ngủ thôi, tụi mình phải tập trung ở hội trường vào tám giờ sáng mai. Ông ngủ ngon! – Nam búng tay, ánh đèn trong phòng liền phụt tắt. 

Hạ định hỏi thêm vài điều, nhưng khi thấy trạng thái lờ đờ của thằng bạn như muốn sập nguồn, nó bèn giữ im lặng, nằm xuống giường, thả lỏng cơ thể mệt mỏi. 

Dù những sự kiện vừa qua vẫn để lại trong nó một chút lo lắng. Nhưng việc làm quen được với người bạn mới này cũng là một khởi đầu khá tốt đẹp. 

Nghĩ đến câu “đầu xuôi, đuôi lọt” Hạ đã tự tin hơn về hành trình sắp tới của mình. Nó thở dài, nhắm mắt lại, quyết định để cho mọi lo âu trôi thật xa bên ngoài cửa sổ. Tự nhủ thầm rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}