Những tia nắng len lỏi xuyên qua khe hở vách nhà, dịu dàng phủ lên khuôn mặt đầy mệt mỏi của chàng thiếu niên mười sáu tuổi. Hạ từ từ hé mắt, cảm giác như có cả chục tảng đá đang đè nặng trên đầu mình. Sự kiện đêm qua như một cơn ác mộng. Đến giờ, nó vẫn chưa dám tin đó là sự thật.
– Tỉnh rồi hả?
Hạ giật mình khi nghe giọng nói phát ra từ phía cửa. Bà nội đứng đó, tay cầm bát cháo nóng, liên tục đảo đều.
– Hồi sáng nội kêu con dậy đi học, mà thấy con bị sốt nên nội ghé trường xin cho nghỉ rồi. Thôi, ăn chén cháo này liền đi cho nóng.
Nội từ từ đỡ Hạ ngồi dậy, trông bà bình thản đến lạ thường. Còn nhớ đêm qua, sau khi thoát khỏi khu rừng, nó thẫn thờ trở về thì bị sốc khi thấy cả xóm Bạch Thạch vẫn chìm trong giấc ngủ. Không một ánh đèn, không một dấu hiệu của con người, mọi thứ lặng im đến đáng sợ. Chỉ có tiếng mưa nặng hạt cùng tiếng sấm rền vang trên bầu trời đen thẳm. Hạ rón rén bước vào nhà, lòng đầy ngờ vực, không quên nghía nhìn vào buồng nội. Bà vẫn nằm đó, quay mặt vào tường, hơi thở đều đặn.
Hiện tại, tuy thấy thái độ của nội vẫn như mọi ngày, nhưng trong lòng Hạ không khỏi có chút hoài nghi. Nó gặng hỏi:
– Tối qua nội ngủ ngon không nội?
Bà Quỳnh nhìn đứa cháu trai tội nghiệp vừa mới đỡ sốt đã hỏi một câu kỳ cục, phì cười:
– Ngon chứ! Mưa mát mẻ ngủ không biết trời trăng gì! Thôi con ăn cháo lẹ đi để nó nguội hết. Cháo thịt bằm nhiều hành, nhiều tiêu ngon dữ lắm! Để nội lấy thuốc cho con uống.
Bà Quỳnh vội vàng đi ra cửa, nhưng được vài bước liền khựng lại bởi câu hỏi bất ngờ của thằng cháu:
– Sao hôm nay… nội không phơi thuốc như mọi ngày?
– Ờ thì… – Một nét bối rối thoáng hiện trên gương mặt bà. – Tại bữa nay trời còn hơi ẩm, phơi thuốc sợ không khô đều. Để mai nội phơi cũng được.
Dù có vẻ hợp lý, nhưng Hạ vẫn cảm thấy không ổn. Từ trước tới nay, nội luôn là người cẩn thận và kỹ tính. Chưa lần nào nó thấy bà bỏ qua việc phơi thuốc. Bất kể trời mưa hay nắng, nội luôn có cách để bảo quản, giữ cho lá thuốc khô ráo và chất lượng. Bởi vậy mà cái lý do “trời ẩm” nghe chừng có hơi gượng gạo.
Hạ cúi đầu ăn cháo, lòng bồn chồn nhưng không dám hỏi thêm. Nội mang lại cho nó cảm giác ấm áp và bình yên từ nhỏ, nhưng lúc này, sự bình thản của bà khiến nó bất an hơn bao giờ hết. Những câu hỏi cứ xoay vần trong tâm trí: Liệu bà có thật sự không biết chuyện đêm qua? Hay là… bà biết nhưng cố tình lờ đi?
Vừa nghĩ đến đó, Hạ không kìm được nỗi tò mò, tiếp tục ngẩng đầu lên hỏi:
– Nội, con thấy tối qua trong xóm mình có chuyện lạ lắm! Nội có thấy gì không?
Bà Quỳnh xua tay:
– Ôi thôi, con bị sốt nên thần hồn nát thần tính. Xóm mình xưa giờ luôn bình thường. Có gì đâu mà lạ?
Hạ miễn cưỡng gật đầu. Nó quay ra nhìn sân vườn lần nữa, nơi mà thường ngày sẽ trải đầy những sàng thuốc thơm mùi thảo mộc Nhưng hôm nay, mọi thứ trở nên trống trải, giống như một lời nhắc nhở âm thầm về điều gì đó đang thay đổi.
Bà Quỳnh cầm chén thuốc vừa sắc, đặt trước mặt Hạ, giọng trầm ấm:
– Uống thuốc rồi nghỉ ngơi đi con.
Hạ nhìn thật sâu vào đôi mắt nội, mong tìm được lời giải thích. Nhưng bà cũng chỉ nhìn lại nó đầy dịu dàng, không lay động. Có lẽ nội sẽ không bao giờ tiết lộ bất kỳ bí mật nào nếu bà không muốn.
Hạ cúi xuống uống chén thuốc, vị đắng ngắt tràn vào khoang miệng, trong đầu vẫn còn mải mê suy nghĩ vẩn vơ về những điều khác thường đã xảy ra.
– Mà nội ơi, sao con thấy…
Chưa kịp dứt lời, một cơn buồn ngủ dữ dội đột ngột ập đến, tựa như mọi sức lực bị hút cạn. Đầu óc Hạ choáng váng, chỉ còn kịp nhận thức hình ảnh mờ mờ của nội đỡ lưng, dìu nó nằm xuống giường.
– Ngủ ngon nha con, có nội ở đây rồi…
Tiếng sấm chớp rền vang khiến Hạ bừng tỉnh. Nó từ từ xoay đầu, ngơ ngác nhìn ra cửa sổ, nơi bầu trời đen đang chớp nháy liên hồi.
– Mình ngủ quên bao lâu rồi?
– Nội ơi?
Hạ gọi lớn, nặng nhọc ngồi dậy. Nó bước xuống giường, đầu óc vẫn còn hơi quay cuồng sau giấc ngủ sâu. Căn nhà im ắng không tiếng trả lời.
– Trời mưa như vầy mà nội còn đi đâu vậy ta? Hay là đang nấu cháo cho mình?
Nói rồi, Hạ lần mò xuống bếp. Nhưng cảm giác hụt hẫng lại nhanh chóng ập đến khi bà cũng không ở đó.
Đột nhiên từ phía sau, một hình thù lặng lẽ tiến đến gần.
– Ai đó?! – Hạ quay phắt lại, hét lớn.
– Là nội!
– Nội! Nội làm con giật mình!
Bà Quỳnh đưa ngón tay lên môi, ra hiệu im lặng. Ánh mắt lộ rõ sự nghiêm nghị khó tả. Bộ áo mưa màu nâu sòng trùm kín đầu, làm khuôn mặt bà trở nên mờ ảo dưới ánh đèn măng - sông leo lét cầm chặt trong tay.
– Trùm áo mưa lên lẹ đi con!
Bà trao cho Hạ một cái áo mưa màu đen cùng một cái ba lô lớn, bên trong đựng đầy quần áo và những món đồ quen thuộc mà nó thường dùng.
– Nhưng… mình đi đâu vậy nội?
– Cứ đi theo nội!
Họ lặng lẽ bước qua sân vườn từ cửa sau. Hai bóng người, một già, một trẻ lầm lũi đi trên con đường mòn dẫn ra khỏi xóm, hướng thẳng về phía rừng Thất Sơn. Hạ vô cùng sửng sốt, vì chỉ mới hôm qua, chính nội đã ngăn cấm nó bén mảng đến đây. Thế mà giờ, mọi chuyện đã thay đổi.
Mưa mỗi lúc một lớn, gió rít từng hồi khiến cây cối dọc đường nghiêng ngả như những bóng ma đen kịt đang khiêu vũ.
– Nội ơi, sao mình phải đi gấp thế này? Rốt cuộc là có chuyện gì?
Khi đã đứng trước lối vào rừng, bà Quỳnh dừng bước, quay lại nhìn cháu:
– Có những chuyện con không cần phải biết bây giờ. Con chỉ cần đi theo nội, không rời bước, mọi thứ sẽ an toàn. Và nếu con nghe thấy bất cứ thứ gì, dù là giọng của ai đi nữa, không được trả lời và cũng không dừng lại, hiểu chưa?
Hạ gật đầu lia lịa, không dám hó hé. Nội chính là điểm tựa duy nhất mà nó có thể dựa vào lúc này.
Càng đi sâu, bầu không khí càng đặc quánh. Rừng Thất Sơn dường như không còn là nơi yên tĩnh nữa mà đã dần trở thành một vùng đất đầy rẫy những âm thanh quái dị.
Ban đầu, đó chỉ là tiếng lá cây xào xạc khe khẽ trong gió, hòa vào tiếng bước chân lạo xạo trên lớp lá khô. Nhưng chẳng mấy chốc, Hạ bắt đầu nghe thấy nhiều tiếng động lạ phát ra từ bốn phía như thể cả khu rừng đang thức dậy và quan sát từng hành động của hai bà cháu. Hạ linh cảm có thứ gì đó đang lén lút theo sau lưng mình. Dù không nhìn thấy, nhưng cái cảm giác ấy khiến sống lưng nó lạnh toát.
Bỗng từ đâu, những âm thanh bắt đầu rên rỉ. Đó không phải là tiếng gió, mà là tiếng của rất nhiều người đang nói chuyện cùng lúc.
– Hoàng Hạ… Hoàng Hạ… mau đến đây… đến đây với chúng ta…
Hàng chục lời mời gọi kéo dài, lặp đi lặp lại, giọng thì như trẻ con, giọng lại khàn đục như người già. Có khi đó là những tràng cười khúc khích, có lúc là những tiếng nấc nức nở đầy đau khổ, tất cả hòa trộn thành một bản hòa âm ma quái, tràn ngập trong không gian, bủa vây lấy Hạ.
– Đừng quay lại nha con! Cứ nhìn theo nội mà đi, đừng để ý mấy tiếng nói đó.
Lời dặn của nội như phao cứu sinh giữa cơn sóng dữ, kéo Hạ về thực tại. Nó tiếp tục bước đi, tập trung vào đôi chân mình, dồn mọi ý thức vào bóng lưng quen thuộc, mặc kệ những tiếng thì thầm văng vẳng xung quanh.
Đi được một lúc, những âm thanh ấy càng ngày càng xa xăm. Hạ không biết mình đã đi bao lâu trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, chỉ biết đôi chân đang dần mỏi nhừ.
Cuối cùng, hai bà cháu đứng trước một vách núi cao sừng sững, phủ đầy dây leo rậm rạp và rêu phong xanh rì. Hạ ngẩng đầu lên, nhìn theo bà, cảm nhận không khí u tịch và trang nghiêm lan tỏa từ bức tường thành tự nhiên đó.
– Mình gặp ngõ cụt rồi nội ơi. Làm sao bây giờ?
Trái với thái độ của cháu trai, Bà Quỳnh lại thở phào nhẹ nhõm:
– Tới nơi rồi…
Hạ mở to mắt như không tin vào những gì vừa nghe. Rõ ràng trước mặt nó là một vách đá, tại sao nội lại nói là đã tới nơi? Rốt cuộc bà đưa nó tới đây để làm gì?
Hiểu được tâm tư của đứa cháu tội nghiệp. Bà Quỳnh từ từ đặt chiếc đèn măng - sông xuống đất, giọng vỗ về:
– Nội biết là con đang hoảng loạn và sợ lắm! Nhưng nội cần con bình tĩnh để nghe chuyện này…
Hạ rùng mình trước câu nói đó. Nó không dám tưởng tượng điều bà sắp tiết lộ. Ánh sáng từ chiếc đèn tỏa ra những tia vàng nhạt, khiến bóng của hai bà cháu in dài lên vách đá, trông như một bức tranh u ám đầy bí ẩn.
– Hạ à, thật ra… con là một phù thủy!
Từng chữ phát ra như những đợt sóng mạnh đánh vào tâm trí Hạ.
– Phù thủy?
– Phải! Con vốn sinh ra không bình thường như những đứa trẻ khác. Trong con đang chảy dòng máu phù thủy.
Lời khẳng định chắc nịch của nội khiến Hạ bất giác lùi lại vài bước. Nó tự hỏi có phải do sự mệt mỏi và căng thẳng suốt quãng đường dài đã khiến nó sinh hoang tưởng, hay nó lại đang mơ giữa một cơn ác mộng?
– Nội giỡn với con phải không? Con lớn rồi, nội đừng chọc con nữa! – Hạ bật cười tự an ủi bản thân. Nếu mặt đất có thể nứt ra được, nó cũng muốn chui xuống mà trốn mất.
Nhưng nụ cười ấy chỉ kéo dài trong chốc lát rồi dần tắt lịm. Trông nội vô cùng nghiêm túc, không hề giống chút nào với vẻ trêu đùa mà Hạ vẫn thường thấy khi bà kể cho cậu nghe những câu chuyện dân gian.
– Nội không giỡn với con. Nội biết con khó tin, nhưng đây là sự thật. Con không thuộc về thế giới này. Quê hương của con là xứ Tích Linh, thế giới của ma thuật.
Khi thấy cháu trai thộn mặt ra, bà Quỳnh bắt đầu kể lại câu chuyện xưa cũ:
– Mười sáu năm trước, vì muốn bảo vệ con khỏi sự truy lùng của phe hắc ám. Chính nội đã mang con từ vùng đất Tích Linh tới đây. Nội đã cố gắng cắt đứt hết mọi manh mối và dấu vết, để bọn chúng không thể lần ra chúng ta và nuôi dạy con dưới thân phận của một người bình thường. Chính nội cũng giống con. Nội cũng là một phù thủy.
Cảm xúc của Hạ muốn trôi tuột đi. Mọi thứ mà nó từng tin tưởng, mọi hình ảnh quen thuộc về cuộc sống bình dị của hai bà cháu đột nhiên trở nên xa lạ và méo mó.
– Nội… nội cũng là phù thủy? Còn con… con ở…
Bà Quỳnh gật đầu chậm rãi, nắm lấy tay cháu siết nhẹ, trả lời:
– Đúng vậy! Con từng là một đứa trẻ ở xứ Tích Linh, nơi mà cả gia tộc của chúng ta đã sống trong nhiều thế hệ. Nhưng con mang trong mình sức mạnh đặc biệt, một sức mạnh mà phe hắc ám vô cùng khao khát.
– Nhưng… tại sao con lại có sức mạnh đó? Tại sao chúng lại truy lùng con?
Bà Quỳnh thở dài, cân nhắc kỹ từng lời trước khi nói tiếp:
– Có những chuyện nội không thể giải thích hết cho con ngay lúc này, vì nó quá phức tạp và nguy hiểm. Nhưng điều quan trọng nhất con cần biết… là con rất đặc biệt! Đêm qua, sức mạnh trong con đã trỗi dậy. Điều này sẽ khiến bọn chúng lại lần theo dấu vết để tiếp tục truy tìm bà cháu mình.
Hạ thấy bản thân bị cuốn vào một vòng xoáy không lối thoát. Thì ra, nội đã biết hết tất cả mọi thứ, về ánh sáng xanh bí ẩn và cả việc nó đã lén mò lên rừng Thất Sơn giữa đêm khuya. Nó hỏi:
– Vậy giờ mình phải làm sao hả nội? Con không muốn cuộc sống của con thay đổi… Con không muốn trở thành phù thủy!
Bà Quỳnh vuốt tóc cháu trai, ân cần nói:
– Nội biết con sợ hãi, nhưng con không thể trốn tránh số phận. Để bảo vệ con, nội phải đưa con đến Học Viện Liên Hoa ngay bây giờ. Đó là nơi duy nhất mà con được an toàn.
Đôi vai Hạ run lên vì những cảm xúc dồn dập. Từng lời nói của nội như những mảnh ghép lạ lẫm vừa được thêm vào cuộc đời nó. Làm sao nó có thể chấp nhận tất cả những thay đổi này chỉ trong một đêm?
Sau khi nói xong những gì cần thiết, bà Quỳnh chầm chậm tiến đến gần vách núi. Đôi mắt khép lại, hai tay bà đặt lên lớp dây leo cổ kính. Trong khoảnh khắc tĩnh lặng, bà cất cao lời thơ, mạnh mẽ và dứt khoát:
“Mở cổng cõi tiên, khép lối trần,
Đá rêu xưa cũ, hợp nhân thân.
Trời trong đất lặng, nghe lời thỉnh,
Dẫn bước người qua cảnh hồng trần.”
Mỗi câu thơ như được khắc sâu vào không gian, kéo theo sự rung chuyển dữ dội của vách núi. Từ nơi tay bà chạm vào, từng đợt sóng ma thuật dần lan tỏa ra khiến các khối đá lớn trượt sang hai bên, âm thanh ầm ầm như tiếng sấm từ trong lòng đất, để lộ một con đường mòn nhỏ phía sau.
Hạ trợn tròn mắt, cả người như bị đông cứng khi chứng kiến cảnh tượng đó. Có mơ nó cũng không dám nghĩ tới việc sẽ được nhìn thấy nội mình sử dụng thần thông như phim tiên hiệp thế này.
– Đi thôi con. Đã tới lúc con cần phải biết những gì vốn thuộc về mình.
Hạ nuốt nước bọt, hít một hơi thật sâu, cố gắng gom góp tất cả can đảm còn sót lại. Chàng trai bước tới bên nội, cảm thấy nhịp đập trái tim mạnh mẽ như tiếng trống dồn.
Bà Quỳnh từ từ tiến vào con đường bí ẩn, Hạ lặng lẽ theo sau, từng bước rời khỏi thế giới mà nó đã quen thuộc từ nhỏ. Từ đây, hai bà cháu bắt đầu một hành trình mới, hành trình để Hạ khám phá định mệnh của đời mình – một định mệnh mà chính nó cũng chưa từng hay biết.
Bình luận
Chưa có bình luận