Bơi giữa mùa lụt, chiếc iphone thằng nhỏ cứ chụp, cứ quay liên tục. Chẳng biết hắn vui hay buồn nhưng chắc rằng đây là một niềm hứng khởi “ghê gớm”. Cả tháng nay, lụt dồn lụt, bão dồn bão. Nước lên vượt mức lịch sử. Gió xoáy, gió lốc và sạt lở. Bờ sông, bờ biển nơi này thâm vào năm mét, chỗ khác mất một đoạn dài. Sạt lở cả núi, cả non. Các con đường bị ách tắc, bị chia cắt, bị cô lập. Nước chảy đã nguy hiểm, đất chảy nguy hiểm hơn bội phần. Đất đã lở, đã lấp nên dân tình khốn đốn. Những tiếng kêu vô vọng, vô thường cứ vọng vào không thời gian. Tiếng ai oán, tiếng tiếc thương. Âm thanh xé lòng, cắt ruột. Tiếng thở dài đâu đó loang mặt nước. Tiếng chửi ai đó văng lên theo gió. Tiếng cười lãng du vào mây. Cả sự im lặng thấm vào đất đai.
Và, người ta í ơi nhau đi nhận quà. Quà mùa cứu trợ thường mì tôm, gạo hay với chai dầu ăn, dầu gió, gói bột mì… Sau cơn bão số năm là cơn lụt, cơn lụt cô lập làng đến sáu ngày. Hợp tác xã nông nghiệp trong làng, các anh bơi ghe đi phát cho mỗi đầu người một gói mì tôm “mà chao ơi là mừng”. Nhỉ nhiên sau đó các nhà hảo tâm, các nhà từ thiện đến cho nhiều hơn. Dân chúng cũng bớt phần đói rét. Đến khi trong nhà ai đó có hơn hai chục thùng mì tôm thì lại khác, có kẻ tự bảo “bữa ni cho mì tôm không nhận nữa” hay “i hì mì tôm a mà”…
Người được nhận quà cứu trợ vui như hội, người không có phần thì xin, thì khiếu kiện. Họ cay cú, càu nhàu, chửi thầm, chửi sau lưng và chửi ngay trước mặt cả chính quyền, trước mặt người đem quà đến cho. Có lần vị sư nữ cũng phải đỏ, tái mặt vì những câu chửi của kẻ không được có quà. Hay trường hợp khác, một thanh niên trong làng kêu gọi được công ty của mình phát cho dân làng hai trăm suất quà thì khi đăng lên mạng xã hội để bà con biết đến nhận. Người không có tên trong danh sách nhận quà liền đến ngoài cổng kêu chửi và kể ơn: “Đồ ăn cháo đá bát”. “Đồ ăn quả chẳng nhớ kẻ trồng cây”. “Tau mà giàu hơn con mệ X. Y à, răng bây không cho. Tụi bây vô ơn, bây cho bà con bây đi, đến khi hoạn nạn nhớ đừng kêu tao…”.
Thằng nhỏ vừa đọc trên facebook của một trưởng thôn trong xã có đăng câu: “Thu đi để lại lá vàng/ Tiên đi để lại nửa làng ràm tui”. Hắn cười khoái chí rồi bảo “răng Thuỷ Tiên không về làng mình hè!?”, tiếp tục like, tiếp tục chụp hình, tiếp tục với niềm háo hức với công nghệ số của thời 4G.
– Mệ ơi, cho con chụp cái hình đăng lên phây khoe đi nhận hàng cứu trợ mệ hi!?
– Vãi bây, thời ni sướng quá!
Bơi giữa dòng nước lụt, mệ già gần tám mươi tuổi nói tiếp: “Mấy đứa đừng cho mệ già nghe, hai thằng bạn mệ bên nớ còn tranh nhau việc làm bên tề! Người Mỹ, họ không muốn biết tuổi mình mô!”. Rồi… Chuyện năm xưa, chuyện của hơn bốn mươi năm về trước quay lại, lòng mệ lắng xuống. Giá mà lúc trước có được những gói mì cứu trợ như bây giờ, người đàn bà sinh nở ấy không phải bơi ghe đi trong mưa gió, lụt lội để kiếm miếng ăn. Thời cuộc đã khác. Tiếng nói của mệ loang theo dòng nước bạc mênh mông…
Rú, rú chưa đủ gọi là rừng. Rừng thì phải có yếu tố lớn về diện tích, có thân gỗ… Ý ở đây không đi xác minh một định nghĩa rú, rừng gì cả. Là dân làng theo thói quen gọi rú thì rú vậy. Rú làng Thị cũng khá đặc biệt, toàn diện tích là cây Chá nên rú được gọi: Rú Chá. Không biết làng có trước hay rú có trước, chỉ biết rú làm bình phong che chắn cho làng những bão táp mưa sa, những luồng sóng dữ từ phá Tam Giang hơn năm trăm năm nay. Không ít truyền thuyết, giai thoại, câu chuyện ly kỳ thực – giả, thực tế – tâm linh gắn liền với đời sống dân làng.
Vào những năm thập niên bảy mươi, tám mươi của thế kỉ đôi ích xì (XX), thời buổi “gạo châu, củi quế”. Người làng thiếu ăn, thiếu mặc; áo dạ bằng len “bao cát”, đắp chăn bông bằng “rơm”. Mùa đông được nhen lên ngọn lửa củi trong nhà thì “tuyệt cú mèo”. Người ta tìm đến rú để nhặt củi, tiện thì bẻ, không có ai thì chặt mang về. Sợ câu: “Rú tàn làng mạt” ứng nghiệm. Làng đề cử ra một anh giữ rú, gọi là anh “đề”. Anh đề có nhiệm vụ bảo vệ, không cho người hay trâu bò phá hoại rú.
Hồi ấy, đi nhặt củi hay còn gọi là đi lượm củi được xem một phần của cuộc sống nếu không muốn nói là một nghề để kiếm sống. Ở miền núi, việc đó quá dễ nhưng ở đồng bằng, kiếm được củi thật khó. Củi cần lắm vào mùa đông và mùa giáp hạt. Mùa đông thì sưởi ấm, màu giáp hạt khi nhiều nhà không đủ rơm. Cũng may ở làng có cái rú, việc kiếm củi cũng không nỗi nào. Thị là người nhặt củi giỏi nhất làng. Củi chị thường to và dài nên cho nhiều than, giữ được ngọn lửa lâu. To và dài là cái được giá! Người ta chuộng! Thị chính thức “hành nghề”.
Người đàn bà, không có chồng vẫn “lùm lùm” cái bụng chữa. Mọi con mắt đổ dồn theo, Thị chẳng ái ngại mà đôi khi lại thấy tự hào (thì phải!?). Cách đây mấy tháng người ta thấy chị đẹp ra. Đẹp vào mùa xuân thì có gì lạ, chị ăn mặc tươm tất hơn, diện mới hơn, má hồng lúng liếng và eo thon. Người đàn bà cứ phơi phới ra dù đã qua một lần goá chồng, qua một lần sinh nở. “Gái một con trông mòn con mắt”. Mấy “cha đấng đấng” tuổi thấy chị phơi phới mà phát thèm. Ngược lại, cánh phụ nữ hay nói này nọ sau lưng. Người đàn bà ấy vẫn tươi roi rói dù cái bụng luôn đói. Chị vốn là con gái của một tư điền, “trâu bầy ruộng bức” trong vùng; nhưng không may lớn lên lại rơi vào cô quạnh và thời cuộc khác. Chị sống với gã chồng say xỉn gần bốn năm nhưng chẳng có mụn con. Sau một năm chồng mất, chị lại sinh em bé thứ nhất. Nay lại sắp có đứa thứ hai…
Mùa xuân đang đâm chồi nảy lộc, những chiếc lá non đang ướm no mình diệp lục. Cành cây như vạn cánh tay dang đón nắng ấm và gió thì thầm. Rú đã chuyển sắc, từ vàng tím sang xanh tươi. Chim muông bay về làm tổ, chúng cúc cù gọi nhau. Từng đôi quyến luyến. Từng đàn râm ran. Mùa của thanh xuân! Nụ hôn đầu còn nồng thoang thoảng, hoa đồng vô ý hay hữu tình cùng ngan ngát hương. Cỏ may đã đâm gai vào áo. Tình xuân đã trao. Tim người ngất ngây và tan nát.
Xuân lại lặp xuân, dù vòng trôn ốc đã khác, dù phận bọt bèo, mây nước ngậm ngùi, đắng cay nhưng cũng đượm nồng và mảnh liệt. Nàng đu mình vào cổ chàng mà thủ thỉ, với lời lẽ trong tình huống không gian, thời gian ấy, “đất đá cũng nghe theo huống là…”. Ừ thì nàng tiên cứ làm theo ý mình, rú là của chung, của cả làng. Ai khéo chặt mang về miễn là cây chặt hoá thành cây nhặt. Cây rừng, cây rú mùa xuân lên ào ào, chúng rậm ri ra đó. Chặt một cây trong tỉ tỉ cây đã làm sao. Lấy một hạt muối dưới biển lên thì biển vẫn mặn. Có ai chở củi về rừng, chỉ thấy người ta chở củi từ rừng ra. Chàng bật cúc áo thứ nhất nàng ra, niềm tin hoa đang gọi mời, nhuỵ hoa bao ngày vắng bướm ong, thao thức và thơm ngát, khoe sắc mời gọi. Thế giới thần tiên, ảo mờ mắt chàng, sự đê mê, lí trí đầu hàng, mặc cho vô thức thống trị. Chàng tiến tới một nấc, nàng thêm thắt điều kiện. Sức xuân non nõn tươm tươi, chúa xuân cũng bị hớp hồn, cũng không nỡ trách ai.
Đứa con mới ba ngày tuổi ọ oẹ làm Thị tỉnh giấc. Lạnh. Đói. Cô đơn. Buồn. Chị rùng mình. Sợi “dây treo” cuộc sống ba mẹ con nàng thật mảnh. Mọi trợ giúp hàng xóm, bà con, người khác đều dùng cả rồi. Sợi dây còn lại, níu cho gia đình đơn chị là đâu? Gã giữ đề? Không, gã cũng còn lo cho vợ, cho con gã! Vả lại những cuộc đổi chát đã thoả thuận rồi kia mà! Còn lại, còn lại… Chị nghỉ đến rú, hình ảnh củi, khoai, gạo…, nhảy múa trong đầu. Chị thấy ấm lòng. Chị bật dậy, quấn lại mái tóc, xắn quần lên, mặc thêm chiếc áo bao cát, khoát cái tơi, rút cái chầm và nhảy xuống ghe trong lúc đứa con năm tuổi miếu máo hỏi mẹ đi đâu.
Thị len chiếc thuyền sâu vào trong rú, lách qua từng cành cây, chùm rác rều, rơm rạ, các vật đu treo trên cành, thân cây. Rực rực, rục rục, rẹt rẹt… Là cánh chim di trú vừa dợm cánh bay, là tiếng con chuột chạy, tiếng con chồn hoang rời vị trí, con rắn lao đi, hoặc… Lũ chim chóc, chuột bọ quy tụ về đây tránh lụt. Chúng bị kẻ lạ tiến tới, mối đe dọa khiến chúng di dời. Có con chuột bất hạnh chạy “cùng sào”, nó tiến lên trên ngọn một cây cụt và ngoái lại, tứ chi run run, bộ lông ướt nhẻm, đôi mắt đờ đẫn như hai hạt đậu xanh sắp nảy mầm. Bỗng một tiếng “chụm” khiến chị giật mình. Chị thoát ra dòng ám ảnh mình như con chuột cùng cành kia. Bên cạnh những kẻ ồn ào bao giờ cũng còn những kẻ nhỏ nhẹ và im lặng. Kiến, rít, nhện, côn trùng… Chúng được mùa sinh nở và cứ ùn lên, dồn dập như lúc nào cũng muốn vỡ tổ. Chị cặp chiếc ghe gần vào một cây Chá cao, to và có nhánh thẳng. Từng đốt củi như cánh tay được xếp vào ghe. Luồng ghe tới tìm bụi cây ưng ý khác, chị tiếp tục thao tác: vung mát lên chặt xuống, róc bỏ nhánh phụ lấy nguyên nhánh to, thẳng. Ghe đến lúc đã đủ lượng củi thì người cũng thấm mệt.
Ngực người đàn bà thấm ướt. Nước. Mồ hôi. Sữa.
Phía khác, nước mắt gã đàn ông lặn vào trong. Gã trông về phía rú mà nao lòng. Chiếc ghe nhỏ thó, lùi ngược ngọn gió nồm nhích lên từng bước, từng nấc. Sóng nước khó nhọc, chiếc ghe nhỏ vẫn kiên trì băng qua cánh đồng để ra rú. Gã bồn chồn, gã sợ vợ gã thấy gã đang nhìn theo chiếc ghe kia; gã cũng lo lắng bâng quơ lỡ ai đó biết gã đang đồng hành với kẻ phạm quy định của làng. Gã đã để “rú tặc” lên ngôi. Chính gã đã làm cho rú góp phần tàn hư, trong lúc nhiệm vụ của gã là bảo vệ gìn giữ cho rú xanh tốt. Gã còn làm cho người đàn bà ấy khổ. Là tình yêu? Là cái gì? Là giống…? Gã không giám biết mình là kẻ gần Con hơn là gần Người.
Đêm người đàn bà trở dạ phía bên kia, thì bên này, có thằng đàn ông chạy “thục mạng”, chạy quên cả cây bôm bốm, ô rô gai góc dưới chân. Gã chạy tìm một nơi trú tránh. Cái miếu thờ Ngài nơi rú là lí tưởng nhất. Gã nhảy, bước, leo lên bậc tam cấp nhưng sao đôi chân cứng đơ, không nhấc lên được. Con rắn to, nó phồng mang, hả miệng, lè lưỡi, phung nọc độc vào kẻ đuối sức tội lỗi. Bằng tất cả lực bình sinh nhưng vẫn đơ ra, một phần mười giây nữa là miệng con rắn tiến đúng vào miệng con mồi. Gã hét lên cầu cứu trong vô vọng. Gã loé lên trong đầu là lạy Ngài, chỉ có Ngài mới kịp hoá giải. Ngài cũng không hiển linh, con quái vật đang “phi nước đại” lao tới. Gã đã có tội với thần linh sao; tai kiếp này không ai cứu!?
Vợ gã cho gã “một choại” thật đau. Gã tỉnh giấc. Gã hú hồn. Lồng ngực kẻ mơ hoang muốn nhảy ra ngoài, kéo lá cửa bước ra sân, cơn gió mùa lũ tạt vào mặt, sức vóc thằng đàn ông ngoài ba mươi phải thụt lùi. Vê điếu thuốc lá và lấy “đòn cúi rơm” giấm lửa lên “bập bì”. Khói thuốc rít nhanh qua kẽ hở phên nhà. Vẫn thấy bất an, nôn nao “hay là…”. Tiếng trẻ con, tiếng trẻ sơ sinh đâu đó cứ lờn vờn trong tai gã. Hi vọng là ảo âm do mưa gió vọng lại. Nhưng, phía xóm dưới có nhiều ngọn đèn chai lấp loáng, di chuyển, người ta đang đi đâu!? “ Không lẽ, không lẽ… nàng đến ngày sinh?”. Cả tháng nay, người ta không gặp người đàn bà chữa hoang đi nhặt củi… Tự dưng gã muốn chạy ù đến nhà Thị để biết thực hư. Nơi ấy, một hình hài đang nở tiếng khóc đầu đời mà cha nó không có bên để chào đón. Phải đâu là thời buổi chiến chinh!? Thời bình sao mà cách trở, sao không đến được. Chính gã, gã ta đã tạo nên hố thẳm. Gã ta thấy mình tội lỗi. Hối hận. Vợ gã thấy gã tư lự, tưởng bị cú chọi làm gã giận; ả ôn tồn “ anh răng không đi ngủ, mai còn…”.
– Mự, mự ơi!
– Đứa mô rứa bây!?
– Con, con Thị đây!
– Vãi bây! Không phải bây mới đẻ à!?
– Dạ, được ba ngày rồi mự
– Bây đi chặt củi à, trời…!!! Răng…???
– Không còn chi ăn mự ơi, mự đưa con đổi củi ni hi?
– Thôi, bây lấy rá khoai ni với mấy lon gạo về nấu mà ăn, qua nhà thím Bê đổi, hôm qua thím nói hết củi đó! Vãi bây, coi cả đau tề, đàn bà sinh nở non ngày non tháng giữ gìn bây ơi, khổ…
Chiếc ghe của Thị xô ra, bơi đi trong dòng nước bạc. Chiếc ghe chòng chành, chọng chao với cái nhìn theo của người mợ hàng xóm đầy cảm thông, chia sẻ. Chị rọc chầm một tay, một tay cầm mo vốc nước trong ghe ra, những mo nước có màu hồng nhạt. Màu hồng ấy là lượng phù sa hay còn là của một thành phần nào khác, thương câu: “Đổi mặt máu lấy mặt cơm”. “Tẹt tẹt”, từng vốc nước trong ghe tan vào sự mênh mông.
Vốc ra, đổ đi cho ghe bớt đầy, lưng chuyến.
Chiếc ghe nan thật nhỏ, chở hai bó củi cũng đã đầy mạn…
Người kể câu chuyện vừa kết thúc thì điện thoại thằng nhỏ lướt qua gặp tin bão xa; bão đang vào biển đông, bão có hướng đi vào miền trung. Phận người quả nhỏ nhoi trước thiên tai, khác gì chiếc ghe chòng chành trước sóng nước. Muốn vượt qua, không muốn bị đắm, bị chìm thì chỉ có cách là phải biết phân định nặng – nhẹ, biết chèo chống, neo đậu đúng cách hoặc là…
Ghi chú:
ghe: thuyền
Tau: tao
Mệ: bà
Choại: đạp
Mự: mợ (vợ cậu)
Bình luận
Ong vận chuyển comment
Ong vận chuyển comment
Ong vận chuyển comment