Trời đất Nam Việt độ này đang vào tiết thanh minh, gió từ phương Nam kéo về, cuốn theo mùi hương đất mới trộn cùng tiếng trống triều vọng xa từ cổng ngọ môn. Nơi triều đình rộn ràng. Bảng vàng vừa yết trước điện Hồng Văn, tên Thục Y Vũ sáng chói giữa ngũ tân khoa, ngôi vị Trạng Nguyên đứng đầu sĩ tử cả nước.
Thế nhưng, khi chiếu thư còn chưa ráo mực, người mang danh Trạng Nguyên lại âm thầm gói ghém hành trang rời khỏi phủ đệ, trước khi trời còn chưa sáng. Tin ấy tựa như cơn sóng lớn dội vào triều đình. Người ta chen vai cạy cổng cũng chưa chắc được làm quan, vậy mà có kẻ to gan dám từ chối chức vua ban.
Không ai hiểu, nhưng Y Vũ thì hiểu.
Chàng đỗ Trạng chỉ vì giữ lời hứa với dòng họ Thục. Mong muốn có một người làm quan để cả họ nương nhờ, nên Y Vũ mới vùi đầu vào sách giấy bao nhiêu năm nay. Từ thuở còn là đồng môn đọc sách bên gác trúc, chàng đã tự viết tâm thư rằng:
“Nếu ta được làm Trạng, ta cũng chẳng ham. Chí tại bốn phương, chỉ mong được rong ruổi khắp chốn, ngâm thơ với sông nước, luận đạo với khách thương. Đó mới chính là lẽ sống.”
Danh vị thì cao. Nhưng tự do, còn cao hơn. Vậy là sáng ấy, không lọng không kèn, không lụa là gấm vóc, chỉ có túi vải bạc lẻ và đứa tiểu đồng tên Than lẽo đẽo theo sau. Trước khi đi, chàng chỉ để lại một bức thư từ biệt cho mẹ:
“Con vào triều là vì lời hứa với gia tộc. Nay đã tròn danh phận, con xin trả lại áo mũ, đi tìm điều đáng sống hơn trong thiên hạ.”
Xa rời Kinh kỳ, Y Vũ cùng với Than vân du qua bao miền, cho đến một sớm tinh sương, chàng dừng chân tại một ngôi làng mang tên Thanh Ninh. Nơi đây không có tiếng trống triều, chẳng có bức tường son ngọc, chỉ có những con đường đất đỏ, những rặng tre ngả nghiêng, và những nếp nhà rơm nghiêng bóng bên triền đê.
Trên con đường đất đỏ loang nắng, một chiếc xe ngựa lọc cọc dừng lại trước cổng nhà cụ đồ già.
“Thưa, thầy đây còn nhận học trò lạ không?” Y Vũ vái nhẹ.
Cụ đồ nhìn người thanh niên trẻ khoảng hai mươi mốt, hai mươi hai. Mặc áo vải giao lĩnh màu tro lam, mặt thư sinh, có nét điềm đạm của người đọc sách lâu năm.
Cụ gật đầu: “Vào đi. Gió tháng ba đôi khi lại cuốn đến người ham học.”
Từ đó chàng và Than trọ lại tại nhà cụ đồ Nghê, lấy danh nghĩa là “kẻ lãng du cầu học”. Ai mà ngờ, kẻ ấy từng cầm bút viết bài luận khiến nhà vua gật đầu ba lượt, nay lại vui thú với việc cùng trẻ mục đồng câu cá bên sông, thi thoảng thả cần mà mắt mơ màng theo đám mây lững thững.
Y Vũ thường ra phiên chợ sớm. Ngồi đàm đạo với các cụ bên hàng nước. Đánh vài ván cờ, đối vài ba câu thơ, gọi là giết thì giờ. Ngồi một lúc thì nghe bên đường có tiếng rao mộc:
“Ai chè sen không?”
Ngó qua hàng chè đơn sơn dựng dưới bóng tre. Hương sen lan nhẹ như lời mời ẩn ý. Người bán là một thiếu nữ chừng vừa qua tuổi trăng rằm, áo tứ thân nâu sẫm, tóc vấn gọn sau đầu bằng một chiếc trâm gỗ ghim nghiêng. Nàng ngồi bên chiếc quang gánh đơn sơ, đang cẩn thận múc từng chén chè vào bát gốm. Dẫu chỉ là người bán chè, nhưng nét cười nơi khoé môi cùng giọng rao thoảng nhẹ khiến ai đi ngang cũng ngoái đầu nhìn. Ông Khảm đang đánh cờ với Y Vũ, khẽ bật cười:
“Ta đố cậu đang ngồi ở đây, không kêu người bán, không nhờ người mua. Lại có bát chè thơm ngon đặt ở trước mặt.”
Thằng Than nhanh miệng:
“Con qua đó mua ngay!”
Y Vũ đặt nhẹ quân cờ xuống bàn, ngăn Than lại:
“Nếu tôi thắng thì nhận được gì?”
Ông Khảm cười to: “Ha ha. Thì có trà thơm mỗi ngày mà chẳng tốn xu nào!”
Chàng Vũ chấp nhận. Hướng mắt qua phía cô gái rồi đoạn buông hai câu:
“Chè thơm chẳng dám bước chân
Người gần mà cách tựa ngăn trúc đào.”
Lời thơ buông ra, cả cụ Khảm còn tặc lưỡi khen hay. Còn Than thì ngơ ngác, chưa rõ ý là nói chè hay người bán. Chỉ lát sau, cô gái bán chè tiến đến. Tay bưng bát chè sen đặt xuống chiếu cờ. Trong bát, chỉ vỏn vẹn bốn hạt sen, căng tròn, thơm lừng.
Than kêu lên: “Ơ, sao chè lại chỉ có chừng này?”
Nàng mỉm cười và đối:
“Sen quý vốn đâu trao đại
Bốn hạt là đủ dạy khôn ai.”
Rồi nàng quay đi, để lại sau lưng hương sen nhè nhẹ và điệu cười rung râu của cụ Khảm.
Than thì trố mắt:
“Tài văn chương cô hàng chè chẳng thua gì cậu. Quả thật bất ngờ!”
Y Vũ không đáp, mỉm môi cười ẩn ý, tay xoay quân cờ trong tay, lòng khẽ dậy một thứ cảm giác lạ lùng, như gió sông thoảng qua một tờ giấy chưa kịp viết chữ. Ánh mắt cô gái ấy, dẫu dịu dàng, lại có phần cảnh giác. Như thể từng nhìn thấu bụi trần mà vẫn cố giấu mình dưới lớp áo thường dân. Lúc ấy có một ông lão khòm lưng lặng lẽ ghé vào hàng chè. Gương mặt buồn bã cùng với xấp giấy xỉn màu trên tay.
Chàng hỏi:
“Ai vậy, cụ?”
“Ờ, cụ Mẫn đó. Giáo thụ* ở triều trước, sống rất hiền từ. Đáng lý giờ sống an nhàn, nào ngờ bị chính con trai mình lừa mất cả đất tổ, lại còn bị quan xử thua. Đau buốt ruột.”
*Giáo thụ: chức quan trông coi việc học trong một phủ.
Y Vũ gật đầu. Nhưng im lặng. Bàn cờ trước mặt đã tàn, quân trắng đen nằm la liệt. Chiều ấy, Y Vũ ngồi trên hiên nhà cụ đồ, mắt hướng ra cánh đồng đang đổ bóng hoàng hôn. Gió lùa qua kẽ liếp mang theo mùi khói bếp.
Than rót trà, hỏi:
“Bẩm cậu, cụ Mẫn bị con ruột chiếm đất, quan huyện cũng xử cụ ấy thua. Cớ sao?”
Y Vũ thở dài.
“Lẻ đời là vậy. Công tư phân minh giờ chẳng còn hiện hữu ở thế gian này nữa.”
Từ xưa đến nay, đâu phải Y Vũ chưa từng chứng kiến cảnh xử oan, phán sai. Bao năm đọc sách ở Quốc Tử Giám, chàng từng tận mắt thấy những vụ án rối như canh hẹ, quan xử theo lệnh, không theo lẽ. Ngay cả trong triều, có vị quan từng nổi danh thanh liêm, vậy mà chỉ vì không thuận ý vua hay chặn đường mưu sâu của phe cánh, liền bị cách chức, thậm chí mất mạng nơi ngục tối.
Chàng nhìn vào chum trà trên tay, chép miệng thầm thì: “Nay thà làm bạn với trà còn ý nghĩa hơn.”
Nhưng vài mong muốn ấy lại không đến sớm như người ta tưởng.
Bình luận
Chưa có bình luận