Giáp Tết có lẽ chính là thời điểm tất bật nhất năm. Nhà nhà người người bận rộn với đủ thứ việc, từ dọn dẹp trang hoàng khắp nơi cho tới mua sắm đồ ăn thức uống, đồ đi chơi xuân, đồ cúng, đồ biếu các kiểu các thể loại. Không khí nhộn nhịp phủ kín từng con ngõ nhỏ, mùa vui đã đến rồi. Những cánh én bắt đầu chao liệng tạo nét chấm phá trên bức tranh xuân bao trùm thị trấn Tầm Phương.
Ai nấy gương mặt đều ánh lên nét rạng rỡ hân hoan, trừ chàng thiếu gia họ Võ.
Năng khiếu làm trò con bò của nó bộc phát từ bé, cả nhà không lạ gì nữa. Thế nhưng sau khi dậy thì về mặt tâm hồn, tần suất chúa hề hành động vượt ngưỡng mà người bình thường có thể lý giải càng lúc càng nhiều.
Ví dụ như ban sáng, ông nội sai Cường lau chùi cẩn thận giúp ông một bộ bàn ghế bằng gỗ nu đinh quý hiếm. Thằng nhóc trợn mắt lườm nguýt ba vạn chín nghìn chi tiết chạm trổ long ly quy phượng, quyết định lôi máy hút bụi ra dí vào đấy. Vậy là ông nội đuổi cổ nó đi tưới cây. Cậu ấm nhỏ lập tức xách luôn bình xịt chạy thẳng tới chỗ mấy chậu hoa hồng của ông. Phun được vài tia nước chưa kịp ướt đất, nó lại ngây người nhìn ngắm tạo vật yêu kiều màu cam đào ấy.
Hồng Juliet có dạng cúp tròn, đường kính cánh hoa lớn, xếp thành từng lớp xoáy sâu vào tâm nom rất đẹp mắt. Chúng được mệnh danh “nữ hoàng hoa cưới”, đại diện cho tình yêu thuần khiết, cho nỗ lực bền bỉ và cả khát khao chạm tới giấc mơ hoàn hảo. Cường cảm thấy sự cao quý kín đáo này thật quá giống Thư. Nó thầm mong đến ngày toàn bộ cố gắng mà nó bỏ ra được nàng đền đáp, khi ấy nó sẽ tự tay chọn những bông hồng đẹp nhất tạo bó hoa cưới có một không hai tặng cô gái nhỏ.
Nhưng nhỡ tâm can bé bỏng chẳng chịu kết hôn với Cường thì sao? Nhỡ em đòi lấy hoàng tử Mắt Biếc thì làm thế nào?
Đột nhiên cậu ấm lo ơi là lo, có cách gì giúp ta thấy trước tương lai không nhỉ?
Thằng nhóc chống cằm suy nghĩ đăm chiêu, lông mày nhíu tít cả lại. Rồi nó thò tay vặt ngoéo đoá hoa xinh đẹp đang bận khoe sắc trước mặt, bắt đầu chơi trò bói toán.
- Làm ơn cho tôi biết, Thư của tôi và tên Mắt Biếc ẻo lả sau này có lấy nhau không?
Cường chắp tay kẹp chặt bông hoa ở giữa, mắt nhắm lại lẩm bẩm khấn vái, cố hết sức thực hiện nghi lễ thiếu thốn cơ sở khoa học của nó. So với đợi kết quả thi vào cấp ba, chờ thế lực bí ẩn hồi đáp căng thẳng hơn nhiều!
- Lấy, không lấy, lấy, không lấy, lấy, không lấy… Cái gì? Ai cho phép các người lấy nhau? Không chấp nhận, kết quả này sai rồi. Bói lại!
Nghe nó kết luận, thần hoa cảm thấy bị xúc phạm luôn.
Bông thứ hai, thằng nhóc trợn mắt đe dọa đứa con mỹ miều của mẹ thiên nhiên:
- Lần này nhớ ra đáp án cho cẩn thận đấy!
Rồi nó hít sâu một hơi, kiên nhẫn lặp lại câu hỏi bằng giọng bao dung hết mức. Những cánh hoa tiếp tục lả tả rơi trên mặt đất mang theo thông điệp “lấy” hay “không lấy”, chỉ mong vừa lòng cậu chủ khó chiều.
- Lại lấy nhau? Bị điên à? Hừ, cái trò mê tín dị đoan… Bói thêm lần nữa!
Thần hoa mệt mỏi lắm rồi, vậy mà vẫn phải oằn mình phục vụ “tư bản”.
Cường rất bực bội, nên là thằng nhóc quyết định thay đổi câu hỏi xem có khác không. Nó ngẫm nghĩ vài giây thế rồi mặt mũi ửng hồng ấp úng ra lệnh:
- Làm ơn cho tôi biết, Thư của tôi và người đẹp trai số một vũ trụ sau này có lấy nhau không? - thiếu gia hỏi xong còn chỉ tay vào bông hoa kèm thêm cái nguýt sắc lẹm - Liệu hồn, trả lời chuẩn nghe chưa?
Hồng Juliet chẳng biết nói cười, nếu biết thì sẽ dành nguyên một ngày mắng nó. Chàng khờ hồi hộp ngắt từng cánh hoa, chỉ đợi kết quả như ý để còn nhảy cẫng.
- Lấy, không lấy, lấy, không lấy, lấy, không lấy…
Và rồi, đôi mắt lấp lánh như chứa đựng cả biển trời của nó bỗng nhiên bị một tầng mây u ám che phủ. Cánh hoa cuối cùng lộ diện đi kèm thông điệp “không lấy”. Cường buồn lắm, ngay cả ước nguyện nhỏ nhoi cũng chẳng có được. Mặt nó xụ xuống, nhìn y xì chú cún tội nghiệp đánh mất khúc xương bảo bối.
Nhưng chàng binh bét họ Võ đâu phải là hạng yếu đuối mà vấp tí gió đã nhiễm phong hàn. Trường kỳ kháng chiến thì phải khó khăn chứ sao!
“Bói với toán, tương lai ở trong tay mình.”
Nghĩ vậy, Cường xé đôi cánh hoa cuối cùng rồi ngắt một nửa thả xuống dưới đất, trực tiếp chỉnh sửa đáp án.
- Lấy.
Gió ùa tới thổi tung tóc mái trước trán, mang cánh hoa rải đều khắp sân. Mùi hương thoang thoảng khiến cho thiếu niên mười bảy khoan khoái, nó vươn vai hít một hơi sâu, đang tính vào lục tủ lạnh thì nghe mẹ Thanh gọi to:
- Cu ơi, thay đồ đi con, xong ra siêu thị với mẹ!
Hai mắt chàng khờ sáng rực cả lên:
- Nhi thần tuân chỉ, mẫu hậu đợi tí!
Khâu chuẩn bị tiêu tốn của Cường đúng hai mươi giây. Nó tót vào phòng mặc thêm áo khoác rồi chạy thẳng ra chỗ chiếc ô tô đang đỗ ngoài sân, thắt dây an toàn sau đó giục mẹ đạp ga xuất phát. Xe vừa lăn bánh khỏi cổng thì nghe loáng thoáng tiếng ông nội kêu:
- Ối làng nước ơi cái thằng ranh con nó làm hỏng hết hoa của tôi rồi…
…
Siêu thị và chợ truyền thống thời điểm cận Tết tấp nập người ra kẻ vào. Cường thích không khí nhộn nhịp này lắm, nó nghĩ đây mới là lúc vui nhất mỗi dịp xuân về, không phải ba ngày đầu năm.
Mẹ Thanh mua rất nhiều đồ, Võ “cần đường” đi theo chủ yếu đảm nhiệm chức năng cửu vạn. Hỏi ý kiến thằng nhóc như chơi thể thao mạo hiểm, câu trả lời mà nó đưa ra hoặc rất quen thuộc hoặc rất oái oăm kiểu như: “con thích bánh chưng nhân bò Kobe cơ”, “hay là thay nhân thịt lợn bằng mát-ma-lâu vị sô cô la?”, “cho trứng cá hồi vào trong xôi gấc chắc cũng ngon đấy mẹ ạ”.
Khâu duy nhất thiếu gia thực hiện ổn áp chắc chỉ có mỗi chọn đồ ăn vặt. Năm nào nó cũng bốc toàn hàng độc: kẹo quất vị cam thảo, bánh quy vị chả cá, soda vị rong biển, vân vân và mây mây.
Sau vài vòng lượn quanh khu bán thực phẩm, giỏ hàng đã chật ních đồ. Thấy vậy, mẹ Thanh bảo Cường vác hết ra ngoài cốp xe cho nhẹ. Thằng nhóc vâng dạ rồi khuân núi đồ đi cất, xong xuôi, chiếc bụng nhỏ bắt đầu biểu tình kêu lên ọt ọt. Chàng khờ đang định quay vào siêu thị tìm món gì đó lấp đầy dạ dày thì bỗng nó thấy một xe bò bía vụt qua.
- Bò bía đây, bò bía thơm ngon bùi béo nào!
Lâu lắm rồi Cường không được ăn món này, nghe tiếng rao, cơn hảo ngọt lập tức xuất hiện. Thế là cậu ấm vịn vào lan can bao quanh khu vực gửi xe nhảy phốc một cái ra ngoài, ba chân bốn cẳng chạy theo chiếc xe bò bía.
- Bác bò bía ơi đợi tí, bác bò bía ơi!
Cường vừa chạy vừa hét, thế nhưng đuổi mãi tới con ngõ nhỏ dẫn vào khu dân cư kia thì nó mới bắt kịp chiếc xe hàng. Bác bán bò bía có lẽ tuổi ngoài năm mươi, gương mặt khắc khổ nhưng nhìn nụ cười hiền lắm. Bác xin lỗi Cường vì thính giác không được tốt, hỏi nó muốn mua mấy cái. Chàng khờ nghe xong bèn lẩm nhẩm tính, nhà năm thành viên cộng thêm Tiểu Thư là sáu, mỗi người ba chiếc vị chi sáu ba mười tám, rồi nó chốt hai chục cái. Bác bò bía gặp được khách sộp mừng lắm, lúc gói cho Cường còn ngâm nga giai điệu gì vô cùng quen tai.
Thèm quá nên cậu ấm nhỏ ăn luôn tại chỗ. Hương vị thơm thơm bùi béo của hạt vừng đen quyện với dừa nạo và vị ngọt lịm từ những thanh kẹo mạch nha vàng óng làm mê mẩn chàng thực khách, khiến nó vừa ăn vừa phải lắc lư mới chịu.
- Cảm ơn con trai nhiều nhé! Từ sáng đến giờ bác bán ế quá, may mà trời thương cho bác gặp con.
- Trời thương cái bụng của con nên cho con gặp bác đấy hì hì… - Cường cười toe toét trả lời.
Đang hưởng thụ thì thấy cách đó không xa mọi người xúm đông xúm đỏ, có tiếng quát tháo chửi bới ầm ĩ vọng lại. Cường cau mày suy luận, tết nhất đến mông rồi còn cãi nhau chắc chỉ có chuyện tiền nong. Nó nhai chóp chép hết chiếc bò bía sau đó phủi phủi bàn tay quay qua bảo bác bán hàng:
- Cháu chạy ra kia hóng biến, bác cứ gói nốt giúp cháu nhé bác, cháu quay lại liền!
Nói rồi thằng nhóc tung tẩy phóng ngay về phía đám đông tụ tập, chưa chen vào được nhưng đã kịp nghe mấy người vòng ngoài xì xào bàn tán.
- Cái nhà ông Đức bà Thất này xưa có đứa con dâu xinh lắm, ngoan hiền, nhưng mà chê ỏng chê eo. Đứa dâu bây giờ nghe bảo bồ nhí giật chồng.
Bà cô áo xanh liến thoắng.
- Chứ còn gì nữa! Hai đứa cháu nội có mỗi một đứa là ruột thịt thôi, thằng lớn con chồng trước, hình như vẫn theo họ bố ruột nó.
Bà cô áo hồng nhanh nhảu đáp lại.
- Chứ theo cái nhà Thất Đức làm gì! Đó chị xem, con bé này này, con của đứa dâu trước đấy, toà xử nó ở với mẹ nhưng bố vẫn phải chu cấp. Chả biết chu cấp thế nào, lâu lâu lại thấy nó về bên này xong là á, làng trên xóm dưới nghe thấy bà Thất ông ổng chửi bới hơn loa kẹo kéo.
Cường hít thị phi ngập phổi từ hội “camera chạy bằng cơm”, đầu nó gật gà gật gù như thể đã thông suốt lắm. Chẳng những thế, thằng nhóc còn nhiệt tình tham gia luôn.
- Ủ uôi sao bà ấy chửi vậy cô?
- Xin tiền thì chửi chứ sao! Khổ thân con bé, có đợt cô nghe ông bà ý quát vọng ra tới tận đầu ngõ, bảo xin gì mà xin lắm thế, lần nào sang cũng đòi tận hai ba triệu ai chịu cho nổi. Bố sư cái loại kẹt xỉ!
Cô hàng xóm vừa kể vừa đảo tròng mắt khinh bỉ. Cường nghe đến đây thì ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại xin hai mươi ba triệu lẻ thế cô nhỉ? Xin ba chục có phải chẵn không?
- Ối giồi ôi con giai ơi, có hai triệu ba triệu thôi, đợi đấy mà vòi được chục triệu của nhà nó! Chu cấp dạng này thì đói vêu mỏ ở đất thủ đô con ạ. Mà thôi chả dây, đợt trước cô mày mới nói mấy câu bênh vực đứa cháu ruột thừa kia xong bị nhà nó chửi nguyên tuần!
Hội buôn dưa lê đang bận rôm rả thì nghe đám đông xôn xao, tiếng người can ngăn ẩu đả trộn lẫn với tiếng chửi bới. Cường vội lách mình chui lên hàng đầu để hứng góc nhìn toàn cảnh. Đập vào mắt nó là một gia đình có năm thành viên gồm một cặp già khú đế, một cặp chắc ngoài bốn mươi và một thiếu nữ. Mồm to nhất phải kể đến bà vận áo chim cò trông rất đồng bóng. Bà này chỉ tay thẳng mặt cháu gái rồi mắng sa sả những câu cực kỳ không hay. Người phụ nữ trạc tuổi mẹ Thanh bước lên ra vẻ can ngăn nhưng thực chất lại thêm dầu vào lửa:
- Thôi bà ạ, bên đấy neo người không có điều kiện dạy dỗ cháu nó đàng hoàng, chưa kể cái tính vật chất di truyền từ mẹ thôi mà, chẳng trách được!
Cô cháu gái mặc áo khoác xám với mũ che đầu đứng quay lưng về phía Cường nên nó không nhìn rõ mặt, chỉ nghe âm thanh cứng rắn vang lên:
- Dì ngậm cái miệng bẩn thỉu vào đi, ai cho dì xúc phạm mẹ tôi? Dì được dạy dỗ mà dì lại bò lên giường của người đã có vợ à? Nhà dì lắm tiền nên dì không ham vật chất chỉ ham của lạ thôi nhỉ?
Chát!
Người phụ nữ được gọi là “dì” chưa kịp phản ứng thì một cái tát đã giáng thẳng xuống gương mặt của cô gái mặc áo xám khiến cô loạng choạng ngã khụy xuống đất, mũ trùm đầu rơi ra để lộ búi tóc đen huyền cố định bằng bút bi xanh.
Giây phút ấy, tim Cường đập hẫng một nhịp.
- Mày ăn nói mất dạy như thế đấy hả?
Người đàn ông trung niên chỉ tay vào mặt con gái, mắt trợn trừng vẻ không vừa lòng.
- Tôi mất dạy thì hạng mèo mả gà đồng cướp chồng bỏ vợ gọi là cái gì?
Bị đánh mắng trước sự chứng kiến của bao nhiêu người, cô gái nọ lập tức vùng lên phản kháng.
- Mày… Mày móc mỉa ai đấy? Đã thế tao phải dạy dỗ lại mày!
Dứt lời, ông ta bèn giơ cao tay muốn giáng thêm một đòn nữa. Cô gái nhỏ không tránh mà chỉ nhắm mắt. Coi như cái tát vừa rồi trả hết công ơn sinh thành, cái tát này sẽ để báo đáp số tiền chu cấp ít ỏi em đã nhận được trong mấy năm qua. Sau đó, em sẽ chẳng còn nợ nần gì họ. Tiếng bạt tai tiếp tục vang lên chát chúa, đám đông xung quanh bắt đầu lao xao.
Nhưng lạ ghê, Thư không cảm thấy gì cả.
Em chầm chậm mở mắt ra nhìn, phát hiện trước mặt là một bóng lưng quen thuộc.
Bóng lưng ngày ấy đã cứu mạng em.
- Ôi thần linh ơi, quả ava đẹp nhất vũ trụ của con… - Cường xuýt xoa cảm thán - Chú đánh quân thù hả chú? Cháu thấy chỉ có đánh giặc người ta mới dùng lực như vậy thôi.
Người đàn ông lập tức khựng lại nhìn Cường sửng sốt, chẳng hiểu thằng nhóc rạch giời rơi xuống này là đứa nào mà lại hiên ngang chõ mũi vào chuyện gia đình ông ta. Bà Thất đồng bóng thấy thế bèn trỏ ngón tay về phía thiếu gia sau đó quát lên:
- Thằng ranh con láo lếu! Bố mẹ mày dạy mày ăn nói hỗn hào như vậy với người lớn à?
Chàng khờ nghe xong bỗng dưng bật cười, nó nhướng mày rồi nhún vai đáp:
- Cháu chưa văng tục câu nào luôn ấy, chẳng hiểu hỗn ở đâu nữa? Phải không ạ các cô chú bác anh chị xung quanh?
Đám đông lập tức tán thành khiến cho bà Thất càng thêm cay cú. Bà ta quay sang văng đủ thể loại với toàn bộ người có mặt lên tiếng giúp đôi bạn trẻ.
- Việc nhà chúng mày à mà chõ mõm vào bênh, cút ngay! À ghê, đòi báo chính quyền cơ đấy! Giỏi báo đi, tao dạy cháu tao còn phải xin phép chúng mày nữa chắc? Này này lão kia, lão gọi ai là “con khọm già”? Cút khẩn trương! Tin tao xắn váy tao chửi từ đầu đến cuối gia phả nhà chúng mày không? Nào thích bênh không?
Cường chưa bao giờ chứng kiến một ai ngoa ngoắt giống như bà Thất, nó cũng chẳng thèm nhiều lời, chỉ lặng lẽ giơ cánh tay phải ra chắn cho Thư. Cô gái nhỏ xót lắm, vừa rồi người thương đã lĩnh giúp em cái tát thứ hai, so với cú đánh ban đầu giáng lên mặt em chắc chắn đau hơn rất nhiều. Nàng thơ bé bỏng muốn lên phía trước xem thử anh có sao không, nhưng chưa kịp làm gì hết đã thấy bà Thất quay sang chỉ vào hai đứa tiếp tục mắng vốn:
- Còn con Thư, ngoan ngoãn gì cái ngữ mày, giống y hệt mẹ mày ý… Á à tao biết rồi, mày quen thằng này đúng không? Mày lôi nó đến chửi bố chửi dì chửi ông chửi bà phải không? Tao biết ngay mà, mẹ nào con nấy, tí tuổi đầu đã biết mơi trai, sắp sửa lại ễnh bụng ra…
Bà nội Thư chỉ tay về phía cháu gái rồi tuôn một tràng đay nghiến. Chưa đã, bà lại quay qua chì chiết con mình:
- Nhìn kỹ chưa? Gen của mẹ nó đấy. Ngày trước tao đã bảo rồi, con Thanh bẫy mày để vào cái nhà này thôi. Loại nghèo kiết xác vớ được mỏ vàng chả cắn không nhả…
Nói đến đây, đột nhiên bà Thất liếc Cường một lượt từ trên xuống dưới sau đó nhếch mép để lộ nụ cười hợm hĩnh:
- Cả thằng oắt con này nữa, trông quần là áo lượt thế kia chắc cũng khá giả đấy nhỉ? Liệu hồn mà tránh ra nhé, kẻo nó đào hết của nả nhà mày lại trách bà không báo trước!
Chưa đầy một phút, người phụ nữ lớn tuổi đã viết xong cuốn kịch bản đậm đà thị phi ụp thẳng lên đầu hai đứa. Cường cảm thấy vô cùng ngạc nhiên trước trí tưởng tượng phong phú đáng nể của bà, nó hỏi:
- Uầy, bà nhìn là biết luôn ạ? Bà có tuyệt kỹ hả bà?
- Hừm, dĩ nhiên rồi! - Bà Thất hếch mặt lên trời ra vẻ ta đây.
- Tuyệt kỹ ấy chắc chắn mang tên “Độc địa thần công điêu ngoa chưởng”. Bà là chưởng môn của “Dựng Chuyện Phái”, địa bàn đặt tại trang An Lạc con-phét-sần đúng không? Cháu biết ngay mà, chiêu thức thêu dệt đúc từ một khuôn, nhưng bà nhỉnh hơn cái tụi đơm đặt trường cháu quả áo chim cò.
Khán giả xung quanh cười như nắc nẻ trước màn “định danh” của Cường. Bà Thất nghe hiểu được mỗi mấy khúc “độc địa, điêu ngoa, thêu dệt” nhưng cũng đủ tăng huyết áp. Bà run rẩy chỉ tay vào mặt cậu ấm lắp bắp:
- Mày… Mày…
Dì Ngọc - mẹ kế của Thư thấy vậy vội vã chạy tới nói giọng hoà giải:
- Thôi thôi bà ơi, bà chấp bọn trẻ làm gì!
Dứt lời, dì ta lại quay về phía con chồng sau đó chép miệng quở trách nhưng bằng lời lẽ kín đáo hơn hẳn:
- Được rồi được rồi, để dì cho con tiền. Bố con dạo này làm ăn không tốt, anh Dương với cả bé Nga vẫn đang phải nợ học phí kia kìa… Kinh tế bây giờ khó khăn, con vòi tận năm triệu liền nhà mình đào đâu hả con? Thôi ở đây dì còn triệu rưỡi con cầm tạm nhé!
Người phụ nữ rút ba tờ năm trăm nghìn ra khỏi túi xách, định đưa tới trước mặt Thư thì đúng lúc ấy cô con gái út ở đâu mới về, rẽ đám đông lao vào giật lấy:
- Sao mẹ lại đưa nó tiền? Bố ly dị mẹ nó rồi mà, cung phụng gì lắm thế?
- Toà yêu cầu bố con phải chu cấp cho chị Thư đến năm mười tám, đấy là trách nhiệm…
Dì Ngọc thở dài làm bộ hết cách. Cô con út nghe xong, mắt trợn lên giãy đành đạch:
- Con không biết, bảo nó ra toà mà đòi, kệ nó chứ… - Nga bĩu môi liếc xéo chị gái cùng cha khác mẹ rồi ngay lập tức đổi giọng - À mẹ ơi, cái laptop hôm qua mẹ mua cho con, sáng nay học thêm buổi cuối trước khi nghỉ tết nên con đem khoe mấy đứa bạn thân xong rồi chẳng may… con đánh đổ nước vào bàn phím nên nó bị sao ấy mẹ…
- Ôi thần linh ơi, không có tiền đóng học nhưng có tiền mua laptop!
Cường khó chịu cái cách mà gia đình này hắt hủi người thương của nó vô cùng, lập tức “đá” vào hội thoại giữa mẹ con họ. Em gái Thư trông thấy chàng trai lạ mặt chắn ở phía trước bảo vệ chị mình thì tức giận lắm, nhỏ xoay tấm thân ục ịch vẫn mặc đồng phục qua đối diện với thiếu gia rồi nói:
- Liên quan gì đến anh? Anh là ai? Người yêu con Thư chứ gì? Có tiền thì chu cấp cho nó đi đừng để nó sang vòi vĩnh bố mẹ tôi nữa!
- Uầy, đợi mãi mới nghe được câu hợp lý!
Cường bật cười vỗ tay bộp bộp. Nó cúi xuống nhìn vào con nhỏ sở hữu gương mặt tròn ủng cùng với kích thước dài rộng ngang nhau, liếc đọc biển tên trên áo bà trẻ khó ưa sau đó nhướng mày:
- Đúng là anh chẳng liên quan gì đến cô nương, nhưng có vẻ mỹ danh trên áo cô nương cũng vậy…
Em gái Thư tên Hồ Thiên Nga, một mình nhỏ nặng bằng ba Hồ Thiên Thư cộng lại. Thằng nhóc chẳng ưa cái sự ngoa ngoắt sao y bản chính từ bà nội áo chim cò của con bé đứng trước mặt, bởi vậy chàng khờ bật luôn chế độ chọc ngoáy.
- Thiên Nga này muốn bay chắc phải dùng đến động cơ phản lực.
- Anh… Anh… Hu hu mẹ ơi người yêu con Thư nó bắt nạt con…
Cường nghe cụm “người yêu con Thư” khoái quá bèn bảo:
- Ê này anh thích khúc giữa ấy nhắc lại đi!
- Á hu hu…
Cô em gái ôm ghì lấy mẹ khóc to hơn nữa. Dì Ngọc thấy vậy vội vã trấn an Thiên Nga rồi bực dọc nói mát mẻ thằng ranh lạ mặt và đứa con chồng.
- Xúm vào xỉa xói người khác không biết xấu hổ!
- Cô ơi cô có tư cách bảo thế sao cô? Vậy gia đình vừa làm những gì với bạn của cháu? Vuốt má yêu thương phong cách boxing? Dạy dỗ theo kiểu đặt điều đơm chuyện?
- Cậu…
- Ca dao nói cấm có sai: “Mấy đời bánh khúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng.”
Cường tranh thủ “đá” thêm một câu văn vở nó mới học được. Đám đông vây quanh đột nhiên vỗ tay ầm ầm kèm theo tiếng cười nghiêng ngả. Ai đó nhanh nhảu chêm vào:
- Nói hay quá cháu ơi nhưng mà “bánh đúc” nha cháu!
Chàng khờ chưa kịp lấy le đã bị bóc sai kiến thức, xấu hổ quá vội vàng quay lại kéo cô gái nhỏ rời đi. Bước ngang qua chỗ bố Thư, chợt nhớ đến cái tát vừa rồi nên Cường lập tức dừng chân dõng dạc nói với ông ta:
- Chú ạ, cháu không biết bố chú dạy chú thế nào, nhưng bố cháu dạy cháu đàn ông đích thực không đánh phụ nữ, đánh bằng cánh hoa cũng không. Vậy mà chú đánh con gái của mình đau hơn đánh giặc. Cháu sẽ không kiện chú tội hành hung trẻ vị thành niên, nhưng cái tát lên mặt cháu vừa rồi ấy, cháu coi như nhận chuyển giao quyền chu cấp ạ.
Dứt lời, thằng nhóc nắm tay người thương bước ra khỏi chốn tạp nham. Thư chẳng nói gì cả, em lặng lẽ để cho thiên thần bảo hộ dẫn đi, trái tim nhỏ ngọt lịm như được ngào đường. Từ khi có nhận thức, khoảnh khắc này khiến em cảm thấy an toàn hơn bao giờ hết.
Ngay lúc đó, Võ Cao Cường đang nhảy hip hop khoảng chừng ba vạn tư thế trong não.
Đây rồi! Cuối cùng! Sau bao gian nan nằm gai nếm mật thì chàng binh bét đã giành thắng lợi đầu tiên. Chiến công này xứng đáng ghi vào gia phả để con cháu nó đời đời noi theo, tạm đặt cho thành tích hiển hách số một cái tên “nắm tay lãng mạn quả cảm”.
Há há, nào đi tắm phải bọc lớp biểu bì lại kẻo trôi hết hương của nàng!
Ra khỏi con ngõ nhỏ, đột nhiên Thư kéo thằng nhóc dừng lại trước quán đồ uống vỉa hè. Em chạy tới hỏi xin bà chủ mấy viên đá lạnh, bọc vội vào chiếc khăn tay vẫn luôn mang theo bên mình rồi nhanh chóng quay trở về chỗ Cường đang đứng. Sau đó, em nhẹ nhàng áp “túi chườm” lên phần má bắt đầu sưng đỏ của người trong mộng.
Giây phút ấy, chàng khờ suýt nữa quên luôn cách thở.
Chẳng phải sung sướng gì hết, nó phát hiện khoé môi của em chảy máu.
- Kệ tôi đi, mặt tôi dày lắm. Chườm cho Thư trước đã!
Nói xong, thằng nhóc định lấy “túi chườm” để chữa vết thương giúp cô gái nhỏ, thế nhưng bọc đá vừa tới tay nó thì Thư lập tức lùi lại. Em tránh ánh mắt đau đáu đang dán vào vệt màu đỏ trên môi của mình, lạnh lùng đáp:
- Tôi không sao.
- Thư có sao, để tôi chườm cho Thư!
- Đã bảo không sao mà!
Thiếu nữ buột miệng to tiếng, nhìn nó bàng hoàng em mới nhận ra mình đã lỡ lời.
- Thư có biết là Thư đang chảy máu không?
Cô gái nhỏ tròn mắt kinh ngạc. Vội quẹt tay lên miệng kiểm tra, thấy chất lỏng đỏ au dính vào da thịt thì em mới biết môi mình bị thương. Lạ thật, tại sao nãy giờ chẳng đau chẳng đớn, đến lúc anh chỉ ra lại bỗng nhói buốt cơ chứ?
- Rách chút thôi, mai mốt nó tự khỏi.
- Để tôi chườm đá cho!
- Không cần đâu!
Cường vừa định bước lên lần nữa thì Thư đã toan lùi lại. Nàng thơ quyết giữ khoảng cách làm cho lồng ngực chàng khờ nhức nhối khôn tả. Nó cười chua chát rồi buông một câu xé lòng:
- Thư đến xin tiền để trả lại tôi đúng không? Nhận đồ của tôi khó chịu thế sao?
- Không phải, không liên quan đến Cường. Tôi chỉ…
Thằng nhóc bắt đầu suy diễn linh tinh khiến Thư bối rối. Em muốn giải thích cho rõ ngọn ngành, thế nhưng nhìn vết hằn đỏ chình ình trên má chàng thơ em lại thấy mình xứng đáng bị ghét. Tại em mà anh phải lĩnh cái tát oan uổng. Tại em mà anh có thêm lằn sẹo ở chân. Tại em mà người con trai sở hữu nụ cười rạng rỡ đã rơi nước mắt.
Tại em hết.
Cường càng tốt với em bao nhiêu, em càng thấy bản thân không xứng với anh bấy nhiêu. Chẳng riêng gia cảnh, mà là mọi thứ.
“Cần phải chấm dứt chuyện này!”
Nghĩ đến đây, cô gái nhỏ ngẩng đầu nhìn thẳng vào đôi mắt biếc đẹp đến nao lòng của nó, dứt khoát nói:
- Cảm ơn Cường đã giúp đỡ tôi, nhưng hoàn cảnh của tôi phức tạp, giúp như vậy đủ rồi. Đừng lại gần tôi nữa, tôi không muốn tổn thương ai cả… Hy vọng Cường hiểu cho tôi!
Sau khi cúi người thay thế lời chào từ biệt, Thư xoay lưng bỏ đi theo một hướng khác. Em tự nhủ phải bước thật nhanh, thật nhanh…
Trước lúc mặt nạ thủy tinh tan biến.
Cường trông theo bóng lưng mảnh khảnh của em tiếp đó di chuyển ánh nhìn xuống chiếc khăn trắng bọc những viên đá lạnh buốt mà em để lại. Nước từ khăn nhỏ lên mặt đường từng giọt chầm chậm ngỡ như mắt ai đang khóc. Đôi mày rậm hình kiếm nhíu chặt, rồi thằng nhóc rút soạt điện thoại ra khỏi túi quần, ngón tay dài thoăn thoắt bấm số.
- A lô Cu à? Anh lên cung trăng cất đồ hay sao mà lâu thế hả…
Mẹ Thanh vừa nghe máy vừa bỏ túi nấm vào trong giỏ hàng, chưa kịp mắng thì chàng quý tử đã báo có việc khẩn cấp nên phải đi trước.
- Việc gì mà gấp? Anh đi đâu?
- Đuổi theo định mệnh ạ.
- Cái…?
Chẳng để mẹ hỏi thêm, cậu ấm nhỏ vội vã cúp máy rồi lặng lẽ rảo bước sau nàng thơ của nó. Chỉ hoàng tử trong truyện cổ tích mới làm mất dấu Lọ Lem mà thôi. Cường tuyệt đối không chọn phương án bỏ mặc em ấy tự xoay sở đâu. Lỡ như em nghĩ quẩn thì sao?
Nó sẽ ân hận cả đời.
Đừng lại gần em nữa?
“Gần” là mấy xăng-ti-mét cơ? Đề-xi-mét? Mi-li-mét? Câu này tối nghĩa quá, không thích hiểu!
Nói tóm lại, kháng chiến vẫn còn trường kỳ.
…
Cũng vào lúc đó, bác chủ xe bò bía đang kiên nhẫn đợi thiếu gia quay về. Cầm tờ tiền hai trăm mới cứng nó đưa, bác tặc lưỡi lẩm bẩm:
- Quái nhỉ, hay hóng chuyện xong quên mất rồi?
Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!
Bình luận
Chưa có bình luận