Trước sân nhà nội có một cây bàng cổ thụ. Lúc nhỏ, Ninh chỉ có thể từ phía dưới ngước nhìn cành cây chắc khỏe to hơn bắp chân người trưởng thành. Những chiếc lá xanh mướt, tán lá rộng lớn che ngợp bầu trời. Trong mùa mưa bão, lá và trái bàng rơi phủ hết đường. Mà cây bàng vẫn đơm hoa ra trái, còn tươi mới hơn ngày hôm qua.

Ninh buồn rầu quét sân với chú bảy, mỗi mùa mưa đều phải lặp lại công việc nhàm chán này. Ninh ước có một trận gió lớn có thể bứng gốc cây bàng đi, như vậy thì không cần quét nữa. Chú bảy tức giận gõ đầu cậu, chú chỉ vào bộ rễ to lớn nhô ra khỏi mặt đất của cây bàng. 

- Rễ này đã ăn sâu xuống đất, không ngã được đâu con.

Chú bảy của Ninh là một chàng thôn quê chính hiệu, làn da rám nắng với đầy rỗ trên mặt. Khác hẳn với ba Ninh, người luôn theo đuổi vẻ ngoài bóng bẩy, chú lại giản dị và chân chất.  Ấy thế mà ba Ninh mất sớm, chính chú bảy là người dạy cậu nhiều bài học quý giá. 

Khi Ninh chuẩn bị vào lớp một, mẹ Ninh lấy sách ra muốn kiểm tra con mình, bà chỉ vào từng chữ hỏi Ninh là chữ gì, Ninh trả lời răm rắp. Nhưng khi bà yêu cầu Ninh đánh vần chữ "bò” thì cậu mãi không làm được.

- Bê. - Mẹ Ninh tức giận ngồi kế bên, chỉ vào chữ "b" trên sách. Rồi bà chỉ vào chữ "o" - O.

- Con đánh vần cho mẹ nghe nào! - Mẹ Ninh nói, giọng bà có chút đanh thép, vì dạy mãi mà Ninh không hiểu. 

Ninh lúc này đã mặt mèo mếu máo, áp lực từ mẹ làm cậu càng mất tập trung. Cậu ngồi ở đó gục đầu xuống, dáng vẻ tội nghiệp khiến chú bảy phải qua cứu giúp.

- Chị dạy Ninh thế này là không đúng. – Chú chỉ vào chữ "b" trên sách. – Chữ này đọc là bờ, không phải bê. Bờ o bo quyền bò.

Ninh mừng rỡ đọc theo, lại nghe mẹ mình lầm bầm:

- Có chữ bò mà đánh vần mất cả tiếng, đần quá.

Nét vui trên mặt Ninh tắt ngủm. Chú bảy nhíu mày. Chú không thích cách mẹ Ninh dạy con, bảo:

- Chị. Đánh vần là căn bản của việc học tiếng việt. Chị đọc như tây vậy đố ai học được. Trên đời này không có ai tối dạ cả, chỉ có người dạy không có kiên nhẫn thôi.

Ở khoảnh khắc đó, Ninh thấy chú còn oai vệ hơn siêu nhân điện quang. 

Song Ninh càng lớn, cậu bắt đầu để ý ánh mắt của người khác với mình, ấn tượng về chú đã thay đổi. Khi Ninh học ăn mặc thời thượng hơn, chú vẫn mặc những chiếc áo sơ mi cũ, quần tây rộng thùng thình. 

Một lần cậu và bạn bè ăn mì nóng với uống trà đá, bị chú bảy bắt gặp. Chú mới nhắc nhẹ ăn vậy sẽ hư răng, Ninh đã thấy xấu hổ với bạn. Cậu bĩu môi, lầm lì khó chịu ra mặt.

Chú bảy cũng không giận. Trước mặt Ninh, chú gắp một viên bi đưa vào lò đốt củi, hơ nóng viên bi trong đó một lát rồi gắp ra. Chú chỉ vào viên bi đã chuyển sang màu đỏ, bảo:

- Đây là răng của con khi ăn đồ nóng.

Rồi chú thả viên bi vào ly trà đá của Ninh. Cậu liền nghe được tiếng nứt giòn tan, âm thanh như viên kẹo bị nhai nát trong miệng. Lúc chú bảy gắp viên bi ra, Ninh tròn xoe mắt nhìn viên bi bị mẻ mất một khối. 

Từ đó về sau, chú bảy không còn thấy Ninh ăn đồ nóng lạnh cùng lúc nữa.

Lên cấp hai, Ninh học thêm tiếng anh ở chỗ cô Thùy, cô là giáo viên dạy tiếng anh trực tiếp trên lớp của Ninh. Nhà cô mở quán nhậu, chỗ dạy thêm nằm sát bên. Nhóm học thêm của Ninh có hơn hai chục người. Ninh thường chọn bàn gần bảng để dễ nghe giảng. Mỗi lần nhìn bàn cuối cách mình sáu bảy mét, Ninh tự hỏi những bạn ngồi cuối có nhìn thấy không, nhưng có vẻ chúng không xem đó là khó khăn.

Con nít con nôi nghịch ngợm, lại toàn bạn bè cùng tuổi, mặc kệ quen không mấy phút sau đã thành anh em rượu chè, ôn chuyện trên trời dưới đất khiến lớp học ồn như cái chợ. Đến khi cô Thùy bước vào phát đề, chúng nó mới chịu yên tĩnh. Ninh chưa kịp bắt đầu giải đề, cô Thùy bỗng hỏi:

- Nhà cô bán nước ngọt, trà đường. Mấy đứa uống gì không?

Ninh sửng sốt, thấy bạn bè nhanh nhảu gọi này gọi kia, cậu cũng gọi một ly trà đường. Cô Thùy ghi lại yêu cầu của mọi người, cô rời đi một chốc rồi quay lại với một rổ nhựa đựng nước và phân phát cho mọi người. Làm xong hết, cô sửa bài. 

Dù Ninh cố tập trung chép bài đến mấy, cậu cũng không thể làm ngơ tiếng nói chuyện inh ỏi của các bạn. Từ lúc cô Thùy hỏi tụi nó uống gì, chúng nó đã xem nơi này là quán nước, không còn tiết chế nữa. Cô Thùy vẫn thản nhiên giảng bài như không bị bên này ảnh hưởng, lâu lâu cô lại yêu cầu học sinh im lặng mà cũng chẳng có tác dụng gì.

Tốc độ sửa đề của cô rất nhanh, bốn mươi câu cô chỉ dùng mười lăm phút. Ngay lúc cô sửa đề xong, mọi người đã thu dọn vở chuẩn bị ra về. Một tiếng ba mươi phút, thời gian phát đề và giảng mới hai mươi phút. Hơn một tiếng còn lại, chúng nó cũng chẳng tập trung. 

Ninh chỉ định học thêm tiếng anh và toán, môn toán cậu muốn học thêm thầy cô dạy trực tiếp. Nhưng cô ba lại bảo:

- Chú con dạy toán cấp hai mà, học đỡ tốn tiền.

Ninh rất muốn từ chối, lại không sao mở lời được. Trường Ninh học ở mặt tiền ngay quốc lộ, giáo viên toàn người có chuyên môn cao. Trong khi chú bảy dạy môn toán cho một trường cấp hai sâu trong kênh đào, trước giờ chưa dạy thêm cũng chẳng có tiếng tăm gì mấy. Bản thân cậu đã dở môn toán còn học chú bảy nữa coi như xong. Nhưng cô ba đã nói vậy, cậu chỉ đành rủ rê thêm bạn bè vào, lẹt đẹt gom được bốn người.

Buổi học đầu tiên, chú bảy mở sách giáo khoa, lấy một bài toán mà bốn đứa đã làm một lần trên lớp. Ninh hí hửng xung phong lên giải bài tập. Trên tấm bảng cũ kĩ, cậu nắn nót nét chữ, trình bày một bài giải trông đẹp mắt.

Sau đó, chú bảy bảo cậu giảng lại bài cho các bạn. Ninh sững người một chốc, lát sau mới lắp bắp:

- À... cái này... trừ cái này... nên chuyển qua... trừ tiếp...

Ninh cảm giác miệng mình dính lấy nhau, chẳng biết dùng từ nào hợp lý, khó khăn lắm giảng đến hết bài, chú lại bảo:

- Con nói vậy mấy bạn không hiểu đâu. Con nên giải thích áp dụng công thức định lý nào. Giảng tới đâu lấy phấn chỉ đến đó. Con thử giảng lại đi.

Dù Ninh hơi lúng túng, song có lần đầu, cậu đã mạnh dạn hơn hẳn.

- Phân số này là, là số trừ. Số trừ chuyển qua dấu bằng vẫn là số trừ. Ờ, rồi hai phân số cùng mẫu lấy tử trừ tử.

Ninh dùng phấn khoanh tròn rồi chú thích từng con số, chẳng mấy chốc, bài giảng đẹp mắt của cậu đã bôi đầy những ký hiệu, nhìn rối mắt lại ý nghĩa hơn nhiều. 

Chú bảy mỉm cười, hình như rất hài lòng.

Giảng xong, Ninh thở phào nhẹ nhõm. Tiếp đó các bạn cậu cũng lần lượt lên làm bài tập trên bảng rồi giảng lại. Ninh thấy khó hiểu, những bài này các cậu đều làm rồi, sao chú còn bắt làm lại còn giảng giải nữa làm gì, thật phí thời gian. Không những thế những buổi học sau đó, cả một tiếng rưỡi chú bảy thường chỉ cho làm mấy bài cơ bản, thời gian đều tốn ở lúc bọn Ninh giảng bài rồi nghe nhận xét của mọi người. Có một bạn không kiên nhẫn đã bảo:

- Lớp thầy Toàn một buổi giải cả chục bài, tụi mình có mấy bài đó làm tới làm lui chừng nào giỏi?

Thế là qua hôm sau, cậu ta chạy sang lớp thầy Toàn, giờ còn ba thằng lẻ loi. Ninh liếc trộm chú bảy, thấy chú không nói gì vẫn tiếp tục giảng bài như thường, cậu bỗng thấy tiếc cho chú, lại tức giận chú không chịu thay đổi.

Ninh từng nghe cô ba bảo tính chú thật thà quá, không biết dụ dỗ học trò học thêm. Giáo viên môn toán hay tiếng anh rất được phụ huynh hoan nghênh, thầy nào thầy nấy một ngày ba bốn ca, “đắt khách” hơn cả nghệ sĩ. Chú thì tới giờ vẫn đang loay hoay với việc dạy, không có thành tích cũng chẳng nhiều tiền. 

Thằng bạn học thêm toán chung với cậu là Thanh, nó lại thích cách dạy của chú, nó bảo:

- Học chú mày, tao còn hiểu bài, chứ qua lớp thầy Toàn tao chép bài còn không kịp nói gì học.

Ninh tưởng Thanh an ủi mình nên không thật sự tin tưởng. Điểm môn toán của họ với mấy đứa học thêm thầy Toàn tương đương nhau nên cậu không phân biệt được sự khác nhau giữa hai cách dạy.

Không giống với suy nghĩ của Ninh, nhóm học thêm nhỏ này thành lập lâu dài. Một bài toán phân số bình thường, chú bảy có thể cho ra bảy mươi hai biến khác nhau.

Biết 1/2 số tuổi của bà cách đây 5 năm là 40 tuổi, hỏi số tuổi của bà hiện nay là?

Ninh hì hục đặt x cho ra phương trình bậc nhất, giải ra đáp án là 85 tuổi.

Chú bảy đổi 40 tuổi thành 37, còn yêu cầu suy nghĩ trong đầu trả lời ngay. Ninh là đứa có đáp án đầu tiên, chú khen y giỏi, rồi tiếp tục sửa 1/2 thành 1/3. Ninh cũng lập tức có đáp án, nhưng lần này cậu chần chừ không nói, vì đáp án số thập phân sao có thể là số tuổi. Thế là bị Thanh giành trước. Ninh lúc này mới khẩn trương, bắt đầu tập trung vào con số thôi. Ninh học thêm mà cứ ngỡ mình đi thi Rung Chuông Vàng, đua nhau ra đáp án. Dù vậy, cậu thấy khá hào hứng, khiến cậu dần mong chờ buổi học sau.

Bọn Ninh dần hưởng ứng với cách dạy của chú bảy. Mỗi lần thằng nào làm bài xong, Ninh thấy đáp án nó không giống với mình sẽ nghiền ngẫm lỗi sai của nó ở đâu rồi nhận xét. Cậu bạn đó cũng ngay lập tức phản bác lại, hai đứa cãi nhau chí chóe, lớp ồn ào nhưng cái ồn của nó khác và tất cả phải kết thúc khi chú bảy chốt lại.

Thành tích môn toán và tiếng anh của Ninh đều rất tốt, thậm chí môn anh còn nổi trội hơn. Năm lớp sáu, Ninh thi cuối kỳ được mười điểm anh và chín điểm môn toán. Kết quả đó khiến Ninh lầm tưởng một thời gian, mãi đến tận giữa học kỳ năm lớp bảy mới nhận ra vấn đề.

Mọi chuyện bắt đầu từ chia động từ "to be". Bài kiểm tra mười lăm phút đơn giản vốn không làm khó được Ninh. Song cậu mắc sai lầm nghiêm trọng khi sử dụng "is" cho "we". Bình thường cậu sẽ không chia sai, chỉ vì hôm đó cô Thùy cho sai đề. Hai vế câu, câu đầu cô dùng "Lan" làm chủ từ, câu sau cô lại đánh sai chữ "she" thành "we".

Cô Thùy cho rằng là lỗi của cô, nhưng chú bảy là giáo viên lại nhận ra cháu mình mất căn bản. Chú hỏi Ninh lúc đó cậu đã làm như thế nào. Trước ánh mắt nghiêm nghị của chú, Ninh không dám nói dối, cậu ấp úng nói thấy "Lan" là số ít nên dùng "is".

- Con không nhớ sau "we" chỉ được dùng "are" sao? Con ưu tiên chọn ngữ cảnh lại bỏ quên điều cơ bản nhất phải không? – Chú bảy chất vấn.

Ninh cái hiểu cái không gật đầu, cậu chỉ làm theo quán tính chứ không nghĩ nhiều như vậy, cũng chưa nghĩ vấn đề sâu sắc hơn. Đến khi chú bảy đưa Ninh đến chỗ giáo viên dạy tiếng anh khác. Sau một bài kiểm tra chứa toàn bẫy, Ninh đã dính không trượt phát nào, xác thực việc mất căn bản. 

Thành tích hoành tráng, những tờ bài thi điểm mười giờ lại là nỗi nhục. 

Ninh ngồi dưới gốc cây bàng, ngơ ra nhìn những chiếc lá rơi lả tả. Chú bảy bước tới khuyên:

- Không có gì phải buồn hết con. Thua keo này ta bày keo khác, con còn chưa thua cả bàn mà. 

- Tới giờ con vẫn chưa hiểu mình sai ở đâu. – Ninh rầu rĩ nói. Cậu buồn vì mình không giỏi như đã nghĩ, niềm tin về bản thân bị lung lay.

- Măng cần bốn năm để cắm rễ thật sâu mới trong vòng sáu tuần vươn thành tre. Chuyện học cũng vậy, con học cơ bản vững chắc thì đề có bẫy thế nào cũng không bẫy con được.

Ninh nhớ lại cách dạy của chú, bám sát sách giáo khoa không làm bài tập nâng cao nhiều. Từ một bài toán đơn giản, chú sẽ đổi khái niệm ở một vài chỗ, thêm bớt một vài số, bọn họ phải dùng cách khác để giải. Một bài toán mà chú biến ra hàng chục bài toán khác, chỉ vì để họ hiểu sâu sắc vấn đề. Nhiều lúc mất cả ngày cũng không giải ra được vì đề sai, chú bảy vẫn nói rằng chúng có ý nghĩa.

Ninh nhìn về gốc cây bàng, rễ cây to khỏe với nhiều nhánh. Một nhánh rễ cái phân ra hàng chục nhánh nhỏ, một nhánh nhỏ có chục nhánh nhỏ hơn. Có những sợi rễ đâm đến tường nhà nội Ninh phải dừng ở đó, nhưng cũng truyền tín hiệu về cho cây bàng để nó vươn rễ nơi khác. Chúng không ngừng lan ra ngoài, càng lan càng dính chặt với đất mẹ.

Cậu chợt nhận ra, kiến thức cũng giống như một cái cây. Nếu không có nền tảng vững chắc, những kiến thức mới học được sẽ nhanh chóng bị cuốn trôi. Ninh nghĩ về những bài toán khó mà cậu từng giải được, cậu hiểu rằng, chính những bài toán cơ bản đã giúp cậu xây dựng nên một tư duy logic, một cách tiếp cận vấn đề khoa học. Và đó chính là điều quý giá nhất mà chú bảy đã dạy cậu.

Hôm sau, Ninh nghỉ học chỗ cô Thuỳ. Từ đây, Ninh chỉ học thêm Toán chỗ chú bảy. Cậu học và ôn tập các môn khác trên sách giáo khoa, nếu cần thì mua thêm sách bên ngoài tìm hiểu hoặc lên mạng tra. Ninh chủ yếu tập trung cái cơ bản, đào sâu đục khoét đến khi kiến thức nhuần nhuyễn mới thôi. Với cách học này, Ninh trở thành học sinh xuất sắc toàn khối năm lớp bảy, lớp tám.

Ninh và Thanh học chung từ hồi cấp một đến cấp hai, năm lớp chín hai đứa vẫn học cùng lớp, môn toán do thầy Toàn dạy. Trước khi học thầy, Ninh đã nghe qua danh tiếng của thầy. Thầy Toàn gần năm mươi tuổi, hơn hai mươi năm dạy học đã đào tạo nhiều lứa học sinh giỏi, năm nào cũng ra lò học sinh giỏi cấp huyện. Phụ huynh và học sinh đều ưu tiên học thêm thầy Toàn. Nếu không có chú bảy, Ninh sẽ học thêm thầy.

Ngày đầu tiên thầy không dạy gì mà trò chuyện với học sinh suốt hai tiết. Ninh cũng không để ý nhiều, có những thầy cô đều bắt đầu kết nối với học sinh trước rồi mới dạy. Ninh ngồi nghe thầy kể những lứa học sinh giỏi được thầy dẫn dắt đạt giải nào, nhiều bao nhiêu. Ninh nhớ đến chú bảy, người vẫn chưa có vinh quang gì, cậu thở dài: Chú bảy được như thầy Toàn thì tốt quá.

Song vào buổi học sau, Ninh nghĩ mình phải suy nghĩ lại. Tiết đầu, thầy Toàn vẫn ca bài chiến tích đào tạo học sinh giỏi. Tiết hai, thầy cho mọi người chép định lý, giải bài tập được một nửa, thầy phải họp nên rời đi. 

Tới ngày kiểm tra một tiết đầu tiên, hơn một nửa học sinh đạt điểm trên tám, còn lại đều dưới trung bình. Ninh đi hỏi thăm thì biết một nửa học sinh điểm cao đều có học thêm, không học thầy Toàn thì cũng học giáo viên khác, trong đó có cả cậu và Thanh.

Sau bài kiểm tra, Ninh cảm thấy sự hồ hởi của thầy đối với cậu và Thanh, thầy đề nghị hai đứa tham gia lớp bồi dưỡng học sinh giỏi của mình, dĩ nhiên cả hai đều đồng ý. Tại lớp bồi dưỡng, Ninh gặp lại Quang - người bạn đã rời lớp học thêm chú bảy năm lớp sáu.

Quang nhiệt tình chào Ninh và Thanh, dường như chưa từng có khoảng cách giữa họ. Khi biết hai người vẫn còn học thêm chú bảy, tuy Quang tỏ vẻ ngạc nhiên. Nó kể bốn năm cấp hai đều học thêm toán chỗ thầy Toàn, thành tích xuất sắc, xem như là học sinh thầy cưng nhất. Ninh và Thanh nghe nó luyên thuyên cả buổi, cảm thán thầy nào trò nấy, cách nó khoe khoang y như thầy Toàn vậy.

Thầy Toàn dạy học sinh giỏi khác với khi thầy dạy trên lớp Ninh. Thầy chú tâm, phân tích cặn kẽ mỗi bài toán, thầy rất tự tin bảo:

- Đề thi mấy năm nay tôi đều nghiên cứu kỹ, mấy dạng đề này là thường xuyên ra nhất, các em chú ý làm dạng này nhiều vào.

Từ lúc mở lớp học sinh giỏi, thầy Toàn cũng có thêm lý do ngoài họp, thầy vắng mặt hầu hết các lớp chính, còn lấy lý do bồi dưỡng đem Ninh và Thanh ra khỏi lớp trong giờ giáo viên khác. 

Còn chú bảy biết bọn Ninh thi học sinh giỏi cũng không cố ý dạy thêm cái gì, cứ làm đâu chắc đó như thường. Đến ngày thi học sinh giỏi toán, Ninh và Thanh bất ngờ khi gặp chú bảy tại trường thi.

Thầy Toàn, Ninh, Thanh và bốn học sinh khác đại diện cho trường họ. Chú bảy và một bạn nữ tên Châu đại diện cho trường họ.

Trong phòng thi, tranh thủ trước giờ thi, Ninh và Thanh tới chỗ Châu làm quen. Ba đứa học chung một thầy nên chủ đề nhanh chóng xoay quanh chú bảy. Châu kể:

- Trước lớp bảy học thầy, tui bị mất căn bản nặng, đâm ra không thích học, vào tiết chỉ vẽ vời giết thời gian. Lúc đó thầy tới hỏi, tui cũng không giấu, rồi mấy ông biết thầy nói gì không?

Ninh và Thanh lắc đầu. Châu mỉm cười, nói:

- Thầy nói chuyện này bình thường con ơi, hai thầy trò mình học từ từ cũng có căn bản lại à. Thế là thầy kèm tui, mới có tui ở đây thi học sinh giỏi với mấy ông nè!

Ninh nghe mà kiêu ngạo phồng mũi. Thanh gật đầu tán thành:

- Tui cũng thấy cách dạy của thầy đỉnh ghê! Định lý người ta chứng minh đúng rồi, thầy còn bắt tụi mình chứng minh lại, rồi giảng lại cho thầy nghe nữa chứ.

- Giống tui ghê, thầy còn thích kể chuyện mấy nhà toán học chứng minh định lý bằng cách nào nữa kìa.

- Ủa, vậy bà cũng nghe hoài luôn hả?

Ba đứa cười đùa vui vẻ, thoắt cái đã tới thời gian thi, chúng bị giám thị sắp xếp cách nhau tới mấy bàn.

Ninh háo hức cầm giấy thi, toàn là những dạng cậu đã gặp qua, nên cậu nhanh chóng giải hết các câu hỏi trong đề. Đến câu cuối cùng thường là câu khó nhất, một bài toán hình học chứng minh hai đường thẳng vuông góc. 

Ninh chần chừ, đây là một dạng cậu gặp lần đầu. Cậu bất giác nhìn về Thanh ngồi phía trên cách cậu ba bàn. Thanh có cảm giác quay đầu lại, thấy Ninh lắc đầu với mình, y cũng lắc đầu, ý là Thanh cũng không biết cách làm.

Ninh thở dài, chỉ đành chứng minh những thứ không liên quan, rồi dùng tính chất bắc cầu kết nối chúng với nhau. Cuối cùng sau nhiều bước vô nghĩa, cậu cũng tìm được phương hướng. Ninh mừng rỡ vội vàng bắt lấy điểm sáng này, cậu dùng những thứ chứng minh được, đi một vòng lớn mới ra kết quả. Ninh thỏa mãn cười tít mắt nộp bài cho giám thị, rồi tung tăng họp bọn với chú bảy, Thanh và Châu. 

Lúc công bố điểm, tên Thanh được xướng đầu tiên, y đạt điểm tối đa. Ninh thua Thanh 0,25 điểm đạt hạng hai. Châu ở phía sau hai thằng, hạng ba. Những bạn khác chỉ lấy giải khuyến khích, trong đó có Quang, nó ngạc nhiên hỏi Thanh và Ninh:

- Sao tụi bây biết giải hay vậy, bộ làm dạng này rồi hả? 

- Đâu. Bài đó tao mới gặp lần đầu luôn. – Thanh dửng dưng nói. – Chứng minh từ từ ra thôi.

Mặt Quang tỏ vẻ không tin. Thanh hình như hiểu Quang nghĩ gì, y cười khẩy:

- Đừng nói là phải dạng làm rồi, tụi bây mới biết áp dụng định lý nha? 

Quang ngơ ra. Rồi nó cảm thấy bị khinh, tức trợn mắt:

- Chứ không phải sao? Chưa làm qua sao biết dùng định lý cho cái nào!

Thấy hai bên chuẩn bị cãi nhau, Ninh đột ngột hỏi Quang:

- Mày học định lý Pytago rồi phải không? 

Quang gật đầu, đây là định lý mà học sinh dùng rất nhiều. Ninh nói tiếp:

- Thế mày biết ông Pytago chứng minh nó thế nào không? 

Quang lắc đầu. Ninh cười nhếch mép, bảo:

- Mày học định lý, tao học chứng minh định lý. Một định lý của mày hình thành dựa trên mười bước chứng minh của tao. Nên đề có biến tấu thành một trăm dạng, tao cũng biết biến tấu cho ra cách giải khác nhau. Còn mày chỉ biết duy nhất một cách thôi. Giờ mày hiểu khác nhau ở đâu chưa?

Lúc đại diện hai trường lên nhận giải, thầy Toàn, Ninh, Thanh, chú bảy, Châu đều có mặt trên đài. Thầy Toàn rạng rỡ cầm micro giới thiệu bản thân, giới thiệu thành tích của mình:

- Hai mươi năm dạy học, tôi đã đào tạo mười bốn khóa học sinh giỏi. Suốt những ngày cùng các em vất vả chui rèn, tôi cũng cố gắng nâng cao bản thân để có nhiều kiến thức dạy lại các em… 

Thầy Toàn nói rất nhiều, từng câu chữ xúc động đến trái tim thầy cô dưới khán đài, chỉ không chạm đến lòng hai học trò “cưng”. Ninh đứng kế bên Thanh, chụm đầu nói nhỏ:

- Tự dưng tao bực mình ghê.

- Không phải một mình mày đâu. – Thanh liếc xéo Ninh.

Thầy Toàn nói xong nhường lại micro cho chú bảy. Ông ấy vỗ vỗ vai chú, như một đàn anh an ủi:

- Cậu đã làm rất tốt rồi, tại tụi nhỏ không giỏi thôi. Năm sau có lứa học sinh giỏi hơn biết đâu chừng.

Bọn Ninh ở gần nghe rõ mồn một, mặt ba đứa đanh lại, câu này xúc phạm đến những người bạn đã cố gắng hết mình. Nhưng ngay giây sau, chúng lại cười hả hê.

- Nếu chúng giỏi sẵn thì không cần tôi, chúng tự học cũng thi đạt giải thôi. – Chú bảy cười nói.

Rồi chú lướt qua thầy Toàn bước lên khán đài. Lần đầu đứng ở vị trí này nên chú bảy hơi run, thậm chí quên luôn giới thiệu bản thân.

- Đây là lần đầu học trò của tôi đạt giải học sinh giỏi. Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên dạy Châu, đứa trẻ lúc đó mất căn bản rất nghiêm trọng. Giọng chú bảy càng lúc to rõ, nói chuyện dần mạch lạc hơn. - Ngày hôm nay đứng đây là chứng minh cho sự nỗ lực của em và cả thầy. Các con làm tốt đến mức thầy không biết phải nói gì hơn.

Ninh, Thanh, Châu ngơ ngác. Lời chú bảy văng vẳng bên tai, khiến cho cả bọn thấy lâng lâng không tìm được trọng lực. Nhất là Châu, nó đã thẹn thùng cúi đầu nhìn dưới đất.

Tới phần phát biểu của học sinh, Thanh là người đạt điểm cao nhất nên y được đại điện cho ba đứa. Khi Thanh cầm micro, câu đầu tiên là:

- Em muốn chia sẻ vinh quang này cho người thầy em kính trọng nhất. 

Thầy Toàn thẳng sống lưng, cố gắng nén nụ cười. 

Ninh ngạc nhiên nhìn thằng bạn, rồi liếc chú bảy, trông chú rất bình tĩnh. Cậu đoán chú không ý thức được Thanh đang ám chỉ chú đâu.

- Người đã bồi đắp nền tảng vững chắc cho em, để em biết xem trọng những thứ nhỏ bé nhất, để từ chúng em xây dựng những điều lớn lao. – Thanh tiếp tục nói.

Trong sự quan sát của Ninh, lông mày chú bảy nhướng lên, miếng hơi hé ra, xem ra chú đã biết Thanh đang nói ai.

Trước sự vỗ tay của mọi người, Thanh cầm bằng khen đi về hướng hai thầy. Ninh và Châu cũng đi qua. Ba đứa trẻ không hẹn mà đưa vinh quang của mình ra trước mặt thầy của chúng.

Mọi người xung quanh xì xào bàn tán, mặt thầy Toàn đã xám ngắt. Nhưng bốn thầy trò không để ý, vì họ đang trân trọng thời khắc này. 

Chú bảy cẩn thận nâng ba bằng khen, sức nặng khiến chú phải gồng tay đón nhận. Mắt chú ươn ướt, giọng nghẹn ngào không ngừng cảm ơn ba đứa.

Sau lễ trao giải, Ninh đến chỗ thầy Toàn cảm ơn thầy đã bồi dưỡng bọn họ. Mặc dù thầy Toàn khó chịu, vẫn chỉ nghiêm mặt gật đầu không nói gì thêm. Ninh nhìn xung quanh thấy không ai mới nói:

- Theo em, một người thầy giỏi là người thầy biến những bạn mất căn bản có lại kiến thức chứ không phải dạy ra bao nhiêu học sinh đạt giải. Xin thầy đừng hiểu lầm thành tích của mình, thầy chỉ hưởng công lao của người đi trước mà thôi. Nếu thầy muốn chứng minh bản lĩnh, hãy nghiêm túc giảng dạy tụi em trên lớp ạ.

Nói xong, Ninh cúi đầu chào rời đi, đâu thấy mặt thầy Toàn đã đỏ chót. Thanh không biết từ đâu ra đuổi kịp Ninh, y đập mạnh vai cậu. Ninh kêu đau một tiếng, nghe Thanh bảo:

- Ngầu đó, mà mày nói vậy không sợ ổng đì hả?

Ninh nhún vai, tự tin đáp:

- Người căn cơ vững chắc không sợ nhé, có sợ cũng là kẻ mất gốc. 

Ngày hôm sau khi đi học, Ninh thấy thầy Toàn không còn cúp tiết giữa chừng, mà nghiêm túc giảng bài. Lâu lâu thầy lại liếc Ninh, cậu đều nhoẻn miệng cười đáp lại thầy.

Học sinh trong lớp đều ngạc nhiên nhìn thầy Toàn, cảm thấy thầy như bị ma nhập, nhất là các bạn học yếu. Thầy Toàn bắt đầu quan tâm khiến bọn nhóc thấy áp lực, chỉ có thể lấy sách vở ra học. Sau mấy tuần bị “dí”, thầy Toàn cho làm kiểm tra đột xuất. Lúc này, các bạn mới nhận ra rằng mình đã hiểu bài hơn hẳn trước kia, việc làm bài trở nên dễ dàng hơn. Cuối cùng, không có bạn nào bị điểm dưới trung bình. Khi trả bài, thầy Toàn cười tủm tỉm suốt tiết học, có lẽ chỉ có Ninh với Thanh mới hiểu niềm vui trong lòng thầy.

Kết quả tốt hơn kích thích sự ham học của bọn trẻ, họ chỉ là sợ cái mình không quen thuộc, nếu đã biết rồi sẽ không ngại tiếp xúc với nó. Thành tích của các bạn tăng như diều gặp gió.

Cách dạy của thầy rất khác chú bảy, bài tập nâng cao đối với thầy dễ như cơm bữa. Từ thầy Toàn, Ninh học thêm tư duy nhìn bao quát vấn đề và bắn trúng trọng tâm hơn là tìm kiếm hướng đi như chú bảy. Lúc cậu nói vấn đề này cho thầy Toàn, thầy suy nghĩ một chút rồi giải thích:

- Do chú em dạy trường nhỏ, toàn các bạn khá yếu, nên chú em mới thói quen dạy cơ bản chứ không phải không biết dạy nâng cao. 

Nghe lời này, Ninh mới vỡ lẽ, thì ra cậu đã hiểu nhầm chú bảy từ trước giờ. Ninh cũng dần hứng thú với các bài nâng cao hơn, cậu thích cảm giác không cần giải đã nhìn ra đáp án như thầy Toàn, thầy cũng vui vẻ trao đổi với cậu. Một bài toán hai thầy trò nhìn hết buổi cũng chưa nhìn ra. Cây bàng trong sân trường rơi những chụm hoa nhỏ trên vai hai người, mà cả hai chẳng mảy may chỉ tập trung giải bài toán khó.

-Hết-


Bình luận

  • avatar
    K.P

    truyện nhẹ nhàng, kết dễ thương. Cảm ơn tác giả nhiều

Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}