Điện thoại
Quất Tây bước vào nhà đúng lúc điện thoại bàn đổ chuông.
Tiếng chuông làm cô ngạc nhiên, bởi mấy năm gần đây cô chỉ dùng thư điện tử và các kênh nhắn tin riêng của cộng đồng người trong nghề để nhận việc. Chiếc điện thoại bàn này là một cỗ máy kiểu dáng xưa bằng đồng, là quà tặng khi cô hoàn tất một dự án khoảng bốn năm trước.
Công việc lúc đó là giúp một trung tâm hỗ trợ tình huống khẩn cấp tìm ra lý do vì sao họ đột nhiên không còn nghe thấy bất cứ tiếng nói nào từ đầu dây bên kia của những cuộc gọi đến. Quất Tây đặt tên câu chuyện ấy là “những tiếng nói biến mất” trong hồ sơ lưu trữ.
Trước thời điểm tiếng nói biến mất, mười sáu nhân viên của trung tâm mỗi ngày nhận hằng trăm cuộc gọi báo đủ loại tình huống: một vụ tai nạn trên ngõ ra khỏi thành phố lúc tảng sáng và không có trạm y tế nào ở gần và oái oăm thay là số cấp cứu cũng bận, một cô gái trở dạ sinh non khi đang ở xưởng may trong giờ làm việc và không có bảo hiểm y tế, một em nhỏ khóc toáng lên khi con mèo của em rơi từ ban công xuống đất mà em không biết kêu ai khi tất cả người lớn đều đang bận rộn… Những cuộc gọi được chuyển đến, thông tin được ghi lại và chuyển sang nơi có thể hỗ trợ sớm nhất. Trung tâm tài trợ một phần chi phí y tế nguồn đóng góp của mạnh thường quân. Bằng nmạng lưới rộng lớn được tích luỹ qua nhiều năm với các tổ chức chính quy và những nhóm cứu hộ tự phát, trung tâm luôn giữ mức độ hoàn thành nhiệm vụ rất cao. Hàng triệu người lưu số của trung tâm vào danh bạ, hoặc có thể hỏi tổng đài của nhà mạng khi cần kíp.
Công việc của mười sáu nhân viên là tiếng chuông chất chồng lên nhau reo vang đêm ngày, những đợt sóng âm cộng hưởng và khuyếch đại dần như những tầng nước tích tụ sức nén dưới đáy biển, dần căng phồng như một khối u. Đến một ngày, khối u đó vỡ tràn thành hồng thủy, gầm thét tràn bờ. Rồi sau đó, dẫu cho tiếng chuông còn ầm ĩ vang trời, ở bên kia đầu dây, mọi tiếng nói đều biến mất.
Nếu không nghe được tiếng kêu cứu, trung tâm này không còn lý do nào tồn tại nữa.
Quất Tây mất bốn tuần ghi chép lịch sử các cuộc gọi và phỏng vấn sâu với nhân viên và chị giám đốc trung tâm, vốn là một nhân viên công tác xã hội kỳ cựu của thành phố. Cô truy lại kết quả của các ca cấp cứu do trung tâm kết nối để xây dựng một mô hình dữ liệu không quá phức tạp về cấu trúc nhưng tốn giời gian bởi nhiều tình huống phải kiểm tra lại với đối tác hỗ trợ. Khi bảng dữ liệu hoàn thành, mọi thứ dần hiện rõ. Trong một năm trước khi những tiếng nói biến mất, số người, chó, mèo, chim, cá và mọi loại sinh mệnh chết đi sau cấp cứu với tỉ lệ mỗi lúc càng cao. Một nỗi sợ hãi dần kéo tới với nhóm trực điện thoại. Mỗi lần họ nhận xong một cuộc gọi báo tử, cuộc gọi tiếp theo bắt đầu nhiễu sóng, trục trặc đủ đường. Cho đến một ngày, không còn cuộc gọi nào có tiếng nữa.
Hóa ra, những tiếng nói không hề biến mất. Chúng bị chặn lại ngay từ lúc nhân viên nhấc máy. Một tấm vách tiềm thức ngăn cản sự tiếp nhận tín hiệu từ tai về các dây thần kinh nối vào trung khu thính giác. Bản thân cô khi thử bắt máy một cuộc gọi cũng không nghe thấy gì, bởi tiềm thức ấy không còn của riêng một nhân viên nào. Một kết giới đã được dựng lên, bao phủ khắp trung tâm. Chỉ cần ở bên trong kết giới ấy, tất cả mọi lời kêu cứu đều không đến được nơi nó cần phải đến.
Nghe Quất Tây giải thích ý nghĩa của dữ liệu xong, chị giám đốc trung tâm bần thần một hồi lâu. Quất Tây lùi lại, bước ra ngoài phòng, cho chị chút không gian riêng tư để đối diện với niềm sợ hãi. Sợ cái chết, sợ thất bại, sợ đã không làm được những điều mình được đặt lòng tin. Nỗi sợ rúng động ấy giờ đây đã hiện rõ là một tấm màn dày đặc, nặng nề phủ lên tất cả mọi người. Cuối cùng, cô để cho chị lựa chọn phải làm gì kế tiếp. Quất Tây đã đặt đúng câu hỏi. Giờ đây, để trung tâm vẫn tiếp tục tồn tại và cố níu giữ sự sống từ cái chết bủa vây, họ phải tự tìm thấy câu trả lời đúng cho chính mình.
Lần cuối cùng Quất Tây gọi thử đến trung tâm là khoảng sáu tháng trước, để báo việc cô nhìn thấy một ổ mèo con ở góc đường cạnh nhà mình, chừng như vừa mồ côi mẹ do dạo này lũ mèo hoang bị đánh bả rất nhiều. Cô gọi bằng chính chiếc điện thoại do chị giám đốc trung tâm gửi tặng như một lời cảm ơn. Chị nói, chiếc điện thoại này là của người điều dưỡng xây dựng nên trung tâm này từ thế kỷ trước. Máy móc thay đổi nhiều qua các thế hệ, nhưng số điện thoại giữ nguyên hơn một trăm năm. Dù bao cơn sóng cả nữa xô tới, chị và các bạn đồng nghiệp sẽ cố gắng để một trăm năm sau, những tiếng kêu cần được giúp ở bất kỳ đâu trong thành phố rộng lớn này đều được lắng nghe.
-
Quất Tây bước vào nhà, đặt túi cạnh trên những chồng sách ở góc tường và bước đến nhấc ống nghe của chiếc điện thoại được đặt trên sàn trống. Từ bên kia điện thoại, một giọng nữ mềm mại nhưng không nhiều biểu cảm truyền đến:
“Kính thưa quý khách, chúng tôi là trung tâm dọn dẹp nhà cửa theo yêu cầu. Chúng tôi đã nhận được thư đặt dịch vụ của quý khách. Quý khách ở ngôi nhà có cửa màu hồng thắm ở đường … phường… quận… phải không ạ?”
“Ừ là mình đây.”
“Chúng tôi đã có đội khảo sát sơ bộ trước và đã tìm ra người phù hợp với công việc dọn dẹp gọn gàng, ngăn nắp đến hoàn hảo. Quý khách có xác nhận dịch vụ không ạ?”
Đến đây thì Quất Tây sực nhớ ra mình từng đặt một dịch vụ như vậy. Nhưng đó là chuyện của hơn hai tuần trước, khi cô còn chứa đủ loại đồ vật, sách vở và thư từ trong nhà. Một buổi sáng cô nhìn lại thì nhà mình đã thành một cái kho hỗn tạp đã lâu không ai ngó ngàng đến, hoặc như một viện bảo tàng mà các bộ sưu tập mới chồng lên bộ cũ. Xuân phân sắp tới, cô cần lấy lại không gian cho mình vào thời điểm cân bằng giữa ngày và đêm. Mấy ngày trước đây, được đồng nghiệp - cũng là những chú kiến tha lâu đầy tổ như cô - giới thiệu, Quất Tây đã thanh lý hoặc tặng đi gần hết đồ có trong nhà. Đến chiếc kệ điện thoại cũng đã được chuyển đến một lớp học thiện nguyện nhỏ làm kệ đặt bút chì và đất sét. Cho nên điện thoại của cô đang được đặt trên sàn trống.
Nhà của Quất Tây không quá rộng, nhưng vì đồ đạc đã được dọn đi gần hết nên nhìn rất trống trải, ở tầng trên có ban công nên càng thinh thang. Tầng trệt là sàn nhà được lát gạch men mát rượi, những bức tường sơn màu trắng ngà sạch sẽ. Hồi mới dọn về nhà cô đã cho dỡ mọi vách tường ngăn giữa các không gian, chỉ để lại nhà vệ sinh. Trong đợt thanh lý, cô đổi tủ lạnh và máy giặt thành cỡ nhỏ hơn, dọn hết thức ăn thừa và gia vị không dùng đến, chỉ để lại một chiếc bàn làm việc thấp đang đặt máy tính cá nhân và vài quyển sổ ghi chép. Tầng trên có một gian đọc sách với ghế lười đặt bên những chồng sách cao. Cô vừa cho tháo tất cả các kệ sách tuần trước và gửi tất cả những món đồ cô không còn nhìn đến trong sáu tháng qua đến một kho hàng cá nhân mà địa chỉ ở đâu cô cũng không để ý. Ở góc kia là phòng ngủ chính với nhà vệ sinh riêng, tủ quần áo cũng vừa được dọn dẹp. Ngoài những vật dụng cần thiết nhất để sống và làm việc cùng những quyển sách hay đọc, cô trả ngôi nhà trở lại trạng thái rỗng gần như ban đầu.
À, vẫn còn rèm cửa.
Do có nhiều cửa sổ, nhà nhiều rèm đến mức đôi khi cô cũng không hiểu được. Cô đếm, nơi từng là phòng khách có hai, suốt hết tầng trệt là tám, thêm trên lầu là mười một nữa, tổng cộng đến mười chín cái rèm cửa màu hồng phai mà cô được để lại từ người chủ cũ. Khi cô vừa dọn đến, người ấy chỉ để lại một mẩu giấy nhắn tin: “Tặng bạn những chiếc rèm, hãy giặt ít nhất mỗi năm hai lần để màu đừng phai thêm. Bảo trọng và hãy sống vui vẻ.”
Sau đó, nghe đâu người ấy đi sâu mãi trong vườn đào biên viễn, rồi người ta phát hiện ra anh ngừng thở dưới một gốc đào.
Quất Tây mua ngôi nhà vì sự trống rỗng nguyên thủy của nó. Cô từng nghĩ, dần dà mình sẽ lấp đầy không gian này bằng niềm vui, trang hoàng khắp sàn, tường, kệ và kéo dài ra cả ban công bằng món đồ xinh xắn thú vị. Cô đã làm đúng như thế. Nhưng mà khi ngôi nhà càng đầy tràn, Quất Tây càng cảm thấy chênh vênh.
“… A lô, quý khách có xác nhận không ạ?”
Quất Tây hoàn hồn, “… Nhà mình hiện tại không còn nhiều thứ để dọn dẹp đâu.”
“… Sao lại vậy ta?” Người nhân viên tổng đài ngạc nhiên một thoáng rồi lấy lại bình tĩnh: “Đội khảo sát của chúng tôi báo về là lúc nhìn qua cửa sổ thì thấy nhà của chị rất nhiều đồ đạc kia mà?” Bình gốm, đĩa nhạc cổ, những tiêu bản động vật nhỏ, các loại vỏ cây và kệ đựng đầy lọ tinh dầu, những linh kiện máy móc, rất nhiều sách văn học và vật lý thiên văn, năm-sáu bộ chuông gió… và cả một khung cửi…. Chúng đâu rồi nhỉ?”
“Mình vừa bán vừa cho rồi. Hồi Chủ nhật họ đã mang chiếc khung cửi đến bảo tàng nghề dệt.”
“Vậy chị còn lại gì ạ?”
Quất Tây di di ngón chân lên sàn, cảm giác nham nhám cạ lên lớp sừng dưới ngón chân cái. “Bụi,” cô nói, rồi nhìn lên những khung cửa sổ, “Rèm cửa nữa.”
“Chị đã lau dọn nhà và giặt rèm chưa ạ?”
“Chưa, nhưng mình tự làm được, cảm ơn vì nhã ý.”
Người nhân viên trong điện thoại im lặng một lúc lâu. Quất Tây hai lần đổi tai nghe máy, nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì. Mãi một lúc, khi Quất Tây định gác máy thì có giọng nói vang lên trong ống nghe. Lần này cũng là giọng nói ấy, nhưng lại trầm thấp như đang cất tiếng gọi từ đáy sâu trong chính bản thân cô.
“Muộn rồi ạ, người dọn dẹp đã ở ngay trước cửa.”
Đầu dây bên kia chỉ còn tiếng u u kéo dài. Cô nhân viên đã cúp máy. Quất Tây “ơ” khẽ một tiếng, định thần lại. Cùng lúc đó, từ cửa nhà vang lên tiếng chuông reo. Quất Tây gác ống nghe, đứng dậy bước ra, xoay tay nắm mở cửa.
Một cậu con trai đầu tóc bù xù đang đứng ở ngoài cổng vòm, kế bên hàng rào trồng hoa dạ lý hương. Áo phông của cậu in hình hai chuỗi sóng giao nhau trong khoảng không giữa các ngôi sao, nét mực in đã bạc đi ít nhiều. Chiều dài áo trông hơi quá khổ với chiếc quần bò, khiến cậu trông còn lôi thôi hơn nữa. Trán rướm mồ hôi, cậu cố gắng nở nụ cười: “Xin chào, tôi là người giúp việc.”
“Xin lỗi, tôi vừa nói chuyện với tổng đài xong. Nhà hiện tại một mình tôi làm được rồi, nên không cần người giúp việc nữa.” Quất Tây điềm đạm nói rồi toan đóng cửa. Nhưng cậu kia vội nói thêm:
“Khoan thưa cô, tôi chưa hiểu vì sao cô đặt dịch vụ giúp việc nhà mà lại đuổi tôi đi?”
Quất Tây thở dài, “Không phải đuổi. Nhà thực sự không còn gì để cậu làm nữa. Xin lỗi cậu.”
Lần này cô dứt khoát quay trở vào trong, rồi sững lại khi nghe tiếng ục ục kỳ quặc phát ra. Cô nhíu mày rồi nhún vai vỡ lẽ, tiếng sôi bụng này không phải của cô, vậy chính là của cậu con trai đang đứng ngơ ngác ở đấy.
“Cậu đói à?”
Mâm Xôi bẽn lẽn gật đầu, từ tối qua đến giờ đã có gì vào bụng đâu. Cậu vốn định vào làm rồi sẽ xin cơm kia mà.
“Tủ lạnh to mới bán đi rồi. Tôi cũng không có gì gửi cậu ăn trưa cả, tôi gọi đồ ăn tới cho cậu và xong ở đây nhé?”
“Cô bán cả tủ lạnh à? Nhà ở thành thị sao lại bán tủ lạnh nhỉ?”
“Tôi đổi một chiếc nhỏ hơn nhiều, để nước uống thôi. Mà không chỉ vậy, tôi bán hầu hết mọi thứ”, Quất Tây vừa nói vừa mở điện thoại để gọi đồ ăn. “Nhà hiện tại trống gần như lúc mới mua, nên không cần phiền người giúp đâu. Đợi chút nhé, tôi gọi nhanh lắm.”
Mâm Xôi bối rối thực sự. Nếu không có công việc này, ngoài bữa trưa tạm gọi là thu xếp được, cậu không biết mình lấy đâu ra tiền để nuôi thân trong những ngày kế tiếp. Cậu nhỏ giọng xin: “Cô ơi, tôi không có việc cố định, cũng không có tiền. Tôi nhận được công việc này qua trạm điện thoại công cộng thì mừng lắm. Giờ cô không cho tôi làm thì tôi cũng không biết mình sẽ ra sao… Cô xem ngoài phố bây giờ có được mấy việc làm đâu?”
Mâm Xôi nói đến dòng cuối thì vừa hoảng vừa đói đến quặn thắt. Quất Tây lặng nhìn cậu. Cô phát hiện ra những đường nét xung quanh cậu trai này nhòa nhạt quá, những tầng bóng xám phủ lên cậu dày đến nỗi làm cậu mờ hẳn, chực chờ tan vào khung cảnh xung quanh. Hình hài của cậu cũng không thực sự quá liền lạc và cử chỉ của cậu cứ chập chờn như tín hiệu ti-vi nhiễu.
“… Cô thật sự không có gì cho tôi làm sao?”
Bỗng dưng Quất Tây không nỡ.
“… Tôi chưa giặt rèm cửa.”
“Tôi sẽ giặt thật sạch!” Mắt cậu sáng rỡ lên.
Quất Tây hít sâu, cuối cùng cô gật đầu, bước ra mở cổng rào để bước vào trong, nghe tiếng “ai da” rõ to khi cậu nhìn thấy sự trống trải thực thụ của không gian bên trong.
“Vì sao cô bán hết vậy?” Câu bỏ chiếc ba lô xuống sàn, mãi ngắm nhìn những vạt nắng hơi chớm ngả về chiều bắt đầu phủ lớp màu hồng cam rạng lên chỗ một bên rèm cửa.
“Nhà này ban đầu trống lắm. Rồi tôi đưa rất nhiều đồ về. Lần hồi lại thấy không cần thiết phải như thế.” Quất Tây vẫn giữ giọng điềm đạm, chậm rãi bước về phía cầu thang. Một cơn buồn ngủ bất chợt kéo đến, cô muốn ngả lưng chứ chưa muốn ăn.
“Cậu đợi đồ ăn nhé, tôi gọi tạm pizza thôi. Cậu xem nên giặt từ đâu, thiếu vật dụng gì cứ gọi cửa hàng tiện lợi ở khu phố mang đến, họ có tất cả mọi thứ. Số điện thoại là 389…. Các bạn sẽ tự ghi cho tôi. Cậu có thể lấy ghế lười trên lầu mang xuống để nghỉ ngơi nhé.”
Chân cô đã bước dần lên cầu thang, rồi cô nghe thấy từ bên dưới có giọng nói thật nhỏ nhẹ, “Tôi gọi là Mâm Xôi.”
Cô ngoái lại, mỉm cười, “Chua chua ngọt ngọt, như kẹo ha.”
“Ừ, một em nhỏ từng gọi tôi như vậy lúc tôi đang trong trạng thái lơ ngơ toàn phần, giờ đây ai cũng gọi thế.”
“Lơ ngơ toàn phần?” Cô hỏi nhỏ, không đợi trả lời. “Tôi gọi Quất Tây, cũng do nhiều người gọi thế.” Rồi tiếp tục bước đi.
Bình luận
Chưa có bình luận