Tôi từng nghĩ mình sẽ chẳng thể chịu đựng được thêm một giây phút nào nữa.
Thật không hiểu tại sao, ngay trong những giây phút bất lực và cùng cực nhất của đời mình, tôi lại cảm thấy may mắn. Ít nhất, tôi cũng đã được đến đây. Hành trình vừa qua tôi đã nhận quá nhiều yêu thương từ mọi người, chỉ tiếc rằng mình chưa thể làm gì cho họ …
Ban ngày, những cơn nôn khan kéo đến dai dẳng. Tôi chỉ mong sao cho đêm mau đến, chờ đợi khoảnh khắc ngước nhìn qua khung cửa sổ, phía bên kia là những ngôi sao lấp lánh.
Có phải sao chổi Hale-Bopp vừa bay qua?
Tôi cảm thấy có một niềm vui nhè nhẹ dâng lên trong lòng. Ngôi sao vừa ghé qua ban đầu rất mờ, rất nhạt. Nó chui qua từ một đám mây, vụt lao đi thật nhanh mang theo tia sáng và biến mất. Thứ ánh sáng mờ nhạt ấy, lướt qua vội vã đầy uyển chuyển, song cũng thật vô tình. So với những chòm sao khác, nó cũng sáng vậy thôi, chỉ là mang dáng vẻ kỳ dị hơn. Nó có thể khiến người ta liên tưởng đến chiếc đuôi của một con hồ ly, cũng có thể nghĩ về một người thiếu nữ, một nàng công chúa chưng diện chiếc váy lấp lánh sáng rực và đính đầy kim tuyến. Có khi vì đồng hồ đã điểm 12 giờ đêm, cô ta vội vã chạy về kẻo phạm phải lời nguyền.
Những giấc ngủ thường chẳng được yên lành. Trong giấc mơ thường đan xen quá khứ - hiện tại và cả những âu lo thường trực. Đầu cơn miên man, tôi thấy mình: là đứa trẻ từng sống trong sum vầy một mái nhà, là cô bé bồn chồn và lạc lõng trong lớp học. Trước hiên nhà, cô bé đợi mẹ về. Cô trộm nghe câu chuyện của những người xa lạ. Cô hàm ơn những lạc lõng, những va vấp, những tổn thương và bất an suốt hành trình tập lớn. Cô hàm ơn đồng vắng, góc vườn ấu thơ, con đường đến trường, những quán quen và chỗ ngồi thư viện. Cô hàm ơn những người bạn trò chuyện, những con kiến con sâu, những lá cỏ và con người không có thật nhưng lại rất thật và sinh động trong trang sách. Nhớ về những cuốn nhật ký cũ; những người cô an tâm bộc bạch yêu thương và cả những người đay nghiến cô. Cô hàm ơn cả những xô dạt của từ ngữ đã cùng cô bé năm ấy lớn lên và nhìn ngắm thế giới này.
Giấc mơ tưởng chừng kéo dài vô tận. Tôi sống và đi lại giữa mơ và thực. Tôi chẳng biết. Thời gian chuyển sang những năm sau. Lại đến thành phố quá đỗi tấp nập, ồn như cơn bão đổ ào ra biển. Mưa xối lên mặt, tóc, mắt và môi. Tôi lại thấy cô gái ấy lầm lũi bước, lòng quặn thắt và bí bách. Cô đi qua những ngày mưa và ngày nắng. Đã từng có những ngày mưa tháng Sáu đổ dài đổ dài thành định mệnh. Tháng Sáu năm ấy, cô hai mươi tư tuổi, khi người cô yêu bỏ lại cô một mình. Rồi những năm tháng sau này, hắn đi, miệt mài nơi phố thị xa xôi, vội vã lướt qua những căn nhà cửa sổ màu xanh kiểu Pháp xưa cũ kĩ. Cô chìm trong những ngày đi qua, ngày sau cứ thế mờ chìm trong vệt bóng ngày trước. Có phải vì hắn mà cô quên mình? Cô là ai? Cô ở đâu? Cô làm gì? Hoặc có khi hắn chẳng quên cô, chỉ là xem như chưa từng quen biết.
Cô từng là một nhà thơ. Thật ra không hẳn vậy. Có lẽ vì cô thích được gọi là nhà thơ. Nhưng rốt cuộc chỉ là “có làm thơ nhưng chưa từng làm thi sĩ”. Cô khắc giờ lên tháng ngày, chìm đắm và sợ hãi trong nỗi lo cơm áo. Có khi cả năm trời cô không viết được gì, không chạm đến giấy bút. Điều này làm cô suy nghĩ nhiều. Bi kịch cơm áo này có khác gì nỗi khổ của anh văn sĩ Hộ trong “Đời thừa” mà Nam Cao từng viết đâu? Người mà năm xưa đọc truyện, cô từng ngỏ lòng thương hại. Vậy mà giờ đây chính cô đang tự nhận mình cũng mang số phận như con người ấy thôi. Những đêm hè không tài nào chợp mắt được, cô bật người dậy, thả bộ loanh quanh khu phố. Phải như thời còn thiếu nữ, cô sẽ đạp xe đến những đoạn đường vắng - chỉ để một mình. Chốn thành thị nhốn nháo, chồng chéo, người đạp lên người, cô muốn hoảng điên. Cô đi theo sự học mà tìm đến đây như một điều phải tuân thủ vì sợ có lỗi với tuổi trẻ của chính mình. Đời cô chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện bỏ quên chữ nghĩa, cô nài xin chữ nghĩa ở lại với mình. Những giấc chập chờn, đôi ba lần thức dậy trên bàn, bút vẫn nằm ngang mặt giấy, cô và chữ thét gào mãi chẳng tròn tên nhau. Cô độc, suốt ngày chẳng nói năng gì thì tìm mình trong những vệt ngoằn ngoèo trên giấy. Vậy mà đâu lại vào đấy, giấy trắng bỏ xó cả năm trời, một phận người đã quen với cô đơn và hiu quạnh.
Tôi bật tỉnh. Những gì vừa xuất hiện giống như một thước phim chạy chậm trong giấc mơ. Chỉ riêng cô gái ấy là rất thật, dù tôi chẳng hề muốn tin. Ngoài trời đêm đen đã vơi, phía bên ngoài tấm kính là cỏ và sương e ấp. Tôi lại nhắm mắt nằm chờ đợi nhưng chẳng mong trời sáng.
Một ngày của tôi có nhiều ước muốn thật kì lạ. Tôi lạc giữa cái bối cảnh hổ lốn của khu chợ trung tâm nóng nực và bụi bặm, giữa tiếng còi xe inh ỏi và từng người đi xe máy kín đường lại thèm thuồng cái sự ngút ngàn của đồng cỏ, gió và mùi của tự do. Tôi khao khát tìm thấy một “thứ gì đó” thật nặng để lấp đầy khoảng trống của mùa xuân thiếu hụt trong mình. Còn cái đó là cái gì thì tôi cũng không thể dùng từ nào để miêu tả được. Ngày qua rồi lại qua ngày, cuộc sống là một vòng tròn không lối thoát.
“Tiếp tục thế này mãi à Diệp?” Câu hỏi nảy ra và quanh quẩn trong tâm trí tôi suốt đoạn đường vẫn đi như thường lệ. Tôi đi về hướng căn nhà của mình trong góc hẻm tối cũ kĩ và hiu hắt. Tôi cần thiết phải đưa ra một lựa chọn quan trọng. Tôi có thể thấy dòng chảy đời mình đang chạy ngược…
Nếu lựa chọn này đưa đến hạnh phúc, vậy tại sao tôi còn do dự? Suốt cả một đêm và một sáng tôi chỉ suy nghĩ về việc chuyển nhà. Tôi lại nhớ bà ngoại và căn nhà gỗ tuổi thơ. Giá mà bà còn sống và có thể ngồi bên cạnh tôi lúc này, cho tôi được cảm nhận lại hơi ấm và mùi hương quen thuộc. Giá bà đừng bỏ tôi lại một mình… Đêm ấy tôi đã không oà khóc mà hẫng lại một nhịp. Đó là cảm giác của tiếc nuối và mất mát vào cái ngày tôi xa bà, rời xa một tấm lòng rộng mở như con tàu vững chãi lưu giữ ký ức. Rời xa căn nhà gỗ chất chứa kỉ niệm, ký ức của tôi bị rơi vương vãi khắp nơi. Để đến khi lớn rồi, mỗi khi mủi lòng tôi lại cuống cuồng tìm cách nhặt chúng lại. Còn những lời bà đã nói, những gì bà từng nghĩ, những cảm giác vui sướng hay đau khổ bà từng trải qua trên hành trình sống này, những thứ thuộc về tình yêu, những thứ chưa từng tồn tại và hữu hình sẽ đi đâu sau cái chết…Lúc đó, tôi tưởng tượng chúng cùng bay lên trên thân xác của bà, quyện lại trong không khí thành một khối bụi nho nhỏ, rồi lại rơi đâu đó li ti nơi từng thớ gỗ, từng ngóc ngách của căn nhà. Và nó vẫn sẽ còn ở nguyên tại đấy. Tôi đã vượt qua phút yếu đuối của lòng mình bằng cách vẫn thường nghĩ như thế. Bà vẫn bên cạnh tôi và nhắc nhở cháu rằng vẫn cần sống thật trọn vẹn, thật hạnh phúc như năm tháng bà cháu ta đã sống. Dường như một vài phút ngắn ngủi ấy đủ để cho tôi động lực thay đổi hoàn toàn cuộc sống phía trước. Tôi nghĩ về một căn nhà mới, những con người mới sẽ gặp và cả những hạt bụi mà tôi sẽ để lại sau này...
Tôi nhắn tin cho Tiên, người bạn quê Vĩnh Long rất thân đang sống ở Đồng Phú. Tôi sẽ đến đó và thực hiện ước mơ từ lâu ấp ủ. Tôi muốn sống một cuộc sống tự do, làm nông tự cung tự cấp và nuôi dưỡng đam mê sáng tác của mình.
Hoàn tất các công đoạn và thủ tục mất của tôi hai ngày trời. Trong chiếc ba lô tôi mang theo chẳng có thứ quý hơn ngoài cuốn tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Tôi thường mở lại Nguyễn Huy Thiệp để đọc những lúc không được vui, hoang mang và vô định. Tôi hay đọc truyện của ông và sẽ còn đọc lại nhiều lần nữa. Không phải vì tôi không thích ai khác mà bởi việc này khiến tôi nhớ lại cảm giác mình từng được vỗ về thế nào, được an ủi thế nào hồi đọc truyện ông ở những năm tháng đầu tuổi 15, cũng là thời điểm sau khi bà ngoại tôi mất. Đấy có lẽ thực sự là thứ vỗ về mà giờ tôi không dễ gì cảm nhận được nữa. Tôi biết được sự vô hạn của cuộc đời nhờ trải nghiệm đứng trước sự hữu hạn của cái chết, nhưng tôi cũng sẽ còn cảm động mãi mỗi khi ông để một đứa trẻ ra ngoài cánh đồng, ra sông lớn để chứng kiến những thứ lớn lao và vượt ngưỡng. Chúng - những đứa trẻ thật bé nhỏ đang đứng trước sự choáng ngợp của vũ trụ, sự kì diệu trong từng chuyển động của tạo hoá. Và mỗi lần như thế, có lẽ ai cũng sẽ phải lớn lên, sẽ bắt đầu phải đặt những câu hỏi!
Tôi càng lúc càng rời xa dần lứa tuổi của những nhân vật mà tôi yêu thích trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp. Những gì có thể gây ngạc nhiên đang ít đi, những thứ gây khó chịu và phiền phức thì ngày càng nhiều lên. Tôi lờ mờ nhận thấy như vậy. Tôi cũng sợ, nhưng lại tự nhủ: “Nếu mày không thể nào biết sợ, mày cũng chẳng thể can đảm được”. Thật ra tôi cũng chẳng mong mình trở thành một người quá can đảm, nhưng có lẽ vẫn là một cách tốt để sống trong lúc chờ đợi sự thay đổi, một cú xoá vĩ đại của cuộc đời rồi trở thành một hạt bụi.
Hôm sau khi lên đường đến Tân Phước, tôi ngồi trên xe mà suy nghĩ miên man. Cảm giác rõ nhất có thể diễn tả là hy vọng. Tôi hy vọng sẽ tìm được một mảnh đất tốt. Tôi sẽ tìm một chỗ ở yên ổn. Rất nhiều thứ đã được nhen nhóm trong tâm trí tôi từ giây phút chuyến xe bắt đầu khởi hành:
Nghĩ thật vui được làm kiếp con người
Dừng chân sau mỗi lần kiệt sức
Nghĩ thật may được làm kiếp con người
Chẳng quan tâm nếu chọn đường dễ dàng…
Tôi đi đến Tân Phước, một xã nhỏ của huyện Đồng Phú. Tôi đã từng đến đây một lần. Thật không thể tin cách trung tâm thành phố 20km vẫn còn một nơi nhiều cây xanh và đất đai cùng con người lại thân thiện đến vậy. Cũng là một ngày tháng Sáu, hệt như một cơn mơ, sau khi gặp quá nhiều chuyện buồn, sau vài năm kiệt quệ về kinh tế và xáo trộn về tình cảm, tôi muốn thay đổi vận mệnh. Điều duy nhất tôi mới định hình trước mắt là tìm một chỗ ở và một mảnh đất có thể trồng trọt. May mắn thay khi nhờ có cô bạn thân, tôi đã nhanh chóng tìm được một nơi tạm ổn để trú ngụ. Vấn đề lớn nhất là sửa sang và ổn định cuộc sống tại vùng đất xa lạ này.
Công việc đầu tiên tôi làm tại ngôi nhà mới để thay đổi vận mệnh đen đủi không gì khác chính là dọn dẹp. Tôi phủi bụi cho căn nhà mà kể từ nay tôi sẽ gọi là “Nhà mình”. Căn nhà không quá rộng nhưng đủ chỗ để tôi đóng một kệ sách, thiết kế và sắp xếp một góc làm việc gần cửa sổ để thuận tiện cho việc viết lách. Căn nhà đã lâu không có người chăm sóc. Phía trên gác mái và góc bếp đã phủ một lớp bồ hóng đen xì, sân sau rậm rạp và um tùm cỏ dại. - “Sẽ cần sắm sửa nhiều thứ đây”. Tôi vừa phủi bụi vừa thở dài và lòng chợt bồn chồn. Đối với một cô gái việc mua sắm và chăm sóc cho căn nhà là niềm vui. Tôi cũng từng xem đây là một sở thích mỗi cuối tuần. Thế nhưng hôm nay niềm vui ấy lại là sự mệt mỏi khi trong tay còn rất ít tiền.
Chỗ sinh hoạt coi như tạm ổn. Tôi đi ra đầu ngõ, cách ngôi nhà thuê độ một trăm bước chân. Đám trẻ con chăm chú nhìn dòng nước chảy dưới chân cầu. Hôm nay nước chảy mạnh, chắc do cơn mưa đêm qua.
- Nhìn thấy con vịt trôi dưới đó không? Kìa!
À, không phải con vịt, cái bọc gì đó, hay là tay người…
Nhiêu đó thôi đủ khiến tôi trở về nhà trong một tâm trạng không dám đi tắm. Nhưng đêm đó tôi đã ngủ rất ngon, khoan khoái, dễ chịu. Tôi hiểu, hoá ra tôi cần tất cả những thứ như vậy thì mới cân bằng, cân bằng theo kiểu của tôi. Thật lâu rồi tôi mới ngủ được một giấc thật sâu và ngon lành sau một ngày dài mỏi mệt như thế.
Tôi bắt đầu mùa hè đầu tiên của mình trên mảnh đất mới mẻ này.
Mọi thứ có vẻ hào hứng vào những ngày đầu. Tôi có lý do để đi ngủ sớm và dậy sớm hơn. Như một chú chim mong cho trời mau sáng để được cất tiếng hót, tôi cũng háo hức cho những dự định và công việc cho ngày hôm sau. Tôi bắt đầu định hình khu vườn trong mơ của mình, nghĩ về những loại rau củ có thể trồng được.
Loay hoay giữa khoảng đất trống đầy cỏ dại, tôi bị những cây hoa trinh nữ mà thuở bé tôi thường gọi là “mỹ nữ xấu hổ” đâm vào tay xước xát hết cả. Tôi bắt đầu nhổ đám cỏ, cuốc xới, làm tơi xốp đất…Bao nhiêu là việc mà trước giờ tôi rất ít khi đụng tay.
- Nắng thế này, cháu vẫn còn giồng rau đấy à?
Tôi khẽ quay đầu sang bên, ra là bà cụ hàng xóm. Bà tên là Lành, người gốc Bắc Ninh.
- Vâng bà, cháu đang cuốc đám cỏ lấy chỗ trồng thêm ít rau- Tôi trả lời bà, trong lòng chợt dâng lên một cảm giác quen thuộc. Bà cụ có gương mặt phúc hậu, miệng cười tủm tỉm. Bà ăn trầu, cũng bỏm bẻm nhai hệt như ngoại tôi. Tôi đã trông thấy bà hôm đầu tiên đến đây. Bà sống một mình, con cái cũng đã đi làm xa trên thành phố hết cả.
Thoáng cái đã sắp đến giờ trưa. Phảng phất trong gió là mùi thơm của nhà hàng xóm phía xa kia đã nấu đồ ăn.
Sau một tuần chăm chỉ trong vườn, tôi nhận thấy mảnh đất này không hề kén chọn cây cối. Cách đây mười năm, hai bên đường còn là vườn cây rậm rạp. Phía xa là bạt ngàn cây cao su phủ thành những miền xanh thẳm. Có lẽ ấn tượng về sự trù phú tại đây đã thu hút tôi ngay từ lần đầu đặt chân khi ghé chơi nhà Tiên hồi cuối cấp Ba. Hàng xóm xung quanh gần bên đều là những người rất tốt bụng. Tôi làm quen và dần thân thiết với bà cụ. Không hiểu vì sao nhưng tiếp xúc với người già và con trẻ luôn có một sức hút kì lạ đối với tôi. Họ cho tôi cảm giác tin tưởng và yên tâm khi trò chuyện cùng. Tôi hay sang nhà bà, trò chuyện và xem cách bà tỉ mẩn chẻ từng nan tre thành những cây tăm bé xíu.
Lại một sáng, rảnh rang tôi ghé thăm cụ Lành. Tay cầm nải chuối mới mua hồi sáng đi chợ, tôi thấy vui vui như sắp được gặp người bạn thân đã xa lâu ngày. Có lẽ vì háo hức nên mọi thứ dù đã thành quen cũng trở nên tươi vui chăng ? Ngôi nhà của bà cụ, nền gạch Tàu đỏ sáng bóng rơi lả tả vài chiếc lá khô. Đằng kia cửa chính đang khép hờ, ấy là bà cụ đang ngồi phía bên chẻ tăm hoặc nhặt rau đấy.
- Bà ơi!
Tôi cất tiếng gọi.
Tôi vẫn hay sang nhà bà cụ như thế, đã thành thói quen hàng ngày. Có hôm tôi nhặt rau với bà, hôm ngồi chơi nói chuyện cháu con ở xa. Mắt bà sáng long lanh khi kể về người con trai đi làm trên Sài Gòn và một người con trai khác thì đang ngoài Bắc. Tôi cũng thích được ngồi nghe bà kể những chuyện thời chiến tranh đói khổ thế nào, chuyện bà và gia đình đã vào Nam khai hoang và sinh sống ra sao… Bà cụ xem tôi như con cháu trong nhà. Tôi học được bao thứ hay từ mỗi câu chuyện của cụ.
-Mai lại sang đây, bà cho xem cái này hay đáo để!
Sáng nay tôi qua nhà cụ Lành sớm hơn mọi ngày. Đến sân đã thấy cụ lúi húi ở góc vườn .
Vào mùa mưa, khu vườn được bao quanh bằng lớp không khí ẩm mỡ màng. Những lá khoai sọ to bằng bàn tay đọng lại những giọt nước mưa đêm qua trong vắt. Hoa khoai thơm nhè nhẹ, thứ mùi thơm tinh khiết và tươi mới âm thầm lan tỏa trong không gian.
- Cháu sang chơi với cụ đây! - Tôi khẽ lại gần bà cụ.
- Cái Diệp đấy à?
- Đây, lại gần đây!
Tôi cúi người, lách qua cành bưởi. Bưởi ra hoa, ngan ngát. Bà cụ bới đám đất, thỉnh thoảng lại cười tủm tỉm, trầu thơm đọng bên khóe miệng nhăn nheo. Nhìn kĩ, ra là ụ khoai đến ngày đã đào lấy củ được rồi.
Bà đào lên, vừa đếm vừa phủi đất:
- Đôi, bốn, sáu, tám! Được hẳn tám củ khoai!
- Này luộc lên ngon phải biết! Bà nhỉ!
Ấy mà không, hôm ấy tôi đã được thưởng thức món khoai theo một cách khác. Bà bảo đấy là “khoai độn” kiểu ngày xưa. Thổi cơm bằng nồi gang, cơm sôi thì chắt nước gạt lửa chỉ để lại than nóng. Đợi mười phút thì cho khoai vào hấp cơm. Bà vừa ăn vừa kể chuyện ngày xưa gạo cơm chẳng có mà ăn, toàn khoai sắn và củ chuối độn lên mà ăn chống đói. Bà đi qua nạn đói, đã thấy cảnh người chết đói như rơm như rạ. Rồi lại cười hiền, bà bảo:
-
- Thế mà giờ ăn ngô ăn khoai lại ngon hơn cả cơm cá cơm thịt. Chả bù cho ngày xưa cháu ạ!
Mỗi lần tôi qua chơi, bà vẫn hay gọi vào nhà, lấy ra mấy món quà kỉ niệm cũ. Có những món từ thời chiến tranh, thời bà còn là thanh niên xung phong. Có cả những lá thư ngày xưa cụ ông viết gửi cho bà. Rồi nghe bà hát “địch vận”, bà bảo “địch vận” là mình hát để cho họ hiểu ra, họ mủi lòng mà quay về với gia đình… Tôi nghe mà thấm thía cái cô đơn của người già. Có phải thường những lúc cô đơn, các cụ hay nhớ lại thời trẻ ngày xưa và hát những câu đã in sâu trong tâm trí:
“Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta nhiều ngói mới
Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi
Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta đồng lúa tốt
Có nhớ những ngày cơ cực tối tăm ngày xưa…”
Thời gian trôi, bà cụ Lành yếu dần. Khoảng hơn một tháng nay con cháu bà mới về xuyên hơn. Không còn cái vắng lặng trong căn nhà của một người già. Tôi thầm nghĩ giá bà có thể cảm nhận được sự đông vui sum vầy này sớm hơn một chút, khi mà bà còn đủ minh mẫn và miệng vẫn còn bỏm bẻm nhai trầu.
Ngày bà mất, tôi không biết làm gì ngoài đứng lặng. Tôi nhớ về những kỉ niệm cùng nhau, về những cây cối mà hai bà cháu cùng trồng trong vườn, khoai độn cơm, đêm trăng sáng nằm ngắm sao và nghe câu chuyện thời chiến.
Đã gần ba tuần sau đám tang của bà.
Tôi đón nhận sự ra đi của bà cụ rất khác khi bà ngoại mất. Có nhiều lý do, một trong số đó có lẽ do tôi đã lớn lên nhiều rồi, và trải nghiệm của lần thứ hai thì đương nhiên khác hẳn với lần đầu. Nhưng có một điều khiến tôi suy nghĩ nhiều, đó là mối liên kết giữa những người hàng xóm.
Cho tới những ngày bà yếu đi, tôi mới làm công việc của một người cháu mà trước đây khi còn ham chơi, tôi chưa thể làm được cho bà ngoại của mình. Lần đầu tiên tôi đeo tất cho một người già, một người nằm liệt giường khác hẳn với lần đầu tiên tôi đeo tất cho một em bé. Bàn chân bất động, nhăn nheo, cứng nhắc của một người già đối lập hoàn toàn với bàn chân của một đứa bé khi được người lớn xỏ tất cho. Trải nghiệm đeo tất cho đứa trẻ là niềm vui êm ái, nhưng trải nghiệm khi đeo tất cho một người già chỉ là nỗi âu lo.
Tôi cảm nhận rằng giữa mình và bà cụ đã có nhiều kết nối bởi chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ những điều quan trọng. Sự ra đi của bà để lại một nỗi buồn lớn trong tâm hồn tôi. Và dù chỉ là người hàng xóm, đối với tôi đó là một mất mát đáng kể.
Nỗi cô đơn có thể được lấp đầy bởi tình yêu. Nhưng với bà cụ, sự đơn độc và tổn thương thường khó nhận ra và không còn nhiều thời gian để hàn gắn. Có khi cũng là chính tôi, và cả những người con cháu của cụ, có thời gian nhưng lại chẳng kịp nhận ra điều gì…
Thêm những hạt bụi vàng rơi trên mảnh đất này…
Bình luận
Hai Le