1. Đức
Tiếng gõ cửa phòng lại vang lên. Đức gắt gỏng nói lớn:
- Chị Tư, em đã nói không cần dọn phòng em rồi. Chị gõ nữa là em méc mẹ đó.
Giọng phụ nữ trả lời :
- Mẹ đây.
Đức trợn mắt nhìn về phía cửa, lật đật dọn mớ giấy bày bừa trên bàn, không biết phải trả lời thế nào vì cậu không hề muốn mở cửa phòng. Giọng mẹ cậu vang lên :
- Mẹ xuống phòng khách đợi con.
Đức thở phào, chỉ cần mẹ không vào phòng là được. Nhanh tay bỏ hết các gói giấy gấp nhỏ vào ba lô và đeo trên vai, Đức chải đầu tóc lại gọn gàng, ra khỏi phòng, khóa chặt cửa lại.
Người phụ nữ sang trọng trong bộ vét trắng, hai vòng ngọc trai hồng buông rũ trên cổ, nhìn đứa con trai hai mươi tuổi bước xuống cầu thang, nghiêm giọng:
- Hai ngày nay con lại không đến trường. Sáng nay thầy Vũ gọi cho mẹ. Gần thi học kỳ rồi còn gì. Ba con mà biết thì…
- Sao thầy Vũ nhiều chuyện vậy? Mẹ trả ổng bao nhiêu mà hễ con nghỉ học là thầy lại gọi mẹ. Bao nhiêu đứa khác nghỉ, ổng đâu có gọi đến nhà từng đứa.
- Thầy Vũ là bạn mẹ, con biết mà. Sao con nói như vậy được? Con đã trái ý ba, không thi vào Hóa mà đòi thi sang Mỹ thuật. Hai năm thi rớt, giờ đậu vào năm nhất, vậy mà con học hành như thế à. Con coi làm vậy có hợp lý không, làm sao chứng minh được cho ba mẹ đây là đam mê của con?
Đức hạ giọng làm hòa với mẹ:
- Con bị mệt hai ngày nay, hơn nữa, cái xe cà tàng thỉnh thoảng hư giữa đường làm con bực bội quá. Giờ con đi học lớp chiều đây.
- Con bị mệt sao? Uống thuốc gì chưa? Mà sao không cho chị Tư vô dọn phòng con cả tuần nay vậy? Còn đòi méc mẹ là méc sao?
Đức cười cười, nhanh trí trả lời:
- Con đỡ mệt rồi. Mấy nay, con đang tự học vẽ chân dung vì trong trường dạy chậm quá, toàn lý thuyết chung chung. Trong phòng bày giá vẽ và mấy thứ khác, con không muốn ai đụng vào, sẽ mất tập trung và cảm hứng. Đợi con vẽ xong bức chân dung mẹ, sẽ mở cho chị Tư vào hút bụi dọn dẹp.
Thấy mẹ cười trìu mến, Đức tranh thủ hỏi:
- Mẹ, khu nhà Kim Linh của ba có tiến triển gì không?
- Vẫn đang bị bỏ dở, vì…
- Con biết. Vì chủ thầu không trả tiền công nhân, ôm tiền trốn nợ nên việc xây dựng bị chậm. Ba mất ăn mất ngủ, con biết mà, mẹ không cần kể lại. Còn giờ thế nào?
- Ba đã tìm được chủ thầu mới, mấy hôm nay họ đã đến xem và khởi động lại điện nước để tiếp tục làm phần cảnh quan từ ngày mai, hay ngày kia. Bên công ty ba cũng bắt đầu liên hệ lại khách đã mua và mời khách mới đến xem nhà. Con hỏi làm gì?
- Con có người bạn, cô chú của bạn ấy đang tìm mua nhà nên con hỏi thông tin cho họ. Con sẽ nói họ liên hệ công ty ba để hẹn xem nhà. Giờ con đi học.
- Ờ… Chiều mai là thứ bảy, có mấy cô đến nhà uống trà chiều, con phải ở nhà giờ đó để mẹ giới thiệu với một cô đang làm giám đốc phòng tranh. Từ giờ phải tính cho sau này con học xong mỹ thuật thì triển lãm ra mắt…
Mẹ chưa nói xong, Đức lập tức đi như chạy ra khỏi nhà. Bấm mở cửa nhà xe, Đức cảm thấy hơi áy náy với người mẹ luôn nuông chiều cậu, bởi vì cậu sẽ không đến lớp như đã nói. Nguyên nhân là gần đây Đức giận cha nên lấy việc nghỉ học ra làm áp lực với mẹ. Hai mươi tuổi, cậu đã có xe ô tô riêng, nhưng chiếc xe này mua đã gần hai năm, giờ đã thành một món đồ chơi cũ. Cậu cần những điều mới mẻ kích thích hơn, nhưng cha cậu không muốn mua xe mới cho cậu, mẹ lại không nói gì ngoài việc học và thi. Trong lúc chờ đợi một bước ngoặt nào đó để mua xe mới, cậu thỉnh thoảng hẹn với hai người bạn thân để thử đồ chơi mới, chiều nay là một món cực phẩm, hứa hẹn sẽ bù đắp phần nào nỗi buồn giận này của cậu.
2. Trường
Trường xếp máy ảnh và máy tính vào túi. Em gái cậu ngồi trên phản ôm đứa em trai mười hai tuổi, hỏi:
- Hôm nay anh sẽ chụp nghệ sĩ nào? Khi nào tên của anh được ghi vào ảnh? Em khoe mấy đứa bạn loạt hình của studio anh, mà không có tên anh ghi kèm nên chắc không đứa nào tin có anh chụp. Nhiếp ảnh gia học việc vẫn phải được ghi tên chứ, phải không?
Trường cố giấu sự ngán ngẩm, cười cười rồi xách ba lô ra khỏi nhà. Cậu không muốn nói cho bất kỳ ai trong nhà biết rằng từ khi được nhận làm việc trong một studio khá có tiếng, cậu chỉ làm những việc lặt vặt. Làm nhiếp ảnh gia không dễ như mọi người vẫn tưởng tượng, đúng hơn, không hề như bản thân cậu từng hình dung. Thi rớt Đại học Bách khoa hai lần, Trường quyết định bỏ hẳn ước mơ vào đại học mà chuyển sang tìm việc, để đỡ đần bố mẹ vốn làm công nhân, nuôi ba đứa con mà em trai cậu bị nhiễm trùng mắt dẫn đến viêm giác mạc thành gần như mù mắt từ hai năm nay, nên chi phí sinh hoạt và tiền thuốc thang là một gánh nặng với cả gia đình.
Trong số những công việc mà cậu mơ ước, chỉ có nhiếp ảnh gia, đối với cậu, là dễ thực hiện và nhanh chóng nhất. Thuyết phục bố mẹ mua chiếc máy ảnh bán chuyên nghiệp khá đắt đỏ, cậu tham gia vài khóa học ngắn hạn về các phần mềm chỉnh sửa, tự học cách chụp nghệ thuật qua các tài liệu, rồi hăm hở đi tìm việc với niềm tự hào là mình luôn nhìn ra được những khung hình đẹp và độc đáo, biết cách khai thác ánh sáng và màu sắc trong mỗi góc chụp. Trường không ngờ nghề này lại nhiều cạnh tranh đến vậy. Dấn bước vào, cậu mới biết ngay cả người đã chụp lâu năm cũng chưa chắc tìm được nơi làm việc ưng ý, người chụp vài năm chưa chắc tìm được việc, nếu có cũng sẽ thay đổi liên tục chỗ làm vì nhiều lý do. Người mới toanh như Trường, hoặc sẽ làm tự do, hoặc chấp nhận những công việc lặt vặt với mức lương thấp nhất. Và cậu chấp nhận cái thứ hai. Thật ra, chủ studio đó, sau khi xem các bức ảnh của cậu, đã nhận cậu vào vì lý do rất đơn giản: Cậu hiểu được tầm quan trọng và vị trí của ánh sáng, nên cậu có thể cầm các tấm hắt sáng và hiểu được ý của nhiếp ảnh gia trong các buổi chụp, đồng thời trùng đợt một nhân viên của họ vừa nghỉ việc.
Đi làm từ mấy tháng nay, việc Trường xếp máy ảnh và máy tính vào ba lô mang đến chỗ làm hoàn toàn không liên quan gì đến công việc của cậu tại studio, vốn chỉ cầm tấm hắt sáng, trang trí phông nền, làm theo lệnh của nhiếp ảnh gia và những việc không tên khác như dọn dẹp, đi giao ảnh,... Cậu đem máy theo để tranh thủ đi chụp ảnh sau giờ làm, sau đó đến các quán cà phê, tải ảnh vào máy tính và chỉnh sửa. Trường chấp nhận một công việc xoàng để có chi phí nuôi dưỡng đam mê nhiếp ảnh của mình. Thế nhưng, với gia đình, vì bố mẹ Trường đã mua cho cậu chiếc máy ảnh đắt tiền bằng nhiều tháng lương của họ, với hy vọng con trai sẽ dùng nó như phương tiện kiếm tiền lẫn thành danh, nên cậu không thể nói rằng chiếc máy ảnh vô dụng trong công việc, đã không thể kiếm tiền lại còn mất thêm thời gian và chi phí ngoài giờ làm việc. Studio của cậu khá có tiếng chụp ảnh cho các nghệ sĩ; em gái cậu, sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng, đã thông báo cho bố mẹ cậu biết điều này. Cả nhà đều hãnh diện vì cậu làm nhiếp ảnh gia cho các nghệ sĩ. Ảo tưởng của cậu làm nẩy sinh ảo tưởng của gia đình cậu trong một xã hội cũng nhiều ảo tưởng và hình thức.
Trường không có cách nào lùi lại trong ảo tưởng này, cậu không giải thích để được yên thân, nhưng dần dần, cậu đã cảm nhận nỗi chán chường ngày càng đè nặng vào tâm trí. Cậu không còn nhiều cảm hứng nhìn ra những khung ảnh đẹp nữa. Cậu muốn tìm điều gì mới mẻ và sống động hơn cuộc sống vừa vào đời dường như đã cũ kỹ và đơn điệu.
Rất may, trong hai lần học ôn thi đại học, dù thi rớt nhưng cậu đã làm quen được một người bạn thiếu gia rộng rãi, là Đức. Ăn vận toàn hàng hiệu, nhưng thái độ dễ gần, Đức là một người bạn khá dễ thương, dễ chịu, dễ chi. Đức hiểu được mơ ước làm nhiếp ảnh gia của Trường vì đã đọc các tạp chí thời trang, nghệ thuật từ nhỏ và cũng ngưỡng mộ những nhiếp ảnh gia nổi tiếng tạo ra những bức ảnh độc đáo. Đức học khá tốt các môn Hóa và Lý, lại có ba là Tổng giám đốc một công ty lớn về xà phòng, dầu gội, nhưng Đức nhất định không thi vào ngành Hóa với tương lai về làm cho công ty gia đình mà lại chọn Mỹ thuật với môn thi đầu vào là Toán, Lý. Tuy nhiên, sau hai năm luyện thi, khi đậu vào trường Mỹ thuật, tâm trạng của Đức cũng không khá hơn, lại bắt đầu chán chường và dần bỏ học.
Chắc cũng như Trường, Đức thất vọng với thực tế, thậm chí, với lựa chọn của mình. Họ bắt đầu thử những gì mang lại sự sáng tạo, kích thích tâm trí hơn trong vài lần vừa rồi. Và Trường đang đến cuộc hẹn với Đức và Sơn để thử một món đồ chơi mới, hứa hẹn nhiều niềm vui.
Trường theo tin nhắn, đến chỗ hẹn là bãi đậu xe dưới hầm một trung tâm thương mại lớn. Từ thang máy bước ra tầng hầm B2, Trường đã thấy chiếc xe Toyota Vios màu đỏ của Đức.
3. Sơn
Sơn bước ra khỏi cổng trường Kinh tế, cắm cúi đi thẳng đến trung tâm thương mại cách đó khoảng một cây số. Lẽ ra giờ này, như mỗi ngày, cậu phải về để trông quán cà phê cho cha dượng, nhưng cậu đã nói với mẹ là mình phải ở lại làm bài tập nhóm đến tối. Lúc ấy, mẹ cậu vừa trông hai đứa con nhỏ đang chập chững đi vừa nhăn nhó nói:
- Quán cà phê là nơi dượng kiếm tiền nuôi con ăn học đó. Con không làm hôm nay thì mẹ sẽ báo dượng hỏi nhân viên nào làm giùm, tiền lương của con đưa cho người đó. Lần sau hẹn làm bài tập gì thì né mấy giờ làm việc ở quán đi. Con ngày càng lười biếng, làm đã ít mà còn nghỉ việc đột xuất.
Nhớ lời nói của mẹ, Sơn bước đi nhanh hơn để hạ cơn tủi thân và tức tối trong lòng. Mẹ sinh Sơn ra từ một lỗi lầm của tuổi trẻ, thậm chí còn không biết cha Sơn là ai trong số những kẻ đã tán tỉnh đụng chạm mình; thế nên, mẹ nhìn thấy Sơn như nhìn thấy sai lầm của mình, luôn cau có và khó chịu.
Dượng là người chồng từ ba năm nay của mẹ, nhưng với Sơn, chỉ là ông chủ của cậu. Dượng là ông chủ ở quán lẫn ở nhà, luôn rạch ròi giờ làm ở quán và chi phí nuôi Sơn, nên khi đi làm, cậu nhận lương từ dượng ở tay này, về nhà lại đưa góp tiền chợ với mẹ ở tay kia. Tuy nhiên, cũng phải nói là nhờ mẹ quen ông ta, Sơn mới có tiền đăng ký luyện thi vào đại học vốn tưởng phải dang dở sau khi cậu tốt nghiệp cấp ba. Sau một năm rưỡi làm việc cho dượng, Sơn mới đủ tiền học luyện thi, sau đó, cậu thi đậu vào ngành Kinh tế. Hai mươi tuổi học gần xong năm nhất cũng không phải là quá muộn. Trong giảng đường đại học, Sơn thấy có những sinh viên lớn tuổi vẫn vui vẻ ngồi chung với những sinh viên vừa tròn 18 hay 19 tuổi. Tuy không ngại về tuổi tác, nhưng Sơn lại cảm thấy sự cách biệt với bạn học về trình độ công nghệ. Cậu học kinh tế nên cần phải có nhiều thông tin cập nhật về thị trường, thế giới, nhu cầu, thời sự…. Trong thế giới công nghệ hiện nay, Sơn đoán không nhiều sinh viên như cậu, đến tuổi này mới đang tích cóp để mua cái máy tính xách tay đầu tiên, có giá bằng với lương một năm đi làm cho dượng mà không tiêu xài gì.
May mắn là trong thời gian học luyện thi trước đây, cậu quen với Đức. Cơ bản là Sơn và Đức không cùng đẳng cấp tài chính và gia thế, nhưng Đức học dốt Toán, Sơn lại khá và có gương mặt hiền lành dễ gần, nên Đức nhờ Sơn giải thích, kèm cặp riêng và trả phí khá hậu; do đó, Đức và Sơn gặp nhau thường xuyên, dần hình thành tình bạn cởi mở. Trong lớp luyện thi còn có Trường, khá hợp gu thời trang và tính tình với Đức, hơn nữa, đã hai năm học luyện thi cùng Đức nên họ khá thân thiết; dần dần, cả ba người hẹn nhau sau những buổi học để bàn tán về các đề thi, cà phê, ăn uống,… Tất cả đều do Đức chi trả nên việc hẹn nhau càng dễ dàng, cứ thuận theo ý Đức là được.
Gần đây, nghe Sơn kể về việc đang tiết kiệm mua máy tính, Đức lập tức hứa sẽ cho Sơn mượn toàn bộ tiền mua cái máy tốt nhất, sau này đi làm mới trả, lại không tính lãi. Sơn vui sướng quá nên gần như Đức muốn gì, Sơn cũng sẵn lòng đồng ý. Cả tháng nay, Đức vẫn chưa đưa tiền mua máy, mà lại rủ Sơn và Trường cùng thử một vài loại thuốc tạo hưng phấn nhẹ. Sơn lúc đầu vì không muốn phật ý Đức nên đến thử, nhưng sau vài lần, Sơn tự muốn đến vì những cảm giác dễ chịu mà thuốc mang lại, giúp cậu quên đi những bực bội ức chế trong việc gia đình lẫn việc học.
Theo tin nhắn hướng dẫn của Đức, Sơn xuống tầng hầm B2 của một trung tâm thương mại. Ngay phía bên phải là chiếc xe màu đỏ của Đức. Bên trong xe, Đức và Trường đang sôi nổi nói chuyện.
Vừa ngồi vào ghế sau xe, Sơn đã lấy Đức đưa ra trước mặt mình và Trường một miếng nhỏ xíu bằng móng tay, màu trắng ngà. Đức vui vẻ nói:
- Thử ngay luôn đi. Hôm nay chúng ta sẽ thử nấm loại thượng hạng. Tao phải liên hệ nhiều nơi mới có được thức thần loại A này, hoàn toàn tự nhiên, sạch sẽ, tác dụng nhanh và hết cũng nhanh, vô cùng an toàn, không ảnh hưởng sức khỏe. Tao đã mua mớ đồ ăn cho tụi mình nữa. Lát đến chỗ căn hộ, tụi mình sẽ thử nhiều hơn rồi ăn no nê trước khi về.
- Thử ở đây luôn? Sao không đến chỗ căn hộ trước rồi… - Sơn ngớ người hỏi.
- Đức nói muốn xem “trip - chuyến du lịch” ở bãi đậu xe như thế nào, rồi so sánh với “trip” ở căn hộ. Biết đâu hai nơi khác nhau, cảnh tượng rất khác biệt nhau thì sao, khám phá cũng hay mà. Miếng này nhỏ như vậy, chỉ là một lát cắt nên tác dụng ngắn lắm, cứ thử đi. – Trường cầm lấy lát nấm nhỏ xíu nhăn nhúm đã sấy khô, giải thích cho Sơn.
Cả ba người bỏ lát nấm khô vào miệng rồi ngửa cổ uống nước. Tầm hai mươi phút sau, tác dụng bắt đầu, kéo dài khoảng ba mươi phút nữa. Ngay khi nhìn thấy lại cảnh tượng bình thường, cả ba đều xuýt xoa khen những cảnh thức thần tuyệt vời vừa có. Ai nấy đều biết đó là hưng phấn kèm ảo giác, nhưng nó thật sự làm họ vui vẻ, quên hết những trăn trở âm ỉ trong lòng. Đức còn vui hơn vì mua được món hàng tốt, vặn chìa khóa xe, hét lớn:
- Đi nào. Tao muốn trải nghiệm nhiều hơn.
Khi xe ra khỏi đường hầm, Đức đánh bánh lái rẽ trái, nhẩm trong đầu đoạn đường đến tòa chung cư Kim Linh, cách đó khoảng hơn một tiếng đi xe. Vừa vào vòng quay bùng binh tiếp theo, bỗng xe nẩy lên có va chạm. Tiếng loảng xoảng vang lên sau xe. Cả ba người đều hoa mắt, mất một lúc mới nhìn lại bình thường. Từ trong xe nhìn ra, thấy phía sau đầy khói. Đức dừng xe, xuống ngó nghiêng:
- Trời ạ, một chiếc xe đâm ngang phía sau. May mà xe mình đã đi qua gần hết vòng quay nên xe kia tự húc vào lề bên kia. Đi đứng kiểu gì vậy. Thôi tao bỏ qua cho lần này vì đang vui. Xe tao cũng không bị gì, chỉ xây xước thôi, như vậy ba tao sẽ mua xe mới. Đi, kệ xe kia. Nó tự sửa xe thôi. Lỗi của nó mà.
Chiếc xe lại rồ máy, vọt ga chạy đi như trốn. Sơn nhìn Đức cười rộ sau cú đạp ga mạnh, Trường xoa mắt cười hùa theo. Cả ba người nhanh chóng lấy lại niềm háo hức khi nghĩ đến việc thử món đồ chơi mới, không để ý đến gương mặt và ánh mắt kỳ lạ của người đi đường nhìn về phía họ. Chiếc xe nẩy lên vài lần nữa, khói phủ che mặt kính sau. Nhưng cả đoạn đường vào lúc đầu giờ chiều vắng người, hầu như không có xe nào, nên cả bọn cứ thế phóng xe thật nhanh đến điểm đến.
Bình luận
Chưa có bình luận