"Cơm áo không đùa với khách thơ"


“Cơm áo không đùa với khách thơ”

Huân ngồi trong phòng, gọi là phòng chứ cũng chăng phải là phòng riêng của gã. Xung quanh là bao nhiêu âm thanh bề bộn của thành phố về đêm xô bồ. Tiếng xe chạy ngoài lộ, tiếng gánh hàng rong, tiếng người, tiếng nhạc phát ra từ cặp loa cũ kĩ của cha gã, tiếng máy may của mẹ, tiếng khóc con mọn và âm thanh quát tháo chua chát của vợ. Tất cả tạo nên một bức tranh âm thanh thật kì cục. Huân không thể nào tập trung được dù cho gã muốn viết. Gã rất muốn viết một cái gì đó.

Rất lâu rồi Huân không hề đụng tay vào cây bút hay cuốn sổ. Gã nhớ, khi gã còn là một cậu học sinh ở trường trung học dưới huyện, gã đã thích viết đến thế nào. Gã thích những buổi cuối tuần lang thang trong những quán cà phê nằm tận sâu cuối con hẻm. Những lúc như thế, gã sẽ ngồi thật lâu, thật lâu. Gã sẽ viết ra những câu chuyện thường ngày, đôi khi là vài thứ giận dỗi nhỏ nhặt không đáng, đôi khi là vài chuyện vui tếu táo giữa lũ bạn, đôi khi gã cũng viết cả những câu chuyện tưởng tượng do gã nghĩ ra. Những cuốn sổ cứ thế được chép đầy, hết cuốn này lại đến cuốn khác. Khi một cuốn sổ đã được viết đến trang cuối, Huân sẽ bọc nó lại và cất nơi ngăn tủ cùng với những quyển sổ khác. Chẳng một ai hay, chẳng một ai biết, không một ai đọc, nhưng gã vẫn viết. Viết chỉ để cho thỏa thứ sở thích thơ ca chứ chẳng vì lý do gì. Có đôi lúc, khi vừa viết đầy một quyển sổ, gã sẽ nghiêm túc suy nghĩ đến việc theo đuổi nghiệp viết. Gã nghĩ thế, gã nghĩ rằng giá mà văn chương có thể nuôi sống gã thì thật tốt. Huân bắt đầu nghĩ tới viễn cảnh bản thân kiếm được những đồng tiền đầu tiên bằng con chữ. Người ta sẽ yêu mến áng văn của gã, yêu cái cách gã tạo nên những bức tranh bằng ngôn từ. Gã sẽ nổi tiếng, sẽ được lưu danh hệt như những thần tượng của gã. Và biết đâu gã sẽ giàu. Ừ, biết đâu Huân sẽ giàu nhờ văn chương. Gã đã tin là thế và bắt đầu muốn nhanh chóng hiện thực hóa ước mơ. Nhưng rồi gã nhận ra, đó chỉ là suy nghĩ viễn vông của tuổi trẻ ngông cuồng.

Huân còn nhớ công việc đầu tiên của gã là thế nào. Một ngày nắng gay gắt, cái nắng như muốn thiêu đốt con người ta trên từng cung đường của Sài Gòn hoa lệ. Giữa cái nắng đổ lửa ấy, Huân, quần áo chỉn chu, sơ mi trắng và quầy tây đen, lóc cóc trên chiếc xe đạp cũ chậm chạm đi đến tòa soạn báo nằm tận trong trung tâm thành phố. Mệt, nắng, và nóng, nhưng vui. Gã vui chứ. Sau bao nhiêu lần bị từ chối bằng cách này hay cách khác, cuối cùng gã cũng có cơ hội được theo đuổi đam mê. Người ta gọi gã đến để trao đổi cơ đấy, người ta muốn gã làm tay viết chính cho mục truyện ngắn ở tòa soạn. Huân đến đó, mang theo tâm trạng vui mừng hớn hở và cả cái ngông, cái tự tin của tuổi trẻ. Dọc đường đi, gã đã không dưới năm lần nghĩ rằng rồi đây mình sẽ nổi tiếng, sẽ có những truyện ngắn để đời được xuất bản. Người ta sẽ nhận ra gã khi gã rảo bước đi trên đường, người ta sẽ đón nhận truyện của gã như những tác phẩm bán chạy nhất, gia đình gã sẽ không còn nghèo túng nữa.

Nhưng hỡi ôi, đời chẳng bao giờ là như mơ cả. Mặt Huân méo xệch khi nghe về những gì gã sẽ phải viết. Tay chủ tòa soạn ban đầu tỏ ra khá niềm nở, hắn mời Huân một chén trà, điếu thuốc, với dăm viên kẹo cao su. Hắn nói hắn thích giọng văn của Huân, thích cái cách Huân chơi đùa với từ ngữ, đến mức phải vời “ông nhà văn” đến tận tòa soạn để bàn chuyện làm ăn. Huân khoái chí lắm, ai mà chả khoái chí khi được khen? Dù cho đó có là những lời khen sáo rỗng vô vị, rót vào tai Huân gã vẫn cảm thấy thật ngọt ngào. Tay chủ đề nghị sẽ trả cho Huân một mức lương thật hậu nếu gã chịu viết theo những gì tay đó nói. Hai đầu mày Huân cau lại. Thực tình thì gã không thích việc này cho lắm. Nhưng đời mà… ai chẳng cần phải ăn? Huống chi đối với Huân mà nói, đây là một cơ hội hiếm có khó tìm. Gã trên có mẹ già dưới có con nhỏ, nếu gã không làm gì đó, khoan bàn đến chuyện không thể theo đuổi ước mơ, trước mắt là cả nhà gã sẽ chết đói, bao gồm cả gã. Vậy nên gã đồng ý thử nghe xem tay chủ muốn gì. Nhưng mặt Huân méo xệch đi khi nghe đến những từ ngữ như “tình yêu”, chuyện người lớn”, “nam nữ”, “hút khách”… lần lượt vuột ra khỏi miệng tay kia. Huân chẳng thể nghe nổi nữa, tai gã ù đi và mặt đỏ như quả cà chua chín…

“Tôi… tôi chăng viết được đâu.”

Gã không thể viết về những chủ đề này được… gã… gã không biết nữa, nhưng gã chắc chắn bản thân sẽ không viết được. Huân tự hỏi một người như thế nào sẽ đọc các loại văn nhạy cảm đó? Ý gã là… không phải gã có thành kiến gì với chuyện nam nữ… nhưng mà đem nó lên chỗ công cộng và công nhận nó như một dòng văn chính thống thì thật là… Ít nhất, Huân sẽ không dám nhìn thẳng. Gã đã thử tưởng tượng bản thân sẽ cảm thấy thế nào khi đặt bút miêu tả một người phụ nữ đẹp nhưng chỉ chăm chú vào phần ngực cô ta, hay là gã sẽ thấy sao nếu viết về một chuyện tình chóng vánh giữa cô tiểu thơ và một anh chàng nhưng chỉ chú trọng vào việc họ đã quan hệ thể xác thế nào? Huân lắc đầu hòng xua tan đi cái tưởng tượng kì cục đó. Tư tưởng của gã không cho phép Huân nghĩ tiếp nữa.

Gã đã toan đứng dậy ra về.

“Ấy…gượm đã.”

Tay chủ tòa soạn gọi với lại.

“Nếu cậu chê số tiền đó ít tôi sẵn sàng trả thêm.” Lão nói thế.

Đúng ra Huân đã phải phớt lờ đi câu nói đó, đúng ra gã nên đi về, đúng ra gã nên nói thẳng rằng gã sẽ không làm tiền bằng loại văn đồi trụy như thế, đúng ra… Đã có rất nhiều cái “đúng ra”, nhưng không có một cái nào mà Huân làm theo cả. Thực tế, vào giây phút ấy, gã đã dừng lại và suy nghĩ về câu “sẽ trả thêm” của tay chủ. Huân tự huyễn hoặc mình, gã tự an ủi bản thân bằng những suy nghĩ gã cho là thực tế. Thực tế là gã cần tiền, cần tiền lo cho gia đình, cần tiền nuôi sống bản thân, gã cần một cơ hội, cần một nơi đón nhận con chữ của gã dù cho nó có là thể loại gì đi nữa, gã cần… Biết bao nhiêu lý lẽ đã được đưa ra nhằm bào chữa cho việc Huân đồng ý với tay chủ toà soạn. Số tiền gã sẽ nhận mỗi tháng không nhiều nhưng đủ cho gia đình chi tiêu mà không cần lo đau đáu ngày mai sẽ ăn gì uống gì. Huân ra về trong một tâm trạng thật khó tả. Gã chăng biết nữa, gã không biết bản thân nên vui hay buồn, vui vì bây giờ gã trở thành “nhà văn” thật rồi, có thể nuôi gia đình bằng con chữ của mình, hay buồn vì đã đạp lên chính những giá trị mà bản thân gã đề ra? Huân không biết nữa… và cũng không buồn nghĩ.

Rồi chuyện này cũng chẳng đi tới đâu, Huân làm việc ở tòa soạn đó còn chẳng được hai tháng thì bị cho thôi việc. Gã không viết được. Gã không biết bản thân đã ăn phải thứ bùa ngải gì, nhưng mỗi khi cầm cây bút trong tay, đối mặt với trang sổ và nghĩ về những gì cần viết, gã lại cảm thấy trống rỗng. Không một con chữ nào đến với gã cả, không một ý tưởng, không chút cảm hứng. Gã cạn kiệt, và trống rỗng. Viết lách đã không còn là niềm vui nữa. Huân không còn cảm nhận được cái sung sướng khi viết ra một câu văn hay hay làm được một bài thơ sâu sắc. Giờ đây, công việc hằng ngày của gã chính là ngồi vào bàn, lấy bút và sổ, sau đó sắp xếp những con chữ lại thành một câu hoàn chỉnh có nghĩa. Gã như một người công nhân làm việc trong dây chuyền nhà xưởng, máy móc và vô cảm. Gã mất dần đi sự sáng tạo. Huân viết ra thứ văn nông cạn, chẳng có bao nhiêu ý nghĩa và người ta sẽ quên ngay sau khi đọc. Con chữ không tới với gã thì gã sẽ nắm đầu nó, lấy nó ra và xếp lại. Tay viết của gã cứ yếu dần, yếu dần,… và gã chấp nhận điều đó chỉ để mỗi tháng lấy vài đồng bạc. Gã chấp nhận thế. Nhưng tay chủ tòa soạn thì không.

“Tôi đã nói tôi sẽ chỉ trả mức lương như thế nếu anh viết theo ý tôi.”

“Thì tôi đã viết đấy thôi?”

“Không hề.”

Tay chủ toàn soạn cầm xấp bản thảo đập mạnh lên bàn khiến nó trượt đi về phía Huân.

“Cậu cầm về đọc thử xem cậu đã viết ra cái gì? Đến ngay cả tôi còn nuốt không trôi được thứ này thì đăng báo cũng chả có ma nào thèm dòm đâu. Cơm cháy ở nhà tôi còn chẳng khô khốc đến thế.”  Lão mỉa mai.

Huân muối mặt. Gã không muốn thừa nhận nhưng tay chủ nói đúng, đến cả chính bản thân gã còn không dám đọc lại đứa con tinh thần của mình viết ra thì ai sẽ đọc? Huân không dám nhìn thẳng vào tập bản thảo. Gã biết, gã biết rõ bản thân sẽ cảm thấy thế nào nếu đọc lại thứ này, chỉ là… đâu đó trong tâm trí gã vẫn không muốn thừa nhận mà thôi.

“Thế nhuận bút tháng này…?”

Bị chê trách là một chuyện, tiền bạc là một chuyện khác. Huân cần tiền. Thế mà mặt tay chủ co rúm lại và đỏ hết cả lên như thể đang tức giận lắm, lão đập bàn một cái trước mặt Huân. Huân không thể phân biệt nổi lão ta đang tức giận thật hay là giả vờ để ăn chặn số nhuận bút của gã nữa.

“Chẳng có nhuận bút gì hết cả, cầm lấy số này rồi biến đi, cậu không cần quay lại đây nữa!”

Tay chủ với biểu cảm như thể đang bố thí cho thằng học trò nghèo mà thảy cái phong bì lên bàn. Trong đó có vài trăm ngàn, ít hơn rất nhiều so với số tiền mà gã đã hứa hẹn. Huân cau mày, nhưng rồi gã lại nghĩ có còn hơn không. Dù sao thì chính bản thân Huân cũng cảm thấy không thể lấy tiền người ta với thứ rác phẩm mà bản thân đã viết được. Vậy nên dù tức giận và xấu hổ, gã vẫn cầm lấy cái phong bì kia và ra về. Hôm đó trời đổ mưa như trút nước, và Huân nhớ ra, hôm nay con của gã cần phải đi khám bệnh.

Vài tuần sau, Huân nhìn thấy chính thứ rác phẩm của mình nằm chễm chệ trên mặt báo. Chỉ là một vài chỗ đã được sửa qua mà thôi, bao gồm cả phần tên tác giả, không phải là tên của Huân… Gã tự an ủi, thôi thì chi ít sẽ không ai biết gã là người đã viết ra thứ đó.

Huân đã đi nhiều nơi, nhiều tòa soạn, những tờ báo, tạp chí lớn nhỏ gã đều thử cả. Nơi thì đã đủ người, nơi thì lại nói giọng văn của gã không hợp. Huân cứ thế, vẫn lay lất với giấc mộng văn chương dù cho nó đau đớn thế nào. Nhưng rồi gã dần nghĩ bản thân mình thực sự không có tài. Gã vẫn viết, nhưng không thể đọc nổi những dòng chữ mình viễn ra nữa. Không phải nó không hay… chỉ là… sự tự tin của gã đang dần bị thui chột. Gã không còn vừa ý với những câu văn của mình nữa. Có lẽ gã không có tài thật. Nếu gã có, dù chỉ là một chút tài năng, thì gã đã không chật vật đến thế. Như thể bồi thêm vào sự đau đớn trong tâm hồn gã nhà văn trẻ, Huân mỗi ngày đều tận mắt nhìn thấy những “Gương mặt mới trong giới văn chương” được công chúng đón nhận. Bọn họ trẻ hơn, có lẽ là ít tài hoa hơn, có thể văn của bọn họ chẳng hay bằng của gã, nhưng bọn họ được đón nhận, còn gã thì không. Huân biết bản thân mình không nên tị nạnh và ghen tị xấu tính như thế, nhưng gã không kìm lòng được. Gã tủi thân…

Có lẽ Huân không có tài thật, không có điều kiện, không có thời cơ…

Gã chịu thua… hoàn toàn chịu thua.

“Cơm áo không đùa với khách thơ.”

Huân từ bỏ.

Giờ đây gã là một viên chức quèn trong một công ty nhỏ ở gần nhà. Mức lương không cao nhưng đủ cho gã sống và không để gia đình chết đói. Chỉ thế thôi. Giấc mộng văn chương giờ như thứ gì đó xa xôi lắm trong đầu Huân. Guồng quay của cuộc sống đã mang con chữ trong gã đi mất. Gã vẫn muốn viết, muốn viết chứ. Nhưng sau một ngày làm việc mệt mỏi, gã chỉ mong về đến nhà, nằm ra đó và chẳng quản chuyện gì hết, dù có là trời sập cũng không. Gã đã lựa chọn từ bỏ văn chương thì cũng không thể trách nó ra đi khỏi con người gã. Thi thoảng, Huân vẫn thử viết gì đó. Đôi lúc gã cảm thấy nhiệt huyết trong gã đã quay trở lại, gã muốn viết, viết nữa, nhưng khi lấy ra được cây bút và quyển sổ bạc màu, tay Huân một lần nữa vẫn không thể tạo thành nét chữ…




Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}