Nguyên mở cửa phòng, để thứ mùi ngột ngạt như mùi cà phê pha với mùi ẩm mốc vì thiếu ánh sáng xộc thẳng vào mũi anh.
Cái phòng tối hù, như hũ nút, cửa sổ kéo rèm dày đến độ không một tia sáng nào lọt qua nổi dù đã là mười hai giờ trưa. Cái nóng ban trưa hun căn phòng không khác gì cái lò. Dưới sàn đầy vỏ lon bia, chai rượu, giấy tờ, và cả sách, chúng nằm ngổn ngang đến độ Nguyên phải vừa đi vừa lượm chúng lên thì mới có thể bước đến cạnh giường được. Trên giường có một người đàn ông đang nằm, anh ta chỉ khoảng hai bảy, hai tám tuổi, nhưng quầng thâm mắt hãm sâu, cằm lún phún râu, gương mặt tiều tụy và nước da nhợt nhạt.
“Điển hình của ma cà rồng.” Nguyên nghĩ thế.
Người nọ dường như đang ngủ, ngủ say như chết đến độ có người vào phòng cũng không phát hiện ra, Nguyên lay thế nào cũng không tỉnh. Giống như chết rồi vậy, anh tặc lười. Nghĩ rồi anh tiến lại gần ô cửa sổ, một phát kéo tung tấm rèm cho ánh sáng tràn vào phòng. Giờ thì cái chuồng này mới ấm áp lên được một tí. Đúng như Nguyên dự đoán, cái người nằm trên giường kia bị ánh nắng chiếu vào liền cau mày, nhăn nhó quay mặt vào tường.
“Dậy! Dậy đi! Trưa rồi, tao đem đồ ăn qua nè!”
Nguyên lại thử một lần nữa lay lay thằng bạn mình, nhưng đáp lại chỉ có tiếng lè nhè “Tao buồn ngủ lắm…” của người nọ. Lại chả buồn ngủ à, Nguyên nhìn lọ thuốc ngủ rỗng không trên bàn, chả biết đã uống bao nhiêu rồi nữa. Anh đành phải kệ Linh, tên người đàn ông đang ngủ, và bắt đầu thu dọn hộ thằng bạn.
Linh đã không ra khỏi nhà và cắt đứt liên lạc với bên ngoài hơn ba tuần rồi, nếu hết tuần này mà hắn không ra ngoài nữa thì là tròn một tháng. Nghe có vẻ đáng lo, nhưng mà thực ra Nguyên không thấy bất ngờ, vì thỉnh thoảng bạn anh lại làm một cú như thế. Mỗi khi Linh bí ý tưởng, hắn sẽ ra ngoài tìm cảm hứng, hoặc lên mạng, đi nghe nhạc, xem hát, thậm chí đi lang thang ở cái xó xỉnh nào đó cả ngày. Nhưng nếu tất cả các hoạt động “lành mạnh” trên không đem lại cho hắn cảm hứng sáng tác, Linh sẽ tìm tới những thứ kém lành mạnh hơn, ví dụ như đường, rất nhiều đường, đủ để kích thích đầu óc, hoặc cà phê, rất nhiều cà phê, đủ để nó thức từ ngày này qua ngày khác vắt óc viết kịch bản, rượu, đủ để say tí bỉ, sinh ra ảo giác, hay là thuốc ngủ, một vòng lặp vô tận với việc uống thuốc ngủ để “chữa” mất ngủ do cà phê. Và nó sẽ nhốt mình trong phòng nhiều ngày cho đến khi hoàn thành kịch bản.
Nhật Linh là một biên kịch. Thậm chí còn là một biên kịch nổi tiếng.
Trong thời đại “Phục Hưng” của các hình thức giải trí xưa thì số người tìm đến những sân khấu kịch, ca nhạc, và phòng trà cũng ngày càng nhiều. Có lẽ họ muốn kiếm một chút gì đó xưa cũ trong các loại hình nghệ thuật giải trí, hoặc đơn giản chỉ là họ muốn đi xem kịch để thay đổi không khí thay vì xem tivi hoặc Youtube ở nhà. Nguyên không biết, nhưng đại loại thì làm việc cho sân khấu kịch ở thời buổi bây giờ cũng không tồi, ít nhất thì sân khấu của bọn họ có một lượng khách nhất định mỗi tuần. Mà để được thế thì phải nói là nhờ công lao của Linh. Nói không ngoa thì cái tên “biên kịch Nguyễn Nhật Linh” chính là bảo chứng phòng vé cho sân khấu này. Các vở kịch của Linh có gì đó rất cuốn, rất thu hút, đến mức mà người ta có thể xem đi xem lại hai, ba lần và giới thiệu cho người khác. Đề tài trong kịch của Linh cũng rất đa dạng, từ tình yêu, tình bạn, tình thân, mở rộng ra là công sở, trường học, khu xóm, và cuối cùng là xã hội. Tất cả các vở kịch đều có gì đó rất “đời”, nó âm u, nhưng không phải là không có ánh sáng, nó ngột ngạt, nhưng không phải là không có lối thoát. Mọi bi kịch đều được Linh đẩy lên cao trào sau đó giải quyết bằng một phương pháp hợp lý khiến cho người xem vừa hồi hộp vừa thỏa mãn sau khi xem xong. Tất nhiên, một vở kịch thành công không chỉ có Linh mà còn là sự nỗ lực của cả một ekip. Nhưng phải nói, sự may mắn khi gặp thời cùng với tài năng thiên bẩm của Linh đã đem tới cho hắn một thứ ánh sáng rực rỡ trên sân khấu kịch.
Nhưng chỉ có Nguyên mới biết, thứ ánh sáng rực rỡ ấy đánh đổi bằng thật nhiều giọt nước mắt.
Linh đã từng nói, từng vở kịch hắn viết ra đều là “rút máu” linh hồn ra mà viết. Nguyên không hẳn là hiểu được ý của Linh, nhưng anh “thấy”. Nhật Linh càng buồn bã, tuyệt vọng, thì những vở kịch hắn viết ra càng hay, càng thu hút. Giống như là đánh đổi vậy.
Có ai đó đã nói với Nguyên, đỉnh cao của nghệ thuật là bi kịch. Anh không cảm thấy câu này là đúng, nhưng anh biết nó hoàn toàn đúng với Linh, khi mà mỗi lần viết kịch bản trông Linh lại như đang ở tận cùng của nỗi thống khổ.
Đó là một vòng lặp chết tiệt.
Linh bị trầm cảm nặng, chuyện này chỉ có Nguyên và một, hai người bạn thân thiết của Linh biết. Nhưng Linh không muốn đi khám, hắn không muốn đến bất kì cái bệnh viện nào, hắn cũng từ bỏ cả việc chữa trị khi mà mọi nỗ lực thuốc men của hắn chỉ đem lại những cảm giác lờ lợ, nhạt nhẽo, vô cảm,...
Những viên thuốc an thần khiến Linh mất dần cảm nhận và phản ứng với cuộc sống, tất cả những gì còn trong hắn là một cảm giác nhờ nhợ khó chịu, có một số tình huống Linh biết rằng hắn nên sợ hãi, nên đau buồn, nên vui vẻ, nhưng tất cả những gì hắn cảm thấy là cái cảm giác nhờ nhợ chết tiệt kia. Linh không viết được nữa. Hắn không thể viết khi mà tâm hồn hắn cứ tê liệt như thế, mà không viết thì hắn sẽ chết, hắn sẽ không chết vì trầm cảm mà chết vì mất đi lẽ sống, mất kế sinh nhai, mất đi khả năng viết. Viết kịch không chỉ là chén cơm, là đam mê, mà còn là máu thịt của Linh, là một phần linh hồn hắn. Thế nên hắn dừng thuốc, trở lại với tình trạng buồn bã lo âu kéo dài, và hắn phát hiện ra mình lại có cảm hứng, càng buồn càng có nhiều ý tưởng. Càng buồn hắn lại càng muốn trải lòng mình ra cho người khác xem, thế nên hắn viết nó thành kịch. Những vở kịch đối với Linh còn là một thứ công cụ để trải lòng và là lời cầu cứu trong âm thầm của hắn. Ánh hào quang sân khấu và tiếng vỗ tay chính là những thứ vỗ về tâm hồn Linh còn hơn cả những chuyên viên tâm lý giỏi nhất. Kịch và Linh cứ dính vào nhau như thế, Linh chìm đắm trong nỗi buồn để viết ra kịch, còn kịch đem lại cho Linh thứ ánh sáng ủi an và sự vỗ về. Một vòng lặp độc hại không có hồi kết.
Và bây giờ Linh lại đang đắm chìm trong nỗi buồn để cố gọi ra cảm hứng của bản thân, nhưng hắn không làm được. Đã hơn ba tuần rồi, không một ý tưởng nào phát triển ổn cả. Linh nhốt mình trong phòng, lệ thuộc vào cà phê và đường để duy trì tỉnh táo và tìm kiếm ý tưởng. Nhưng mọi thứ càng ngày càng tệ, hắn càng ngày càng chìm sâu vào cơn trầm cảm của bản thân mà không biết “thể hiện” nó ra bên ngoài như thế nào. Còn hai tuần nữa thôi là phải nộp kịch bản mới rồi, nhưng Linh vẫn còn mắc kẹt mãi trong tâm trí của chính mình. Dòng suy nghĩ đang xoay tròn, rối vào nhau và kẹp Linh ở giữa, hắn vùng vẫy nhưng không thoát được, nó giống như sợi dây trói chân hắn và kéo tuột hắn vào bóng đêm vô tận…
“Mày nên đi khám đi Linh.”
Nguyên vừa dọn dẹp cái bàn để đặt đồ ăn lên vừa cất tiếng khuyên nhủ. Anh biết Linh dậy rồi, hắn đang nghe, chỉ là hắn không muốn ngồi dậy mà thôi.
“Đi khám đi Linh, mày cần thoát ra khỏi vòng lặp của mày, mày không thể thế này mãi được…”
“Tao chọn chết vì trầm cảm chứ nhất quyết không chết vì không viết được!”
Thằng Linh nói vọng ra từ trong ổ chăn của hắn. Hắn nằm co người, cuộn tròn trong chăn như một đứa trẻ sợ hãi, trốn tránh thế giới.
“Nhưng mày có thể tạm nghỉ một thời gian mà, tinh thần của mày cần thời gian để cân bằng lại, Linh, tình hình đã tệ đến mức mày bị bão hòa rồi, không thể viết ngay cả khi mày buồn và muốn viết cho khuây khỏa…”
Linh không nói gì, hắn vẫn trốn trong ổ chăn như cũ, nhưng Nguyên thề anh đã thấy người hắn run lên cùng những tiếng hút khí khe khẽ. Có lẽ Linh đang khóc, mỗi khi tâm trạng lao dốc Linh đều rất dễ chảy nước mắt dù hắn không muốn một chút nào. Linh không kiểm soát được cảm xúc của mình nữa, nó vỡ òa ra khi được Nguyên hỏi đến. Nguyên không nói gì, anh chỉ nhẹ nhàng ngồi xuống giường, kế bên thằng bạn, đôi khi, sự im lặng là lời an ủi tốt nhất mà bạn bè có thể dành cho nhau…
Bình luận
Chưa có bình luận