Kính coong, kính coong.
"Mau mau, tụi nhỏ về tới!"
Ông Thắng hô lên gọi vợ, sau đó lật đật chạy ra cửa. Bên ngoài đã nghe tiếng nói tiếng cười. Hai ông bà nhìn nhau một cái, hít vào một hơi, gương mặt nở sẵn “nụ cười năm sao” tươi roi rói, sau đó mới đưa tay mở cửa nhà.
"Ba, mẹ!"
Ông Thắng mặc kệ thằng con, lập tức chuyển ánh nhìn sang đứa nhỏ đứng kế bên.
"Đây là Nhật, bạn… thân của con."
Ông Thắng và vợ cùng hiểu ý nhau, gật gù gật gù.
"Dạ con chào hai bác!"
"Ừ, vô nhà đi con."
Hai ông bà dắt tụi nhỏ vào mà cứ cười tủm tỉm. Tối ba mươi Tết mà đưa mỗi một người bạn về ăn cơm tất niên với gia đình, “bạn thân” ghê cơ!
Trên nhà bỗng có tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch, chạy rầm rầm. Lát sau, con gái ông từ trên nhảy xổ ra, chồm tới ngay trước mặt thằng anh nó và cậu con trai tên Nhật.
"Anh dâu!"
"Mày im!"
Con trai ông trợn mắt quát lên, còn cậu trai tên Nhật cũng điếng cả người.
Ông Thắng và vợ lập tức nháy nhau, sau đó giả vờ nghễnh ngãng không nghe thấy, không biết gì, mặt tỉnh bơ lùa sấp nhỏ vào nhà, chuẩn bị ăn cơm.
Phía sau có tiếng thở phào nhẹ nhõm, chỉ có mỗi con gái ông là cái miệng vẫn oang oang:
"Hai anh một người tên Minh, một người tên Nhật, ghép lại sáng lòa luôn á trời!"
"Ừ, chói chưa?"
"Chói, chói quá!"
Ông Thắng nãy giờ tai vẫn vểnh ra sau nên dĩ nhiên nghe thấy, bèn cố nhịn cười, sau đó quay ra gọi:
"Mây, vào giúp mẹ dọn cơm lên đi."
Lát sau trên bàn ăn, thấy hai ông bà cứ gắp thức ăn cho Nhật, miếng nào ngon nhất là bỏ vào chén Nhật, ngay cả con cưng là Mây cũng bị ngó lơ, Minh không nhịn được nữa, thế là hỏi luôn:
"Ba mẹ biết từ khi nào thế?"
Nhật khựng lại, theo phản xạ ngẩng lên nhìn trộm ông bà một cái rồi chột dạ cúi đầu. Lo thằng nhỏ sợ, ông Thắng nói ngay:
"Biết lâu rồi. Mày nghĩ mày giấu được ai?"
Vợ ông cũng chêm vô:
"Mấy lần mẹ thấy con gọi video mà tủm ta tủm tỉm là mẹ biết rồi."
Ông Thắng vỗ vai Nhật rồi cười, gần như là dỗ dành:
"Ăn đi con, đừng lo gì hết."
Nhìn hai đứa nhỏ gương mặt sáng bừng ngồi ăn cơm, ông Thắng chợt thấy khóe mắt cay cay.
Như hiểu được lòng ông nghĩ gì, vợ ông khẽ đá chân ông một cái dưới bàn rồi gợi chuyện:
"Năm nay khoa mình được nhiều sinh viên không con?"
Nhật vui vẻ gật đầu:
"Dạ nhiều bác. Mấy năm nay có nhiều bạn trẻ chú ý đến nhạc cụ dân tộc lắm. Bên đại học F còn đưa môn âm nhạc cổ truyền vào chương trình học nữa đó bác."
"Ba mẹ anh biết mà. Năm nay tiệm đàn bán ầm ầm, ba mẹ anh ăn nên làm ra lắm đó!"
Minh vừa múc canh vừa nói chen vào. Ông Thắng nhìn thằng con mình rồi nhăn mặt:
"Sao mày thô thế con?"
Vợ ông cũng hoang mang hỏi Nhật:
"Sao mà con ưng nó vậy?"
Nhật cười lên khanh khách, còn Minh thì vỗ ngực tự hào:
"Nhật là thủ khoa đầu ra năm ngoái đó, cũng đẹp trai nhất khoa đó, nhưng rồi cũng chỉ có con trai ba mẹ mới cưa được mà thôi!"
"Rồi làm sao cưa được?"
"Phải có đầu óc. Con chỉ cần nói một câu chưa tới mười chữ là cưa đổ."
"Câu gì?"
“Anh đẹp trai, anh nhiều tiền, anh sợ vợ.”
Mây nghe xong cười bò ra bàn, còn Nhật thì cũng gật gù xác nhận:
"Đúng rồi đó ạ, nghe xong là con chốt đơn liền luôn!"
Sau bữa cơm, ông Thắng tìm cớ sai Minh và Mây đi gọt trái cây, chuẩn bị bánh mứt chờ đón Giao thừa, còn ông thì vẫy Nhật ra rồi ôn tồn bảo:
"Con đi theo bác."
Ông Thắng dẫn Nhật lên nhà trên, bước lên lầu, hướng đến một căn phòng cửa gỗ. Vừa đi, ông vừa nói:
"Nhà bác có nghiệp làm đàn. Khi biết con cũng là người yêu nhạc dân tộc, hai bác rất mừng."
Nhật nghe xong thì cười, sau đó nghĩ một chút rồi nhẹ nhàng thưa:
"Dạ, thú thật với bác, con cũng vì biết nhà anh Minh là hiệu đàn Đình Ngân nên mới để ý ảnh."
"Ồ, vậy sao?"
"Dạ. Mấy thầy cô trong khoa con không ai là không biết hiệu đàn nhà mình và hai bác. Năm nào hai bác cũng quyên tặng đàn tốt cho trường, cho những sinh viên nghèo không có khả năng mua nhạc cụ. Loại đàn cải tiến của tiệm mình làm ra, trục vững, nhạn không bị trôi, chơi những bài rung nhấn nhiều đều không phải lo, thậm chí còn có thể trình diễn trong dàn nhạc lớn. Con hâm mộ đàn của nhà mình lắm luôn. Sau đó con gặp anh Minh trong trường, con mới để ý ảnh. Nếu ảnh không cưa con, con… suýt chút là cưa ảnh trước rồi."
Ông Thắng cười xòa, sau đó đưa tay mở cửa phòng. Cánh cửa vừa hé ra, Nhật đã kinh ngạc đến mức suýt chút nữa là kêu lên phấn khích.
Bên trong như một viện bảo tàng nho nhỏ.
Hàng chục cây đàn và nhạc cụ khác nhau được bày biện khắp nơi, cái gắn trên tường, cái thì trưng trên kệ. Ngoài ra còn cơ man nào là tài liệu, sách quý về dân nhạc, về lịch sử làm nghề. Thế nhưng vật được trưng bày trang trọng nhất trong chiếc tủ kính đặt giữa phòng nơi có một ngọn đèn vàng ấm áp rọi vào, lại là một vật vô cùng đặc biệt.
Đó là một cây tỳ bà đã vỡ.
Nhật bỗng dưng nín thở, khẽ khàng bước đến để nhìn cho kỹ.
Đàn tuy vỡ nhưng được giữ gìn vô cùng cẩn thận. Các mảnh gỗ được xếp ngay ngắn, khít vào nhau, gần như có thể nhìn ra được cây đàn hoàn chỉnh. Dây tơ có vẻ như đã được thay mới, sau đó mắc vào ngựa đàn bên dưới.
Ông Thắng bước lại đứng cạnh Nhật, cũng đưa mắt ngắm cây đàn trong tủ. Giọng ông bồi hồi, đầy hoài niệm:
"Đây là cây tỳ bà làm theo lối mới đầu tiên của hiệu đàn Đình Ngân, mở ra cách cải tiến đàn mà các con thấy như bây giờ đó."
Nhật nhìn cây đàn cổ trước mặt mà vô cùng xúc động. Đàn vẹn nguyên không nói, đàn đã vỡ lại khác, đàn đã vỡ mà được giữ gìn rồi ghép lại, thì còn khác hơn.
Có biết bao nỗi niềm ẩn chứa, làm sao đong đếm cho vừa?
"Con có thể hỏi ai làm ra cây đàn này không bác?"
Ông Thắng nhìn cây tỳ bà im lìm trước mặt, mãi một lúc sau mới đáp:
"Là ba của bác làm ra."
"Ồ, thì ra là ông nội của anh Minh."
Ông Thắng nghe vậy thì lắc đầu cười:
"Không phải ông nội của thằng Minh."
Thấy Nhật ngơ ngác không hiểu, ông lại cười, ánh mắt hơi đỏ.
“Trong tâm mỗi người đều có một cung đàn. Khi gặp người tri kỉ, nó sẽ tấu lên khúc nhạc mà chỉ người đó mới có thể nghe.” Lúc thằng Minh cưa cẩm con, nó có nói với con câu này không?"
"Ơ… dạ có! Câu này là bác dạy cho ảnh hả?"
Ông Thắng nhìn cây tỳ bà, ánh mắt lại như đang nhìn về quá khứ. Ông chưa trả lời Nhật ngay, chỉ lẳng lặng đi đến một chiếc tủ trong góc phòng, lôi ra một quyển album thật dày, sau đó vẫy tay kêu Nhật đến ngồi bên cạnh.
Ông cẩn thận giở từng trang, từng trang, cho đến khi đến trang cuối cùng.
"Đây là người làm ra cây tỳ bà cổ kia. Còn đây là người nói ra câu ban nãy. Bên cạnh là ông nội của thằng Minh, cha của bác. Đây là bà nội thằng Minh. Cụ bà đang ngồi ở giữa là bà cố."
Nhật nhìn vào bức ảnh đã ố vàng, nước ảnh ngả màu tai tái. Người đứng cạnh ông nội Minh có vẻ là…
"Là anh trai của ông nội thằng Minh. Năm bác mười tuổi, cha gửi bác vào Nam. Bác được ông nuôi từ lúc đó đến khi trưởng thành, cho nên bác gọi là ba."
Nhìn vào bức ảnh, ông chỉ tay vào người thanh niên đứng cạnh ba mình:
"Đây là cũng là ba của bác."
Phải mất vài giây sau, Nhật mới hiểu. Cậu ngỡ ngàng ngẩng lên nhìn ông Thắng, sau đó lại cúi xuống nhìn bức ảnh. Trong ảnh, bà cố một tay nắm lấy tay bà nội của Minh, tay còn lại nắm lấy tay của người thanh niên nọ, trên cổ người đó có đeo một sợi dây chuyền vàng mặt Phật.
"Thời đại bây giờ đã khác rồi."
Không rõ câu nói này dành cho ai, chỉ biết giọng ông Thắng hơi lạc đi, mà mắt của Nhật cũng hoe hoe đỏ.
Xuyên qua trăm năm, người ngoài ảnh khẽ khàng chớp mắt, yên lặng ngắm người trong ảnh. Không thấy bể dâu chìm nổi, không thấy tiếc nuối khôn cùng. Không thấy những biến thiên của thời đại, những thăng trầm của đời người. Chỉ thấy những cái nắm tay, những nụ cười đọng lại trong một khoảnh khắc đoàn viên như nguyện.
Hoàn.
28/07/2023
—
Chú thích:
(1): Phương ngữ Huế thông dụng: Ni - này; Răng - sao; Mô - đâu; Chi - gì; Rứa - vậy; Bây chừ - bây giờ; Hè - hả; Ri - đây/đấy; Mạ - mẹ; Mi - mày; Tau - tao.
(2): Da trăn thường được dùng để bọc đàn, trang trí cho đàn.
(3): Thất cung là hệ thống bảy nốt - do re mi fa sol la si do. Ngũ cung của nhạc Việt là hệ thống năm nốt - hò xự xang xê cống. Ngũ cung hơi nam giọng ai là các nốt: do re(non) fa(rung) sol la(non). So với ngũ cung bắc và ngũ cung oán, hệ thống ngũ cung ở vùng Huế đã khác hẳn: cung re bị lơ lớ, cung fa không ở một vị trí nhất định, cung la bị non đi. Theo Đặc Khảo Về Dân Nhạc Ở Việt Nam, tác giả Phạm Duy.
(4): Trích Tỳ Bà Truyện của Nguyễn Bính.
(5): Nhạn là bộ phận hình tam giác của đàn tranh, dùng để căng dây đàn và điều chỉnh âm thanh, cao độ của đàn.
(6): Hiếu Lăng là tên gọi khác của Lăng Minh Mạng. Đây là chữ hiếu trong hiếu thảo.
(7): Đạo tỳ là người khiêng quan tài.
(8): Bài thơ này tên Tha Nhân, do mình tự làm.
Bình luận
Chưa có bình luận