Phong


Phong lờ mờ đoán ra chuyện của Vân từ cái hôm San và Song Thu thử đàn ngoài sân.

Mấy tháng nay San nghiên cứu rồi mày mò làm thử một cây tỳ bà theo kiểu mới, âm vực rộng hơn, nhiều nốt hơn, chơi được tân nhạc. Trước giờ người thợ làm đàn theo lối cổ truyền chẳng có ai học nhạc, biết đọc nốt kiểu thất cung mà chỉ dựa vào đôi tai cảm âm và kinh nghiệm mà làm, duy chỉ có San là tìm tòi rồi tự học. Nhìn San cặm cụi chong đèn đọc sách, ghi ghi chép chép nốt nhạc vào quyển vở, rồi lại tỉ mẩn chọn gỗ, chọn dây cho đàn, Phong đã nghĩ, ông Đình Ngân nhìn người quả chẳng hề sai.

Trong ba người học trò ông nhận, San nhỏ tuổi nhất, nhưng lại mang trong lòng chữ Tâm và chữ Nhẫn lớn nhất của nghề.

Làm đàn bằng Nhẫn, đánh đàn bằng Tâm.

Đó là bài học vỡ lòng mà ông luôn tâm tâm niệm niệm.

Hôm đàn làm gần xong, chỉ còn mỗi công đoạn khảm trai trang trí, San đã rất vui. Cậu đem đàn từ xưởng về nhà, cơm nước xong xuôi là trải chiếc chiếu con ra sân, rủ Song Thu cùng thử đàn với mình.

Hôm đó Phong và Vân ngồi trong hiên nhà nhìn ra, nhìn cả tối, nghe cả đêm.

Trăng non đầu tháng vẽ thành một vành môi cười duyên trên nền trời xanh sẫm. Hương nguyệt quế thơm lừng. Trên mảnh sân nho nhỏ, San và Song Thu tập gảy khúc Hòn Vọng Phu.

Ban đầu, họ gảy theo kiểu độc tấu, lát sau San nói, cô Thu hát vài câu đi.

Thế rồi Song Thu hát.

Qua thiên san kìa ai tiễn rượu vừa tàn

Vui ca xang rồi đi tiễn binh ngoài ngàn

Người đi ngoài vạn lý quan san

Người đứng chờ trong bóng cô đơn.

Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng

Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi nghìn trùng

Người không rời khỏi kiếp gian nan

Người biến thành tượng đá ôm con.

Phong nhớ rất rõ, mình ngồi mải mê ngó ra sân ngắm vợ, thi thoảng còn cười. Nhìn sang bên cạnh, thấy anh Vân cũng ngó ra sân mê mải, thi thoảng cũng cười y chang như rứa.

Phong hoảng hốt, nhìn kỹ lại, ánh mắt của anh Vân từ đầu chí cuối chỉ hướng về San.


Kể từ hôm đó, Phong hay để ý chuyện của hai người bọn họ.

Nhà trên chỗ gia đình ông Đình Ngân ở thì nấu cơm riêng, không ăn chung với nhà dưới chỗ mấy người học trò ở. Dĩ nhiên San, anh Tú và Diệp thì ăn đơn giản hơn nhiều. Thế là cách vài hôm Phong lại thấy, nhà trên có món gì ngon, Vân lại lấy một ít đem về phòng. Đến tối không ai để ý, Vân lặng lẽ đem vào phòng San. Mấy hôm trời mưa bão, anh Tú còn chưa kịp làm, Vân đã đi xem cùng khắp, rồi che chắn hết mấy vết thủng trên tường, trên mái của gian nhà dưới. Chăn màn cũng đem thêm sang cho cả ba người, nhưng mà cái chăn của San là dày nhất.

Hôm nọ ở xưởng đàn, Phong đi ngang qua chỗ Vân và San đang làm, chợt nghe tiếng thì thầm to nhỏ.

"Kiếp sau, anh muốn làm chi?"

"Làm một ngọn núi thôi. Làm người khổ lắm."

Không biết Vân nói thật hay nói trêu, mà chẳng nghe San nói thêm gì nữa. Phong giả đò đi rót nước, lượn qua lượn lại, sau đó len lén ngó sang. San dấm dẳng lanh ca lanh canh, đá thúng đụng nia một hồi rồi hí hoáy ghi chép gì đấy vào trang vở, xé roẹt một cái, vo thành viên giấy to đùng, xị mặt ném qua cho Vân.

Vân bắt được, cười cười mở ra đọc. Lát sau lại cười cười, ngẩng lên nhìn San, nói được.

Phong tò mò mất mấy tuần liền, mãi tận đến lúc giáp năm.

Mấy ngày trước Tết là mấy ngày cúng kiếng không ngơi ngớt. Nào là cúng ông Táo, cúng tổ nghề, nào là cúng lên nêu, cúng Thành hành khiển. Đến đêm giao thừa khi mâm cơm đã xong xuôi đâu vào đấy, lễ bái tinh tươm hoàn chỉnh, chỉ còn đợi nhang tàn, hai anh em ngồi cạnh nhau ở hàng hiên, Phong thở hắt ra rồi bảo:

"Làm người mệt thật anh ạ! Xem con Mun mạ nuôi kìa, cả ngày chỉ ăn với ngủ, béo tròn lông mượt, có sướng không kia chứ?"

Vân cười:

"Nhưng hy vọng kiếp sau anh vẫn được làm người thôi. Lỡ hứa với người ta rồi."

Phong nghẹn lời, chẳng biết nói gì thêm nữa trước đôi mắt sóng sánh của anh trai mình. Khi yêu với khi say, có ai mà giấu được mô!

Tối đó, Phong nằm trong chăn ôm vợ rồi thủ thỉ:

"Mình mau mau sinh thằng cu đi, Thu à."

Song Thu khẽ nghiêng mặt, thở nhẹ một hơi:

"Con cái là chuyện trời cho."

Phong rầu rầu không nói, dĩ nhiên Phong biết chứ.

Nhưng anh Vân là con trưởng. Cha mạ sẽ không đồng ý cho anh và San đâu. Anh Vân phải lấy vợ, sinh con, thậm chí còn phải có con trai nối nghiệp làm đàn.

Kiếp này chiêm bao đứt đoạn, bởi vậy mới hẹn kiếp sau chăng? Phong cũng không biết nữa, chỉ âm thầm cảm thấy tiếng pháo mừng năm mới sao chẳng nghe ra hân hoan trong đó.


Ngày ông Đình Ngân biết chuyện, Vân và Phong đi giao hàng ở làng bên, mãi chiều mới về đến xưởng. Vừa về đến cổng, anh Tú đã hốt hoảng chạy ra bảo hai cậu về nhà gấp, ban nãy cô Song Thu chạy đến đây tìm nhưng không gặp. Vân và Phong nghe xong, chẳng kịp nghĩ đã vội chạy về.

Về đến nhà, đập vào mắt là cảnh San quỳ gối giữa sân, tay chân đều bị trói. Bà thầy đang cầm ngọn roi dâu ra sức quật lên người cậu, vừa quật vừa quát đi ra mau, đi ra. Tiếng roi chan chát vụt vào da thịt đỏ au bật máu lẫn với tiếng khóc xót xa của bà Loan, tạo thành một mớ âm thanh hỗn tạp, khó hiểu.

"Ráng chịu một chút con ơi! Thầy bảo trục được vong nữ này ra là con hết bệnh!"

San bặm môi quỳ dưới trận roi, không kêu một tiếng. Ông Đình Ngân ngồi trong nhà, ngoảnh mặt vào trong không nhìn ra cảnh tượng ngoài sân, hai vai run run, nắm tay cũng siết.

Phong nhớ rõ, đó là lần đầu tiên cậu thấy anh mình giận dữ.

Vân lao đến chộp lấy ngọn roi dâu ném mạnh đi, đạp đổ bàn cúng, sau đó không nói không rằng bế thốc San chạy vào nhà dưới. Phong hét lên gọi Song Thu mang nước ấm, băng gạc và thuốc đỏ đến, còn mình cũng chạy theo anh. Vào đến phòng, cậu thấy Vân nhẹ nhàng cởi trói cho San, sau đó ôm San vào lòng, đầu gục xuống mà khóc nghẹn.

"Vong nữ đi chưa?" 

Lát sau, Vân nghẹn ngào hỏi.

San bật cười, xót xa ôm lại Vân rồi thều thào đáp:

"Sợ quá đi mất rồi."

Mấy vết roi trên người San để lại từng lằn từng lằn đỏ rực, vậy mà cũng không đỏ bằng đôi mắt Vân ngày hôm đó.

"Vong nữ đi rồi mà em chưa hết bệnh, anh ơi."


Vân cõng San đi ngay trong chiều. 

San bị sốt nên uống thuốc xong là ngủ say, Vân lẳng lặng dọn đồ cho cậu. Áo quần dăm ba bộ, vài quyển sách, vài đồng bạc lẻ, cứ vậy mà đi, mặc cho bà Loan khóc hết nước mắt. Xe đạp cũng để lại, Vân chỉ cõng San trên lưng mình, y hệt ngày đầu tiên gặp nhau, anh đã cõng cậu xuống núi.

"Để cho nó đi! Thứ dòng bất hiếu! Từ giờ cho tới lúc chết, tôi không nhìn mặt nó!"

Ai cũng nghĩ ông Đình Ngân giận vì chuyện của Vân và San, thế nhưng Phong biết rõ, cha mình vì thẹn.

Lúc Vân lao vào nhà tìm ông Đình Ngân, Phong cũng chạy vào theo, sợ anh mình nóng giận quá. Không ngờ, Vân chẳng nói gì, chỉ đứng đó nhìn ông, nhìn mãi, tận cho đến khi ông chịu quay lại nhìn người con cả của mình.

Một ánh mắt của Vân vậy mà đánh nát lòng tự tôn của ông. Thẳm sâu trong lòng, ông cũng biết chuyện mời thầy trục vong theo ý bà Loan là không ổn, thế nhưng ông còn biết cách nào nữa đâu? Ông đành nhắm mắt làm lơ, ngầm đồng ý. 

Dường như đã quá giới hạn chịu đựng của mình, ông gầm lên một câu chửi tục. Phong thấy cha vươn tay túm lấy cây đàn tỳ bà mà dạo trước San làm theo kiểu mới. Đàn được Vân cưng lắm, ngày nào cũng đem ra lau, còn treo trên tường phòng khách. Ông Đình Ngân vung đàn lên rồi đập mạnh xuống nền gạch. Thùng đàn vỡ ra, cần đàn gãy, dây cũng đứt.

"Tụi bây làm nhục gia phong, làm chuyện tầm bậy tầm bạ, bệnh hoạn như vậy, lỡ lây cho thằng Phong thì sao?"

"Kìa cha!"

Phong thét lên, thế nhưng không kịp. Vân đã xoay lưng đi, chẳng hề ngoái lại nhìn.

Tối đó, Phong thấy bà Loan ngồi ngắm nghía sợi dây chuyền vàng mặt Phật trên tay, vừa nhìn vừa khóc. Sợi dây này bà để dành cho dâu cả, vợ của Vân. Dâu thứ là Song Thu thì có nhẫn ngọc, dâu cả thì có dây chuyền vàng.

Đêm đã khuya mà chẳng ai ngủ được. Phong lẳng lặng gom lại hết những mảnh vỡ của cây tỳ bà San làm, để vào trong một chiếc rương. Sau đó cậu ngồi thừ ra, mãi đến khi Song Thu bước vào.

"Thu à, anh Vân và San không bệnh."

Thu nhẹ nhàng ôm lưng Phong, áp má lên vai chồng.

"Ừ, anh Vân và San không bệnh."

 

Vân đưa San sang huyện bên, thuê một căn nhà nhỏ xíu nằm sâu trong ngõ. Hai người nhận làm những việc lặt vặt như sửa đàn, dạy đàn, dạy chữ cho trẻ, có khi dăm ba việc đồng áng, làm vườn, họ cũng làm. Phong nhiều lần tìm đến, có khi đi cùng với cả Song Thu, khẩn khoản gọi anh về.

"Anh về đi, đừng giận cha nữa."

Vân lắc đầu:

"Anh không giận cha, nhưng chẳng về được đâu."

Hôm ấy người bị gọi đến trục vong là San, chẳng mấy chốc câu chuyện đã lan ra khắp làng khắp xóm. Ông Đình Ngân và bà Loan cũng phải tránh mặt chòm xóm láng giềng, chẳng khi nào bước ra khỏi cửa.

"Lúc bị đánh, có mỗi mình San chịu. Đúng ra người phải quỳ dưới trận roi dâu đó là anh, em à."

Phong thở dài, tần ngần nhìn quanh căn nhà vách lá gió lùa thông thốc.

"Nhưng còn chuyện ở xưởng… Trước giờ phần lớn việc làm đàn, cha đều giao cho anh cáng đáng. Hay anh và San dọn về xưởng đi, từ từ biết đâu cha lại nguôi ngoai."

"Em làm được hết cả rồi, tay nghề của em cũng cứng, đừng lo."

"Nhưng mà…"

Vân cười:

"Hôm nay hai em ở lại đây ăn cơm nhé."  

Dưới bếp đã dậy lên mùi cơm chín. Bữa ni có cá lúi mới bắt ngoài đồng và đĩa dưa môn cắt trong vườn rồi muối chua.

Trên mâm loe hoe hai con cá, cả bốn người đều nhường nhau qua lại, rốt cuộc đĩa dưa môn lại hết trước tiên. Phong cay cay mắt nhìn bàn tay đen xỉn đi của San, nén tiếng thở dài.

Bàn tay từng vuốt dây tơ, nhấn phím đàn, ôm tỳ bà, dưới đêm trăng ngoài sân tấu lên khúc nhạc nao nao.

Trong lòng Phong hiểu rõ, cậu chỉ đang cố chấp. Ông Đình Ngân sẽ không bao giờ cho Vân bước vào xưởng đàn, và Vân cũng biết thế. Anh và San sẽ càng không ra ngoài tự mở một xưởng đàn thứ hai. Chưa nói đến việc thời nay người mua đàn thưa thớt, việc mở xưởng cạnh tranh với xưởng nhà là việc anh Vân và San sẽ chẳng bao giờ làm.


Cái năm ông Đình Ngân đổ bệnh, Vân và San đã chuyển nhà đến lần thứ tư. Cứ ở vài tháng, lời đồn và thị phi lại bắt đầu tìm đến. Những ánh mắt dị nghị mỗi lúc một nhiều hơn. Vân chẳng hề chi, nhưng anh thương San lúc nào cũng là tâm điểm trong câu chuyện. Càng ngày, họ càng chuyển đi xa dần.

Lúc hai người nhận được thư của Phong rồi vội vã đi tàu về, ông Đình Ngân đã yếu lắm rồi.

"Mạ, cho anh Vân và San vào nhìn mặt cha lần cuối đi!"

Thấy Vân và San đứng ngoài cổng nhìn vào trong, Phong sốt ruột lay chân mẹ, vậy mà bà Loan chỉ cúi đầu bưng mặt khóc.

Cả đời xuất giá tòng phu, những gì chồng đã dặn, bà chẳng thể cãi lời. 

Phong tức đến đỏ cả hai mắt, đứng dậy chạy ra mở cổng rồi bảo:

"Anh và San vào mau, cha đồng ý gặp rồi."

Vân lẳng lặng nhìn Phong, sau đó cười buồn rồi vỗ vai em:

"Em đừng làm trái ý cha, làm khó mạ. Vào lấy cho anh cây đàn bầu mà cha thích là được rồi."

Ngay tối hôm đó, ông Đình Ngân đi. Mấy ngày đám ma, người ta thấy Vân và San quỳ ngoài ngõ, đồ tang cũng không có, chỉ mặc chiếc áo trắng cũ sờn gọi là. Đến lúc di quan, quan tài chầm chậm được khiêng ra ngoài, Phong đi trước ôm bát nhang, bà Loan ôm di ảnh, Song Thu, Tú và Diệp đi sát phía sau. Đi ngang chỗ Vân và San đang quỳ, Phong ra hiệu đạo tỳ (7) cho quan tài dừng lại.

San quỳ mọp không dám ngẩng lên nhìn, hai bờ vai run run trong tiếng nấc. Vân thì ngồi xếp bằng bên vệ đường, xoay lưng ra ngoài, ngoảnh mặt vào trong, hai tay bắt đầu chỉnh dây cây độc huyền cầm.

Lát sau, tiếng đàn bầu vang lên nỉ non, thống thiết. Đám rước chầm chậm bước đi trong điệu ngâm đưa tiễn bi thương:

Này hỡi tha nhân, ôi tha nhân

Một chén bi hoan được mấy phần?

Đàn xưa đứt đoạn, người ly biệt

Nhà cũ tan tành, cảnh vấn vương

Nghe trong tiếng gió, trong tiếng gió

Hiếu nghĩa không tròn, trách chẳng thương

Đường xa rừng thẳm mình ta biết

Thôi kính tha nhân khúc đoạn trường. (8)

 

Sau đám tang, Vân lại dẫn San đi. Ông Đình Ngân dù sao cũng là người có tiếng, khách đến viếng rồi đưa tang rất đông. Cảnh tượng Vân và San quỳ ngoài ngõ, ai ai cũng thấy.

Lần này, Vân đưa San đi hẳn vào Nam, thỉnh thoảng mới gửi thư về.

Bức thư cuối cùng mà Phong nhận được đến vào một ngày mưa bão.

Đêm hôm trước, Phong nằm chiêm bao, thấy Vân và San về thăm. Nhà đông vui lắm. Bà Loan còn mở két lấy ra sợi dây chuyền vàng mặt Phật, nhẹ nhàng đeo vào cổ cho San. San còn sửa lại cây tỳ bà vỡ nát kia, chắp nối lại cho nguyên vẹn. Trong chiêm bao, ai cũng cười. 

“Em ở nhà gắng chăm sóc mạ, chăm sóc vợ con. Anh và San ở trong này ổn lắm. Ở đây họ rất chuộng đờn ca tài tử, rất nhiều người yêu đàn, quý đàn. Mấy người đồng đội ở đây rất thích nghe anh đánh đàn cho San hát.

Lâm trường mênh mông, bát ngát lắm em à. Trên đây gió lớn, cảm tưởng như tiếng đàn vang đi rất xa, rất xa. Nhiều lần anh tự hỏi, không biết nó có vượt qua núi đồi rừng thẳm, về đến nhà, để cha mạ nghe được hay không?

Em gắng chăm sóc mạ. 

Anh và San đi qua bao con đường, đi dọc chiều dài đất nước, chỉ mong được lần nữa về làm con của mạ mà thôi.” 

Kể từ sau lần đó, chiều nào bà Loan cũng ra ngõ đứng trông. Hễ nghe loáng thoáng có xe từ trong Nam ra, hay từ Tây Nguyên về, bà đều cuống cuồng chạy ra tìm. Trên đường đê rực nắng, bóng mạ ngả nghiêng:

"Vân ơi, San ơi, có phải các con về không? Các chú ơi, có thấy hai đứa con của tôi về hay không?"



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}