Vân dắt xe đạp ra rồi nhìn về phía trước.
Chiều nay xong việc ở xưởng, San chạy vội ra ngoài kéo Diệp, kéo Tú về cùng, chẳng chịu để anh đèo về như mọi khi. Người thì trông thấp bé, vậy mà chạy nhanh thế không biết, lại còn mưu mô giả vờ bảo anh kiểm tra kỹ lại cây đàn nguyệt, xong rồi nhân cơ hội mà ù chạy mất.
Vân bật cười, đợi cho ba người kia đi trước một quãng xa rồi mới thong thả leo lên xe, thong thả đạp.
Con đường làng nói lớn không lớn, nói nhỏ không nhỏ, ba người kia đi hàng ngang đã hết cả chỗ, thế nhưng anh không hề có ý định vượt qua.
"Anh Vân về trước đi."
Diệp quay lại trông thấy Vân đã đạp xe đến gần, bèn kéo San và Tú tránh sang một bên nhường đường. Thấy vậy, Vân lắc đầu cười, chân đạp chậm lại hẳn:
"Hôm nay tôi không vội, cô Diệp và hai em cứ đi thong thả."
Diệp thấy là lạ, thế nhưng cũng chẳng biết phải làm gì, đành tiếp tục mà đi, tiếp tục mà chắn đường như thế. San thì cả buổi cứ cứng đờ cả lưng và cổ, làm như chỉ có thể nhìn thẳng, xoay lưng hay nghiêng mặt cũng chẳng làm được không bằng.
Vân mặc kệ, cứ thong thả đạp xe phía sau, miệng còn huýt sáo đến là vui vẻ.
"San, San có thấy hôm ni anh Vân dường như rất vui không?"
"Em không biết mô!"
"Răng lại rứa, anh Tú cũng thấy thế phải không?"
"Ừ, rõ mà. Chẳng biết chuyện chi mà vui thế."
Vân nghe được loáng thoáng, chỉ tủm tỉm cười.
Đến ngã ba rẽ về nhà, Diệp vẫy tay với San rồi bảo:
"Chị xuống chợ mua chút đồ, em về trước đi."
Anh Tú nghe vậy cũng sực nhớ ra mình phải mua vài quyển sách, thế là chẳng mấy chốc chỉ còn mỗi San ngơ ngác đứng giữa ngã ba đường.
Reng reng reng.
Phía sau có tiếng chuông xe đạp reo lên lảnh lót.
"Lên đây anh đèo về, sắp mưa rồi!"
San hậm hực đi một nước, chẳng thèm ngó đến.
Thế là Vân lại đành đạp xe theo sau, lòng vu vơ nghĩ có nên huýt sáo nữa hay không.
"Anh đừng có mà huýt sáo nữa!"
"Thế em lên đây anh đèo."
"Không!"
"Em giận gì thế?"
Đến đây thì San cứng họng, không biết đáp trả thế nào. Lúc Vân xoa đầu cậu, cậu không giận. Lúc Vân dùng ngón tay trỏ khẽ vuốt má cậu, cậu cũng không giận. Lúc Vân nhanh như chớp làm bộ “vô tình” xoay mặt, bờ môi “vô tình” quẹt vào trán cậu, cậu lại càng không giận.
Nhưng chiều qua về nhà đi ngang phòng khách, thấy bà Loan ngồi bàn với ông Đình Ngân việc mai mối cô Song Thu làng bên cho Vân, San lại giận. Nghe đâu cô Song Thu vừa đẹp vừa hiền, nấu cơm têm trầu đều cực kỳ khéo, gia đình cũng thuộc hàng có nề nếp, dạy con nghiêm khắc chỉn chu.
Bà Loan bảo, thằng Vân mấy năm nay mãi dùng dằng chưa lấy vợ, thôi thì cứ cho nó đi gặp người ta thử, biết đâu lại thích.
Thích.
Thích ư?
San cúi đầu, tần ngần nhìn vạt áo.
Ô hay, giận cái chi thế nhỉ?
Lộp độp, lộp độp, từng hạt mưa bắt đầu rơi xuống rồi vỡ nát trên mặt đường.
San ngẩn ra nhìn một hồi, sau đó bừng tỉnh. Cậu quay phắt lại sau lưng, vẫn thấy Vân kiên nhẫn ngồi trên xe đạp mà chờ, áo sơ mi màu trắng xám đã loang lổ vết mưa lớn nhỏ, liên xiên.
"Về mau về mau, anh ướt hết mất!"
San thét lên rồi lao đến, nhảy vọt lên yên sau xe. Vân chỉ chờ có thế, vừa vòng tay ra sau chụp lấy tay San vòng quanh hông mình, vừa khom lưng cúi người, ra sức đạp thật nhanh. Bánh xe quay tít, hất nước bắn lên tung tóe.
"Anh đạp chậm thôi, ngã xe khỏi lấy vợ bây chừ!"
Vân bật cười, lại càng đạp nhanh, nghiêng bên này ngả bên nọ, xiêu xiêu vẹo vẹo như người say.
"Không lấy!"
"Răng lại không?"
"Có thương người ta đâu mà lấy làm chi?"
San nghe xong im thin thít, còn Vân thì lại mong chờ một câu hỏi vậy anh thương ai hè? (1)
Mưa nặng dần, phố xá vắng đìu hiu, chỉ thấy chiếc xe đạp chở hai người con trai lao đi chao đảo trong làn nước, không ai nhìn thấy mặt ai, thế nhưng ai cũng biết người kia đang cười.
Chiều về đến nhà, San chạy ù vào gian dưới, mau mau tắm rửa thay đồ. Vân thì đi thẳng vào trong bếp, quả nhiên hôm nay mạ nấu chè hạt sen nhỡn lồng. Bà Loan kỹ tính, nấu chè ni thì sen phải là sen trong hồ Tịnh Tâm, nhỡn lồng phải là nhỡn lồng trong Đại Nội.
Vân còn để đồ ướt trên người đã nhón tay lấy bát, múc ngay một chén to.
"Con đi tắm thay quần áo đã, rồi hẵng ăn! Mà thường ngày có thích ăn ngọt đâu, sao hôm nay lại múc chén to như ri?"
Vân cười cười nhìn bà Loan, đưa một muỗng lên nếm thử:
"Em Phong thích cô Song Thu từ lâu rồi, mạ không biết ư?"
Bà Loan sững người nhìn Vân, còn Vân thì ung dung bưng chén chè đi mất.
Lát sau San tắm rửa xong bước ra, đã thấy trên cái bàn con cạnh giường mình có chén chè sen nhỡn lồng trong trẻo, thanh thanh ngọt ngọt.
—
Đám cưới Phong diễn ra kịp lúc tiết trời chuyển sang thu. Nghe bảo Phong một hai đòi như thế. Rước cô Song Thu về nhà vào ngày thu trong vắt, ánh nắng dịu dàng, gió mơn man khe khẽ, vậy mới được. Có lẽ như ông trời cũng chiều theo lòng cậu, hôm làm lễ gia tiên nhập trạch, không có mưa ngâu lướt thướt, chỉ có trời xanh nắng vàng.
Đám cưới đúng theo tinh thần “trọng lễ nghi, khinh tài vật” của miền cố đô, có đầy đủ sáu lễ, chỉ có phần vật chất thì đơn giản nhẹ nhàng. Ông Đình Ngân đứng giữa, trang trọng dâng hương lên bàn thờ tổ tiên, khói hương mờ mờ bay thoang thoảng. Cậu Phong và cô Song Thu cùng mặc áo dài gấm, chắp tay cúi đầu đứng sau, kính cẩn nghe lời khấn. Lúc ông Đình Ngân đọc văn tế, đọc lời cảm ơn Nguyệt Lão xe duyên cho đôi trẻ, Vân chợt ngẩng mặt, dõi mắt tìm San giữa đám đông.
San đứng chếch bên đối diện, vừa hay cũng bắt được cái nhìn của anh.
Hương khói vẫn thoang thoảng bay trong lời nguyện cầu trăm năm hạnh phúc. Giữa những cái cúi đầu kính cẩn im nghe, ánh mắt của Vân kiên định xoáy vào đau đáu tâm can. Trái tim cũng vì đó mà nhói đau theo, run lên từng đợt, oằn mình vẫy vùng dưới tầng tầng chôn giấu.
Cuối năm đó, đơn hàng giảm nhiều. Đàn làm ra chẳng ai mua, ông Đình Ngân đâm buồn bực, thi thoảng lại còn cáu gắt. Bà Loan và cô Song Thu nấu đủ thứ món ông thường ngày thích ăn, khi thì cá thệ kho tiêu ớt, khi thì thịt ba chỉ mắm tôm chua, khi thì canh cá kình nấu thơm vườn, vậy mà ông cũng chẳng ăn vào mấy.
Trong mâm cơm chiều nay, Vân buông đũa rồi bảo:
"Con nghĩ nhà ta nghiên cứu lại, cải tiến cách làm đàn xem sao. Bây giờ xã hội chuyển biến, văn hóa tây phương du nhập nhiều, cha không thích làm đàn ghi-ta, đàn măng-đô-lin cũng được, giữ cái nghề làm đàn dân tộc, con cho rằng cũng hay. Nhưng mà đàn ta cũng phải cải tiến để sánh được với đàn tây, để còn hội nhập. Tỉ như cây tỳ bà, nếu cứ giữ “tứ phím ngũ cung” thì không chuẩn nốt, không chơi được thất cung của nhạc quốc tế, giới trẻ giờ họ không ưng. Đàn tranh cũng rứa. Đàn tranh miền Nam ngắn hơn đàn tranh miền Bắc nên cỡ nhạn (5) và cỡ dây khác nhau, âm sắc khác nhau. Trước giờ người nghệ sỹ chỉ quen chơi cây đàn của mình. Cha nghĩ thử xem, nếu chúng ta chuẩn hóa được đàn tranh, nghĩa là người nghệ sỹ có thể chơi trên bất kỳ cây đàn nào, việc giao lưu hội nhập với quốc tế sẽ thuận tiện hơn nhiều."
Phong cũng gật gù nói thêm vào:
"Anh Vân nói đúng. Với lại chuyện cắt gỗ, ra gỗ ra phôi cũng vậy. Bây giờ máy làm nhanh và chuẩn hơn người làm. Cha cứ khư khư đòi làm thủ công toàn bộ, vừa lâu, vừa cho ra năng suất thấp, sai lệch nhiều. Người mua đàn họ cũng đâu có quan tâm cha làm tay ba tháng hay làm máy ba mươi ngày. Đàn chơi hay, không tuột nốt tuột dây, không long nhạn là họ chịu rồi!"
Ông Đình Ngân nghe không nổi nữa, tức giận đập bàn mà quát lên:
"Tổ cha hai thằng mi! Nuôi cho lớn, cho ăn học nên người, để rồi bây giờ đòi bỏ cách làm nghề cha ông để lại mà đi học theo tây! Thằng Vân, mi là con cả mà còn bày đầu cho thằng Phong đua đòi theo? Hả?"
Bát cơm bị ném xuống đất, vỡ tan tành.
"Hai thằng mi đi làm đàn tây, làm nhạc tây thì cút, cút ra ngoài mà làm! Tau không chứa!"
Giọng ông to sang sảng, quát ở nhà trên mà tít nhà dưới chỗ mấy người học trò trọ lại cũng còn nghe.
Anh Tú tặc lưỡi, quay qua nhìn San rồi bảo:
"Chưa bao giờ anh thấy thầy giận như ri!"
San không đáp, bồn chồn khẽ hé cửa nhìn lên nhà trên. Mâm cơm chỉ còn bà Loan và Vân ngồi lại, bà Loan thở dài, còn Vân chỉ ngồi lặng im. Cơm canh rơi vãi tung tóe dưới sàn, ngọn đèn chao nghiêng trong cơn gió lớn.
Ngày hôm sau, San rủ Vân nghỉ làm một hôm để đi chơi. Đi gần không chịu, phải ra tít Hiếu Lăng (6) ở ngoại thành, tận núi Cẩm Kê cơ. Ấy vậy mà đến Hiếu Lăng rồi, đứng trước Đại Hồng Môn, San lại tần ngần chẳng dám bước vào.
Vân cũng chẳng hề ngạc nhiên, chỉ khẽ kéo tay dắt cậu đi dạo vòng quanh, dưới chân La thành rêu phủ.
Hai người thả bộ chầm chậm, cỏ non mềm mại dưới chân.
"Anh đừng buồn, vài hôm nữa là thầy hết giận."
"Không có buồn."
"Vậy… anh cũng đừng lo. Việc xưởng đàn sẽ đâu vào đấy thôi."
Thấy Vân cúi đầu không đáp, San bèn nói thêm:
"Có khi mình làm thử đàn chơi tân nhạc đi. Nói nhạc tây, thất cung này nọ thầy không ưng bụng, nhưng có khi tân nhạc thì thầy lại xuôi. Hôm trước anh Tú bảo em, có cô ni đặt một cây đàn tranh và tỳ bà, muốn chơi theo lối miền nam, còn phải chơi được tân nhạc."
Vân quay sang nhìn San, mắt cười dịu êm như cũ. San ngơ ngẩn nhìn, lát sau chợt thốt lên:
"Để em mày mò làm thử một cây."
Vân nghe xong chợt dừng bước, kéo San nép vào dưới một gốc mù u cổ thụ, tán xòe rộng kín một góc đường. Lưng San bị áp vào thân cây xù xì, ram ráp. Vân chống tay lên thân cây, cúi mặt nhìn San:
"Em học làm đàn, làm được đến đoạn lắp ráp rồi phải không? Em có biết khâu ráp đàn chỉ truyền cho người nhà, thợ thuyền cũng không được biết hay không?"
Vân lại giả đò làm mặt nghiêm, nhưng San nhìn đuôi mắt là biết tỏng.
"Thầy đã nói nhà ta không giấu nghề kia mà."
"“Nhà ta” cơ đấy!"
San cắn môi, đỏ mặt liếc sang một bên không thèm ngó. Vân cười, không trêu nữa, khẽ khàng tiến lại rồi cúi xuống. San giật mình ngẩng phắt lên, ánh mắt chợt chạm phải bức tường đá Hiếu Lăng cao vun vút.
"Không sao đâu."
Vân thì thầm, xoay lưng ra che chắn cho cậu. Nửa gương mặt của San được bờ vai Vân che khuất, chỉ còn lộ ra đôi mắt thảng thốt mơ hồ.
"Cứ để họ nhìn đi."
Con đường dưới chân La thành vắng hoe không một bóng người, nắng chiếu vàng rực rỡ. Nghìn năm thành quách đền đài, trăm năm mộ bia lăng tẩm im lìm nhìn xuống gốc mù u cổ thụ tỏa bóng râm, tranh sáng tranh tối mà chở che cho hai con người nhỏ xíu kia.
Chở che cho một nụ hôn dịu dàng như giông bão.
Bình luận
Chưa có bình luận