San


Mới đặt chân đến đầu ngõ, San đã nghe tiếng đàn vọng lại.

Không rõ là đàn gì, cũng chẳng rõ giai điệu, lời ca. Những thanh âm ngắn và đanh, đứt gãy cứ thế vang lên từng nhịp, từng nhịp một. Mất mấy giây sau, cậu mới vỡ lẽ, à thì ra người ta đang lên dây cho đàn.

"Vô trong ni, con." (1)

"Dạ, thưa thầy."

San thấp thỏm bước theo ông Đình Ngân đi vào cổng, băng qua giàn mướp loe hoe vài chiếc lá con con, tự dưng trong lòng trào lên cảm giác chờ mong khó tả. 

"Thưa cha mới về."

Mãi rất lâu, rất lâu sau này, mỗi lần nghĩ tới ngày hôm nay, nghĩ tới khoảnh khắc gặp nhau lần đầu, San đều xúc động.

Giữa khoảnh sân lát gạch tàu cam đỏ, dưới giàn hoa giấy xanh um lác đác vài cánh tím cánh hồng, anh ngồi đó trên một tấm chiếu con, chân xếp bằng, tay ôm một cây đàn thân hình giọt lệ, gương mặt nghiêm trang ngẩng lên nhưng đuôi mắt lại ấm và dịu, dường như còn vương chút ý cười.


"Đàn này rõ ràng mang hình quả lê bổ đôi, sao em lại nhìn ra thành hình giọt lệ?"

Vân bật cười, vươn tay ra giúp San giữ chặt thớ gỗ ngô đồng mới cắt. San liếc Vân một cái, sau đó ươm ướm thử chiếc cưa:

"Răng anh làm đàn mà lại không có chút lãng mạn chi hết!" (1)

Vân lại cười, không nói, chỉ ra hiệu cho San tập trung cắt, chắc tay vào. Nếu khâu ra gỗ mà bị lệch thì đến lúc chắp ghép sẽ sai, âm thanh không chuẩn, có khi phải vứt cả chiếc đàn mà làm lại từ đầu.

"Nói giọt nước còn hợp lý, sao nhất định phải là giọt lệ?"

"Giọt lệ buồn, nhưng mà đẹp."

"Có lệ nào lại đẹp được đâu?"

"Có chứ, lệ khóc cho những điều xứng đáng."

San không nói nữa, cúi đầu tập trung vào đường cắt. Cưa đi xoèn xoẹt, cưa đi xè xè, bụi gỗ bay lên li ti, thịt gỗ tươi dậy mùi thơm nồng, ấm ngọt. Xưởng đàn lúc này vắng hoe, chỉ còn hai người bọn họ ngồi lại cố ra xong rập cho cây đàn này.

Ông Đình Ngân từng bảo, vào thời hoàng kim của xưởng đàn ấy à, thợ thuyền ra vào tấp nập như chợ họp trên phố, thậm chí còn hơn. Tiếng bào tiếng cưa vang lên từ mờ sáng, mãi đến tối muộn vẫn còn. Mùi gỗ sực nức lan ra khắp ngõ. Thương lái đưa da trăn (2) đến, mỗi lần giao hàng là phải giao cả mấy thùng, chất vào kho cao như núi. Dây cước dây tơ được vuốt sáp ong cũng để thành từng cuộn, nhắm chừng một cuộn tầm năm chục mét, ba mươi cuộn lại vào một thùng, cứ thế mà chất đầy trong kho, tràn ra cả lối đi của thợ. Vào những lúc cao điểm, xưởng đàn chong đèn làm thâu đêm để kịp hàng đi ra Bắc, đi các tỉnh, còn có cả hàng làm theo đơn riêng của trong cung gửi ra. Phổ biến nhất vẫn là đàn tranh, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tam. Đàn tỳ bà thì ban đầu chỉ dùng trong dàn nhạc của cung đình, sau này mới được truyền ra dân gian.

"Vậy nên em thích tỳ bà? Biết chọn thật, thích mỗi “cầm vương”"

"Mô có! Em thích tỳ bà vì nguyên nhân khác." 

San lúng túng bặm môi, cố gắng cắt cho xong tấm này, mặc kệ Vân chống tay lên cằm nhìn cậu. Đăm đăm.

Ban đầu San cũng bị kiểu nhìn này lừa. Sau này mới biết, Vân giả đò nghiêm trang vậy thôi, chứ đuôi mắt lúc nào cũng cười thấy rõ, vậy mà San bảo anh Diệp, bảo chị Tú, họ đều không tin.

Chiều xuống dần, nắng cũng tắt. Màu đêm nhập nhoạng từ từ lan vào trong gian xưởng. Vân đứng dậy thắp thêm đèn, lại ngẫm nghĩ chút rồi bước vào gian bếp nhỏ phía sau, đun một ấm nước sôi tí nữa pha trà cho San.

San ngẩng đầu nhìn Vân một cái, sau đó lại cúi xuống, tập trung vào súc gỗ đang dần dần thành hình giọt lệ.

Vân không biết, San đâm thích tỳ bà vào đúng cái hôm được ông Đình Ngân dẫn về nhà cùng anh Tú, chị Diệp.

"Nghề làm đàn kỳ thực có đến nửa là nghề làm mộc, tay cưa tay bào. Ngoài ra còn phải có đôi tai cảm âm cho tốt, nghe ra hò xự xang xê cống, nghe ra tiếng thổ tiếng kim, tiếng bổng tiếng trầm. Chúng ta làm ra cây đàn hay, âm chuẩn là một chuyện, nhưng sau cùng cũng là để phục vụ cho ca nương, cho người hát, cho làn nhạc mà họ muốn chơi, cho tâm tình của họ. Cho nên các con không yêu nhạc là không được, không nghe ra cái tình khác nhau của ngũ cung hơi Nam giọng ai và ngũ cung Bắc, ngũ cung oán cũng không xong." (3)

Ông Đình Ngân nhìn ba người thanh niên trước mặt rồi dặn dò, ánh mắt đọng lại trăm năm tâm huyết của nghề, của những tiếng vọng từ ngàn xưa. Anh Tú, chị Diệp xúc động cúi đầu thưa vâng, ấy vậy San lại ngại ngần, hai bàn tay bất giác đan vào nhau băn khoăn, bứt rứt.

Cậu sợ mình làm không được.

Ông Đình Ngân nhìn ra San đang chần chừ, bèn bảo không vội làm lễ nhận thầy, cúng tổ. Khi nào nghĩ xong rồi hẵng bảo thầy.

Nói là nói rứa thôi, chứ tiếng “thầy” đã xưng đã gọi, giờ nuốt ngược lại sao đành?

Non giấc xế chiều cơm nước xong xuôi, Tú và Diệp theo ông Đình Ngân ra xưởng, còn mỗi mình San ngồi khép nép trên chiếc chiếu con trong mảnh sân gạch tàu, lặng lẽ nhìn Vân chỉnh dây, lên dây cho một loạt chiếc đàn hình giọt lệ.

Vân ngó San rồi hỏi:

"Em muốn đi leo núi không?"

"Thưa anh nói chi?"

San ngớ người, đã thấy Vân bỏ đàn xuống, phủi phủi ống quần đứng dậy.

"Đi nào."

San vẫn còn ngần ngừ chưa đáp, Vân lại cười:

"Trên đỉnh núi là mây đấy."

Chẳng rõ vì câu dụ dỗ trên đỉnh núi có mây hay vì nụ cười vừa hiền vừa ấm của Vân mà San lại bằng lòng. Ừ thì đi leo núi thôi mà, có gì to tát đâu mà sợ?

Chu cha mạ ơi, thế mà leo rồi mới biết, núi không cao nhưng lại dốc, mệt ơi là mệt! 

Càng đi, San càng thở hổn hển, không khí hít vào lạnh buốt làm cổ họng, lồng ngực cũng đau. Bên sườn đau nhói. Hai chân cứ run run chực chờ khuỵu xuống. Vân thì cứ ung dung đi phía trước, chầm chậm, chỉ cách chừng hai ba bước chân, vậy mà đưa tay ra chạm không tới cánh tay, vạt áo.

"Nghe thầy bảo lúc trước anh đi bộ đội về bị thương mà, răng… răng mà khỏe rứa?"

"Đi bộ đội cho nên mới khỏe."

"Em chẳng tin."

"Thật. Hồi xưa ngày nào cũng phải mang mấy chục ký trên lưng, đi vài chục cây số mới đến điểm tập kết. Bây giờ chỉ đi mình không, có gì đâu mà mệt?"

"Anh không mệt nhưng em mệt lắm rồi, không đi nữa mô, về thôi."

"Gắng lên, sắp đến rồi, gần lắm."

Vân bảo San, cứ nhìn xuống dưới chân này, tự nhủ với bản thân là chỉ một bước nữa thôi, rồi lại một bước nữa, một bước nữa, cứ thế mà đi.

Rồi sẽ đến.

Không cần ngẩng mặt lên. Con đường phía trước có anh nhìn cho em rồi.

San ngó Vân một cái, định lườm, vậy mà lại thấy Vân hơi ngẩng đầu, ngân nga ngâm mấy câu thơ.

Bồ đào tửu, dạ quang bôi

Tiếng tỳ bà chẳng giục người lên yên.

Một đàn năm ngón tay tiên,

Một đàn chim mộng, triền miên bay về

Đàn như tỉnh, đàn như mê

Đàn se vời vợi, đàn về đăm đăm

Tri âm đàn gọi tri âm

Đàn ngời ánh ngọc, đàn ngâm giọng vàng. (4)

Đường núi vắng vẻ, chỉ có tiếng bước chân, tiếng thở, và giọng ngâm của Vân vang lên bảng lảng. 

San cứ thế cúi đầu đi trong miền âm thanh yên ả đó, ấy vậy mà thật sự leo lên đến đỉnh.

Giây phút nghe Vân nói đến rồi, San hoa cả mắt, chóng cả mặt, ngẩng lên chẳng thấy mây trắng đâu, chỉ thấy bốn bề gió lộng bát ngát, Vân thì mỉm cười nhìn cậu. Đỉnh núi trơ trọi tịch liêu, hôm nay có Vân đứng đó, điểm vào không gian quạnh quẽ một đôi mắt dịu êm, ấm áp. San vừa thở vừa chớp hàng mi, sống mũi lại cay cay.

Chiều hôm đó, Vân cõng San xuống núi. Về đến nhà, San chạy đi tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ, xong khẽ khàng đi đến quỳ dưới chân ông Đình Ngân, nghẹn ngào chắp tay, dập đầu:

"Thưa thầy, con học."

"Thầy dạy con với, thầy ơi."

Dường như hôm đó là mùa xuân.

   

Một đêm hè cuối tháng, trời không có trăng, San khẽ khàng nhón chân bước ra hàng hiên, nấp sau cánh cửa gỗ rồi ngồi bệt xuống sàn gạch mát lạnh, hai tay ôm gối mà ngoảnh mặt ra vườn. 

Thầy đang ngồi uống rượu trò chuyện với anh Vân, anh Phong ngoài kia. Dù vẫn là những câu chuyện xưa cũ mà lần nào rượu vào ngà say, ông Đình Ngân cũng đem ra nói, thế nhưng lần nào San cũng nghe không biết chán.

"Cụ tổ nghề mình ở tận ngoài Bắc, là người mang họ Đào. Nghe đâu năm xưa cụ hành hương sang phương Bắc rồi học được ngón nghề, đem về truyền lại cho người trong họ, dần dần thành hình một làng làm đàn nức tiếng. Nước ta thích ca thích hát, văn hóa gắn liền với cảnh đẹp thiên nhiên, thành ra tiếng đàn câu hát cũng không thể tách rời cái gốc rễ của dân tộc. Ngày xưa, người của làng làm đàn từng được vua triệu kiến vào, làm đàn cho vua, sau đó vài người không về nữa, ở lại đất này lập nghiệp, trong đó có ông cụ nhà mình."

Gió đêm yên lặng dìu người trên sân bước vào quá khứ. Cảnh hưng thịnh suy vong của thời đại cũng nhập nhòe hiện lên theo giọng kể khàn khàn vấn vít hương rượu ngọt cay. Cây cối trong vườn lòa xòa rũ mình trong gió, ánh đèn lung lay theo những chiếc bóng đổ dài trên nền gạch. 

"Bây giờ thời buổi nhiễu nhương loạn lạc, đất nước đói khổ, dân mình lo miếng cơm manh áo còn chưa xong, ai đâu mà lo mua đàn, chơi đàn! Thế nhưng không thể vì vậy mà để mất nghề cha ông truyền lại. Người còn, nghề phải còn!"

"Cha, uống hết ly này thôi."

San lén bụm miệng cười sau cánh cửa. Theo như mức độ lè nhè hiện tại của thầy thì thầy vẫn còn phải uống ít nhất ba, bốn ly nữa cơ.

"Cha nhận thằng San, thằng Tú và con Diệp về truyền nghề miễn phí cho, một phần vì thương tụi nó mồ côi cù bơ cù bất, một phần vì nhắm thấy tụi nó lành tính, kiên nhẫn, lại chịu thương chịu khó. Hai đứa con ráng chỉ bảo mấy em, nhà ta không giấu nghề, biết chưa?"

Nói đoạn, ông nhặt cây đàn bầu dưới chân lên, lên dây, thử dây qua quýt rồi ngật ngưỡng kéo điệu Phẩm Tuyết xưa lơ xưa lắc.

Song dốc đa tình để mấy ai

Đành sông dải non mòn

Bận lòng thương toan tính lâu dài

Cuộc đời há rằng một hai

Nặng lời dám sai lời, chớ đem lòng lạt phai…

San nghiêng đầu rồi gác lên cánh tay, khẽ ngáp một cái. Sao anh Phong còn chưa nổi cáu, chưa giành uống giành đàn với thầy rồi xua thầy về phòng ngủ vậy kìa?

Phụt.

Một trận gió to bất chợt thổi qua, cây đèn dầu ngoài sân tắt phụt. Đêm cuối tháng không trăng, cả mảnh sân và khu vườn chìm trong bóng tối. Hương nguyệt quế ỷ có bóng đêm che chở, dường như lại càng thơm nồng hơn, đậm hơn.

"Vào nhà lấy thêm đèn đi, con."

San giật mình nhổm dậy, vịn cửa đứng lên rồi trông ra. Không nghe thấy Vân hay Phong thưa dạ, chỉ thấy trong bóng đêm mờ mờ, một dáng người cao gầy đứng dậy rồi chậm rãi tiến vào nhà.

San mò mẫm bước lên một bước, hàng hiên ngắn và hẹp, chỉ hai bước chân nữa là chạm mặt sân.

Người kia nghe động, quay đầu nhìn về phía San, sau đó im lặng cứ thế đứng nhìn.

Ngoài sân, gió vẫn xào xạc thổi. Cây nguyệt quế tỏa hương ngây ngất, ngất ngây.

San đợi vài giây, bỗng dưng hơi hồi hộp.

"Là anh Vân à?"

Giọng San thì thào nhỏ xíu xiu, không biết người kia có nghe được hay không.

Hỏi xong rồi, tim lại đập nhanh hơn.

Người trong nhà đã ngủ hết rồi, đèn đóm đã tắt từ lâu, chỉ có ngoài sân còn chút ánh sao thưa thớt, thành ra người đó đang đứng ngược sáng, chỉ thấy bóng, không thấy mặt. San cố nhìn, càng căng mắt ra nhìn lại càng chẳng thấy cái chi.

Người đó nhẹ nhàng bước tới, đứng chắn trước mặt San, chỉ cách tầm ba bước chân, vẫn yên lặng không nói gì.

"Anh Vân… đúng không?"

Giọng San run run, hai má thì nóng rực.

Trong bóng đêm dày ngun ngút, người đó chợt vươn tay về phía San, những ngón tay khẽ khàng chạm vào vành tai cậu, mơn man nhè nhẹ.

Đến đây thì San ù té chạy.

Cứ đâm đầu xoay lưng chạy thẳng vào buồng, mặc kệ không gian tối như hũ nút. Loáng thoáng phía sau hình như có tiếng cười nho nhỏ, còn có cả một đôi mắt đăm đăm, êm dịu.


Sau này San hỏi Vân, anh biết từ khi nào, Vân bảo là từ đêm hôm ấy. San ngẩn ra chưa hiểu, Vân cười, thì thầm vào tai cậu:

"Trong lòng mong là ai, miệng sẽ gọi ra tên người đó."

Trong một tích tắc mông lung, trong bóng đêm đồng lõa, trái tim sẽ nói lên điều mà lý trí ngại ngần, từ chối không tin.




Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}