Nhớ cố nhân


Người ta vẫn thường nói, Giang Nam là đất hữu tình, mà trấn Dương Châu thì chính là phần tình mềm mại nhất của Giang Nam.


Vào một ngày âm u giữa tiết mang chủng, có người lữ khách dừng chân ở một quán trọ trong trấn. Chàng có vẻ là khách phương xa, nghe không rõ tiếng Ngô, mà cũng không nói thạo tiếng Mông, tiếng Hán. Khi được chủ quán hỏi tên, chàng bèn nhấc bút lông viết hai chữ ra tờ giấy nhỏ.


“Thanh Hiên.”


Tố Như cứ thế mà dừng chân ở trấn Dương Châu. Có người dân lân la đến bắt chuyện, hỏi chàng từ đâu mà tới, Tố Như cười đáp chàng đến từ một đất nước phía Nam xa xôi.


“Đám dân đen chúng tôi nào đã đến mấy vùng đất phương Nam bao giờ.”


Chủ quán trọ lắc đầu cười rồi đặt ấm trà lên bàn, hiếu kỳ hỏi vị lữ khách thoạt trông giống một văn nhân.


“Cậu đến đây du ngoạn hay tìm người?”


Tố Như hơi tư lự nhìn nước trà sóng sánh, bình thản đáp:


“Người đã đi rồi, tôi đến thăm cố hương của nàng.”


Chủ quán trọ như hiểu ra điều gì, bùi ngùi an ủi người đàn ông. Tố Như biết người kia hiểu sai ý chàng, tuy nhiên không mở lời giải thích. Chàng nhấp chút trà lài, đặc sản vùng Giang Nam thơ mộng, trầm ngâm nhìn khoảng trời xám đục phía ngoài. Suy cho cùng, lòng người vẫn luôn khó hiểu thấu, chàng sống đã được nửa đời người mà vẫn thấy lạc lõng giữa nhân thế ngoài kia.


Lữ khách uống nốt chén trà rồi điềm đạm đứng dậy. Người chủ quán thấy Tố Như định ra ngoài thì đưa cho chàng một chiếc ô, nói rằng thời tiết độ này nhiều mưa bụi. Chàng mỉm cười cảm tạ rồi cất bước ra ngoài đường lớn.


Dương Châu cổ kính với những tháp phủ rêu phong, tựa như thời gian vĩnh viễn dừng chân trên mảnh đất này. Dọc theo triền sông, những chiếc thuyền nan lặng lẽ chở khách quan thưởng ngoạn quang cảnh đôi bờ, đâu đó vang lên điệu Bình đàn đằm thắm. Hàng liễu xanh rủ xuống mặt nước, thinh lặng mà nghe nước kể câu chuyện về nhành thiên hương gãy rụng khi mới được nửa chừng xuân.


Kể rằng, Dương Châu năm ấy có nàng Tiểu Thanh họ Phùng, tinh thông cầm kỳ thi họa, lại có phong tư hơn người. Tiếc thay kiếp số lận đận, lòng người tàn nhẫn vùi chôn một đời con gái.


“Văn Cơ lấy chồng xa


Chiêu Quân ra cửa ải


Món nợ phong lưu Tiểu Thanh giờ mắc lại


Một lần giông bão trời tối tăm


Vòng xe lửa hồng


Cố thoát ra nổi…” (1)


Tí ta tí tách. Vài giọt mưa đậu trên sông, chầm chậm đệm thêm chút nhạc dạo cho người kể chuyện. Mưa bụi lất phất phủ lên tán ô rộng, lặng lẽ đến mức khiến lòng người muộn sầu.


Mưa ở Dương Châu đẹp tựa nàng Tiểu Thanh bước ra từ thi họa, và tản mạn nỗi buồn dìu dịu như đôi mắt của người con gái bạc mệnh tài hoa. Tố Như buông rơi tán ô, để cái man mác kia thấm qua lớp áo bào, lắng đọng nơi tâm khảm chàng thành những giọt sầu tinh khôi. Chàng hoài niệm biết bao vạt áo thướt tha của thiếu nữ dịu dàng như nước ấy, dẫu cho bóng hình nàng đã xa cách hàng trăm năm.


Nơi đây là quê nhà của nàng, một vùng sông nước êm đềm, thơ mộng. Chẳng như núi non Tây Hồ đã giam cầm tuổi xuân của nàng, mặc nàng sống mòn trong trầm uất, rồi chết dần bên những tập thơ tàn. Tố Như lẳng lặng nhìn lệ trời rơi xuống dòng sông, tự hỏi có phải chăng Tiểu Thanh đang mong nhớ cố hương nàng.


Lữ khách cất bước qua cầu, bóng người u tịch dần khuất sau những tán liễu rủ xanh rì, tựa đã tan biến vào chốn thinh không.


===


(1) Trích “Tiên trên trời”, tác giả Phùng Tiểu Thanh.


Tản văn lấy cảm hứng từ “Độc Tiểu Thanh Ký” của Nguyễn Du, trong “Thanh Hiên thi tập”, phần “Làm quan ở Bắc Hà”.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}