Phi Bách nhảy ra khỏi miệng giếng, đáp đất an toàn. Anh đưa hộp gỗ cho Dạ Vũ, sau đó chỉnh trang lại một lượt.
- Anh mặc đồ đen nên không lo bị bẩn đâu. - Công Chúa Bong Bóng trêu.
- Lần sau cả đội mình thống nhất mặc đồ đen nha Vũ. Ông trắng toát như này mà bẩn cái thì giặt đồ cũng mệt đấy. - Trời Quang Mây Tạnh cũng hùa theo trêu bạn mình.
- Thế ra hai người này mặc đồ đôi à? Hắc bạch vô thường? Đầu trâu mặt ngựa…
Trời Quang Mây Tạnh chưa kịp nói hết câu đã bị Dạ Vũ gõ vào đầu một phát. Cậu chàng la oai oái, ăn vạ. Nhưng khác thấy thế cũng phá lên cười.
Dạ Vũ không thèm để ý đến Trời Quang Mây Tạnh nữa. Cậu bắt đầu nghiên cứu cái rương gỗ, tìm cách mở nó ra.
Rương được khóa bởi một ổ khóa kiểu truyền thống. Ổ khóa thô sơ, chỉ có một lỗ khóa, hoạt động với cơ chế đóng chốt và then cài. Có lẽ, chủ nhân của chiếc rương này chỉ muốn cất thứ gì đó riêng tư, chứ không sợ người khác lấy cắp chúng.
Dạ Vũ lấy từ trong túi ra một sợi kim loại. Đây là sợi kim loại cậu vô tình có được từ hồi chơi “Thần Dụ” nhưng cậu chưa bao giờ sử dụng đến.
- Có ai biết mở khóa bằng dây kim loại hay kẹp tóc không? - Dạ Vũ hỏi.
Thương Khung ngay lập tức giơ tay nhận việc. Chỉ với vài ba thao tác đơn giản, anh đã nhanh chóng mở được rương mà không làm hỏng ổ khóa.
- Giờ ông mới có chỗ thể hiện nhỉ? - Phi Bách hỏi.
- Chuẩn đấy! Tôi đã mơ về ngày này từ lâu lắm rồi. - Ngừng một nhịp, Thương Khung nói tiếp. - Từ lúc ba tôi đánh cho tôi một trận vì tội làm hỏng khóa cửa ra vào khiến ông bị nhốt trong nhà vệ sinh bốn tiếng đồng hồ cơ.
- Lúc đó mới sáu tuổi chứ mấy. - Nghĩa Nặng Tình Thâm tặc lưỡi. - Bọn mình phá như giặc ý!
Công Chúa Bong Bóng thấy nhóm Dạ Vũ buồn cười nhưng không dám hỏi kỹ bèn giải thích cho cả nhóm nghe về sự tích phá cửa của Thương Khung. Hồi bé, Thương Khung có một niềm đam mê mãnh liệt với các loại khóa. Lí do là bởi anh rất hay lén bố mẹ xem các bộ phim hành động. Thương Khung lúc ấy tưởng thế là ngầu, thế là ước mơ trở thành một bậc thầy về khóa. Nghĩ là làm, anh lùng sục hết tất cả các hướng dẫn phá khóa trên mạng, thực hành mở khóa tất cả các cánh cửa trong nhà, kể cả két sắt của bố mẹ.
Sau một hồi thử nghiệm, cuối cùng, Thương Khung buộc phải đầu hàng trước cánh cửa nhà vệ sinh vì bố anh đang ngồi bên trong đó. Và kết quả là khóa cửa nhà vệ sinh bị phá đến độ không sửa được, mẹ anh đành phải gọi người đến phá cửa để “cứu” bố anh ra ngoài. Tất nhiên là sau chuyện đó, Thương Khung đã bị bố mình dạy cho một bài học nhớ đời và chỉ dám lén học phá và mở khóa sau lưng bố mẹ mình. Khi đi học, anh cũng hiểu được rằng tự tiện bẻ khóa, phá khóa và mở khóa là bất hợp pháp. Từ đó trở đi, nếu muốn luyện nghề mở khóa, anh sẽ mua các loại khóa về và tự giải chứ không còn đi bẻ khóa lung tung nữa.
Nghe xong, cả nhóm gật gù tỏ vẻ đã hiểu, đồng thời tặng cho Thương Khung một ánh nhìn thấu hiểu. Đáp lại những ánh mắt ấy, Thương Khung cười xòa tỏ vẻ không có chuyện gì to tát sau đó mở rương ra xem.
Trong chiếc rương cũ chỉ có vỏn vẹn một cuốn nhật ký cũ. Cuốn nhật ký có phần ẩm ướt như dính chút sương gió vùng biển. Từng trang giấy bên trong được giữ gìn thẳng thớm. Cuốn nhật ký mới viết được vài trang, những trang sau tuy đã ố vàng theo năm tháng nhưng chưa có dấu vết của việc lật giở. Những dòng ghi chép đã bị phai màu theo thời gian. Có vẻ loại mực mà chủ nhân của cuốn nhật ký dùng không phải loại cao cấp gì.
“… ngày mưa bão,
Mình đã viết hết cuốn sổ đầu tiên cha tặng. Mình vui lắm. Vì mình đã viết được nhiều chữ hơn cơ mà.
Trời vẫn còn bão. Mẹ bảo rằng anh Chửng cùng các anh lớn trong làng đã ra khơi rồi. Sao họ dũng cảm thế nhỉ? Ra khơi trong một ngày bão bùng thế này. Mình lo cho các anh lắm. Mình sẽ cầu nguyện cho các anh bình an trở về…”
“... ngày mưa bão.
Năm ngày rồi mà các anh vẫn chưa trở về. Mẹ bảo chuyến này lành ít dữ nhiều. Mình không tin lắm. Anh Chửng rất khỏe, anh ấy sẽ về thôi.”
“... ngày gió to.
Anh Chửng về rồi! Mình biết ngay là anh ấy sẽ về mà.
Nhưng mà cả đoàn hơn chục người mà chỉ có anh ấy trở về thôi. Thật kỳ lạ!”
Lướt qua những mẩu chuyện lặt vặt, nhóm của Dạ Vũ lại thấy tên của Chửng xuất hiện sau mấy trang nhật ký.
“... ngày mưa bão.
Không hiểu sao mẹ dặn mình không được tiếp xúc với anh Chửng nữa. Mình không muốn vậy. Anh Chửng đã rất mệt mỏi rồi, không cho mình an ủi anh ấy nữa sao?”
“... ngày mưa bão.
Anh Chửng tỉnh táo lại rồi. Anh lại cười với mình, lại dắt đám con nít tụi mình đi chơi. Mẹ mình cũng sửa lời, hết mực ca ngợi anh Chửng thông minh, được thần linh lựa chọn. Mình cũng vui lây.”
“... ngày nắng đẹp.
Nhờ anh Chửng mà thời tiết tốt lên rất nhiều. Ba mình ra khơi rồi, cả nhà mình sẽ không bị đói nữa. Cả làng đều biết ơn anh Chửng.
Nhưng mà chị Dư đâu mất rồi nhỉ? Mình hỏi cả làng rồi mà chẳng ai nhìn thấy chị đâu cả.”
Theo từng trang nhật ký, đứa trẻ được chứng kiến sự biến mất của rất nhiều người xung quanh. Nó hỏi thăm tất cả mọi người mà nó biết nhưng chẳng ai trả lời câu hỏi của nó cả. Đáp lại nó chỉ có những ánh mắt thương hại và sự lảng tránh từ dân làng.
Rồi đến một ngày nọ, giọng văn trong cuốn nhật ký trở nên buồn bã lạ thường.
“... đêm gió lớn.
Mình sắp được ra khơi rồi. Mẹ nói rằng cả làng sẽ đi đến một vùng đất mới để định cư bởi vì làng không còn yêu người dân nữa. Nhưng mẹ ơi? Làng vẫn là làng mà, tại sao mình lại bỏ làng mà đi?”
Lật đến những trang cuối cùng, nét chữ của đứa trẻ đã trở nên cứng cáp hơn. Câu văn của nó cũng chẳng còn sự ngây ngô thường thấy nữa.
“Tôi là Tinh, một đứa trẻ của làng Thủy Châu. Nếu có ai đó đọc được những dòng ghi chép cuối đời của tôi, mong người ấy hãy giúp chúng tôi rửa sạch những hận thù hay tội nghiệt mà làng chúng tôi đã mang trên mình bấy lâu, để chúng tôi được thanh thản mà đi về nơi chín suối.
Làng Thủy Châu chúng tôi vốn sống bằng nghề đánh bắt cá, những người hàng xóm của tôi đều là người thiện lành, chẳng bao giờ nề hà gì mà giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng bất ngờ, chúng tôi phải hứng chịu cơn giận dữ không nguyên do của biển khiến cho chúng tôi sống mà không bằng chết. Lúc ấy anh Chửng và các bạn đã đánh bạo ra khơi tìm sự sống cho dân làng nhưng đã không may mắn mà bỏ mạng dưới biển sâu. Người trở về làng không phải là anh Chửng mà là một con Ngư Xà Tinh giả dạng.
Mẹ tôi đã đúng. Tôi không nên gần gũi với con quái vật giả dạng anh tôi. Cái thứ gớm ghiếc ấy đã hại cả làng tôi bị tận diệt. Hắn xui khiến trưởng làng hiến tế dân lành cho những con quái vật là đồng bọn của hắn, lại quẫy nước liên tục khiến bão biển nổi lên, cắt mất kế sinh nhai của cả làng. Sau đó, hắn lừa chúng tôi ra biển, nói với chúng tôi rằng làng đã bị Thần Biển nguyền rủa, rằng cả làng phải tìm cách trốn đi mau.
Vốn dĩ dân làng chúng tôi chẳng làm hại ai bao giờ, làm sao Thần Biển nổi giận mà nguyền rủa chúng tôi được cơ chứ? Tôi đã nghi ngờ lời nói của hắn ta từ đó, nhưng không có cách thuyết phục gia đình tôi ở lại làng. Gần như cả làng chúng tôi đã đi trên con tàu định mệnh để rồi chỉ có mình tôi còn sống trở về.
Lúc ấy ra khơi, con quái vật giả dạng anh Chửng hiện ra nguyên hình. Nó quẫy nước gọi đồng loại đến rồi thả từng người hàng xóm của tôi xuống nước để ăn thịt. Mẹ tôi nhanh trí giấu tôi vào chum đựng cá, sau đó đổ hết số cá còn lại vào trong chum nên tôi mới may mắn thoát chết. Lũ quái vật này rất mạnh, hơn chục người đàn ông trong làng cũng không làm chúng nó bị thương nổi…”
Đoạn nhật ký đến đây thì đã bị nhòe mất, chín người không sao đọc được hết nội dung phần cuối của câu chuyện. Nhưng đến giờ thì sự thật đã tỏ, câu chuyện về làng Thủy Châu gần như đã được mở khóa hoàn toàn. Hệ thống kịp thời lên tiếng, thông báo về tiến độ vượt ải của cả đội:
[Chúc mừng nhóm người chơi đã mở khóa được 90% cốt truyện. Chúc các bạn sớm ngày khôi phục được câu chuyện gốc, trở thành đội đầu tiên mở khóa toàn bộ cốt truyện của phụ bản Ngư Tinh!]
Bình luận
Chưa có bình luận