Trời khuya tối thui như mực, hai cái bóng người lết thết mò về nơi mái tranh rách nát. Nghe tiếng chân lạo xạo qua sân đất, ông bà Phụng trong nhà cũng sốt sắng chạy ra nom. Bà Phụng thấy người cậu Hào lấm lem bùn đất, cái áo sờn còn bị kéo rách toạc ra một mảng lớn, tay bà cầm khăn, lưỡng lự không biết có nên bước tới lau cho anh.
Thấy vợ lăn tăn, ông Phụng bước xuống nắm nhẹ lấy cánh tay của cậu Hào, tính đưa ra giếng thì ông đột ngột khựng lại. Ánh mắt ông từ từ lướt qua phía sau lưng anh, dừng lại ở cái nắm tay lạ lùng kia - giữa cậu thiếu gia và con trai mình. Đôi mày ông hơi nhíu lại, giọng khàn bật thành tiếng:
“À, cậu này. Cậu buông tay nó ra đi.”
Hào ngây người, bấy giờ anh mới kịp để ý mà thu tay về. Chính bản thân còn không biết đã nắm chặt tay cậu thế nào? Rõ ràng là anh chủ động, ấy vậy mà bây giờ lại ngượng ngùng. Mễ cũng rụt tay lại, bàn tay bị anh nắm đến tê dại, cảm giác râm ran hiện rõ dưới lớp da.
“Cái này là cậu nắm tay con trước á. Không phải con cố ý đụng chạm đâu.” Mễ vội biện minh trước ánh nhìn của Hào.
Cái tình huống này rõ khó xử, anh không nói gì, giả ngơ mà bước đi rửa tay chân.
Bà Phụng im bặt, bà không biết cậu trai này có ý gì với con mình không? Liền lôi Mễ ra cầu ao, rửa ráy cho cậu rồi mới gặng hỏi:
“Mễ à, cậu Hào vẫn đối xử thế với con hả?”
Cậu khù khờ như đang suy nghĩ, trả lời u:
“Dạ, nhưng là dạo đây thôi. Con với cậu kết nghĩa huynh đệ rồi mà, chỉ là… thân thiết hơn một chút.”
Bà Phụng nghe thế cũng nhẹ lòng. Làn nước ao mát rượi tạt lên ống chân Mễ, cậu xắn quần còn u thì khom lưng chà đi từng vết bùn tanh. Cậu từng nhớ, từng khao khát điều này đến nhường nào. Tưởng chừng sẽ bị đổ ra phơi thây như con cá dẹp khô, may mắn lại được cậu Hào che nón cho về thăm lại nhà.
Nhìn tấm lưng gầy một đời tần tảo, nhìn mái tóc đen dài búi lại thành cuộn, đang dành tình thương cho máu mủ của mình, cậu không kìm được nỗi tủi mà đôi vai run nhẹ. Mắt cậu cứ nhòe đi, ánh đèn dầu lập lòe không thể soi được rõ gương mặt đáng thương ấy…
Suốt đêm, Hào lăn lộn trên cái giường gỗ ọp ẹp. Cứ mỗi lần trở mình, mấy thanh ván mục phát ra tiếng kêu ken két như than phiền. Anh vắt tay lên trán thở dài, mấy con muỗi lại còn xỉa xói ve ve cạnh lỗ tai. Anh nghĩ về câu chuyện lúc tối của ông Phụng kể với mình, về cái quá khứ kia của ông, cái sai lầm của tuổi trẻ. Một lần tham lam mà đánh mất đi tương lai tự do của chính con của mình, một quyết định bồng bột mà suốt phần đời còn lại ông và gia đình phải trả nghiệp duyên.
Ngoài cửa phả đến làn gió mát của đêm hè, Hào đưa mắt đau đáu nhìn bóng cậu nhỏ nằm thong dong trên cái võng đan. Lòng anh thầm nghĩ: Giá như có thể mãi sống như thế này. Mễ không cần phải lớn... tôi sẽ lớn thay phần cậu.
Một cái nhắm mắt, một giấc ngủ đã trôi tuột theo dòng thác âm thầm, đang rỉ rả ăn mòn thứ kiêu ngạo cũ kỹ của Lý Hào.
Lần nữa mở mắt đã là sáng hôm sau. Nay có mấy người hàng xóm nghé tới nhà ông Phụng. Họ nghe tin nhà ông có thiếu gia nhà quan nán lại mấy hôm, nên tranh thủ nghé vào coi thử.
Nằm trong nhà, anh nghe thấp thoáng tiếng nói ngoài sân. Có giọng một người đàn bà đang cười khà khà, nhìn mụ lôi tay Mễ về phía con gái mình liên tục nhận cậu làm rể:
“Hà, con tôi với con bà hợp nhau gớm. ‘Gái thập tam, trai thập lục’ là vừa xứng tuổi rồi. Trước nhỏ thân thiết, nay lớn thành duyên. Hai ba năm sau trả xong cho nhà ông Lý trở về dì gả con gái cho.”
Mễ ngượng ngùng, cậu cứ xoa xoa cái đầu gai của mình, hai tai đã đỏ ửng như quả gấc non.
Chẳng hiểu sao, nghe người ta nhận Mễ làm rể thôi mà ngực anh nặng trĩu. Cái cảm giác đó lạ lắm - vừa tức, vừa khó chịu. Cánh cửa nhà đang khép hờ bị Hào đạp ra cái phịch. Anh ngồi chỗm chện trên hiên, ánh mắt ngang ngược nhìn con gái bà ta, giọng ngang tàng:
“Này, thằng Mễ là người của tôi. Tôi còn định bắt nó trả mười năm đấy. Nàng kia có chờ được không?”
Cô gái bị nói trúng tim, tròn mắt nhìn cái cậu thiếu gia cọc cằn, nhưng giọng vẫn quả quyết:
“Con chờ được. Miễn Mễ trở về, dù là bao lâu con cũng đợi.”
“Vậy thì cô phải chờ đến khi thành bà cô rồi. Tôi không nói điều đâu, nhưng Mễ ấy à, vừa đen, vừa lùn… Cô chờ nó, khéo khi hóa thành nhang khói, nó vẫn chưa đi đến dặm ngõ nhà cô đâu.”
Anh chống tay đứng dậy, giọng mỗi lúc một gắt như mấy bà hàng bán cá ngoài chợ, gạt phăng luôn cái dáng vẻ trầm tĩnh của thiếu gia nhà quan.
Cô nàng chết đứng, Mễ cũng sững người. Cậu không biết anh đây là đang bênh cậu hay lên cơn bệnh khó tính kỳ cục. Có khi là ‘hạn khẩu nghiệp’ sáng sớm của cậu Hào lại tái phát rồi. Mễ suy đoán thầm trong bụng.
Lý Hào bước xuống hiên, rời đi. Mễ chạy lại, léo nhéo theo hỏi:
“Cậu đi đâu thế?”
“Tôi đi rửa mặt.”
“Để con lấy nước giúp cậu.”
“Mặc tôi đi, ra mà nói chuyện với bà vợ tương lai của cậu ấy.” Nói rồi anh thẳng lưng bước một mạch ra giếng nước, cái thân cao nhổng gò lưng như con cò lửa nặng nề kéo từng gàu nước lên, sánh đầy ra trước ngực.
Bà Phụng ghé tai hỏi Mễ:
“Cậu Hào nay làm sao thế hở con?”
Cậu bình thản trả lời với u:
“Hạn khẩu đấy u. Cậu sáng nào mà chả thế.”
Cả buổi sáng đó, Lý Hào chảy thây đung đưa trên võng, mặt ủ mày chau, mặc cho Mễ có hò hét bên tai anh vẫn giả câm giả điếc. Đến trưa, vẫn cơm khoai, canh rau muống đồng. Hào nhìn phát chán, anh ật người ra nhìn cả nhà ông Phụng cầm bát ăn ngon lành.
Rồi khi trời ngả bớt nắng, Hào dẫn Mễ ra chợ sắm ít đồ. Tưởng rằng anh chẳng còn xu nào, hóa ra vẫn luôn giấu trong áo không ít tiền. Anh hỏi nhà Mễ thiếu gì liền vung tiền mua cái đó, đã vậy còn có hứng mà mua cả bánh về cho hai nhỏ em ở nhà.
Cái Mận nhận bánh thì vui lắm, nó hí hửng mang khoe với đám bạn rồi chia nhau ăn. Còn ông bà Phụng thì càng thêm phần cảm kích hơn với cậu Hào.
Lúc mặt trời dần ngả về phía sau rào tre, cũng là lúc Mễ phải rời đến phủ Lý. Bà Phụng chạy vào bếp giấu vào nải mấy quả trứng gà luộc. Nhà vốn nghèo khó, gà bữa đẻ bữa không nên suốt hai tuần chỉ gom được bảy quả. Thương con phải xa nhà, bà chỉ biết dành số trứng quý ấy cho con ăn đi đường.
Trong nhà bầu không khí đặc quánh, sự bịn rịn trước phút chia ly càng khiến tâm trí con người càng trở nên nặng nề. Ông Phụng ngồi trên bàn nhâm chén trà đã nguội lạnh, đôi môi hơi mấp máy như có điều muốn nói.
Từ cổng, có đám người cầm gậy đến. Vừa chạm chân đến sân nhà, chúng vung tay đánh đổ sập cái chõng tre ở góc. Gậy tre bay cả vào chuồng gà, làm mấy con gà mái đang ấp bóng hoảng loạn mà kêu lên. Mọi người trong nhà vội vàng bước ra, bà cụ hàng xóm thấy tiếng đồ đập phá cũng chống gậy sang.
Bọn chúng như đám lưu manh, hằn học đe dọa ông bà Phụng phải nộp tiền cho chúng một cách vô lý. Đến bả bà cụ đứng ra nói lẽ chúng cũng chẳng để vào tai, gạt phắt ra khiến cụ ngã chổng vó. Bà cụ nằm sõng soài dưới sân, tay ném gậy, miệng kêu oai oái:
“Ối làng nước ơi! Chúng nó đánh tôi này! Trẻ không tha, già không kính! Cái lũ trời đánh, cái đồ vô lại!”
Ông Phụng chạy tới đỡ cụ dậy, nhưng cụ không chịu. Đã hô đến đây rồi thì phải cố cho tới, cụ nằm lăn giãy dụa như uống thuốc độc, bao người kéo đến hóng mà vây kín cổng rào nhà ông Phụng. Ông tức giận, mặt đỏ bừng như ngấm hơi men, quát:
“Chúng bay tính phá nhà tao hả?”
Rồi ông hừng hực vào bếp lôi ra con dao bầu, chỉ thẳng về phía mấy kẻ ngang tàng. Người xem xung quanh cũng hoảng mà la ối cả lên.
Đám lưu manh từ hống hách dần chuyển sang bối rối, chúng huých vai đùn đẩy nhưng chẳng kẻ nào dám lên mặt. Khi này Lý Hào đứng sau lưng ông Phụng, anh thấp thoáng nhìn thấy miếng bạch ngọc treo lủng lẳng ở dây quần tên đầu trọc kia. Miếng ngọc này… hình như là của phủ Lý. Loại ngọc này người bình thường không dễ có được, chẳng lẽ…
Lý Hào bước lên, anh hạ khẽ cánh tay gân guốc đang chĩa dao kia của ông Phụng xuống. Đứng trước mặt tên đầu trọc, anh chỉ tay vào miếng ngọc rồi hỏi hắn:
“Miếng bạch ngọc đó từ đâu mà có?”
Hắn nhìn anh chằm chằm từ trên xuống dưới, trông chẳng giống kẻ làm nông. Hắn quay ngoắt đi làm ngơ. Hào siết chặt tay, kìm cơn tức giận mà gân xanh nổi phồng cả lên. Mễ để ý thấy, cậu mon men lại gần, bàn tay nhỏ chắn lấy cách khớp tay anh đang siết chặt.
“Cậu bình tĩnh, chúng ta không đánh nổi bọn chúng đâu.” Mễ thủ thỉ khuyên anh.
“Tôi không đánh, nhưng tôi có cách khác.” Nói rồi Hào tháo miếng ngọc đỏ sẫm trên cổ, anh gọi tên đầu trọc kia lại:
“Này, nếu tao trả công cao hơn người vứt cho mày miếng ngọc đó thì sao? Huyết ngọc này giá gấp mười lần bạch ngọc, cỡ một trăm lượng bạc.”
Lần này đám lưu manh bị thu hút, tên đầu trọc liền thay đổi thái độ hai mắt nheo lại tỏ vẻ kính cẩn với anh. Hắn nhẹ giọng nói:
“Được, được. Cậu mà nói sớm thì tôi đã không bất kính.”
“Nói tao nghe xem, người trả bay miếng bạch ngọc đó là ai?” Hào hỏi.
“Là Lý phu nhân. Bà ta muốn chúng tôi làm loạn ở cái nhà rách này.”
Hắn vừa trả lời xong anh liền ném miếng ngọc cho hắn, rồi liếc xéo đuổi đi. Mọi người đứng hóng mà tiếc của ngẩn ngơ, số tiền đó lớn thế ấy mà anh lại ném cho bọn lưu manh không tiếc tay. Rồi họ lại xì xào bàn tán về chuyện bà Lý muốn hại nhà ông Phụng. Tin tức này sớm muộn cũng được thiên hạ truyền miệng, rồi bà phu nhân kia lại mang tai tiếng.
Một lần nữa gia đình ông Phụng được thiếu gia họ Lý ra tay cứu giúp, ân lại chồng ân không biết trả sao cho được.
Mễ lay nhẹ áo anh, cậu khẽ hỏi:
“Cậu cho đám đó dễ dàng như vậy, nhưng chắc gì chúng sẽ không quay lại? Mà miếng ngọc đó giá cao quá, nhà con biết trả làm sao đây?”
Lý Hào khẽ cười, giọng khàn khàn trả lời:
“Tôi đâu ép nhà Mễ phải trả. Nếu cậu muốn thì ở phủ tôi thêm chục năm nữa đi. Để cô nàng kia chờ đến hóa nhang luôn cũng được.”
Một câu cười đùa của anh lại khiến cậu ngượng ngùng, sự mông lung giữa ranh giới thật giả khó phân biệt. Trước đây anh cũng hay bông đùa như thế, nhưng vào những lúc như này thì lại khác. Mễ vốn là dân nghèo, học hành chữ nghĩa thì chẳng biết, anh hay văn vẻ cậu lại càng mơ hồ, nói sao, hiểu thế chứ đâu có biết ẩn ý là gì.
Bình luận
Chưa có bình luận