Buổi sáng đón chào tôi bằng một cơn gió lạnh buốt. Tôi nằm co ro trong chăn, đầu vẫn đau vì buổi tiệc tối hôm qua. Cửa sổ phòng tôi mở toang, mờ đi vì sương sớm và hơi lạnh. Thế này thì chẳng mấy mà có tuyết rơi. Tôi thò ra khỏi chăn, cố dùng chân bật lò sưởi nhưng vô ích. Cái hệ thống sưởi chết tiệt, đến cái công tắc khởi động cũng chẳng được lắp ra hồn. Trời vẫn chập choạng tối, tô điểm lên bầu trời một màu xanh đen xám xịt. Mặt Trời bị che khuất sau những đám mây dày, mãi vẫn chưa thấy mở mắt. Tôi mò mẫm trong khung cảnh tù mù, nhẩm trong đầu vị trí bật công tắc lò sưởi. Cùng một hàng với công tắc đèn, rồi đến công tắc quạt, rồi đến hai ổ điện và đây rồi... công tắc của hệ thống sưởi. Rồi tôi lại rúc mình vào trong chăn và chờ đợi không khí trong phòng dần ấm lên.
Tôi lại nằm thiếp đi một lần nữa. Nhưng lần này, thay vì bước vào trạng thái ngủ sâu, tôi lại như mắc kẹt giữa hai thế giới mộng mơ và tỉnh táo. Quả là một trạng thái kỳ lạ, nơi bộ não trêu đùa với những ký ức và tạo ra thứ phụ phẩm của riêng nó: ảo giác. Tôi bị lạc trong mê cung của những con số, với bức tranh Thánh Augustine của Philippe de Champaigne được treo ở cuối mỗi hành lang, lặp đi lặp lại một cách vô tận. Dù có cố gắng vùng vẫy như thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn không thể nào tới gần được nó. Bức vẽ về một vị học giả cao thượng, tay trái cầm lông vũ, tay phải giơ cao cái tim đang rực cháy, đầu toả ra hào quang, đôi mắt hướng về ánh sáng tri thức của Thiên Chúa in hằn vào não tôi những chuyển động kỳ lạ. Một cơn chuột rút đột ngột xuất hiện, cắt đứt tôi khỏi ánh hào quang của thiên đường. Cơn đau chạy thẳng lên não tôi, hoá thành một cọ chuột cống xấu xí, đèn ngòm lông ướt nhẹp vì ướt và chất thải. Tôi gào lên thống thiết, cố đuổi con chuột ấy đi nhưng chỉ càng khiến cho bản thân thêm phần đau đớn. Tôi choàng tỉnh, ôm lấy chân rên rỉ đầy đau đớn,
Bệnh cũ mỗi khi tôi gặp căng thẳng. Tôi dụi mắt, tự hỏi tại sao đã bật sưởi rồi mà trong phòng vẫn lạnh như hầm băng. Câu trả lời ngay lập tức đến với tôi. Gió đập vào cửa sổ, thổi giấy trên bàn bay tứ tung khắp phòng. "Chết tiệt," tôi thầm rủa, "cái quái gì thế?" Lý trí trong tôi chỉ muốn úp mặt vào gối và mặc kệ tất cả. Nhưng rồi, tôi chợt nhớ ra bài luận văn của mình, về Plato và Sự Thăng Hoa trong Linh Hồn, cũng như là những "khổ cực" mà tôi đã phải trải qua để viết ra nó. Cuối cùng, tôi vẫn quyết định đứng dậy đóng cửa sổ và thu lại những tờ giấy đang nằm la liệt dưới sàn nhà.
Trong phòng tôi chẳng có gì. Cửa số đối diện cửa ra vào. Phía bên trái phòng đặt tủ quần áo và một cái tủ sách nhỏ xập xệ làm bằng gỗ ván ép, đầy vết cào và xước do những lứa sinh viên trước để lại. Phía bên tay phải là góc mà tôi ưa thích nhất: giường ngủ, với bộ chăn ga màu xám nhạt nhẽo được tôi mua lại từ một tay đàn anh khóa trên. Tuy xấu mã nhưng được cái là... rẻ và đủ ấm áp để tôi không phải chết cóng vào mùa đông. Dù vậy, Adelia vẫn liên tục "cầu xin" tôi tống khứ bộ chăn ga này đi. "Nhìn màu tởm thế," đó là ấn tượng đầu tiên của cô nàng với chúng. "Ông có chắc là mình muốn rước cái của nợ này về không thế? Nếu túng thiếu quá thì ông có thể mượn tiền tôi để mua bộ khác cơ mà."
Đáng lẽ ra, tôi nên đồng ý, nhưng chẳng hiểu sao lòng tự trọng của tôi lại cướp lời trước: "Không cần đâu," nó nói, to và rõ ràng. "Ai quan tâm chứ," và lắc đầu trước lời đề nghị chân thành của Adelia. Lý do ư? Chắc là do tôi không muốn dựa dẫm vào người khác, hoặc làm phiền họ chỉ vì một vấn đề cỏn con, hay chỉ đơn giản là tôi không muốn mắc nợ ai hết. Tôi biết là Adelia có lòng tốt, chỉ là tự trọng trong tôi không thể chấp nhận lời đề nghị này được. Tôi không muốn bị người ta coi là một "con đỉa" chỉ biết hút máu bạn thân - nhất là khi người bạn thân đó còn là con cháu của một gia tộc với khối tài sản bạc tỷ. Mượn tiền lúc nguy cấp, đối với tôi mà nói, còn có thể tạm chấp nhận được. Cơ mà lúc nào cũng mượn, chuyện gì cũng mượn tiền bạn thì đúng là loại ăn bám không biết xấu hổ.
Dĩ nhiên, tôi có thể mượn tiền Adelia bất cứ lúc nào (miễn là có sau này có trả lại là được). Cô nàng cũng rất thoải mái với điều này, thậm chí còn khuyến khích tôi nên mượn tiền cô nàng nhiều hơn. "Không cần trả lại đâu," sự hào phóng và lòng tốt của Adelia càng khiến tôi cảm thấy e ngại hơn. Đạo đức là một phạm trù vô cùng phức tạp và rộng lớn, nơi con người bị giằng xé giữa cái đúng và cái sai, cái xấu và cái tốt, bản năng và ý thức, phần con và phần người. Dù cô nàng có nói không cần, lòng tôi vẫn không tránh khỏi day dứt. Vì một khi tôi nhận lấy sự giúp đỡ mà không cần đáp lại, cũng chính là lúc tôi sẽ đánh mất đi một phần trách nhiệm của mình.
Bàn học được đặt ở dưới cửa sổ. Trên bàn học, ngoài sách vở ra thì tôi còn kê thêm một cái máy đánh chữ hiệu Sterling, loại canh dòng tự động, mẫu năm 1954 có màu xanh Olive. "Món quà" duy nhất mà ông nội để lại cho tôi khi tôi bắt đầu học đại học. Cũng nhờ nó mà tôi mới có thể soạn gần hai mươi trang trong bài luận về Plato chỉ trong vòng bốn đêm.
Tôi cầm tập giấy trên tay, phải mất một lúc mới xác định được mình nên làm gì. Tôi lục tủ quần áo, tìm cho mình một chiếc áo len, quần kẻ sọc tối màu và áo măng tô vải dạ. Sau khi đã mặc xong quần áo, tôi mở ngăn kéo bàn lấy quyển Cộng Hoà của Plato, nhét vào trong cặp cùng cùng tập luận văn và bước ra khỏi phòng.
Ngoài hành lang vẫn tối om, sặc cái mùi xịt khử trùng Lysol. Khi đi ngang qua phòng quản lý, tôi thấy bên trong đã sáng đèn. Tiếng cười nói vọng ra ngoài hành lang, giữa một buổi sáng ảm đạm và lạnh buốt, chẳng khác gì một hồn ma đang đội mồ sống dậy. Tôi bước xuống cầu thang rồi rẽ vào phòng sinh hoạt chung. Trong phòng không có lấy một bóng người, chỉ có chiếc TV đang phát chương trình Miami Vice. Tôi mua cho mình một lon coca lạnh ở máy bán hàng tự động. Theo thói quen, tôi đặt nó ra sau gáy, giống như nhân vật Lamar đã nói với Clarice Starling trong "Sự im lặng của bầy cừu". Đó là chi tiết duy nhất mà tôi nhớ về cuốn tiểu thuyết này, dù cho tôi là một người hâm mộ khá cuồng nhiệt của thể loại văn học tội phạm/trinh thám.
Tôi vươn vai, ngáp một cái rõ to và lắng nghe đám cảnh sát trong TV đang tranh cãi về sự biến chất và tham nhũng. "Anh may đấy, Frank. Ít ra anh vẫn còn lương tâm. Tôi thậm chí còn không thể mua nổi một cái", nhân vật nào đó, Sonny Crockett thì phải, nói bằng âm giọng đặc trưng của mấy tay cảnh sát ở Florida, không khỏi khiến tôi nghĩ đến những bãi biển xanh, mây trắng và nắng vàng. Thi thoảng, tôi ước mình vẫn còn ở California, trong ngôi nhà được sơn màu tím hoa cà của ông bà, uống nước chanh đường ngoài mái hiên lộng gió, treo đầy những chiếc chuông được làm từ vỏ sò. Song, hiện tại tôi đang ở đây, nơi mà quanh năm suốt tháng chỉ thấy có mây mù và sương giá, cùng những đợt tuyết rơi dày bất chợt vào mùa Đông.
Nghe nói, thiếu đi ánh nắng sẽ dễ bị trầm cảm. Adelia từng than thở với tôi rằng cô không thể chịu nổi cái cảnh quanh năm suốt tháng chỉ có tuyết rơi. Ở Canada, cô nàng gần như bị trầm cảm. Dì của Adelia có một ngôi nhà mùa Đông ở Montreal, ngay gần khu trung tâm Vieux-Montréal. Ấn tượng duy nhất của tôi với ngôi nhà là vẻ cổ kính của nó, được xây dựng theo lối kiến trúc Victoria, có ba tầng với mái dốc, đầu hồi và tháp tròn. Cửa sau hướng thẳng ra một khu nhà kính, trồng đủ loại hoa và cây cỏ giống hệt như trong cổ tích, hay còn được chúng tôi gọi vui là "khu vườn bí mật". Kế bên ngôi nhà là con lộ nhỏ lát đá, ngay gần một nhà thờ công giáo từ thế kỷ 17, tái hiện gần như hoàn hảo khung cảnh Thời trung cổ xa xưa. Adelia từng rủ tôi lẻn vào trong nhà thờ vào một buổi sáng nọ, để rồi hai đứa nhanh chóng bị đuổi ra ngoài vì tội đột nhập trái phép. "Tớ cá là họ đang buôn thuốc phiện trong đấy," Adelia gay gắt nói.
"Sao cậu chắc được chứ," tôi đáp lại cô nàng. Tôi biết là Adelia vốn có ác cảm với tôn giáo, nhất là khi phải sống với một người mẹ cuồng tín như bà Grabham. Tôi không nhớ tên bà ấy là gì, chỉ biết tên tiếng Anh của bà là Tina. Adelia đã từng nói với tôi, tên của mẹ cô nàng trong tiếng quan thoại có nghĩa là "văn chương và trí tuệ". Man Wai, đúng rồi, đó là tên của bà ấy. Tôi luôn quan niệm rằng cái tên chính là định danh của mỗi người, và khi mất đi cái tên, ta sẽ chẳng còn lại gì ngoài một cái vỏ rỗng. Tôi từng hỏi liệu Adelia có tên tiếng Trung không, nhưng cô nàng chỉ lắc đầu, cứ như thể sự tồn tại của cô đã bị xoá bỏ khỏi chính dòng họ của mình.
Chúng tôi đi dọc theo con đường quê, hít thở bầu không khí trong lành nhưng lạnh lẽo và cô đơn đến đáng sợ. Hai bên đường, hàng cây hạt dẻ trơ trụi lá giống như những cánh cây của người khổng lồ bị lãng quên, quá khẳng khiu và nhợt nhạt trong sắc chiều lãnh đạm, xuyên qua bầu trời như những đường mực đen kỳ quái. Chúng tôi dừng lại trước một hồ nước, mỗi đứa cầm trên tay một nắm sỏi, thi nhau xem ai ném được xa hơn. Viên sỏi của Adelia liệng nhanh trên mặt nước, nảy lên ba lần rồi nhanh chóng chìm xuống, biến mất không còn thấy tăm hơi đâu nữa.
Tôi mở tủ lạnh trong phòng sinh hoạt chung. Bên trong chẳng có gì, ngoại trừ một hộp bánh đã ăn dở. Tôi cầm hộp bánh lên và ngắm nghía một lúc. "Đây là quà mừng tân sinh viên, xin hãy thoải mái thưởng thức." Tờ ghi chú ghi như vậy, nhưng tôi chẳng có tâm trí nào để ăn. Bánh cốt bông lan, kem chanh dây, đã bị cắt nham nhở. Dòng chữ, "Chào mừng đã đến với Cao Đẳng nghệ thuật New Hampshire" viết trên mặt bánh dây ra nhem nhuốc, đọc chữ được chữ không. Tôi quyệt một lớp kem rồi bỏ vào miệng, nhăn mặt vì vị chua thé họng, cứ như một đứa trẻ ngốc đòi kẹo. Có tiếng bước chân ngoài hành lang. Tôi giật mình quay người lại và thấy cái tróc lốc của Kwame đang tiến lại gần mình. "Chào buổi sáng," tôi gật đầu với hắn ta, "hôm nay lạnh quá nhỉ?"
Kwame không đáp lời tôi. Hắn chỉ tay về phía tủ lạnh, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ. Tôi nghiêng người để hắn đi qua. Kwame cao hơn tôi nửa cái đầu, làn da đen bóng như than đá, tựa như một viên obsidian thô kệch nhưng lộng lẫy mê người. Hắn là dân Vermont, hình như có bố làm Luật Sư, mẹ làm nhân viên y tế hay gì đó. Tôi không quen mấy đứa học bên ngành Truyền Thông, chỉ thi thoảng mới gặp được chúng nó trong mấy buổi tiệc liên khoa, hay do mấy tay nổi tiếng trong trường tổ chức. Kwame không phải là người dễ gần, nhưng đủ thân thiện với tôi. "Ông không định ăn bánh à?" Kwame hỏi.
"Ừm, tôi không đói." Tôi nhún vai, đưa lon Coca cho hắn. "Nè, uống không?"
Kwame từ chối. "À này, Maurice." Hắn có vẻ ngập ngừng. "Ừm, ông có quen ai tên là Anna không?"
"Anna?" Đầu óc tôi đúng là hay quên, chưa gì đã vứt cái tên Anna ra khỏi ký ức. "Anna nào cơ? Anna khoa tiếng Pháp hả?"
"À ừ, nhỏ đó!" Kwame bồn chồn nói. "Học khoa Pháp"
"Ông nghe tin ở đâu hay thế?" Tôi cười, rồi lắc đầu. "Ông cần tìm nhỏ để làm gì?"
Kwame bối rối đáp, "Ừm, bên khoa chúng tôi đang cần tìm một... à thì cộng tác viên cho dự án truyền thông mới. Vậy nên chúng tôi muốn thử mời nhỏ tham gia. Nhỏ là người Pháp, đúng không?"
Tôi dựa lưng vào tủ lạnh. "Chắc vậy," tôi cố nhớ lại khẩu âm của nhỏ, hình như cũng hơi ngọng giống dân Pháp. "Chờ đã, để tôi xem vì nhỏ không quen tôi mà quen Adelia. Tôi chỉ là hàng đính kèm thôi."
Kwame ồ lên một tiếng. "Vậy hỏi giúp tôi nhé," hắn vỗ vai tôi đốp đốp. "Đội ơn ông rất nhiều."
"Adelia," tôi thì thầm, "tuần này không có tiết ở trường."
"Hả, gì cơ?" Kwame giật mình đáp.
"Không có gì, để tôi hỏi Adelia cho."
Tôi chợt nhớ ra điều gì đó. "À mà," tôi lục từ trong túi ra cuốn sổ bìa đen. "Ông có biết ai là Jacob Halls không?"
"Chịu chết," Kwame xua tay. "Hắn có để lại liên hệ hay gì không?"
Tôi giở sổ ra, rồi cho hắn xem dòng chữ viết tay. "Ồ, đầu số này là của Vermont," Kwame khẳng định chắc nịch.
"Kỳ thật, chẳng lẽ dân Vermont chạy xuống tít dưới này để ngồi thư viện," tôi tò mò nói. "Ông có cao kiến gì không?"
"Biết chết liền. Tôi có phải là FBI đâu." Kwame suy nghĩ một lúc rồi trả lời. "Chắc đây là số cũ của cái cậu Jacob Halls này hồi còn ở Vermont, chuyển sang New Hampshire chưa kịp đổi lại. Nói chung ông có gọi cũng vô ích thôi, có khi đầu số đã đổi rồi."
"Đường dây điện thoại chết tiệt." Tôi nhìn cuốn sổ, tiếc nuối nói. "Cậu Jacob này hẳn phải là người yêu thích văn học lắm. Trong sổ toàn là cảm nhận của cậu ta về văn chương, như kiểu một dạng nhật ký" Đang thao thao bất tuyệt thì tôi bỗng nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề. Tôi đã đọc trộm sổ tay của người khác, và đang đi rêu rao cho khắp bàn dân thiên hạ như thể lạy ông tôi ở bụi này. "Ừm, chuyện là như vậy đấy. Tôi muốn trả cuốn sổ này về tay chủ nhân của nó."
"Vậy chúc may mắn," Kwame nói thêm. "Hoặc ông có thể đi hỏi tụi bên khoa Văn."
Adelia, tôi ồ lên. Lại là Adelia.
Bình luận
Chưa có bình luận