Quyển Một: Memento Mori. Chương 1—1.2


Tay tôi đổ đầy mồ hôi, để lại dấu vân tay trên những cuốn sách được bọc bìa da thô ráp. Vừa rút chân khỏi thang, tôi liền mất thăng bằng, không cẩn thận ngã nhoài xuống đất. Thấy vậy, Miranda bật cười.

“Cẩn thận chút đi, chàng mọt sách.” Nàng ta cũng là tình nguyện viên tại thư viện. Một cô nàng tóc đỏ, gốc Ái Nhĩ Lan, da trắng như bột và là một người hâm mộ cuồng nhiệt của Virginia Woolf. Tôi vịn vào cái thang và đứng dậy, không quên phủi bụi trên quần. Những cuốn sách trên tay tôi, thật may mắn làm sao, vẫn chưa bị hư hại gì.

“Đùa hay đấy,” tôi không biết nên đáp lại như thế nào. “Vậy nàng giông tố có giúp tôi đứng dậy không?”

“O brave new world that has such people in’t!” Miranda nhại lại câu nói trong vở kịch của Shakespeare bằng chất giọng sặc mùi dân Dublin. Bỗng dưng, tôi chẳng thể hiểu tiếng Anh được nữa. Rồi nàng ta nhanh chóng đổi sang khẩu âm Mỹ. “Tôi thấy ông tự đứng dậy được mà.”

Mái tóc đỏ như lửa của cô nàng khiến tôi mất tập trung. “Bà không phải đang kiểm tra ở dãy B sao?”

“Xong cả rồi, có mỗi ông là ngủ ở đây thôi.”

Tôi gãi đầu. “Xin lỗi.”

“Ông đang tìm cái gì thế?” Cô nàng giúp tôi đỡ lấy chồng sách. “Lịch sử đường ray Hoa Kỳ? Có người ở khoa cơ khí đến mượn à?”

“Trường này còn chẳng có khoa cơ khí.” Trường Cao đẳng Nghệ thuật New Hampshire, hay còn được viết tắt là NHCA, nằm tại một góc nhỏ khiêm tốn ở vùng ngoại ô Concord, thủ phủ của tiểu bang New Hampshire. “Được thành lập vào năm 1890, NHCA nổi tiếng với bề dày lịch sử và cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển nghệ thuật và sáng tạo.” Tôi vẫn còn nhớ như in những dòng giới thiệu trên tờ bướm về ngôi trường. Đó là lý do vì sao tôi quyết tâm gửi hồ sơ về đây, dù cho nhà tôi ở tít California, phía bên kia lục địa Hoa Kỳ. Có thể là do tôi bị cuốn hút bởi những tòa nhà cổ kính được xây dựng bằng đá granite tại ngôi trường này, hoặc cũng có thể là do tôi cần có một khởi đầu mới - thoát khỏi cái nắng cháy da cháy thịt của California, với đám dân Châu Á nhập cư và những tay môi giới chứng khoán với cái cổ đỏ ửng như lũ gà tây, đi ngang qua Las Vegas để tìm kiếm chút vận may đổi đời.

Miranda đáp, “Thế mới là vấn đề đó.” Có tiếng bước chân tới gần, cả hai chúng tôi liền giật nảy mình. Đó là một sinh viên đang ngơ ngác nhìn xung quanh, mặc áo len sợi tổng hợp và đội mũ beanie đen trùm kín đầu.

“Bạn muốn kiếm gì thế?” Miranda nhanh chóng chuyển sang chế độ chuyên nghiệp, gợi cho tôi nhớ lại những cô tiếp viên hàng không mình từng thấy trên truyền hình.

“Ừm, mình cần tìm quyển The Madwoman in the Attic,” giọng của cô gái có đôi chút khó gần.

“Của Sandra Gilbert và Susan Gubar, phải không?” Tôi hỏi.

“Đúng rồi!” Gương mặt của cô ta lạnh như băng, chẳng bói ra được chút nhiệt thành nào. “Thủ thư bảo rằng nó nằm ở kệ A-41, nhưng tớ không tìm thấy.”

“Thư viện hiện đang loạn lắm.” Miranda hồ hởi một cách kỳ lạ. “Để tớ tìm giúp cậu.” Tôi thầm cảm ơn sự năng nổ của cô nàng, vì hiện tại tôi cũng không có hứng muốn chơi trò đi tìm kho báu. “Cậu có chắc là nó ở đây không?” Miranda hỏi lại một lần nữa. “Vì có thể là nó đã bị chuyển sang kệ A-43 rồi. Đây, đi lối này!”

“A-43,” tôi nói nhỏ. “Hình như là sổ lưu trữ bị sai.”

“Ờ, thủ thư đang làm lại danh mục sách.” Miranda nói với vẻ đăm chiêu, rồi chỉ tay vào một cuốn sách có bìa màu tím. “Có phải cuốn này không?”

Tôi khệ nệ bê chồng sách đi phía sau họ, nhìn phóng qua vai của Miranda. Trên bìa sách là hình con mắt của một người phụ nữ đang nhìn qua ổ khóa, xuyên thẳng vào tâm trí của người đọc. Con mắt có màu đỏ, cùng cái nhếch môi đầy bí ẩn như nàng Mona Lisa trong bức tranh nổi tiếng của Leonardo da Vinci. Cô nữ sinh reo lên, đôi mắt sáng rực như lửa: “Đây rồi, cảm ơn cậu!”

“Không có gì.” Miranda không kìm nổi sự tò mò. “Mà nó viết về cái gì thế?”

“Phân tích lịch sử văn học Anh theo góc độ nữ quyền, đặc biệt là những tác phẩm của các nhà văn nữ trong thế kỷ 19. Jane Austen, Mary Shelley, chị em nhà Brontë, George Eliot, Emily Dickinson… danh sách còn dài lắm.”

Bỗng nhiên tôi buộc miệng hỏi. “Vậy tức là bạn học ngành ngôn ngữ Anh?”

“Đúng rồi,” cô nàng chỉnh lại mũ. “Tớ học ngành ngôn ngữ Anh. Thế các cậu học ngành gì thế?”

“Trình diễn sân khấu.” Miranda nhanh nhảu cướp lời. “Còn tên này thì là Triết học.”

“Triết học?” Cô gái trố mắt ngạc nhiên. “Cậu là sinh viên của giáo sư Hayden hả?”

Tôi không biết nên trả lời như thế nào, nhưng thật may vì đã có cái miệng của Miranda hoạt động hết công suất. “Sinh viên đã là gì, cậu ta còn là trợ lý cho thấy ấy nữa cơ!” Nói rồi, cô nàng bá vai tôi. “Học trò cưng luôn đấy!”

Cô gái nhìn tôi với vẻ mặt kinh ngạc, pha lẫn chút ngưỡng mộ. “Chà, vậy thì tuyệt quá.” Có tiếng nhạc du dương phát ra từ sảnh đường thư viện, là bản dương cầm Une barque sur l’océan của Maurice Ravel. Tôi nhớ rõ cái tên này, vì ông ta cũng cùng tên với tôi. Miranda có vẻ phật lòng: “Ai lại bật nhạc trong thư viện thế? Kỳ cục hết sức.” Tiếng nhạc đột ngột dừng lại, nhường chỗ cho sự yên bình vốn có ở nơi đây.

“Chắc là ai đó quên không tắt đài.” Tôi đùa, cố gắng thay đổi bầu không khí. “À ừ, mình là trợ lý của giáo sư Hayden.”

“Thầy ấy thế nào?” Cô gái hỏi tôi. “Ý tớ là, thầy ấy có khó tính không?”

Tôi nhún vai. “Tùy lúc. Nhìn chung là cũng khá dễ chịu, chỉ là thầy ấy có yêu cầu khá khắt khe về thời gian. Ví dụ như hôm nay, nếu như tớ không gửi cho thầy ấy danh sách sinh viên đúng hạn, tớ sẽ ăn đòn.”

Miranda liếng thoắng, “Cậu ta nói đùa đấy, giáo sư Hayden không độc ác đến vậy đâu.” Cả ba chúng tôi cùng bước về phía quầy tiếp tân. Trong thư viện có mùi gỗ thông ngòn ngọt, bị đè xuống như một tấm chăn dày ấm áp. Ánh nắng tự nhiên len lỏi khắp các kệ sách, phủ lên những chiếc bàn gỗ dài trống trải. Một cách phân bổ không gian thông minh: vừa tiết kiệm điện, lại vừa cung cấp ánh sáng cho thư viện. Tôi đặt chồng sách xuống bàn lễ tân. Cô thủ thư ngước đầu lên nhìn tôi, trong đáy mắt chẳng có gì ngoài sự chán chường.

“Em đây rồi, Maurice.” Cô ta có thói quen hay nhấn vào âm cuối trong câu. Và đáng sợ thay, âm cuối trong câu nói này lại chính là tên của tôi. “Em giúp tôi kiểm tra thêm hàng A-45 đến 60 nhé!”

Từ “nhé!” của cô ta làm tôi sởn gai ốc. “Dạ vâng,” tôi đáp, cố đè xuống cảm giác không thoải mái.

“Ai vừa bật nhạc thế cô?” Miỉanda nói xen vào, quyết tâm tìm cho ra kẻ đã làm ồn trong thư viện.

“Một cậu nam sinh nào đó,” thủ thư uể oải đáp lời, cứ như thể đó không phải là việc của cô ta vậy. “Nhưng cậu ta đi rồi.”

“Thảo nào,” Miranda gật gù. “À, bạn này muốn mượn sách.” Cô nàng đẩy cô gái kia về phía trước. “Ừm, tên cậu là gì nhỉ?”

“Reny,” cô gái đáp, rồi chìa ra một tấm thẻ. “Đây là thẻ sinh viên của em.”

Tôi rời khỏi “đám đông” hỗn loạn, thở dài khi nghĩ tới cảnh phải một mình kiểm tra năm kệ sách. Khi đi qua bàn tự học, sự chú ý của tôi va phải một cuốn sổ tay màu đen. Trên bìa sổ có dập nổi huy hiệu của một hội nhóm nào đó, với trọng tâm là một con cú đang đậu trên cành nguyệt quế. Dòng chữ Latin ở dưới ghi: “Memento Mori”, ép vàng lấp lánh. “Hãy nhớ rằng ai cũng sẽ phải chết,” tôi tự nhủ rồi nhìn ngó xung quanh, tự cảm thấy chột dạ khi biết rằng mình đang xâm phạm vào đồ đạc cá nhân của người khác. Nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ như bị hớp hồn, tay không tự chủ tháo bỏ sợi dây buộc sổ rồi điên cuồng ngấu nghiến những dòng chữ viết tay đẹp mê hồn trên trang giấy.

“Đây là cuốn sổ thuộc về Jacob Halls. Vui lòng liên hệ tôi theo số… hoặc địa chỉ… để trả vật về với chủ. Xin cảm ơn lòng tốt của bạn.”

Tôi gập cuốn sổ lại, không hỏi cảm thấy bối rối.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}