Đêm nay anh mơ.
Trong đó, ban đầu, anh chỉ đạp lên bãi cỏ và nhìn vào những thân chính to bằng bắp đùi con người của rừng phượng đột biến giữa đêm khuya. Không ai quấy rầy, tiếng ồn trắng đặc trưng của thiên nhiên cũng không hiện diện. Phải khi đi được hai chục bước, âm thanh mới dội đến. Tiếng lách tách tựa đám lửa trại, những mệnh lệnh tựa hồ la hét của nhiều người và quá hỗn tạp để xác định được tình hình chỉ bằng cách lắng nghe thật kỹ, cũng có tiếng nước bị ép lại rồi giải phóng, xen kẽ là âm thanh của ròng rọc. Chúng không lớn nhưng dồn dập.
Đoạn, anh xoay mặt đến đối diện chúng, đồng thời tiến lại. Khi vượt khỏi bìa rừng, anh nhận ra đây là rừng Tro - địa điểm mà người này đi đi về về gần như mỗi ngày. Vậy thì, sẽ có một nhà hát ở gần đây, cũng dễ nhận biết thôi vì nó là công trình duy nhất của nơi này. Tuy nhiên, thứ to bằng một công trình anh tìm được khi ngẩng đầu lên lại là đám lửa vàng rực. Cố gắng giữ tầm nhìn thêm chút nữa, anh thấy bóng đen của cửa đại và một mảng tường.
Nhà hát Ngải Trắng đang cháy.
Anh từng có một người thầy. Người đó nói với anh… Mặt mình có thể bầm tím, chẳng sao cả nếu tay gãy làm đôi, thân xác dập nát hoặc thiêu đốt cũng ổn. Nhưng Ngải Trắng thì không. Vào lần đó, anh đồng cảm và chấp nhận những chuyện tồi tệ đó giáng lên mình, hoặc đến với hai thầy trò để nhà hát đó yên ổn.
Nhưng thế giới này không có phép thuật, vậy nếu nó vẫn cháy thì sao?
Chưa kịp nghĩ thông, hai nhãn cầu của anh bục ra, phần thịt của tròng đen và trắng vương vãi trên bãi cỏ. Kéo theo đó là máu bắt đầu lăn trên hai gò má của anh. Rồi ngay lập tức, hai ống tai anh bắt đầu xuất huyết. Nhưng tiếng hét của người này vẫn chưa thể hiện hữu vì dây thanh quản đã nát tươm trong cổ họng.
***
Lúc anh tỉnh dậy, mọi thứ chính thức chuyển vào mùa khô.
Bên kia tường kính, vẫn còn quá sớm để trời mang màu xanh. Bất kể thế, gió đã đi rồi, sương cũng không thể nán lại. Những mảng màu trắng, buổi đêm là đỏ trầu, bây giờ chỉ có thể rải rác, từng đám đều rất nhỏ và phần rìa của chúng mỏng tang.
Anh rùng mình. Không phải vì giấc mơ ban nãy mà do nhìn vào bên kia. Người này rất sợ nóng, thứ nóng đến cả màu tím của bình minh cũng không vớt vát lại được chút mát lạnh nào. Một phần việc của hôm nay cũng vậy. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, anh phải đến căn nhà số 19, núi Trại Rễ Thứ Nhất để đọc sách cho một nhà viết kịch.
Nhà viết kịch đó không phải người bình thường hay đơn giản là một người cống hiến nhiều cho lĩnh vực sân khấu của nước nhà. Bà là một Nhà Văn Của Lịch Sử, thuộc nhóm Kẻ Phán Xét Chúa, thứ danh hiệu cao nhất mà một nhà hoạt động nghệ thuật có thể có, vì nếu được ghi nhận, sức ảnh hưởng của họ với nền nghệ thuật và giáo dục sẽ cao hơn Đại Đế rồi ngang bằng với Chúa Thống Lĩnh Sáu Nước Của Liên Minh Vĩnh Hằng.
Còn lý do người này được lệnh đến đọc sách rất đơn giản - giọng của anh giúp bà thư giãn. Chuyện này thường xuyên xảy ra trong ngành diễn viên. Ngành y của Liên Minh Vĩnh Hằng luôn dùng âm thanh của con người để mang tâm trí của những người vừa mới trải qua một đợt phẫu thuật lớn trở lại. Và giọng nói được đào tạo để thu hút người khác của diễn viên kịch rất phù hợp với phương pháp trị liệu này.
Anh vệ sinh cá nhân không quá mười lăm phút. Tài xế vì thế mà niềm nở với anh, lúc thắt dây an toàn còn đề xuất: “Bây giờ mở cửa sổ được đấy, không quá nguy hiểm lại không vi phạm pháp luật.” Với lại, xuất phát sớm thì thong dong ngắm cảnh và dễ đổi làn đường thôi.
Khi đến nơi, người này nhanh chóng bị kéo về với tính tấp nập và ngộp thở của thành thị. Tổng thể ngọn núi im ắng và thanh bình như bao người ngoài kia gán cho nó. Nhưng đến khi vào từng nhà, cụ thể là số 19, tính chất đề phòng với mọi thứ và không cho phép sai sót diễn ra mới hiện hữu. Một người đàn ông mặc quân phục khám xét người và kiểm tra dấu vân tay cùng mống mắt của anh. Rồi ngay khi thủ tục này hoàn tất, một người khác đặt tay lên lưng anh - một nguyên tắc bất thành văn mỗi khi ai đó yêu cầu người bên cạnh phải đi bằng với tốc độ của họ. Mọi thứ diễn ra nhanh đến mức anh không kịp liếc nhìn sân vườn có những gì.
Đến khi anh ngả lưng vào cái ghế bành bên cạnh chiếc giường của nhà viết kịch kia, bầu không khí hối hả mới dịu đi. Nhưng mức độ căng thẳng vẫn thế. Tường kính trong căn phòng này to gấp ba lần tường kính ở căn hộ anh đang sống, và nó nằm ở hướng Đông. Nắng bắt đầu xuyên qua từ bao giờ, anh chẳng biết, cũng không muốn quan tâm, vì nhân dạng của người trên giường.
Ở nơi thân thể không bị mền mỏng phủ lên, chiếc áo màu ngà óng ánh trong nắng và hất thẳng lên mặt người mặc. Không chỉ có thế, mọi thứ trên giường đều đang sáng rực do tác động của nắng và thứ vải mà anh biết chắc là Tằm Trắng - loại lụa chỉ được tạo ra để người mặc cách ly khỏi mùa khô khủng khiếp của vùng đất này. Ấy thế mà ánh mắt của người trên giường vẫn lờ đờ. Từ lúc mọi người ùa vào rồi căn phòng yên tĩnh trở lại, người đó không nhìn anh lần nào. Một tay đặt lên ngực, miệng mở hờ để nhường chỗ cho ống thở, thân thể đó như bất động trong khi ánh mắt hướng lên trần nhà. Nhìn lâu hơn, anh thấy bà ta rất trẻ so với tuổi thật. Năm nay người này năm mươi, nhưng vùng da ở má không có lấy một chỗ sần sùi, vùng quanh mắt đang thả lỏng cũng không có vết chân chim nào. Một số quý tộc của vùng đất này như vậy, họ khiến người khác lầm tưởng họ là những thanh niên để không ai thấy được tâm hồn đã mục ruỗng và lục phủ ngũ tạng đang nát dần.
Trải qua thêm hai phút, nhóm người ban nãy đưa cho anh một quyển sách có tựa đề là Chờ Cho Đến Khi Chết Mục, được viết bằng ngôn ngữ của dân tộc Phủ - gốc gác của người trước mặt và người thầy duy nhất của anh. Trái ngược với việc mở ra một cách gấp gáp rồi đặt nó lên giá đỡ, giọng đọc của anh chậm rãi và đúng từng từ một. Vừa đọc, người này không biết bản thân phát âm và nhận diện Phủ ngữ giỏi thế này từ bao giờ.
Hồi còn ở đất Lục - một trong những thuộc địa của Liên Minh Vĩnh Hằng và là quê hương của anh - người này làm mọi thứ để học Lang ngữ. Đây là điều kiện cơ bản nhất nếu muốn đến được vùng Liên Minh Vĩnh Hằng bởi pháp luật ở đây bắt buộc người dân phải biết rõ nó, rồi theo đó thống lĩnh được ba mươi bốn dân tộc và hơn hai tỷ người. Anh hiểu rõ thế nên cố gắng làm mọi thứ để học dù có đánh đổi bao nhiêu điều đi nữa. Nhưng thật ra thứ người này đánh đổi chỉ là danh dự và liều mạng làm việc dẫu không chắc chắn gì về tương lai. Chúng vẫn rõ mồn một trong tâm trí. Từ khi tròn mười bảy, đều đặn mỗi ngày, anh rải hạt cà phê lên một khoảng sân, tiếp đó đưa hạt đã khô vào máy xay rồi gói lại, đến ráng chiều, anh vượt bốn ngã tư để đến một quán nước rồi đổ đầy hàng trăm cốc bia. Sau đó - là cuối ngày - luôn luôn, anh ghì chặt cây nạng để về nhà, cổ tê rần, từng đợt nhói cùng hơi nóng không cần thiết trong hộp sọ, còn có mùi hôi và đống mồ hôi mãi chẳng chịu ngừng đổ của chính mình nữa. Tất cả khiến anh vừa kinh tởm bản thân vừa kiệt quệ. Ấy vậy mà trong khoảng thời gian đó, người này vẫn nhịn ăn và không chi trả cho những thứ bản thân rất cần chỉ để đổi lấy những khóa học Lang ngữ rồi cắn răng, nghiến lợi, hành hạ cơ thể đã kiệt quệ của mình bằng cách tiếp thu chúng vào đầu.
Còn kỹ năng về tiếng Phủ, anh có được trong lúc học việc từ người mà sau năm năm vẫn là người thầy duy nhất của mình. Dường như nó bay vào tai rồi len lỏi đến đầu anh, vì người này chẳng nhớ bản thân đã học thứ ngôn ngữ này như thế nào.
Quay lại với quyển sách, nó là một cuốn tự truyện được viết chưa lâu, gần mười năm. Và nó kể chuỗi sự việc hồi ba mươi năm trước - khi đất Giáp chưa thể sáp nhập đất Phủ vào mình, người kể được cha đưa khỏi quê hương rồi đến vùng đất này. Có nhiều sự vô vọng trong nó, nhưng anh chỉ thấy sao hành trình nhập cư của người này nhẹ nhàng quá, không như mình - nhờ mẹ chặt chân để trốn nghĩa vụ quân sự.
Biết quê hương đang bị Liên Minh Vĩnh Hằng tàn phá nặng nề đến mức mất đi hy vọng phát triển, anh vẫn chọn cách bản thân cho là đê hèn để rời khỏi nó hòng đến được vùng đất kia. So với kẻ mang về cho dân tộc Phủ một Nhà Văn Của Lịch Sử là người trước mặt và người thầy duy nhất của mình, anh thật hèn mọn biết bao. Nhưng người này không hối hận. Anh có một mơ tưởng, về nơi mặt đất trở thành sân khấu và ánh sáng cực đại gây hại cho mắt bao phủ mọi thứ trong nó từ phía trên. Ban ngày, nơi đó được gọi là Giếng Trời. Trần nhà làm bằng kính màu và luôn sáng rực khi Mặt trời hiện hữu, đến mức nhiều người nghĩ nơi đó không có mái che. Điểm kỳ diệu là người ta không bị chói mắt khi nhìn vào, vì từ một vách trần đến giữa mặt kính, tức phía trên sân khấu, có rất nhiều mảng kính xanh lá, nâu, trắng hợp lại thành hình một bụi ngải trắng - biểu tượng của nhà hát cùng tên. Khi khách chưa thể đến, anh học thuộc kịch bản ở đó, lắng nghe âm thanh của những dụng cụ được đẩy trên sàn gỗ và tiếng điều lệnh, đương nhiên không thể thiếu việc cảnh tượng đó được bao phủ bởi ánh sáng không gây chói mắt của Giếng Trời. Rồi khi khách đã đến đủ, anh hoà vào một nhân vật nào đó, thoát ly khỏi cảm giác nhàm chán cực đại thế giới thực mang lại. Nhưng hiện thực của người này không phải như thế. Giấy báo nhập ngũ mang tên anh được gửi đến nhà khi anh chỉ mới tròn mười sáu tuổi. Mẹ của anh không muốn con của mình phải chết một cách vô nghĩa, nỗi sợ trong bà lớn dần theo từng ngày rồi lây lan cho đứa con duy nhất. Dần dà, anh không muốn phải trở thành bọn đàn ông trai tráng nọ - luôn lăm lăm khẩu súng trên tay để tranh giành thứ quyền lực mà bản thân không bao giờ giữ được. Hơn nữa, mỗi khi nghĩ đến việc bản thân sẽ chết như gia súc là cơ thể người thiếu niên nóng lên. Anh ngắt mặt mình, đập đầu vào tường, đôi khi là tự siết cổ trong vài giây để thúc giục não nghĩ ra cách tốt hơn. Cuối cùng, may mắn thay, mùa đông năm anh mười sáu tuổi một tháng, khi chỉ còn một giờ nữa là thời gian triệu tập đến thì có một sự việc giúp điều đó rẽ khỏi cuộc đời anh - mẹ của người này giúp đứa con duy nhất của bà chặt chân nó ra.
Dẫu suy đi tính lại bao nhiêu lần, anh vẫn không rõ liệu vì ước mơ hay do bản thân căm ghét quê hương nên mới liều mạng như vậy. Nhưng anh biết, phải níu giữ tính chất này cho đến chết.
Trở về thực tại, khi đã đọc được phân nửa quyển hồi ký, tâm thức của người phụ nữ kia tỉnh dậy. Trong lúc chờ bác sĩ đến, bà nhìn anh một hồi lâu rồi hỏi: “Anh còn giữ thói quen ăn nội tạng sống không?”
“Dạ còn…” Đây chỉ là câu trả lời theo quán tính. Anh thường không xấu hổ về điều này, vì nơi đây người ta dễ dàng tin đó là sở thích bình thường của một con người.
“Vậy thì xin hãy giữ.”
Cuộc trò chuyện của hai người họ kết thúc tại đây. Nhưng anh biết mọi chuyện phức tạp hơn thế. Thầy của anh có mối quan hệ thân thiết với người phụ nữ này, vậy nên ông ta biết anh rất giống người thầy đó, riêng tính liều mạng sẽ còn hơn thế nữa. Và khi bà ta hỏi một diễn viên kịch về thói quen đặc trưng của họ thì khoảng độ một năm sau sẽ có vở kịch mà trong đó, vai chính được viết riêng cho người diễn viên được hỏi.
Bình luận
Chưa có bình luận