Tiền đề: Chờ Cho Đến Khi Chết Mục



Ngày viết thứ nhất, tôi và cha 

Cha của tôi đã hy sinh toàn bộ những gì bản thân tích góp được để tôi có thể sống ở đây, đặc biệt là chức danh. Mà ở đất Phủ thì “chức danh” và “mạng sống của đàn ông” có cùng nghĩa. Đến hiện tại - khi tôi đã bốn mươi bảy tuổi - thành tựu của ông trông thật xa vời và vĩ đại nếu đem chúng đi so sánh với cuộc sống của tôi. Thoạt nhìn thì điều đó khiến cách biệt giữa cha và tôi có vẻ rất lớn. Nhưng thực chất nó nhỏ, với riêng tôi là không có. Bởi vì, như đã nói, ông đã hy sinh tất cả những gì mình có để đổi lấy sự bình yên cho tôi.

Môi trường sống cha của tôi chỉ toàn nghèo đói và thất học. Nó tệ đến mức tiêu chuẩn hạnh phúc trở nên thấp hơn bao giờ hết - chỉ cần có cái ăn để sống được qua ngày là tốt nhất rồi. 

Thế nên ông - một người thành công kiếm được cái ăn và tri thức - trở nên khó tính cùng cực. Với bảy anh chị của tôi, ông bắt họ tự tìm miếng ăn, đi bộ dưới mặt trời đang đứng bóng hoặc dùng cả tính mạng để học. Nhưng kết quả chẳng tốt lên. Đúng là họ đều thành người, cống hiến nhiều cho xã hội, nhưng là bằng những cách kinh hoàng khác nhau vì anh chị của tôi đều đã trở thành liệt sĩ.    

Tôi không rõ cuộc sống của họ có tốt hơn của cha không. Nhưng tôi chắc chắn họ bị cha hành hạ rất nhiều, vì về bản chất, họ thà hy sinh cho đất nước còn hơn sống cuộc sống như ông muốn họ có.  

Riêng phần tôi, tôi là con út. Tôi sợ ông ấy như bao người khác nhưng không đến mức bỏ nhà đi hay kết liễu đời mình. Những nỗi sợ của tôi không có gì là nghiêm trọng. Ví như một lần tôi ngỏ lời nhờ ông ấy ẵm mình như vài người xung quanh vì phần da ở chân đang rát như thể bị bỏng, nhưng cha chỉ ngón trỏ xuống mặt tôi rồi nói một câu đanh thép, rõ từng từ một: “Không. Con có chân, con phải tự đi.” Thứ có vẻ tệ nhất là ông luôn bắt tôi phải hiểu bản thân. Tôi không rõ vị khách dưới nhà đang nghĩ gì? Không sao cả, vì hiểu được bản thân mới là điều làm mình thành người.      

Còn lại, tất cả đều tốt. Lúc tôi mười một tuổi, cũng là khi người chị thứ ba của tôi chết - người có tuổi thọ cao nhất trong bảy anh chị em - tâm tính cha đã dịu đi rất nhiều. Nhưng chỉ với tôi thôi. Mỗi ngày, ông cho tôi những món bổ dưỡng nhất mà gia đình tìm thấy, vải ấm vào mùa mưa và luôn hỏi có đau ở đâu không. 

Mọi thứ cứ êm đềm như thế cho đến khi tôi tròn mười bảy.

Một ngày đẹp trời, ít mây nhưng không có nắng, tiếng xào xạc êm tai vang khắp mọi ngóc ngách của sân nhà. Cây phượng sau nhà trông thật truyền cảm hứng, nó biết sẽ không còn quả bom nào giáng xuống mình nữa nên đang vẫy vùng với gió và chim. Nhưng tất thảy chúng không ảnh hưởng đến tôi, tôi vẫn thấy buồn, một nỗi buồn có lẫn tức giận và bất lực. Tôi hành hạ đám cỏ trong sân, nhổ cho thân chúng đứt lìa, làm những cục đất nhỏ vương vãi khắp nơi. Cái mùi cỏ nồng xộc vào mũi mình lúc đó vẫn còn hiện diện rõ rệt trong tâm trí tôi. Thường thì tôi rất ghét, đến mức có thể tỉnh ngủ nhờ nó. Nhưng thời điểm đó, tôi đã lờ đi vì có thứ khác làm tôi khó chịu hơn - nước mắt của mình, từng hạt lớn vướng víu trong khóe mắt và mặt tôi. 

Thấy thế, cha đến hỏi làm sao. Tôi nói mình không muốn người anh hàng xóm lớn hơn mình hai tuổi sang nước ngoài sống, vì tôi muốn sau này lớn lên tôi và anh ấy sẽ sống cùng nhau như cha với mẹ.  

Thoạt nhìn, mọi chuyện sẽ qua thôi, vì tuổi trẻ thì làm sao thiếu đi nỗi đau đớn của tình yêu. Nhưng không, cách xử lý của ông cho thấy chuyện thật nghiêm trọng, đến mức cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn kể từ đó.

“Hay tôi tìm bác sĩ cho nó chữa bệnh?” 

Tôi nghe thấy mẹ mình nói một cách gấp gáp.

“Câm miệng! Nếu bà cho người khác biết chuyện này, tôi sẽ cắt lưỡi bà ra!” 

Tôi sẽ không bao giờ nhầm lẫn giọng cha của mình với ai khác. Chất giọng đanh thép làm cho người mẹ lúc nào cũng lo sợ của tôi phải ngoan ngoãn đến mức nếu không để ý, người ta sẽ không biết bản thân đang ở cùng phòng với bà. 

Tôi không hiểu tại sao họ như thế nên đã hỏi mẹ khi cha đã ngủ. Mẹ tôi không trả lời. Nhìn kỹ gương mặt bà, tôi biết bà làm thế không phải vì coi thường tôi mà là vì sợ. Những gì cha tôi ra lệnh thì mẹ của tôi không được làm sai. 

Tôi đâm ra bực mình. Đến tận bây giờ, hình bóng của mẹ vẫn mờ nhạt trong lòng tôi. Bà có ý thức nhưng trông chẳng khác nào con rối của chồng. Bà không bênh vực hay chiều chuộng tôi dù rất muốn chỉ vì người đàn ông trong nhà không cho phép. Lúc đó, tôi nghĩ, là một thằng con trai và sau này trở thành đàn ông, tôi sẽ không bao giờ như vậy. Nhưng có lẽ tệ hơn là, sau này - khi biết do xã hội mà cha mẹ tôi sống bắt ép bà như thế, tôi vẫn không thể yêu quý bà hơn.

Sau đó nữa, cha đánh thức tôi vào thời điểm mặt trời chưa ló rạng, nền trời tối đến mức trăng và những đốm sao li ti vẫn sáng rực. Đã lâu rồi cha không gọi tôi dậy sớm như vậy. Tôi càng bối rối hơn khi ông bảo tôi mặc bộ trang phục mà gia đình chỉ được phép khi phải dự đám tang. Hơn nữa, qua khung cửa không đóng, tôi thấy phòng khách đang ngổn ngang giấy tờ, thường thì, chúng chỉ như thế khi đợt công kích của giặc đến. 

“Sao vậy cha? Mình đi đâu?” Tôi cố hỏi. 

Không ai trả lời. Nhưng một thứ khác giúp tôi tịnh tâm đôi chút - biểu cảm trên mặt cha. 

Từ lâu, tôi đủ thông minh để làm cho quần áo và phụ kiện trên cơ thể mình ở đúng vị trí. Nhưng hôm nay - khi đã cao vượt mặt ông, tôi được giúp chỉnh lại các chi tiết nhỏ như cổ áo và sáu cái nút ở ống tay, các ngón tay đó thoăn thoắt, không một bước sai. Hơn cả là mắt cha, tôi không thể tìm thấy vẻ lo lắng mà đáng lẽ phải có trong những tình huống thế này. 

Cảnh tượng đó làm tôi an tâm hẳn ra. Ông đã cho tôi đến thế giới này và nuôi lớn tôi nên vẻ ngoài trông như quả quyết đó làm tôi thấy ổn. 

“Dù nó nghiêm trọng thì cũng sẽ xong thôi, vì cha đang giải quyết.”  Tôi nghĩ.

Mọi thứ sau đó rất rối rắm. Tôi là trung tâm và nguyên nhân của một tình huống, nhưng tôi quá khờ hoặc không bao giờ đủ thẩm quyền để hiểu được nó.

Cha đưa tôi lên một chiếc máy bay tư nhân. Trong suốt quá trình di chuyển, tay phải ông chưa bao giờ rời khỏi lưng tôi, hành động này dư thừa ân cần so với tiêu chuẩn ông luôn áp đặt cho các con. Nhưng tôi của lúc đó không để tâm lắm. 

Một phần vì ánh nắng rọi qua khung cửa sổ đã lấy hết sự chú ý của tôi.

Cảnh bên ngoài khung cửa nhỏ thật đẹp. Màu xanh của mảng lá, làn sương trắng dày trôi nổi trên đầu rừng cây, đôi khi cũng có vùng xám tro và khói bao phủ hết khung cửa. Tất thảy tính chất nhàn nhạt và không gây nhức mắt mà tôi luôn ao ước mình có thể thấy suốt hai mươi bốn trên bảy đang hiện ra. 

Nhưng dù chúng có hợp mắt tôi đến mức nào thì cũng không thể ngăn được các sinh hoạt nhàm chán trong máy bay. Tai tôi ù đi và cơn buồn ngủ cứ kéo hai mí mắt tôi xuống. Điều này đã làm tôi không thể thích nghi được với khác biệt giữa bầu trời của đất Phủ và đất Giáp. 

Khi cha sốc tôi dậy, màu sắc tổng thể của mọi vật trong khoang máy bay đã ngả sang màu đỏ. Tôi tỉnh ngủ ngay lập tức vì sợ hãi. Cửa lớn của máy bay đã mở nên tầm nhìn của tôi rộng hơn. Bên ngoài, mọi thứ như được bao phủ trong miếng thạch pha phẩm màu đỏ. Và tương tự như độ gắt của những viên thạch cùng màu mà bản thân từng ăn, màu sắc đó làm tôi khó chịu, như thể nó đi qua mắt rồi đâm thẳng vào phần mềm, cuối cùng là bóp chặt não người thấy. Cơn đau đầu lúc đó của tôi gần như không thể so sánh với cơn đau do ù tai ban nãy.

“Cha ơi…” Tôi muốn bày tỏ tình trạng của mình. Khổ một nỗi, chưa thể nói được ý chính thì tôi đã ói hết những gì có trong bao tử ra. 

“Con trai anh bị dị ứng hoặc có bệnh nền rồi. Bịt mắt nó lại ngay!” 

Những mệnh lệnh bằng tiếng mẹ đẻ của tôi vang lên, đanh thép và liền mạch. Chuyện này kéo tỉnh táo trở lại với tôi. Trước đây, tôi chưa bao giờ thấy ai nói chuyện với cha bằng thái độ đó, gần như chỉ có hai thái cực, một là quỳ xuống khóc lóc, hai là lớn tiếng do mừng rỡ quá mức.

Cơ mà điều đó không có ích gì, vì ngay từ đầu đất Giáp đã chuẩn bị cho tôi một liều an thần.             

Khi tôi tỉnh dậy một lần nữa, sắc đỏ gay gắt đã biến mất. Kể cả vậy, căn phòng nơi tôi nằm trông thật lạ mắt, ít nhất là so với kiến trúc ở nơi tôi sống. Đồ nội thất trong phòng chỉ bao gồm giường, ghế và cái tủ gỗ để đầy vật dụng trên đầu. Thứ đáng lưu tâm nhất là cửa kính, cả một bức tường chỉ làm từ kính, ở một nơi chiến tranh triền miên, cách xây dựng này rất nguy hiểm. 

“Còn thấy khó chịu không?” Cha tôi - người ngồi trên cái ghế duy nhất có trong phòng cất tiếng. 

“Dạ không…” Tôi ngập ngừng. Có rất nhiều thứ mà tôi muốn hỏi, nhưng mắt cha đã trở lại như trước - trông dữ tợn và mệt mỏi.

“Chúng ta đang ở nước Giáp. Kể từ bây giờ, con phải dùng hết đầu óc để học Lang ngữ với mấy thứ sân khấu kịch họ cần. Nếu không, cuốn hộ chiếu đó…” Ông hất mặt mình đến quyển sổ màu xanh lam trên đầu tủ. Nó không có gì ngoài một màu xanh trơn và hình vẽ đầu con tê giác được tối giản hết mức có thể. “Và mọi thứ con có sẽ mất hết. Ngược lại, làm tốt việc học và quên thằng đó đi. Khi mọi thứ vào quỹ đạo, con sẽ được kết hôn với người đàn ông tốt hơn nó gấp nhiều lần.” 

Tôi hiểu những ý đó, nhưng cũng không hiểu. Tệ hơn nữa là tôi không dám hỏi. Trước đây, có nhiều người đến quỳ lạy cha của tôi nhằm xin ông tước bỏ quốc tịch của đất Phủ cho họ. Phản ứng của những người đó sỗ sàng và gấp gáp, phần vì đó là một trong những việc khó làm nhất trên đời. Nhưng ở phần tôi, quyển hộ chiếu màu nâu của đất Phủ bị tước đi rồi được thay thế bằng quyển màu xanh lam của đất Giáp chỉ trong một đêm. Từ lúc này, tôi bắt đầu hiểu sự bất công của thế giới và tôi ở phần nhiều quyền lợi nhất. 

Thực tế, đã có những vụ ám sát ập lên tôi, làm tôi mù mắt, dập gan, gãy xương và lên cơn điên và vân vân. Đó là những cái giá. Nhưng rồi cũng chẳng sao cả. Cặp mắt sáng rực của cha được ghép vào tôi, điều này tốt hơn việc phải mang con mắt bị đục thủy tinh thể mà ông trời ban tặng đến cuối đời. Hoặc biến chứng của dập gan và gãy xương cũng không quá khổ sở vì tập thể dục là việc nặng nhọc nhất tôi phải làm để nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn cả là tôi có rất nhiều tiền, còn con của tôi thì được hưởng nền giáo dục tốt nhất.

Chỉ cần tôi làm như cha dặn, bên nhiều quyền lợi nhất vẫn luôn có chỗ cho tôi. Bởi, tất cả những phúc phận mà cha, mẹ, anh, chị, xa hơn là cả dòng họ của tôi không thể hưởng sẽ được truyền cho tôi. 


Ngày viết thứ hai, sóng dò

 

Tôi không rõ trình độ khoa học kỹ thuật của Liên Minh Vĩnh Hằng có phát triển hơn phần còn lại của thế giới hay không. Nhưng tôi chắc chắn ở đây có vài thứ mà người bên ngoài sẽ phải mất rất lâu nữa mới sở hữu được. Điển hình là những lúc toàn khu vực chìm trong ánh sáng của Sóng Dò. Từ khi thế chiến nổ ra, nó trở thành văn hóa, đặc trưng và một trong những điều khủng khiếp nhất mà người dân trong Liên Minh phải chịu để đổi lấy hòa bình. 

Khoảng độ hai mươi, như thế cố níu kéo tuổi thơ của mình, tôi luôn lên kế hoạch đi dạo vào buổi trưa mỗi khi mùa khô đến. Nhưng mọi chuyện không được suôn sẻ. Cứ mười lần dự định thì hết bảy lần thất bại vì nhà nước kích hoạt Sóng Dò. Làm tôi chỉ có thể cảm nhận tiếng của côn trùng và hơi nóng từ dòng sông cạnh nhà qua cái cửa sổ đóng kín.

Nắng mất ngay lập tức khi sắc đỏ nuốt chửng đất Giáp. Có thể do con người đã trở nên khủng khiếp đến mức đủ sức tạo ra loại ánh sáng mạnh hơn cả ánh Mặt trời, hoặc chỉ đơn giản là ảo giác của não. Tôi chưa thể hỏi người có thẩm quyền nên không chắc chắn. Nhưng dù là gì thì nó vẫn ám ảnh tôi. Không phải chạy trốn hay nghe thấy tiếng bom đạn không đồng nghĩa với việc chiến tranh đã kết thúc, thứ ánh sáng làm biến đổi cả thiên nhiên đó đã thay thế hai điều trên và nhiều thứ khác nữa. 

Nó cũng vô tình làm người dân ngoan ngoãn hơn.    

Trước khi thế chiến này diễn ra, người dân trong khu vực Vĩnh Hằng luôn tự cao vì họ sở hữu nền giáo dục tiên tiến nhất. Dân trí cao sẽ khó bị áp bức, dân số đông cũng không phải gánh nặng xã hội. Hơn cả là chính phủ thối nát thì chỉ cần dùng luật để lật đổ là xong. Nhưng họ đã phán đoán sai, vì nhóm chính phủ bên trên họ đã kiểm soát sáu đất nước liên tục trong ba nghìn năm.

Cơ quan kiểm soát sự tiến hóa của loài người, gọi tắt là N-000 là hiệp hội phi chính phủ có nhiều quyền năng nhất trong Liên Minh Vĩnh Hằng. Sáu đất nước của khu vực luôn đứng đầu trong danh sách những nước có nền y học tiên tiến nhất là nhờ hiệp hội này. Họ chịu trách nhiệm nghiên cứu tất cả các lĩnh vực của y học. Và bởi vì luôn làm tròn trách nhiệm của mình, tròn đến mức sở hữu nhiều lỗi lầm tày trời hoặc nghiên cứu phi đạo đức (theo tiêu chuẩn quốc tế) cũng không làm quyền lực của họ lung lay.

Thế là theo đà, quyền năng của N-000 lớn đến mức ít người có thể tưởng tượng ra, quan trọng hơn là những người không có thẩm quyền sẽ không biết được sự thật này. 

“Chúng tôi biết nó gây hại. Tất cả các tác hại của nó đã được công khai trên trang chủ của N-000. Nhưng hệ thống Sóng Dò là thứ duy nhất giúp khu vực của chúng ta chống được kẻ thù mà không bị bất kỳ thiệt hại về người và của nào. Hơn nữa, trong tất cả các tính toán và những đợt so sánh phương pháp phòng ngự thì việc dùng Sóng Dò là phương án tối ưu nhất. Đương nhiên chi tiết của sự việc cũng được đăng trên trang chủ của N-000. Vậy nên, tôi, thay mặt sáu chính phủ của sáu đất nước thuộc Liên Minh Vĩnh Hằng, xin người dân hãy chấp nhận phương án này!” 

Đó là phát ngôn cuối cùng về Sóng Dò của người đứng đầu đất Lộc. Cũng kể từ lúc này, các vụ kêu gọi ngừng chạy những bộ máy khủng khiếp đó bắt đầu lặn xuống.

Những gì tôi vừa kể chỉ là một phần rất nhỏ trong chuyện “Cách Liên Minh Vĩnh Hằng giữ gìn hòa bình cho khu vực của mình”.    

Đến bây giờ - khi đã bốn mươi bảy tuổi - tôi vẫn chưa thể ngừng sợ hãi về độ phức tạp của xã hội này. Thích nghi cũng không, tôi chỉ biết cách hành xử. Nên sâu trong tâm trí, tôi luôn thắc mắc tại sao cha lại chuyển tôi đến đất Giáp - một nơi mà mọi người ngoài đều xem là khủng khiếp.

Ngày viết thứ ba, tôi và công việc nhà 

  

Mẹ của tôi không dạy tôi cách làm việc nhà, các kỹ năng thuộc phạm trù tự chăm sóc bản thân cũng vậy. Bà tự ôm đồm lấy chúng, bao gồm phần mình, con mình và chồng. Tôi đủ khỏe để phụ mẹ, cũng do không muốn học từ tối này đến sáng kia. Ấy vậy mà bà chưa bao giờ cho phép. Việc của tôi - do nhà nội hoặc cả xã hội này gán cho - là học thật chăm chỉ rồi giúp đời như cha mình. Nhưng thực tế, tôi chẳng bao giờ muốn làm theo. Còn việc nhà, bị cấm cản nhưng nó cứ hiện diện trong tầm nhìn thì làm sao có thể thôi đi ham muốn đó? 

Tình trạng này tệ hơn khi tôi chuyển đến đất Giáp. Do là nơi thưa dân nên môi trường sống mới của tôi rất yên ắng, đôi khi, hai mẹ con chỉ có thể gặp người khác vài lần một tuần. Đột ngột thay đổi, tôi không thể tập trung học được và cứ nhìn ra cửa sổ - nơi mẹ đang nhổ đám cỏ lông. 

Tôi suy luận. Mảnh vườn mới rộng khoảng tám ngàn mét vuông trong khi tổng diện tích mặt sàn của nhà mới, bao gồm kho chứa đồ, chỉ vỏn vẹn bốn trăm năm mươi mét vuông. Nếu dọn hết đám cỏ, tôi cá là mẹ mất ít nhất một tháng mới xong phần việc này. Đáng lẽ bà chỉ cần dọn một phần, bao gồm đường đi và sân thể thao cho tôi, nhưng đất ở đây rất tốt. Nó đen kịt, mềm, nhũn nước nhưng chưa đến mức úng. Theo tính cách của mình, kiểu gì bà cũng sẽ chăm sóc lại đất để trồng thứ bán được hòng tăng thêm thu nhập cho gia đình. 

Tôi ủng hộ việc làm đó. Không có hoa, đám cỏ lông tây trông thật tầm thường. Những chiếc lá hình tam giác lớn, dài và một màu xanh đâu đâu cũng thấy, cách mọc lại trông èo uột - cao bằng đầu gối tôi và bò bát nháo trên mặt đất. Khi gió đến, những cái lá cứa đứt được da người đó cứ lạo xạo, cọ vào nhau làm bọn muỗi bay loạn xạ. Tôi sợ việc này lắm. Hồi nhỏ tôi phải bò qua đám cỏ đầy kiến như cơm bữa, bọn côn trùng cắn tay tôi dù tôi chẳng làm gì chúng, rồi đêm nóng nực đến, tôi không tài nào ngủ được vì quá ngứa. Thành ra nếu có thể thuê mẹ, tôi sẽ trả một số tiền lớn để bà giết hết đám thực vật này.

Nhưng tôi vừa không có tiền vừa là đứa trẻ bà đẻ ra. Điều duy nhất tôi làm được chỉ bao gồm ngồi im suy luận chứ không phải học hay chạy ù xuống phụ bà.    

Khổ một nỗi, như đã nói, tôi cố gắng suốt một tiếng vẫn không thể dìm ham muốn kia xuống.  

Trời nóng nên tôi được phép mở cửa sổ. Mọi âm thanh ở vườn vì thế mà lọt hết vào tai tôi. Tiếng dế kêu ra rả trong tán cây, hang nhỏ, góc chân nhà và đâu đó ở mảnh đất khác. Còn có âm thanh nhẹ hơn, ít vang hơn, là tiếng mẹ của tôi nhổ cỏ. Đối với tôi, nó khá đặc trưng. “Bịch” là khi mẹ làm loãng đất. “Phựt” tức là cỏ đã ra khỏi đất. Rồi lại “bịch” một lần nữa vì bà phải xới đất để rễ cỏ bị hủy hoại hoàn toàn. Đôi khi còn có tiếng gãy vì thân loại này rỗng, hoặc âm thanh lạo xạo do lá bị đè. 

Bệnh viện tôi đang điều trị thường bật loại âm thanh để bệnh nhân thư giãn. Tôi là nhóm người đã khỏe hơn nhờ bước điều trị đó, có lẽ đây là lý do ham muốn chạm vào đám cỏ lông tây càng dâng trào trong tâm trí tôi. 

Nhưng dù có muốn đến thế nào đi nữa thì tôi cũng không dám làm. Để sống tốt, tôi không thể cãi lời người lớn hơn. Thế là tôi gục mặt xuống bàn, tay cầm bút thì loáy hoáy những đường nét vô nghĩa.

Rồi đột nhiên, mẹ gọi với lên chỗ tôi. Bà dặn nếu có gì gấp hãy sang nhà dì An - một nhà nuôi bò sữa, vì bà sẽ mang đống cỏ lông vừa gặt sang đấy để đổi ba xô sữa, đến chiều mới về. 

Tôi nghe thế thì dùng hết sức để gật đầu ba cái. Tôi vẫn nhớ lúc đó bản thân cảm thấy tầm nhìn đang sáng lên, quá phấn khích nên mắt đã mở to hết cỡ. Và trong lúc chờ mẹ đi khuất, chân tôi cũng không chịu được mà rung những nhịp rất mạnh.   

Buổi chiều đó, tôi vui biết bao, vì tôi đã lén người lớn hơn làm điều mình thích.

Phải, tôi có lúc lén lút cãi lời người lớn như thế, nhưng cũng chỉ thế thôi. Tôi vẫn chưa đồng cảm với những người không chấp nhận xã hội hiện tại đâu, vì chính lối sống đó giúp tôi có cuộc sống hoàn hảo như hiện tại. 

Ngày viết thứ tư, cha của tôi và những người tôi không được phép tiếp xúc

  

Tôi không rõ mình đang sống cuộc sống tốt nhất hay tồn tại ở Manh ngạch cho đến khi chết mục. Mọi thứ rất mâu thuẫn. Sáng nào tôi cũng khóc rống lên chỉ vì bản thân còn sống, ngải làm tôi mệt mỏi đến nỗi con cái của mình ăn gì tôi còn không để tâm được. Ấy vậy mà song với đó tôi được điều trị tâm lý tại cơ sở y tế tốt nhất trong Liên Minh Vĩnh Hằng (thực tế là tốt nhất thế giới). Tôi thật sự mệt mỏi trước chuyện này nhưng chẳng dám trách ai ngoài bản thân, nên, đôi khi, tôi nghĩ về cha để níu kéo cảm giác thèm sống.

Trong lòng tôi, cha là kim chỉ nam, là ông Trời, là nguồn sống trong suốt thời thơ ấu. Từ nhỏ đến lớn, phần rễ của linh hồn tôi luôn bám chặt vào thân xác ông. Học cái nọ, phát triển tính chất kia, không nên để tâm đến lỗi nào, tôi thực hiện tất thảy chúng chỉ vì cha mình dạy thế. Nhưng mà, cha không dạy tôi phải sống thế nào khi ông chết. Hậu quả là, từ tự hào và được khen ngợi vì hiểu rõ chính mình, tôi trở thành kẻ không xác định được cảm xúc bản thân. 

Là lỗi của ông hay tôi không đủ sức? Tôi không có câu trả lời. Sâu trong thâm tâm, tôi muốn biết, nhưng mà biết rồi thì khác gì mãi không biết? Suy cho cùng, cuộc sống của tôi không thay đổi gì sau ngày cha chết. 

Có lẽ tôi chỉ có thể hướng bản thân về lối suy nghĩ như thế. Đặc biệt là buổi sáng này, nắng đã có lại từ lâu, con gái lớn của tôi cũng đến kéo rèm giúp từ bao giờ dù chẳng ai nhờ vả. Bên kia tường kính, một đàn sơn dương đang thảnh thơi uống nước ở khúc sông sát nhà sau. Đang là mùa hè nên lông của chúng không bóng mượt lắm, sợi nào sợi nấy khô cằng, thẳng và cứng như đám chổi rơm, đôi khi còn có vài con côn trùng bâu vào. Điều này, chẳng hiểu sao, bất giác làm tôi nhớ về những người nghèo đói sống chung với mình ở Ngàn Lạc hồi chưa tròn mười tuổi.   

Không phải vì tôi thương cảm, càng không phải vì bản tính của tôi là chuyên lo chuyện bao đồng mà là vì tôi ái kỷ và ký ức bản thân phải cùng một đám người vượt qua vài con đường lớn đã khắc sâu vào tâm trí. Lúc bấy giờ, bằng bộ óc bảy tuổi của mình, tôi nhận thấy sự nhơ nhớp ở khắp nơi. Những cái áo mỏng đến mức người ngoài dư sức thấy được cái lưng còng và gồ xương của người mặc và nồng nặc trong không khí là mùi hôi của chuồng heo, mùi tanh tưởi của bọn cá, mùi mốc của những cái áo đã khô cứng do ngấm mồ hôi quá nhiều, nói tóm lại là mùi của đủ thứ bẩn thỉu trên đời. 

Theo bà nội, tôi tuyệt đối không được tiếp xúc với những người đó, lý do lớn nhất và dễ hiểu nhất là họ thất học. Ban đầu, tôi làm theo như một kiểu tán thành, bởi rất nhiều người trong số đó đã nhìn vào, liếc, chỉ trỏ đồng thời gán cho tôi những tật xấu vô căn cứ. Khủng khiếp hơn nữa là họ đẻ nhiều gấp đôi dân trí thức. Đôi khi, trong những cuộc trốn chạy, mẹ bịt mắt tôi lại và cả nhà nội xì xầm vì có xác trẻ con ở nơi từng được gọi là đồng lúa, chuyện này không nhiều nhưng nó cũng không ở mức hiếm. Và bà nội của tôi, một lần nữa, lấy cảnh tượng đó để củng cố luận điểm của mình. Rằng đám người hôi hám ngoài kia nông cạn, thiếu trách nhiệm và không bao giờ đủ khả năng để nghĩ đến tương lai nên đã cho những đứa trẻ bình đẳng với tôi một cuộc đời khủng khiếp như vậy.      

Trong những lần đó, tôi luôn nhìn sang cha mỗi khi có thể vì việc ông ấy đi cùng gia đình là rất hiếm hoi. Dù không có phản ứng gì nhưng tôi cảm thấy ông đang phản đối bà nội. Rõ ràng chân mày vẫn nhíu lại như mọi khi, ấy vậy mà mắt ông thiếu đi vẻ kiên định, chúng nhìn sang trái - nơi có thể có những cái xác mà chúng tôi không tài nào thấy được nếu cứ ở lì trong xe, rồi cặp mí đó cụp xuống dần cho đến khi nhắm hẳn.

Tôi rất tò mò, đến mức hiện tại vẫn nhớ. Kỹ hơn, có lẽ ham muốn này dâng cao nhất hồi mười tám tuổi, khi đó dù rõ chỉ còn cách tự hiểu mới biết cha nghĩ gì tôi vẫn đi hỏi ông hàng tá câu hỏi cho ra lẽ.   

Đầu tiên, để cha chú ý và chịu ngồi nói chuyện thì tôi phải chỉ ra lỗi sai ông mắc phải. Thứ đầu tiên tôi tìm được là mâu thuẫn trong lời dạy của cha. Ban đầu, ông nói tôi phải nghe lời người lớn, còn không thì đừng mơ tưởng tới một cuộc sống tốt đẹp. Nhưng sau này ông lại bảo tôi đừng tôn trọng tất cả bọn người lớn như vậy, bởi vì có nhiều kẻ chỉ lớn tuổi hơn bọn trẻ con mà thôi. 

Và rồi, không có gì đáng để cái đầu hấp tấp của tôi nhớ cả.  

Lúc đó cha không trả lời tôi ngay. Ông chỉ nhìn tôi, lắng nghe rồi im lặng. Phải rất lâu sau, khoảng mười phút - khi mẹ đến hỏi được phép dọn cơm chưa - thì ông mới phản ứng. “Bà làm đi.” Thoạt nghe thì thấy giọng ông vẫn như mọi ngày. Nhưng do ngồi sát cha và dò xét từng chuyển động của ông ấy nên tôi có thể nhận thấy từng câu chữ đang thấp và run hơn bình thường. Sau đó nữa, đến khi mẹ tôi rời đi, cha đặt một tay lên đùi trái tôi rồi nói: “Chuyện này cứ tạm xem là cha sai. Nhưng nó cũng không hoàn toàn. Con sắp tiếp xúc với nhiều người hơn rồi nên sẽ sớm thấy có rất nhiều thứ mâu thuẫn với nhau. Vì mỗi người mỗi cảnh và không ai kiểm soát được thứ gì.” 

Đó là lần đầu tiên, cũng là cuối cùng cha dạy tôi về sự mâu thuẫn trong cuộc sống. 

Đến mức này, khi đã nhớ lại tường tận ký ức đó, tôi nhận ra không phải cái gì cha cũng dạy mình. Với tư cách là người có bốn đứa con, tôi cho rằng ông làm thế không phải vì vô trách nhiệm hay không cố gắng truyền đạt. Dạy con nên người là một trong những vấn đề phức tạp nhất cõi đời này. Có thể là do có những chuyện bọn trẻ phải tường tận thấy, mắc lỗi rồi chịu trách nhiệm thì mới hiểu được bản chất. Hoặc đôi khi chỉ đơn giản vì chúng ta không phải là vĩ nhân để giỏi đến mức khai sáng cho những cái đầu đầy thơ ngây và hạnh phúc.

Trở về với thực tại, còn hai đứa trẻ chưa tròn mười sáu tuổi, hai đứa đã đủ tuổi thì lại đang lo cho sự nghiệp của mình nên tôi không thể chết. Vô trách nhiệm với chúng và khiến chúng chịu đau khổ thì tôi chẳng khác nào lũ thất học đó. Vậy, nghi thức buổi sáng của tôi đến đây là xong rồi. 

Ngày viết thứ năm, tôi chỉ biết dựa vào người khác


Ngày cuối cùng này, tôi thừa nhận tôi tự nhốt mình ở Ngải Trắng trong phần lớn thời gian sống. Không vì lý do gì đặc biệt, tôi chỉ muốn giải phóng hết toàn bộ ký ức trước khi chúng biến mất. 

Sau khi quay lại đất Phủ, tôi nhận ra bản thân không thể trở về đó nữa. Không phải vì mối quan hệ của cả hai nước thay đổi, nó vẫn vậy, mọi thứ xung quanh vẫn luôn như thế. Chỉ do tôi ngừng ảo tưởng thôi. 

Kể cả khi đất Phủ đang hồi phục và giàu lên sau chiến tranh, nó vẫn không còn gì cả. Tất cả mọi thứ, hoặc là bị tiêu hủy hoặc là không ai ở lại canh giữ, còn những đứa trẻ nhận thức mình là dân đất Phủ đã lên đất Giáp từ tám hoánh nào rồi.

Quê hương của tôi chỉ là ảo tưởng do tôi tạo ra và nơi dung túng cho tôi - một vùng đất phát triển và giữ kỹ nguồn cội của mình - thì tôi lại không thể hòa hợp. Vậy thì tôi ra ngoài và sống một cuộc đời cởi mở để được ích lợi gì? À được thôi, là tôi không chịu làm thế. Không thể sống một cách quyết liệt, lúc nào cũng vận động trí óc như ngựa phi nước đại nên tôi quay sang chỉ trích những điều bản thân không hài lòng về vùng đất chấp nhận mình trong khi bản chất nó vốn là như vậy. Tôi chỉ là một thằng vô dụng chỉ giỏi duy nhất một việc là nghe theo lời người lớn hơn. 

Và nhắc đến chuyện nghe lời, đương nhiên tôi lại nhớ về cha của mình. Mẹ thì đành bỏ đi. Vì như đã nói trước đó, tôi chẳng có ấn tượng sâu sắc nào về bà. Có lẽ bà không quan tâm đến tình trạng của quê mình, tôi đoán lòng bà chỉ có gia đình và chồng, mà chồng đã gồng mình để chống chọi với bên ngoài thì việc của bà chỉ là để con của mình sống sót. Nhưng tôi có thể chắc chắn là nếu tôi mè nheo vì thuốc hành mình thì bà sẽ vuốt lưng tôi rồi nói những câu vô bổ như “Không sao đâu con”. Bà luôn nhạt nhẽo và không có chính kiến, cách sống đó làm tôi phát điên. 

Quay lại với cha của tôi, tôi quên mất nghiệp vụ của ông là gì rồi, thay vào đó, nghĩ ông đi khắp nơi để làm những việc vô pháp vô thiên. Tôi chẳng hiểu sao mình lại thế này, có lẽ do nó có từ nhỏ và bị chủ bỏ xó thay vì suy xét lại. Và tôi cũng nghĩ, dù tôi có thành thế nào thì cũng không phải như ông. Từ năm mười tám tuổi tôi đã cá với ông Trời mình sẽ chẳng bao giờ tự do như cha. Tôi không cần những lợi ích điều đó mang lại. Tôi được sinh ra trong một gia đình đủ đầy, tôi có cha dạy chữ, có mẹ chăm sóc, có bà nội dạy cách tránh xa con người. Thế thì tôi tìm đến tự do làm gì trong khi nó sẽ khiến tôi mất đi mọi thứ? 

Còn nữa, ở mãi trong Ngải Trắng không tệ. Chỉ cần chăm chỉ gấp đôi người thường thì nó sẽ mang lại cho tôi danh tiếng và ổn định. Mà thế thì không thể vô dụng, đủ sức cho con cái điều kiện tốt, xã hội này biết tôi là ai trong khi bản thân vẫn an toàn và nơi này như là thế giới khác so với Ngàn Lạc. Để không trở thành gánh nặng của các con, tôi phải quên cái vùng đất nhạt nhẽo đó. Vì tôi không thể chiếm lấy, càng không thể điều hành và không có quyền can thiệp vào nền giáo dục trong nó.

Một điều nữa, tôi chẳng biết phải làm sao để sống một cuộc đời cởi mở, cũng cảm thấy không cần bỏ sức tìm. Như đã nói, tôi không thể trở thành gánh nặng hay vô tâm với bốn đứa con của mình, đó là giới hạn cuối cùng trong tôi. Vậy nên tôi chấp nhận cho bọn nó lấy quyền công dân của tôi, cũng có thể vì bọn nó không cho cha của mình chết. Sớm thôi, ngày tôi quên hết tất cả đến. Mọi thứ sẽ được cải tiến. Làm lại mọi thứ từ đầu, các sai lầm được sửa chữa, nỗi kinh tởm được lấy đi. Rồi tôi lại hạnh phúc, lại được nghe lời người lớn theo cách vô tri hơn và không còn khóc rống lên vào mỗi buổi sáng như những đứa nhóc được ông Trời giáng xuống trong truyền thuyết. Và đặc biệt hơn cả là cuộc hôn nhân chính trị như cục khối u của tôi đã hết hạn từ ba tháng trước rồi nên tôi sẽ đi tìm một người mới, một người thật sự yêu tôi và tôi không kinh tởm anh ta.     

Mọi thứ sẽ tiến triển theo hướng đó. Tôi muốn ra lệnh cho ông Trời như vậy. Nếu không thì làm lại một lần nữa. Tôi tin tưởng vào hai đứa con lớn của mình, đó là cách để một thằng vô dụng như tôi biết mình đang sống.  


hết phần tiền đề












0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout