10. Thiết triều (3).



- Bệ hạ, thần có tấu. - Lần này người bước ra khỏi hàng là một quan võ.

Vị quan võ này thân phận cũng chẳng phải dạng vừa, chính là nữ võ tướng chính nhất phẩm duy nhất từ trước đến này - Tiền quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự Phạm Xuân Tú. Bà là bạn tốt của Thái hậu, có quyền hạn ở nhiều nơi: biên giới biển Cam Hàn, quân doanh Thuận Thái, rồi nhánh Tiền quân. Bà lại kết giao rộng rãi, vậy nên nếu muốn so sánh với các vị võ tướng thời họ Bùi, thì chỉ có mười chữ thôi: Nói đến binh quyền, không ai hơn Phạm Xuân Tú.

Đây là vị tướng có quyền điều động tam quân hàng thật giá thật đó! Tam quân này không phải là từ một đạo quân lớn chia ra làm ba đạo nhỏ, mà là ba đạo quân lớn với vai trò khác nhau!

Nguyên nhân thứ nhất là do bà có thực lực. Phận đào liễu lại có thể phóng giáo cầm thương vung kích chẳng kém đấng mày râu. Thứ hai là do Thái Tổ tin tưởng lòng trung thành của bà.

Thải Tổ từng lệnh: “Không được thu hồi binh quyền của Phạm Xuân Tú.”

Đại thần nhao nhao bảo không được, sợ Phạm Xuân Tú có lòng mưu phản. Nhưng Thái Tổ là người không bình thường cho lắm, nói một không nói hai, lại chuyên quyền, vậy nên sau khi khuyên can vài câu tượng trưng, quan lại không nhắc gì đến chuyện đó nữa.

Sử viết: 

Công thần Vọng Các, chưởng Tiền quân Bình Nam tướng quân, Thuận Thái quận công có công huân phò tá Thái Tổ bình định thiên hạ, được giao binh Tiền quân, quân doanh Thuận Thái, thủy quân cảng Cam Hàn.

Quần thần phản đối, nói Thuận Thái quận công quyền lực quá lớn, nhỡ có mưu phản thì nguy.

Thái Tổ bèn hỏi quận công: “Ngươi phản trẫm à?”

Thuận Thái quận công khẳng khái đáp: “Thần không phản bệ hạ, nếu phản, trời tru đất diệt.”

—Trích [Đại Nam An sử ký]

- Chưởng Tiền quân có gì muốn tấu? - Trạch Thiên đế hỏi.

- Thần cũng xin tăng thêm lương thực cho tiền tuyến phương Bắc, sẵn tiện xin cho phép Tiền quân rời đô, hành quân xuống phía Nam. - Phạm Xuân Tú trả lời, giọng bà lơ lơ tùy ý, nụ cười luôn treo trên môi, người mặc nam trang nhưng phong thái vẫn có đôi nét nhẹ nhàng yểu điệu, tự nhiên cứ như đang trò chuyện với bạn bè. 

- Phương Nam không có chiến sự. - Hoàng Đế nhíu mày. 

- Giờ thì có rồi đấy. - Phạm Xuân Tú nói. - Hiện tại phương Bắc có nhiều thế lực, gần nhất là Xuyên, tiếp là Lô, Đại, Thích. Nước Đại thua nước Lô, bèn chạy xuống phía Nam, nhưng vì để không giáp mặt Xuyên nên đã chạy sang Thúc Nhạc, rồi đánh một đường dọc theo biên giới nước ta xuống Khanh Hồng, xong lại vòng sang Thuận Thái.

- Chỉ vậy? - Ông nhìn người phụ nữ đã ngoài lục tuần trước mặt, mày càng nhíu chặt.

- Chỉ vậy? - Phạm Xuân Tú cười. - Tâu bệ hạ, ngoại trừ Thuận Thái, chúng còn sang Thuận Linh, Thuận Đồng. Những nơi này địa hình hiểm nghèo, nhưng với người Đại thì cứ như ở nhà vậy. Vả lại quân doanh Thuận Thái không thể tùy tiện rời tỉnh khi không có sự cho phép, cảng Cam Hàn thì quân ở đấy trường kỳ tác chiến trên thuyền, thiện thủy không thiện bộ. Túm lại là thần đang thiếu binh sĩ đi đánh trận.

- Nhưng Tiền quân phải ở lại Kinh Đô. - Hoàng Đế nói. - Quân ở các tỉnh Thuận Linh Thuận Đồng đó chết hết rồi à?

Thái Tổ lúc mưu phản có năm đạo quân chính, gọi là Ngũ quân, theo ông chinh chiến, ba phần trong số đó là quân của ba nhà Nguyễn, Trần, Dương, ba phần là thổ phỉ trên núi, ba phần còn lại là tướng sĩ chạy tội mưu phản từ thời nào đó xa lắc xa lơ của nhà họ Trịnh, chỉ còn một phần là triều Trịnh quy hàng. 

Khi đạp họ Trịnh xuống khỏi ngai vàng, năm đạo quân này được chia dần ra, phân bố ở các tỉnh, từ đó tách rời khỏi Ngũ quân. Tuy nhiên, hệ thống Ngũ quân không vì thế mà bị bãi miễn, vẫn được chia ra làm Trung quân, Tả quân, Hữu quân, Tiền quân, Hậu quân, phụ trách bảo vệ năm phương Kinh Đô, chỉ trừ những lúc nguy cấp mới được điều đi nơi khác.

Hiện tại thì Tả quân Nguyễn Ý đang ở Tam Mộc chống Xuyên phía Bắc, Hữu quân Lê An thì ở Ba Bổn Ba Thạnh, sẵn tiện chạy đi chạy lại ở sườn Tây, Trung quân thì rong ruổi ngoài biển.

Thái Tổ lúc ấy thấy lãnh thổ nước mình có đường bờ biển dài thế kia, lại nhìn Trung quân vất vả hứng gió biển chẳng biết bao nhiêu năm rồi, thế là giao cửa biển Cam Hàn ở Đông Nam Bộ cho Phạm Xuân Tú lúc ấy đang la cà ở Thuận Thái luôn, coi như bạn bè san sẻ việc cho nhau.

Nói chung, hiện tại chỉ còn Tiền quân và Hậu quân ở lại trấn hai trặm dặm ngoài cửa Kinh Đô. Thái Tổ thấy không là gì, nhưng với Trạch Thiên đế - một vị vua nói dễ nghe thì là cẩn trọng, nói khó nghe chính là lúc nào cũng cảm thấy bản thân không an toàn, thì việc này khiến ông chẳng thể ngủ ngon.

Phạm Xuân Tú nghe Hoàng Đế hỏi thế thì trả lời.

- Chết rồi đấy ạ. Không phải mấy năm trước có dịch bệnh sao? Tướng sĩ chết hết. Thần xin dời hai phần ba quân Thuận Thái đến trấn thủ hai nơi này, bệ hạ cho phép, nhưng giờ không đủ. Giặc Đại nhiều quá. Còn quân lương nữa, thần phát hiện có một xe vận chuyển đến Thuận Thái là lương mốc. 

- Quân biên phòng phía Tây thì sao? Lê An đâu? Trẫm điều hắn ta đến đó để làm gì? 

- Đại có đánh phía Tây đâu ạ? Chúng vòng xuống đánh phương Nam mà.

Phạm Xuân Tú lần này về đô chủ yếu là đi hỏi tội. Bà đánh mắt về phía Hộ bộ Thượng thư, lại nhìn Hoàng Đế.

- Đi trưng thu lương thực đi. - Trạch Thiên đế quyết định.

- Bệ hạ, không thể! - Quần thần phản đối.

Phạm Xuân Tú nhìn đám nhân tài mới nổi trước mặt, lại nhìn Kim thượng ngự ngai vàng trên cao, thở dài.

Nghe đám quan văn xì xà xì xầm gân giọng cãi nhau lúc nào cũng chán, thế là bà nhân lúc không ai để ý, sáp lại gần Phan Trú, thì thầm.

- Lúc nãy sao ông ra chính sách ngu thế? 

Phan Trú dù sao cũng là công thần đời đầu, mưu trí tất chẳng có chỗ chê. Chính sách cải tổ Quốc Tử Giám và học sinh gì gì đó vừa nãy, tuy làm Phạm Xuân Tú hoa đầu chóng mặt, nhưng bà cũng có thể lờ mờ nắm đúng trọng tâm.

Ý tưởng đó non nớt đến nhường nào, làm sao một tên bụng đen hơn than, lòng thối hơn phân bò của Phan Trú có thể hiến lên Đức Kim thượng loại kế sách trăm ngàn chỗ hở như vậy chứ?

Phan Trú chỉnh lại tay áo, đánh mắt về phía Đỗ Vi. 

Cần Chánh điện Đại học sĩ Đỗ Vi thà gãy không cong, hết lòng vì triều chính, tính tình cẩn thận, lo bề trước sau. Cả triều đình này, người quan lại tin tưởng nhất chắc chắn là Đỗ Vi. Vậy nên khi nghe cái chính sách nói thẳng là ngu hết chỗ nói của Phan Trú, Đỗ Vi chắc chắn sẽ điên lên phản bác ngay. 

Hiện tại Đỗ đảng thắng thế, hẳn Kim thượng muốn Đỗ Vi càng thắng thế hơn nữa, sau này…

Khỏi cần nói cũng biết, là phủng sát. Cho nhiều mật, ai ngờ lại có độc. Triều đình nay nhiều nhân tài trẻ, là “tài” nhưng dù sao cũng còn trẻ, hành xử chẳng tránh khỏi chút hồ đồ.

Đôi khi chỉ một sai lầm nhỏ, cũng tạo nên ảnh hưởng lớn. Sai một li là đi một dặm.

Nếu hỏi rằng Đỗ Vi có nghĩ đến điều này hay không, Phan Trú sẽ nói: “Có lẽ có.”

Nhưng có nghĩ đến thật thì sao chứ? Kim thượng là cháu của Phan Trú, đặt gần như hết cả lòng tin vào người bác này. Phan Trú làm đối thủ của ông bao nhiêu năm, tất nhiên là hiểu rất rõ Đỗ Vi - Đỗ Vi chắc chắn rằng: Phan Trú dám hiến kế, Kim thượng dám thực hiện.

Hoàng Đế bệ hạ hiện nay kế thừa được cái tính nết thích chơi liều của Thái Tổ, là một việc tốt, cũng không tốt cho lắm.

Pham Xuân Tú thấy vậy, mày liễu giật giật vài cái, sau đó âm thầm đứng xa Phan Trú ra một chút. 

Thôi thôi, không nghĩ nữa, không nghĩ nữa. Có nhiều chuyện mình không nên biết, biết rồi sẽ mất đầu như chơi.

- Bà nên lo chuyện của mình đi. - Phan Trú lạnh lùng nói.

- Tôi có gì mà lo? - Phạm Xuân Tú cười. - Không phải vừa rồi ông nói nước ta giàu có hả? Thể nào cũng có quân lương đến thôi. Không thì triều đình bỏ tiền ra, trưng thu, gì cũng được. Nước ta sao lại thiếu lương thực được, nhỉ?

Biết Phạm Xuân Tú đang nói kháy mình, Phan Trú cũng chẳng ừ hử gì, nhắm mắt dưỡng thần.

Còn lý do vì sao mà Trạch Thiên đế bào trưng thu lương thực nhưng lại bị quần thần phản đối, tất cả là do Thái Tổ.

Thái Tổ - quân vương điên khùng nhất từ trước đến nay, đã đặt ra luật bất kể mi là quan lại, địa chủ, hay nông dân, đều phải nộp ít nhất như đó cân lương thực. Tuy quan lại là chủ thuê ruộng đất, nhưng chỉ được hưởng một nửa sản lượng, nửa còn lại là của nông dân. Số lương thực được nộp lên đó tất nhiên là sẽ vận chuyển thẳng ra tiền tuyến. Những nơi yên bình thì binh sĩ phải đi làm ruộng, cày cấy.

Lỡ như tiền tuyến thiếu lương thực thì phải bỏ tiền ra mua. Ai bỏ? Tất nhiên là Kim thượng. Thời Thái Tổ, quốc khố không dư dả mấy bởi vì mới lập quốc, nhưng có rất nhiều người tình nguyện hiến lương để vận chuyển ra tiền tuyến. Nhất là thế gia, Thái Tổ giúp bọn họ giữ vững địa vị của mình, lại chỉ nhờ chút việc nhỏ ấy thôi, sao bọn họ lại không làm chứ?

Với nông dân, ai làm Hoàng Đế không quan trọng, bọn họ sống tốt mới là điều trước nhất. Thái Tổ cho bọn họ hưởng một nửa sản lượng mà họ làm ra, không phải nộp hết lên địa chủ như thời xưa, giờ Thái Tổ nhờ bọn họ gửi lương ra tiền tuyến, tất nhiên phải thực hiện!

Túm lại, luật Thái Tổ đặt ra không áp dụng cho chính ngài, mà áp dụng cho con cháu.

Quan lại thời Thái Tổ là dê, hiền như đất, nhưng đến thời Trạch Thiên đế chính là hổ. Vậy nên khi ông vừa mất, họ bắt đầu dâng tấu với Tân hoàng, muốn nâng sản lượng lương thực thu vào mỗi năm. 

Bọn tôi nghe lời Thái Tổ, nhưng làm khó làm dễ Tân hoàng, sao nào?

Nói chung thái độ rất hống hách.

- Đường thông thương sang Thúc Nhạc và Khanh Hồng coi như xong. - Phạm Xuân Tú thở dài. - Chặn kiểu này vận hàng sang đấy bằng niềm tin bất diệt ấy.

- Ờ. - Phan Trú đáp. - Lô sẽ không để cho Đại bành trướng thế lực đâu. Quân phương Nam cầm cự thêm một chút, chờ khi Lô đánh xuống thì chúng ta ngư ông đắc lợi.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout