Kinh Đô lúc nào cũng rộn rã. Người qua người lại, tiếng hò nơi nơi. Bên trong Kinh Đô chính là Hoàng thành, nơi ở của quan lại, quý tộc và gia đình Đức Kim thượng.
Bên ngoài cửa điện Cần Chánh, hai hàng quan văn võ đã tề tựu. Ông Cần Chánh điện Đại học sĩ Đỗ Vi mặc mãng bào màu cổ đồng dành riêng cho quan viên chính nhất phẩm, tay cầm hốt bằng ngà đứng ở đầu hàng, lưng thẳng tắp, mắt sắc như dao, khí chất nghiêm nghị, nói chung nhìn vào thì rất không dễ chọc.
Đương lúc chờ thái giám thông báo thiết triều, Đỗ Vi nghe thấy tiếng gọi của một người. Ông nghiêng mình sang một bên, liếc ra đằng sau, ồ, chẳng phải là ông Đông Các Đại học sĩ Phan Trú đây sao?
Phan Trú bước lên một bước, giọng điệu nhẹ nhàng, hỏi:
- Đỗ đại nhân dạo này khỏe không?
Đỗ Vi nhìn ông già thấp hơn bản thân nửa cái đầu đang cười tươi như hoa trước mặt, đôi mày mảnh hơi nhướn lên, nói một cách lễ độ.
- Tôi vẫn khỏe, còn ông thì sao? Bệnh đã đỡ hơn chưa? Bữa kia tôi có nói chuyện phiếm với Lễ bộ thượng thư, nghe bảo cơn đau lưng của ông lại tái phát.
Lễ bộ thượng thư Phan Văn Hạnh là con trai của Phan Trú. Nhắc đến con mình, mặt của ông Đông Các Đại học sĩ lại càng tươi hơn. Ông ta vuốt vuốt râu, gật gù, miệng thì lại nói.
- Tôi đã đỡ hơn nhiều, cảm ơn ông. Cái thằng này, chuyện như vậy mà cũng đi nói, khiến ông chê cười rồi.
- Đâu có đâu có, Lễ bộ thương thự trọng đạo hiếu, lo cho cha mình là điều đáng khen, sao tôi lại chê cười chứ?
- Ha ha ha ha.
- Ha ha ha ha.
Cả hai cười được một lát, làm như thể thân thiết lắm, thực tế thì giả ý chẳng đặng che. Phan Trú chỉnh lại ống tay mãng bào bằng cổ đồng thêu hoa văn kỳ lân một cách nhẹ nhàng, hoàn toàn trái ngược với phong cách nghiêm túc, khắc cẩn của Đỗ Vi, nói.
- Vậy còn bệnh của lệnh lang thế nào rồi? Chẳng hay có mời được danh y chưa? Đỗ đại nhân có cần tôi giúp đỡ gì chăng?
“Bệnh” trong lời của Phan Trú đấy ư? Đỗ Vi nghĩ bằng đầu ngón chân cũng hiểu thằng già này đang chế giễu trò cười của cháu ông trên Kim Điện đây mà.
Mấy ngày trước, Đức Tiền quân Phạm Xuân Tú về Kinh Đô, Trạch Thiên đế mở tiệc linh đình đón tiếp trọng thần. Đông Các Đại học sĩ Phan Trú cũng thuận thế dẫn đứa con gái mới nhận nuôi của mình theo ra mắt các ông các bà. Đương nhiên Đỗ Vi cũng phải có mặt trong bữa tiệc ấy.
Nhà họ Phan đột nhiên có một đứa con gái, nói là con mồ côi nhà họ hàng, thấy thương nên mới nhận nuôi. Đứa con gái đó trở mình leo lên ngô đồng làm phượng hoàng, phải nói là ra cửa đạp cứt chó, thoáng chốc vận may bay đầy trời. Được rồi, như thế cũng thôi đi, nhưng chuyện đột nhiên Kim thượng muốn chỉ hôn ả ta cho thằng cháu trời đánh nhà ông là chuyện thế nào nữa? Chắc chắn là tên Phan Trú mưu mô này giở trò.
Nghĩ đến chuyện lúc đó, đột nhiên Kim thượng nói muốn ban hôn đứa con gái kia cho thằng cháu trai cả nhà ông, ông thú thật rằng mình vừa giận muốn điên lên vừa lo đến sốt cả ruột.
Hai họ Đỗ, Phan tranh đấu nhau bao năm. Cho dù ở cái thời mà Thái Tổ còn tại vị, thì việc lúc lên triều hai người mồm năm miệng mười, cãi nhau đến ngói son của điện Cần Chánh cũng phải lung lay là chuyện thường ngày, ai ai cũng biết. Hiện tại Kim thượng bảo muốn hai nhà này kết thân, chẳng phải là kết một mối ác duyên sao?
Họ Phan ủng hộ Hoàng Đế, là chó của Hoàng Đế. Để Đỗ Tùng Lài cưới con gái họ Phan, chẳng khác gì rước chó đã có chủ vào nhà mình.
May thay, nhưng cũng chẳng phải may, thằng cháu cả nhà ông lòng sáng như gương, lập tức lấy cớ từ chối. Nó thật sự có tài lắm, nói một câu thuận tiện chặt đứt hương khói của nhà họ Đỗ luôn.
- Chuyện trong nhà sao có cái lý để người ngoài lo lắng chứ? Vậy chẳng phải là đang chê tôi già rồi không có năng lực sao? - Đỗ Vi nở nụ cười, khiến cho cái vẻ nghiêm nghị của ông giảm bớt đi ba phần, thêm vào đó là chút thân thiện thoáng qua. Nhưng ánh mắt ông lại bén nhọn, kết hợp với đôi mày gia truyền vốn thanh mảnh và sắc như lưỡi dao kia, khiến cho Phan Trú cảm thấy Đỗ Vi muốn đâm mình ra bã vậy.
Ông Đông Các Đại học sĩ vẫn giữ nguyên nụ cười, bề ngoài ông hiền từ, làm người ta rất có thiện cảm.
- Là tôi đường đột rồi, Đỗ đại nhân cũng đừng giận. Dù sao tôi với ông cũng là kẻ đồng liêu với nhau, tôi lo lắng cho nhà ông chẳng phải là chuyện rất bình thường ư? Nhưng nếu ông không muốn thì thôi vậy.
Phan Trú nói xong thì về chỗ đứng của mình, ông ta vẫn giữ cái điệu bộ thong dong trời sinh đó, lưng cũng thằng như cột đình, mắt nhìn về phía trước, thái độ không kiêu căng không siểm nịnh. Đỗ Vi thì nở nụ cười càng tươi hơn, khiến người khác chẳng thể nào đọc được cảm xúc của ông. Bàn tay ông âm thầm cầm hốt ngà chặt hơn, lòng vùi dập Phan Trú trăm lần.
Nghĩ đến chuyện mấy ngày trước, lại nhìn cái vẻ phơi phới kia của Phan Trú khiến ông tức lắm. Sau lại, ông tức lây sang Đỗ Tùng Lài. Hà cớ gì phải lấy cái lý do đó ra để kháng chỉ chứ? Có hàng trăm lý do khác—
Hình như cũng chẳng có lý do nào khác hay hơn thế.
Ông Cần Chánh điện Đại học sĩ âm thầm thở dài, than cho cái số khổ của mình. Giờ thì nhà ông ăn chắc cái danh không con không cháu, sợ rằng sau này ông “cưỡi mây về trời” cũng chẳng có cơ hội được con cháu cúng bái.
Trách thì vẫn trách, nhưng ông cũng cảm thương cho cháu mình. Đỗ Tùng Lài lúc nhỏ thông tuệ hơn người, dạy cái là nhớ ngay, lớn lên lại thành cái cái loại cậu ấm quần áo là lượt, nghĩ mà tiếc thay. Nó có cái đầu thông minh là thật, nhưng sợ cũng đã bị mai một dần dần với cái thói không có chí tiến thủ kia rồi.
Nhớ lúc nó mới mười tuổi, dõng dạc bàn chuyện thiên hạ với ông, ông mừng suýt khóc, nói Đỗ tộc ta lại có thêm hiền tài, ắt vinh danh bách thế. Hôm sau hí hửng gọi nó dậy sớm đặng ông còn dạy học, thế mà nó lại nằm ườn ra đó, nói một cậu khiến ông suýt tức chết.
- Con nghĩ lại rồi. Con chả có sức lo cho thiên hạ đâu. Thân con mà con còn lo chưa xong nữa. Mình chưa giúp được chính bản thân, nói gì giúp nhân dân no ấm?
Nghe kìa, nó nói câu đó sáng dạ biết bao, nhưng lại chẳng có “chí”.
Lúc đó, Đỗ Vi hùng hùng hổ hổ rút cây thước giắt bên đai ra, vung lên, sau đó hạ xuống. Ông nhìn khuôn mặt trắng trẻo phúng phính như bánh giầy với hai đôi mắt to tròn sáng long lanh kia, lại chẳng nỡ.
Nếu như Thái Tổ còn sống, thì Đỗ Vi sẽ càm ràm nói kháy thằng cháu chẳng nên thân nhà mình dài dài, nhưng sau khi Thái tử lên ngôi, giờ đã là Đức Kim thượng, ông lại nghĩ để nó như thế cũng chẳng tệ.
Nhà họ Đỗ có đứa cháu trai duy nhất là “bùn nhão không trát nổi tường” tốt hơn rất nhiều so với đứa cháu trai “tài nghệ vô song”.
Thật ra người người ở Kinh Đô nói “Đỗ tộc Tuyên Bình như mặt trời ban trưa”, nếu ở thời Thái Tổ, thì đúng là sự thật. Nhưng nếu ở thời Trạch Thiên đế, thì cũng chẳng khác dệt hoa trên gấm là bao.
Chỉ là ông vẫn không đành lòng nhìn Đỗ Tùng Lài vốn chẳng có cái gọi là “thanh danh” gì, giờ lại thêm chuyện “không lên được”. Lần này thì nó thật sự đã trở thành trò cười của cả Kinh Đô rồi.
Ôi, số tôi định sẵn đã khổ mà.
Lúc ông Cần Chánh điện Đại học sĩ đang nghĩ ngợi trăm mối, thở than trăm bề thì cửa điện Cần Chánh hé ra chút ít. Hai tên thái giám mặt không râu lật đật mở rộng cửa cho bách quan rồi đứng sang hai bên. Kế đó, trăm quan đi vào, ai nấy đều đứng ở chỗ của mình, ngay hàng thẳng lối.
Đỗ Vi thân là quan chính nhất phẩm, tất nhiên là đứng ở đầu hàng. Chỗ của ông gần thềm vàng, cũng gần Đức vua. Ông quỳ lạy Kim thượng khi nghe tiếng thái giám thông báo bằng chất giọng cao, rõ và vang. Đợi khi Kim thượng đã an tạo trên ngai rồng mới đứng dậy, rồi lại nghiêng mình, hai tay đan vào nhau sau ống tay áo tấc rộng, vái.
- Kính chào Bệ hạ vạn tuế!
Trạch Thiên đế là một người đàn ông đang độ trung niên trai tráng, thân khoác áo rồng được may thêu lộng lẫy, từng mũi kim đường chỉ trên đó đều vô cùng tinh tế, khiến con rồng đang giương nanh múa vuốt trước ngực ông ta càng thêm sống động.
Ông nhìn những hiền tài của đất nước, những hiền tài mà ông được “thừa kế” từ người cha quá cố, nói bằng giọng chín chắn, có phong thái uy nghi của bậc đế vương.
- Chúng khanh bình thân.
Trăm quan tạ ơn, đồng loạt đứng dậy. Ai nấy như những cây tre, dù đã hơn cỡ sáu chục mùa bánh chưng nhưng vẫn hếch cằm cao ngạo, chính trực ngay thằng, thà làm ngọc vỡ còn hơn ngói lành.
Bao năm qua, cuối cùng thì ông cũng thông suốt vì sao Trịnh Phế Đế muốn diệt hết vọng tộc rồi. Ông nhìn còn muốn chém bay đầu cả lũ chứ đừng nói gì non nửa triều đại được thống lĩnh bởi những con người này: tự đại, thanh cao, thà gãy không cong, cứng đầu cứng cổ, cứ mỗi lần ông ra ý chỉ, thì y như rằng sẽ có một đám “tre chẳng thể uốn” lắc qua lắc lại trước mặt.
Nhìn sang người bác ruột nhà mình, thấy khuôn mặt phơi phới của Phan Trú, Trạch Thiên đế mới cảm thấy sự bực bội của mình giảm đi chút ít, lại nhìn những nhân tài mà bao năm qua ông tổ chức khoa cử để tuyển chọn, ôi, tâm trạng lại tốt hơn chút ít.
Những những gương mặt mới kia đi, dù già hay trẻ, thì trong mắt, trong lòng cũng chỉ có ông, chỉ mong góp sức vì ông.
- Có tấu trình thì hãy nói rõ. - Trạch Thiên đế phất tay.
- Khởi bẩm bệ hạ. - Kim thượng vừa dứt lời, Đông Các Đại học sĩ Phan Trú liền bước ra khỏi hàng. - Hạ thần xin phép báo cáo tiến độ về việc cải tổ các vấn đề về thi cử, giáo dục.
- Khanh cứ nói.
- Bẩm, nhờ ơn Đức Ngài mà thần mới có cơ hội tham gia việc cải tổ các vấn đề về thi cử, giáo dục. Nam An ta có Quốc Tử Giám, vốn là nơi hun đúc nhân tài cho đất nước ta. Năm xưa, các bậc trí giả mở nơi đấy, chiêu mộ hiền tài khắp nơi, từ miền núi cao rừng sâu đến chốn phố phường sầm uất. Quốc Tử Giám vốn không chỉ tiến hành sát hạch tiếp nhận con em quan lại, huân quý, mà còn mở rộng cửa ngõ với các học sinh nghèo. Khoa cử hiện nay mở ba kỳ, lần lượt là Hương, Hội, và Đình. Ai đỗ kỳ thi Hương có thể lên Kinh Đô thi Hội, ai đỗ kỳ thi Hội thì có thể đi thi Đình, sau đó theo sắc lệnh của Đức Kim thượng mà đảm nhiệm chức quan. Nhưng theo lời của các tri phủ, tri huyện, tri châu, thì vẫn có nhiều thanh khâm gia cảnh khốn khó, đường sá đến Kinh Đô lại xa xôi, nhiều người ở tận các vùng sâu, xa, không có đủ tiền để đi nửa tháng ngày đường. Vậy nên tuy người mang công danh, nhưng lại nửa vời, chẳng thể thật sự tiến chốn quan trường. Quan trường ta hà khắc hơn nhiều so với quân đội. Trong quân, mọi việc đều toàn quyền các vị tướng quân chỉ huy, chiến sĩ cái máu giặc đổi chức tước. Nhưng với hạng thư sinh mang chí dùng ngòi bút làm vũ khí, lấy miệng lưỡi dắt thiên hạ, thì việc sát hạch tất phải nghiêm hơn.
Đoạn, ông dừng lời, nhìn nhà vua trên cao. Vua gật gù, ra hiệu cho Phan Trú tiếp tục nói.
- Thần xin tấu trình về việc mở khoản chi trợ cấp cho các học sinh. Những người đỗ bốn kỳ cấp cử nhân, khi muốn lên Kinh Đô tham gia thi Hội có thể nhận trợ cấp, tức tiền đi đường. Những người này sẽ đi theo nhóm, tiện thể làm quen và giao lưu cùng nhau. Kẻ cùng chí hướng, kề vai sát cánh, nếu có tài mà đỗ thi Đình, theo sự dạy dỗ của bệ hạ, sau này ắt sẽ trở thành nhóm hiền nhân tiếp theo kế bước các bậc trí giả đi trước, lo gì triều ta không ngày một hưng thịnh?
- Hay! - Trạch Thiên đế nói. Ông nở nụ cười, lòng thầm nhủ rằng: “Đúng là chỉ có người thân mới có thể phân ưu cùng nhau.”
Tiếp đó, Văn Minh điện Đại học sĩ cũng bước ra khỏi hàng ngũ của mình, nâng hốt ngà lên vái lạy. Ông này tên Ngô Cửu Như chẳng xuất thân danh gia. Xưa kia là học sinh nghèo, may nhờ ơn gặp gỡ của Thái Tổ, nên sau này thề sống chết cùng theo.
- Muôn tâu bệ hạ, thần cũng xin tấu.
- Cứ nói. - Trạch Thiên đế sảng khoái đáp.
- Lúc trước bệ hạ giao cho Văn Minh điện và Đông Các cùng nhau san sẻ việc cải tổ giáo dục. Nay, bên cạnh tấu trình của ông Đông Các Đại học sĩ Phan Trú, thần cũng xin nêu đề xuất của bản thân. Mong bệ hạ cho phép thần tiến hành xây dựng Học đường ở các phủ, nhằm để những tú tài đỗ kỳ ba trường đến ôn luyện. Ngoài ra, nơi này cũng có thể mở những Học trạm ở các huyện, châu, để các học sinh đến học. Những ai có có thể vượt qua kỳ thi chuyển cấp ở Học trạm, có thể trực tiếp đến học ở Học đường, sau đó tham gia thi Hương.
Hoàng Đế gật đầu, ra hiệu ông Ngô Cửu Như tiếp tục.
- Hiện nay có nhiều địa phương vẫn còn thiếu quan lại cai quản, nếu chờ đến khi đỗ đạt ở Kinh Đô, rồi chờ bệ hạ ban chức thì theo hạ thần, hẳn sẽ mất công tốn sức. Hơn nữa chục làng địa phương cũng chưa chắc có thể thoái mái đón nhận người ngoài. Chức như tri phủ thì chắc chắn phải đến tay bệ hạ, không thể qua loa. Nhưng về các chức tri huyện, tri châu, thần xin tấu, mong bệ hạ xem xét những ông Đồ, ông Tú ở các huyện, châu khắp nơi. Triều ta có thể mở thêm một kỳ thi riêng cho những ông ngoài tứ tuần, để họ có cơ hội thể hiện tài hoa. Nhiệm kỳ của họ là ba năm. Ông bà ta xưa kia từng có câu “học tài thi phận”, những con người đó thi mãi chẳng đậu, cũng không thể nói là không có tài. Dân ta lại có câu “Ông quan địa phương như phụ mẫu”, vậy nên mới có cụm từ “Quan phụ mẫu”. Những ông Đồ, ông Tú, sống ở quê hương họ hơn non nửa đời người, tình cảm hẳn son sắt với người dân trăm làng. Bởi vậy, cá nhân thần nghĩ, chẳng ai thích hợp với những chức quan địa phương chỗ huyện, châu nọ hơn những người đến từ chính nơi đó. Thần xin bệ hạ cẩn minh xem xét.
Ngô Cửu Như nói xong liền lui về chỗ, cúi đầu cung kính, chờ ân chuẩn từ bề trên.
Bình luận
Chưa có bình luận