4. Nỗi lòng người mẹ.


Đông đến rồi. Những cơn gió lạnh thổi phần phật vào trong phòng, khiến tà áo ngũ thân màu xanh sẫm may bằng gấm, thêu hoa văn sóng nước dập dờn của Nguyễn Thành Thuyên khe khẽ đung đưa. Trước mặt cậu là một cô thiếu nữ chừng mười tám mười chín tuổi, đương độ xuân xanh, cũng mặc áo tứ thân cùng màu, dáng ngồi đoan trang, có phong thái của bậc tiểu thư khuê các. 

Người ngoài nhìn vào thì chắc chắn sẽ nhận ra rằng đây là một cặp chị em, bởi đường nét khuôn mặt họ giống nhau đến sáu bảy phần. Người nhà họ Nguyễn đa phần đều có vẻ ngoài nghiêm nghị, trầm ổn, khuôn mặt khi không cười thì nhìn rất nghiêm túc, khiến người khác chẳng gám đùa cợt mảy may.

Nhưng vẻ ngoài lại chẳng liên quan đến tính cách. Gia đình Nguyễn Thành Thuyên hoàn toàn bác bỏ cái gì gọi là “tâm sinh tướng”. Bề ngoài tuy nhìn an tĩnh, chẳng dễ chọc là thế, nhưng trong tim họ đều chứa những cơn gió.

Những cơn gió đỡ vó ngựa sắt, rẽ ngang đồng cỏ, khí thế như sấm sét.

Chị gái Nguyễn Thành Thuyên tên là Nguyễn Thị Ngọc, đứng thứ hai trong nhà. Chị cưới Phạm Trường Xuân, lãnh binh tỉnh Mộc Tho dưới trướng cha là Đề đốc Tam Mộc. Tên Phạm Trường Xuân này làm người cương trực, lại không cha không mẹ, xuất thân nghèo khổ từ nơi rừng sâu núi thẳm, trải bao khó khăn mới leo lên được vị trí Cai đội dưới trướng anh cả Thành An. 

Anh cả cậu nhận thấy người này có tài, lại làm việc cẩn thận, rất đáng tin cậy, bèn mang theo bên mình, sau đó đề cử với cha. Sau đó, khỏi cần nói của biết, còn đường thăng quan tiến chức của Phạm Trường Xuyên lên như diều gặp gió, chẳng mấy chốc đã lên làm Quản cơ. 

Anh cả và anh ba của cậu đều rất thân với tên này, quan hệ như anh em cùng chân cùng tay. Đề đốc cũng rất thương đứa trẻ mà mình tự tay dẫn dắt. Nhà họ Nguyễn đối với Phạm Trường Xuân, phải nói là ân nặng như núi, nghĩa rộng chẳng quên.

Sau đó, anh ba Phương phát hiện tên này đang hú hí với chị gái mình. Ông Đề đốc giận lắm. Dù cho là người tự tay ông đề bạt, dạy dỗ, thì người này xuất thân cũng chẳng cao, không cha không mẹ, mà bản thân ông là bậc làm cha, đã là cha thì ai chẳng thương con gái, mong muốn con mình có một mối lương duyên tốt đẹp?

Nghĩ đi nghĩ lại, Nguyễn tộc đất Tuyên Định, xứ Tam Mộc vốn là vọng tộc lâu đời, tuy ngày nay toàn võ tướng, nhưng trong quá khứ, thời nhà Trịnh, không phải không có người làm quan văn quyền cao chức trọng trong triều đường, cũng nhờ lý do đó mà họ Nguyễn vốn thịnh võ mới có thể tồn tại đến tận ngày nay, dù có bị nghi kỵ nhiều lần nhưng vẫn chưa rơi vào họa tru di.

Càng suy ngẫm kỹ càng, lại càng thấy, ôi, Phạm Trường Xuân tuy có tài đấy, chưa xét đến bối cảnh, gia thế, một tên Quản cơ như hắn liệu có thể bảo vệ chu toàn, cho Ngọc, cháu gái Đức Tả quân, con gái Đề đốc Tam Mộc một đời ấm no chẳng lo nghĩ không?

Nhưng Phạm Trường Xuân là người tốt, lại đáng tin cậy. Biết nhà họ Nguyễn cũng chẳng phải khinh thường mình, mà là lo sợ con gái gả đi, rồi lai chịu khổ, vậy nên hứa hẹn rằng: “Tôi biết phận mình là kẻ nghèo hèn, được ngài Đề đốc chỉ dẫn mới có được ngày hôm nay. Tôi thương cô hai là sự thật, tuyệt không mang nửa phần giả dối, lợi dụng. Đợi tôi lên chức, hi vọng có thể ở bên cô hai. Tôi cũng không mong có thể cưới cô về, cho tôi ở rể cũng được. Nhưng chắc hẳn Đức Tả quân, ngài Đề đốc cùng phu nhân cũng chẳng muốn con rể mình suốt ngày dựa vào nhà vợ. Vậy nên xin nhà hãy cho tôi thời gian, tôi sẽ lên làm lãnh binh sớm thôi.”

Bà Đề đốc thấy thế, cảm động vô cùng. Nhưng hứa hẹn thì vẫn phải thực hiện. Phạm Trường Xuân không hổ cái danh là người có tài của mình. Ba năm sau, hắn ta bổng lộc mình tích góp được chất thành xe, cùng huy hiện thêu sư tử trên bố tử đến nhà họ Nguyễn, chịu phận ở rể, nhưng chẳng ai dám khinh thường.

- Chị nghe Xuân nói rằng, nước Xuyên được tiếp thêm viện quân, chiến sự sẽ ngày càng khó khăn. Tướng ở Bắc Xuyên lần này tên Trịnh Diễm, là người thông minh dũng mãnh, rất khó chơi. - Nguyễn Thị Ngọc nói, giọng nghiêm nghị, thong thả. Lưng chị thẳng tắp như thân tre, đôi mắt nâu sẫm vốn luôn mang vẻ bình thản nay lại ánh lên chút lo âu.

- Thế à? - Nguyễn Thành Thuyên nói. - Chẳng phải vẫn bị cha đánh cho chạy lấy người ư?

- Tên Trịnh Diễm đó rất khôn ranh, gã chạy xong thì vòng sang phía Tây, nhân lúc anh cả đang đánh với Phó Nhân Nhan, lại đột ngột chui ra đánh úp. Đến Phó Nhân Nhan lúc đó còn phải giật mình chẳng biết thằng đó chui từ đâu ra.

Chân mày cậu giật một cái, trợn mắt hỏi.

- Thế sao em chẳng nghe gì hết?

- Thằng cha đó giết người đưa tin rồi mới đánh! Tên chó đó!- Nguyễn Thị Ngọc tức giận chửi tục. Miệng thì “phun châu nhả ngọc” nhưng tư thái vẫn vô cùng đoan trang.

Phó Nhân Nhan là đang nói đến Định Viễn Đại tướng quân của nước Xuyên, người Nam An gọi là Bắc Xuyên. Phó gia là đối thủ lâu đời của nước ta phía Bắc. Đúng theo kiểu cha truyền con nối. Ông Phó Nhân Nhan chết thì cha hắn đánh, cha chết thì cậu hắn đánh, cậu chết thì chú hắn đánh, chú chết anh đánh, rồi đến hắn đánh. Một vòng tuần hoàn chẳng dứt được.

Nhà họ Phó cũng có thù với Nguyễn tộc. Nguyên một nhà ông cả, tức anh trai của Đức Tả quân Nguyễn Ý là Nguyễn Lẫm chính là bị tên này giết trong lúc thân chinh cùng Bùi Thái Tổ. Vậy nên nòi giống văn thần của nhà họ Nguyễn chấm dứt từ đây. Ông nội Nguyễn Thành Thuyên rất tức giận, thề phải đánh chết Phó Nhân Nhan.

Phó Nhân Nhan cũng là mãnh tướng, chạm ngưỡng lục tuần rồi mà vẫn vung kích như không. Nếu tạm bỏ thù nhà qua một bên, thì Phó Nhân Nhan là một người đáng kính. Ông ta có ba đứa con, cả ba đều đang gây chuyện với quân của Nguyễn tộc. 

Nếu nói vùng Tam Mộc giáp biên giới Bắc Xuyên chính là địa bàn của nhà họ Nguyễn, thì bên kia, chẳng xa mấy, cách một cánh đồng chính là địa bàn của tướng môn Phó thị.

Võ gia tranh phong trên địa bàn của mình, ruồi muỗi chết. Vậy nên chẳng tướng nào ngu mà tự động chạy đến. Triều đình Nam An hiện tại tuy nghi kỵ Nguyễn tộc, nhưng cũng chỉ dám cho một người đến làm Tổng đốc quản lý hành chính, quan lại. Còn về quân đội thì có trong mơ mới chỏ mũi vào được.

Nay Bắc Xuyên nghênh đón Trịnh Diễm, vậy thì chắc sẽ có tranh quyền nội bộ rồi.

Nguyễn Thành Thuyên nghĩ thầm như thế. Tuy cậu chỉ mới mười lăm, nhưng từ nhỏ đã thông tuệ, lại tiếp xúc sớm với tình hình trong quân, hay theo cha anh học hỏi, vậy nên đã có thể sơ lược thế cục một cách đơn giản.

Như ngầm hiểu được cậu đang nghĩ gì, chị hai gật đầu, lại bảo.

- Nhưng vẫn khó khăn lắm. Bắc Xuyên vương chuyên quyền, nói một không ai dám cãi hai. Họ Phó tuy trấn thủ Thành Vinh đã lâu, nhưng lại rất kính trọng vị Bắc Xuyên vương này.

Cậu nghe chị nói thế, lòng cảm nhận được điều gì đó bất thường, bèn hỏi chị ấy định làm cái chi? Nguyễn Thị Ngọc nhìn cậu bằng đôi mắt kiên định.

- Chị muốn đến Thủ An. - Chị nói. - Chị muốn đến Thủ An, trợ giúp Xuân.

Ba phủ Lục Tấn, Phù Tuy, Thủ An như ba bức tường vây phủ Tuyên Định ở bên trong. Trong đó phủ Thủ An nằm ở biên giới tỉnh Mộc Hà, cũng như giáp Thành Vinh, Bắc Xuyên. Nguyễn Thị Ngọc nói muốn đến Thủ An, tức đang nói đến muốn ra chiến trường.

Phụ nữ Nam An ra xung trận cũng chẳng phải chuyện lạ lùng chi. Như nữ tướng quân Phạm Xuân Tú, hay còn gọi là Đức Tiền quân, là người gan góc, có thể chiến đầu ba ngày ba đêm chẳng hề hấn gì, ngựa không ngừng vó vượt núi băng rừng với bà là chuyện nhỏ. Người phụ nữ này chiến công hiển hách, từng theo Bùi Thái Tổ chinh chiến khắp nơi, giành lại từng tấc đất bị người Xuyên nhân lúc cháy nhà hôi của mà xâm chiếm, từng cùng mãnh tướng kẻ thù đánh ngang tài ngang sức. 

Bởi vậy tuy mang phận đàn bà, nhưng hiện nay ít người dám chỉ thẳng mặt Phạm Xuân Tú bảo bà lấy chồng sinh con.

Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, đó là chuyện thường tình ở Nam An.

Nguyễn tộc vốn thịnh võ hơn văn, con gái còn nhỏ cũng phải học võ. Phụ nữ sinh ra dưới mái hiên nhà Nguyễn tộc vung roi, đi quyền chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Hơn nữa có thể cũng đã từng ra chiến trường. Nguyễn Thị Ngọc năm mười bảy tuổi từng cưỡi ngựa đánh bại tặc quân chặn đường vận chuyển lương thực ra tiền tuyến, đương nhiên không phải là gà nhà. Chị có muốn xung trận, cha anh tất không cảm thấy đáng ngại điều chi. Nhưng mà…

- Mẹ thì sao đây? - Nguyễn Thành Thuyên nhẹ giọng nói. - Ngày mai em phải theo anh ba đến Mộc Tho rồi. Nếu chị cũng đi mất, vậy mẹ phải làm sao đây?

Mẹ của bốn anh em là Huỳnh Như Mai, vốn là con gái của một gia đình thư hương ở phủ Lục Châu, tỉnh Mộc Tho, đời nào cũng có người đỗ tú tài, cử nhân. Ông Đề đốc Nguyễn Minh lúc đó chỉ mới là Quản cơ hành quân ngang quan thôn Lam Khê, được người dân ở đó đem hoa quả ra tiếp đãi. Mối lương duyên của ông cùng bà Đề đốc cũng bắt đầu từ đó.

Bà là người ôn nhu cần kiệm, yêu thương chồng con. Ông Đề đốc Nguyễn Minh cũng thương bà vô cùng, ngoài bà ra thì không lấy thêm ai khác. Nhưng ôi, thân mang chức cao, thống lĩnh quân đôi, trách nhiệm của ông Đề đốc vô cùng nặng nề. Vậy nên trừ những lúc được nghỉ phép, ông cũng chỉ có thể lén về nhà đôi ba lần để được nhìn mặt vợ mình. Bà Huynh Như Mai cũng là một người trung trinh, chồng chẳng mấy khi có mặt ở nhà, nhưng chẳng có tin đồn bà lang chạ với ai, một thân một mình nuôi con lớn khôn, rồi lại tiễn từng đứa một ra chiến trường.

Bà chỉ có một đứa con gái là Nguyễn Thị Ngọc, khi biết con mình có thể ở bên mình, lấy chồng ở rể, bà vui lắm, bởi rốt cuộc cũng có người bầu bạn, san sẻ sớm tối.

Bây giờ chị lại nói rằng muốn đến Thủ An, thế chẳng phải là lại để bà chịu cảnh cô đơn như những ngày mới cưới, tiêu tốn cả tuổi xuân thì của mình để ngóng trông chồng mình trở về bình an sao?

Như vậy tàn nhẫn với bà biết mấy.

Nguyễn Thị Ngọc cụp đôi mi dài cong của mình xuống. Sự kiên định tưởng chừng như chẳng thể lay chuyển của chị bị quét bay đi trong phút chốc. Chị chẳng ngần ngại đối mặt với quân thù, nhưng lại không thể ngăn bản thân yếu lòng trước người mẹ đã chịu bao nhiêu khổ đau của mình.

Dù bà sống nơi nhà cao cửa rộng hơn nửa đời người, nhưng trái tim lúc nào cũng đầy ắp nỗi lo âu kia đã hút cạn sức lực, vắt kiệt tinh thần bà.

- Do dự cái gì đó? Con nhóc này, còn không mau đi đi? - Một giọng nói nhẹ nhàng nhưng lại dứt khoát vang lên sau lưng hai chị em. Hóa ra bà Đề đốc Huỳnh Như Mai đã đứng trước thềm cửa từ lúc nào. Bà mặc áo ngũ thân cũng bằng gấm màu lam đậm, trên thêu hoa mai, đầu kết tóc cài trâm, mày liễu mắt hạnh, khuôn mặt toắt lên vẻ quý phái, tư thái ôn nhu tự nhiên. 

Trong lúc Nguyễn Thành Thuyên và Nguyễn Thị Ngọc đang sững sờ thì bà đã bước vào, hai tay chắp trước bụng, nở nụ cười dịu dàng hiền từ.

- Con gái à, con muốn gì thì cứ làm đó, muốn đi thì đi đi, đừng e ngại, lo lắng gì cả.

- Mẹ… - Nguyễn Thị Ngọc định nói gì đó, nhưng bà Đề đốc đã đưa tay ra hiệu im lặng. 

Bà ngồi cạnh chị, cầm lấy bàn tay chẳng giống của một cô chiêu nhà quyền quý của Thị Ngọc, vuốt ve những vết chai do luyện kiếm, bắn cung, vung sóc trong lòng bàn tay chị. Một lúc sau, bà mới cất lời, giọng đã rưng rưng.

- Năm xưa, mẹ đã hận sao mình không có bản lĩnh cưỡi ngựa bắn cung, để có thể giờ giờ khắc khắc ở bên cha con, chăm sóc ông ấy, san sẻ nỗi lo cùng ông ấy. Mẹ trách mình chỉ là phận liễu yếu đào tơ, phận “con nhà thư hương” chẳng biết cái gì gọi là đánh nhau, để phải ngày ngày ngóng trông chồng mình trở về, ngày ngày cầu nguyện chồng mình bình an.

Bà Đề đốc nhìn chị.

- Con à, dù mình có cầu nguyện bao nhiêu, sao có thể thấu được những vết thương mà đàn ông trong nhà phải chịu đựng vì giang sơn xã tắc nãy chứ? Con nhìn phủ Tuyên Định này đi, lầu son gác tía, cứ như ta đang ở thời thái bình thịnh thế. Nhưng nếu đi xa hơn chút nữa, sẽ thấy bao người dân chẳng có cái ăn, cái mặc, bao người dân chẳng thể vượt qua mùa đông năm nay. Nhân dân dưới tầng đáy xã hội này tội lắm con ạ. Họ kham khổ, vật vã với cái nghèo. Mẹ sống nơi nhà cao cửa rộng này, tốt hơn rất nhiều so với những gia đình nông dân kia, lại chẳng có năng lực để bảo vệ họ. Mẹ sức hèn tài mọn, chỉ có thể trong chờ vào chồng con, lo lắng cho chồng con một chút thì có làm sao đâu.

Nguyễn Thành Thuyên cùng chị mình nhìn người phụ nữ kiên cường trước mặt, hốc mắt dâng lên một tầng sương nóng ấm.

- Con có thể xông pha chiến trường, đi theo chồng mình, không vô dụng như mẹ, chỉ có thể ở nhà cầu trời khấn phật. Con rất tốt, con gái ngoan của mẹ. Hãy làm theo những gì con cho là đúng, Hãy mặc giáp của con, cầm kiếm của con, khiên của con, cưỡi lên ngựa của con, xông pha chiến trường đi, cho quân thù biết thế nào là sự dũng mãnh của phụ nữ nước Nam ta.

Giọng bà Huỳnh Như Mai khi nói những lời đó chẳng còn chút rưng rưng nghẹn ngào nào nữa, mà đầy ắp vẻ tự hào. Nguyễn Thị Ngọc thì không như thế. Chị chẳng kiềm được nước mắt mình nữa. Những giọt lệ như hạt châu rơi lã chã, xảy xuôi theo gò mắt trắng trẻo của chị. Chị ôm lấy người mẹ kiên cường của mình, khóc đứt gan đứt ruột.

Nguyễn Thành Thuyên đang định đứng lên, chừa chỗ cho hai người phụ nữ trong nhà thì bị bà Đề đốc nắm tay kéo ngồi xuống lại.

- Con đó, mười lăm tuổi, cũng theo quân được rồi. Con là con út, phận làm trai họ Nguyễn, tốt không thể làm chó nhà giữ cửa. Con phải xông pha, học theo cha anh mình. Con phải đánh Bắc Xuyên, đánh đến khi bọn chúng không còn ý đồ với ta nữa. Chết trận trên chiến trường, chính là vinh quang của nam nhi. Con không được hèn nhát, con phải dũng cảm. Hãy kiên cường, đừng sợ hãi, bởi nỗi sợ chính là con quái vật gặm nhấm trái tim con. Mẹ muốn con mẹ vẫn còn trái tim hừng hực ý chí, không phải là một cái xác vô hồn mang tên con mẹ, mặt của con mẹ, sống cuộc sống của con mẹ, con hiểu không con ơi?

Bàn tay đang nắm lấy Nguyễn Thành Thuyên của bà run rẩy. Lồng ngực bà phập phồng, khuôn mặt kiên nghị, uy nghiêm, giọng tuy nhẹ nhàng nhưng lại dứt khoát, chẳng cho phép người ta cãi lại. Cậu thấy thế, trở tay nắm lấy tay bà, gật mạnh đầu.

Đây là lời hứa của cậu trước khi ra đi. Sau này có lẽ chẳng thể mấy khi gặp lại mẹ nữa rồi. Cậu chồm người ôm lấy hai người phụ nữ trong nhà. Đây là phận con nhà võ tướng sao? Cậu luôn tự hào với thân phận này, nhưng nay sao lại thấy bi thương và đau đớn quá.

Chết trên chiến trường là vinh quang, cũng là nỗi đau của người thân trong gia đình mà.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}