Rực rỡ như ánh Mặt trời không bao giờ tắt.
Đó luôn là hình dung về anh con trai cả của nhà bà Liên và ông Hùng. Hồi bà Liên mang bầu, ông Hùng đã đi xem thầy. Thầy nói nếu bà Liên sinh con trai vào Đông chí thì lá tử vi của thằng bé sẽ không tránh khỏi việc nhiều thủy, ít hỏa. Người nhiều thủy thường tài giỏi, làm việc gì được việc đó, nhưng cái gì nhiều quá cũng không tốt. Đó là lý do ông Hùng đặt cho cậu quý tử cái tên Huy Hoàng với mong muốn kéo lại một ít hỏa cho bản mệnh. Nhưng nào ngờ, cái tên này lại thực sự trở thành hình dung chính xác nhất về anh thanh niên chưa tròn ba mươi.
“Thằng Hoàng nhà ông Hùng mới tí tuổi đầu đã đọc báo vanh vách đấy. Sao bố mẹ thì bình thường mà con lại giỏi thế nhỉ?”
Đó là lời của mấy cô hàng xóm khi anh lên năm. Suốt những năm tháng học trò, Huy Hoàng không đếm xuể mình đã đứng dưới cột cờ nhận bằng khen học sinh xuất sắc bao nhiêu lần, cũng như không nhớ hết những lời khen ngợi của thầy cô chủ nhiệm trong các buổi họp phụ huynh hằng năm. Trong ký ức của anh, khoảng thời gian đó ngọt ngào giống như vị kẹo bông gòn lần đầu được nếm thử vào năm học lớp Một. Tâm hồn trẻ con non nớt ngày ấy khiến anh lầm tưởng mình sẽ ăn mãi chiếc kẹo bông mà không bao giờ đổi món khác. Nhưng rồi, anh cũng mau chán.
Huy Hoàng không biết cảm nhận này đã ươm mầm trong lòng rồi bén rễ từ lúc nào. Anh mải miết chơi trò đuổi bắt cùng bước chân của thời gian, hồ hởi sống theo đúng như cái tên mà bố anh đặt. Có lẽ vì quá mải mê lao về phía trước mà chẳng kịp suy tính đường lui cho bản thân, nên khi suy nghĩ ấy hiện lên trong óc, anh khựng lại như đàn đứt dây rồi chẳng thể bước tiếp được nữa.
Sáng nay, anh thức giấc vì điện thoại rung lên, có tin nhắn thông báo anh vừa được thưởng nóng qua tài khoản ngân hàng. Lúc đó, Huy Hoàng không nhớ nổi lý do mình được thưởng là gì, thậm chí, những con số có sức hấp dẫn lớn đang nhảy múa trước mắt cũng không khiến anh liếc nhìn đến lần thứ hai. Anh nằm thẳng cẳng trên giường, mắt nhìn vào trần nhà một màu trắng toát, trong đầu bất chợt nghĩ đến một câu nói sến sẩm của ai đó trên mạng so sánh bản thân như một bông tuyết trắng tinh khôi giữa ngày đông lạnh giá, không nhiễm bụi trần. Lúc đọc được câu đó, anh chỉ bật ra tiếng cười chẳng rõ tư vị. Thật ra, anh cảm thấy mình cũng là một thứ gì đó mang màu trắng. Bởi màu trắng có độ sáng cao, nhưng giá trị màu sắc thì là con số không tròn trĩnh.
Huy Hoàng nằm bần thần trên giường rất lâu, đến khi có tiếng gõ cửa vang lên và giọng mẹ loáng thoáng vọng vào, anh mới ngồi bật dậy.
“Vâng, con ra ăn sáng đây.” Anh đáp lại bằng giọng gắng gượng phấn chấn. Sau khi tắm rửa qua loa, Huy Hoàng đứng trước gương trong phòng tắm rất lâu, dán mắt vào hình ảnh phản chiếu của mình. Anh phải chắc chắn chiếc mặt nạ hôm nay cũng là một kiệt tác hoàn hảo.
Từ ngày gắn chiếc gương kiểu đứng lên tường ở phòng khách, số lần gia đình anh ngồi quây quần dùng bữa với nhau đã tăng lên đáng kể. Mẹ nói với anh rằng, mỗi lần đói, muốn ăn cơm trước thì lại nhìn vào gương, trông thấy bàn ăn có một mình thui thủi. Thế là mẹ cố nhịn để chờ bố con anh đi làm về, chờ cái Linh tan học. Nghe mẹ nói thế, anh gật gù tán thành, còn tung hứng thêm mấy câu: “Đúng rồi mẹ ạ! Đặt cái gương ở đấy là chuẩn không cần chỉnh luôn.” Mẹ anh vừa che miệng cười vừa đánh yêu mấy cái vào bả vai anh, sau đó kiếm cớ giục anh mau ăn đi để chữa ngượng.
“Chiều qua con gặp chị Trâm ở trước cửa, chị ấy trêu là thế anh Hoàng chưa khao cả nhà à?” Nói đến đây, đôi mắt to tròn như hai hòn bi ve của Linh lúng la lúng lính: “Anh Hoàng cứ giấu nhé! Anh là người duy nhất được sếp thông qua dự án lớn, thế mà chả báo cho ai biết cả. Báo cho mỗi chị Trâm!” Lúc nói câu cuối, con bé cố tình nhấn mạnh, rõ là có ý trêu chọc mối quan hệ của hai người.
Huy Hoàng nghe vậy thì vừa đảo bát phở vừa cười cười: “Cái Trâm làm bên quản lý nhân sự dự án, anh chẳng nói nó cũng biết. Mà sáng nay anh mới nhận được tin thôi. Ô-kê, để tối anh dùng tiền thưởng khao cả nhà mình một bữa!”
“Yeah! Có thế chứ!” Linh buông đũa, giơ hai tay lên cao rồi hú lên một tiếng. Hành động này của nó bị mẹ quở trách: “Con gái lớn rồi phải biết giữ ý chứ!” Nói xong, mẹ quay sang Huy Hoàng, chép miệng: “Mặc nó con ạ, để tiền mà tiêu.”
“Có gì đâu mẹ!” Anh cười tít mắt: “Lâu rồi cả nhà cũng chưa ra quán.”
Nói xong câu này, Huy Hoàng chúi mũi vào ăn nốt bát phở còn dang dở. Trong lúc nhai, anh có liếc Linh một cái, chỉ thấy nó vẫn giữ gương mặt hồ hởi cùng nụ cười nhắng nhít. Anh chẳng thể hiểu nổi. Nó mới bị mắng chiều qua vì điểm kiểm tra giữa kỳ môn Vật lý thấp hơn kỳ trước 1,5 điểm. Lần này, mẹ không chỉ dừng lại ở việc so sánh sức học của anh với nó, mà còn lôi hết đống bài điểm tốt của anh từ đời nào ra rồi đập thẳng vào mặt nó, tuyên bố thẳng thừng rằng, nếu không được như anh mày thì đừng đi học nữa. Anh thập thò ở cửa phòng lắng nghe từ đầu đến cuối nhưng không dám lộ mặt. Lúc rón rén bước lại gần, anh nhìn thấy Linh vẫn cúi đầu xuống, môi mím chặt, dáng vẻ giống hệt như những lần trước đó.
Trong mớ ký ức rõ ràng như được khắc bằng dao ấy, Linh chưa bao giờ oán trách anh lấy một lời. Nó luôn im lặng lắng nghe hết thảy những lời mẹ trút ra trong cơn tức giận rồi lặng lẽ quay trở về phòng. Ban đầu, Huy Hoàng nghĩ Linh sẽ giống như bất kỳ đứa trẻ nào khi chịu sự so sánh: sẽ trút giận lên đồ đạc, sẽ tống tiễn cảm xúc dồn nén trong lòng bằng những giọt nước mắt, hoặc là buông lời căm phẫn đối với đối tượng gián tiếp gây ra tổn thương trong lòng. Anh đã chắc mẩm như vậy. Nhưng khi ghé mắt vào phòng Linh thông qua khe cửa hẹp, Huy Hoàng sửng sốt bởi những gì mà mình nhìn thấy.
Con bé nằm bò toài trên sàn nhà, xung quanh là những bản vẽ dang dở với đủ mọi chất liệu tạp nham. Có bức được trét bằng màu đất, có bức lại dùng loại màu gì đặc sánh, có bức chỉ quệt vội vài nét chì. Nhưng tất cả đều cực kỳ sống động và đầy sức hấp dẫn. Rõ ràng chỉ là một bức tranh chưa hoàn thiện với nửa gương mặt phụ nữ, nhưng khi nhìn vào đôi mắt sáng rỡ như bầu trời đêm mùa hạ kia, Huy Hoàng bỗng cảm thấy hụt hơi. Anh chẳng thể tin nổi một đứa học hành làng nhàng như Linh lại có thiên phú về hội họa như vậy. Kể từ ngày đó, Huy Hoàng cứ nghĩ mãi một điều.
Rõ ràng cái gì anh cũng làm tốt, nhưng tại sao anh lại không có cảm giác thỏa mãn như Linh?
Thế là Huy Hoàng âm thầm đi học vẽ, mục đích chỉ để tìm ra lý do vì sao Linh lại có thể say mê đến nỗi dành hàng giờ đồng hồ trong phòng, thậm chí quên cả nỗi đau tinh thần do chính người trong gia đình gây ra. Đúng như ý nghĩa của tên mình, Huy Hoàng chẳng tốn nhiều thời gian để có thể nắm được những điều căn bản trong lớp học vẽ. Anh nhanh chóng vẽ ra được một bức tranh khiến người thầy khó tính cũng phải chép miệng kêu được. Nhưng Huy Hoàng vẫn không tìm thấy chút hứng thú nào. Chỉ là nguệch ngoạc những nét theo chỉ dẫn, theo quy tắc, chả có gì thật sự thú vị đến nỗi phải bỏ ra hàng giờ đồng hồ để nghiền ngẫm cả. Tại sao Linh lại có thể chấp nhận đánh đổi việc ôn bài trên lớp để lao đầu vào thứ như thế này? Cho đến tận lúc kết thúc khóa học, anh vẫn không thể tìm ra đáp án.
Có lẽ là bắt đầu từ ngày đó nhỉ? Huy Hoàng luôn cảm thấy đôi mắt bồ câu đen láy của Linh ẩn chứa ánh nhìn giễu cợt mỗi khi nó nhìn anh. Ban đầu, anh tự nhủ với lòng, đó chỉ là sự tưởng tượng thái quá của bản thân thôi. Nhưng phản ứng cam chịu của Linh khi bị mẹ so sánh với anh, cùng với số lần mà anh quan sát nó vẽ tranh từ xa tăng dần đều đã khiến Huy Hoàng trở nên ám ảnh với bất cứ ánh mắt nào mà Linh dành cho anh.
Sau khi liếc rất vội gương mặt của Linh, Huy Hoàng chợt cảm thấy bát phở bò chuẩn vị Hà Nội trước mặt chẳng còn ngon lành gì nữa. Anh nhai trệu trạo rồi nuốt vội miếng thịt, vẫn cố kéo khóe miệng lên, vẽ ra một nụ cười hài lòng. Nhưng từng lời nói và ánh mắt vô tư của Linh nhằm về phía này khiến lòng anh tấm tức không chịu nổi. Huy Hoàng kiếm cớ sắp muộn làm để rời khỏi nhà càng nhanh càng tốt. Khi bước chân đến công ty, cảm giác bứt rứt trong lòng đã nguôi đi phần nào thì cũng là lúc anh nhận ra nơi này không phải chỗ trú ẩn thích hợp với một kẻ như anh.
“Ô! “Mặt trời nhỏ” hôm nay đi làm sớm thế?” Giọng con gái lanh lảnh như tiếng chuông bạc ngân lên bên tai khiến anh nghiêng đầu sang một bên để né. Chỉ nghe tiếng thôi là Huy Hoàng đã biết ai đang đứng sau lưng. Anh cười mỉm rồi quay lại nhìn Trâm, nhẹ giọng: “Nay Trâm đi làm cũng sớm mà?”
Cô gái với dáng người nhỏ thó nghển cổ lên nhìn anh rồi đáp: “Chúc mừng anh Hoàng nhé! Thật ra em cũng không bất ngờ khi biết dự án của anh được chọn đâu.”
Huy Hoàng cố bật ra tiếng cười tự nhiên hết mức rồi lựa mấy lời vừa tỏ ra khiêm tốn vừa có thể tâng bốc đám nhân viên bên phòng Nhân sự dự án. Sau nhiều năm rời khỏi vòng tay bảo bọc của bố mẹ, anh cay đắng nhận ra rằng: Mật ngọt không chỉ chết ruồi.
Trâm nghe anh khen xong, cười đến nỗi đỏ bừng cả hai má. Trước khi anh bước vào thang máy, cô còn không quên gợi ý: “Lát nữa thể nào cả phòng cũng đòi anh khao cho xem.”
Huy Hoàng bật ngón cái rồi tấm tắc khen: “Em đúng là có mắt nhìn xa trông rộng đấy! Anh phải đặt trước đồ ăn thôi, không đến trưa lại trở tay không kịp.” Nói xong thì anh bước luôn vào thang máy rồi bấm số tầng. Khi cửa thang máy đóng lại cũng là lúc nụ cười trên môi Huy Hoàng tắt ngấm. Anh thở dài một hơi, ngước mắt nhìn con số điện tử màu đỏ nhấp nháy, trong đầu mường tượng ra những gương mặt giả tạo với nụ cười cũng giả tạo chẳng kém. Anh hít vào một hơi, cố kéo khóe miệng mình đến góc độ hoàn hảo trước khi tiếng tinh tinh vang lên.
Một ngày của anh vẫn luôn bắt đầu như thế, đều đặn lặp lại giống hệt nhau đến nỗi anh không cần phải kiểm tra lịch xem hôm nay là thứ mấy. Từ lúc rời khỏi ghế nhà trường, Huy Hoàng không còn nhớ rõ anh đã bắt đầu cuộc sống của một người trưởng thành thực sự ra sao. Thời gian trở thành thứ gì đó vô cùng nhàm chán đối với anh. Rồi sau đó là đến những con số trong tài khoản ngân hàng. Anh thực sự không hiểu được niềm vui của đồng nghiệp mỗi khi đến kỳ nhận lương. Có lẽ là vì anh không có bất kỳ thứ gì khao khát cần dùng tiền để đánh đổi chăng? Vậy thì anh chăm chỉ đi làm mỗi ngày là vì điều gì? Câu hỏi này bật lên trong tâm trí khiến anh cảm thấy hoang mang và chới với khôn tả. Huy Hoàng rùng mình kinh hãi rồi chợt nhớ đến ánh mắt của Linh.
***
Sau khi tan làm, Huy Hoàng giữ đúng lời hứa ban sáng. Anh đưa cả nhà đi ăn tại một nhà hàng nổi tiếng đông khách tại Hà Nội bằng xe riêng. Chiếc xe bốn chỗ này là do mẹ cứ giục anh mua để thuận tiện cho những chuyến đi xa của cả gia đình. Bản thân anh thì cảm thấy không mua cũng được, nhưng Huy Hoàng chẳng bao giờ muốn đôi co với mẹ. Mẹ anh là kiểu người phụ nữ ruột để ngoài da, rất cố chấp với suy nghĩ của bản thân. Còn bố anh thì ít nói vô cùng, chỉ biết răm rắp nghe theo lời vợ. Vấn đề mua xe được quyết định chóng vánh chỉ trong một buổi chiều, giống hệt như việc mua xe đạp điện cho Linh. Thực ra, nhà anh có thể mua hẳn xe mới cho nó. Nhưng mẹ đã ra điều kiện với Linh là ba môn chính trong bài kiểm tra giữa kỳ phải đạt điểm giỏi. Nó cũng cố gắng lắm. Anh biết được điều này nhờ một tối thức giấc giữa đêm vì khát nước, đi ngang qua phòng Linh mà vẫn thấy sáng đèn. Nhưng rốt cuộc, nó vẫn không đạt được điều mà mẹ mong muốn. Mẹ anh sẽ chẳng bao giờ quan tâm nó đã nỗ lực ra sao để không chịu sự so sánh từ mẹ. Mẹ chỉ nhìn vào những con điểm đỏ chót trên mặt giấy mỏng mà thôi. Huy Hoàng biết rõ mọi chuyện, nhưng anh quyết định chỉ sắm vai một người xem, đứng ở ngoài mà nhìn vào.
Bữa tối đáng lẽ sẽ mang không khí gia đình đầm ấm và con tim anh sẽ tìm được một giây phút nào đó để thôi nhức nhối. Huy Hoàng ước gì việc xử lý các mối quan hệ với người thân cũng trôi chảy và dễ dàng như với những hạng mục trong công việc. Nhưng anh chẳng bao giờ được như ý muốn. Ngay lúc mẹ bất ngờ chạm mặt một phụ huynh có con học cùng lớp với Linh, anh đã đoán biết được mẹ sẽ nói gì khi quay trở lại bàn ăn.
Vẫn là cái cúi đầu nhìn xuống, vẫn là cái bặm môi quen thuộc, vẫn dáng vẻ đó chẳng một chút đổi khác. Linh ngồi đối diện anh, bàn tay cầm dĩa cuộn những sợi mỳ Ý lại. Nó không ăn, chỉ để cái dĩa xoay tròn trong đĩa rồi im lặng lắng nghe những lời than thở của mẹ. Từ góc độ này, anh không nhìn rõ biểu cảm trên gương mặt nó. Nhưng bấy nhiêu đó thôi cũng đủ khiến lồng ngực anh căng lên luồng hơi thở khó chịu vô cùng. Anh với tay cầm cốc nước lọc trên bàn rồi uống một hơi thấy đáy. Dòng nước mát lạnh trượt xuống cổ họng rồi lan tỏa ở vùng bụng cũng chẳng khiến anh cảm thấy thoải mái hơn chút nào.
“Mẹ muốn ăn thêm hải sản không? Con gọi phục vụ nhé?”
Huy Hoàng lên tiếng cắt ngang lời mẹ nhưng anh chỉ nhận được cái cau mày đầy khó chịu: “Ăn làm sao được nữa? Nuốt không trôi!”
Sau khi câu này bật ra, bầu không khí bao trùm xung quanh gia đình anh căng lên như dây đàn. Sự im lặng giữa các thành viên như tách biệt hẳn với sự ồn ào của các bàn kế bên. Đến khi mẹ buông một câu muốn về nhà nghỉ ngơi, sự căng thẳng mới dần xẹp xuống như bong bóng xì hơi. Anh thầm thở dài trong lòng, cảm giác như kẻ tử tù vừa được ân xá.
Suốt quãng đường quay về, Linh vẫn ngồi cúi gằm mặt xuống. Nhưng có một khoảnh khắc nào đó, Huy Hoàng chợt chạm mắt với Linh thông qua gương chiếu hậu trong xe. Anh ước gì khoảnh khắc đó không xảy ra. Bởi nỗi thất vọng tràn trề như nước lũ vỡ đê trào lên trong đôi mắt đen thẳm của nó bóp chặt lấy trái tim anh, khiến anh không thể thở nổi. Sau khi mọi người đã xuống xe hết, anh quyết định một mình lái xe đi đâu đó cho khuây khỏa. Miệng kiếm cớ là đột ngột có hẹn với sếp để thoát khỏi những câu truy hỏi dài dòng của mẹ.
Huy Hoàng đánh xe ra ngoại thành, nơi thưa thớt ánh đèn điện và phảng phất hơi thở hoang dã. Anh hạ hết cửa kính xe xuống, để cơn gió đêm mang hơi sương muối ùa vào bên trong. Gió lớn thổi tung mái tóc anh, cứa vào da thịt hơi thở lạnh lẽo nhưng Huy Hoàng chẳng cảm thấy lạnh chút nào. Anh hít vào bằng mũi rồi thở ra bằng miệng, lặp lại như thế vài lần rồi anh đột nhiên bật khóc. Huy Hoàng không thể giải thích được ý nghĩa của những giọt nước mắt đang đua nhau chảy xuống hai bên gò má mình. Giờ phút này, anh chỉ muốn chạy trốn. Nhưng chạy đi đâu bây giờ?
Huy Hoàng nhấn chân ga mạnh hơn nữa. Chiếc xe lao vút đi trên con đường vắng lặng, Huy Hoàng cảm giác dường như mình đang thực sự bỏ cả thế giới lại sau lưng.
Rầm!
Đó có lẽ là tiếng động đinh tai nhức óc mà suốt phần đời còn lại Huy Hoàng không bao giờ có thể quên.
Bình luận
Chưa có bình luận