Hôm nay, cửa tiệm của lão đón một vị khách như minh tinh màn ảnh. Lúc đến, cậu ta đẩy cánh cửa kính bằng một tay, tay còn lại đút túi quần. Khi đôi giày hàng hiệu đã đặt trên sàn nhà lát gạch màu trứng sáo, cậu trai trẻ vẫn không có ý định tháo chiếc kính râm trên mặt xuống. Cậu ta đặt hờ hai tay lên hông rồi nghênh nghênh cái đầu nhìn khắp cửa tiệm một lượt.
“Chú làm ở đây lâu chưa?”
Cậu ta hỏi lão với chất giọng rất dễ nghe, còn xen chút bông đùa nhưng không hề đem lại cảm giác khó chịu cho người đối diện.
Lão tháo chiếc kính lão xuống, cất cẩn thận vào hộp rồi mới nhổm dậy, nở nụ cười thân thiện và chỉ vào cái ghế xoay ở trước mặt. Cậu ta hiểu ý, gật đầu một cái rồi ngồi xuống.
“Chú làm ở đây cũng lâu rồi, chẳng nhớ rõ nữa, già cả rồi!” Sau khi cậu trai trẻ đã yên vị, lão vừa rót nước vừa đáp lại như thế. Khi nước gần đầy đến miệng cốc thủy tinh, lão ngừng động tác rồi đẩy chiếc cốc về phía đối diện. Lão để ý thấy cậu ta đã tháo kính râm xuống rồi móc tạm vào cổ áo sơ mi trước ngực. Áo sơ mi màu đỏ rượu mở phanh hai cúc để lộ một mảng da trắng nõn và xương quai xanh đầy quyến rũ. Cậu ta cất kính qua loa xong thì đưa tay vuốt lại mái tóc. Nhưng hình như có điều gì không thoải mái nên cậu ta cứ nhấp nhổm không yên.
“Ở đây không có gương hả chú?”
“À có chứ.” Lão đáp lại luôn, nhưng ngay lập tức phải chêm vào một câu giải thích: “Nhưng cái gương này đang trong quá trình “tút tát” lại, soi thì vẫn soi được, nhưng mà…”
“Ôi có gì đâu chú.” Cậu ta thấy lão ngần ngừ thì xua tay tỏ ý không hề gì: “Cháu chỉnh lại tóc chút thôi.” Nói xong, cậu còn khuyến mãi cho lão một nụ cười tỏa nắng khoe trọn hai chiếc răng khểnh rất duyên.
Lão đứng dậy, dẫn cậu ta vào gian để đồ phía trong. Thật ra, tầng Một của cửa tiệm có mặt tiền không rộng, nhưng được cái sâu. Vì thế, lão đã dùng vách ngăn bằng gỗ chia làm hai gian trong – ngoài. Gian ngoài kê một chiếc bàn đơn giản và mấy cái ghế xoay, chỉ dùng để tiếp khách. Còn gian trong là nơi để đồ vừa được cầm cố hoặc cần bán lại. Mặc dù cửa tiệm của lão không lớn, nhưng đồ đạc đều được xếp gọn gàng và để cẩn thận vào những ngăn tủ riêng. Lão luôn dành khoảng thời gian sáng sớm từ sáu giờ đến tám giờ chỉ để lau chùi cẩn thận toàn bộ gian phía trong một lượt. Chính vì thế, khi ánh đèn trần sáng lên, tỏa ánh vàng cam dìu dịu xuống những món đồ sạch sẽ phía dưới, cậu bật ra một tiếng xuýt xoa: “Mở rộng tầm mắt luôn đấy chú ơi!” Cậu cười rồi dành những lời khen có cánh cho cửa tiệm, nói nhiều đến mức khiến khóe miệng của lão cũng bất giác nhếch lên. Lão híp mắt lại, nở một nụ cười xã giao đầy xa cách.
“Tiệm của chú chỉ có mỗi một cái gương thôi. Cháu đừng chê nhé.” Nhưng khi nói câu này, lão lại tỏ vẻ nhún nhường vô cùng. Điều đó khiến sự cảnh giác vừa nhen nhóm trong lòng cậu bỗng chốc tắt ngóm. Cậu bước về phía lão chỉ, thấy một chiếc gương kiểu đứng đang phủ lớp vải trắng. Thực lòng, cậu không hiểu tại sao lão phải cẩn thận đến mức phủ vải lên món đồ đã qua sử dụng như vậy. Nhưng rồi cậu lại nghĩ, có lẽ làm thế này sẽ giúp lão kiếm chác được thêm một ít. Chậc, ai cũng muốn dốc lòng vì vài đồng bạc lẻ mà, dễ hiểu thôi!
Cậu nghĩ như vậy, miệng vẫn giữ nụ cười mỉm rồi giơ tay kéo tấm vải xuống. Vào khoảnh khắc nhìn thấy bản thân được phản chiếu rõ nét thông qua chiếc gương, cậu gật gù cái đầu rồi hơi ngoái lại, bảo lão: “Đúng là cái gương duy nhất có khác chú ạ!” Vừa nói, cậu ta vừa bật ngón tay cái lên rồi giơ về phía lão.
Lão nghe giọng điệu khen ngợi ấy thì chỉ cười trừ, trong lòng biết tỏng đấy chỉ là một câu khen cho có. Con người có thể dùng rất nhiều thứ để ngụy trang, nhưng riêng ánh mắt thì không thể gian dối. Vào lúc nói ra câu khen kia, cậu ta chỉ nhìn lướt qua lão khoảng ba giây. Ba giây ngắn ngủi nhưng đong đầy vẻ khinh thường. Có lẽ cậu ta nghĩ một lão già đầu đã hai thứ tóc sẽ chẳng mảy may nhận ra điều đó. Lão cũng mặc kệ, giữ những suy nghĩ riêng trong đầu và chơi trò “tung hứng” cùng cậu ta. Khách hàng là Thượng Đế mà, lão đành bấm bụng như thế, cho dù toàn là Thượng Đế tự phong. Nghĩ đến đây, đôi mắt một mí dài và hẹp của lão ánh lên cái nhìn vô cùng kỳ quái. Ánh sáng đèn trần hắt vào mắt lão, nhảy múa như ma trơi trong đôi con ngươi màu hổ phách, khiến lão như tách khỏi thế giới thực tại.
Cậu trai trẻ còn đang bận ngắm vuốt nên không để ý việc lão cố tình đứng ở góc phòng – nơi chiếc gương không thể phản chiếu hình ảnh của mình. Từ nơi đó, lão chăm chú quan sát cậu trai trẻ, yên lặng và nhẫn nại, như thể một con diều hâu đang ngắm nghía chú gà non tơ mơn mởn. Lão đánh giá cậu ta cẩn thận, cảm thấy chẳng có gì khác biệt so với hình tượng lần đầu xuất hiện trong cửa tiệm vào hai ngày trước. Điều khác duy nhất chỉ là hôm nay cậu ta không đi cùng người phụ nữ giàu có ngấp nghé tuổi năm mươi. Nghĩ đến đây, lão nở nụ cười kín đáo.
“Ô-kê, cháu xong rồi!” Sau khi xoay trái, xoay phải, nhìn ngắm bản thân thêm vài lượt nữa, cậu ta mới chốt hạ một câu như vậy rồi quay người về phía vách ngăn. Nhưng vừa bước được hai bước, cậu ta đột ngột dừng lại và quay sang nói với lão bằng vẻ tiếc rẻ: “Cái gương kể ra cũng sắc nét phết chú ạ. Giá mà không có mấy vết xước thì kiểu gì cháu cũng mua.”
Lão nghe cậu ta nói vậy thì bỗng bật cười: “Riêng cái gương đấy thôi nhé, chú bán giá cao đấy.”
“Cao là bao nhiêu hả chú?” Cậu ta nhướng mày, hỏi một câu cho có. Phải rồi, đồ đã qua sử dụng thì ai lại tự tin bán với giá cao chứ! Chắc chỉ nói đùa cho vui thôi. Hoặc là, cố tình đẩy giá lên cao để người ta trả xuống là vừa, cách này cũng lời ra được nhiều đấy.
Lão nghe cậu ta hỏi với thái độ như vậy thì chỉ đáp lại bằng nụ cười đầy ẩn ý, sau đó vừa dẫn cậu ta ra ngoài, vừa chuyển hướng cuộc nói chuyện sang chủ đề khác: “Cái đồng hồ mà cô Diễm muốn mua đã có kết quả giám định đồ cổ rồi. Chú có thể giúp cô ấy hoàn thành thủ tục với bên bán, nhưng phải là đích thân cô ấy đến cửa tiệm này. Cháu cứ về bảo lại với cô ấy như thế, giờ nào đến cũng được, nhưng chỉ trong ngày mai thôi.”
Đây rõ ràng mới là mục đích chính mà cậu ta đến cửa tiệm, nhưng việc lão lấp lửng về giá cả của chiếc gương đã khiến mục đích ban đầu ấy giờ đây trở thành thứ không đáng để quan tâm nữa. Cậu ta chen ngay vào khi lão còn chưa dứt câu: “Cụ thể là bao nhiêu hả chú?”
Lão hơi ngẩn ra với câu hỏi không đầu không đuôi này. Nhưng sau đó, mắt lão sáng lên, lão hiểu cậu ta đang ám chỉ cái gì. Lão cười nhạt rồi phẩy tay một cái như đuổi ruồi: “Tiết lộ giá cả là điều tối kỵ trong cửa tiệm của chú đấy, cháu không biết à? Chú chỉ bàn về giá với người thực sự muốn mua hàng thôi.”
Câu này của lão đã đánh trúng lòng tự ái của cậu. Cậu ta đỏ gay cả hai tai, giả vờ đưa tay lên vuốt tóc, hắng giọng một cái rồi bảo: “Thế nếu cháu muốn mua cái gương đó thật thì sao?”
Nhưng lời vừa thốt ra, cậu ta lại càng ngượng hơn. Rõ là một câu hỏi thừa thãi trượt ra khỏi miệng trong lúc đầu óc hỗn loạn. Lão chẳng đã nói chỉ bàn về giá với người thực sự muốn mua hàng đó sao? Cậu cụp mắt, cố tìm trên sàn nhà xem có cái lỗ nẻ nào để chui xuống không mà tìm mãi vẫn chẳng thấy.
Lão nhìn vẻ luống cuống ấy của cậu ta thì quyết định ra đòn kết liễu: “Chú nghĩ việc này cháu nên về bàn trước với cô Diễm, cỡ như cô Diễm thì thừa sức mua được.”
Một câu nói hết sức bình thường nhưng lọt vào tai lại khiến cậu cảm giác như có hàng ngàn cái ngòi kẹt lại trong da sau cuộc tổng tấn công của lũ ong hung hãn. Cậu ngứa ngáy hết cả người, mặt thì đỏ bầm đi như bợm rượu đang trong cơn túy lúy. Cậu bặm môi rồi đập tay xuống bàn đánh chát: “Cháu mua!”
Lão kêu lên một tiếng ra chiều giật mình. Nhưng khi lên tiếng hỏi cậu ta, ánh mắt của lão lại bình thản như đã dự liệu được tất cả mọi chuyện.
“Định mua cái gương đấy thật à? Nghe xong giá mà không mua là chịu phạt đấy. Động đến chuyện mua bán thì chú không dễ dãi đâu.” Lão vừa nói vừa chỉ tay vào chiếc camera gắn ở góc tường trên cao.
Cậu nghe lão nói xong thì đáp lại với giọng đầy quả quyết: “Trước giờ cháu không nói hai lời đâu chú ạ.”
Lão nghe cậu ta nói xong, ánh mắt loáng lên cái nhìn rờn rợn. Đeo chiếc kính lão lên mắt xong, bàn tay lão kéo ngăn bàn cái “xoạch”. Lão làm việc rất nhanh gọn, chỉ thoáng cái, một tờ giấy khổ A4 phẳng phiu đã nằm ngay ngắn trước mặt cậu.
“Cháu đọc kỹ đi, ký tên rồi thanh toán tiền trước, hàng sau khi được “tút tát” xong sẽ được chuyển đến tận nhà.”
Cậu cầm lấy tờ giấy rồi đảo mắt rất nhanh. Thực ra, cậu rất ghét mấy thứ liên quan đến giấy má. Toàn chữ là chữ, đọc vừa hoa mắt vừa đau đầu. Chỉ vì cậu không muốn người ta đánh giá mình là một kẻ không hiểu lý lẽ, cho nên mặc dù thâm tâm ghét cay ghét đắng, cậu vẫn cố ép bản thân bày ra dáng vẻ như đang nghiền ngẫm.
Đáng lẽ, cậu đã đặt bút ký rồi. Nhưng vào giây phút ngòi bút chạm vào mặt giấy, một dòng chữ chợt in sâu vào đáy mắt khiến cậu khựng lại.
“Nếu chủ sở hữu hoặc chiếc gương xảy ra chuyện thì chiếc gương sẽ được hoàn trả về cửa tiệm.”
Cậu cau đôi lông mày được tỉa tót cẩn thận, ngước mắt lên nhìn lão rồi bảo: “Có chỗ này cháu vẫn chưa hiểu.”
Lão nhướng mày lên, giả vờ ngạc nhiên lắm: “Cháu cứ nói.”
“Câu này…” Cậu bấm cho ngòi bút thụt vào trong rồi gõ gõ đầu bút vào mặt giấy: “Nghĩa là sao hả chú?”
Lão chỉ liếc mắt nhìn vào dòng mà cậu ta chỉ đúng vài giây, sau đó nở nụ cười hiền hoà.
“À, là thế này.” Lão hắng giọng, như để báo trước những lời phía sau sẽ rất dài: “Đồ vật nào cũng chỉ có thể sử dụng một thời gian mà thôi. Nếu chiếc gương bị vỡ, bị hỏng hoặc rơi vào tình trạng không thể tiếp tục sử dụng nữa, giữ lại trong nhà cũng chẳng được tích sự gì, đúng không? Cho nên, cửa tiệm muốn thu hồi lại món đồ, đem về tân trang để nó có một “cuộc đời mới”.”
“Vậy còn…” Cậu trai trẻ dường như có điều khúc mắc nhưng ngại nói ra miệng. Cậu nuốt nước bọt, ngập ngừng một lúc rồi mới nói tiếp: “Chủ sở hữu xảy ra chuyện là sao hả chú? Nghe hơi… gở miệng.”
“Trước giờ, cửa tiệm của chú chỉ làm việc với phương châm: một người mua và một người bán. Đồ được bán ra sẽ chỉ thuộc sự sở hữu của bên mua và bên bán, bán rồi nhưng không có nghĩa là bên chú hết quyền hạn. Vì thế, nếu chủ sở hữu gặp vấn đề nào đó mà không thể tiếp tục sử dụng món đồ, bên chú sẽ được “thừa hưởng” lại món đồ một cách hợp pháp.”
Cậu nghe lão giải thích xong thì cảm thấy như vừa rơi vào mê cung. Mặc dù đầu óc cậu không được nhanh nhạy với những vấn đề liên quan đến logic cho lắm, nhưng cậu vẫn ngờ ngợ thấy mình như trở thành con rối gỗ để lão mặc sức điều khiển trong tay. Những cái khác thì không nói làm gì, nhưng riêng điều khoản này lại rất lạ lùng. À không, dùng “lạ lùng” để diễn tả thì chưa đúng lắm, phải là “nực cười” thì đúng hơn. Trước giờ, chuyện mua bán với cậu là “tiền trao cháo múc”, xong rồi thôi, đôi bên làm gì có chuyện liên quan đến nhau nữa. Vậy mà ở đây, lão lại đưa ra cái điều khoản nghe vô lý không chịu nổi. Nó như thách thức tính chiếm hữu luôn hừng hực cháy trong cậu vậy. Cậu đã bỏ ra một khoản tiền lớn nhưng lại phải chia sẻ món hàng với kẻ khác ư? Mới nghĩ đến thôi, cậu đã thấy tấm tức trong lòng. Nhưng vào lúc cậu vừa há miệng định từ chối thì một hình ảnh chợt nhoáng lên, choán đầy trong trí óc. Cậu vội vàng ngậm miệng lại, đôi môi mỏng như lá lúa hơi mím. Siết bàn tay thành nắm đấm rồi từ từ duỗi ra xong, cậu ký cái roẹt lên mặt giấy trắng phau.
Từng cử chỉ nhỏ nhặt ấy tất nhiên không thể qua mắt được lão. Ở phía đối diện, lão bình tĩnh chờ đợi, nhìn những biểu cảm thay đổi liên tục trên mặt cậu ta như thể đang xem kịch hay. Thủ tục mua bán diễn ra trong chớp nhoáng. Lão cất số tiền mặt dày cộp vào ngăn tủ có khóa rồi đon đả tiễn cậu ta ra cửa. Cho đến tận lúc chiếc xe SH đồng màu với áo sơ mi của cậu ta biến mất dạng trong dòng người tấp nập, lão mới quay gót trở vào. Lão bấm cửa cuốn xuống rồi đi thẳng vào gian phía trong. Chiếc gương không được phủ vải đứng chễm chệ ở vị trí chính giữa. Lão bước lại gần, đổ dung dịch lỏng không màu đựng trong chai nhựa không nhãn mác lên mặt một chiếc khăn. Sau đó, lão nhẹ nhàng úp khăn vào mặt gương, bàn tay di chuyển chầm chậm theo hướng hình chữ nhật. Mỗi chỗ chiếc khăn lướt qua, một vết xước lại biến mất.
Lão nhớ rõ từng người chủ của chiếc gương này, đôi vợ chồng đũa lệch ấy cũng không ngoại lệ. Vì sao lại là đũa lệch ấy à? Bởi vì cô vợ là một người có vẻ ngoài đoan trang, từng cử chỉ đều toát lên sự dịu dàng, nhút nhát. Trong khi đó, anh chồng lại đậm chất một tay đồ tể, từ dáng vẻ đến cách xử sự đều khiến người tiếp xúc lần đầu phải lắc đầu bĩu môi. Việc của lão chỉ là bán hàng, còn những thứ râu ria khác, lão biết thì cũng chỉ để đó mà thôi. Nhưng lão vẫn không hiểu được. Sau khi chuyện về thằng bé sát nhân bị làm rùm beng lên khắp báo đài, chiếc gương đã được hoàn trả về cửa tiệm từ cuối tháng Sáu. Lão đã cất công xóa mờ hết các vết xước trên mặt gương rồi nhanh chóng bán cho một nhà thiết kế nổi tiếng vào đầu tháng Bảy. Hai tuần sau, nhà thiết kế đó chết, chiếc gương được vận chuyển về cửa tiệm trong tình trạng chỉ còn mỗi khung. Lão những tưởng lắp mặt gương mới là ổn thỏa, ai ngờ, những vết xước lại xuất hiện.
Vết xước này là cú đập đầu của người phụ nữ nhỏ con, phải chịu cái tát từ kẻ ưa bạo lực. Vết xước kia lại là vết móng tay cào vào mặt gương với cảm xúc yêu – hận đan xen. Lau đến đây, lão không khỏi tặc lưỡi một cái. Khó lau quá! Mấy vết xước dồn nén tình cảm chất chứa trong lòng con người là khó xóa mờ nhất.
“Cô vẫn chưa thể “tiêu hóa” hết tính ác của gia đình thằng bé đó à?”
Sau khi câu hỏi này cất lên, không gian rơi tõm vào bể yên lặng, ngoài tiếng thở của lão ra, chẳng thể nghe được bất kỳ âm thanh nào khác. Mãi một lúc lâu sau, chiếc gương chợt rung lên như bả vai ai đang cười. Sau đó, một âm thanh như thể tiếng băng cát-xét bị hỏng vang lên từng câu rời rạc: “Ông phải biết rằng… những kẻ khác chỉ chịu đựng được tối đa hai tuần… như mụ thiết kế thời trang đó. Còn gia đình thằng nhóc này…” Nói đến đây, cô ta cười khùng khục: “Tôi đã ở suốt hai năm.”
Bình luận
Chưa có bình luận