“Tại sao tình trạng kỳ lạ của cái xác lại không được đề cập đến?” Ông Tâm hơi híp mắt lại, nhìn thẳng vào mặt cậu thanh niên tự nhận ông là “thầy”.
“Chuyện này…” Duy cụp mắt xuống, hai bàn tay đan vào nhau trong vô thức: “Không phải không được đề cập đến đâu thầy ạ, mà là…”
Thấy Duy cứ ngắc ngứ như gà mắc tóc khác hẳn với dáng vẻ sôi nổi thường ngày, ông Tâm càng chắc chắn việc không cho truyền thông biết về tình trạng của nạn nhân còn ẩn giấu điều gì đó phía trong. Ông nhìn tập tài liệu với những trang giấy bị quăn ở góc, sau đó vươn tay cầm cốc nước chè lên uống một ngụm.
“Tôi không có ý trách đội điều tra của các cậu.” Ông Tâm mào đầu bằng một câu như vậy trước khi nói ra những phân tích của mình: “Nhà thiết kế Linda Phạm là người nổi tiếng, dĩ nhiên cái chết của cô ta sẽ thu hút sự chú ý của dư luận. Đối phó với truyền thông luôn là thứ khiến người ta đau đầu…” Ông Tâm thở hắt ra một hơi rồi nói tiếp: “Cho nên, tôi hiểu được việc các cậu không công bố những chi tiết không quan trọng trong vụ án.”
Nghe thầy của mình đưa ra kết luận như vậy, Duy thầm thở phào nhẹ nhõm, gương mặt cũng bớt nhăn nhó hơn hẳn.
“Em thay mặt cả đội cảm ơn thầy.”
“Tôi đã đọc đi đọc lại tài liệu về vụ này, cũng cất công qua bên Pháp y một chuyến.” Ông Tâm vừa nói vừa phẩy tay như đuổi ruồi, tỏ ý chẳng có ơn huệ gì ở đây cả: “Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của nạn nhân là cơn đau tim. Ngoài ra, một lượng lớn rượu mạnh đọng lại trong dạ dày vốn đã bị tổn thương nặng từ trước cũng đóng góp thêm vào việc giết chết nạn nhân. Nhưng mà, chẳng lẽ các cậu thực sự không cảm thấy kỳ quặc à?”
Nhận được ánh nhìn sắc lẹm của ông Tâm, Duy cắn môi dưới trong vô thức. Cậu gật đầu, đáp: “Thầy muốn nói đến tình trạng của cái xác khi được phát hiện, đúng không? Đúng là vượt xa trí tưởng tượng của con người…”
Duy nhớ đến khoảnh khắc khi cậu bước chân vào căn phòng trên tầng cao nhất của biệt thự. Cái oi bức của mùa hạ giữa tháng Bảy làm mùi máu càng thêm nồng nặc khiến dạ dày cậu nhộn nhạo. Cả căn phòng đều ngăn nắp, gọn gàng, duy chỉ có chiếc gương đứng phía cuối giường là vỡ nát. Mà kỳ lạ nhất chính là tất cả những mảnh gương vỡ đều đang cắm vào cơ thể người phụ nữ nằm bất động dưới sàn.
Ban đầu, khi tổ Pháp y chưa đến, nhìn sơ bộ tình trạng của cái xác, cậu còn nghĩ nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết cho nạn nhân là những mảnh gương này. Nhưng nếu thực sự là vậy thì vụ án phải giải quyết ra sao đây? Thứ nhất, khám nghiệm hiện trường không tìm ra bất kỳ dấu vân tay hay dấu giày của người nào ngoài nạn nhân. Ngay cả cô giúp việc phát hiện ra cái xác cũng chưa kịp bước chân vào phòng đã ngất xỉu ngoài cửa. Chẳng có một dấu vết nào cho thấy có kẻ ngoài đột nhập vào phòng, cũng không tìm ra lối đi bí mật mà giới nhà giàu hay thích bày vẽ trong phòng mình. Đây hoàn toàn là một căn phòng khép kín. Thứ hai, đây mới là điều khiến Duy cảm thấy rối não nhất. Đó chính là tình trạng của xác chết. Con người liệu có thể hút tất cả những mảnh gương vỡ về phía mình giống như một thỏi nam châm đầy từ tính không?
Chiếc đèn ngủ có vân tay của nạn nhân đã đập thẳng vào mặt gương với lực ném lớn. Chiếc gương vỡ thành hơn ba trăm mảnh cả lớn cả nhỏ. Tất cả hơn ba trăm mảnh này đều cắm vào cơ thể nạn nhân, không một mảnh nào rơi xuống sàn. Nếu vụ án đi theo chiều hướng là nạn nhân tự sát, vậy thì nạn nhân làm cách nào để cắm từng đó mảnh gương vỡ vào người mình? Còn nếu vụ án đi theo chiều hướng có kẻ ra tay giết hại nạn nhân, vậy hung thủ đã làm thế nào?
Vì thế, bên cảnh sát hình sự ra chỉ thị khoan tiết lộ với báo giới tình trạng kỳ lạ của xác chết, còn những bước điều tra theo trình tự thì vẫn được cập nhật đầy đủ. Sau khi nhận được báo cáo từ Pháp y và đối chiếu với lời khai của những người giúp việc có mặt trong nhà ngày xảy ra vụ việc, kết hợp với tình trạng tâm lý bất ổn thời gian gần đây của nạn nhân, kết luận cuối cùng của vụ án là cái chết tự nhiên. Việc sử dụng chất cấm cùng với rượu mạnh thường xuyên khiến nạn nhân sinh ra ảo giác. Sau khi dùng đèn ngủ đập vỡ mặt gương, ảo giác xuất hiện khiến nạn nhân tự cắm những mảnh gương vào cơ thể mình. Lúc này, cơn đau tim phát tác làm nạn nhân mất mạng.
Đó là những gì được giải thích theo khoa học và dựa trên bằng chứng cụ thể.
“Nhưng sự thực là các cậu vẫn không hiểu được vì sao tất cả các mảnh gương lại có thể cắm vào cơ thể nạn nhân.” Đây mới đúng là câu kết luận mà ông Tâm dành cho đội điều tra của Duy.
“Phải là không thể lý giải được, thầy ạ.” Duy thật thà nhận lấy câu kết luận này, sau đó đặt hai tay lên bàn rồi nhìn chằm chằm về phía người đối diện, bày ra dáng vẻ rất thành tâm: “Nếu thầy có cách lý giải cho khúc mắc này, em rất sẵn lòng lắng nghe ạ.”
Nhưng đáp lại Duy chỉ là cái lắc đầu. Ông Tâm đáp: “Chi tiết này đúng là không làm thay đổi kết luận cuối cùng của vụ án. Nhưng nó khiến tôi nhớ đến một vụ án khác.”
“Vụ án khác?” Duy kinh ngạc hỏi lại.
“Còn nhớ vụ án thằng bé sát nhân mà chúng ta thụ lý không?”
Những vụ án mà kẻ ác là trẻ vị thành niên luôn khiến Duy có ấn tượng cực kỳ sâu đậm. Ông Tâm vừa nói dứt câu là cậu gật đầu cái rụp: “Nhưng vụ đó đâu có liên quan gì đến cái gương.”
Ông Tâm giơ ngón trỏ lên rồi lắc lắc: “Cậu còn phải cố gắng quan sát nhiều.”
Ông Tâm chỉ nói như vậy mà không tiết lộ gì thêm. Duy gọi ông một tiếng “thầy” cho nên cậu hiểu rõ tính này của ông. Một khi đã không muốn nói, dù có năn nỉ hay van xin như thế nào đi nữa, ông Tâm cũng không hé răng lấy nửa chữ. Vì thế, Duy đành tự ngẫm nghĩ một mình.
Nói đến vụ án của thằng bé đó, lòng Duy không khỏi trào lên niềm chua xót. Đó đáng lẽ là một bi kịch có thể tránh được, nhưng cuối cùng…
Duy nhớ lại giây phút năm đó tới nhà bắt người, thằng nhóc không hề tỏ ra sợ hãi, còn toét miệng cười với cậu. Vẻ ngây thơ ánh lên trong đôi mắt tròn xoe của nó khiến Duy rùng mình và bị ám ảnh một thời gian dài. Duy không thể tin nổi một đứa nhóc mới mười ba tuổi lại có thể nhẫn tâm xuống tay giết bạn cùng lớp như thế. Xem xét tất cả tình tiết vụ án, từ việc bám theo nạn nhân đến việc lựa chọn địa điểm vắng người, không có một chi tiết nào có thể giảm nhẹ tội. Chưa kể, những vết thương trên cơ thể nạn nhân đều là vết thương trí mạng, cho thấy rõ sát ý của hung thủ. Chính vì thế, mặc dù thằng bé chưa đủ tuổi phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn bị đưa vào trường giáo dưỡng. (1)
Cuộc thẩm vấn lần đầu đó không có gì đặc biệt. Nhưng cuộc thẩm vấn hai năm sau lại khác.
Hai năm sau, thằng bé đó lại giết người. Nạn nhân lần này chính là bố dượng của nó. Ban đầu, Duy cứ nghĩ lý do nó xuống tay giết gã là để trả thù cho cái chết của mẹ. Thật ra, trong quá trình xem xét tội trạng năm mười ba tuổi của nó, có nhiều người đã đặt nghi vấn rằng đây có thể là hậu quả của bạo lực gia đình. Nếu mẹ của thằng bé có thể đứng ra làm chứng thì gã sẽ không tránh khỏi liên can. Thế nhưng, Duy nhớ rõ năm đó, người tố giác tội trạng của thằng bé rồi phủi sạch trách nhiệm lại chính là tay đồ tể với cái dáng chân đăm đá chân chiêu và giọng nói lèm bèm sặc hơi men ấy. Mỗi lần nhớ lại, cậu không khỏi buồn nôn.
Một tuần trước khi thằng bé rời khỏi trường giáo dưỡng, mẹ nó bị gã đồ tể đánh chết rồi để mặc cái xác trong xó bếp. Nếu người hàng xóm không có việc cần phải sang nhờ vả thì có lẽ phải chờ đến lúc cái xác bốc mùi mới bị phát hiện. Đây cũng là một tình tiết tăng nặng mức án đối với gã. Đáng lẽ, gã sẽ phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật. Nhưng thằng bé ấy đã giáng lên đầu gã một sự trừng phạt khác và cũng tự cắt đứt luôn tương lai sau này của chính mình.
Ngày Duy cùng hai đồng chí khác đem lệnh bắt khẩn cấp đến nhà cũng chính là ngày thằng bé xuống tay hạ sát bố dượng của nó. Duy nhớ như in khung cảnh tan hoang bên trong nhà cùng với mùi máu nồng lợm giọng. Nhưng bấy nhiêu đó chưa đủ khiến cậu phải ám ảnh mãi về sau. Thứ mà thằng bé đang đè sấn xuống đất kia, ngoại trừ tứ chi còn nguyên vẹn ra thì không còn gì để có thể xác nhận là “con người” nữa. Duy chỉ liếc mắt nhìn một cái rồi nôn ngay ra sàn.
Tình cảnh giờ đã rất khác so với hai năm trước. Tuy vẫn thuộc phạm vi người dưới mười sáu tuổi phạm tội giết người, nhưng vì đã mười lăm tuổi sáu tháng, cộng thêm mức độ tàn ác đối với nạn nhân và tiền án tiền sự, thằng bé phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, lãnh mức án tù mười lăm năm. (2)
Trong suốt cuộc thẩm vấn lần thứ hai được ghi lại, những biểu hiện bất ổn về mặt tâm lý của thằng bé khiến Duy phải cay đắng loại bỏ suy đoán ban đầu của mình. Nó còn chẳng biết mẹ nó đã chết hay chưa. Thứ mà nó lải nhải suốt buổi thẩm vấn chỉ là “đi săn” và “con mồi”. Có lẽ cũng chẳng cần đến bệnh án mà phía bệnh viện cấp tốc gửi đến, trong lòng Duy đã biết, nó thực sự đã trở thành một tay đồ tể. Chỉ là, tay đồ tể này không giết lợn.
Duy lật tập hồ sơ trong tay, căng mắt ra đọc từng chữ. Đọc một hồi, cuối cùng mắt cậu cũng sáng lên.
Khoan đã, nó nói gì đây? Mẹ của nó ở trong chiếc gương đó đấy?
“Chiếc gương đó” là chiếc gương nào? Duy cau mày vẻ khó hiểu rồi như nhớ tới điều gì đó, cậu vội vã đứng dậy, quên cả nỗi đau khi va phải chân ghế. Duy loạng choạng chạy sang phòng lưu trữ báo cáo hằng ngày, lật tìm một bản báo cáo gần đây. Cậu nhớ rõ sự việc ấy, một vụ gây rối mất trật tự công cộng mức nhẹ chỉ cần phạt hành chính. Nhưng kẻ gây rối có biểu hiện bất ổn về mặt tâm lý nên được đưa đi viện tâm thần để kiểm tra. Trong suốt buổi thẩm vấn, đối tượng thi thoảng sẽ nhắc đến một chiếc gương.
Lại là chiếc gương…
***
Chú thích:
(1) Theo Khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015: Người đủ mười hai tuổi đến dưới mười bốn tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý thì áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
(2) Theo Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 và Điều 9 Bộ luật hình sự 2015.
Bình luận
Chưa có bình luận