Hôm sau, trời mưa như trút nước và Vĩ lại quên mang ô. Về đến cửa phòng, anh ướt sũng từ đầu đến chân và co người run lẩy bẩy. Anh luồn tay vào cặp một lúc rồi trợn tròn mắt nhận ra mình bỏ quên chìa khóa phòng. Anh lấy điện thoại gọi cho chủ nhà xin mượn chìa khóa dự phòng để mở cửa, sau đó ngồi thụp xuống chiếc ghế đá kê sát bên, vô định nhìn vào tấm rèm nước dày đặc trước mặt. Những cơn gió thoảng qua làm da anh nổi lên từng đợt lạnh buốt. Vì chủ nhà ở xa, anh phải ngồi đợi hơn một tiếng mới có thể vào phòng. Anh nghĩ đến việc vào quán cà phê nào đó để sưởi ấm, nhưng khi cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt, anh lại bỏ phăng ý định đó.
Anh thấy không thể lãng phí thời gian như thế nên lấy cuốn “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ” ra để tiếp tục đọc. Anh lật vài trang, lấy bút chì gạch chân những đoạn quan trọng rồi ghi chú vào điện thoại. Được một lúc, anh lại nhíu mày, ngẩng lên nhìn ra màn mưa. Tiếng mưa xối quá lớn, khiến anh không thể tập trung được. Đột nhiên, một giọng nói khàn khàn vang lên bên cạnh:
“Ơ kìa, sao anh lại ngồi ở đây?”
Vĩ giật mình quay sang thì thấy Duy Đăng đứng trước phòng cậu ấy, áp người sát lan can và tay đang vọc nước mưa. Không lẽ tối qua cậu ấy cũng làm vậy, Vĩ thầm nghĩ.
“Anh để quên chìa khóa nên đang chờ chú Phong đến cho mượn chìa khóa dự phòng.” - Vĩ chậm rãi đáp.
“À, ra vậy. Mà khi nào chú Phong đến? Nhà chú ấy ở xa, trời lại đang mưa tầm tã thế này.” - Đăng quay hẳn người về phía Vĩ nói.
“Anh cũng không biết. Chú ấy nói tầm một tiếng nữa sẽ tới, nhưng anh nghĩ sẽ lâu hơn một chút” - Vĩ nói, hai tay chợt ôm hờ lấy cơ thể vì một cơn gió lạnh vụt qua.
“Anh muốn vào nhà em chờ một lát cho ấm không? Ngồi ngoài này lạnh chết khiếp.”
Lại một lời mời xã giao - ý nghĩ này thoáng vụt qua đầu anh. Bản năng mách bảo anh hãy từ chối, vì vào đó, anh lại phải tung hứng những câu nói bộ tịch - điều luôn kéo anh vào địa ngục mỗi ngày đi làm. Nhưng đầu óc anh lúc này chất đầy hình ảnh của đội bóng khuyết tật tối qua. Giờ đây, anh có cái nhìn khác hẳn về Duy Đăng và phần nào muốn trò chuyện với cậu ấy.
“Em có đang bận gì không?” - Vĩ lịch sự hỏi như một nghi thức.
“Em không. Đang rảnh thế này cơ mà.” - Đăng vừa nói vừa cười khanh khách, tay lại chĩa ra vọc nước mưa.
“Vậy anh xin phép vào ngồi một lúc với nhé! Cảm ơn em.”
Phòng của Đăng tối mờ và chỉ được chiếu sáng yếu ớt bởi cái đèn led duy nhất gắn gần bàn làm việc. Cơn mưa bên ngoài rơi như trút, tạo thành tấm màn đen dày đặc ngăn cản mọi tia sáng, làm không gian trong phòng càng thêm u ám. Lướt mắt một vòng, Vĩ thấy gần như không có gì ngoài dăm ba vật dụng thiết yếu. Vĩ chợt nhớ lại tiểu thuyết “Bình minh trong ngục tối” mình từng viết và anh có cảm giác như đang bước vào nơi trú ẩn của quân lính trong truyện. Điều làm Vĩ ngạc nhiên nhất là, khác với phòng mình, phòng của Đăng có vẻ không được cách âm tốt lắm, vì anh có thể nghe rõ mồn một tiếng mưa rơi ngoài kia.
Vĩ bắt gặp tủ sách của Đăng, nơi những cuốn sách được xếp vào như những mảnh vỡ vô tổ chức, chẳng có điểm chung nào ngoài việc chúng đều nằm đó, trong một sự pha trộn kỳ lạ. Có những cuốn self-help gối đầu giường của cả thế giới, cũng có những cuốn tiểu thuyết kinh điển mà Vĩ từng kiên trì đọc, nhưng chiếm nhiều chỗ nhất lại là những cuốn tản văn móng dính và những cuốn sách vô danh mà Vĩ chưa từng nghe tên, mặc dù anh luôn tự tin mình là người tra nát hầu hết danh sách sách hay.
“Hay anh vào tắm rửa rồi thay đồ em mặc tạm cho thoải mái.” - Duy Đăng nói. “Em với anh chắc cùng cỡ quần áo thôi. Người anh ướt nhẹp thế kia.”
Vĩ ngại ngùng nhìn Đăng. Đúng là những giọt nước đang dần chiếm lấy cơ thể anh và đêm nay, anh có thể ốm một trận động trời nếu cứ mặc bộ quần áo này.
“Vậy cho anh mượn tạm bộ quần áo và nhà tắm nhé! Cảm ơn em.” - Vĩ ngập ngừng nói và cười gượng.
Trong lúc tắm, Vĩ đau đầu nghĩ cách trả ơn Duy Đăng. Trước giờ, anh không muốn nợ ai điều gì và càng không muốn là ân huệ của ai. Vừa bước ra khỏi phòng tắm, anh thấy Duy Đăng đang lục lọi trong tủ lạnh.
“Anh biết nấu canh chua cá lóc không?” - Duy Đăng ngẩng mặt hỏi.
“Anh biết.”
“Vậy anh nấu rồi anh em mình cùng ăn được không? Ăn xong em sẽ rửa chén.”
“Để anh xử đống này rồi rửa chén luôn.” - Vĩ vừa nói vừa cầm hộp đồ nấu chua trên gian bếp. “Hôm nay không có em thì mai có khi anh phải nghỉ làm vì ốm rồi.”
“Em không biết nấu ăn nên thường ngày toàn ăn ngoài. Thỉnh thoảng người yêu em gửi ít đồ để hôm sau cô ấy qua chơi, sẵn tiện nấu cho hai đứa cùng ăn. Ngày mai cổ qua, thấy đồ ăn vơi đi một ít, cổ có nổi máu ghen thì anh qua làm chứng cho em nhé.” - Đăng nói trong tiếng cười khúc khích.
“Đàn ông làm chứng cho nhau, phụ nữ không tin đâu.” - Vĩ liến láu nói làm cả hai bật cười thành tiếng.
“Bình thường ở nhà, ngày nào anh cũng nấu ăn à?” - Đăng vừa hỏi vừa quay lại bàn làm việc.
“Ừ. Bận mấy anh cũng ráng nấu sơ buổi sáng để chiều về hâm nóng lại.” - Vĩ nói, tay gọt trái thơm bỏ vào nồi nước sôi.
“Anh nói gì?” - Đăng hỏi với âm lượng to hơn.
“Anh bảo có bận mấy anh cũng ráng nấu sơ buổi sáng để chiều về hâm nóng lại.” - Vĩ đáp lớn giọng hơn. Anh đột nhiên rợn người vì tiếng nước dội ầm ầm bên ngoài.
“Sao phải cực thế? Em thấy nếu bận quá thì ăn ngoài vài ba bữa có sao đâu?”
“Hồi còn là sinh viên anh cũng chẳng biết nấu ăn. Anh thấy nó cứ phí thời gian và khó khăn thế nào ấy. Ngày nào anh cũng gặm ổ bánh mì, ăn cơm tấm lề đường hết. Có ngày dậy muộn, anh bỏ luôn cả bữa sáng và trưa, chỉ ăn mỗi buổi chiều. Đến năm 3, anh bị đau bao tử và ngày bảo vệ khóa luận thì phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Vào bệnh viện gần cả tuần, anh mới thấy bố mẹ anh nói đúng: không có sức khỏe thì chẳng làm được việc gì hết. Từ đó trở đi, anh tập nấu ăn và không dám bỏ bữa nữa.”
Duy Đăng lắng nghe với vẻ chăm chú như muốn nuốt trọn từng lời Vĩ nói. Cậu im lặng một lúc rồi hỏi:
“Vậy giờ anh thấy nấu ăn có còn phí thời gian và khó nhằn như trước không?”
“Ban đầu anh thấy khó kinh khủng. Nhưng mà…” - Vĩ vừa nói vừa cho cá vào nồi - “... sau đó anh mới thấy nấu ăn không phải câu chuyện của khó và dễ. Món nào em cũng có thể nấu được hết, miễn là em có thời gian. Nó chỉ có quanh quẩn vài gia vị và nguyên liệu thôi. Còn ngon hay không thì tùy thuộc vào khẩu vị người ăn, em sẽ điều chỉnh công thức cho phù hợp. Hôm nào anh bận anh sẽ nấu nồi canh hay chiên miếng thịt tầm 15 phút là xong. Nhưng hôm nào rảnh thì anh sẽ xem công thức trên mạng rồi nấu thật linh đình.”
Đăng vừa nghe vừa gật gù, vẻ mặt trở nên đăm chiêu hẳn đi.
“Câu chuyện của anh truyền cảm hứng quá. Hôm nào em sẽ học nấu ăn rồi viết một truyện ngắn về quá trình nấu một bữa ăn linh đình như anh nói.”
Vĩ đang vớt bọt trong nồi canh thì nhíu mày, miệng hơi méo và nói với giọng nghi hoặc:
“Câu chuyện này mà cũng viết thành truyện được à?”
“Hay mà anh. Em rất thích chủ đề đó. Và có khi nó còn rất thu hút độc giả nữa.”
Vĩ lặng người, đôi tay vẫn khuấy nồi canh theo quán tính. Ánh mắt anh vô thức dừng lại trên mặt nước đang dần chuyển đục ngầu, nơi gương mặt anh chập chờn hiện lên. Lạ lùng thay, hình ảnh phản chiếu ấy sáng rõ một cách kỳ diệu, rực rỡ và trong trẻo đến mức anh chưa từng thấy ở bất kỳ tấm gương nào.
Tầm 10 phút sau, hai chàng trai ngồi vào bàn dùng bữa.
“Em thấy ngon thật đó. Đúng là kinh nghiệm 8 năm nấu ăn có khác.” - Đăng nói ngay sau khi ăn thức đầu tiên.
“Cảm ơn em.” - Vĩ nhoẻn miệng cười và nói. Nếu là anh, dù ngon hay dở thì anh vẫn phải khen mà thôi. Đó chỉ là phép lịch sự đầy bộ tịch của con người.
Bầu không khí bắt đầu trầm xuống khi cả hai ngấu nghiến ăn mà chẳng nói với nhau câu nào. Vĩ buột miệng nói:
“Tối qua anh có đọc truyện “Đội bóng khuyết tật” của em. Anh thấy em viết xuất sắc.”
Đăng đang xắng phần bụng cá thì khựng người lại, dựng mắt nhìn Vĩ và ấp úng hỏi lại như không tin:
“Anh đọc truyện đó rồi à? Anh thấy nó xuất sắc thật sao?”
“Ừ. Anh rất ấn tượng.”
“Anh ấn tượng như thế nào? Anh thấy thích phân cảnh nào nhất?” - Đăng hăm hở hỏi với đôi mắt sáng rực như đứa trẻ được cho kẹo. Vĩ hơi bất ngờ trước phản ứng quá khích của cậu em.
“Về mặt bút pháp, em sử dụng ngôn từ rất chuẩn xác và gợi hình làm khung cảnh trận đấu hiện lên như một cuốn phim quay cận. Anh không chỉ nhìn thấy trận bóng của đội chơi, mà còn có cảm giác trở thành một thành viên của đội bóng đó. Truyện cũng đầy rẫy những hình tượng nghệ thuật, nhưng anh tâm đắc nhất là hình ảnh sự khuyết tật của cả đội bóng.” - Vĩ dừng lại giây lát rồi nói tiếp. “Em mất bao lâu để sáng tạo ra chi tiết này?”
Duy Đăng chau mày ngó nghiêng một lúc rồi đáp:
“Em không nhớ nữa. Lúc viết em thường không nhìn đồng hồ. Nhưng anh tâm đắc với chi tiết đó thế nào?”
Vĩ gác đũa xuống, bắt đầu bài nói chuyện của một nhà phê bình văn học dài tận 10 phút. Vĩ nói đến đâu, Duy Đăng gật gù đến đó, ánh mắt rưng rưng lộ rõ niềm xúc động. Cuối cùng, Vĩ chốt lại:
“Anh đã khóc rất nhiều khi đọc truyện của em, nhất là khung cảnh tất cả thành viên trong đội bóng cùng chơi một trận ở đoạn cuối, dù ai trong họ cũng đã khuyết tật ít nhiều. Chưa có tác phẩm nào làm anh khóc như thế. Tối hôm qua, anh cảm thấy suy sụp vô cùng và truyện của em xuất hiện. Sáng nay, …” - Vĩ ngập ngừng. Anh cảm thấy mình đã phơi bày bản thân quá trần trụi trước mặt một người không thân thiết.
“Sáng nay anh như thế nào?” - Đăng hỏi ngay tức thì với cặp mắt rưng rưng, sẵn sàng vỡ òa bất cứ lúc nào.
“À, không có gì.” - Vĩ quyết định giữ lại câu chuyện đó cho riêng mình. “Truyện của em chắc chắn thành công. Sao em không gửi cho nhà xuất bản để đăng báo hoặc phát hành sách?”
“Em có gửi cho vài trang báo, một trang từ chối và số còn lại thì chưa phản hồi.” - Duy Đăng thản nhiên nói. “Em không kỳ vọng gì nhiều. Em đã liên tục bị từ chối hơn 2 năm nay, ngay cả với những truyện được tương tác cao nhất của em, thứ có thể giúp họ thu bộn tiền. Truyện này còn chưa được 20 tương tác thì càng không có hi vọng. Nhưng những gì một độc giả như anh nói về tác phẩm của em là quá đủ cho đời sống của nó rồi.” - Đăng nói rồi cho cơm vào miệng nhai ngợm ngoạm.
“Độc giả và các nhà xuất bản chê truyện này sao?”
“Có nhiều độc giả lâu năm, nhắn tin bảo em truyện lần này không còn hấp dẫn, cuốn hút như những lần trước nữa. Một số khác thì bảo câu chuyện tầm thường và kì quặc quá.”
Vĩ rùng mình khi nghe những từ đó. Anh ngồi im lặng lúc lâu, nghĩ về truyện ngắn đó với từng con chữ như khắc sâu vào trí óc. Anh bắt đầu hơi hoài nghi rằng những lời khen của mình có hoàn toàn chính xác hay chưa. Anh không chắc, nhưng anh biết chúng đều là thật lòng. Anh húp hết chén canh, gác đũa rồi ngẩng mặt hỏi:
“Vậy làm sao để em tìm được những độc giả như anh?”
Duy Đăng có vẻ hơi bất ngờ khi nghe câu hỏi đó. Anh cảm nhận được một loạt thao tác đang diễn ra trong não anh.
“Mục tiêu của em là đi tìm những độc giả như anh. Nhưng khi viết, em chỉ viết vì em không thể không viết. Em nghĩ em viết để mình có một chỗ trốn.” - Anh vừa nói vừa gác đũa, xếp chén đã dùng bỏ vào chiếc nồi rỗng giữa bàn. “Và nếu chỗ trốn em tạo ra đủ an toàn, sẽ có ít nhất một độc giả như anh đến đó. Chỉ tiếc là chỗ trốn của em thì thường không đủ rộng rãi” - Đăng vừa nói vừa tự bật cười khoái chí. “Nhưng hẹp hay rộng không quan trọng, miễn phải là do mình xây.”
“Miễn là mình xây…” - Vĩ vô thức mấp máy môi. Câu trả lời của Đăng khiến Vĩ cảm thấy như mình bị đóng băng, chỉ còn lại đôi mi chớp nhẹ nhàng mà liên tục. Cả hành trình 8 năm dài đằng đẵng cầm bút, những đứa con tinh thần mà anh từng dồn tâm huyết đang hiện ra ào ạt, như những cơn mưa bom dữ dội, làm rạn vỡ tâm trí anh. Nhưng anh không chắc liệu ánh sáng có thể len lỏi qua những vết nứt ấy hay không, càng không chắc mình có mong đợi ánh sáng đó xuất hiện hay không.
Giữa mớ cảm xúc hỗn độn, tiếng chuông điện thoại bất ngờ vang lên rõ mồn một, khiến Vĩ giật mình và nhận ra mưa đã ngớt dần. Chú Phong đến rồi. Anh vội vã ra mở cửa, nhận chìa khóa rồi quay vào giúp Đăng dọn dẹp. Hai anh em tranh nhau một hồi rồi quyết định cùng rửa chén. Trong tiếng nước chảy róc rách và tiếng chà xà phòng trên đĩa, Vĩ quay sang hỏi Đăng:
“Em sắp viết một truyện ngắn về mưa đúng không?”
“Sao anh biết?” - Đăng cất cao giọng, giật mình vươn thẳng người dậy.
Vĩ nở một nụ cười lấp lửng và hỏi:
“Câu chuyện đó sẽ kể về gì?” - Vĩ chợt thấy như mình hơi lỡ lời và ngập ngừng nói. “À, anh xin lỗi. Anh …”
“Cậu bé mù cảm nhận thời gian qua tiếng mưa rơi…” - Đăng nói, ngắt ngang lời Vĩ. “... và cái lạnh của từng cơn mưa.”
“Câu chuyện thú vị đó.” - Vĩ cười và gật gù nói. “Anh hi vọng sẽ trở thành độc giả em cần tìm”.
“Chuyện đó làm sao biết được.” - Đăng cười phá lên, kéo theo Vĩ cũng cười điên sảng khoái ngay sau đó.
Rửa chén xong, Vĩ dọn đồ về lại phòng của mình. Trước khi đi, Vĩ ngoái đầu về phía Đăng đang chúi đầu vào màn hình laptop trên bàn làm việc và nói:
“Em muốn biết sáng nay anh đã làm gì không?”
Đăng ngẩng mặt dậy với ánh mắt đầy mong đợi.
“Thú thật, anh cũng chẳng biết tại sao anh đã nhấc máy gọi cho mấy thằng bạn thân nhất trong đội bóng lớp anh ngày trước, sau gần 8 năm không nói chuyện để hỏi han tình hình và hẹn một trận đá banh. Anh thấy mình thật ngớ ngẩn…” - Vĩ dừng lại một lúc rồi nói tiếp. “... nhưng cũng đáng để thử.”
Bình luận
Chưa có bình luận