Một năm đã trôi qua từ khi Vĩ bắt đầu theo đuổi chủ đề này, và trong suốt thời gian đó, không ít đêm dài anh miệt mài đọc sách, tích lũy tri thức, xây dựng cốt truyện từ những ý tưởng ban đầu. Tối nay cũng là một đêm như thế. Ngồi trên chiếc bàn làm việc dưới ánh đèn vàng dịu, từng đường nét trầm tư trên khuôn mặt Vĩ càng trở nên sắc nét. Anh lật giở liên tục các trang sách, ngón tay lướt chầm chậm qua từng con chữ, miệng lẩm bẩm vài câu rồi nhanh chóng gõ phím, ghi lại những phát hiện mới mẻ, ý tưởng thú vị cho tác phẩm. Một lúc sau, Vĩ ngẩng lên nhìn chiếc đồng hồ treo tường, sau đó quay sang kệ sách, ánh mắt lướt qua những chồng tiểu thuyết kinh điển, sách triết học và khoa học chính trị, rồi cuối cùng chọn ra cuốn “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ” của nữ sĩ Svetlana Alexievich, tiếp tục công việc với những động tác quen thuộc.
Chẳng bao lâu sau, Vĩ lại ngước mặt nhìn đồng hồ, ánh mắt vô tình lướt qua chiếc cửa sổ trước mặt. Bên ngoài, cơn mưa vẫn dai dẳng, vẽ nên những vệt sáng mờ ảo dưới ánh đèn đường. Anh tự hỏi, liệu mưa vẫn chưa ngừng từ chiều đến giờ hay đây là một cơn mưa mới? Ánh mắt anh sẽ không dừng ở cửa sổ lâu đến thế nếu không bắt gặp hình bóng Đăng - một chàng trai trẻ nhỏ hơn Vĩ hai tuổi, sống ngay phòng bên cạnh. Đăng đang đứng quay lưng về phía anh, tựa người vào lan can, thực hiện động tác gì đó mà Vĩ không nhìn rõ. Vĩ chớp mắt, rồi quay lại với màn hình máy tính và những cuốn sách của mình.
Vĩ không quá quan tâm đến Đăng, cả hai chỉ quen biết xã giao và trò chuyện vài lần khi Vĩ mới chuyển đến. Ấn tượng đầu tiên của anh về Đăng là sự niềm nở, dễ gần, nhưng điều đó cũng khiến Vĩ cảnh giác với người hàng xóm này hơn. Điều đáng nhớ khác về Đăng là anh cũng viết văn, giống như Vĩ. Dù vậy, Vĩ không mấy thích tác phẩm của Đăng và trong mắt anh, Đăng chỉ là một “thợ viết” - một người kiếm sống bằng con chữ, chứ không phải một nhà văn thực thụ.
Khác với Vĩ, Đăng viết rất nhiều và đều đặn đăng ba đến bốn truyện ngắn lên trang blog cá nhân trên Facebook mỗi tuần. Tuy nhiên, Vĩ chưa từng thấy truyện của Đăng được xuất bản, và anh nghĩ mình thừa hiểu lý do dù chưa đọc trọn vẹn truyện nào của cậu hàng xóm. Những tác phẩm Đăng viết là điển hình của thứ văn học mạng thiếu sự suy ngẫm, chắt lọc và sáng tạo. Đăng theo đuổi các chủ đề nói nhẹ là đơn giản và tầm thường, nói nặng là “nhảm nhí”, để câu kéo tương tác và chiều lòng độc giả. Vĩ đã thử đọc một số truyện ngắn được hàng nghìn lượt tương tác nhưng đều bỏ dở giữa chừng.
Nội dung chính xoay quanh những câu chuyện tình tay ba éo le, tình yêu vượt qua sự ngăn cấm của gia đình hay mối tình gà bông vườn trường lấy nước mắt người đọc. Một số truyện khác, Đăng còn viết những thứ kì quặc hơn, không đủ tinh túy để mang vào văn chương: một truyện ngắn sáu ngàn chữ chỉ để miêu tả cảm xúc của một thằng thất bại khi vừa hút thuốc lá vừa làm tình, hay một tập truyện dài chẳng khác gì cuốn nhật ký trồng cây suốt hai năm của cặp vợ chồng già. Ngoài những câu chuyện nổi tiếng rầm rộ trên mạng xã hội, Đăng cũng có vài bài đăng chỉ vỏn vẹn mấy chục tương tác; nhưng Vĩ chưa bao giờ đọc qua. Vĩ cho rằng, nếu những truyện nổi tiếng đã vô vị như vậy, thì các tác phẩm ít được yêu thích càng chẳng có gì đặc sắc. Niềm tin của Vĩ về văn chương của Đăng càng được củng cố khi những người bạn của anh trong giới văn đều có ý kiến không mấy tích cực các tác phẩm thuần giải trí, có phần dung tục như thế.
Đang say sưa gõ phím, Vĩ vô thức ngước lên nhìn đồng hồ rồi buông một tiếng thở dài thườn thượt. Một lúc sau, tiếng chuông báo thức từ điện thoại vang lên. Anh xếp sách gọn gàng lên kệ, cất laptop vào cặp và lau chùi bàn làm việc trước khi tắt đèn. Thả mình xuống giường như một quả bóng xẹp bị rút cạn khí, Vĩ nhắm mắt lại làm đôi mi sụp xuống một cách nặng trĩu.
Bình luận
Chưa có bình luận