Tôi lên ở với chị được hơn tuần. Nhà chị nhỏ, nằm trong một hẻm cụt nhưng khang trang, gọn gàng. Ba gian, một gian rộng nhất là phòng khách, một gian là phòng ngủ, còn một gian nhỏ làm bếp. Chị không muốn tôi ngủ ngoài salon nên tôi ngủ chung với chị.


Căn phòng ngủ xinh xắn sơn màu xanh biển mát rượi. Không có giường, chỉ có tấm nệm dày trải ra cũng màu xanh biển. Căn phòng không treo bất cứ bức tranh hay khung ảnh nào, ngoài cái bàn phấn nằm khiêm tốn ở trong góc. Nhưng điều tôi ngạc nhiên là suốt mấy ngày ở với chị, tôi toàn thấy chị ngủ dưới đất. Một tấm chiếu đơn, chị nằm trên đó. Còn tôi, chị bắt ngủ trên nệm, rộng thênh so với thân hình nhỏ nhắn như một cô bé lớp chín của tôi.


- Sao chị không lên nệm mà nằm, chị Hạnh?


Chị ậm ờ, bảo không thích. Rồi chị đùa:


- Chị mà ngủ trên đó là thấy toàn ác mộng.


Tôi không hiểu. Nhìn chị nằm co ro bên dưới, cảm thấy mủi lòng. Chị đẹp, vẻ đẹp nặm mà của một phụ nữ nhà quê. Đuôi mắt đã lờ mờ chân chim. Nghe má tôi kể, ngày xưa chị là hoa khôi của xóm Kinh Một, biết bao anh chàng thèm chảy nước miếng mà có ai lọt vô mắt chị đâu. Vậy mà chị lại "chết" vì một người đàn ông. Tôi chưa thấy mặt người ấy bao giờ. Có thể đã gặp nhưng lúc đó chắc còn nhỏ quá, tôi không nhớ. Má nói người đàn ông đó là kỹ sư thuỷ điện, trong chuyến công tác về tỉnh, ghé Kinh Một thì gặp chị. Chẳng hiểu đã hứa hẹn gì mà ba ngày sau khi người đàn ông đó về, chị khăn gói quyết định lên Sài Gòn. Dì Hai, má chị khóc hết nước mắt. Chị an ủi:


- Con lớn rồi mà má. Con biết mình đang làm gì, má đừng có khóc nữa. Con đi, ở nhà còn thằng Phúc lo cho má mà.


21 tuổi, chị mang tiếng bỏ nhà theo trai. Mặc cho ai nói, mỗi khi về quê, chị đều đến chào hỏi hàng xóm, lễ phép với nụ cười bẽn lẽn như hôm nào. 15 năm rồi, chị sống trên Sài Gòn. Chính má chị cũng không biết chị thế nào, có sung sướng, có hạnh phúc và đang làm gì. Nhưng điều mà mọi người nhận thấy là chị đã già đi, đằm thắm hơn sau mỗi lần trở về thăm nhà. Trước tết, chị lại về. Má tôi hỏi cho tôi lên Sài Gòn được không, để luyện thi đại học. Chị đồng ý liền.


Mang biết bao thắc mắc của hàng xóm, của má tôi và của má chị, tôi được chị đón trước cổng bến xe niềm Tây. Chị nói, chị học hành không đến đâu, làm gì cũng không bằng làm công. Theo lời chị, chị đang làm pha chế ở một quán cà phê máy lạnh. Đó là công việc thứ mấy chục của chị rồi đó. Chị nói và cười như đang kể chuyện tiếu lâm. Tối hôm trước, tôi đánh bạo hỏi:


- Người đàn ông mà hồi đó dì Hai nói chị theo đó, còn không chị?


Chị ngó lơ, trả lời:


- Chưa chết. Căn nhà này là của ảnh mướn cho chị ở.


- Vậy hai người bây giờ ra sao?


- Ờ.. Thì cũng vậy...


- Bộ hai người không tính tới chuyện cưới hỏi sao?


Chị cười khanh khách, giọng khô khốc, khó hiểu.


- Tính gì em ơi, sống vậy tốt hơn.


Tôi không dám hỏi nữa, vì có cảm giác đó không phải là một câu chuyện vui để kể ra. Tối nay, nằm trần trọc không ngủ được. Dù đã bắt đầu quen nằm nệm nhưng sao vẫn thấy dưới lưng mình như có một dòng sông chảy qua, tròng trành. Nhìn chị nằm co ro, tôi thương chị quá. Trong ánh đèn vàng mờ mờ, tôi thấy chị vẫn còn đẹp lắm nhưng sao gương mặt chị lúc nào cũng buồn rười rượi. Chị trở mình. Tôi nghe hình như có tiếng rưng rức. Chị quay lưng về phía tôi, trùm mền qua đầu. Chị khóc.


- Có chuyện gì vậy chị? Chị Hạnh?


Tiếng khóc của chị đã rõ. Tôi bước xuống nệm đến ngồi bên chị, đặt bàn tay lên đôi vai đang rung rung.


- Chị?


Chị ngồi bật dậy, ôm chằm lấy tôi. Lần đầu tiên, tôi cảm giác chị đang cần một chỗ dựa. Tôi vỗ nhẹ lên lưng chị như má tôi vỗ lưng tôi buổi tối trước hôm lên Sài Gòn.


- Có chuyện gì vậy chị?


Người đàn ông khiến chị bỏ nhà lên Sài Gòn là người tốt, chị luôn nhắc đi nhắc lại như vậy trong câu chuyện chị kể tôi nghe. Anh thương chị, lo lắng cho chị từng li từng tí một. Anh thuê nhà cho chị, tìm việc cho chị. Nhưng họ không thể đến với nhau, không thể sống chung. Vì anh đã có vợ. Anh nói, vợ anh không làm sai trái điều gì nên không có lý do gì anh bỏ. Song, tình yêu dành cho chị, anh vẫn không thể thôi. Chị hiểu anh, thông cảm cho anh và chấp nhận. Chị sống vì anh, dù biết rằng nếu như trên đời còn sự hiện diện của người phụ nữ kia, vợ anh, chị sẽ không có hạnh phúc. Chị tên Hạnh nhưng không phải chữ hạnh của hạnh phúc, mà là bất hạnh. Chị nói vậy.


Chị có bầu, rồi sinh bé Quyên. Cứ cách ngày, anh lại đến thăm chị, mua sữa, mua quà cho con. Thế rồi, một đêm trời áp thấp nhiệt đới, bé Quyên bị sốt. Chị gọi điện cho anh nhưng không được. Chị cần có anh. Khi ôm bé Quyên chạy đến bệnh viện thì bé đã ngưng thở. Chị khóc ngất, buồn suốt cả tuần. Anh cũng vậy. Không có cách gì thay đổi sự thực.


Từ khi bé Quyên mất, chị cũng không muốn gặp anh. Khi nào anh muốn gặp thì gọi điện thoại, nếu chị đồng ý thì anh mới dám tới. Đó là lý do vì sao tôi lên đây cả gần tuần lễ rồi vẫn không thấy anh. Cũng từ ngày bé Quyên mất, đã hơn ba năm, chị không còn nằm ngủ trên tấm nệm kia. Vì chị sợ nhớ con. Nhớ mùi con gái bé nhỏ còn vương lại trên từng li giường. Nỗi nhớ của một người mẹ dành cho đứa con không còn trên cõi đời này. Từ đó, chị trải chiếu nằm dưới đất. Có như vậy chị mới không nằm mơ thấy con, thấy bé Quyên cười gọi mẹ.


Chị nghẹn ngào kết thúc câu chuyện buồn. Tôi im lặng, nước mắt chảy ròng.


0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout