Hiên rảo bước nhanh qua những cánh đồng đã gặt gần xong, những ai còn chưa kịp thì đang vội vã cuống cuồng để nhanh chóng chuẩn bị cho đêm rằm trung thu. Chị hít hà thật sâu cái vị rạ mới được phơi, mùi đất âm ẩm, mùi cây rơm còn xanh non, mùi lúa chín đầy khắp các sân nhà. Vừa cảm nhận vừa thấy nhẹ nhõm như cởi bỏ được cái áo tơi trĩu nặng bụi đường.
Ngôi nhà chị hướng đến nằm bên ngôi đền cổ phía rìa đông làng. Nhà thuộc dạng khá giả, ba gian hai chái với những đường chạm trổ cho thấy sự sành sõi của chủ nhân. Ngay khi chị đến gần cánh cổng lớn đã nghe tiếng lũ chó lao xao sủa râm ran, lẫn vào đó là mấy câu cằn nhằn cáu bẳn của bà chủ nhà.
“Tao biết rồi, có im đi không! Ông ấy mà ra là…” Chưa kịp để bà già nói hết, ông lão được đề cập đã cất giọng.
“Mụ Chính! Tôi bảo giờ này cấm làm ồn kia mà.”
“Làm sao mà tôi bịt mõm hết được lũ chó, bảo bán bớt đi mà giữ gì giữ lắm.”
“Lại còn ở đấy mà cãi, ra xem đứa trời đánh nào đến giờ này.”
Nghe đàn chó và hai ông bà già cùng gân cổ lên thi nhau ai khỏe nhất mà chị không khỏi bật cười. Nghe vậy coi bộ cả hai đều còn sung sức cả.
Bà già hé cánh cổng để nhìn qua, không quá rộng kẻo lũ chó lao ra ngoài. Nhưng nhìn thấy chị thì quên luôn việc giữ cửa để mặc lũ chó ào ào ùa ra, con thì xúm lấy chị cùng đôi quang gánh, con thì phi như bay khắp đường. Khi nhận ra chuyện đó bà lão mới vừa cười xòa vừa xua xua không cho lũ chó húc chị ngã.
“Trời đất, con này! Đến mà không báo gì hết. Tưởng chết trôi đâu mất rồi mà cả năm trời chả thấy mặt.”
“Trôi đâu được u ơi, sắp chết khô ấy chứ.”
Bà giật mình nhận ra hai người vẫn đứng ngoài cổng còn lũ chó thì nhốn nháo.
“Thôi vào nhà nhanh đi, chắc mệt lắm rồi, ngồi chõng uống nước, u kêu mấy con chó về. Lão già đang ngâm ba cái mớ thơ thẩn, đừng chọc vào giờ.”
“Dạ!”
Chị gánh gánh đồ vào trong nhà, cởi cái nón ba tầm ám bụi chẳng kém cái áo tơi hay bàn chân, rồi ngồi xuống chõng tre đặt trước hiên nhà, tự rót một cốc chè xanh uống mấy ngụm lớn.
Bà già lon ton trên đôi guốc mộc cũ xì mòn vẹt vừa kêu vừa dọa nạt bắt đám chó về. Đã một năm không gặp, chị thấy mái tóc bà bạc thêm vài sợi, da thêm vài nốt đồi mồi, cái váy đụp nâu lấm đất, chắc bà đang làm vườn thì cô đến. Đóng được cánh cổng là bà lại tất tưởi vừa mắng vốn lũ chó vừa chạy vội vào nhà trong lục tục trong tủ.
“Tụi bay cứ ra ngoài rồi bọn nó bắt mất thì đừng trách tao.”
Lục chán chê trong nhà bà mới mang ra hộp trầu cau và một cái tráp khảm trai rất đẹp.
“Ăn trầu với bánh đi.”
Chị bật cười.
“Trời! Mấy cái bánh thôi mà tráp sang thế u.”
“Định để tối cúng nhưng thôi cho mày ăn, tí u mua mấy cái khác. Bánh dẻo mới làm xong đấy, ngon lắm.”
Bà mở tráp lấy mấy cái bánh dẻo trắng tinh, tròn xoe như một mặt trăng ngọt ngào đến chảy cả nước miếng.
“À, còn cái này nữa.” Chợt nhớ ra gì đó, bà già lại lật đật vào nhà trong.
Còn chị bắt đầu xử lý cái bánh dẻo to tướng đựng vừa cái tráp đã được bà lão cắt thành nhiều miếng nhỏ hơn như chết đói mấy đời, vỏ bánh dẻo quẹo ngọt ngất ngư vẫn còn phảng phất hương hoa bưởi thoang thoảng, nhân đậu xanh và hạt sen sên đặc nâng vị ngọt lên một mức độ cao hơn nữa có thể khiến ta thấy nhức nhối cả đầu lưỡi.
Khi đi ra bà lão mang một cái bao giấy, bên trong là thứ bánh nâu nâu có hình chữ hỷ trên mặt.
“U mua của mấy thằng lái người Tàu, nghe nói thuyền người Tây Dương mang sang bán. Ăn thôi đừng kể với lão kia, lại bị chửi đấy.” Bà thì thầm với chị rồi bẻ đôi cái bánh nâu.
Chị cầm một nửa nếm thử. Vỏ cứng cứng ngòn ngọt, nhân là trứng muối mằn mặn. Sau khi đã ăn cái bánh dẻo ngọt lừ, ăn sang cái thứ bánh này thấy nhạt nhẽo quá. Bà lão cũng hơi chưng hửng, cầm phần tư cái bánh còn lại không biết nên làm gì. Biểu cảm của bà khi đó khiến chị suýt nhoẻn miệng cười, quả như người ta nói, con người có hai lần làm trẻ con.
“Không ngon như bọn nó kêu. Mấy quan tiền của u được ba cái.”
“Vẫn ngon mà u, ăn được đấy chứ.”
Bà bỏ nốt miếng bánh vào nuốt cho hết rồi lấy ngay một miếng bánh dẻo. Chưa kịp nuốt hết thì ông lão đột ngột ló đầu ra từ gian buồng làm việc và cất tiếng.
“Con nào kia? Mắt mũi tèm nhem quá!”
“Con đây thầy ơi!” Hiên lên tiếng.
“Cũng ngờ ngợ.” Nói rồi ông thu đầu về.
“Vào đi, thơ thẩn xong rồi đấy, cầm luôn bánh vào, lão thèm từ sáng mà u chưa cho ăn.”
Chị ra cái lu nước đặt một bên thềm nhà, rửa tay chân mặt mũi rồi vào gian buồng làm việc. Như phần còn lại của ngôi nhà, hay như chính hai ông bà sống ở đây, căn phòng dường như đã bị thời gian lãng quên, mọi thứ hoàn toàn không khác mấy so với những gì chị còn nhớ từ một năm trước. Hai mặt tường là sách chất chồng trên những giá tre, một mặt là cánh cửa và những đồ nghề trừ tà của ông lão, vẫn mới tinh như thể ngày hôm qua ông còn đi siêu thoát một con ma nào đó, an ủi một vị thần bực bội nào đó, hay dẫn lối cho một linh hồn lạc đường đang vào nhà dân gây náo loạn. Bức tường còn lại là cái cửa sổ có tấm mành nhiễu phủ đã được kéo ra cho ánh chiều tà rọi vào dìu dịu, cạnh cửa sổ là tấm phản nhỏ nhắn, trên phản là bàn gỗ bày đủ loại giấy viết đủ thứ kí tự từ chữ Hán, chữ Nôm, chữ Phạn, cùng với nghiên, hộp bút lông và cả một cái bút lông ngỗng cắm trong lọ mực.
Cái ông lão đang ngồi hí húi viết cũng vẫn y như ông lão lần đầu tiên chị gặp hơn mười năm trước trên một cung đường bùn lầy nhão nhoẹt giữa màn mưa trắng xóa. Ông lão có cái đầu hơi hói, trán bóng nhẫy mồ hôi, mái tóc đã bạc phân nửa cho sáu mươi năm cuộc đời đằng đẵng trên mọi nẻo đường, cái áo ngũ thân đã không còn sờn bạc đi nữa từ khi ông về vườn, hay như dân thầy phù thủy vẫn dùng là “chôn chân”.
Ông lão ngẩng đầu lên khi chị bước vào, mặt tươi roi rói.
“May mà về kịp, trung thu cứ có mỗi hai ông bà già lủi thủi chửi nhau buồn thiu buồn thối.”
Chị bẽn lẽn đặt cái tráp đựng bánh dẻo mời ông và cũng ngồi xuống đối diện.
“Năm ngoái con bị giữ chân mãi trên Lạng Sơn, lúc về được thì chả kịp nữa nên lại dạt qua Cao Bằng luôn.
“Nói thế thôi chứ thầy hiểu mà.”
Ông lão ăn một miếng bánh rồi nhấp một ngụm trà từ cái chén hột mít, tay bỗng dưng đặt bút lông vào nghiên mà ngồi thẫn thờ ra nhìn cái màu trắng mịn ngọt ngào cùng hương thơm thoang thoảng ngửi thôi đã thấy bị ngợp cả đầu lưỡi. Không rõ nghĩ gì mà ông thở dài đánh thượt.
“Sao thế thầy? Bánh không ngon ạ?” Chị hỏi làm ông hơi giật mình rồi lắc đầu nguầy nguậy, vừa để phủ nhận câu hỏi vừa để xua đi những suy nghĩ mới xuất hiện.
“Bánh ngon, mà không ngon bằng loại bánh thầy từng ăn hồi trước. Tự nhiên nhớ lại thèm, mà lại thương, lại giận.”
Chị biết ông sắp sửa bắt đầu một câu chuyện, liền ngồi xếp bằng lên trên phản, tự rót cho mình một chén trà và rót đầy lại chén của ông, rồi chăm chú chờ đợi.
*
Hồi thầy còn con nít thì bánh dẻo làng Tả Nếp là ngon nhất thiên hạ, nói chẳng hề ngoa một tí nào. Có thể hỏi người già khắp cái huyện này, thậm chí là cả Kẻ Chợ cũng khối người còn nhớ, ai ai cũng phải nói không một chỗ nào làm bánh ngon bằng làng Tả Nếp. Cái vỏ bánh trắng mịn ngời ngời, mặt bánh có hình cây đa và chú cuội, nhìn sao cũng thấy giống hệt mặt trăng đêm rằm. Vậy nên mới có đồn đãi bảo bánh làng Tả Nếp là được thằng Cuội mang xuống từ trên cung trăng. Thì cũng bởi người làng truyền tai nhau tích cổ rằng thực chất mặt trăng chất đầy bánh dẻo nên mới có cái màu trắng như thế còn mặt trời thì lại đỏ chót.
Mà cái gia đình chủ chốt của nghề làm bánh lại cũng gia truyền nghiệp thầy phù thủy, thế nên người ta càng tin, càng khiến bánh nổi tiếng thêm. Vỏ bánh không chỉ trắng đẹp, mà còn thơm lừng, mùi hoa bưởi quyện cùng cái ngòn ngọt của bột nếp rang vừa kĩ ngấm chặt nước đường, hít một hơi là thấy lâng lâng nuốt nước miếng đánh ực. Nhân thì ngọt dịu hài hòa với vỏ bánh, họ không làm bằng đường kính mà dùng đường hoa mai thanh thanh, thêm vài miếng mứt gừng nữa xóa nhòa hết cả cảm giác ngán khi ăn nhiều. Mà cũng làm gì có nhiều để ăn, mỗi năm họ chỉ làm vừa phải, cho họ hàng bạn bè rồi còn đâu mới bán, nên giá cũng đắt, người Tàu đến gom mua phần lớn, ra Kẻ Chợ bán giá gấp ba gấp bốn lần vẫn hết rất nhanh.
Thầy u thầy thì cũng đều là thầy phù thủy, quen biết cái gia đình đó nhiều năm, nên cũng may mắn được ăn thường xuyên. Mà không biết có nên gọi là may mắn không, bởi ăn nhiều quá rồi, giờ mỗi lần ăn loại khác lại thấy nhớ quá. Nghề làm bánh thì đã có từ nhiều đời trong làng rồi, nhưng ngon được đến như thế thì phải tới đời ông cụ thân sinh ra người bạn thầy u thầy. Hồi nhỏ thì cũng chỉ được thầy u kể lại giai thoại là sau một trận lụt lớn, ông cụ tới làng trừ con thủy yêu thì được nó dạy cho cách làm bánh ngon để được tha chết.
Đến đời thầy thì cũng tiếp tục có qua lại với người chủ bên đó, tuy hai nhà có quan điểm khác nhau về việc hành nghề phù thủy nhưng cũng chẳng ảnh hưởng mấy. Chúng ta chẳng đã quá quen với việc bị người khác dè bỉu rồi mà phải không. Lão đó tên Đán, hơn thầy một hai tuổi, từ nhỏ đã không ham thích mấy với nghề trừ yêu diệt quái, mà lại đam mê kinh doanh. Vào thời lão thừa kế gia sản thì cũng bắt đầu mở rộng công việc sản xuất, kéo theo cả làng cùng hùa nhau chạy theo. Thương nhân từ khắp nơi đổ về cứ mỗi độ tháng bảy, tháng tám, từ Kẻ Chợ, từ Phố Hiến, cả tận trong Kinh Kỳ, trong Gia Định cũng lần mò tới, có khi người Hoa còn đông hơn người Việt trong làng. Chỗ trọ trong làng không đủ thì các làng khác cũng được thơm lây. Thầy có bận vào Thanh Hóa cho một Quan Lang đúng phải dịp trung thu, cũng được mời bánh dẻo làng Tả Nếp, rõ là không hề tầm thường.
Nhưng cũng chỉ được vài năm, thảm họa xảy ra mười lăm năm trước, ừ đấy, ngay trước khoảng thời gian gặp con, chỉ nhớ những năm Minh Mạng thôi, mà cũng chẳng quan trọng. Năm đó lũ về sớm và nhiều, hai ba đợt đầu thì đê còn trụ được, nhưng nó cũng đã lâu rồi không được tu sửa, từ tận thời ông nội lão Đán trừ tà thì chẳng ai đả động đến nữa. Nước lũ lại dữ dội một cách bất thường. Đê vỡ, đồng ruộng mênh mông là nước. Lão Đán biết có điều bất thường, mà không giỏi việc trừ tà nên đến nhờ thầy. Lão trông tiều tụy lắm, ngồi bệt luôn xuống cái hiên nhà mà than thở.
“Năm nay mất trắng, nếp đã chín vàng mà bị lũ đánh rạp, cuốn trôi đi hết cả, mẻ bánh đầu tiên mới được làm cũng đi luôn với nước rồi.”
Bà Chính cố sức khuyên nhủ mãi lão mới chịu vào dùng cơm. Đêm đó thầy và lão bàn đến tận khuya. Hóa ra từ trước đợt lũ đầu tiên đã có dấu hiệu lạ, cái núi bên cạnh làng bỗng đâu đổ sương đỏ bầm, tất nhiên không phải ai cũng thấy, nhưng chỉ cần có chút căn cốt là phải giật mình sợ. Thầy mà được nghe nói sớm là biết ngay có thần nào nổi giận rồi, nhưng lão vốn không chăm đọc sách, thậm chí nhiều quyển đã dùng nhóm bếp nấu bánh rồi cũng nên.
Sáng sau ngay khi mặt trời lên là thầy và lão phải cuốn gói đi ngay.
Cả xã nằm ngay chỗ trũng, nước đổ vào như rót trà vào chén, tạo thành một cái hồ mông mênh nước cả là nước, nhà cửa bị cuốn theo dòng lũ quá nửa, cái còn lại thì chỉ chồi lên mái, thuyền bè đi lại như trên biển lớn, ấy vậy mà mưa vẫn ầm ầm đổ không dứt. Nhưng trên hết là một màn sương mù dày đặc lẩn khuất vào những hạt mưa, đỏ tươi như máu, lềnh bềnh như xác người chết trôi, âm ấm ran rát phả vào những kẻ có thể cảm nhận được nó, cảm nhận cơn giận dữ, sự thù hận, nỗi đau thương. Như cụ thân sinh ra thầy nói, sương đỏ là máu rơi cùng với nước mắt của các vị thần.
Việc của một thầy phù thủy khi đó chỉ có thể là đi theo màn sương mù, tìm đến nơi vị thần đang than khóc và giận dữ, nhưng lần này rõ ràng là khó khăn hơn, sương rất nhiều, cộng thêm mưa trắng trời, chẳng thể phân biệt chỗ nào sương dày chỗ nào mỏng. Nhưng thầy đã đoán chắc là một thủy thần nào đó ở con sông nên cứ men theo bờ sông mà tìm. Mà cũng phải mất ba ngày lần mò chống chịu lại dòng nước ào ào chảy.
Màn sương đỏ dày đặc nhất ở một khúc sông phình rộng hơn hẳn. Chèo thuyền trong điều kiện đó không phải là đơn giản, thầy và lão Đán thay nhau chèo rẽ qua màn sương tìm kiếm. Lão được nuôi dạy trong một gia đình thầy phù thủy nhiều ý tưởng không mấy thân thiện về các Linh, và vì chẳng mấy biết nghề nên càng mông lung hơn về những gì đang phải đối đầu, lão hăng say chửi mắng và mang theo những đồ nghề kinh dị.
“Ông nội tôi đã dùng sợi dây này để trói con thủy yêu mấy chục năm trước.”
Đó là một sợi dây nhuộm lẫn lộn sợi trắng sợi đen, một đầu gắn với một thanh sắt như hình mỏ neo chi chít hình vẽ âm dương và bát quái. Con chắc cũng gặp những dụng cụ kiểu đó vài lần rồi, vẫn còn rất đông thầy phù thủy theo con đường đạo sĩ, chúng vốn mang nhiều tính bạo lực.
Khi con thuyền gần đi tới giữa dòng, thì màn sương mù đã dày đặc đến nỗi không thể nhìn thấy gì phía trước nữa, tất cả chỉ có một màu đỏ trắng sáng lóa, rồi đến cả tiếng động cũng bắt đầu nhỏ dần lại như thể được nhốt kín trong một cái bình. Khi sự im lặng ập đến, ai trong hoàn cảnh đó cũng phải cảm thấy sợ hãi, không ít thì nhiều, thầy đã từng trải qua nhiều lần như vậy nhưng còn chẳng kìm được một cái rùng mình. Lão Đán sợ đến run cả người, ôm khư khư cái mỏ neo trước mặt lia qua lia lại nhìn quanh quất qua màn sương đang tản mát dần còn mưa thì chẳng thấy đâu nữa.
Căn nhà nhỏ hiện ra từ từ, mờ mờ rồi rõ nét dần trước mặt chúng ta, con thuyền tự nó lướt trên mặt nước mà chẳng cần ai chèo kéo. Căn nhà bằng gỗ với những cái cọc to nâng nó lên khỏi mặt nước, chỉ có một gian duy nhất, mái lợp ngói đầy rong rêu và cả ốc sò bám đầy như thể đã nằm dưới lòng sông biết bao năm trời. Con thuyền đạp nhẹ vào một bậc thang ngay trước cửa chính chạm hình hai con cá sấu cắn đuôi nhau. Chúng ta chần chừ chưa dám bước lên nhà, con thuyền cứ đập nhè nhẹ vào những bậc thang như mời gọi.
Cuối cùng thì thầy cũng đứng dậy, quay lại về phía lão Đán mặt vẫn đang sợ sệt nhìn quanh, hất hàm về phía căn nhà và dợm bước.
Ngay khi cả hai đứng vững trên sàn ngoài căn nhà thì cánh cửa bỗng chốc bật tung, và chúng ta bị một bàn tay vô hình tóm lấy kéo nhanh vào trong. Tất cả chỉ mất một cái nháy mắt mà chẳng ai kịp trở tay gì cả. Vẫn bị túm chặt, chúng ta đối mặt với chủ nhân nơi đây, đó là một con cá sấu to bằng một con voi và dài gấp đôi, máu chảy ra nhuộm đỏ làn da vốn có màu xám, máu của sự giận dữ tha hóa tiếp thêm vào nỗi đau khổ của vị thần, đôi mắt chỉ còn một vệt xanh nhỏ ở giữa còn lại thì đã trắng xóa. Tiếng nói của nó lớn, gằn từng chữ rất khó khăn.
“Kẻ... nào...? Con người sào…?”
Cái miệng đầy răng lởm chởm to bằng cả cánh tay người lớn ngoác rộng thành một điệu gầm đáng sợ, cái đuôi đập qua đập lại, âm thanh và lực đập làm căn nhà rung rinh, và cả mặt nước bên dưới động đậy vỗ ầm ầm.
Thầy vẫn trong tình trạng bị bàn tay vô hình nào đó nắm chặt, cố lấy lại giọng để nói chuyện với vị thần giận dữ.
“Thưa vị thần của dòng sông! Con người hèn kém chỉ mong muốn diện kiến ngài và lau sạch những vết máu đang làm ngài tức giận, những giọt nước mắt từ sự đớn đau. Dẫu biết chỉ là nhân loại đoản mệnh bất hạnh cũng xin được giúp ngài một tay.”
Vị thần có vẻ bắt đầu rung rinh, ông ta lặng yên một hồi lâu, không còn nhe răng giương vuốt đe dọa nữa, có lẽ đang đấu tranh dữ dội với những suy nghĩ giận dữ tha hóa trong đầu mình. Một khởi đầu tốt hơn mong đợi của thầy, lúc đó hẳn là vị thần cũng muốn được giúp đỡ, hẳn phải có một mục đích nào đó mới khiến cho mọi việc đi xa đến như vậy. Thầy bắt đầu thấy mừng thật sự khi mà màu trắng của đôi mắt đang lùi dần cho màu xanh thẳm rừng già quay trở lại. Vị thần lấy lại thần tính của mình, còn bàn tay vô hình hơi nới lỏng. Nhưng rồi mọi chuyện kết thúc thật kinh khủng.
Lão Đán không hề biết về những phương pháp chúng ta vẫn dùng để xua đuổi sa ngã trong những vị thần, ông ta cùng cả cha ông mình đều có cái nhìn hạn hẹp và vô cùng... con người về những vị thần tự nhiên, mà theo họ là đều đáng bị tiêu diệt như cả lũ quái còn chẳng hiểu tiếng người. Và ông ta sợ hãi nữa, ông ta tưởng thầy đang gây sự chú ý.
Chẳng hề báo trước, chiếc mỏ neo được tung ra. Nó như có sức hút mạnh mẽ với vị thần và nhanh chóng cắm ngập vào da thịt ngài, sợi dây thừng ngay lập tức quấn quanh thân hình to lớn ngập máu trong sự quằn quại và gầm rú. Thầy cố sức ngăn ông ta, nhưng chẳng được gì, thứ vũ khí kinh tởm đó chẳng cần ai điều khiển mà vẫn siết lấy vị thần thật chặt, thật chặt, máu ứa ra và màn sương mù đỏ bao phủ khắp căn nhà. Khi mà miệng vị thần bị bịt mất, căn nhà đổ ụp xuống mặt nước bên dưới. Thầy chỉ còn biết quẫy đạp để không chìm xuống giữa một rừng sương mù đỏ, chỉ có một màu đỏ ngập tràn tất cả, trong sự im lặng đến đông cứng. Thầy vẫn cảm thấy mặt nước, thấy những lau sậy bèo rêu nhưng lại không thấy tiếng nước tung tóe, không thấy những giọt nước bay lên trời. Bức màn đỏ phủ lên bít kín mọi ánh sáng và âm thanh.
*
Bao nhiêu năm rồi mỗi lần nhớ lại thầy vẫn khóc, nhưng không sao bằng chính cái hôm đó. Thầy nghĩ không chỉ nỗi buồn của riêng thầy trong những giọt nước mắt đó, mà còn là nỗi nuối tiếc của vị thần đáng thương lúc cuối đời. Thầy khóc thay cho cả sinh linh tội nghiệp đó, cứ thế mà nức nở. Thật là từ lúc cai sữa mẹ đến đó chưa bao giờ thầy lại khóc nhiều đến như vậy.
Sau đó thì thầy ngất đi, tỉnh dậy đã thấy nằm ở đình làng. Khi mưa tạnh họ vớt được hai người bọn thầy bên bờ sông. Lão Đán tỉnh dậy là cười toe toét, lão sung sướng lắm, lão bắt đầu khoe khoang về “thành tích” của bản thân. Tất nhiên là dân làng hoàn toàn nghĩ rằng lão vừa làm được một điều kì diệu, lặp lại điều ông nội lão đã làm. Thầy thì giận lắm, thầy biết là chỉ cần thêm chút nữa thì đã không phải mất đi một vị thần như vậy. Chăng nói gì, thầy chỉ lặng lẽ nhận chút đồ ăn đi đường rồi về luôn.
Suốt một năm sau đó không hề liên lạc gì với lão Đán cả. Chỉ loáng thoáng nghe nói cả xã đó lâm vào nạn đói. Sau đợt lũ, triều đình có mở kho lương nhưng chẳng thấm vào đâu, thế mà lại tiếp tục phải chịu hạn hán. Một năm trời không có một hạt lúa nào nảy mầm chứ đừng nói cái để ăn. Người ta bắt đầu tứ tán khắp nơi, nghe những người chạy nạn kể thì lão Đán cũng khổ lắm rồi đang chết mòn ở nhà mà vẫn nhất quyết không chịu dời đi. Thế là vì nể tình xưa nghĩa cũ, thầy cũng đi một chuyến xem có giúp được gì không.
Chỉ cần đặt chân đến là thấy sự khác biệt rõ ràng, nắng rát đầu, đất cằn cỗi toàn cát là cát, và đặc biệt là cái cảm giác thiếu thốn một cách dữ dội ập vào, thiếu sự hiện diện của Linh. Nếu là ở những nơi khác, người có năng lực tâm linh như chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp một hai vị thần, có thể chỉ là hòn đá lơn lớn đã dầm mưa dãi nắng vài trăm năm được tôn kính làm nơi cho một vị thần nào đó trú ngụ, có thể là một con chó đá bên vệ đường mà vị thần nào đó giành được để nhận hương hỏa, hay đơn giản là một con ma vô ưu vô lo lững lờ trôi dạt từ nơi này đến nơi khác chờ ngày thành thần, và cả lũ quái nữa, chúng lúc nào chẳng nhung nhúc khắp nơi. Nhưng ở đó, tuyệt đối không có một dấu hiệu gì.
Chắc hẳn con phải hiểu cảm giác của thầy khi đó, một nỗi kinh tởm nào đó trồi lên từ trong ruột. Một vùng đất bị Linh sợ hãi, bị bỏ rơi, bị quên lãng. Chẳng có gì lạ khi nó trở nên điêu tàn như thế này. Ban đầu thầy nghĩ là do vụ giết thủy thần năm trước mà Linh đều sợ hãi bỏ chạy hết. Nhưng càng nghĩ càng thấy không đúng. Sự thật là, ở cái thời buổi này, các vị thần bị giết mỗi ngày nhiều đến mức đau lòng, ngày càng nhiều thầy phù thủy có cùng suy nghĩ như lão Đán và gia đình lão, coi bất cứ thứ gì vượt quá tầm kiểm soát là cần phải bị tiêu diệt. Và chắc chắn là không vì thế mà những vùng đất đó bị tất cả Linh xa lánh. Vậy là còn một nguyên nhân sâu xa nào đó mà thầy chưa tìm ra.
Dấu hiệu của Linh đầu tiên mà thầy thấy được là khi bước tới gần nhà lão Đán, một vệt sương mù đỏ nhàn nhạt bảng lảng giữa bầu trời xanh nhức nhối.
Chẳng có gì khó khăn để nhận ra vệt sương đó bắt nguồn từ ngôi nhà lão Đán, bởi nó lớn nhất, cao vượt lên những túp lều tranh lụp xụp khác, chỉ kém đình làng một chút thôi. Ngôi nhà rộng theo hình chữ nhị, nhà chính có thêm một gác mái làm nơi thờ tự tổ tiên. Bao quanh là những bức tường gạch đồ sộ, cánh cổng gỗ lớn nặng nề chạm trổ tinh xảo.
Căn nhà trông bừa bộn hoang vu một cách khủng khiếp. Một cánh cổng nằm chỏng chơ, khóa vỡ nát. Sân thì đầy lá cùng với đủ thứ rác rưởi như thể đã bỏ hoang từ lâu lắm rồi. Ngay khi bước vào, thầy đã thấy vệt khói nghi ngút tỏa ra từ bếp. Nó tạo một cảm giác kì cục, lẻ lỏi và sầu thảm, cái nắng gắt gỏng làm vệt sương thẫm màu hơn, còn không gian căn nhà nhạt nhòa đi cô liêu tịch mịch. Ngôi làng gần như đã bị bỏ hoang, im lặng ngột ngạt, vậy mà đã từng có thời nó rất nhộn nhịp, nhất là những dịp trước rằm tháng tám, tiếng người ta í ới nhau kêu cùng làm bánh, tiếng chày giã, tiếng cười lanh lảnh của đám trẻ con được nếm thử mẻ bánh đầu tiên. Giờ, cả một tiếng chó sủa cũng không có.
Cửa bếp bật tung khỏi bản lề, ánh nắng chiếu vào một dáng hình co quắp run rẩy ngồi một xó, mặt úp vào đôi tay, thỉnh thoảng người đó lại nấc lên một tiếng. Khi thầy bước vào che đi ánh sáng, người đó ngước mặt nhìn lên, buông một tiếng thốt nửa như ngạc nhiên, nửa như mừng rỡ.
“Ông đến rồi, ông đến rồi, tốt rồi, tốt rồi…”
Mắt lão Đán nhìn thầy hấp háy, nước mắt ầng ậc trào ra long lanh rồi tràn khỏi bờ mi lăn dài trên đôi má đen nhẻm hóp lại chỉ có da bọc xương. Miệng lão méo xệch, mếu máo như con nít đi lạc gặp lại được bố mẹ.
“Chuyện gì đã xảy ra?” Thầy hỏi, lòng đấu tranh dữ dội giữa thương hại và thỏa mãn.
“Bọn chúng là lũ cướp khốn kiếp, lũ bất nhân máu lạnh... Tôi chỉ lấy một đấu gạo nếp... nấu bánh thôi... thế mà chúng đánh tôi... máu nhiều lắm... tôi thèm một miếng bánh... hôm đó là trung thu…”
Lão hấp tấp nói những thứ chẳng có đầu có đuôi gì cả, mắt cứ trợn tròn liếc ngang liếc dọc, đầu lắc nguầy nguậy, đôi bàn tay bấu vào đầu gối trắng bệch.
“Chúng là ai?”
“Bọn buôn gạo... chúng nhiều gạo lắm... tôi thì chết đói... và tôi thèm một miếng bánh... hôm đó là trung thu…”
Tất nhiên bọn buôn gạo ấy là thương lái Tàu, dù triều đình cấm bán gạo ra ngoài, nhưng họ biết cách luồn lách cửa quan để tích gạo mang về nước, khắp cả xứ này đâu đâu chẳng vậy. Nếu chắp nối lại thì có thể hiểu là lão Đán thèm bánh dẻo quá mà ăn trộm gạo rồi bị đánh ra nông nỗi như thế.
- Việc gì mà phải khổ sở thế, vì miếng bánh mà khổ sở? Sao không bán quách căn nhà đi, chắc cũng sẽ có người mua chứ?
Lão trợn ngược con mắt, như thể cái điều thầy nói gần giống với hỏi sao con cá không bỏ sông mà lên bờ sống.
“Sao mà bán... không được mất công thức... yêu quái trong bếp... bánh dẻo ngon…”
Thật khó khăn để lão có thể nói hết những câu nói chẳng đâu vào đâu, và mất chừng đó thời gian để thầy chắp nối lại, thêm một khoảng lặng thật lâu nữa để vỡ ra được. Và thật là một nỗ lực phi thường để không đấm vào cái gò má trơ xương của lão, mà chỉ gằn từng tiếng khó nhọc chẳng kém gì lão.
“Sao... các người... dám... nhốt một vị thần... lũ khốn…”
Và ngay lập tức thầy quay đầu tìm kiếm, không chỉ có một bí mật được phát lộ.
Vị thần có dáng vẻ của một đứa trẻ mười tuổi, da xanh tái, tóc trái đào bồng bềnh như đang bơi trong nước. Ngài bị buộc vào cột nhà bếp bằng sợi dây thừng trắng đen và bùa chú, từ chỗ da thịt bị sợi dây thít chặt đang tỏa ra nhè nhẹ những cột khói. Ngài ngồi khuất phía sau cây cột nên lúc đầu thầy chưa để ý.
Sau khi được tháo sợi dây, làn khói biến mất, vị thần ngồi vắt chân kiểu kiết già lơ lửng trên mặt đất khoảng gang tay, cười mỉm khó hiểu với thầy.
Thầy liền quỳ xuống dập đầu lạy.
“Con người hèn kém yểu mệnh thay mặt những kẻ ngu xuẩn đáng ghê tởm kia xin được ngài lượng thứ cho tất cả những hành động độc ác của họ. Mong ngài cứu giúp miền đất này, mang Linh trở lại để cho mưa cho nắng ôn hòa.”
Phải một lúc thật lâu, vị thần cứ nhìn thầy bằng ánh mắt trẻ thơ như thể ước lượng xem con chuồn chuồn có đủ gần để nhảy vào bắt hay không. Cuối cùng, ngài gật nhẹ đầu, thầy mừng như vứt được hòn đá trong bụng, lại dập đầu lạy.
“Vậy, mọi chuyện là như thế nào, thưa ngài?” Thầy hỏi thêm sau khi đã lạy đủ.
“Ta vốn cai trị đoạn sông này bao đời nay.” Vị thần nhẹ nhàng nói, giọng ngài không biểu lộ bất cứ thứ gì. “Lần đó, một ác thần mang dịch châu chấu đến gây ra một nạn đói khủng khiếp. Ta cùng các đệ tử không thể đứng nhìn nên ra tay diệt trừ gã ác thần. Nhưng không may là, phép thuật của chúng ta làm mưa liên tục, đê lại đã quá lâu không được tu sửa, vậy là khi diệt được ác thần thì lũ lớn đã về. Gã thầy phù thủy đó tới, giết rất nhiều đệ tử của ta, bản thân ta phải chấp nhận giúp gã làm ra những chiếc bánh dẻo ngon nhất mới thoát chết.”
“Vậy vị thần cá sấu đó...?”
“Ừ, đệ tử duy nhất sống sót của ta, thật tội nghiệp…”
Đôi mắt trẻ con không hề có một giọt nước nào rơi ra, khô khốc như chẳng còn gì có thể làm nó thay đổi được nữa.
Cả thầy và vị thần đều im lặng một lúc lâu như gửi một lời khóc thương đến những vị thần đã hy sinh cho sự ngu xuẩn của con người. Riêng thầy thì còn cả một lời xin lỗi nữa, đáng lẽ gia đình thầy phải nhận ra có gì đó không bình thường trong căn nhà này, chúng ta đã đến đây biết bao nhiêu lần.
Cuối cùng vị thần nhẹ nhàng phá tan bầu không khí im lặng.
“Ta có thể đưa hắn đi cùng, hắn nên bước tiếp trước khi trở thành ác linh.”
Thầy nhẹ nhàng rầu rĩ nhìn bóng dáng co ro nơi góc bếp giờ đã là cái xác đẫm máu ngay dưới cây cột.
*
Khi nghe xong câu chuyện của ông lão, chị cảm giác mấy miếng bánh trong ruột đang cồn cào nhảy nhót, miệng thì chẳng còn ngọt nữa mà ứ lên một vị đắng ngắt đến rùng mình.
Bình luận
Chưa có bình luận