Bố tôi gật gật đầu. Ra khỏi nhà ga, ông giật cái mũ đang treo ở thắt lưng ra trùm lên đầu tôi. Mẹ tôi tìm trong túi ra cái ô gập, cả bốn người dừng trên vỉa hè. 5 giờ chiều nhưng nắng hè vẫn phủ vàng xuống trung tâm thành phố - quê nội tôi. Nhà ông bà nội cách ga khoảng 1 giờ đi xe.
"Ba mẹ con đứng đây nhé, bố ra gọi taxi.”
Đặt đống đồ nặng trĩu xuống, ông nhanh chóng chạy ra gần ngã tư, chỗ đấy nhiều bác tài xế đang nghỉ chân uống nước hoặc hút thuốc. Tôi thấy đằng xa bố tôi dừng lại dưới một bóng cây, ông gõ gõ mấy cái vào cánh cửa xe, bác tài ngó đầu ra ngoài, trao đổi gì đó. Một lúc sau ông chạy về chỗ mẹ con tôi, vẻ mặt hớn hở vội vã xách đồ lên.
"May quá mẹ nó ạ, thằng Quỳnh, con ông Tư cùng làng lái xe taxi đấy. Lâu không gặp, chẳng còn nhận ra nó nữa, ba mẹ con đi theo bố.”
Thế nào mà trong cái rủi lại có cái may, trước đó ông hỏi mấy xe đều bảo đã nhận khách rồi, tôi còn tưởng phải đi xe bus về thật. Luồn lách qua hàng người chật kín, có mấy chú xe ôm ra chèo kéo, nhưng khi biết chúng tôi đón taxi thì họ lại quay ngoắt đi, ánh mắt lườm nguýt cứ dong dỏng nhìn theo gia đình tôi.
Nhưng tôi không quan tâm lắm. Đi taxi vẫn thích hơn.
"Thằng Trung lớn quá nhỉ, học khá không cháu?”
"Dạ, cháu học cũng được ạ!”
Tôi đáp lấy lệ rồi cũng chẳng biết nói gì nữa. Chắc ngày trước tôi từng chơi cùng chú Quỳnh nên chú hẳn là vẫn nhớ tôi, còn tôi thì không nhớ nổi. Thằng em tôi nằm gọn lỏn trong lòng mẹ hút hộp sữa vẫn còn dở buổi sáng.
"Sao chú không hỏi cháu?”
Thằng Hoàng ngồi dậy, nói với lên bằng giọng ngọng líu, ngang ngang của người miền Nam. Mắt nó vẫn dán lên phía ghế chỗ chú Quỳnh ngồi.
"Nhìn cu cậu là chú biết giống bố Huy rồi. Ha ha.”
Nó tròn mắt nhìn. Mẹ tôi cười hiền, xoa xoa mái tóc tơ của nó, ai cũng bảo nó trán cao giống bố, còn tôi thì mũi cao giống ông nội. Nhiều người bảo mẹ tôi sinh thêm em gái, bà cũng chỉ cười bảo: "Hai đứa đã khó nuôi rồi, thêm đứa nữa thì trông thế nào được."
Bà nói vậy thôi, thật ra bà thương bọn tôi lắm…
"À mà, làng mình vẫn thế hả?”
Bố tôi hỏi nhỏ.
"Vâng, mấy năm qua nhiều công ty về khảo sát xong vẫn chưa thấy xây dựng được gì cả.”
Câu chuyện lửng lơ chấm dứt như thế, hai người đàn ông không nói thêm gì, họ chuyển chủ đề qua mùa màng và vài câu chuyện linh tinh khác. Tôi cũng chỉ được nghe đến đấy, không biết bao năm qua làng tôi đã xảy ra chuyện gì.
Chúng tôi về đến đầu làng khi trời đã vào chiều muộn. Vài tia nắng yếu ớt đổ xuống cánh đồng từ đám mây đen sì đằng xa.
Mấy cây bạch đàn trồng hai bên đường đồng lao xao, hương lúa vừa gặt thoang thoảng man mát, dấy lên cảm giác thân quen từ tận đáy lòng, giống như là một phần máu thịt của tôi vậy.
Đột nhiên trời bắt đầu nổi gió, phía xa cơn giông đen ngòm đang ngùn ngụt kéo về phía chúng tôi. Trận gió lớn tạt ngang tốc bay cả bụi và rơm rạ, lọt cả vào trong ô tô. Cơn giông bất chợt cảnh báo rằng thời tiết có thể sẽ mưa dài ngày.
Tôi bồn chồn ngồi không yên, vì nãy uống quá nhiều nước sấu nên giờ bụng tôi khá khó chịu, để lâu hơn nữa thì tôi e là mặt mũi của tôi sẽ không thể lấy lại nữa.
"Chú Quỳnh ơi, chú có thể đi nhanh hơn không? Cháu… Cháu mắc tè quá!”
Bố tôi quay xuống lườm tôi một cái, mẹ tôi cũng nhẹ nhàng nhắc nhở. Nếu như có cãi lỗ ở đấy thì tôi cũng chui xuống.
Chú Quỳnh cười phá lên rồi đạp chân ga thêm một chút. Cảnh vật hai bên đường vụt qua trong nháy mắt, tôi không biết nghi ngờ của tôi có đúng không, nhưng tôi luôn cảm thấy có điều gì đó trong lần "lại xứ" này.
Xe chúng tôi dừng trước cổng nhà ông nội khi những hạt mưa bắt đầu rơi lách tách trên mái tôn. Trời sẩm tối khiến con đường làng vốn đã vắng người nay lại càng trở nên hẻo lánh.
Bố tôi trả tiền xe cho chú Quỳnh rồi vội vã kéo đồ vào giữa sân. Con Mực thấy người lạ thì sủa vống lên, ông bà nội từ trong nhà thấy các con về, dù chưa thấy hình nhưng đã thấy tiếng. Ông bà mừng rỡ mau chóng kéo chúng tôi vào nhà, lấy khăn rồi lấy nước ấm cho chúng tôi rửa mặt.
Khi tôi bước vào căn nhà hai tầng, căn nhà mà bố mẹ tôi gửi tiền về năm ngoái nhờ bác Oanh - anh trai của bố tôi xây lại cho ông bà.
Trông nó mới toanh, cái đèn tuýp sáng rực rỡ, bên trong đầy đủ đồ đạc cả mới lẫn cũ, điều bất ngờ hơn là ở đây ông bà cũng có tivi. Vậy là nó không hề buồn chán như tôi nghĩ.
"Con đưa các cháu về thăm ông bà, với gửi ít quà biếu.”
Bố tôi nói với giọng nghẹn ngào, hai mắt ông ầng ậc nước. Ông lao vào vòng tay của bà nội tôi, bà tôi xoa đầu rồi vỗ vỗ tấm lưng tôi từng nghĩ nó vững chãi nhất trên cuộc đời. Có lẽ bà biết bao năm qua bố tôi từng mặc cảm, từng vất vả như thế nào mới được như ngày hôm nay.
Tôi và mẹ tôi cũng khóc. Còn thằng Hoàng thì đứng ôm chân mẹ tôi.
"Vất vả cho bọn bay rồi, ngồi xuống đi.”
Bà tôi vừa nói vừa rút cái khăn nhỏ ở túi áo lên lau nước mắt. Trên khuôn mặt khắc khổ với những nếp nhăn hằn sâu trên trán, mắt bà đã mờ đi nhiều nhưng nụ cười hiền hậu và ánh mắt trìu mến nó vẫn gợi cho tôi nhiều ký ức đẹp.
Bố mẹ tôi ngồi đối diện với ông bà, còn tôi thì ngồi cạnh ông, ông tôi vừa hỏi han vừa vỗ về tôi động viên. Vẫn là đôi bàn tay khô ráp già nua mà hồi bé tôi hay được xoa đầu mỗi khi nô đùa gần ông.
Bây giờ tôi mới có dịp để quan sát kĩ ngôi nhà. Nó không rộng lắm, trên cái bàn gần cửa ra vào là một cái quạt điện đã hoen rỉ, nhưng vì nó đã theo ông bà cả chục năm nên họ tiếc của vẫn còn giữ dùng đến bây giờ. Rồi cái tủ lệch với tấm kính đục ngầu có thể kéo sang hai bên, bên trong là những tấm ảnh cũng phải mười năm tuổi rồi.
Có những đồ vật mới, nhưng cũng có những thứ tôi chưa từng có kỉ niệm gì với nó… Tôi ngẩng lên thì thấy bốn góc trần là bốn tấm giấy nhỏ màu vàng, bên trên có chữ gì đo đỏ, vật này thì không có trong kí ức của tôi, kể cả là ở trong căn nhà cũ cũng vậy.
Một lúc sau bà đứng dậy chuẩn bị dọn cơm, mẹ tôi cũng phụ với bà. Ngoài kia là cái lán bếp nằm gần khu vườn nhỏ mà bà tôi hay vãi rau ở đấy. Còn bây giờ thì nó đã chuyển vào trong nhà, và dùng gas thay vì phải đun bếp củi như hồi xưa.
Từ bếp thông ra vườn bằng một cánh cửa sắt đã cong vênh vì sử dụng nhiều, mỗi khi chạm tay vào nó sẽ đập lùng bùng như sấm. Có một lỗ tròn to gần cái chốt ngang cửa để đưa tay mở ra mở vào, tôi ghé mắt vào gần để nhìn ra ngoài vườn.
Trời mưa to, nên tầm nhìn của tôi bị hạn chế, chỉ thấy bên ngoài là một mảng xam xám của nước mưa, mấy cây chuối lắc lư tấm thân mỏng manh bởi sự va đập của cơn mưa xối xả.
"Nhìn gì mà hăng say thế, vào ăn cơm thôi!”
Mẹ tôi vỗ vai làm tôi giật nảy mình. Bà đang bê một mâm cơm với hương thơm của gia vị khỏa lấp trong khứu giác tôi. Nó làm cho cái dạ dày trống rỗng của tôi bắt đầu co bóp.
"Vâng!”
Tôi mau chóng bê nốt bát canh trên bàn bếp, rồi đi theo mẹ. Chúng tôi có một bữa cơm sum họp đầm ấm sau nhiều năm xa cách.
Khi ấy, tôi không thể biết rằng trận mưa chào đón chúng tôi hôm nay đã mờ màn cho một chuỗi bi kịch tối tăm không nhìn thấy ánh sáng.
Bình luận
Chưa có bình luận