Ai đem con sáo sang sông


Ngày hè lững thững trôi, nắng cần mẫn đem màu vàng nhuộm lên từng cánh đồng chắc tại nắng biết bà con trông ngày màu lúa được vàng như màu nắng xiết bao chỉ có mưa là tha thẩn hoài, nó hồn nhiên bỏ xứ đi biền biệt, lâu thiệt lâu mới về mà có bữa nó thăm chừng chốc lát nhiễu hột rào rào rồi ngưng bất chợt, vẽ được nữa cái "móng chuồn" đẹp đẹp bắt qua sông cho tụi con nít khoái chí nhảy lưng tưng chỉ trỏ nhau hú hét đã đời, mưa lại đi chơi mất biết. Bác Ba Khương đang lúi cúi nhổ cỏ đuôi phụng giữa ruộng phải ngưng lại vén cái nón tai bèo ướt nhẹp lên, gương mặt đen bóng hơi nhăn lại mà cái miệng bác Ba cười tươi rói:

"Mưa gì mà lãng nhách hén tụi bây!"

Hai vợ chồng nhà Tám Chiêm đang tát gàu cặp mé kinh vui vẻ đáp lời:

"Chắc mưa nấm mối đó anh Ba ơi!"

Được cái là mấy lần đó đồng xanh cũng kịp tắm mát, lớp nước mỏng như sương đọng lại trên những nhánh lúa mới trổ bông làm cho những chuỗi hạt lem lép non mơn mởn thơm mùi sữa kia nhìn dưới nắng óng ánh, long lanh như những hạt ngọc trời. Có đủ mưa, đủ nắng, có những giọt mồ hôi sớm hôm rơi xuống thì mấy cây lúa lớn nhanh thôi. Y như tụi nhỏ xứ này, mưa thì tụi nó tắm mưa, nắng thì tụi nó cũng để đầu trần chạy nhong nhong đi chơi rồi được nuôi lớn bằng mồ hôi và có khi bằng cả nước mắt của cha mẹ. Lúa lớn nhanh hơn, một vụ chừng ba, bốn tháng còn tụi nó phải đợi thêm bao năm dài tháng rộng nhưng mà cũng có đứa chưa kịp lớn thì đã bị ép thành người lớn mất rồi.

"Ngoại ơi, chị Nhiên sắp đi lấy chồng thiệt hả ngoại?"

Thương ngồi xếp bằng, mặt mày buồn xo tay bưng tô cơm trắng còn nóng hổi có hai khứa cá lóc kho tiêu thơm dậy lỗ mũi. Nó cầm muỗng xắn tới xắn lui mà nãy giờ chưa đưa miếng nào vô bụng. Thương hỏi ngoại vậy thôi chứ nó biết hết, biết chị Nhiên sắp lấy chồng thiệt nên nó mới buồn.

Chị Nhiên hiền lắm, giọng chị lúc nào cũng thỏ thẻ nhẹ nhàng. Dáng thì mỏng manh, cao dong dỏng mà chị toàn mặc mấy bộ đồ bộ in bông tím, bông đỏ, bông hồng, lá xanh rộng thùng thình không thì là mấy bộ mà áo chật nít chỉ đủ che ngang rún còn quần nhách lên qua khỏi mắt cá chân làm tay chân chị càng lêu khêu tại ai cho gì thì chị mặc cái đó. Nhiều người quở chị Nhiên "Con gái con lứa mà để ốm nhom như cò ma", "Hình nộm đi đâu vậy hình nộm" chị Nhiên hổng có buồn, hổng có giận ai hết. Chị cong cong khóe môi cười mỉm chi, mắt cũng cong cong như vầng trăng khuyết duyên hết biết chị trả lời "Dạ con đi mua dầu hôi", "Dạ con tính đi hái nấm tràm về nấu cháo cho ba con". Có lần chị kể mấy năm trước còn được đi học, chị bị bạn ghẹo miết "Nhiên bận đồ mu đen (model) quá ta" cũng tại chị bận hoài cái bộ đồ áo trắng, quần tây xanh mẹ chị mua cho năm lớp 1 hồi chị đã lớp 4.

Hồi đó Thương hổng biết nên hỏi: "Kì dạ? Mẹ chị hổng có mua đồ mới cho chị nữa hả?"

Chị Nhiên rũ mắt xuống nhìn bàn chân nổi ghẻ của mình trên đất "Ừa" một tiếng thiệt nhỏ.

"Mà mẹ chị đâu rồi? Sao nào giờ tụi em hổng thấy ta?"

"Mẹ chị dắt em chị bỏ đi rồi, đi đâu hổng biết nữa."

"Sao chị hổng đi theo mẹ dạ?"

"Chị có chạy theo mà mẹ chị hổng cho, biểu đi về đi mai mốt mẹ đón."

Thương thấy chị Nhiên thổn thức nhìn ra xa, đôi mắt trong veo gợn lên sóng nước nó học cách ngoại dỗ dành:

"Chắc mẹ của tụi mình giống nhau đó, mai mốt thế nào mẹ chị cũng về đón chị còn mẹ em thì về đón em, bởi vậy hai đứa mình đừng có buồn hén!"

Ngoài miệng Thương nói vậy mà trong lòng nó trách sao mẹ chị Nhiên không sớm về rước chị đi để chị ở nhà bị chú Búa đánh hoài tội nghiệp. Chú Búa là ba ruột của chị Nhiên, bình thường cứ nhậu xỉn là chú chạy chiếc xe Chaly đi quanh xóm gặp ai là kiếm chuyện với người đó nên cứ nghe tiếng xe nổ "tạch tạch" vang trời hoặc thấy bóng dáng người đàn ông để đầu đinh, lùn lùn, đen thui, ốm nhách, miệng lè nhè đang đi té nghiêng té ngửa tới là đám con nít tụi nó sợ lắm, lật đật trốn vô nhà hết, người lớn cũng né đi cho bớt chuyện. Chú Búa về tới nhà thì lôi chị Nhiên ra đánh, lần thì do chị đi mua rượu về chậm, lần thì do chị nấu cơm nhão còn bình thường thì "Nhìn bản mặt mày giống mẹ mày, thấy là ứa gan". Mấy lần chú Búa cáp kèo với ông Chinh trên cống Cây Chò là như đóng cọc ở trển, nhậu cho mút chỉ hết biết trời trăng mây gió gì có khi tận hai, ba ngày không về. Lúc đó Thương, con Tiên sún với mấy đứa trong xóm mới dám lại nhà chơi với chị Nhiên. Chị làm cô giáo còn tụi nó làm học trò. Chị lấy lọ làm phấn viết chữ trên vách đất, cả đám nhỏ lót dép ngồi ngay ngắn đọc theo chị. Bên hè căn nhà nghiêng nghiêng văng vẳng tiếng con nít ê a học bài "Chữ a, chữ bờ, chữ cờ..." rồi chốc lát lại nghe thấy tiếng đọc truyện êm ả của chị Nhiên: "Một hôm, nhân mùa hái quả, An Tiêm khắc tên mình vào quả dưa rồi thả xuống biển, nhờ sóng biển đưa vào đất liền. Một người dân nhặt được đem dâng vua..."

Gió đưa gió đẩy hàng tràm bông lao xao, bông tràm vàng chao liệng đáp xuống trên những bính tóc cả trên cái đầu ba vá của thằng Út Mót mà tụi nó đắm chìm trong câu chuyện Hai Bàn Tay trong cuốn Truyện đọc lớp 1 mãi không đứa nào hay. Chị Nhiên nói nếu giờ mà ông nội chị còn sống chắc chị vẫn còn được đi học, chị nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô bạn bè lắm. Ngày đưa ông nội đi chôn về chị chợt nhận ra ước mơ sau này lớn lên được làm cô giáo của chị vụt tắt rồi, giống như ngọn đèn dầu mất tiêm, mãi mãi không thể thắp sáng lên được nữa.

Có những ngày đám cò trắng bay trên đầu còn chị Nhiên với tụi nó tung tăng chạy nhảy, rong ruổi giữa đồng mênh mông. Chị Nhiên dắt cả đám đi hái bình bát, hái cà na, táo rừng hoặc xuống mé mương lấy đất sét nặn thành mấy con trâu, rổ trứng, cái chén, cái nồi, cũng có lúc chị xé giấy tập cũ, vót tre làm diều cho tụi nó chơi, cứ vậy chiều chiều dọc đường bờ xanh cỏ có những cánh diều trắng mang theo con chữ bay phất phiu.

"Ước gì em được làm con diều để được bay cao thiệt là cao."

Nghe Thương nói vậy chị Nhiên cười: "Thôi, ước cái khác đi cưng. Con diều cũng tội nghiệp lắm, được bay cao nhưng mà nó đâu có được tự do đâu."

Tụi nó còn nhỏ nghe thì nghe mà hiểu không bao nhiêu nhưng mà đứa nào cũng thấy hào hứng khi bắt đầu tập nghĩ về "ước mơ".

Con Tiên sún nói:

"Em chỉ ước mau lớn để đi chơi cho đã hổng sợ bị ba mẹ la."

Thằng Út Mót chen vô:

"Em ước mau lớn để kêu ba sắm cho chiếc xe Honda chạy tèn tèn."

"Em ước mau lớn để kiếm tiền xây cái nhà tường bự thiệt bự cho em, ba mẹ em với ngoại ở chung."

Thương nói xong thì tới anh Tí:

"Em ước gì mau lớn để thích làm cái gì thì làm."

Đám trẻ ở Gò Me cũng như nhiều đứa trẻ khác trên thế giới này, tụi nó ngây ngô hay ước ao thời gian trôi nhanh một chút để được làm người lớn, nào đâu biết có những "chuyến tàu" không bán tấm vé khứ hồi. Chắc tụi nhỏ cũng chưa biết đâu, không phải cứ chờ cho đủ tháng, đủ năm mà đôi khi vô tình chìm nổi trong bể dâu cuộc đời, nếm được chút vị trong trăm đắng nghìn cay thì đã thành người lớn lúc nào không hay. Nhưng mà, có sao đâu? Ngày thơ chưa đi xa, ai nỡ ngăn những đứa trẻ mơ giấc mơ xinh cho riêng mình.

Chị Nhiên cũng vậy, chị chỉ dặn dò tụi nhỏ như cách ông nội dặn chị ngày xưa:

"Mai mốt đợi mấy cưng lớn lên thêm chút xíu ráng xin ba mẹ cho đi học nghen, mình đi học biết cái chữ ra đường mới hổng có thua thiệt với người ta rồi sau này làm ông kia, bà nọ hen."

Ánh hoàng hôn rực rỡ cam cam đỏ đỏ dần chỉ còn lại là những vệt sáng nhạt nhòa, khói cơm chiều miên man bay ra tận ruộng, cả đám giải tán đi về. Về nhà chưa bao lâu lại nghe tiếng xe Chaly "tành tạch tành tạch" chát chúa từ xa vọng tới, trong lòng đứa nào cũng nom nớp lo cho chị Nhiên.

Bữa đó chú Búa đánh dữ lắm, hai cẳng chân chị Nhiên máu me be bét mà chị không cam chịu như mọi khi nữa, chị ráng chạy ra sân. Chú búa rượt theo cầm roi mây quất tới tấp trúng đâu thì trúng, chị Nhiên ráng bò ra đường. Lúc đó có phải chị như cánh diều giần giật trong gió, muốn được giải thoát và muốn được bay đi? Bác Ba Khương chạy về ngang thấy vậy quăng xe đạp tấp vô can. Bác Ba xô chú Búa ra xa, tức mình nạt lớn:

"Con cái có gì thì từ từ nói nó, mày quánh kiểu này chết nó rồi sao mậy? Tao kêu công an xuống à!"

Chú Búa cọc cằn nghênh mặt lên:

"Con tui thì tui dạy mắc mớ gì tới ông? Hả?"

Rồi vài bữa nữa chú Búa lại nói:

"Con tui tui mắc gả cho ai thì tui gả, mắc mớ gì mấy người?"

"Anh nghe tui nói đi, con Nhiên nó còn nhỏ, chưa có đủ tuổi mà gả cái gì?"

Chú Chín Cường trưởng ấp từ tốn khuyên răn.

"Nó già đầu rồi chứ còn nhỏ nữa đâu mà chưa đủ tuổi? Tụi bây có ăn học mà hổng nghe câu lấy anh từ thuở mười ba, đến năm mười tám được đà năm con hả?"

"Tui nói anh nghe, cái đó là hồi xưa cái thời ông bà mình mới vậy còn bây giờ có luật hết rồi con trai phải hăm mươi, con gái thì phải mười tám mới được kết hôn. Đằng này con Nhiên còn nhỏ quá, anh đừng có ép nó, anh Búa!"

"Tao không cần biết, thời nào cũng vậy ba mẹ đặt đâu là con phải ngồi đó, nó mà dám cãi tao chặt dò nó chớ ở đó! Thằng Búa này gả con không ai có quyền xen vô hết!"

Chú Búa chống nạnh đứng trước hàng ba gân cổ lên cãi tay đôi, mặt mày đỏ tía hết.

Cô Hai Quyên làm bí thư trên xã lắc đầu nói:

"Anh cứ vầy là làm khổ con anh đó!"

"Khổ gì mà khổ? Thằng đó là con tiệm vàng lớn nhứt nhì bên chợ, hổng phải nó có bệnh hậu chắc nhà người ta thèm để ý tới cái thứ quê mùa, dốt nát này à? Đứa em tui thân thích dữ lắm nó mới làm mối cho. Được gả vô nhà giàu sướng thấy bà, tui lo cho nó cỡ vầy còn đòi cái gì nữa? Chưa gì mà người ta đưa tui cả triệu bạc xài chơi rồi đây nè."

Vợ chồng bác Ba Khương tức tối trách móc:

"Mày tính gả con hay mày bán con mày vậy hả Búa?"

"Tui bán nó thì sao, hổng bán để nó đi theo trai giống mẹ nó cho tui lỗ ha chi? Chẳng lẽ để tui nuôi nó mười mấy năm trời không công hả? Mấy người vừa vừa phải phải thôi chớ."

"Mày ăn chơi cho cố vô rồi mang nợ mang nần về nhà thì quánh đập vợ con, vợ mày nó ở không nổi nữa nó mới bỏ mày đó, chứ nó theo ai mày nói coi? Biết bao năm rồi, cái sai của mình mà không nhận cứ đi đổ thừa cho hết người này người kia."


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}