Bà Sáu xách cây rựa với mấy nhánh trâm cuốc bộ về theo lối cũ, lúc đi ngang hàng bông bụp đỏ tươi nhà ông Tư Văn Nghệ thì bà đứng ở ngoài đường gọi vọng vô trong:
"Quớ Cẩm Tiên có nhà không bây? Ra đây bà Sáu biểu coi nhỏ!"
"Dạ, có gì hôn Sáu? Con ở trong buồng chớ có đi đâu đâu."
"Bây ăn trâm chín hông? Lấy cái rổ ra Sáu chia cho một mớ nè."
"Dạ, dạ con ra liền!"
Dâu út của ông Tư Văn Nghệ í ới la lên, chỉ đi lẹ xuống bếp lấy cái rổ tre kẹp bên hông rồi vén tấm màn khệ nệ bước ra. Cái bụng bầu tròn lẳng của chỉ đi trước, bà Sáu phỏng chừng năm, bảy tháng gì rồi.
"Chồi ôi! Đâu mà ngon dữ dạ Sáu? Bữa giờ con thèm chảy nước miếng mà anh Nghĩa ảnh đi mần dìa là tối thui hổng có đi hái được."
"Nè, vậy cho bây hết đó! Sáu lấy mấy trái này thôi, con Thương hảo ngọt, chua chua vầy nó ăn hổng bao nhiêu đâu."
Chị Cẩm Tiên "dạ, thưa" lia lịa, chỉ cười rạng rỡ khoe ra mấy cái răng khểnh có duyên. Ông Tư Văn Nghệ nghe xì xào trước cửa xách cái ấm tích từ sau hè lên, thấy bà Sáu Tống thì cao giọng gọi:
"Trời quơ! Chị Sáu mà tui tưởng ai không, vô đây uống miếng trà mát mát rồi hẵng dìa chị!"
Bà Sáu với ông Tư cùng thời dễ nói chuyện nên xưa giờ cũng thân. Hai ông bà ngồi xuống chổ cái bàn tròn trước hiên hỏi thăm lúa thóc, mùa màng, hỏi coi có nghe xã chừng nào kéo điện tới trong đây chưa. Ông Tư rót thêm trà vô cái ly sành màu nâu đất sét của bà Sáu:
"Ờ mà trưa trờ trưa trật chị đi đâu dìa đó?"
Lúc chị Cẩm Tiên bưng rổ hột mít với củ luộc lên thì bà Sáu đã kể xong đâu ra đó rồi.
"Cái thằng Dũng lết sao mà nó ẩu tả quá!"
Ông Tư nhíu mày, tặc lưỡi, đưa tay vuốt bộ râu bạc trắng của mình. Trầm ngâm một bận ông mới nói thêm:
"Mà ngặt cái nổi mình cũng đâu giấu con Thương được cả đời phải không chị?"
Bà Sáu lặng lẽ gật đầu:
"Anh Tư nói phải..."
Bà điềm tĩnh nhấp một ngụm trà, loại trà Thái Nguyên đúng thiệt đậm đà, đợi cái vị chan chát trôi tuột xuống cổ hòa chung với cay, đắng, ngọt, bùi trong lòng bà Sáu mới từ từ nói tiếp:
"Nhưng mà cả đời người được làm con nít có một lần thì được mấy năm vui vẻ đâu anh Tư? Dạy nó biết chuyện sớm chi cho khổ thân nó. Giờ con Thương còn nhỏ còn khờ, còn vui vẻ thêm được ngày nào thì tui mừng ngày đó anh Tư ơi."
Ngồi chơi một lát bà Sáu đội nón lá đi về. Nhìn bóng bà khuất dần sau mấy bụi tầm vông, chị Cẩm Tiên mới nhỏ giọng nói:
"Nào giờ con tưởng bé Thương là cháu ruột bà Sáu không đó ba! Tại thấy bà Sáu thương nó quá chừng, hễ ai mà động tới nó là bà Sáu quậy cho tới bến liền, mấy lần trước cũng vậy mà lần này cũng vậy."
"Ông Sáu Tống ổng chết trẻ, hai vợ chồng kịp có con cái gì đâu mà có cháu ngoại mậy?"
Dâu út của ông là dân Thanh Điền bên kia cầu sắt, mới gả về đây chừng một năm bốn tháng chớ nhiêu? Chuyện nhà chồng còn chưa tỏ tường hết, chuyện xóm giềng không rành ông Tư thấy cũng phải.
Mấy lần trước mà chị Cẩm Tiên nhắc chắc là mấy lần tụi nhóc trong xóm xúm lại ghẹo con Thương hổng có ba mẹ, nói nó dưới đất nẻ chui lên hay nói bà Sáu lượm nó ở ngoài bụi tre trước nhà ông Hai Lộc ở dưới bến Trâu chọc cho nó đang chơi cò cò, nhảy dây cũng phải khóc cà tít cà tắc bỏ về. Rồi thể nào lát nữa bà Sáu cũng nắm tay dắt nó lợi tới nhà từng đứa mắng vốn tơi bời. Bà Sáu nói rành là ba mẹ Thương đi mần hãng ở xa lắm, gởi nó cho bà Sáu rồi mai mốt kiếm đủ vốn liếng, có nhà cửa đàng hoàng mới về rước nó đi theo. Cái tụi nhóc lóc chóc thì lì, lâu lâu lại ca bài ca cũ, lêu lêu con Thương là ngoại nó nói dóc, ghẹo tới khi nó khóc ngất mới thôi. Út Tiên chạy đi kiếm bà Sáu đặng méc, bà Sáu nghe xong tức mình dữ lắm mà ráng kìm lại qua cõng cái thân tròn tròn, nù nù của Thương về, vừa đi vừa dỗ "Để ngoại lên nhắn hai đứa nó, tết này coi được hổng được gì thì cũng dìa chơi với bây ít bữa hen".
Thương mừng tới nỗi ngày nào cũng hỏi "Chừng nào tới tết, ngoại?", "Con ngủ dậy mấy lần nữa thì tới tết?".
Thương nôn nao hoài cho tới cái ngày cây mai già trước hàng ba bị lặt trụi lá rồi nó chờ mòn mỏi cho tới khi cánh mai vàng trải khắp sân mà không thấy ba mẹ nó đâu. "Tại xe đò lủng bánh giữa đường" bà Sáu đi xóm nghe ngóng về cho nó hay vậy đó. Thương buồn lắm chứ, nó bắt cái ghế đôn leo lên châm đèn dầu đốt nhang, nhìn thom lom tấm hình họa trắng đen lồng trong khung nhỏ dựng giữa bàn thờ, trong khung hình là góc mặt của một người đàn ông trẻ măng, nhìn trẻ măng hiền lành, sáng sủa đang cười. Nó chấp mấy ngón tay ngắn cũn lại, lanh lẹ khấn vái: "Ông ngoại ơi, ông ngoại linh thiêng phù hộ cho tết năm sau xe đò chở ba mẹ con về tới ngã ba ngoài đường đắp rồi hãy lủng bánh nhen, gần gần vầy con với bà ngoại mới ra rước ba mẹ con vô được, nhen ông ngoại!"
Cẩn thận cắm từng cây nhang thơm vô cái lon thiếc đựng đầy chân nhang màu đỏ tím trước khung hình của ông ngoại nó còn rành rạnh cúi đầu vá xuống ba cái cho thiệt thành tâm.
Giờ đứa nào ghẹo thì ghẹo, Thương không thèm mít ướt nữa tại hạt giống hi vọng trong lòng nó vẫn cứ lớn lên từng ngày. Cũng từ mấy đợt đó cái miệng Thương "líu lo" không ngừng, suốt ngày nó theo hỏi bà Sáu "Ba con có mụt ruồi ngay mép như Năm Tân không hả ngoại? Vái trời là hổng có chứ không xấu hết chổ nói luôn", "Bác Hai gái khen lông mi con đẹp, dài mà cong vậy là con giống ba hay giống mẹ con dạ ngoại", "Ba mẹ chị Mận đi mần hãng dưới Bến Cầu, một tháng về tới ba, bốn lần luôn á còn ba mẹ con mần ở đâu mà xa dữ dạ ngoại".
Một câu, hai câu gì thì cũng toàn "ba" với "mẹ" hết mà bà Sáu cũng ráng ngó trời ngó đất trả lời đại đùa cho xong. Có lần bà Sáu lỡ hỏi ngược lại nó có một câu vâyh mà nó khóc bỏ cơm:
"Bộ bây hổng khoái ở với ngoại nữa hả? Hổng chừng tụi nó dìa một cái là tụi nó đưa bây đi luôn đó rồi khỏi gặp lại ngoại nữa hen."
Bữa sau bà Sáu thấy nó bớt nói bớt cười, hổng còn sáng lạng, vui vẻ như hồi trước nữa. Nó bẻ mấy cọng chổi chà ngồi vẽ vời ngoài sân hoài. Nó vẽ bốn hình người ốm nhom như hình nộm giữ lúa mà có đầu tóc, tay, chân mặt mũi đàng hoàng. Mắt to mắt nhỏ, lỗ mũi lệch, miệng rộng xấu banh nhà lồng mà nhìn kĩ thì cũng ra hình người nào là đàn ông, đàn bà, con nít đang nắm tay nhau như một nhà. Đứa nhỏ nhất đứng giữa có bính tóc hai bên chắc là nó. Có hồi nó vẽ nó bận đầm, bận củng hồi thì nó vẽ nó bận bộ đồ bộ in bông còn đồ của bà Sáu thì nó vẽ đủ kiểu áo bà ba mà tay ngắn có, tay dài cũng có, không chấp vá ở vai thì cũng có miếng vá ở ngực, ở bụng rồi trên đầu búi một cục y như ngoài đời. Hình ba mẹ nó thì nó sửa tới sửa lui hoài không xong chắc tại chưa gặp lần nào, không biết người méo tròn ra sao nên nó chưa có mường tượng được. Nó vẽ thêm cái mái nhà kế bên rồi cứ nhìn mà ôm đầu gối pthở dài, rươm rướm nước mắt. Bà Sáu thương đứt ruột, dỗ nó là "Ngoại nói vậy thôi chớ mấy năm nay ba má bây mần ăn bết bát thấy bà, muốn dìa đây thăm bây còn hổng được kìa, thấy hôn?"
"Hồi đó ngoại hứa với tụi nó là nuôi dùm bây tới mười tám tuổi rồi ai muốn rước thì rước, ai muốn đi đâu thì đi hà. Giờ mới có chút ét vầy nè, có nhờ vả cơm nước gì được đâu mà đem theo chi cho mắc công."
Bà Sáu dỗ cỡ đó nó mới hết buồn.
Còn có một lần, giữa trưa nắng gắt Thương đùm ổi trong áo vừa đi vừa chạy về tới hiên nhà nước mắt, nước mũi tèm lem. Nghe tiếng nó khóc, con gà mái dầu cục tác chạy khắp sân. Bà Sáu nhét vội mấy cây củi vô bếp lò cháy rực từ trong bếp lẹ làng đi ra, làn khói trắng mơ hồ thơm mùi mắm nhĩ là là theo sau lưng bà.
Thấy trán cháu ngoại sưng chù vù rơm rớm máu, bà Sáu hoảng hồn, lật đật hỏi:
"Chèn ơi! Sao con?
"Sao dạ con?"
"Chuyện chi hả bây?"
"Nói ngoại nghe coi, đứa nào ăn hiếp bây?"
Thương tức tưởi kể lại có đám nhóc nhà trên cống Cây Chò chăn trâu xuống tận dưới này, lùa trâu ăn lúa chú Tám Chiêm bị nó bắt gặp, nó nói hổng dẫn trâu lên là nó đi mét chú Tám thì bị đám nhóc kia chửi là cái đồ nhiều chuyện, lấy đất sùng, đất cục chọi nó u đầu. Có đứa nói: "Hổng ấy lùa trâu về trển đi, để nó về méc ba nó rồi ổng ra quýnh tụi mình bây giờ."
"Nó có ba đâu mà méc?"
Một đứa cười "khè khè" trả lời.
Thương dụi mắt khóc nấc lên, mấy trái ổi sẻ ruột hồng chen nhau rớt lịch bịch xuống đất, lăn ra xa.
"Bà nội cha mấy cái đứa quỷ nhỏ đó! Mất dạy riết quen!"
Mắt bà Sáu cay cay tự nhiên nhòe ráo trọi. Bà thấy tức trong lồng ngực cũng thấy ruột gan mình quặn đau như cắt. Bà chẹp chẹp cái miệng móm mém, đưa tay vuốt mấy lọn tóc rối ướt mồ hôi, nước mắt dính trên mặt Thương, ôm nó vỗ về:
"Nín đi con..."
"Thôi, nín đi con..."
Đang mếu máo thì nhìn thấy mấy trái ổi chín hái về cho ngoại lăn tới trong hốc, trong kẹt Thương khóc dữ hơn. Nó lúi cúi ngồi xuống lượm, vừa chùi vô trong áo vừa khóc nghẹn:
"Dơ hết rồi... Dơ hết rồi... sao ngoại ăn được nữa?"
Bà Sáu ngồi chồm hổm xuống, chìa tay ra liền:
"Dơ đâu mà dơ? Ngoại ăn được, đưa đây ngoại cắn thử cái coi!"
Thương chà chà thiệt kĩ thêm hai ba lần nữa mới nhấp nhứ đưa trái ổi có in mấy dấu bấm hình trăng khuyết nho nhỏ cho ngoại rồi nó nhìn ngoại bằng đôi mắt ầng ậng nước.
"Trời đất! Chua chua ngọt ngọt ngon dữ à, phải cây ổi ngoài mé ruộng bác Ba Khương bây hông?"
Thương gật đầu như con bửa củi. Bờ mi cong vút còn ươn ướt, cặp má phúng phính được nắng sấy hồng, giờ nó chợt cười lên làm hai cái đồng điếu tươi tắn lúm vô, nhìn gương mặt rạng rỡ của nó bà Sáu cưng vô phương.
"Dạ, ngoại! Mà ngon thiệt luôn hả ngoại?
"Ừa, đâu, tao cắn cái nữa coi... Chèn ơi... ngon quá hà! Mới chín tới nó thơm thơm mà cái ruột mềm èo nữa bây!"
"Dạ, con cũng ăn thử một trái hén ngoại!"
"Đợi lát cơm nước xong rồi ăn để xót ruột thấy bà, ngoại là người lớn ăn mới hổng sao. Giờ bây ra sau hè rửa mình rửa mẩy đi, xong vô đây ngoại sứt dầu cho nghen!"
"Dạ!"
Nó thấy ngoại ăn ngon, ngoại vui nó cũng vui. Hình như cũng vô tình quên mất hồi nãy nó khóc, hồi nãy nó buồn là vì cái gì. Thương quệt nước mũi, lon ton chạy vô nhà, tiếng dép lào mòn gót lẹt xẹt êm tai chậm rãi theo đằng sau nó. Bà Sáu không có nói dóc Thương, bà ăn ổi không thấy xót ruột thiệt, mà trong lòng bà xót xa vì thương nó quá.
Căn nhà tranh đơn sơ năm ngoái được thay bằng mái lá mát rượi om lên vài lọn khói nồng giữa buổi ban trưa. Nghe tiếng Thương "ui da, ui da" mấy gốc mai, gốc mít chung quanh, cây vú sữa, bụi chuối sau hè rì rào đong đưa như cũng muốn dỗ dành nó.
Chiều đó cả ấp xôn xao, người ta kể nhau chuyện bà Sáu Tống vác cây rựa trành lên cống. Bà đứng chống nạnh chửi đổng nguyên cái xóm Cây Chò:
"Đứa nào có gan chọi lỗ đầu cháu tao thì ra đây! Để tao đập tụi bây coi có biết nhức hôn? Có giỏi thì tụi bây cứ đi thưa đi kiện lên chánh quyền!"
"Con cái nhà ai mà hổng biết dạy, dắt ra đây bà Sáu Tống này dạy cho."
"Ăn hiếp cháu tao nữa là coi chừng tao chém bỏ hết à!"
"Bà Sáu Tống này nói mà không dám làm thì tao đội tụi bây lên đầu hết!"
Chòm xóm người ra nói tiếng ngọt tiếng lạt cho đỡ căng. Bà Sáu vác rựa tới đâu thì rùm beng lên tới đó, mà lúc bà thả bộ về trên con đường đất nhỏ thì bóng lưng gầy ấy hơi còng xuống cõng theo cả một chiều cô liêu.
Thân bà vừa làm gà trống vừa làm gà mái còn Thương như cái trứng non chưa nở mà cái vỏ trứng mỏng manh biết mấy. Bà Sáu tự trách mình không che chắn ấp ủ cho đàng hoàng nên giờ người ta làm đau nó... làm đau lòng bà.
Ông Tư Văn Nghệ vừa đổ nước nóng từ bình thủy vô cái ấm tích vừa nói:
"Nhà có hai bà cháu hủ hỉ, bả không bênh cháu bả thì bênh ai?"
Chị Cẩm Tiên nghèn nghẹn củ từ ở cổ, gật đầu hỏi:
"Dạ, mà nào giờ bà Sáu có chém ai thiệt hông vậy ba?"
"Hồi xưa bả mắc xài AK bốn bảy, lựu đạn còn phải đem lận lưng quần, rảnh tay đâu mà cầm dao, cầm rựa đi chém ai mậy?"
Ông Tư nửa giỡn nửa thiệt, bỏ ly trà xuống bàn tỉ mẩn kể lại:
"Thằng Pháp rồi tới Thằng Mỹ cứ vô đây giành đất dựng đồn bốt để nắm dân mà nghe tới tên đội du kích Chín Đẳng là đổ mồ hôi hột, run như thằn lằn đứt đuôi hết. Bà Chín Đẳng không đợi tụi nó đàn áp đâu, tụi nó ngồi chưa nóng đít là bị đánh úp rồi. Thời đó đêm là của mình ngày là của giặt, bởi vậy ban đêm ban hôm tụi nó có dám ngủ nghê gì đâu mà cũng có trận bả đưa người mình vô tận căn cứ địch diệt sạch không còn một mống. Chín Đẳng là bà Sáu Tống đó chớ ai. Hồi bả mới vô đơn vị chừng mười mấy hăm mươi, ta nói... bả đẹp gái lắm, tụi bây bây giờ hổng thấy đứa nào có cửa, mà bởi cái nết bả dữ quá đi nên có mình ông Sáu Tống chịu được chớ tụi tao thua... Khà khà..."
Ông Tư vỗ đùi đen đét nhưng nụ cười trên môi cũng dần trở nên chua xót, ánh mắt chất chứa toàn bi thương. Ông chầm chậm kể tới đoạn kết:
"Hai vợ chồng đi theo tiếng gọi của quê hương đất nước nhưng mà ông Sáu ngã xuống sớm. Năm 45, 46 gì đó là ổng hi sinh ngay khúc sông Vàm Cỏ này... rồi bả ở lại đây luôn tới giờ chớ thiệt ra bả đâu phải gốc Tây Ninh..."
Ông Tư tiếc nuối lắc đầu, kể ra thì gọn lỏn mà chiến sự đâu phải chỉ ngày một ngày hai. Ông ám ảnh hoài tiếng súng tiểu liên AK, B- 40, B- 41 đanh thép, vang dội, ám ảnh hoài đôi mắt nhuốm chí căm hờn của bà Sáu điếng dại nhìn ra khúc sông màu đỏ tanh nồng và cả tiếng bà thét lên trong lửa đạn:
"Trận này bị chỉ điểm rồi, các đồng chí ra hiệu cho anh em mình rút mau!"
Giọng ông Tư bình thản nhẹ tênh, chỉ là trong đôi mắt còn sáng quắt dường như vừa có mây mờ kéo qua. Chị Cẩm Tiên cũng nghe nhoi nhói trong tim, chị bỏ lại củ bình tinh đang lột vỏ giữa chừng vào rổ, chị khẽ hỏi:
"Dạ, bà Sáu cứ ở vậy tới giờ luôn hả ba? Chắc hồi đó bà Sáu thương ông Sáu dữ lắm!"
"Bây không biết thôi, trước giải phóng, ta nói... bom đạn thằng Pháp nó rải xuống đây như mưa mà ổng bả đều theo cách mạng hết, cứ sống nay chết mai vậy đó. Cái mạng mình còn khó giữ thì thứ quý nhứt cho nhau là cái tình, cái nghĩa con ơi... Đã là vợ chồng thì nghĩa nặng tình sâu, thương nhau đến lúc bạc đầu còn thương... là vậy đó bây..."
Nhắc chuyện xưa ông Tư kìm lòng không đặng, lấy một hơi dài cất lên tiếng ca não lòng, coi như đệm thêm khúc nhạc cho câu chuyện có kết thúc buồn của người đồng đội cũ:
"Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi!
Đường dài mịt mù em không đến nơi
Mây nước buồn cơn lửa binh
Hết kể chuyện chung tình
Khóc than riêng em một mình.
Cây tuôn lá xanh xây mồ cho anh!
Tình đầu bẽ bàng trong cơn chiến chinh
Đưa tiễn nào hay rẽ chia
Cách trở hận muôn đời
Nói nữa chi thêm... nghẹn... lời ..."
Lời ca như cơn mưa rào tháng sáu, lúc mới bắt đầu mạnh mẽ, bi tráng biết bao khi người ta còn đang thổn thức thì mưa tạnh chỉ để lại vài giọt nước trong veo từ mây cao rơi xuống vỡ tan nhẹ nhàng, vậy thôi cũng vừa đủ làm xao động tâm hồn.
Bởi, cái danh xứng với thực, hổng tính mấy lúc đã làm xị, hai xị rượu đế cho thấm giọng thì mấy lúc buồn buồn vầy ông Tư Văn Nghệ ca cũng thanh cũng mùi lắm. Ông tằng hắng hai cái, theo thói quen đưa tay vuốt chòm râu trắng ngần rồi mới vô câu vọng cổ tê tái lòng:
"Trời ơi, bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn! Nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn... Bạch...
Thu... Hà...
Tình ơi! Đừng hoài công mòn mỏi đợi chờ
Hãy gọi tên anh trong những chiều sương lạnh, khi cánh nhạn bay về cuối nẻo trời xa.
Hay những lúc canh khuya tựa rèm thưa ngắm áng trăng tà, nàng có nhớ đến tháng năm này có một người yêu đã vùi thây giữa vùng cát trắng...
Ta cảm thấy một vùng trời đất hình như đảo lộn, máu đào tuôn ướt đẫm nhung bào...
Ta gọi tên em trong tiếng nấc nghẹn ngào
Đây mới thật là lần chia ly vĩnh viễn, hết mong gì gặp gỡ cùng nhau
Rượu ly bôi ngày ấy tiễn anh đi
Hoa lá bay theo vó ngựa phi
Có biết đâu buổi tiễn đưa hôm ấy
Là buổi chia lìa nàng chờ đợi mà chi...
(Trích Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, soạn giả Viễn Châu)
Nhìn ba chồng mỉm cười trong tiếc nuối mà nước mắt chị Cẩm Tiên chảy dài, chị chùi chị quẹt không hết làm ướt đẫm tóc mai.
Bản ca cổ này trên đài phát suốt, đi tới đâu chị Cẩm Tiên cũng nghe ra rả. Bình thường ông Tư cũng ca hoài sáu câu, chị thuộc làu làu vậy mà bữa nay nghe xong khúc đoạn trường tự nhiên chị bật khóc. Nhìn qua cánh tay trái không nguyên vẹn của ba chồng rồi lại nhìn tấm huân chương kháng chiến treo trên vách trong nhà lòng chị thấy bùi ngùi quá. Chị hiểu được rằng chính mảnh đất dưới chân hay đâu đó ngoài kia đều có thể là nơi mà những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống. Họ đem trái tim, đem máu xương mình hóa thành phù sa, thành non sông gấm vóc Việt Nam bây giờ. Chiến tranh qua đi, nhìn về phía những chứng nhân lịch sử đứng lên cùng đất nước mới thấy được rằng để đổi lấy hòa bình, độc lập, tự do như hôm nay họ đã đánh đổi rất nhiều. Ở ấp Trà Sim này ngoài ba chồng chị và bà Sáu thì còn có nhiều thương binh khác nữa, trong số họ cũng không ít người bị nhiễm chất độc màu da cam. Thứ đó ăn mòn người chiến sĩ đã đành còn hủy hoại cuộc đời con, cháu, chắt của họ. Bởi vậy mới nói chiến tranh kết thúc rồi nhưng nỗi đau của dân mình mãi đâu thể nguôi ngoai.
Ông Tư nhớ tới tận năm 75 mới thấy bà Sáu làm cho ông Sáu Tống cái đám giỗ đầu tiên. Bả bưng cái mâm có con gà trống luộc, chai rượu đế với hai cái ly ra ngoài bờ sông quớ ông Sáu: "Hòa bình rồi ông ơi! Ta nói... đẹp lắm!"
Sau này ngày giỗ năm nào bà Sáu cũng ra sông hủ hỉ với ông Sáu mà không cần biết ông còn ở đó hay đã chảy về đâu.
Hết cầm súng, bà Sáu cầm liềm cắt lúa, chăn trâu, nuôi gà, nuôi vịt cứ lủi thủi một mình riết thành quen, trông lẻ loi mà yên ả. Cái đợt nhà nước cử cán bộ xuống tuyên truyền, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho thương binh xong thì sau bả mới chịu lên trên Xì Gòn gắp miếng đạn còn sót lại trong xương rồi đem con Thương về. Chắc là ý trời.
Căn nhà tranh vách đất lụp xụp của bà Sáu lần đầu có tiếng con nít khóc cười, cứ vậy mà một năm hai mùa mưa nắng vang vọng tiếng "ầu ơ" thấm đượm tình thương. Bà con lối xóm ghé phụ hợ suốt, tới lui rôm rả, từ đó mới thấy bà Sáu bớt cô quạnh biết bao nhiêu.
Ngồi ăn củ hoài không để ý màu nắng vàng liêu xiêu trải khắp sân giờ nhạt nhòa nhẹ bẫng, chợt chị Cẩm Tiên thấy ba chồng đập nhẹ lên bàn như sực nhớ ra cái gì đó, rồi ông lom khom vô nhà lấy cái ra-dô ràng sát lỗ tai vặn nút dò đài. Sau mấy tiếng "rè rè xì xẹt" nhức óc thì cái ra- dô cổ lổ sĩ của ba chồng chị cũng phát ra được tiếng ca da diết, bồi hồi:
Ơ, ơi Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông
Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng
Đuổi Pháp đi rồi nay đuổi Mĩ xâm lăng
Giặc đi đời giặc sông càng xanh trong
Giặc đi đời giặc sông càng xanh trong
Ơ, ơi Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông,
Có anh du kích dũng cảm kiên cường
Lẫn ánh trăng mờ băng lửa đạn qua sông
Diệt tan tàu giặc giữ gìn quê hương
Diệt tan tàu giặc giữ gìn quê hương.
(Trích: Vàm Cỏ Đông, sáng tác: Trương Quang Lục)
(Ra - dô: Radio)
Cũng may là kịp nghe được khúc cuối bài ruột, chứ không ông Tư Văn Nghệ buồn hết buổi chiều cho coi.
Bình luận
Chưa có bình luận