Ngoài hè bóng nắng giờ đã dịu dàng hơn, đám ve lại được dịp hát bè râm ran mà hình như đôi chim chích trên cây vú sữa hết giận nhau rồi. Bà Sáu ngồi ở đầu giường nghe tụi nó hòa giọng hót líu lo, líu lo.
Thương ngủ say sưa, không biết nằm chiêm bao thấy cái gì mà cười "hắc hắc" thành tiếng. Bà Sáu đau đáu nhìn cháu ngoại hồi lâu, trong lòng nặng trĩu trăm mối âu sầu không tên. Bà cứ chống chân ngồi đó, lơ đãng nhìn ra xa, tâm trí mơ hồ dần chìm sâu vào một miền kí ức cũ kĩ:
"Ê bà già, coi bộ nhiều tiền dữ à. Mua con nít hông?"
Thằng đó hất hất cái cằm, nhỏ giọng hỏi bà. Nó như mấy đứa ghiền xì ke, gò má hóp vô sâu ngoái, hai con mắt thì lồi ra. Một tay nó xách cái bị cói, một tay gãi mặt, gãi cổ, ngáp lên ngáp xuống. Ngó mình mẩy thân thể nó bầy hầy hết chổ nói. Bà Sáu tưởng đâu ban ngày ban mặt mà nó tính cướp bóc, lật đật nhét cái cùi tiền vô túi áo bà ba ghim kim tây lại liền. Bà nhích qua một bên, từ từ đứng lên tự nhiên dòm vô trong bị của nó thì chưng hửng, có một đứa nhỏ đang ngủ ở trỏng thiệt.
"Cha chả, con cái nhà ai vậy mậy?"
Bà ngớ người một chập xong thì liều mạng túm chặt cái bị đựng đứa nhỏ, la làng lên:
"Bớ người ta!"
"Nhỏ còn đỏ hỏn mà thằng trời đánh này nó bắt đem bán nè bà con ơi!"
"Báo chánh quyền còng đầu nó liền đi bà con ơi!"
Nghe bà Sáu hô hào, bác sĩ, y tá, rồi mấy người ngồi chờ bốc số khám bệnh ngó ra đông lắm. Thằng đó tức lên, nó gồng tay đánh bà Sáu quá chừng mà bà mắc che cho đứa nhỏ đỡ không có được.
"Bớ người ta! Thằng ác nhơn!"
"Hổng mua thì thôi còn bày đặt phá đám hả bà già? Coi nè, để tui đập chết nó rồi tui giết bà luôn!"
Mặt thằng đó hung tợn cặp mắt nổi lửa đỏ au, nó gầm lên như sấm rồi nhào vô muốn giựt cái bị bắt đứa nhỏ ra. Bà sợ hết hồn la trời la Phật đạp một cước thẳng vô bụng nó.
Cái quạt giấy tuột khỏi tay rớt xuống giường, bà Sáu bừng tỉnh, trên trán mướt mồ hôi còn sống lưng thì lạnh ngắt. Ngó xuống thấy Thương ôm chân bà ngủ ngon lành, vành mắt bà Sáu nóng lên, bà móm mém cười khổ.
Sao mới bằng cẳng cái mà khổ dữ bây?
Mà hổng sao rồi, giờ ở với ngoại là hết khổ hén con!
Bà Sáu ngẫm nghĩ chuyện đời một hồi, nhớ tới hai chữ "mồ côi" mà tức. Bà tranh thủ trèo xuống giường vô nhà đội nón lá lên, vác cái rựa trành cuốc bộ ra chòi vịt.
Mùa này là mùa mấy cây gòn gai bên bờ kinh ra trái, cái giống cây nó ngộ, thân thì gai góc xù xì, lá ít mà trái thì nhoi nhóc. Trái nó chín khô vỏ tự nứt ra tét lét, gòn ở trong nở bung ra màu trắng như sữa Ông Thọ rồi cứ treo lủng lẳng trên cây tưởng chừng như mấy đám mây nhỏ nhỏ đi lang thang đâu đó bị gió thốc qua đây nên vướng vào cành. Bữa rày ngày nào cũng có mấy đứa nhỏ ra thọc đem dìa cho má dồn vô áo gối vậy mà cũng còn cá đống cá lèng đó chớ. Bất chợt gió ruộng thổi lên vù vù mấy trái gòn chín muồi rụng lộp độp, bà Sáu vịn vành nón lá đi dưới cả trời bông bay. Giữa mênh mông từng cơn sóng xanh mơn mởn, màu tím áo bà ba càng lúc càng xa. Ngọn núi Bà Đen phía chân trời cũng hóa thành tấm phông nền mướt mắt, khung cảnh xứ này thiệt dễ khiến người ta phải lòng.
"Dạ, Sáu đi chặt dừa hả Sáu?"
Chú Dũng lết đang mò ốc dưới mương ngóc đầu lên cười hề hề hỏi thăm.
"Tao đi chặt chân mày nè cái thằng mắc dịch!"
"Trước mặt cháu ngoại tao sao mày nói nó mồ côi?"
Chú Dũng xanh mặt, trượt tay bỏ hụt con ốc bươu vàng bự chà bá ra ngoài miệng cái giỏ tre, nó rớt cái tủm xuống sình mất tiêu. Đừng nói chi cái xóm Gò Me này mà khắp xã có ai không biết danh bà Sáu Tống đâu? Bà không có sợ trời đất chi hết, tánh bà đụng là hốt, nói là làm. Miệng chú Dũng mím lại, cười mà như mếu:
"Dạ con... con ghẹo nó chơi mà Sáu ơi, có gì đâu Sáu?"
"Ghẹo hả? Giờ tao ghẹo mày nè! Chuyến này tao cho mày bò luôn khỏi lết nhe con!"
Bà Sáu dứt câu là làm liền, túm hai cái ống quần sa tanh sắn lên đùi, tay xách rựa rượt người ta nhảy từ mương này qua rạch nọ, lết từ ruộng ông Tám Lập qua tới mấy động ruộng nhà ông Năm Nhĩ làm cho đám cò giật mình tung cánh bay trắng xóa một góc trời. Đoạn, chú Dũng ngồi thở hồng hộc trên đọt cây trâm bầu năn nỉ hết nước hết cái bà Sáu mới tha cho. Chú Dũng khóc không ra nước mắt:
"Dạ con lỡ miệng Sáu ơi... Mai mốt con hổng dám nói bậy nữa..."
"Kiến cắn con quá Sáu."
Tầm này bà Sáu Tống còn khỏe lắm, mái tóc được bới thấp gọn gàng màu muối đã nhiều hơn tiêu mà sống lưng bà thì vẫn thẳng tắp. Mấy lúc vô vụ, bà Sáu vác một lần cả dạ lúa lên vai đi cời cời, bước nào chắc bước đó giờ mới dí chú Dũng một lát thì có nhằm nhò chi đâu. Bà đứng chống nạnh dưới bóng râm, chỉa cái rựa trành lên, rổn rảng la:
"Cha mày! Già đầu mà hông có đàng hoàng chi hết! Mai mốt còn ba láp ba xàm coi chừng chằn ăn trăn quấn mày nghe con!"
Chú Dũng lết cười hề hề, phủi phủi mấy con kiến vàng đang chui vô cổ áo:
"Dạ, dạ... con bỏ rồi, Sáu đừng giận con nữa nghe Sáu!"
"Mồ tổ mày! Trèo chi cao dữ, xuống lẹ đi! Hồi té thấy mụ nội bây!"
Thấy chú Dũng lết loay hoay trên cây bà Sáu không thèm chấp nữa, ngoắc tay lia lịa kêu chú xuống mau.
"Dạ, từ từ con xuống, trên này trâm chín nhóc luôn nè Sáu, để con lặt mấy nhánh rồi Sáu đem dìa cho con Thương ăn nhen, chớ hông nó tự rụng cũng dập hư hết hà."
"Được hông đó mậy?"
"Dạ được chớ, Sáu giỡn hoài!"
Chú Dũng tự tin tràn trề nói tiếp:
"Mấy đứa nó hổng què mà có đứa nào leo cây giỏi như con đâu Sáu thấy hôn? Tụi nó móc hổng tới mới còn đó... he he..."
Ý chú là nguyên dàn đàn ông con trai chung lứa trong xóm hổng ai bằng chú.
Rảnh rảnh chú Dũng kể cho đám con nít nghe hoài cái chuyện hồi nhỏ chú chạy giặc bị lạc rồi bị mảnh bom nổ găm vô chân, cha chú vô rừng Tầm Đinh hái lá thuốc đắp hoài không lành. Nó hành chú sốt, giật kinh phong tưởng "đứt bóng" không đó, may mà lúc sau gặp được ông thầy thuốc Nam tên Bảy Nhị nhà dưới Bến Cây, ổng thấy thương quá trị cho chú hổng lấy đồng xu cắc bạc nào hết. Giữ được cái mạng chớ chân trái chú bị teo mà cũng hên là còn lết lết xài được rồi từ đó người ta gọi chú là Dũng lết luôn.
Có lần kể xong chú Dũng đưa bàn tay thô ráp lên tém lại mái tóc năm năm u xù dính mấy cọng lông vịt tơ, chú nhướng cặp chân mày rậm hỏi tụi nhỏ: "Biết sao tao què mà tao lấy được hoa hậu của cái xã này hôn?"
"Tại... chú tụi bây đẹp trai nhứt xứ chớ sao! Ha ha!"
Chú tự trả lời rồi tự cười bật ngửa, nhớ lại cái ngày rước dâu ai cũng nói chú lù đù vậy mà vác cái lu chạy.
Thím Dũng ngồi mần cá ngoài sàn nước "ọe" một tiếng thiệt lớn.
"Thôi đi cha nội! Tại hồi đó mắt tui bị bù lạch ăn mới ưng anh đó!"
"Nè em Thắm, em đừng tưởng tui hổng biết. Hồi tui lên ngồi uống trà với ba vợ, em núp sau tấm màn rình rình nhìn tui hoài. Em khen tui mắt hai mí rành rạnh, lỗ mũi cao chót vót, hàm răng trắng tinh, má kể tui nghe hết."
"Tào lao bí đao!"
Thím Dũng đỏ mặt cười ngặt nghẽo, tay cầm con cá rô mới đánh vảy được một nữa rớt lên rớt xuống. Thím kêu mấy đứa nhỏ:
"Đi bứt dùm thím rổ lá giang đi chớ tụi bây ngồi đó nghe thằng chả nổ hoài một hồi banh xác hết."
Thằng Tí, con Tiên sún, con Thương với nguyên đám nhỏ đang bu lại chơi chọi lon được một bữa cười ê răng.
Bà Sáu giận cũng dữ mà hết giận cũng nhanh, chú Dũng thì cười cười mà trong dạ bứt rứt hoài tại chú biết chú trật. Mình cũng có con có cái mà đi ghẹo đứa nhỏ cù bấc cù bơ không cha không mẹ, ngẫm lại sao mà thất đức dữ dằn.
Nhớ hồi đó, hổng ai biết ở đâu mà bà Sáu đem về một đứa nhỏ, hỏi thì Sáu hổng kể. Thấy con nhỏ đói sữa khóc ngoác cái miệng, cái đầu bự hơn cái mình cả xóm thương quá xúm lại phụ lo cho nó. Có bữa giấc sáng chú vác cuốc đi đắp bờ thấy nó nằm trên tay bà Hai Khuya ngủ phè, trưa lại bắt gặp nó phơi rún ngủ trên võng nhà mợ Chín Hương, xế chiều lại thấy nó ở đằng nhà thím Tám Chiêm, bả bỏ nó vô thau tắm rửa, kì cọ. Chập tối đi đặt lợp dìa vợ chú lại bắt chú rước nó xuống đặng vợ chú cho bú. Cứ bữa nào bà Sáu mắc đi rừng cắt tranh, chặt chổi không đem theo nó được là y như rằng. Út Tiên nhỏ hơn con Thương ba, bốn tháng. Vợ chú nhiều sữa nuôi hai đứa khỏe re, chớ không là con nhỏ uống nước cơm thấy bà, tại hồi đó bà Sáu còn khổ lắm. Được cái con Thương nó dễ ai ẳm cũng cho, ít bệnh quạng rồi cứ vậy mà lớn lên trên tay chòm xóm. Chắc có mỗi bà Tư Bông nhà gần dưới bến sông là móc mỉa nó thôi, bả nói: "Nghèo mà bày đặt đèo bòng nuôi con cho thiên hạ mà cái đồ con hoang đó cũng có phước dữ à, cháu tui bỏ bù lăn bù lốc kìa ai nuôi hôn tui đem xuống cho?"
Hổng phải bả ghét bỏ riêng gì con Thương mà hình như bả nhìn ai cũng thấy ngứa mắt hết. Hồi xưa ông Tư mất bả đem bán sạch mấy mẫu ruộng, có vốn rồi thì cho người ta vay tiền ăn lời cắt cổ thành ra phất lên giàu lắm. Hễ ai trễ lãi một bữa là bả xuống tới nhà chửi vuốt mặt không kịp, thấy thứ gì có giá là bả biểu con bả bưng đi luôn. Chú Dũng nhớ hoài cái đợt thằng Quân vay tiền chở ba nó đi trị bệnh, tháng đó nó cứ chạy tới chạy lui từ nhà vô nhà thương tỉnh không có mần ăn gì được, xin bả đóng thiếu bốn ngàn tiền lãi mà bả chỉa ngón tay đeo chiếc cà rá thừ lứ vàng khè vô giữa trán nó chửi rùm beng:
"Cái thứ miên mọi tụi mầy tính ăn giựt tao hả?"
"Mấy đứa nghèo là mấy đứa hèn mà!"
"Đã nghèo thì hốt thuốc Bắc, thuốc Nam uống đi bày đặt đi nhà thương đồ!"
"Ăn tiền của tao thì phải ói ra cho bằng được, chứ xin thư thả mấy bữa là thư thả kiểu gì mậy?"
Bà Sáu Tống thấy vậy có chín trăm đồng cho mượn tám trăm, chú Dũng cũng vét túi cho mượn một ngàn rồi vợ chồng Hai Ân cho thằng Quân mượn thêm hai ngàn hai để nó đóng đủ lãi cho bà Tư Bông, chớ cái giọng chửi của bả chua lét, the thé không ai chịu nổi còn đám con bả thì vác cây hèo đứng vòng vòng như du đảng làm mấy đứa nhỏ sợ gần chết. Cầm tiền rồi mà bả còn nguýt háy dằn mặt từng người xong mới chịu đi. Tưởng gì, bả nổi lên được có hai, ba năm chớ nhiêu đâu? Con bả ghiền đá gà còn bả ghiền bài tứ sắc, tiền của đem đổ vô mấy cái sòng trong rừng Tầm Đinh hết rồi bị công an bắt luôn, ở tù mấy tháng mới được thả ra. Mấy mẹ con khổ như Tô Ánh Nguyệt mà có ai thèm ngó ngàng tới, chạy ngược chạy xuôi không ai giúp gì hết. Bả đổ cho cuộc đời lên voi xuống chó, chửi thiên hạ ăn cháo đá bát chớ không nghĩ là tới lúc mình phải trả báo. Bả đâu có nhớ bả cho vay năm chục mà thấy vợ chồng người ta khờ, không biết chữ là bả tự kê lên thêm thành năm trăm. Giấy trắng mực đen rồi mộc tay đàng hoàng nên thưa ra tới xã hai vợ chồng nọ cãi không lại, trả không nổi bả siết đất siết ruộng người ta. Bà Tư Bông chắc cũng quên cái chuyện bả ngon ngọt kêu chị Út Nhỏ vay tiền bả đi khỏi lên huyện vay ngân hàng chi cho xa cho cực, chừng nào có thì trả. Chỉ chưa kịp trả bả xúi con bả đi hiếp người ta trừ nợ. Trời xui đất khiến sao mà bữa đó bà Sáu Tống đi bán chổi dìa bằng đường truông, nghe được tiếng kêu cứu trong rừng chớ không chắc tàn đời Út Nhỏ vậy mà bà Sáu với Út Nhỏ phải gánh cái tội vu oan giá họa cho con trai cưng của bà Tư Bông, nghe bả trù ẻo mốt chết xuống dưới bị Diêm Vương cắt lưỡi. Thằng con bả vác cái đầu quấn băng nùi nùi ra cười khẩy nó nói tại nó nhậu xỉn lọt mương còn hất cằm hỏi chị Út Nhỏ đi lấy bậy ở đâu cho đã về đổ thừa nó vậy. Ba chị Út Nhỏ sợ làm lớn chuyện ra người này người kia đồn thổi thì nguyên nhà có nước bỏ xứ đi luôn chớ mai mốt không ai dám lấy Út Nhỏ nữa nên cắn răng cắn cỏ lạy lục bà Tư Bông xin bả bỏ qua cho. Bà Sáu không chen vô cự cãi mà nhắn thằng dâm tặc kia đúng một câu làm mặt nó xanh lè xanh lét, về sau gặp bà toàn lủi lủi đi đường vòng. Bà Sáu nói vầy: Một lần nữa là tao thiến đó!
Bà Tư Bông ghét nguyên cái xứ này mà ghét cay ghét đắng nhất là bà Sáu Tống, ghét bà ưa lo chuyện bao đồng rồi ghét lây sang con Thương. Chớp mắt một cái mà qua mấy năm trời, bà Sáu Tống mạnh giỏi, con Thương lớn tần ngần còn bà Tư Bông vừa khổ vừa nghèo xác xơ, nghèo như cái cách bả rủa người ta.
Ông bà xưa nói phải quá:
"Lúa một chục, trả một thiên
Cho vay cắt cổ đừng phiền tại ai!"
Bình luận
Chưa có bình luận